SƠ LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO QUẢNG NGÃI

Lê Vinh Bổn

Lê Vinh Bổn đang thuyết trình về Lịch Sử Phật Giáo trong cuộc hội thảo lần cuối năm 2009 về tập   sách “Lược sử Phật Giáo và các ngôi chùa tỉnh Quảng Ngãi” – tại Tỉnh hội Phật Giáo Quảng Ngãi

a) Những bài Kệ Lâm Tế Tông truyền vào Quảng Ngãi :

Trước khi tìm hiểu về Phật giáo Quảng Ngãi, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu các pháp phái thuộc Thiền Tông Lâm Tế do Tổ sư Nghĩa Huyền (787-867) khai sáng, đã được Chư Tổ hoằng truyền trên miền đất Quảng từ hậu bán thế kỷ thứ 17.

Người được lịch sử Thiền Tông Việt Nam tôn xưng là Sơ Tổ của tông Lâm Tế truyền vào xứ Đàng Trong là Ngài Siêu Bạch-Hoán Bích – Lâm Tế đời thứ 33, còn gọi là Nguyên Thiều-Thọ Tông (1648-1728), quê ở Quảng Đông-Trung Hoa. Năm 1665, Ngài qua Đại Việt lập chùa Thập Tháp (Bình Định), sau đó Ngài ra Thuận Hoá lập chùa Hà Trung, rồi vào Huế lập chùa Quốc Ân, xây tháp Phổ Đồng.

Đứng sau Ngài một thế hệ, những Thiền sư chữ Minh (đời 34) hoặc 2 đời là chữ Thiệt (đời 35) cũng có xuất Kệ lập giáo. Thế nên tại Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng có một số bài Kệ được Chư Tổ hoằng truyền như sau:

  • Lâm Tế Thiên Đồng:

Thiền tông Lâm Tế Nghĩa Huyền truyền đến đời thứ 21, có Ngài Vạn Phong – Thời Uỷ (1303-1381) ở chùa Thiên Đồng-Trung Hoa biệt xuất bài Kệ như sau:

Tổ Đạo Giới Định Tông

Phương Quảng Chứng Viên Thông

Hành Siêu Minh Thiệt Tế

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không

Bài Kệ này truyền đến đời thứ 39 (chữ Ngộ) thì Hoà thượng Ngộ Thiệu-Minh Lý (1836-1889) trú trì chùa Thập Tháp (Bình Định) có bài tục Kệ:

Như Nhựt Quang Thường Chiếu

Phổ Châu Lợi Ích Đồng

Tín Hương Sanh Phước Huệ

Tương Kế Chấn Từ Phong

Tại Quảng Ngãi, dòng Kệ này được Tổ đời thứ 34 là Thiền sư Minh Dung-Thành Chí-Pháp Thông (1631-1749) truyền thừa sau khi Ngài khai sơn chùa Hoàng Long (Tư Nghĩa) vào năm Mậu Tuất-1670. Đệ tử Ngài mà ta được biết là Đại sư Thiệt Giám-Trí Quang trú trì chùa Sắc tứ Liên Tôn và Yết ma A xà lê Hồ Thiệt Tuyên trú trì chùa Thiên Khánh (Tư Nghĩa).

Lịch sử Thiền Tông gọi dòng Kệ này là Lâm Tế Thiên Đồng. Nhưng vì do Thiền sư Nguyên Thiều là Tổ đầu tiên truyền bài Kệ này tại chùa Thập Tháp (Bình Định) và Quốc Ân (Huế) nên Phật giáo Việt Nam gọi là dòng thiền Lâm Tế Nguyên Thiều.

  • Lâm Tế Gia Phổ:

Dòng thiền Lâm Tế Thiên Đồng của Tổ Vạn Phong-Thời Uỷ truyền xuống đời thứ 31, Tổ Mộc Trần-Đạo Mân họ Lâm sinh năm Bính Thân-1596 tại Triều Châu dưới thời Vua Minh Thần Tông. Ngài đắc pháp với tổ Mật Vân-Viên Ngộ được Tổ Ấn Chứng với pháp danh Thông Thiên.

