CHÙA THÌNH THÌNH (VIÊN GIÁC TỰ)

                                                                           Lê Vinh Bổn

Chùa Viên Giác đã được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi có quyết định số 1881 ngày 25 tháng 10 năm 1993 xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, tọa lạc trên đỉnh bằng núi Thanh Thanh Sơn, nay thuộc thôn Diên Lộc, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, cách thành phố Quảng Ngãi về hướng Đông bắc độ 4 cây số đường chim bay.

Núi Thanh Thanh Sơn có một huyền thoại về tiếng động thình thình phát ra từ trong lòng núi nên còn có tên là núi Thình Thình. Núi có độ cao 168m, phía tây giáp Tham Hội, đông giáp Diên Lộc, nam giáp Trường Thọ, bắc giáp Lương Nông. Núi Thình Thình được cấu tạo giống như hình thể cá sấu, có độ nghiêng từ 32o– 42o nên hai phía đông tây chênh nhau, dọc theo núi Phượng Hoàng cắt giữa xứ Trung Ngôi và hồ Chuồng Trâu.

Tương truyền về tiếng động thình thình rằng: Ngày xưa, có vị Thiền sư lập am tu trên núi. Sau hơn 10 năm nhập định, vị Thiền sư nầy chứng quả và phát nguyện khi viền tịch không cần nhập tháp mà chôn vào lòng núi. Ngài nằm đó và dùng thần thông diệu pháp để phát hiện kẻ dữ người hiền. Nếu là người hiền lương khi họ lên núi, bước chân đến đâu thì từ trong lòng núi sẽ phát ra âm thanh êm ả. Nếu là kẻ dữ, mỗi bước chân của họ thì từ trong lòng núi sẽ phát ra âm thanh gầm gừ “ình ình” của loài ác thú tựa như hợp âm quảng 7- là hợp âm tối kỵ của âm nhạc. Hợp âm nầy làm cho người ta đinh tai nhức óc, có khi giẫy dụa, lăn quay. Về sau, tiếng “ình ình” chuyển thành thình thình.

“ Núi Thình Thình, Chùa cũng Thình Thình

Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm

Vì đâu nên tiếng nên tăm

Để cho miếng đất ngàn năm Thình Thình..!”

Những năm cuối thế kỷ 20, một số nhà nghiên cứu vật lý cho biết: chỉ có khoảng đất có chu vi 1000m trên đỉnh núi mới nghe tiếng thình thình. Càng đi về phía giếng đào 20 thước âm thanh càng lớn.

Chùa Viên Giác do Tăng cang Hòa Thượng Diệu Quang khai sơn vào năm Ất Hợi- 1935. Hòa Thượng có thế danh là Trần Phước Huy, sinh năm Tân Mão-1891 tại làng Sung Tích, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài xuất gia quy y tại Chùa Thiên Ấn với Hòa Thượng Ấn Tham-Tổ Văn-Hoằng Phúc; được ngũ Tổ cho pháp danh Chơn Trung, tự Đạo Chí, hiệu Diệu Quang, theo dòng Lâm Tế Vạn Phong Thời Ủy thuộc Pháp phái Chúc Thánh.

          Năm Canh Thân-1920, ngài làm đệ thất Tôn chứng tại Đại giới đàn chùa Sắc Tứ Phước Quang do Tăng Cang Hòa Thượng Hoằng Tịnh làm đàn đầu.

Ngày mùng 4 tháng giêng năm Tân Dậu-1921, ngài được chư sơn lục phủ huyện cung thỉnh Trụ trì Chùa Thiên Ấn.

Năm Mậu Thìn-1928, ngài được triều đình sắc ban Tăng Cang.

Năm Canh Ngọ-1930, ngài xin Chính phủ khai thông con đường xoắn ốc từ chân núi Hó lên cổng Tam quan Chùa Thiên Ấn.

Năm Tân Mùi-1931, ngài khai mở giới đàn tại Chùa Thiên Ấn và ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu.

Ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất-1934, ngài làm Tuyên luật sư tại Đại giới đàn Chùa Sắc Tứ Thạch Sơn do Hòa Thượng Hoằng Thạc làm Đàn đầu. Tháng 7 cùng năm này, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh Giới đàn Chùa Linh Quang (xã Đức Chánh) do Hòa Thượng Phổ An làm Đàn đầu.

Ngày 25 tháng 7 năm Mậu Dần-1938, trong cuộc họp thành lập Chi Hội An Nam Phật học Quảng Ngãi tại Chùa Thiên Ấn, ngài được cung thỉnh vào Ban Chứng minh Đạo sư cùng với Hòa Thượng Hoằng Thạc và Hòa Thượng Trí Hưng. Năm 1942, An Nam Phật Hội Quảng Ngãi thành lập Ban Trị sự tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ngãi, ngài được suy cử làm Chứng minh Đạo sư.

Năm Giáp Thân-1944, ngài khai sơn Chùa Kim Liên ở Đồng Ké, Sơn Tịnh.

Ngày 12 tháng 6 năm Bính Tuất-1946, Chùa Thiên Ấn nằm trong vùng giao tranh nên có thể bị Pháp thả bom, ngài đã thỉnh dời toàn bộ Phật tượng và Pháp khí về chùa Khánh Vân xã Tịnh Hòa để được bảo quản an toàn. Mãi đến ngày mùng 1 tháng 3 năm Bính Thân-1956, Hòa Thượng Huyền Tấn mới thỉnh hồi về lại Tổ Đình Thiên Ấn.

