CHÙA HANG

                                                                       Lê Vinh Bổn

Đến Quảng Ngãi mà không về Chùa Hang để du quan là một thiếu sót vô cùng đáng tiếc. Chùa Hang còn có tên thường gọi là Chùa Ông Rau thuộc địa phận Thôn Tân Định xã Long Phụng, nay là xã Đức Thắng huyện Mộ Đức Tỉnh Quảng Ngãi. So với những ngôi chùa khác thì chùa Ông Rau không có tầm vóc qui mô, cổ kính, nhưng lại có nét đẹp độc đáo của thiên nhiên khiến những ai đã đến du quan một lần cũng khó quên được.

Sách Đại Nam Thống Nhất Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn có chép: “Chùa Hang ở mé núi Long Phụng cách huyện Mộ Đức 7 dặm về phía đông trước chùa có khe suối vòng quanh cây cối xanh tốt”

Từ trung tâm thị xã Quảng ngãi du khách theo hướng nam đường Quốc lộ 1A đúng 10km là du khách đã đứng ngay trên phía nam cầu Sông Vệ – một con sông rất đổi nên thơ của đất Quảng. Du khách rẽ trái đi về phía đông theo đường hương lộ đã cấp phối khoảng 6km là đến nơi. Đoạn đường hương lộ này quang co như để trợ sức cho sự oặn mình sinh nở của con Sông Vệ tạo nên phù sa màu mỡ cho những dải đồng ruộng tươi mướt hai bên bờ.

Tuy du khách phải đi trên chặng hương lộ 6 km nhưng chỉ cần đến cầu Ông Phó là các bạn sẽ thấy dãy Long Phụng Sơn hiện ra y chan một con rồng đắc ý dương cổ lên chụp đớp mặt trời. Dừng lại giây lác trên thành cầu giữa cánh đồng tươi mượt như nhung, nhìn dãy núi Long Phụng, du khách sẽ cảm thấy mình đang đứng trước một linh vật kỳ ảo và mọi mệt nhọc như quên đi lúc nào không còn hay biết. Đi tiếp một quãng đương ngắn thì bạn đến bãi tắm biển Tân Định, dọc theo bãi tắm này độ 100m về phía nam là đến Chùa.

Cảm quan đầu tiên lẵng vào du khách là âm thanh kỳ diệu mênh mông của đất trời: tiếng sóng thì thầm hoà vào tiếng vi vo của rừng dương như những nhạc khúc mà chúng ta đã nghe từ một khoảng thời gian tưởng chừng như rất xa xôi …. tưởng chừng như dìu ta lạc vào vào một không gian huyền diệu. Ở đó không còn nhừng âm thanh chát chúa, những tiếng xe cộ ồn ào, tiếng karaoke với nhạc Rock xập xình. Nhưng ấy chỉ là thú vị đầu tiên. Khi du khách theo bực cấp đá ong lên chùa, tâm thái của những người mới đi lần đầu thường chờ đợi sẽ gặp một ngôi chùa uy nghi, cổ kính với những nhà sư trang nghiêm …..!

Nhưng mà không, du khách sẽ ngạc nhiên khi bước lên bậc cấp cuối cùng là một khoảng rộng, phẳng núp dưới khối đá khổng lồ ăn sâu trong lưng núi Long Phụng. Đó chính là nét riêng biệt độc đáo của Chùa Hang!

Đứng ở giữa chùa, du khách sẽ thấy từ trong hông núi nhô ra một tảng đá thật đồ sộ tạo thành mái hiên chùa, che một khoảng rộng chừng 10m2. Cái thế đá núi trời sinh từ đời này qua đời nọ mà vẫn gợi cho bao du khách đứng dưới có cảm giác rờn rợn, sờ sợ: tưởng như khối đá khổng lồ này rời ra, rớt ập xuống đầu như chơi!