Năm Kỷ Hợi 1659, Ngài được vua Thanh Thế Tổ thỉnh về Kinh đô thuyết pháp và tặng thuỵ hiệu là Hoằng Giác Quốc sư.

Ngày 27 tháng 6 năm Giáp Dần 1674, niên hiệu Khang Hy thứ 13 triều vua Thanh Thế Tổ, Ngài thị tịch. Những tác phẩm Ngài để lại có: Hoằng Giác Mân thiền sư ngữ lục, Tấu thọ lục, Bố Thuỷ đài Văn tập, Bắc du tập.

Tổ khai sơn chùa Thiên Khai, biệt xuất Kệ truyền pháp như sau:

Đạo Bổn Nguyên(1) Thành Phật Tổ Tiên

Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ truyền

Lịch sử Thiền tông Việt Nam gọi là dòng Lâm Tế Gia Phổ, được truyền thừa khá sâu rộng tại xứ Đàng Trong như chùa Giác Lâm, Giác Viên (Sài Gòn), Đại Giác, Long Thiền (Đồng Nai), Linh Mụ (Huế), Phi Lai (Châu Đốc) …

Tại Quảng Ngãi, theo bia ký và long vị có Tổ Phật Bảo-Pháp Hoá khai sơn chùa Thiên Ấn, Thiền sư Phật Tuyết-Quảng Độ trú trì chùa Viên Tôn (Bình Sơn).

  • Lâm Tế Trí Huệ:

Bài Kệ này do Tổ Trí Bản – Đột Không biệt xuất, gọi là dòng Lâm Tế Trí Huệ:

Trí Huệ Thanh Tịnh

Đạo Đức Viên Minh

Chân Như Tánh Hải

Tịch Chiếu Phổ Thông

Tâm Nguyên Quảng Tục

Bổn Giác Xương Long

Năng Nhơn Thánh Quả

Thường Diễn Khoan Hoằng

Duy Truyền Pháp ấn

Chánh Ngộ Hội Dung

Kiên Trì Giới Định

Vĩnh Kế Tổ Tông

Bài Kệ này có Thiền sư Minh Châu-Hương Hải truyền thừa trong miền Thuận-Quảng. Tại Quảng Ngãi có đệ tử nối pháp của Ngài là Đại sư Tịch Huy-Chơn Thành(2) ở chùa Trung Hưng (Nghĩa Hành). Về sau, vì sự hiềm nghi của chúa Nguyễn Phúc Tần, tổ Minh Châu Hương Hải ra Bắc nên thất truyền.

  • Lâm Tế Liễu Quán:

Tông Lâm Tế truyền xuống đời thứ 35, có Thiền sư Thiệt Diệu-Liễu Quán (1667-1742) là người Việt Nam, quy y tổ Tế Viên. Ngài thọ Sa di với Hoà thượng Thạch Liêm (phái Tào Động) thọ Cụ túc giới với Hoà thượng Từ Lâm và cầu pháp với Thiền sư Minh Hoằng-Tử Dung ở chùa Từ Đàm. Vậy Ngài thọ giáo với bốn sư theo bốn hệ nên có lẽ Ngài không biết theo dòng Kệ nào?

Năm 1720, Ngài xây chùa Thiền Tôn và xuất Kệ truyền pháp như sau:

Thiệt Tế Đại Đạo

Tánh Hải Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Đức Bổn Từ Phong

Giới Định Phước Huệ

Thể Dụng Viên Thông

Vĩnh Siêu Trí Quả

Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý

Diễn Xướng Chánh Tông

Hành Giải Tương ưng

Đạt Ngộ Chơn Không

Bài Kệ truyền pháp này của Tổ sư Thiệt Diệu đã thâm nhập và phát triển một cách nhanh chóng khắp nước Việt. Tại Quảng Ngãi có tổ Tế Chơn-Liễu Ngộ-Quảng Tế trú trì chùa Viên Tôn và Đại Niệm-Hoằng Từ-Quảng Vi Bùi Văn Mai trú trì chùa Diệu Giác từ năm 1848-1866..v..v… Đến những năm gần đây, nhiều Tăng, Ni tu học tại Miền Nam được bổ nhiệm trú trì một số ngôi chùa trong tỉnh Quảng Ngãi.