Vào giờ Ngọ ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Thìn, Hòa Thượng Diệu Quang viên tịch tại Chùa Viên Giác, hưởng thọ 62 tuổi. Ngài được nhập tháp trong khuôn viên Chùa Viên Giác. Để tưởng nhớ công đức ngài, chư sơn Quảng Ngãi cũng đã xây tháp vọng thờ trong vườn Chùa Thiên Ấn và suy tôn ngài vào ngôi Đệ lục Tổ của Phật Giáo tỉnh Quảng Ngãi.

Viên Giác Tự là ngôi chùa mà Thánh tử đạo Thích Hạnh Đức (thế danh Trần Văn Minh 1948-1967) xuất gia qui y vào tháng 6 năm Kỷ Hợi- 1959, được Bổn sư HT Huyền Đạt cho pháp danh Thị Hoàng. Năm Bính Ngọ 1966 thọ Sa di giới tại Giới đàn chùa Hội Phước được Giới sư HT Huyền Tế cho pháp tự Hạnh Đức, pháp hiệu Giác Bình.

Ngày 31 tháng 10 năm 1967 Đại đức Thị Hoàng- Hạnh Đức- Giác Bình đã hiến dâng tuổi thanh xuân để phản đối sắc luật 23/67 của chính quyền đương thời nhằm phân hóa và làm suy yếu phật giáo Việt Nam với ngọn đuốc rực sáng trước cổng Tam Quan chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi (Ngã ba Bồ Đề) khi vừa tròn 19 tuổi, có 9 năm trao dồi đạo hạnh.

Ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phong Thánh Tử Đạo đầu tiên tại Quảng Ngãi.

Kế thừa Trụ trì Chùa Viên Giác là Hòa Thượng Như Lợi-Giải Lý-Huyền Đạt, thế danh là Trương Bá Kiên-1903-1994. Năm 1990, Hòa Thượng Huyền Đạt tổ chức trùng tu xây dựng lại cách chùa cũ độ 100m trên khu vườn hơn một mẫu. Mặt chùa nhìn về hướng tây. Trên cổng Tam quan đắp hình lưỡng long tranh châu, có 4 câu đối.

+ Thanh Thanh thắng cảnh Bình Sơn bách thế cư dân thiên cổ thạnh.

– Viên Giác quang chiếu phổ minh thập phương ngộ Phật vạn đợi xương.

+ Thanh Sơn quảng đại phật từ hóa độ cảm niệm nhơn viên đồng tán ngưỡng.

– Khiết tịnh sơn hà pháp vũ khai lai thập phương Tăng tín trọng qui y.

Ở giữa sân chùa, tôn trí 3 phật tượng cao 3m đứng trên đế tòa sen 1,25m. Bên phải chánh điện có tháp 5 tầng của Hòa Thượng Diệu Quang. Trên vách trước lầu chuông trống có 4 câu đối:

+ Bạch tiết không trung lịch kim thân dạ lạc sánh cầm diệu pháp.

– Thanh sơn thượng thiền Viên Giác tự tiêu chung mộ cảnh quang đài.

+ Viên quang diệu sắc kim huỳnh khấu đầu đảnh lễ đáo cao ban.

– Giác tận tam thiên vô quái kinh văn chúc tán quán càn khôn.

Chánh điện thờ Phật tổ, Chuẩn Đề, Tiêu Diện, Địa tạng. Hai góc vách trước chánh điện là gác chuông trống. Chuông đúc vào năm Quí Mùi-1943, đường kính 75cm, nặng 120 kg, có 4 U : xuân, hạ, thu, đông.

Trên vách hậu chánh điện có 2 câu liễng:

+ Bạch ngọc khám trung vô khứ vô lai chi diệu tướng

– Huỳnh kim điện thượng bất sinh bất diệt chi từ tôn.

Trên cột trước chánh điện cũng treo hai bức liễng.

+ Dương liễu thủ trì cứu khổ quần sanh mông giải thoát.

– Bửu châu, chưởng ốc chiếu khai hắc ám đắc quang minh.

Nối liền chánh điện, ở gian sau là phần thờ Hậu tổ. Trên bệ giữa, thờ tượng Đạt Ma, di ảnh, long vị tổ khai sơn và tổ kế thừa. Hai bên tả hữu thờ di ảnh bá tánh linh. Có 2 câu đối:

+ Tổ tổ truyền thừa Ca Diếp, A Nan thành tứ thất

– Sư sư tương thọ Đạt Ma, Huệ Khả kế nhị tam.

Hai bên hông nhà chánh điện có lối đi xuống nhà Tăng, nhà Phương trượng và nhà trù, tạo thành chữ khẩu sân sau.

Năm 1994, Hòa Thượng Huyền Đạt viên tịch, kế thừa là Thượng Tọa Thị Giáo-Hạnh Phát-Giác Thông thế danh Mai Trợ. Sau đó, Thượng tọa Hạnh Phát lâm bệnh nên giao phó cho Hòa Thượng Thị Phước-Hạnh Diên-Vĩnh Trường điều hành công tác Phật sự đến nay (2012).

Chùa Viên Giác nằm trên đỉnh bằng núi Thanh Thanh sơn- một dãy núi đẹp của vùng đồng bằng huyện Bình Sơn, lại có nhiều giai thoại thần kỳ. Thế nên không riêng gì vào những ngày lễ, mà thường nhật vẫn có du khách đến tham quan, chiêm bái.