Thẻ

,

 

 

 PHẦN I

 

DẪN NHẬP

  1. Khái quát quá trình hình thành tỉnh Quảng Ngãi.

  2. Bối cảnh xã hội Quảng Ngãi thế kỷ XVI – XVIII.

  3. Quan điểm của các Chúa Nguyễn đối với Phật giáo.

  4. Phật giáo Quảng Ngãi hậu bán thế kỷ XVII.

  5. Sơ lược về Phật giáo Quảng Ngãi.

DẪN NHẬP

                                                            

  1. 1.      KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TỈNH QUẢNG NGÃI.

Năm Hưng Long thứ 14 – 1306, vua Chăm là Chế Mân nộp 2 châu Ô, Lý để cưới công chúa Huyền Trân, vua Trần Anh Tông tiếp nhận và đổi là Thuận Châu và Hóa Châu (1). Nhưng chỉ 1 năm sau, tháng 7 năm 1307, Chế Mân qua đời, Trần Khắc Chung mượn cớ điếu tang, đưa công chúa nước Việt về lại Thăng Long, từ đây quan hệ hai nước Chiêm, Việt có nhiều biến động.

Quân Chiêm đã nhiều lần đột kích ra Hóa Châu bắt người Việt đem về. Lịch sử đã cho biết, ít nhất là thời Chế Bồng Nga (1360-1396), vị vua Chiêm tài năng và rất hiếu chiến này trong suốt 35 năm làm vua, đã nhiều lần xua quân vào Đại Việt, có lần đánh thẳng vào Kinh đô Thăng Long, chiếm cứ Kinh thành suốt 6 tháng, khi rút quân bắt người Việt đem về làm nô lệ, tì thiếp ở Châu Amaravatti (2) (Quảng Nam và Quảng Ngãi sau này).

Đến tháng 7 năm Nhâm Ngọ – 1402, tức là 2 năm sau ngày lên thay ngôi nhà Trần, dưới chỉ dụ của Thái thượng hoàng Lê Quí Ly, vua Hồ Hán Thương cùng các tướng lãnh đem quân phạt Chiêm. Vua Chiêm là Ba Đích Lại dâng đất Chiêm Động và Chiêm Lũy (3) để cầu hòa hảo.

Nhà Hồ chia đất Chiêm Lũy ra làm 2 châu: Tư, Nghĩa và tổ chức thành 5 huyện là: Trì Bình, Bạch Ô thuộc châu Tư; Nghĩa Thuần, Nga Bôi, Khê Cẩm thuộc châu Nghĩa trực thuộc lộ Thăng Hoa. Vua Hồ Hán Thương lưu giữ một số quân lính rồi đưa dân vùng Nghệ An, Thuận Hóa vào chung sức cùng các tộc người bản địa khai phá, xây dựng vùng đất còn hoang sơ này. Đây là cuộc di cư đầu tiên của người Việt được đặt dưới quyền bảo trợ của triều đình Đại Ngu (4).

Năm 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh thất bại, vua quan nhà Hồ bị bắt, nhà nước Chăm-pa đã tranh thủ chiếm lại đất Chiêm Động, Chiêm Lũy. Theo nhiều tài liệu, người Chiêm đã lấy lại vùng đất này.

Đến năm Hồng Đức thứ 2 – 1471, vua Lê Thánh Tông đem quân thu phục lại vùng Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi lập đạo Thừa Tuyên Quảng Nam (5) chia làm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Riêng phủ Tư Nghĩa có 3 huyện là: Bình Dương, Nghĩa Giang, và Mộ Hoa.

–    Bình Dương là vùng đất của huyện Trì Bình, Bạch Ô thuộc châu Tư thời nhà Hồ. Huyện Bạch Ô về sau thuộc vùng Thanh Cù (Sơn Hà) và Thanh Bồng (Trà Bồng). Sau này, Bình Dương đổi tên thành Bình Sơn.

–    Nghĩa Giang là phần đất của hai huyện Nghĩa Thuần và Nga Bôi thuộc châu Nghĩa thời nhà Hồ. Nga Bôi về sau là đất vùng Phụ An (Minh Long) và An Ba (Ba Tơ). Nghĩa Giang về sau đổi thành Chương Nghĩa.

–    Mộ Hoa là vùng đất huyện Khê Cẩm thời nhà Hồ thuộc châu Nghĩa(6). Về sau, Mộ Hoa đổi thành Mộ Đức.

Năm 1474, Vua Lê Thánh Tông chiêu mộ dân phía bắc vào sinh cơ lập nghiệp cùng một số quân lính ở lại khai khẩn (7). Cuộc di cư này được các nhà sử học cho rằng quan trọng nhất vì bền vững và vĩnh viễn.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Năm 1545, Nguyễn Kim cử Đô đốc Bùi Tá Hán đem quân lấy lại đất Thừa Tuyên-Quảng Nam vốn bị nhà Mạc chiếm cứ và cử ông ở lại trấn thủ. Bùi Tá Hán đã tiếp tục tổ chức khai khẩn vùng đất màu mỡ này.

Năm 1570, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng trấn thủ vùng Thuận Hóa được cử kiêm trấn thủ Quảng Nam. Trong thời gian này, với chủ định xây dựng miền Thuận-Quảng thành đất sống cho muôn đời con cháu – “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” và thoát ly sự ràng buộc của vua Lê chúa Trịnh, năm 1602 Nguyễn Hoàng cải cách các đơn vị hành chính. Trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa đổi thành Quảng Nghĩa – tên Quảng Nghĩa có từ đây, nhưng Phan Khoan trong sách Việt Sử xứ Đàng Trong viết là năm 1604. Nguyễn Hoàng đã có những chính sách khuyến khích, nâng đỡ những người dân mới đến định cư. Điều này không những làm hấp dẫn dân nghèo ở các vùng phía Bắc mà còn thu hút cả tầng lớp khá giả ở vùng Thanh Nghệ vào Nam để trở thành điền chủ.

Năm 1771, phong trào Tây Sơn bùng nổ, đến năm 1776 nhà Tây Sơn đổi phủ Quảng Nghĩa thành phủ Hòa Nghĩa.

Năm 1804, Gia Long đổi phủ Hòa Nghĩa thành phủ Tư Nghĩa đồng thời đặt ra dinh Quảng Nghĩa. Năm 1808 lại đổi dinh Quảng Nghĩa thành trấn Quảng Nghĩa.

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi thành tỉnh Quảng Nghĩa trực thuộc Tuần phủ Nam-Nghĩa. Năm 1834, tỉnh Quảng Nghĩa đổi thành tỉnh Nam Trực. Năm Thiệu Trị thứ 7-1847 đặt chức Tuần phủ Quảng Nghĩa và đổi đặt Tổng đốc Nam-Nghĩa.

Tỉnh Quảng Nghĩa dưới thời nhà Nguyễn gồm một phủ Tư Nghĩa với 3 huyện là: Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Đức và 4 nguồn là Thanh Bồng (Trà Bồng), Thanh Cù (Sơn Hà), Phụ An (Minh Long) và An Ba (Ba Tơ).

Theo điều ước Quý Mùi – 1883 và Giáp Thân – 1884, triều đình Huế thừa nhận sự đô hộ của Pháp, sau đó tỉnh Quảng Nghĩa đổi thành Quảng Ngãi (Province de Quang Ngai). Năm 1890 đặt thêm 3 châu: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ đến năm 1899, ba châu này đổi thành 3 huyện.

Năm 1915, bốn nguồn: Thanh Bồng, Thanh Cù, Phụ An và An Ba đổi thành 4 đồn là Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Đảo Lý Sơn trước kia là một tổng thuộc huyện Bình Sơn, sau đổi thành đồn Lý Sơn.

Năm 1929, huyện Bình Sơn đổi thành phủ, năm 1932 các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức cũng đổi thành phủ. Từ đây cho đến hết thời Pháp thuộc, tỉnh Quảng Ngãi có 4 phủ: Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn, 2 huyện là Nghĩa Hành, Đức Phổ và 5 đồn là Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, Lý Sơn.

Lỵ sở tỉnh Quảng Ngãi nằm ở làng Chánh Lộ thuộc phủ Tư Nghĩa, bao gồm các công sở của tỉnh được xây dựng từ thời Gia Long – 1807.

Từ năm 1954 đến 1975, toàn tỉnh Quảng Ngãi chia thành 10 quận và một thị tứ Cẩm Thành. Riêng đảo Lý Sơn có 2 xã Bình Vĩnh và Bình Yến thuộc quận Bình Sơn.

Ngày 10/11/1975, tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 01/07/1989, Quảng Ngãi trở lại đơn vị hành chính cấp tỉnh như cũ.

Đến năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi có 2 thành phố và 13 huyện:

Thành phố Quảng Ngãi có 10 phường xã
Thành phố Vạn Tường
Huyện Bình Sơn có 1 thị trấn và 24 xã
Huyện Sơn Tịnh có 1 thị trấn và 20 xã
Huyện Tư Nghĩa có 2 thị trấn và 16 xã
Huyện Nghĩa Hành có 1 thị trấn và 11 xã
Huyện Mộ Đức có 1 thị trấn và 12 xã
Huyện Đức Phổ có 1 thị trấn và 14 xã
Huyện Trà Bồng có 1 thị trấn và 18 xã
Huyện Sơn Hà có 1 thị trấn và 13 xã
Huyện Minh Long có 1 thị trấn và 5 xã
Huyện Ba Tơ có 1 thị trấn và 18 xã
Huyện Lý Sơn tách từ huyện Bình Sơn năm 1994 có 2 xã
Huyện Sơn Tây tách từ huyện Sơn Hà năm 1994 có 6 xã
Huyện Tây Trà tách từ huyện Trà Bồng

Như vậy, kể từ khi được sát nhập vào cương vực Đại Việt và có tên gọi là một đơn vị hành chính đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã có chiều dài 600 năm lịch sử.

Chú thích:

(1)   Dương Văn An – Châu Ô Cận lục – NXB KHXH – H – 1997

(2)   G.Maxpero – Vương quốc Chăm – NXB Bruyxe – Paris – 1928 (Bản dịch Phòng Tư liệu Viện Khảo cổ học)

(3)   Theo Đại Nam Nhất Thống Chí – NXB KHXH – H – 1971 thì Chiêm Động thuộc tỉnh Quảng Nam, Chiêm Lũy thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

(4)   Đại Ngu là Quốc hiệu nước ta đời nhà Hồ (1400-1407) – Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép rằng cuộc di cư này không được may mắn vì gió bão đã cuốn sạch những người xấu số.

(5)   Lê Quý Đôn – Phủ Biên Tạp Lục – Bản dịch Lê Xuân Giáo – Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản – Sài Gòn – 1972 thì Thừa Tuyên Quảng Nam được thành lập vào năm Hồng Đức thứ 6 – 1475.

(6)   Theo tài liệu Địa giới hành chính Việt Nam trong đời Nguyễn 1802-1884 của Vụ Biên giới hành chính – Bộ Nội vụ – Phần tỉnh Quảng Ngãi trang 52.

(7)   Theo con số ước tính của Litana trong sách Xứ Đàng Trong trang 31 ghi rằng quân lính của vua Lê ở lại Quảng Nam, Quảng Ngãi chừng 5000 người.

  1. 2.  BỐI CẢNH XÃ HỘI QUẢNG NGÃI THẾ KỶ XVI – XVIII.

Như trên đã trình bày, sau khi Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán lấy lại vùng đất này từ tay nhà Mạc năm 1545, ông được cử làm trấn thủ luôn tại đây. Suốt gần 30 năm cầm quyền (ông mất năm 1568, nhà thờ hiện nay tại Phường Quảng Phú, Thành phố Quảng Ngãi), ông đã kêu gọi nhân dân, binh lính khẩn hoang, lập làng xóm, cho phép binh sĩ mang theo vợ con vào định cư. Với sách lược cai quản của Bùi Tá Hán đã thu hút nhiều nông dân nghèo thiếu ruộng đất từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập nghiệp (1).

Trong giai đoạn này, Tả tướng Nguyễn Uông bị hãm hại nên Nguyễn Hoàng lo ngại và nhờ chị là Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm xin cho lãnh đất Thuận Hóa là nơi hiểm cố để giữ thân.

Tháng 10 năm Mậu Ngọ – 1558 Thế Tổ Thái vương Trịnh Kiểm sai Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (2). Với chủ định xây dựng vùng đất “Vạn đại dung thân” như chúng ta từng biết, Nguyễn Hoàng quyết tâm lập cơ đồ Đàng Trong. Ông đã cải cách các đơn vị hành chính, miễn thuế đất 3 năm cho những hộ di cư đến, dốc sức chiêu vỗ các tầng lớp nhân dân phía bắc tiếp tục vào phương nam dựng làng xây ấp. Đất đai được khai phá mở rộng, người dân được giao quyền sở hữu, làng quê được đặt tên gọi; những người cùng bản quán quần tụ quanh lũy tre và cây đa, đình làng, chùa, miếu, bến nước bắt đầu hình thành trên vùng đất mới. Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép: “Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, nhẹ xâu thuế, dân chúng vui phục thường gọi là chúa Tiên”.