  • Lâm Tế Chúc Thánh:

Chúc Thánh là tên ngôi chùa ở Hội An-QuảngNam mà tổ Minh Hải-Pháp Bảo khai sơn. Thiền sư Minh Hải thế danh là Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất-1670 tại tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Ngài xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Quảng Châu, có pháp danh Minh Hải tự Đắc Trí hiệu Pháp Bảo. Thế nên Ngài là đời thứ 34 dòng Lâm Tế theo bài Kệ của tổ Vạn Phong-Thời Uỷ chùa Thiên Đồng.

Ngài sang Đại Việt cùng với Hoà thượng Thạch Liêm năm Ất Hợi-1695 thể theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu để lập giới đàn truyền giới. Sau đó, Thiền sư Minh Hải, Minh Hoằng, Minh Lượng-Thành Đẳng… không về Trung Quốc mà ở lại Đại Việt hoằng hoá. Ngài Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh vào khoảng năm 1696 và biệt xuất bài kệ truyền pháp như sau:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

Và bài Kệ truyền pháp tự:

Đắc Chánh Luật Vi Tôn

Tổ Đạo Giải Hành Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Thiên Nhân Trung

Bài Kệ này Phật sử gọi là dòng Lâm Tế Chúc Thánh, đã được hoằng truyền khắp xứ Đàng Trong. Tại Quảng Ngãi, theo bài Kệ truyền pháp danh và pháp tự thì có hai đệ tử được tổ sư Minh Hải hoằng truyền là Thiệt Uý – Chánh Thành – Khánh Vân (Đệ nhị tổ chùa Thiên Ấn) và Thiệt Uyên -Chánh Thông – Chí Bảo khai sơn chùa Bảo Lâm ở Sơn Tịnh.

Theo Đại đức Thích Như Tịnh trong “Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh” trang 225 đã nêu ra căn cứ vào cuốn Kinh A Di Đà Sớ Sao khắc in năm Cảnh Hưng thứ 27-1767 do Tỳ kheo Chí Bảo đứng tên ghi địa điểm chùa Bảo Lâm thuộc Câu Lạc xứ Duy Xuyên-Quảng Nam. Vì thế tác giả Như Tịnh nghĩ rằng chùa Bảo Lâm do Hoà thượng Chí Bảo khai sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, không phải địa phận tỉnh Quảng Ngãi như từ trước đến nay, chư vị tôn túc xứ Quảng truyền lại rằng Ngài Thiệt Uyên-Chánh Thông-Chí Bảo khai sơn chùa Bảo Lâm tại Tịnh Khê-Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, chúng tôi có phát hiện Bản Lâm Tế Chánh Phổ do Sơn môn tỉnh Quảng Ngãi cấp cho Sa di Đạo Thị ngày 17 tháng 11 năm Tân Hợi-1911 tại chùa Thạch Sơn (Quảng Ngãi) ghi phổ hệ như sau:

  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Bảo Lâm đường thượng huý Thiệt Uyên thượng Chánh hạ Thông Chí Bảo Hoà thượng.
  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập lục thế Phước Lâm đường thượng huý Pháp Kiêm thượng Luật hạ Oai Minh Giác Hoà thượng
  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập lục thế Viên Quang đường thượng huý Tế Chơn thượng Liễu hạ Ngộ Quảng Tế Hoà thượng
  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập thất thế Thiên Ấn đường thượng huý Toàn Chiếu thượng Trí hạ Minh Bảo Ấn Hoà thượng
  • …..