Chùa hẹp, diện tích khoảng 15m2, có ba bộ ghế thờ bằng đá. Hiện nay, không còn một hình tượng gì trên ba bộ ghế đá thờ này, chỉ thấy những nét chữ Hán lờ mờ không nhận rõ và ba chén cát có tăm nhang hoen mục. Năm 1958-1962, có một vị Tăng Sĩ pháp danh: Như Hoà ở thôn Mỹ Khánh đến ở kinh kệ, cho thuốc trị bệnh bằng nước suối phía trước chùa và thuốc nam trồng ở khoảnh đất dưới chân núi. Những ngày tháng ấy, du khách và bệnh nhân tấp nập, lai vãng. Trên ba bệ đá thờ có nhiều hình tượng đức Bồ Tát và chùa lúc nào cũng nực phức khói hương. Những năm sau đó chiến tranh khốc liệt, vị Tăng Sĩ đi đâu không được rõ.

Ở mé tả chùa (phía đông) có một miệng hang rộng chừng 5 tấc sâu thẳm vào giữa lòng núi, tối sầm như một địa huyệt. Các cụ già trong làng thường kể quả quyết rằng hang này ăn thông ra biển. Bằng chứng là lấy một quả bòng ghi dấu rồi thả xuống miệng hang thì ngày sau sẽ thấy quả bòng nổi trôi ngoài mé biển. Chẳng rõ điều ấy hư thực! Ba mươi sáu năm trước, hồi ấy tôi còn niên thiếu, mỗi lần lên chùa, tôi thường năm ghé tai vào miệng hang nghe một âm thanh hoang sơ, thăm thẳm mơ hồ và cảm thấy một làn hơi nước theo nhịp sóng biển phà vào da mặt rười rượi!

Ở vách đá phía tay mặt có một lối đi được cho vài người. Men theo lối này, du khách tưởng như mình sẽ đi vào giữa lòng núi. Nhưng mà không khoảng vài chục bước ta sẽ gặp một lối rẽ, ánh sáng mặt trời hắt vào từ một khe hở, theo khe này ta sẽ lên trên đỉnh mái chùa tức trên lưng của núi Long Phụng. Tất cả thật kỳ dị lạ lùng! Trong một hang đá mà trời sinh ra đôi nẻo âm dương – một đường lên trời, một miệng hang xuống biển!

Đầu thập niên 60, nhà văn Quách Tấn và một số văn nhân đã du quan trên núi Long Phụng, chùa Ông Rau, không kìm được cảm xúc, đoàn du quan đã viết hẵng chục bài văn thơ đề vịnh. Sau đây, chỉ xin ghi lại một bài tiêu biểu:

Tẻ lắm! ông Rau ! ông hỡi ông !

Ông đi đâu mất bỏ chùa không !

Hang sâu phó mặc bầy dơi ở

Vách trống khôn ngăn ngọn gió lồng

Nước vẫn nhuần lòng cơn nắng hạ

Cát dương vùi lấp ngọn triều đông

Không ai nối gót tu hành trước

Đài cảnh còn soi rạng núi sông!

Lê Kỉnh

Chuyện Ông Rau tương truyền rằng cách đây gần vài trăm năm có một nhà sư không ăn ngủ cốc, không kinh kệ suốt ngày ngồi tham thiều. Đến ngọ, hái rau ăn qua loa rồi nhập định lại. Tên ông cùng quê quán nơi nào không ai biết được. Dân làng chỉ thấy ông ăn rau và nơi hang đá ông tu gọi là chùa, lâu ngày thành quen nên gọi là chùa ông Rau. Thỉnh thoảng, dân làng cũng thấy xuất hiện tiểu đệ trong hang, ông đã viên tịch hay vân du nơi khác không ai biết.

Về giai thoại này, lâu nay tôi vẫn thường suy nghĩ: Ông Rau hay một vị  tướng quân của Tây Sơn ẩn náu khi thành Phú Xuân và Thăng Long thất thủ? Và biết đâu việc ẩn náu của vị tướng quân này có liên quan đến tin tức về nơi ẩn trú của hai người  con Hoàng đế Quang Trung là Ngọc Bảo và Ngọc Đức mà đến nay giới sử học cũng chưa xác định chắc chắn là công chúa và Thái Tử được ẩn dấu nơi nào trên đất Quảng.