Thời kỳ của các chúa Nguyễn tiếp theo, những cuộc di cư của Người Việt ở vùng Thanh-Nghệ như từng đợt sóng, có lúc vì chính sách thoáng mở, có khi bị ép buộc như cuộc truy bắt quân Trịnh năm Mậu Tý 1648 có tới 30.000 người được đưa về an ấp và cấp cho lương ăn nửa năm (3). Tiếp theo, từ 1653-1672 là thời gian khốc liệt của cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, họ Nguyễn đã chiếm được 7 huyện ở Nghệ An và bắt dân của 7 huyện đó về an ấp ở vùng Thăng-Hoa-Tư-Nghĩa(4).

Ngoài ra, có khi do những nạn đói trầm trọng vì thiên tai ở phương Bắc vào những năm 1561-1570-1571-1572-1589-1594-1597-1598-…. Theo thống kê của Li-ta-na trong sách Xứ Đàng Trong là có đến 15 năm mất mùa nghiêm trọng trong vòng 49 năm mà theo các nhà nghiên cứu, chính các nạn đói ấy đã tạo ra những cuộc di cư vĩ đại của người Việt vào phương Nam. Một nguyên nhân nữa là sự bình yên trên vùng đất mới, ít bị tác động của chiến tranh Lê-Mạc suốt hơn 60 năm có hằng chục ngàn người lao vào cuộc chém giết lẫn nhau gây ra hằng loạt nạn đói và cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn trong suốt 45 năm (1627-1672) với 7 lần giao tranh khốc liệt hao tốn xương máu, nhân dân cực khổ trăm bề (5).

Qua những sử liệu trên, cho ta thấy trong suốt 9 đời chúa Nguyễn, vùng đất Quảng Ngãi được bình yên từ phủ huyện đến xã thôn. Dân cư, đất đai được ghi vào địa bộ, lôi cuốn cả người Hoa không chịu thần phục nhà Thanh đã lìa nước ra đi và Thu Xà – Quảng Ngãi là một trong những điểm mà người Hòa đến buôn bán, định cư. Họ bắt đầu tạo lập ta Thị tứ Thu Xà vào thế kỷ 17 gần như một thương cảng, suốt mấy thế kỷ nối liền thương mãi với các nước trong khu vực cũng như các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Đây cũng là một cơ hội để một số du Tăng Trung Hoa sang vùng đất Thuận-Quảng hoằng pháp, hành đạo, vì ở Đàng Ngoài các chúa Trịnh dè dặt cho người Hoa định cư.

Người Việt phía Bắc đến Quảng Ngãi định cư mang theo tất cả phong tục, tập quán. Họ xây đình, lập chùa, dựng nhà thờ tộc, đền miếu thờ cúng tổ tiên với những truyền thống văn hóa dân Việt đi vào phương Nam và đã trở thành chủ thể của nền văn hóa này. Bên cạnh đó, họ tôn trọng nền tảng tín ngưỡng và tín lý của người Chăm. Một số tượng Chăm đã được đưa vào thờ cúng trong các ngôi chùa Việt như chùa Linh Tiên (Bình Đông-Bình Sơn),… Trên các nền di tích tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm, họ dựng miếu thờ và xem như di tích của chính dân tộc mình. Sự hòa nhập văn hóa, tín ngưỡng Việt-Chăm trên vùng đất Quảng đã tạo nên bản sắc văn hóa phong phú mang tính địa phương mà ít nơi nào có được.

Chung lại, từ lúc hình thành miền Thuận-Quảng đến thế kỷ XVIII, bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội tương đối yên ổn hơn Đàng Ngoài. Sự ổn định này là một yếu tố trọng tâm cho các tôn giáo phát triển và ánh sáng đức Phật đã chiếu rọi vào tư tưởng, tinh thần của cộng đồng cư dân người Việt ở xứ Đàng Trong một cách nhanh chóng và Phật giáo đã thành một vai trò quan trọng trong nếp sống người dân từ phủ chúa đến tận thôn làng.

 

Chú thích:

(1)   Nguyễn Văn Mạnh – Văn hóa làng và làng văn hóa Quảng Ngãi – NXB Thuận Hóa – Huế – 1999 – trang 100

(2)   Lê Quý Đôn – Phủ Biên Tạp Lục – Bản dịch Lê Xuân Giáo – Sđd

(3)   Quảng Ngãi tỉnh chí – Tạp chí Nam Phong – 1933 (bản đánh máy lưu tại Thư viện KHXH – trang 31)

(4)   Huỳnh Lừa – Nghiên cứu Lịch sử số 3-5-6 năm 1998

(5)   Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh – Lịch sử Việt Nam – tập 1 – NXB Giáo Dục – H – 1997 – trang 43

  1. 3.  QUAN ĐIỂM CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO

Từ khi trấn nhận miền Thuận-Quảng, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các chúa kế tiếp đều là những người sùng mộ Phật pháp. Vì sự sùng kính này, các chúa Nguyễn đã có hẳn lập trường hộ trì đạo pháp, nhờ vậy mà Phật giáo đã nhanh chóng phát triển tại xứ Đàng Trong với những nguyên nhân sau đây:

–    Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã dung hợp ngay với các tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt.

–    Phật giáo Việt Nam đã tổng hợp các tông phái với nhau, tuy chủ trương của Thiền tông là “Bất lập văn tự” nhưng các thiền sư đã để lại nhiều trước tác có giá trị, đã tổng hợp các con đường giải thoát bằng tự lực và tha lực; phối hợp Thiền tông và Tịnh độ tông (Thiền, Tịnh song tu).

–    Tuy là một tôn giáo xuất thế nhưng Phật giáo Việt Nam lại nhập thế tích cực, gắn bó đạo với đời (có lần Thánh tổ Hoàng đế Minh Mạng mời Thiền sư Toàn Chiếu-Trí Minh-Bảo Ấn làm vị Chính tọa trai đàn và quan Bố Chính Quảng Ngãi đã nhiều lần sai quân sĩ đem kiệu qua chùa Thiên Ấn rước Tam tổ sư về giảng dạy cho chính Phó lãnh binh)(1).

–    Đạo Phật đã thân thiết, mặn nồng với người Việt đến nỗi nếu không theo một tôn giáo nào khác thì ắt hẳn là theo Phật hoặc chí ít là thương mến đạo Phật.

Trong sách “Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam”_tập 2_trang 156, Nguyễn Khắc Thuần viết về Phật giáo trong quá trình tạo lập xứ Đàng Trong như sau: “Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết, nhập thế một cách tích cực đáp ứng được điều này (lược)…. Ở đâu có đất được mở ra, là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội lầm lũi”.

Sử gia Li-ta-na có nhận xét về Phật giáo trong thời các chúa Nguyễn như sau: “Trong tình hình mới này, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì khác với tín ngưỡng của người Chăm để củng cố các di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý. Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác, làm lắng đọng các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề tính hợp pháp của những người cai trị” (2).

Thật vậy, trong thời kỳ đầu của những cuộc di dân, người Việt và người Chăm đã cùng cộng cư trên vùng đất này. Nếu các chúa Nguyễn dựa vào ý thức hệ Khổng giáo để trị quốc an dân thì hoàn toàn xa lạ với văn hóa, tín ngưỡng người Chăm và sẽ dẫn đến sự xung đột như đã từng xảy ra trong thời nhà Hồ. Còn đối với các nhà Chúa thì lại trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của mình là ly khai và phản nghịch. Do đó, Phật giáo với tinh thần không câu nệ và từ bi đã thỏa mãn được những yêu cầu bức thiết cho những người cầm quyền và cộng đồng cư dân trên vùng đất mới mở. Thế nên tình hình Phật giáo tại xứ Đàng Trong thời ấy tựa như thời Tiến sĩ Lê Quát, học trò của Chu Văn An đã lấy làm khó chịu khi ông thấy toàn dân theo Phật “Trong từ Kinh thành, ngoài đến châu phủ, đường cùng ngõ hẻm, chẳng khiến đã theo, chẳng thề mà tin, hễ chỗ nào có nhà ở thì có chùa Phật; bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại”.

Với những nguyên nhân trên mà từ năm 1601 đến năm 1688, tức là chỉ trong 87 năm, các chúa họ Nguyễn đã trùng tu, xây dựng rất nhiều chùa trên hai miền Thuận-Quảng.

Trong thời gian trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), ông đã nhờ Thiền sư Nguyên Thiều về Trung Hoa, mời Chư Tăng sang xứ Đàng Trong truyền giới và thỉnh kinh sách cùng pháp tượng, pháp khí. Nhưng mãi đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm Giáp Tuất 1694 hai vị sứ giả Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan mới thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm cùng đoàn tùy tùng sang lập giới đàn tại chùa Thiền Lâm năm Ất Hợi 1695. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã quy y với Hòa thượng Thích Đại Sán được pháp danh Hưng Long hiệu Thiên Túng đạo nhân.

Chính vì những lẽ đó mà các du Tăng, các Thiền sư Trung Hoa đã đến hoằng hóa, hành đạo trên miền Thuận-Quảng và Phật giáo đã thực sự phát triển, hưng thịnh mãi tận đất Hà Tiên.

  1. 4.      PHẬT GIÁO QUẢNG NGÃI HẬU BÁN THẾ KỶ XVII

Trong hậu bán thế kỷ thứ 17, đã có bóng dáng những ngôi chùa và bước chân hoằng hóa của các Thiền sư trên vùng đất Quảng Ngãi mà hôm nay ta được biết là:

–    Chùa Viên Tôn ở huyện Bình Sơn do Thiền sư Chiêu Công xây dựng vào năm Bính Ngọ-1666. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên-1841, Tổ trụ trì là Thiền sư Tế Chơn-Liễu Ngộ-Quảng Tế cải danh thành chùa Diệu Giác.

–    Chùa Liên Tôn còn có tên là chùa Hoàng Long ở huyện Tư Nghĩa do Thiền sư Minh Dung-Thành Chí-Pháp Thông biệt hiệu là Thành Thông xây dựng vào đời Cảnh Trị thứ 8 năm Canh Tuất-1670. Thiền sư Minh Dung sanh vào giờ Thìn ngày 20 tháng 7 năm Tân Mùi-1631, theo phổ hệ truyền thừa, Ngài là đời thứ 34 thuộc dòng Lâm Tế tông của Tổ Vạn Phong Thời Ủy. Tức là Ngài đứng sau Tổ Siêu Bạch-Hoán Bích-Thọ Tông một thế hệ, đã được Tổ nâng đỡ và đặt vào công tác hành đạo.

Sau khi dựng chùa Liên Tôn, Thiền sư Minh Dung đã có những sách lược giúp cho địa phương Quảng Ngãi về trấn an xã hội, dẫn thủy nhập điền,…

Năm Vĩnh Thạnh thứ 1 – 1706 đời vua Lê Dụ Tông, Đàng Trong là chúa Nguyễn Phúc Chu, Tổ đã cùng với đệ tử Thiệt Huệ-Khánh Tài và Thiệt Sát – Bảo Hương vào chùa Bồ Đề phủ Ninh Thuận khắc bản kinh Pháp Hoa bằng gỗ cây thị đỏ với 60000 chữ ngược. Công đức về tiền, gạo để hoàn thành khắc bản này do 59 nam nữ đạo hữu Phật tử cúng dường. Bộ kinh được khắc hoàn tất vào ngày mùng 1 tháng 4 năm Giáp Dần-1734, tức là trong suốt 28 năm. Tổ Minh Dung đứng danh chứng minh trong khắc bản, hiện nay bộ khắc bản được lưu giữ tại chùa Phật Quang thành phố Phan Thiết.

Sau đó, Ngài về lại chùa Liên Tôn rồi viên tịch vào giờ Tuất ngày 11/8 năm Kỷ Tỵ 1749 (1). Nhục thân Ngài được nhập tháp bên chùa Liên Tôn. Đệ tử Ngài là Thiền sư Thiệt Giám-Trí Quang Huỳnh Thế Chất lập long vị thờ tại chùa Liên Tôn.

Trên bước đường hành đạo khắp xứ Đàng Trong, Ngài để lại nhiều công hạnh và đệ tử nên các chùa sau đây có thờ Ngài: Chùa Quốc Ấn (Huế), chùa Thập Tháp (Bình Định), chùa Phật Quang (Phan Thiết), chùa Giác Lâm (Sài Gòn).

* Chùa Trung Hưng ở huyện Nghĩa Hành (từ lâu không còn nữa) do Thiền sư Tịch Huy-Chơn Thành xây dựng vào khoảng từ năm 1682 – 1685. Thiền sư Chơn Thành sinh giờ Thìn ngày 20 tháng 2 năm Đinh Dậu-1657, viên tịch vào giờ Tuất ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ-1738. Ông là đệ tử của Thiền sư Minh Châu-Hương Hải. Thiền sư Hương Hải sinh năm 1627 tại làng Bình An, phủ Thăng Hoa. Năm 18 tuổi ông đỗ cử nhân, được tuyển vào phủ chúa, sau đó được bổ làm Tri phủ Triệu Phong. Năm 1652, ông làm quen với Thiền sư Lục Hồ-Viên Cảnh đang hoằng pháp tại Quảng Trị và bắt đầu học Phật. Năm 1655, ông từ quan xuất gia với Tổ Viên Cảnh có pháp danh Huyền Cơ-Thiện Giác, pháp tự Minh Châu-Hương Hải và học Phật với một du Tăng nữa là Đại Thâm-Viên Khoan. Vì thế Thiền sư Tịch Huy-Chơn Thành chùa Trung Hưng-Quảng Ngãi được kế truyền theo dòng kệ của Tổ Trí Bản-Đột Không, còn gọi là dòng Trí Huệ (2).