Theo như phổ hệ thì Thiền sư Luật Oai – Minh Giác là đệ tử quy y Hoà thượng Chí Bảo tại chùa Bảo Lâm, thời đó thuộc làng Tư Cung phủ Bình Sơn. Ngài Minh Giác sinh năm 1747 tại làng Ngọc Trì cũng thuộc phủ Bình Sơn và Ngài xuất gia quy y năm 1759 tức là mới có 12 tuổi, thì chùa Bảo Lâm ở quê nhà để Ngài quy y xuất gia hợp lý hơn là phải ra tận Duy Xuyên – Quảng Nam. Thêm nữa, khi Ngài Chí Bảo đắc pháp với tổ Minh Hải – Pháp Bảo rồi về Quảng Ngãi thì hẳn là Ngài khai sơn chùa Bảo Lâm ở làng Tư Cung phủ Bình Sơn để hành đạo như xưa nay Chư sơn và Chư Tôn túc đất Quảng truyền lại.

Một vấn đề nữa theo sách đã dẫn nơi trang 119, Đại Đức Thích Như Tịnh nói là có thể Tổ Phật Bảo – Pháp Hoá là đệ tử của Thiền sư Thành Đẵng – Minh Lượng ở chùa Vạn Đức (Hội An-Quảng Nam). Có lẽ thầy Như Tịnh căn cứ vào pháp kệ của Tổ Mộc Trần – Đạo Mân để suy luận. Thật ra, Thiền sư Thành Đẵng – Minh Lượng sang Đại Việt 1695 và đến năm 1699 Ngài mới khai sơn chùa Vạn Đức trong khi tổ Phật Bảo – Pháp Hoá đã qua Đại Việt từ thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) và đã khai sơn chùa Thiên Ấn vào năm 1694 rồi.

Theo phổ hệ trích dẫn ở trên thì chùa Viên Quang (Bình Sơn), là nơi mà Tam tổ Toàn Chiếu – Trí Minh – Bảo Ấn quy y, xuất gia với Bổn sư Tế Chơn – Liễu Ngộ – Quảng Tế Hoà thượng nhưng có vài tài liệu viết là chùa Viên Quang do tổ Bảo Ấn khai sơn.

Đây là những vấn đề chúng ta còn phải tìm hiểu nghiên cứu và khảo chứng.

Bài Kệ này truyền xuống đời thứ 41 thì Hoà thượng Như Nguyện – Giải Trình – Hồng Ân (1913-1986) khai sơn chùa Phước Lộc (Tp. Quảng Ngãi) cho đệ tử pháp danh chữ TÂM đặt pháp tự chữ TRỪNG và có bài kệ truyền pháp như sau:

Như Tâm Nguyên Tịnh

Tánh Hải Tịch Nhiên

Thanh Trung Hiển Đạt

Khế Ngộ Bổn Tâm

Và bài Kệ truyền pháp tự:

Giải Trừng Đức Niệm

Túc Liễu Giác Minh

Thái Truyền Đăng Pháp

Từ Huệ Độ Nhân

Hiện nay, kế truyền bài kệ này có Thượng toạ Trừng Nghị trú trì chùa Phước Lộc (Tp Quảng Ngãi), Thượng toạ Trừng Vinh trí trì chùa Phước Lâm (Đức Phổ)..v..v…

b) Tổ sư PHẬT BẢO-PHÁP HOÁ và CHÙA THIÊN ẤN:

Như chúng ta đã biết, từ thập niên 60 đến thập niên 80 của hậu bán thế kỷ 17, trên miền đất Quảng Ngãi đã có bóng dáng của một vài ngôi chùa. Nhưng phải đến năm Giáp Tuất-1694, Thiền sư Phật Bảo-Pháp Hoá khai sơn chùa Thiên Ấn trên núi Hó và được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề Sắc tứ năm 1716 thì nơi đây đã trở thành mạng mạch của Thiền tông Lâm Tế và cũng là trung tâm chính hoằng truyền của Phật giáo Quảng Ngãi.