Trong quyển : Tây Sơn- Nguyễn Huệ” học giả Lê Tư Lành cho biết hai con của vua Quang Trung chạy vào đất Quảng khi thánh Phú Xuân rơi vào tay Gia Long năm Ất Dậu 1801. Theo các tài liệu lịch sử khác tương đối thống nhất; khi mất Phú Xuân hai con của vua Quang Trung vào xứ Quảng và sau đó bị Gia Long sát hại. Gia phả họ Nguyễn Đăng ở Hà Bắc ghi chép phù hợp là bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Ngọc Hân Công chúa nhờ người vào tận xứ Quảng đưa hài cốt hai cháu ngoại về (thế giới mới số 69-1993).

Tại Quảng Ngãi, nhận được tin thành Thăng Long thất thủ tướng quân Lê Sỹ Hoàn lúc ấy là quan trấn thủ của triều Tây Sơn mở kho phát lương thực và quần áo cho binh sỹ rồi cho về, còn ông thì ẩn náu trong dân. Chùa Hang nằm trong địa phận của làng Đông Dương nay là thôn Dương Quan và Tân Định. Nơi đây có Đô đốc Huỳnh Văn Nhuận đã từng sát cánh với Quang Trung đại phá quân Thanh được phong làm Lại Bộ Thị Lang rồi Kinh Lược Sứ Thanh Hoá và em ruột ông là Huỳnh Thị Cúc là một trong năm tướng tài giỏi của Tây Sơn. Hơn nữa dọc bờ biển về phía nam Chùa Hang độ 3km là vùng đất xã Đức Phong, nơi có Đô đốc Nguyễn văn Huấn và Đại Tư Mã Nguyễn Văn Danh cũng là lương thần danh tướng Triều Tây Sơn. Thế nên nhà Tây Sơn rất ưu ái với nhân dân Quảng Ngãi. Trong bài truyền hịch ngày 28/07/1792 lúc chuẩn bị đánh Gia Định vua Quang Trung cũng nhận rằng “…Trẫm đã chiến thắng trong Nam ngoài Bắc chính nhờ sự phù hộ hết lòng của nhân dân hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn ….”.(“Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ” NXB –QĐND -1971). Còn về địa thế của Chùa Hang rất thuận lợi cho sự ẩn náu vì được núi, biển bao bọc và dọc từ phía tây nam đến đông bắc là đồng ruộng mênh mông, đầm lầy lạch nước nên rất dễ phát hiện kẻ đến người đi. Hai yếu tố địa thế nhân tình cùng những dữ kiện của lịch sự khiến ta suy nghĩ chuyện ông Rau hay là tướng quân Lê Sỹ Hoàn ẩn trú và tiểu đệ trong Chùa Hang có gì liên quan đến công chúa và thái tử của Hoàng đế Quang Trung.

Vấn đề này đúng hay không là phần thẩm định của lịch sử, ở đây tôi chỉ trình bày một nghi vấn để thêm tin tức cho sự dò tìm của khoa học lịch sử hầu tưởng nhớ đến bậc anh hùng lỗi lạc của dân tộc.

Chùa Hang là một danh thắng với những truyền thuyết lý thú thật khó có giữa thời dịch vụ du lịch đanh thành cao trào. Năm 1994 Chùa Hang núi Long Phụng đã được xếp hạng và có quyết định công nhận di tích văn hoá lịch sử. Nhưng thật đáng tiếc hiện nay Chùa Hang không có người tu hành, trù trì. Sát lưng chùa là hầm khai thác đá ong loang lỗ, trước mặt chùa cây cối gai góc um tùm kín mít không lối đi, con suối trước chùa thì cạn kiệt, miệng hang ăn thông ra biển đã lấp tự bao giờ …! Chùa mang vẻ hoang sơ, hiu hắt và đang trên đà trở thành phế tích.

Mong chính quyền địa phương và nghành chủ quản sớm có phương án tôn tạo để giữ gìn di tích, thắng cảnh độc đáo này. Nếu không thì mai hậu con cháu biết đến Chùa hang như một truyện cổ tích hoang đường .

Long Phụng năm Bính Tý 1966