Sau đó, Ngài ra Cù Lao Chàm cất am tu, nhưng năm 1665, Hoa Lệ hầu cho thuyền ra thỉnh về, được chúa Nguyễn Phúc Tần đón tiếp rồi truyền lập Thiền Tĩnh Viện trên núi Qui Kỉnh để Ngài hành đạo và nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng xứ Đàng Trong thời ấy.

Về sau, chúa Nguyễn Phúc Tần nghe lời sàm tấu, đã bắt ông tra khảo rồi đưa ông về đất Quảng. Vì sự đối đãi ấy mà Thiền sư Hương Hải đã cùng 50 đệ tử vượt biển ra Bắc vào tháng 3 năm 1682. Đệ tử nào của ông còn lại sợ bị liên lụy nên đã ẩn mình trong những ngôi chùa vắng vẻ, vì thế mạch truyền thừa theo dòng kệ Trí Bản-Đột Không bị mai một. Riêng tại Quảng Ngãi, ngoài Thiền sư Tịch Huy-Chơn Thành ở chùa Trung Hưng, còn một pháp tôn của Tổ Hương Hải là Thiền sư Tánh Đức-Đại Nghĩa-Chơn Tứ tại chùa Diệu Giác (Bình Sơn).

* Chùa Thiên Ấn ở huyện Sơn Tịnh do Thiền sư Phật Bảo-Pháp Hóa khai sơn vào năm Giáp Tuất 1694. Từ đây, chùa Thiên Ấn là Tổ đình chi phối mọi sinh hoạt của sơn môn và trở thành trung tâm hoằng pháp chính của Phật giáo Quảng Ngãi.

Chú thích:

(1)   Về sự viên tịch của Tổ Minh Dung được truyền qua nhiều đời là Ngài lên giàn hỏa tự hiến pháp thân cúng dường Tam Bảo.

(2)   Lê Mạnh Thát-Minh Châu Hương Hải toàn tập – NXB TpHCM – 2000.

  1. 5.  SƠ LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO QUẢNG NGÃI

a) Những bài Kệ Lâm Tế Tông truyền vào Quảng Ngãi:

Trước khi tìm hiểu về Phật giáo Quảng Ngãi, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu các pháp phái thuộc Thiền Tông Lâm Tế do Tổ sư Nghĩa Huyền (787-867) khai sáng, đã được Chư Tổ hoằng truyền trên miền đất Quảng từ hậu bán thế kỷ thứ 17.

Người được lịch sử Thiền Tông Việt Nam tôn xưng là Sơ Tổ của tông Lâm Tế truyền vào xứ Đàng Trong là Ngài Siêu Bạch-Hoán Bích – Lâm Tế đời thứ 33, còn gọi là Nguyên Thiều-Thọ Tông (1648-1728), quê ở Quảng Đông-Trung Hoa. Năm 1665, Ngài qua Đại Việt lập chùa Thập Tháp (Bình Định), sau đó Ngài ra Thuận Hoá lập chùa Hà Trung, rồi vào Huế lập chùa Quốc Ân, xây tháp Phổ Đồng.

Đứng sau Ngài một thế hệ, những Thiền sư chữ Minh (đời 34) hoặc 2 đời là chữ Thiệt (đời 35) cũng có xuất Kệ lập giáo. Thế nên tại Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng có một số bài Kệ được Chư Tổ hoằng truyền như sau:

  • Lâm Tế Thiên Đồng:

Thiền tông Lâm Tế Nghĩa Huyền truyền đến đời thứ 21, có Ngài Vạn Phong – Thời Uỷ (1303-1381) ở chùa Thiên Đồng-Trung Hoa biệt xuất bài Kệ như sau:                 Tổ Đạo Giới Định Tông

Phương Quảng Chứng Viên Thông

Hành Siêu Minh Thiệt Tế

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không

Bài Kệ này truyền đến đời thứ 39 (chữ Ngộ) thì Hoà thượng Ngộ Thiệu-Minh Lý (1836-1889) trú trì chùa Thập Tháp (Bình Định) có bài tục Kệ:

Như Nhựt Quang Thường Chiếu

Phổ Châu Lợi Ích Đồng

Tín Hương Sanh Phước Huệ

Tương Kế Chấn Từ Phong

Tại Quảng Ngãi, dòng Kệ này được Tổ đời thứ 34 là Thiền sư Minh Dung-Thành Chí-Pháp Thông (1631-1749) truyền thừa sau khi Ngài khai sơn chùa Hoàng Long (Tư Nghĩa) vào năm Mậu Tuất-1670. Đệ tử Ngài mà ta được biết là Đại sư Thiệt Giám-Trí Quang trú trì chùa Sắc tứ Liên Tôn và Yết ma A xà lê Hồ Thiệt Tuyên trú trì chùa Thiên Khánh (Tư Nghĩa).

Lịch sử Thiền Tông gọi dòng Kệ này là Lâm Tế Thiên Đồng. Nhưng vì do Thiền sư Nguyên Thiều là Tổ đầu tiên truyền bài Kệ này tại chùa Thập Tháp (Bình Định) và Quốc Ân (Huế) nên Phật giáo Việt Nam gọi là dòng thiền Lâm Tế Nguyên Thiều.

  • Lâm Tế Gia Phổ:

Dòng thiền Lâm Tế Thiên Đồng của Tổ Vạn Phong-Thời Uỷ truyền xuống đời thứ 31, Tổ Mộc Trần-Đạo Mân họ Lâm sinh năm Bính Thân-1596 tại Triều Châu dưới thời Vua Minh Thần Tông. Ngài đắc pháp với tổ Mật Vân-Viên Ngộ được Tổ Ấn Chứng với pháp danh Thông Thiên.

Năm Kỷ Hợi 1659, Ngài được vua Thanh Thế Tổ thỉnh về Kinh đô thuyết pháp và tặng thuỵ hiệu là Hoằng Giác Quốc sư.

Ngày 27 tháng 6 năm Giáp Dần 1674, niên hiệu Khang Hy thứ 13 triều vua Thanh Thế Tổ, Ngài thị tịch. Những tác phẩm Ngài để lại có: Hoằng Giác Mân thiền sư ngữ lục, Tấu thọ lục, Bố Thuỷ đài Văn tập, Bắc du tập.

Tổ khai sơn chùa Thiên Khai, biệt xuất Kệ truyền pháp như sau:

Đạo Bổn Nguyên(1) Thành Phật Tổ Tiên

Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ truyền

Lịch sử Thiền tông Việt Nam gọi là dòng Lâm Tế Gia Phổ, được truyền thừa khá sâu rộng tại xứ Đàng Trong như chùa Giác Lâm, Giác Viên (Sài Gòn), Đại Giác, Long Thiền (Đồng Nai), Linh Mụ (Huế), Phi Lai (Châu Đốc) …

Tại Quảng Ngãi, theo bia ký và long vị có Tổ Phật Bảo-Pháp Hoá khai sơn chùa Thiên Ấn, Thiền sư Phật Tuyết-Quảng Độ trú trì chùa Viên Tôn (Bình Sơn).

  • Lâm Tế Trí Huệ:

Bài Kệ này do Tổ Trí Bản – Đột Không biệt xuất, gọi là dòng Lâm Tế Trí Huệ:

Trí Huệ Thanh Tịnh

Đạo Đức Viên Minh

Chân Như Tánh Hải

Tịch Chiếu Phổ Thông

Tâm Nguyên Quảng Tục

Bổn Giác Xương Long

Năng Nhơn Thánh Quả

Thường Diễn Khoan Hoằng

Duy Truyền Pháp ấn

Chánh Ngộ Hội Dung

Kiên Trì Giới Định

Vĩnh Kế Tổ Tông

Bài Kệ này có Thiền sư Minh Châu-Hương Hải truyền thừa trong miền Thuận-Quảng. Tại Quảng Ngãi có đệ tử nối pháp của Ngài là Đại sư Tịch Huy-Chơn Thành(2) ở chùa Trung Hưng (Nghĩa Hành). Về sau, vì sự hiềm nghi của chúa Nguyễn Phúc Tần, tổ Minh Châu Hương Hải ra Bắc nên thất truyền.

  • Lâm Tế Liễu Quán:

Tông Lâm Tế truyền xuống đời thứ 35, có Thiền sư Thiệt Diệu-Liễu Quán (1667-1742) là người Việt Nam, quy y tổ Tế Viên. Ngài thọ Sa di với Hoà thượng Thạch Liêm (phái Tào Động) thọ Cụ túc giới với Hoà thượng Từ Lâm và cầu pháp với Thiền sư Minh Hoằng-Tử Dung ở chùa Từ Đàm. Vậy Ngài thọ giáo với bốn sư theo bốn hệ nên có lẽ Ngài không biết theo dòng Kệ nào?

Năm 1720, Ngài xây chùa Thiền Tôn và xuất Kệ truyền pháp như sau:

Thiệt Tế Đại Đạo

Tánh Hải Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Đức Bổn Từ Phong

Giới Định Phước Huệ

Thể Dụng Viên Thông

Vĩnh Siêu Trí Quả

Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý

Diễn Xướng Chánh Tông

Hành Giải Tương ưng

Đạt Ngộ Chơn Không

Bài Kệ truyền pháp này của Tổ sư Thiệt Diệu đã thâm nhập và phát triển một cách nhanh chóng khắp nước Việt. Tại Quảng Ngãi có tổ Tế Chơn-Liễu Ngộ-Quảng Tế trú trì chùa Viên Tôn và Đại Niệm-Hoằng Từ-Quảng Vi Bùi Văn Mai trú trì chùa Diệu Giác từ năm 1848-1866..v..v… Đến những năm gần đây, nhiều Tăng, Ni tu học tại Miền Nam được bổ nhiệm trú trì một số ngôi chùa trong tỉnh Quảng Ngãi.

  • Lâm Tế Chúc Thánh:

Chúc Thánh là tên ngôi chùa ở Hội An-QuảngNam mà tổ Minh Hải-Pháp Bảo khai sơn. Thiền sư Minh Hải thế danh là Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất-1670 tại tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Ngài xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Quảng Châu, có pháp danh Minh Hải tự Đắc Trí hiệu Pháp Bảo. Thế nên Ngài là đời thứ 34 dòng Lâm Tế theo bài Kệ của tổ Vạn Phong-Thời Uỷ chùa Thiên Đồng.

Ngài sang Đại Việt cùng với Hoà thượng Thạch Liêm năm Ất Hợi-1695 thể theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu để lập giới đàn truyền giới. Sau đó, Thiền sư Minh Hải, Minh Hoằng, Minh Lượng-Thành Đẳng… không về Trung Quốc mà ở lại Đại Việt hoằng hoá. Ngài Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh vào khoảng năm 1696 và biệt xuất bài kệ truyền pháp như sau:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu

Kỳ Quốc Tộ Địa Trường

Và bài Kệ truyền pháp tự:

Đắc Chánh Luật Vi Tôn

Tổ Đạo Giải Hành Thông

Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Thiên Nhân Trung

Bài Kệ này Phật sử gọi là dòng Lâm Tế Chúc Thánh, đã được hoằng truyền khắp xứ Đàng Trong. Tại Quảng Ngãi, theo bài Kệ truyền pháp danh và pháp tự thì có hai đệ tử được tổ sư Minh Hải hoằng truyền là Thiệt Uý – Chánh Thành – Khánh Vân (Đệ nhị tổ chùa Thiên Ấn) và Thiệt Uyên -Chánh Thông – Chí Bảo khai sơn chùa Bảo Lâm ở Sơn Tịnh.

Theo Đại đức Thích Như Tịnh trong “Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh” trang 225 đã nêu ra căn cứ vào cuốn Kinh A Di Đà Sớ Sao khắc in năm Cảnh Hưng thứ 27-1767 do Tỳ kheo Chí Bảo đứng tên ghi địa điểm chùa Bảo Lâm thuộc Câu Lạc xứ Duy Xuyên-Quảng Nam. Vì thế tác giả Như Tịnh nghĩ rằng chùa Bảo Lâm do Hoà thượng Chí Bảo khai sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, không phải địa phận tỉnh Quảng Ngãi như từ trước đến nay, chư vị tôn túc xứ Quảng truyền lại rằng Ngài Thiệt Uyên-Chánh Thông-Chí Bảo khai sơn chùa Bảo Lâm tại Tịnh Khê-Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, chúng tôi có phát hiện Bản Lâm Tế Chánh Phổ do Sơn môn tỉnh Quảng Ngãi cấp cho Sa di Đạo Thị ngày 17 tháng 11 năm Tân Hợi-1911 tại chùa Thạch Sơn (Quảng Ngãi) ghi phổ hệ như sau:

  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Bảo Lâm đường thượng huý Thiệt Uyên thượng Chánh hạ Thông Chí Bảo Hoà thượng.
  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập lục thế Phước Lâm đường thượng huý Pháp Kiêm thượng Luật hạ Oai Minh Giác Hoà thượng
  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập lục thế Viên Quang đường thượng huý Tế Chơn thượng Liễu hạ Ngộ Quảng Tế Hoà thượng
  • Lâm Tế Chánh Tông tam thập thất thế Thiên Ấn đường thượng huý Toàn Chiếu thượng Trí hạ Minh Bảo Ấn Hoà thượng
  • …..