Về tiểu sử, hành trạng, năm sinh, tịch, năm khai sơn chùa Thiên Ấn của Tổ sư Phật Bảo – Pháp Hoá có một vài tài liệu và ấn bản không trùng khớp, thiếu tính thuyết phục. Đây là vấn đề quan trọng của Phật giáo Quảng Ngãi và đến nay cũng chưa tổ chức được cuộc Hội thảo khoa học để làm sáng tỏ.

Theo quyển Tổ Đình Thiên Ấn lược sử của Ban Tổ Chức Khánh Thành Đại trùng tu Tổ đình Thiên Ấn do Nhà in Thanh Bình ấn hành ngày 10/2/1961 thì “Chùa Thiên Ấn do vị sư quê tỉnh Phúc Kiến-Trung Hoa, tục tánh Lê Duyệt pháp danh Minh Hải tự Phật Bảo hiệu Pháp Hoá Hoà thượng khai sơn. Ngài sang Việt Nam khai sơn chùa Chúc Thánh và lần vào Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn vào năm 1677. Pháp Hoá Hoà thượng, người sáng lập ra dòng kệ Lâm Tế, Chữ Minh đứng đầu là Pháp danh Minh Hải của Ngài:              Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

………..           (Chép nguyên văn bản lược sử trang 13)

Theo một số công trình nghiên cứu và những ấn bản mà chúng tôi đã dẫn chứng, chú thích trong phần viết về Tổ đình Thiên Ấn và theo khảo sát thực tế trên bia mộ, long vị ghi rõ: “Tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hoá huý thượng Phật hạ Bảo Hoà thượng chi tháp”. Như vậy, Tổ sư khai sơn chùa Thiên Ấn thuộc đời thứ 35 dòng Lâm Tế có pháp danh là Phật Bảo hiệu là Pháp Hoá thọ giáo theo dòng kệ của Ngài Mộc Trần – Đạo Mân (Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên).

Về vấn đề Hoà thượng Pháp Hoá khai sơn chùa Chúc Thánh rồi vào Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn năm 1677 và xuất bài Kệ “Minh Thiệt Pháp….” thì hoàn toàn thiếu căn cứ. Những công trình nghiên cứu đã ấn hành và Phật sử Việt Nam ghi nhận: Chùa Chúc Thánh là do Thiền sư Lương Thế Ân (1670-1746) pháp danh là Minh Hải tự Đắc Trí hiệu Pháp Bảo khai sơn và bài Kệ đó do Ngài biệt xuất chứ không phải của Tổ Phật Bảo – Pháp Hoá.

Về năm sinh, tịch của Tổ Phật Bảo, sách đã dẫn ở trên viết là “trong sáu mươi năm hoá đạo viên mãn, Ngài thị tịch vào ngày 27 tháng giêng năm Giáp Tuất (1737)”. Đối chiếu lịch vạn niên thì Giáp Tuất là năm 1754, Ngài thị tịch sau 60 năm hành đạo, vậy thì niên đại khai sơn chùa Thiên Ấn là năm 1694, không phải năm 1677 như sách đã viết. Theo những ấn bản có tính thống nhất thì Tổ Pháp Hoá có thế danh Lê Duyệt (Diệt) sinh năm 1670 tại tỉnh Phúc Kiến. Ngài sang Đại Việt cùng với sư Nguyên Thiều thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) và Thiền sư Pháp Hoá khai sơn chùa Thiên Ấn năm 1694 trước tổ Minh Hải Pháp Bảo qua Việt Nam 1 năm.