Theo như phổ hệ thì Thiền sư Luật Oai – Minh Giác là đệ tử quy y Hoà thượng Chí Bảo tại chùa Bảo Lâm, thời đó thuộc làng Tư Cung phủ Bình Sơn. Ngài Minh Giác sinh năm 1747 tại làng Ngọc Trì cũng thuộc phủ Bình Sơn và Ngài xuất gia quy y năm 1759 tức là mới có 12 tuổi, thì chùa Bảo Lâm ở quê nhà để Ngài quy y xuất gia hợp lý hơn là phải ra tận Duy Xuyên – Quảng Nam. Thêm nữa, khi Ngài Chí Bảo đắc pháp với tổ Minh Hải – Pháp Bảo rồi về Quảng Ngãi thì hẳn là Ngài khai sơn chùa Bảo Lâm ở làng Tư Cung phủ Bình Sơn để hành đạo như xưa nay Chư sơn và Chư Tôn túc đất Quảng truyền lại.

Một vấn đề nữa theo sách đã dẫn nơi trang 119, Đại Đức Thích Như Tịnh nói là có thể Tổ Phật Bảo – Pháp Hoá là đệ tử của Thiền sư Thành Đẵng – Minh Lượng ở chùa Vạn Đức (Hội An-Quảng Nam). Có lẽ thầy Như Tịnh căn cứ vào pháp kệ của Tổ Mộc Trần – Đạo Mân để suy luận. Thật ra, Thiền sư Thành Đẵng – Minh Lượng sang Đại Việt 1695 và đến năm 1699 Ngài mới khai sơn chùa Vạn Đức trong khi tổ Phật Bảo – Pháp Hoá đã qua Đại Việt từ thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) và đã khai sơn chùa Thiên Ấn vào năm 1694 rồi.

Theo phổ hệ trích dẫn ở trên thì chùa Viên Quang (Bình Sơn), là nơi mà Tam tổ Toàn Chiếu – Trí Minh – Bảo Ấn quy y, xuất gia với Bổn sư Tế Chơn – Liễu Ngộ – Quảng Tế Hoà thượng nhưng có vài tài liệu viết là chùa Viên Quang do tổ Bảo Ấn khai sơn.

Đây là những vấn đề chúng ta còn phải tìm hiểu nghiên cứu và khảo chứng.

Bài Kệ này truyền xuống đời thứ 41 thì Hoà thượng Như Nguyện – Giải Trình – Hồng Ân (1913-1986) khai sơn chùa Phước Lộc (Tp. Quảng Ngãi) cho đệ tử pháp danh chữ TÂM đặt pháp tự chữ TRỪNG và có bài kệ truyền pháp như sau:

Như Tâm Nguyên Tịnh

Tánh Hải Tịch Nhiên

Thanh Trung Hiển Đạt

Khế Ngộ Bổn Tâm

Và bài Kệ truyền pháp tự:

Giải Trừng Đức Niệm

Túc Liễu Giác Minh

Thái Truyền Đăng Pháp

Từ Huệ Độ Nhân

Hiện nay, kế truyền bài kệ này có Thượng toạ Trừng Nghị trú trì chùa Phước Lộc (Tp Quảng Ngãi), Thượng toạ Trừng Vinh trí trì chùa Phước Lâm (Đức Phổ)..v..v…

b) Tổ sư PHẬT BẢO-PHÁP HOÁ và CHÙA THIÊN ẤN:

Như chúng ta đã biết, từ thập niên 60 đến thập niên 80 của hậu bán thế kỷ 17, trên miền đất Quảng Ngãi đã có bóng dáng của một vài ngôi chùa. Nhưng phải đến năm Giáp Tuất-1694, Thiền sư Phật Bảo-Pháp Hoá khai sơn chùa Thiên Ấn trên núi Hó và được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề Sắc tứ năm 1716 thì nơi đây đã trở thành mạng mạch của Thiền tông Lâm Tế và cũng là trung tâm chính hoằng truyền của Phật giáo Quảng Ngãi.

Về tiểu sử, hành trạng, năm sinh, tịch, năm khai sơn chùa Thiên Ấn của Tổ sư Phật Bảo – Pháp Hoá có một vài tài liệu và ấn bản không trùng khớp, thiếu tính thuyết phục. Đây là vấn đề quan trọng của Phật giáo Quảng Ngãi và đến nay cũng chưa tổ chức được cuộc Hội thảo khoa học để làm sáng tỏ.

Theo quyển Tổ Đình Thiên Ấn lược sử của Ban Tổ Chức Khánh Thành Đại trùng tu Tổ đình Thiên Ấn do Nhà in Thanh Bình ấn hành ngày 10/2/1961 thì “Chùa Thiên Ấn do vị sư quê tỉnh Phúc Kiến-Trung Hoa, tục tánh Lê Duyệt pháp danh Minh Hải tự Phật Bảo hiệu Pháp Hoá Hoà thượng khai sơn. Ngài sang Việt Nam khai sơn chùa Chúc Thánh và lần vào Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn vào năm 1677. Pháp Hoá Hoà thượng, người sáng lập ra dòng kệ Lâm Tế, Chữ Minh đứng đầu là Pháp danh Minh Hải của Ngài:              Minh Thiệt Pháp Toàn Chương

Ấn Chơn Như Thị Đồng

………..           (Chép nguyên văn bản lược sử trang 13)

Theo một số công trình nghiên cứu và những ấn bản mà chúng tôi đã dẫn chứng, chú thích trong phần viết về Tổ đình Thiên Ấn và theo khảo sát thực tế trên bia mộ, long vị ghi rõ: “Tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hoá huý thượng Phật hạ Bảo Hoà thượng chi tháp”. Như vậy, Tổ sư khai sơn chùa Thiên Ấn thuộc đời thứ 35 dòng Lâm Tế có pháp danh là Phật Bảo hiệu là Pháp Hoá thọ giáo theo dòng kệ của Ngài Mộc Trần – Đạo Mân (Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên).

Về vấn đề Hoà thượng Pháp Hoá khai sơn chùa Chúc Thánh rồi vào Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn năm 1677 và xuất bài Kệ “Minh Thiệt Pháp….” thì hoàn toàn thiếu căn cứ. Những công trình nghiên cứu đã ấn hành và Phật sử Việt Nam ghi nhận: Chùa Chúc Thánh là do Thiền sư Lương Thế Ân (1670-1746) pháp danh là Minh Hải tự Đắc Trí hiệu Pháp Bảo khai sơn và bài Kệ đó do Ngài biệt xuất chứ không phải của Tổ Phật Bảo – Pháp Hoá.

Về năm sinh, tịch của Tổ Phật Bảo, sách đã dẫn ở trên viết là “trong sáu mươi năm hoá đạo viên mãn, Ngài thị tịch vào ngày 27 tháng giêng năm Giáp Tuất (1737)”. Đối chiếu lịch vạn niên thì Giáp Tuất là năm 1754, Ngài thị tịch sau 60 năm hành đạo, vậy thì niên đại khai sơn chùa Thiên Ấn là năm 1694, không phải năm 1677 như sách đã viết. Theo những ấn bản có tính thống nhất thì Tổ Pháp Hoá có thế danh Lê Duyệt (Diệt) sinh năm 1670 tại tỉnh Phúc Kiến. Ngài sang Đại Việt cùng với sư Nguyên Thiều thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) và Thiền sư Pháp Hoá khai sơn chùa Thiên Ấn năm 1694 trước tổ Minh Hải Pháp Bảo qua Việt Nam 1 năm.

Trong sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tác giả Nguyễn Hiền Đức viết rằng: vào những năm 1694-1695, Tổ Nguyên Thiều và Tổ Minh Hải có liên quan đến vụ nổi loạn của Linh Vương, Quảng Phú tại Nam, Ngãi, Bình, Phú. Cho nên tổ Minh Hải vào khai sơn chùa Thiên Ấn, đổi pháp danh là Pháp Hoá, còn tổ Nguyên Thiều vào Đồng Nai khai sơn chùa Kim Cang đổi pháp danh là Siêu Bạch. Quan điểm này sai lệch với sự kiện lịch sử qua những yếu tố sau đây:

– Ngày mùng 1 tháng 4 năm Ất Hợi 1695 Giới đàn tại chùa Thiền Lâm (Huế) mới khai mở. Công tác hành đạo tại các chùa ở Hội An và Huế liên quan đến phủ chúa mãi đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý 1696 Hoà thượng Thạch Liêm mới về lại Trung Quốc. Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo trong Hội đồng truyền giới tiễn đưa Hoà thượng Đàn đầu ra về rồi mới ở lại khai sơn chùa Chúc Thánh vào năm 1696 thì làm sao tổ Minh Hải liên quan đến vụ nổi loạn của Linh Vương đã xảy ra, và khi tổ bề bộn công tác của Đại giới đàn? Nếu tổ Nguyên Thiều dính líu thì làm sao chúa Nguyễn Phúc Chu tặng Thuỵ hiệu “Hạnh Đoan Thiền Sư” và làm một bài minh khắc vào bia để ca tụng công đức của Thiền sư Nguyên Thiều (do chúa Nguyễn Phúc Trú dựng bia và đề). Thêm nữa, nếu hai Tổ sư liên quan vụ nổi loạn này thì làm sao quý đệ tử, quý pháp tôn yên thân tu học giữa thời kỳ mà án tru di tam tộc còn thi hành? Vì thế tổ sư Phật Bảo – Pháp Hoá và tổ Minh Hải -Đắc Trí – Pháp Bảo là hai chứ không phải là một và Tổ Minh Hải – Pháp Bảo không phải là người khai sơn Tổ đình Thiên Ấn.

Khi tổ Pháp Hoá viên tịch vào năm Giáp Tuất (1754) thì Thiền sư Thiệt Uý – Chánh Thành – Khánh Vân kế thế trú trì chùa Thiên Ấn cũng là điều tự nhiên của Phật giáo Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, đó là tính dung hợp. Hơn nữa, dù được truyền thừa theo pháp phái Tổ Đạo Mân Mộc Trần, hay Tổ Minh Hải – Chúc Thánh hoặc Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán…. thì cũng cùng một Tổ đình Báo Tư mà ra, và cũng từ bài Kệ Tổ Vạn Phong – Thời Uỷ ở chùa Thiên Đồng. Thế nên Chư Thiền Tổ đều xem như huynh đệ một nhà. Điều này được minh chứng cụ thể nơi Chư Thiền Tổ trú trì chùa Diệu Giác -Bình Sơn là ngôi cổ tự của Phật giáo Quảng Ngãi. Như tổ: Tế Hiệp – Hải Điện (Thiên Đồng), Phật Tuyết – Tường Quang (Mộc Trần – Đạo Mân), Tế Chơn -Liễu Ngộ (Liễu Quán), Tánh Đức – Đại Nghĩa (Trí Huệ), Chương Nhẫn – Từ Nhơn (Chúc Thánh). Vì vậy, từ khi ngài Thiệt Uý – Chánh Thành – Khánh Vân kế vị trú trì Thiên Ấn thì từ đây Tổ đình Thiên Ấn truyền thừa theo dòng kệ “Minh Thiệt Pháp Toàn Chương . . .”

Bài Kệ này, đến hiện nay (2010), đã truyền xuống đời thứ 44 (chữ Chúc). Như vậy, qua 340 năm, Phật giáo Quảng Ngãi đã có 10 thế hệ kế thừa dòng thiền Lâm Tế Chánh tông với 255 ngôi chùa trong toàn tỉnh.

Chú thích:

(1)   Khi Ngài biệt xuất là chữ Huyền. Sau vì phạm tên huý vua Khang Hy nên đổi lại chữ Nguyên.

(2)   Theo Lê Mạnh Thát trong Minh Châu Hương Hải toàn tập và theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo sử luận thì đệ tử Ngài Minh Châu – Hương Hải có pháp tự chữ Chơn và đồ tôn chữ Tánh.

 PHẦN II

 

 LƯỢC SỬ CÁC NGÔI CHÙA QUẢNG NGÃI

 DANH MỤC CÁC NGÔI CHÙA HUYỆN BÌNH SƠN :

TT

CHÙA – NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Thôn, Xã – Thị Trấn)

1 Chùa Sắc Tứ Diệu Giác Thôn Phú Lộc, Xã Bình Trung
2 Chùa Sắc Tứ Tây Thiên Thôn Châu Tử Xã Bình Nguyên
3 Sắc tứ Tổ đình Viên Quang Thôn An Châu Xã Bình Thới
4 Chùa An Hòa Thôn An Phong Xã Bình Mỹ
5 Niệm Phật đường An Khương Thôn Nam An Xã Bình Hòa
6 Chùa An Phước Thôn Phước Thọ1 Xã Bình Phước
7 Chùa Bảo Sơn Thôn Lộc Thanh Xã Bình Minh
8 Chùa Bửu Hòa Thôn An Phong Xã Bình Mỹ

TT

CHÙA – NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Thôn, Xã – Thị Trấn)

9 Chùa Bửu Phước Thôn Phước Hòa Xã Bình Thanh Tây
10 Chùa Đông Mỹ Thôn Đông Yên Xã Bình Dương
11 Chùa Đông Phú Tổ dân phố 1 Thị Trấn Châu Ổ
12 Chùa Đức Lâm Thôn Mỹ Long Xã Bình Minh
13 Chùa Hải Quang Thôn An Cường Xã Bình Hải
14 Chùa Kim Long Thôn Thạch An, Xã Bình Mỹ
15 Chùa Liên Ba Thôn Phú Lễ Xã Bình Trung
16 Chùa Liên Quang Thôn Liên Trì, Xã Bình Hiệp
17 Chùa Linh Tiên Thôn Tân Hy Xã Bình Đông
18 Chùa Long Bàng Thôn Ngọc Trì, Xã Bình Chương
19 Chùa Long Khánh Thôn An Điềm 2 Xã Bình Chương
20 Chùa Long Khánh

Thôn Long Yên

Xã Bình Long
21 Chùa Long Sơn Tổ dân phố 2 Thị Trấn Châu Ổ
22 Chùa Long Tuyền Thôn Trì Bình Xã Bình Nguyên
23 Chùa Minh Sơn Thôn Mỹ Huệ Xã Bình Dương
24 Chùa Ngọc Tiên Thôn Tiên Đào Xã Bình Trung
25 Chùa Phú Hưng Thôn Phú Lễ Xã Bình Trung
26 Chùa Phú Liên Thôn Phú Lễ Xã Bình Trung
27 Chùa Phú Sơn Thôn Phú Lễ Xã Bình Trung
28 Chùa Phước An Thôn Xuân Yên Xã Bình Hiệp
29 Chùa Phước Bình Thôn Phước Bình Xã Bình Nguyên
30 Chùa Phước Lâm Thôn ThuậnPhước Xã Bình Thuận
31 Chùa Phước Minh Thôn Nam Thuận Xã Bình Chương
32 Chùa Phước Sơn Thôn Phước Tích Xã Bình Mỹ
33 Chùa Phước Sơn Am Thôn Châu Tử Xã Bình Nguyên
34 Chùa Phước Thiện Thôn Phước Thiện Xã Bình Hải
35 Chùa Quang Lộc Thôn 3 Xã Bình Hòa
36 Chùa Quang Phước Thôn Phước Hòa Xã Bình Thanh Tây
37 Chùa Tân Mỹ Thôn An Phong Xã Bình Mỹ
38 Chùa Tiên Ba Thôn Tiên Đào Xã Bình Trung
39 Chùa Thanh Thủy Thôn Thanh Thủy Xã Bình Hải
40 Chùa Thiện Giác Thị Trấn Châu Ổ
41 Chùa Từ Lâm Thôn Trung An, Xã Bình Thạnh
42 Chùa Từ Vân Thị Trấn Châu Ổ
43 Chùa Viên Phước Thôn Phước Hòa Xã Bình Trị
44 Chùa Xuân Quang Thôn Xuân Yên Xã Bình Hiệp
45 Chùa Xuân Quang Tổ dân phố 2 Thị Trấn Châu Ổ

 

SẮC TỨ DIỆU GIÁC TỰ

Chùa tọa lạc tại thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Từ trung tâm Thành phố Quảng Ngãi, theo đường quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 21cây số, vừa qua khỏi cầu Phủ sẽ thấy ngôi chùa nằm phía tay trái, ẩn mình trên vông đất cao, có 2 câu đối ở trụ cổng tam quan:

Diệu cơ vô lượng tam thiên thế giới

Giác thế hoằng khai bát nhã môn

Theo vết lòng trũng của bàu Tiên Đào mà phù sa chưa bồi đắp hết, và lời truyền lại của quý đạo hữu cao niên, thì xưa kia, sông Trà Bồng có dòng chảy chính ở trước chùa, qua cầu Phủ, xuôi về bến Bính. Cho nên chùa Diệu Giác nằm bên bờ tả ngạn sông Trà Bồng mà tiền nhân am tường về địa lý nói rằng, chùa có thế “Long Bào thủy tụ” và dân Bình Sơn tự thuở nào đã truyền nhau câu ca:

Sông chùa khúc lở khúc bồi

Bên cầu cảnh Phật luân hồi bóng trăng

Không còn sử liệu cụ thể cho biết rõ chùa được lập vào thời điểm nào! Chỉ theo lời truyền lại: Chùa được xây dựng vào năm Bính Ngọ 1666, gắn với những truyền thuyết về Huyền Trân Công chúa trên đường về thiên lý làm vợ Chế Mân ghé lại đây nghỉ ngơi; về thuở Nam tiến vua Lê Thánh Tôn cũng đã dừng lại nơi này, xây dựng cứ điểm có thành lũy kiên cố. Chẳng rõ điều ấy hư thực! chùa miếu thiêng, giữa cảnh quang tú mỹ thường phải có giai thoại thần kỳ.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí tập 2 trang 441 có viết: “Chùa Diệu Giác ở huyện Bình Sơn … Hồi đầu bản triều có sắc cho tên Viên Tôn Tự quy mô rộng rãi, sau trải qua loạn lạc, chùa bị tàn phá, đến lúc đại định, các tăng đồ mới tu bổ lại rất thịnh. Năm Thiệu Trị thứ nhứt đổi tên thành chùa Diệu Giác, năm thứ 5 người địa phương trùng tu”.

Trong hai bản văn tự Hán Nôm mà cư sĩ Tâm Nhạc Nguyễn Hồng Khanh còn lưu giữ cho biết được một số thông tin sau đây:

1) Tờ tấu trình của Tăng đạo Bùi Văn Túc, Lý trưởng Phạm Tài Đường ngày 6 tháng 5 Thiệu Trị nguyên niên 1841 có nội dung: những bổn đạo Võ Đức Lượng pháp danh Đại Huệ, Nguyễn Thị Thương pháp danh Pháp Mỹ, Võ Đức Phước pháp danh Đại Hạnh cùng thực hiện cải danh bức hoành phi tại chính điện: “Sắc tứ Viên Tôn Tự” thành “Diệu Giác Tự” được Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ân ban ngày mùng 8 tháng 6 năm Giáp Tuất đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 – 1754.

2) Bản văn tự khấu trình ngày 10 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 – 1897 do Tri Hương Huỳnh Hữu Nghĩa và Lý trưởng Lâm Văn Tùy đứng ký có nội dung kê khai tự vật, tự khí, tài sản tam bảo, ruộng đất và chư tổ trụ trì, thủ tự.

Phối kiểm danh tánh chư tổ trong bản khấu trình, đối chiếu với long vị liệt tổ thờ tại chùa cùng bản ghi chép sơ lược ngày 4 – 12 – 1996 của cư sĩ Diệu Thái Tạ Đình Ninh, được biết quý tổ trụ trì, thủ tự như sau:

  1. Tổ đệ nhất: Chiêu Công
  2. Tổ đệ nhị: Đỗ Đại sư
  3. Hòa thượng Viên Minh – Lâm tế Chánh tông tam thập lục đợi Viên Tôn đường húy Tế Hiệp thượng Hải hạ Điện thụy Viên Minh Hòa thượng nghê tọa.
  4. Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế húy Tánh Đức thượng Đại hạ Nghĩa hiệu Chơn Tứ Đại sư.
  5. Hòa thượng Quảng Độ thế danh Nguyễn Văn Viên – Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế húy Phật Tuyết hiệu Tường Quang, Quảng Độ Hòa thượng. Từ ..?.. đến 1811.
  6. Hòa thượng Quảng Tế thế danh Bùi Văn Túc – Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế húy Tế Chơn thượng Liễu hạ Ngộ hiệu Quảng Tế. Từ 1811 đến 1848.
  7. Hòa thượng Quảng Vi thế danh Bùi Văn Mai – Lâm tế Chánh tông tam thập thất đợi húy Đại Niệm thượng Hoằng hạ Từ hiệu Quảng Vi. Từ 1848 đến 1866.
  8. Lâm tế Chánh tông tam thập thất đợi húy Tịnh Chiêu thượng ..?.. hạ Ngươn hiệu ..?.. Giác linh mao tạo.
  9. Hòa thượng Từ Nhơn họ Trịnh– Lâm tế Chánh tông tham thập bát thế sắc tứ Diệu Giác đường thượng giới đàn Viên Quang kiêm quản Tây Thiên tự húy Chương Nhẫn thượng Tuyên hạ Tâm hiệu Từ Nhơn giác linh. Từ 1866 đến 1897.
  10. Hòa thượng Hoằng Nhiếp họ Trịnh – Lâm tế Chánh tông tam thập cửu thế sắc tứ Tây Thiên tự đường thượng húy Ấn Lập thượng Tổ hạ Duy hiệu Hoằng Nhiếp Giác linh. Từ 1897 đến 1919.
  11. Thầy thế danh Võ Thiện Giáo.

Qua những sử liệu trên, ta được biết chùa Diệu Giác đã có ít nhất là 11 chư tổ trụ trì hoặc giám tự, quản tự đến đầu thế kỷ 20.

Theo lời truyền lại, chùa Viên Tôn xưa kia được xây dựng theo kiểu chữ Tam, có 2 tầng mái Chồng Diêm, bốn góc uốn cong gắn đầu phụng. Gian chính điện có bức hoành phi sơn son dát vàng, một khánh đồng, một chuông gia trì và một quả hồng chung đều có khắc chữ “Sắc tứ Viên Tôn Tự” do Hòa thượng Quảng Độ chú tạo năm 1805. Hai bên bàn thờ niệm hương ngoài tiền đường có 4 câu liễn lấy tên làng Phú Lộc và tên chùa Diệu Giác:

+ Phú hữu tại tiền nhơn kiến khai tòng lâm y chánh pháp

– Lộc tồn lưu hậu thế trùng quang phạm vũ chấn thiền môn

+ Diệu pháp thiệu thiền gia thiên cổ trang nghiêm tùy cảnh hóa

– Giác vương duy đại đạo vạn linh tú lệ vĩnh thời hưng

Trong khuôn viên chùa Diệu Giác, ở phía nam có miếu thờ công chúa Huyền Trân, thường gọi là công chúa Hồng Hoa. Đáng chú ý là 3 ngôi mộ tháp cổ, bia ký có ghi:

Viên Tôn tọa chủ …? (Bom đạn làm nát phần tiếp theo)

Lâm tế Chánh tông tam thập lục thế giám viện Đỗ Đại sư.

Lâm tế tam thập lục Quảng Độ Nguyễn Hòa thượng.

Qua những sử liệu liên quan, được biết về Hòa thượng Quảng Độ như sau:

Tổ có thế danh là Nguyễn Văn Viên sinh năm Kỷ Mùi 1739 tại làng Phú Lộc, tổng Bình Hà, nay là thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Theo lời truyền lại của chư sơn đất Quảng thì lúc đầu Ngài quy y xuất gia với Thiền sư Thành Đẳng Minh Lương có Pháp danh là Phật Tuyết – Tường Quang. Sau đó, tổ Minh Lương vào Nam, Ngài cầu pháp Hòa thượng Thiệt Dinh – Ân Triêm chùa Phước Lâm nên có Pháp danh Pháp Ấn, hiệu Quảng Độ. Năm Bính Thìn 1796, Tổ sư Ân Triêm viên tịch, Ngài kế thừa trụ trì chùa Phước Lâm – Hội An. Ngài đã cùng với Pháp đệ là Pháp Kiêm – Minh Giác (quê thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương) trùng tu chùa Phước Lâm bị điêu tàn do chiến tranh Trịnh – Nguyễn Tây Sơn và biến chùa Phước Lâm thành “nhà trường” đào tạo Tăng tài cho Phật giáo xứ Đàng Trong.

Hòa thượng viên tịch ngày 17 tháng 9 năm Tân Mùi (1811) tại chùa Diệu Giác, bảo tháp được kiến lập trong khuôn viên.

Hiện nay có 2 nơi thờ long vị Ngài là chùa Diệu Giác – Quảng Ngãi và chùa Phước Lâm – Hội An. Căn cứ vào hoa văn, chất liệu thì long vị có cùng niên đại, năm sinh ngày tháng năm tịch trùng khớp. Long vị và mộ tháp tại chùa Diệu Giác ghi Pháp danh ngài là Phật Tuyết đời thứ 36 (Nhưng theo chi kệ “Đạo bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên” thì ngài là Phật Tuyết – Tường Quang phải ghi đời thứ 35 mới đúng).

Chùa Diệu Giác đã có nhiều lần trùng tu, tái thiết, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1974 với kiến trúc pha tạp nên không còn hình dáng ngôi cổ tự nữa.