Trong sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tác giả Nguyễn Hiền Đức viết rằng: vào những năm 1694-1695, Tổ Nguyên Thiều và Tổ Minh Hải có liên quan đến vụ nổi loạn của Linh Vương, Quảng Phú tại Nam, Ngãi, Bình, Phú. Cho nên tổ Minh Hải vào khai sơn chùa Thiên Ấn, đổi pháp danh là Pháp Hoá, còn tổ Nguyên Thiều vào Đồng Nai khai sơn chùa Kim Cang đổi pháp danh là Siêu Bạch. Quan điểm này sai lệch với sự kiện lịch sử qua những yếu tố sau đây:

– Ngày mùng 1 tháng 4 năm Ất Hợi 1695 Giới đàn tại chùa Thiền Lâm (Huế) mới khai mở. Công tác hành đạo tại các chùa ở Hội An và Huế liên quan đến phủ chúa mãi đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý 1696 Hoà thượng Thạch Liêm mới về lại Trung Quốc. Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo trong Hội đồng truyền giới tiễn đưa Hoà thượng Đàn đầu ra về rồi mới ở lại khai sơn chùa Chúc Thánh vào năm 1696 thì làm sao tổ Minh Hải liên quan đến vụ nổi loạn của Linh Vương đã xảy ra, và khi tổ bề bộn công tác của Đại giới đàn? Nếu tổ Nguyên Thiều dính líu thì làm sao chúa Nguyễn Phúc Chu tặng Thuỵ hiệu “Hạnh Đoan Thiền Sư” và làm một bài minh khắc vào bia để ca tụng công đức của Thiền sư Nguyên Thiều (do chúa Nguyễn Phúc Trú dựng bia và đề). Thêm nữa, nếu hai Tổ sư liên quan vụ nổi loạn này thì làm sao quý đệ tử, quý pháp tôn yên thân tu học giữa thời kỳ mà án tru di tam tộc còn thi hành? Vì thế tổ sư Phật Bảo – Pháp Hoá và tổ Minh Hải -Đắc Trí – Pháp Bảo là hai chứ không phải là một và Tổ Minh Hải – Pháp Bảo không phải là người khai sơn Tổ đình Thiên Ấn.

Khi tổ Pháp Hoá viên tịch vào năm Giáp Tuất (1754) thì Thiền sư Thiệt Uý – Chánh Thành – Khánh Vân kế thế trú trì chùa Thiên Ấn cũng là điều tự nhiên của Phật giáo Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, đó là tính dung hợp. Hơn nữa, dù được truyền thừa theo pháp phái Tổ Đạo Mân Mộc Trần, hay Tổ Minh Hải – Chúc Thánh hoặc Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán…. thì cũng cùng một Tổ đình Báo Tư mà ra, và cũng từ bài Kệ Tổ Vạn Phong – Thời Uỷ ở chùa Thiên Đồng. Thế nên Chư Thiền Tổ đều xem như huynh đệ một nhà. Điều này được minh chứng cụ thể nơi Chư Thiền Tổ trú trì chùa Diệu Giác -Bình Sơn là ngôi cổ tự của Phật giáo Quảng Ngãi. Như tổ: Tế Hiệp – Hải Điện (Thiên Đồng), Phật Tuyết – Tường Quang (Mộc Trần – Đạo Mân), Tế Chơn -Liễu Ngộ (Liễu Quán), Tánh Đức – Đại Nghĩa (Trí Huệ), Chương Nhẫn – Từ Nhơn (Chúc Thánh). Vì vậy, từ khi ngài Thiệt Uý – Chánh Thành – Khánh Vân kế vị trú trì Thiên Ấn thì từ đây Tổ đình Thiên Ấn truyền thừa theo dòng kệ “Minh Thiệt Pháp Toàn Chương . . .”

Bài Kệ này, đến hiện nay (2010), đã truyền xuống đời thứ 44 (chữ Chúc). Như vậy, qua 340 năm, Phật giáo Quảng Ngãi đã có 10 thế hệ kế thừa dòng thiền Lâm Tế Chánh tông với 255 ngôi chùa trong toàn tỉnh.

 

Chú thích:

(1)   Khi Ngài biệt xuất là chữ Huyền. Sau vì phạm tên huý vua Khang Hy nên đổi lại chữ Nguyên.

(2)   Theo Lê Mạnh Thát trong Minh Châu Hương Hải toàn tập và theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo sử luận thì đệ tử Ngài Minh Châu – Hương Hải có pháp tự chữ Chơn và đồ tôn chữ Tánh.