Năm 1961, chùa thành lập GĐPT Phú Lộc. Năm 1967 tập hợp những GĐPT các chùa trong xã, lấy tên GĐPT Chơn Thành. Năm 1995, tái sinh hoạt với tên GĐPT Diệu Giác. Tại Đoàn quán GĐPT có câu liễn:

Phật pháp đình tiền cung phụng sự

Thiền lâm công đức thọ từ căn

Năm 1996, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có quyết định cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa và năm 1998 Bộ Thông tin đã cấp bằng xếp hạng Di tích Quốc gia.

Hằng năm, ngoài những lễ thường kỳ, chùa lấy ngày viên tịch tổ Phật Tuyết – Tường Quang 17 tháng 9 làm ngày hiệp kỵ liệt tổ.

Gần một thế kỷ qua, với nhiều biến cố, chùa Diệu Giác không có Tăng sư trụ trì, lại nằm trong vùng giao tranh ác liệt trong kháng chiến nên nhiều báu vật của chùa đã bị phân tán, lưu lạc, mất mát.

Tháng 3 năm Canh Dần 2010, chùa Diệu Giác tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Nguyên Toàn chính thức trụ trì chùa.

 

TỔ ĐÌNH VIÊN QUANG

Tổ đình Viên Quang tại Đội 5, thôn An Châu, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tổ đình do Hòa thượng Bảo Ấn khai sơn (1) vào thời Minh Mạng (1820-1840). Ngài họ Trịnh, sinh năm Mậu Ngọ (1798), quê làng Tráng Liệt, tổng Nghĩa Hà, nay là xã Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Đời thứ 37 Lâm Tế Chánh Tông, đệ tử của Hòa thượng Quảng Tế (chùa Tây Thiên, Bình Sơn). Húy Toàn Chiếu, thượng Trí hạ Minh, hiệu Bảo Ấn.

Năm Đinh Hợi – 1827 (năm Minh Mạng thứ 7), Chư sơn Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài về trụ trì chùa Thiên Ấn, kế vị Đệ Nhị Tổ sư Khánh Vân Hòa thượng. Ngài viên tịch vào giờ Ngọ ngày 29 tháng 6 năm Bính Dần – 1866, niên hiệu Tự Đức thứ 18, mộ tháp tại đây và tôn danh Đệ Tam Tổ sư Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn.

Năm Ất Sửu – 1865, Hòa thượng Chương Nhẫn – Tuyên Tâm – Từ Nhơn được Tổ Bảo Ấn cử về trụ trì chùa Viên Quang thay thế Hòa thượng Chương Cao – Viên Thiệu – Tánh Không vừa viên tịch. Ngài sinh năm Giáp Ngọ (1834), thế danh La Văn Mau, con nuôi của Bảo Ấn Hòa thượng, đổi tên là Trịnh Quang Doãn, viên tịch năm Đinh Dậu (1897), bảo tháp tại Tổ đình Viên Quang. Năm Tự Đức thứ 26 (Giáp Tuất-1874), Tổ đình được phong “Sắc tứ Viên Quang Tự”. Ngoài Viên Quang, Ngài còn kiêm trụ trì các chùa Tây Thiên và Diệu Giác (Bình Sơn).

–     Từ 1897-1908, Hòa thượng Giác Tánh, húy Chơn Khước, thượng Tông hạ Tuyên, hiệu Giác Tánh, kế vị trụ trì. Ngài thế danh Lê La Xa (tên trong phú ý là La Văn Xa), sanh năm Canh Dần (1830), quê làng Sung Tích, nay là Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Con nuôi của Bảo Ấn Hòa thượng nên đổi tên là Trịnh Quang Việt. Ngài viên tịch vào giờ Ngọ ngày mùng 1 tháng 3 năm Mậu Thân – 1908.

–     Từ 1911-1920, Hòa thượng Hoằng Đề, húy Ấn Đàn, thượng Tổ hạ Duyệt, hiệu Hoằng Đề, kế vị trụ trì Sắc tứ Tổ đình Viên Quang. Ngài viên tịch năm Canh Thân (1920), mộ tháp tại Tổ đình Viên Quang.

–     Từ 1920-1961, Hòa thượng Phước Huệ, húy Chơn Định, thượng Đạo hạ Chí, hiệu Phước Huệ, kế vị trụ trì. Ngoài ra Ngài còn khai sơn chùa Viên Phước (xã Bình Trị) và chùa Kim Long (xã Bình Mỹ). Ngài viên tịch năm Tân Sửu (1961), mộ táng tại Tổ đình Viên Quang.

–     Từ 1962 đến nay, do Hòa thượng Thích An Tường, pháp danh Như Tràng, hiệu Giải Quới, kế vị trụ trì. Hòa thượng thế danh Trịnh Quang Cân, sinh năm 1925, quê xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Năm 1996, kiêm nhiệm trụ trì chùa Thiên Bút (Tp.Quảng Ngãi).

Tổ đình Viên Quang hướng về Nam, vách gạch, lợp ngói. Diện tích xây dựng 400m2, trong tổng thể một mẫu rưỡi (có sổ đỏ). Pháp khí có trống cỡ trung và hai Hồng chung, mỗi cái nặng 50kg. Một do từ thời Tổ khai lưu di tích, một do Tổ đình chú tạo.

Ngày hiệp kỵ vào mồng 6 tháng 12 âm lịch hằng năm.

 

CHÙA SẮC TỨ TÂY THIÊN

Chùa Tây Thiên ở làng Châu Tử, tổng Bình Trung, nay là xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn. Từ trung tâm thị trấn Châu Ổ theo quốc lộ 1A về hướng bắc độ 3 cây số thì đến nơi.

Tây Thiên tự là ngôi chùa xưa nhưng không còn sử liệu cho biết rõ chùa được khai sơn vào thời điểm nào. Theo lời truyền lại thì chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 17 do Hòa thượng Đức Nhuận họ Nguyễn khai sơn. Trong số 4 ngôi mộ tháp tại vườn chùa, có ngôi cổ tháp xây bằng gạch nung với tam hợp chất, văn tự khắc trên bia còn đọc được: Tây Thiên đệ nhứt tổ khai sơn Tổ sư hiệu Đức Nhuận chi bảo tháp (không thấy ghi niên đại)

Qua những sử liệu liên quan đến chùa Tây Thiên, ta được biết năm Bính Dần 1866, Tam tổ Bảo Ấn cử Thiền sư Từ Nhơn đảm nhiệm trụ trì chùa Tây Thiên.

Thiền sư Từ Nhơn thế danh Lê La Mau là bào đệ của Hòa thượng Giác Tánh, sinh ngày 20 tháng 4 năm Giáp Ngọ 1834 tại làng Sung Tích (nay xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh). Thiền sư Chương Nhẫn – Từ Nhơn được tổ Bảo Ấn nhận làm con nuôi nên đổi tên họ thành Trịnh Quang Doãn.

Trong tập Khánh Anh Văn Sao phần “Kỷ niệm” do nhà in Thạnh Mậu ấn hành năm 1952 trang 100, Hòa thượng Khánh Anh viết như sau:

“Sư ông Từ Nhơn được người bây giờ kính là thạc nhân, bởi hình thể cũng khôi ngô hơn chúng. Ngoài đạo của tam giáo ra, Sư ông còn có mấy cái biệt tài làm thầy cả, thầy chúng cả bên Thiền, Thích, Phù Pháp, lễ nghi, âm nhạc, nham độn đều có tài quán chúng! Nhứt là cái nghề viết liễn đối lại thiên tài hơn vì kẹp bút vào ngón cẳng mà viết chứ chẳng cầm nơi tay như hạng người thường”.

Có lệ làng tổ chức hát tại Đình, hương chức nhờ viết ba chữ Thái Bình Ca trong biển hoành phi, sư ông viết Đại Bình Ca. Trùm trưởng đem bức hoành về treo lên chỗ vua ngồi hát bộ, hương chức thấy thế mời sư ông đến hỏi: “Chữ Thái sao Hòa thượng viết bỏ quên cái chấm? Sư ông đáp: “Không phải quên đâu, vì viết đến đó bị ngòi bút khô mực đấy chứ!” Rồi Sư ông bảo mài mực lấy giẻ cuộn tròn, thấm mực, kẹp vào ngón cẳng, đứng dưới đất, hất chân đá lên, cục giẻ trúng ngay vào chữ “Đại” thành ra chữ “Thái”. Ai thấy thế cũng đều khâm phục.”

Tương truyền Ngài hay viết sót nét, khi treo lên, Ngài tùy vào nét chấm, phẩy mà cuộn bông kẹp vào ngón chân đứng dưới đất búng lên trăm lần như một. Tài trát tuyệt này của Ngài xưa nay hiếm có.

Trong đời trụ trì chùa Tây Thiên, Ngài có khai và làm đàn đầu giới đàn tại chùa Viên Quang nhưng không rõ năm.

Ngài viên tịch vào giờ Dần ngày mùng 6 tháng 12 năm Đinh Dậu – 1897, thọ 63 tuổi. Mộ tháp kiến tạo tại chùa Viên Quang, xã Bình Thới.

Kế thế Ngài là Hòa thượng đời thứ 39, húy Ấn Lập – Tổ Duy Trịnh Hoằng Nhiếp. Đến năm 1919 ngài được chư tăng Quảng Ngãi công cử làm giám tự chùa Thiên Ấn thế cho Yết Ma Hoằng Chương già yếu.

Kế là tổ Lâm tế đời thứ 39 húy Ấn Quảng – Tổ Diệp hiệu Phước Ngộ A xà lê. Mộ tháp tại vườn chùa.

Kế là tổ Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Bảo, Đạo Sám hiệu Phước Diệu A xà lê. Mộ tháp tại vườn chùa.

Kế thừa thủ tự là thầy Bích húy Chơn Cảnh chăm sóc quản tự chùa đến năm 2007.

Chùa xưa kia quay mặt về hướng tây, có biển chương Sắc Tứ Tây Thiên Tự được kiến trúc theo kiểu nhà rường ở Miền Trung với khung gỗ chịu lực. Năm 1962, chùa được sửa lại quay mặt hướng nam nhìn sông Trà Bồng, gian chính điện vẫn bảo lưu 16 cột tròn đến nay.

Chùa còn gìn giữ các tượng cổ: Đức Thế Tôn, tượng Di Đà, tượng Thế Chí.

Ngoài những lễ thường kỳ chùa tổ chức ngày mùng 5 tháng 12 hiệp kỵ tổ và ngày 16 tháng 4 kỵ tổ Hoằng Nhiếp.

Chùa Sắc tứ Tây Thiên là ngôi cổ tự, đã được nhiều thiền tổ Quảng Ngãi trụ trì, giám tự, tu học suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng hiện nay, chùa mang vẻ hoang vắng và đang trên đà trở thành phế tích.

 

 

CHÙA AN HÒA

Chùa tọa lạc tại xóm 2, thôn An Phong, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngã ba Bình Sơn đi huyện Trà Bồng, tại cây số 12, bên tay trái có trụ bảng cổng đề “Chùa An Hòa”, đi vào có độ dốc thấp khoảng 40m.

Năm Nhâm Tuất (1958) cùng lúc với chùa Bửu Hòa trong một thôn, cư sĩ Phật giáo Chung Chừ, pháp danh Như Ngọc, phát tâm hiến đất bổn tộc, đứng ra vận động bà con bổn đạo có lòng tin Phật cùng nhau lập chùa.

Chùa hoàn thành có thỉnh Đại đức Thích Long Thuận, thế danh Ngô Huân về trụ trì, lo việc hướng dẫn tinh thần tu niệm. Năm 1979, Đại đức vào miền Nam tu hành đến già yếu mới trở về quê nhà và viên tịch trong năm 2009.

Do chùa không trụ trì, bổn đạo tiếp tục đề cử các Ban hộ tự để bảo quản cơ sở, giữ việc hương đáng vào các ngày rằm, mồng một, các ngày lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết nguyên đán.

–         Từ 1992-1998, Trưởng Ban hộ tự Chung Quang Ba.

–         Từ 1998 đến nay, Trưởng Ban hộ tự Chung Quang Bá, Thư ký Trần Thanh Hùng, Thủ quỹ Phạm Thị Điềm (có quyết định công nhận). Ngoài ra chùa còn có Ban Hộ Niệm, do cư sĩ Trần Hay đảm trách.

Chùa hướng về Đông, diện tích xây dựng 100m2, trong diện tích chung 700m2 (chưa cấp sổ đỏ). Cấp 4, vách gạch, lợp ngói, vỏn vẹn chỉ có ngôi Chánh điện.

 

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG AN KHƯƠNG

Niệm Phật đường An Khương tại Đội 6, xóm An Khương, thôn Nam An, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Vào năm 1979, Tỳ kheo Thích Chánh Tịnh, pháp danh Như Trừng, hiệu Giải Tâm, thế danh Huỳnh Nhã, sinh năm 1937, thọ Sa di năm 1967, thọ Tỳ kheo năm 1973, tại Trường hạ Liên Quang (Bình Sơn). phát nguyện biến gian nhà giữa của gia đình, mỗi cạnh 5 x 5 = 20 (m2), thiết trí thành Niệm Phật đường, mặt hướng về Nam. Và chiếc sân vuông diện tích cũng 20m2, dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên, mặt hướng về Đông.

Nếu kể cả nhà ở của gia đình hai bên và sau lưng, có diện tích hơn 200m2, trong diện tích chung 1520m2 (có sổ đỏ). Trước Niệm Phật đường sát với ranh giới đất vườn nhà là miễu Bổn Thị của xóm An Khương.

Niệm Phật đường nhỏ gọn, có hình thức như Chánh điện của ngôi chùa Phật. Mang tính cá thể, không có bổn đạo, sự sinh hoạt không nằm trong quy chế của Ban Trị Sự.

CHÙA AN PHƯỚC

Chùa An Phước tại xóm 2, thôn Phước Thọ 1, xã Bình Phước, nguyên là thôn Đồng Phước, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo phả hệ, chùa do Thiền sư pháp danh Minh Thành, tự Đắc Dụng, thế danh Võ Văn Yến khai sơn và trụ trì. Ngài viên tịch mộ táng tại xóm Đồng Trung, xã Bình Hòa, Bình Sơn.

Kế tiếp trụ trì, Ngài pháp danh Ấn Đức, thượng Tổ hạ Luân, hiệu Thiện Thơ, thế danh Võ Văn Chuyển. Viên tịch mộ táng tại thôn Phước Thọ, xã Bình Phước, Bình Sơn.

Kế tiếp trụ trì Ngài pháp danh Chơn Trường, thượng Đạo hạ Thọ, hiệu Phước Cơ, thế danh Võ Văn Tồn. Viên tịch mộ táng tại thôn Phước Thọ, xã Bình Phước, Bình Sơn.

Kế tiếp trụ trì, Ngài pháp danh Chơn Dung, thượng Đạo hạ Thuận, hiệu Trí Hậu, thế danh Võ Diên (em của Ngài Chơn Trường). Viên tịch mộ táng tại thôn Long Yên, xã Bình Long, Bình Sơn.

Kế tiếp trụ trì, Ngài pháp danh Như Tòng, tự Giải Lâm, thế danh Võ Văn Na. Viên tịch mộ táng tại thôn Phước Thọ, xã Bình Phước, Bình Sơn.

Kế tiếp trụ trì, Thượng tọa Thích An Minh, pháp danh Như Ngân, tự Giải Đạt, thế danh Võ Văn Chỉ. Viên tịch năm 1958, mộ táng tại khuôn viên chùa.

Kê tiếp trụ trì từ 1958 đến nay, Đại đức Thích Chánh Pháp, pháp danh Như Thông, thế danh Võ Văn Giới, thường gọi là Mười Giới. Sinh năm 1931, thọ Tỳ kheo năm 1961, tại Đại giới đàn Liên Quang (Bình Sơn). Năm 2006, Đại đức được nhà nước tặng huy chương kháng chiến hạng Nhì, và là thành viên MTTQVN xã Bình Phước.

Chùa nằm trên thế đất cao, hướng về Tây-Nam, vách gạch, lợp ngói. Có diện tích xây dựng hơn 200m2, trong diện tích chung 2004m2 (chưa cấp sổ đỏ) trên đất của bổn tộc. Đã qua các lần trùng tu do Ngài Ấn Đức, Ngài Phước Cơ, Ngài Chơn Dung, Ngài An Minh.

Giỗ chính của chùa vào ngày 11 tháng 3 âm lịch hằng năm.

 

CHÙA BẢO SƠN

Chùa Bảo Sơn tại Đội 3, thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Khởi thủy do một Hòa thượng trong Thiền Tông Lâm Tế khai sơn vào năm Khải Định thứ 3, Mậu Ngọ (1918). Công hạnh của Ngài được dân làng ngưỡng mộ quy y. Am Phật đầu tiên của Ngài trên đồi đất thấp được xây dựng thành ngôi “BẢO SƠN TỰ”. Ngài viên tịch, mộ tháp được xây đá ong, hiện còn tại Suối Nước Nóng thuộc cận sơn Trà Bồng, nhưng bia mộ đã phai mờ nét chữ. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chùa đã bị hư hỏng.

Đến năm Mậu Tuất (1958), các Phật tử Phạm Ngõa, Huỳnh Cao, Mai Thị Khủng phát tâm hiến đất cúng dường Tam Bảo, có tổng diện tích 4000m2, để tái thiết Bảo Sơn Tự. Do đó, Khuôn hội Phật giáo địa phương, cùng các bậc thân hào nhân sĩ và bổn đạo vận động xây dựng chùa mới cách chùa cũ 150m về hướng Tây. Chính thức khánh thành vào hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm Giáp Thìn (1964). Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ cử Đại đức Thích Viên Giác về trụ trì. Đồng thời hình thành GĐPT Bảo Sơn, do Liên đoàn trưởng Võ Cứu phụ trách. Ngoài ra, các Hòa thượng Thích Hồng Ân, Thích Giải An,… từ Tỉnh hội thường về chùa hướng dẫn Phật sự.

Từ những năm 1965-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ trở nên quyết liệt, bom đạn đã tàn phá toàn bộ Bảo Sơn Tự, chỉ còn pho tượng Phật mang đầy tỳ vết chiến tranh. Trước cảnh đổ nát tang thương ấy, bổn đạo tự nguyện thu dọn đống gạch vụn, hàn gắn lại pho tượng Phật, tạm thời tôn trí trên bệ gạch dưới gốc cây Bồ đề đứng giữa vườn chùa trống trãi. Rồi thời gian lần lữa, cây Bồ đề tỏa ra hai nhánh cao to, như chiếc lọng phủ tàng che mưa đỡ nắng, bổn đạo cũng theo bóng thời gian mà tùy tâm dâng hương kính lễ. Rễ gốc cây Bồ đề mỗi ngày mỗi lớn, quấn chặt vào thân dưới pho tượng Phật, dính liền với bệ gạch rêu phong, tự nhiên định vị và trở thành bảo tích, diệu kỳ.

Sau 1975, hòa bình vãn hồi, tập thể bổn đạo chùa Bảo Sơn liên tục có nguyện vọng lên các cấp thẩm quyền xin phép được trùng tu. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản xác nhận nguồn gốc và đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi vào ngày 24/6/2002.

 

CHÙA BỬU HÒA

Chùa Bửu Hòa tại Đội 2, thôn An Phong, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngã ba Bình Sơn đi huyện Trà Bồng, tại cây số 14, bên tay trái trụ cổng đề “Chùa BỬU HÒA” vào có độ dốc trải thấp 50m.

Năm Mậu Tuất (1958), Khuôn trưởng Phật giáo An Phong là cư sĩ Trần Châu cùng bổn đạo trong khuôn xây dựng, được Hòa thượng Thích Giải An chứng minh khánh thành.

Khuôn trưởng Trần Châu qua đời, mộ táng tại Gò Cháy trong thôn. Bia mộ tuy đã được trùng tu, nhưng nét chữ trên bia đã xóa mờ năm tháng. Người thay thế ông là cư sĩ Võ Duy cho đến năm 1975.

Sau 1975, không còn tổ chức Khuôn trưởng, bổn đạo tiếp tục đề cử các Ban hộ tự, và cứ theo y lệ rằm, mồng một, các ngày lễ Phật mà sinh hoạt.

Kể từ 1978, Trưởng Ban hộ tự là cư sĩ Phan Quới, đến cư sĩ Nguyễn Ngọc Bích, đến cư sĩ Nguyễn Tấn Sĩ. Từ 2000 đến nay là cư sĩ Lê Thanh Sơn (có quyết định công nhận).

Toàn bộ cơ sở chùa xây dựng ban đầu đã bị tiêu hủy trong chiến tranh chống Mỹ (1965-1975). Năm 1978 mới xây dựng lại, do cư sĩ Phan Quới đề xướng. Có diện tích xây dựng trên 100m2, trong diện tích chung 1000m2 (chưa cấp sổ đỏ).

Cổng chính sát tỉnh lộ có hai câu:

Vào cửa Phật đem lòng hỷ xả

Ra cổng chùa giữ dạ từ bi.

Ngôi Tam Bảo có mô hình chữ nhật, cấp 4, vách gạch, lợp ngói. Chùa có tủ kinh nhỏ, có trống lớn, chuông còn dùng vỏ bom. Ngày mồng một hàng tháng có tổ chức tu Bát Quan Trai.

       CHÙA BỬU PHƯỚC

Chùa Bửu Phước tại xóm 1, thôn Phước Hòa, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Giải Cẩm, hiệu Long Tú, pháp danh Như Mỹ, thế danh Đỗ Giải Cẩm, khai sơn và trụ trì. Ngài là đệ tử của Hòa thượng Bửu Quang, thọ Tỳ kheo năm 1972, tại Đại giới đàn Bửu Long (Nghĩa Hành). Viên tịch năm 2004, mộ tháp tại vườn chùa. Long vị thờ Ngài: “Phụng vì Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập nhứt thế, khai sơn Bửu Phước Tự, đường thượng húy Như Mỹ, thượng Giải hạ Cẩm, đại sư giác linh”.

Chùa thiết lập từ 1972-1974, trên đất tạo lập, nằm giữa thế đất cao sát đồi. Hướng về Đông-Nam, vách gạch, lợp ngói. Diện tích xây dựng nguyên khoảng 100m2, nhưng nay mở rộng có hơn 300m2, trong diện tích chung khoảng 3000m2 (chưa cấp sổ đỏ).

Từ 2004 đến nay, đệ tử của Hòa thượng Giải Cẩm, tiếp tục trụ trì là Đại đức Thích Hạnh Trung, pháp danh Thị Minh, hiệu Bửu Hòa, thế danh Lê Văn Nhàn. Xuất gia năm 1992, thọ Sa di năm 2005, thọ Tỳ kheo năm 2009 tại Đại giới đàn Pháp Hóa (Tp.Quảng Ngãi), do Đường đầu Hòa thượng Thích Thiện Bình.

Năm 2009, chùa trùng tu xây dựng cổng tam quan, nhà khách, nhà Giảng, và chỉnh trang toàn bộ.

Giỗ chính của chùa là ngày giỗ Tổ khai sơn vào 19 tháng 11 âm lịch hằng năm.

 

CHÙA ĐÔNG MỸ

Chùa Đông Mỹ tại xóm Vĩnh Xương (xóm 6), thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có từ niên đại nào không rõ và cũng đã tiêu tàn từ xưa. Theo bia ký truyền lại thì Tổ khai sơn là Hòa thượng Nguyễn Văn Điền, đời thứ 36 Lâm Tế Chánh Tông. Mộ của Ngài nằm trước sân chùa bây giờ. Năm 1974, Đại đức Thích Hạnh Thương, dời lấy hài cốt cho vào quách gỗ đem thờ trong chùa, để chỉnh trang khuôn viên. Hiện bia đá thay cho Long vị còn ghi: “Từ Lâm Tế Chánh Tông, tam thập lục thế, khai sơn Đông Mỹ, húy Văn Điền chi giác linh”.

Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chùa không vườn trống, ông Đoàn Khắc Sĩ, thường gọi là ông Phít, từ quản canh tác.

Năm 1957, Khuôn trưởng Phật giáo Lê Thiện, cùng với cư sĩ Nguyễn Duân, Trần Chức, cung thỉnh Phật tượng về lập Niệm Phật Đường tại tư gia.

Năm 1959, bước đầu tiên là đem Phật tượng ra sân vận động nguyên là đất miễu Vĩnh Xương, tạm thời dựng lên ngôi chùa tranh vách đất cho bổn đạo có nơi lễ bái.

Giữa những năm 1963-1965, tình hình chiến sự căng thẳng, sân vận động biến thành sân bay quân sự của Mĩ. Nên chính quyền lúc bấy giờ cho di chuyển chùa về lại đất chùa cũ, cùng lúc vừa xây chùa Đông Mỹ, vừa xây miễu Vĩnh Xương, có cơ bản. Do các ông Lê Thiện, Nguyễn Duân, Trần Chức, Võ Năng, Lê Thuần, Lê Xốc,… và bổn đạo hợp lực hoàn thành, với diện tích xây dựng 300m2 trong diện tích chung 2999m2 theo đo đạc mới.

–     Từ đó đến 1974, các ông Thiện, Duân, Chức thay nhau đảm nhiệm chức vụ Khuôn trưởng quản lý chùa.

–     1974-1975, Đại đức Thích Hạnh Thương làm trụ trì.

–     1975-1976, Khuôn trưởng Nguyễn Văn Hân thay cho Đại đức Hạnh Thương, được một năm thì qua đời.

–     1976-1978, bổn đạo tự quản.

–     1978-1985, Trưởng Ban hộ tự Nguyễn Văn Vàng.

–     1985-1989, Trưởng Ban hộ tự Trần Đối.

–     Từ 1989 đến nay, trở lại Trưởng Ban hộ tự Nguyễn Văn Vàng, Phó ban Hoàng Công Tuấn, Thư ký Lý Tài Hy, Thủ quỹ Đoàn Mộng Linh (Quyết định số 13/QĐ-BTS ngày 01/03/2007).

Giỗ chính của chùa vào ngày 8 tháng chạp âm lịch hằng năm.

CHÙA ĐÔNG PHÚ

Chùa Đông Phú tại Tổ dân phố 1, Thị trấn Châu Ổ, nguyên trước đây là thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa khai sơn trên đất thổ cư của gia tộc vào năm Canh Ngọ (1930), do Hòa thượng Thích Phước Long, tự Chơn Cát, thượng Đạo hạ Hượt. Ngài nguyên là Tòng Lâm Chánh Chủ Phật giáo huyện Bình Sơn, viên tịch năm Nhâm Thân (1992), mộ tháp tại vườn chùa. Câu đối hai bên bình phong mộ tháp bằng chữ Hán, được âm bằng Việt ngữ:

“Phước ấm tư bối quá vị cao đăng hòa chánh đạo

Lan hương mậu thạnh bồ đề thâm kết thượng trường sinh”

Long vị thờ Ngài: “Phụng vì từ Lâm tế Chánh tông, phổ tứ thập thế, khai kiến Đông Phú Tự, húy Chơn Cát, thượng Đạo hạ Hượt, hiệu Phước Long Hòa thượng giác linh”.

Chùa có diện tích xây dựng 100 m2, trong diện tích tổng thể 3000 m2 (có sổ đỏ), hướng về Tây – Nam, dưới dạng cấp 4, vách gạch, lợp ngói, nối liền với tư thất gia đình. Đặc biệt trong Chánh điện còn có thờ Hải Thượng Lãn Ông – Tuệ Tĩnh, Tổ sư Đông y Việt Nam, và Tổ sư Vovinam Nguyễn Lộc, do cư sĩ Đỗ Minh Liên, người kế thừa Hòa thượng Thích Phước Long viên tịch từ 1992 đến nay, vừa là một lương y, nguyên chủ tịch Hội Đông y huyện Bình Sơn, vừa là một võ sư Vovinam, đệ tam đẳng.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ Phật. Giỗ chính của chùa vào 11 tháng 11 âm lịch hằng năm.

 

CHÙA ĐỨC LÂM

Chùa Đức Lâm tọa lạc tại thôn Mỹ Lộc, làng Mỹ Long, nay là thôn Mỹ Long, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, cách thị trấn Châu Ổ – trung tâm huyện lỵ khoảng 11 cây số về hướng tây.

Chùa được xây dựng trên sườn núi tựa như vai bên trái con rồng đất thật đẹp. Mặt chùa nhìn về phía nam trạnh đông, có đường liên xã ngang qua cổng ngõ dưới chân triền đồi. Song song với đường này là dòng kênh Đá Giang phát nguyên từ nguồn nước vực Bà chảy về. Các thế hệ tiền bối thường ca ngợi chùa Đức Lâm đứng trong giữa cảnh quang tú mỹ.

Qua những biến cố chiến tranh, chùa không còn sử liệu để biết Đức Lâm tự được khai sơn từ thời điểm nào. Theo bản sơ lược tiểu sử chùa do ông Trưởng ban hộ tự Phạm Hoàng dựa vào lời tiền nhân truyền lại đã ghi chép thì do Hòa thượng Huệ Quang khai sơn nhưng không biết gì về tiểu sử và hành trạng Ngài và sau đó có ba vị tổ kế tiếp trụ trì. Có lẽ lời truyền lại cũng căn cứ vào mộ cổ trong vườn chùa, nằm phía bên trái chính điện. Bia mộ được xây bằng đá xanh xuất xứ ở Quảng Nam với tam hợp chất, trên bia có hàng chữ lớn: Nhất linh Đường thượng Huệ Quang. Hai bên có hai mộ tổ kế thừa không thấy bút tích.

Trong diễn văn tổ chức lễ an vị tượng Quan Thế Âm lộ thiên tại sân chùa ngày 20 tháng 9 năm 2009 thì chùa được xây dựng vào giữa thập niên 30 của thế kỷ 18 (1735). Căn cứ vào văn tự Hán Nôm còn đọc được trên hồng chung mà chùa bảo lưu đến hiện nay thì quả chung này do Triệt Đại sư hiệp chủ bá tánh chú tạo vào năm Nhâm Thân – Gia Long thứ 10 (1812). Theo quý cao niên được nghe thuật lại thì chùa được tu bổ nhiều lần.

Từ năm 1945, chùa Đức Lâm không có tăng sư trụ trì và cũng không người quản tự. Trong tình hình chung lúc ấy, những tự vật, tự khí cũng đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Mãi đến năm 1956, Khuôn hội Phật học làng Mỹ Long được thành lập, ông Trịnh Cân làm Khuôn trưởng đã chủ trương xây dựng lại vào năm 1958 rồi đến năm 1963 làm thêm cổng ngõ còn lại đến nay.

Tháng 2 năm 1960, có Tỳ kheo Thích Chơn Tịnh về trụ trì đến tháng 5 năm 1965 thì chiến tranh khốc liệt, chùa sụp nát thành bình địa. Năm 1975, hòa bình trở lại, chùa chỉ còn một tượng Phật đồng cao hơn 1m mà quý thầy Minh Châu, Hồng Ân, Chánh Trực đã thường ca ngợi và một hồng chung cao 1m40 đường kính 60cm. Đạo hữu làng Mỹ Long đã tạm thời dựng lại bằng tranh tre vách đất để thờ phụng. Nhưng rồi đêm mùng 8 tháng chạp năm 1977, ngôi chùa đã bị hỏa hoạn thiêu rụi.

Đến năm 1994 ông Dương Văn Tổng hiệp cùng Ban hộ tự và Đạo hữu phát tâm dựng lại ngôi chùa xây gạch lợp ngói.

Gia đình Phật tử chùa Đức Lâm được hình thành năm 1958 với hơn 150 Đoàn sinh đến ngày 5-5-1965 di tản sinh hoạt tại xã Bình Long.

Chùa tổ chức lễ hiệp kỵ liệt tổ theo ngày viên tịch của tổ khai sơn 27 tháng giêng hằng năm. Tất cả long vị chư tổ đã bị chiến tranh thiêu hủy.

Hiện nay, đạo hữu thuộc bổn tự có khoảng hơn 100 người. Ông Phạm Hoàng thay mặt ban hộ tự điều hành công tác Phật sự.

 

CHÙA HẢI QUANG

Chùa Hải Quang tại xóm Hải Phú, thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên thủy chùa tọa lạc tại Chòm Giành, xóm Hải Khương cùng thôn, đã bị tàn phá dần hồi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và chống Mỹ (1965-1975). Do thời gian quá lâu nên không rõ đích xác vị nào khai sơn và chùa có từ niên độ nào. Bổn đạo chỉ còn lưu giữ được cốt tượng Phật cho đến bây giờ.

Năm 1975, Phật tượng được đưa về trụ sở thôn An Cường chờ xin phép lập chùa mới. Năm 1980, cư sĩ Lê Thô xin chuyển Phật tượng về tư gia tạm thời làm Niệm Phật Đường trong khi chờ đợi.

Năm 1993, thể theo nguyện vọng của tín đồ Phật giáo địa phương, Phật tượng được tôn trí tại Gò Chùa, nơi còn nền móng Dinh thần của xóm Hải Phú, do cư sĩ Huỳnh Toàn khai quang.

Các cư sĩ Nguyễn Yến, Dương Kịch, … cùng bổn đạo đứng ra tái lập, có diện tích xây dựng 500m2, trong diện tích chung 1500m2.

Năm 2008, trùng tu cổng tam quan, dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên, nhà trù, nhà kho, nâng cấp toàn bộ khuôn viên, tu sửa Dinh thần, hình thức mỹ quan, thông thoáng.

Các Ban Hộ tự thành hình từ năm 2000, từ cư sĩ Huỳnh Văn Thơm, đến Võ Duy Trinh. Năm 2008, do Trưởng ban Hộ tự Nguyễn Phước Hiệu kiêm Khuyến học. Các Phó ban Lê Văn Chương và Nguyễn Văn Thân kiêm Gia đình Phật tử Hải Quang, Thư ký Dương Văn Minh, Nghi lễ Nguyễn Văn Hơn, Thủ quỹ Nguyễn Kiện, Từ Thiện Nguyễn Thị Hương.

Chùa chưa có trụ trì.

CHÙA KIM LONG

Chùa Kim Long hiện nay ở thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn. Từ trung tâm thị trấn Châu Ổ, theo đường liên huyện Trà Bồng khoảng 10 cây số là đến nơi.

Kim Long tự là ngôi chùa xưa mà không còn sử liệu cụ thể để biết được khai sơn vào năm nào cũng như hành trạng của tổ khai sơn. Chùa tọa lạc trên khoảnh vườn 2 mẫu 6 sào, mặt nhìn về hướng nam, có đồng ruộng chùa và gò Chu, gò Thiệu làm tiền án, lưng chùa dựa vào cư dân xứ Cù Má.

Chùa Kim Long được trùng tu vào năm 1938, xây bằng gạch lợp ngói âm dương. Ngoài tiền sảnh có câu đối:

Kim điện hoằng khai tự cổ hàm ân tôn Phật tổ

Long Quang phổ chiếu, chí kim công đức niệm Di Đà

Quả hồng chung chùa Kim Long do Phó vệ úy Tư Hầu Lê Trọng Ngữ và chánh thất Nguyễn Thị Lý phụng cúng năm Thành Thái thứ 17 – 1907.

Trong vườn chùa phía trái chính điện, có ngôi mộ tháp xây bằng đá ong, cao 2m50, bia mộ bằng đá màu xanh có khắc 8 chữ lớn: “Kim Long tự Hòa thượng Đại sư chi tháp”.

Từ sau năm 1945, chùa không người trụ trì, quản tự nên trở thành hoang phế, tự khí, tự vật lần hồi bị mai một không còn nữa. Mãi đến năm 1956, Khuôn hội Phật học Thạch An thành lập và chủ trương trùng tu lại ngôi chùa vào năm 1957. Tháng 7 năm 1958 chùa Kim Long đã hình thành được Gia đình Phật tử Thạch An với khoảng hơn 200 Đoàn sinh nhưng đến ngày 20 – 5 – 1965 thì tạm ngừng sinh hoạt vì chiến tranh, mãi đến năm 1969 tái sinh hoạt tại Niệm Phật đường Bình Long với tên Gia đình Phật tử Chơn Thạch. Tháng 7 năm 1959, Khuôn hội chủ trương trùng tu mộ tháp và tu bổ thêm tiền đường vào năm 1963. Đến năm 1968, bom đạn chiến tranh đã làm chùa Kim Long bị san bằng, mộ tháp hư hỏng, tự vật, tự khí kể cả đại hồng chung cũng không còn.

Năm 1975, hòa bình trở lại, đạo hữu thuộc bổn tự đã phát tâm xây dựng lại ngôi chùa Kim Long, và Gia đình Phật tử Chơn Thạch cũng đã tái sinh hoạt từ ngày 15-7-1995 đến nay do anh Vương Thọ Thông làm liên đoàn trưởng, anh Võ Tô làm trưởng ban hộ tự điều hành công tác Phật sự.

Theo hồi ức của cư sĩ Tâm Hồng Võ Văn Vân thuộc bổn tự, ta được biết Kim Long tự đã trải qua chư vị trụ trì, quản tự sau đây:

–         Kế tổ khai sơn: Đại sư Hòa thượng Huỳnh Nhông

–         Kế Thầy Bốn: thế danh là Huỳnh Tuế

–         Kế Thầy Huỳnh Lương

–         Kế Thầy Huỳnh Lang đến nay

Vì không biết ngày sinh, tịch của tổ khai sơn nên chùa Kim Long lấy ngày tịch 13 tháng 7 của tổ Đại sư kế thừa làm ngày hiệp kỵ chư tổ.

CHÙA LIÊN BA

Chùa Liên Ba tại Tổ 3, xóm Chí Trung, thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nằm giữa Câu lạc bộ Dưỡng sinh Phú Lễ sát phía trên, và Nghĩa Từ Đường xóm Chí Trung sát phía dưới, đối diện là Trường Tiểu học số 2 Bình Trung.

Chùa có từ lâu đời, đã bị tàn phá trong chiến tranh chống Pháp (1945-1954) nay không còn căn cứ.

Năm Đinh Dậu (1957) chùa được tái thiết, do Khuôn trưởng Phật giáo Bùi Đạt, cùng bổn đạo đóng góp xây dựng. Đất chùa do hai tín chủ Phạm Thị Sùng và Phạm Thị Hải hiến cúng. Ngoài ra còn có một số đất ruộng đã vào Hợp tác xã sau 1975.

Năm 1971, Khuôn trưởng Bùi Đạt qua đời. Khuôn trưởng Bùi Quang Mậu thay thế và qua đời năm 1990.

–     Từ 1990-2004, do Trưởng Ban hộ tự Phạm Chung.

–     Từ 2004-2008, do Trưởng Ban hộ tự Bùi Văn Anh.

–     Từ 2008 đến nay, do Trưởng ban hộ tự Bùi Văn Lâm, Phó ban Nguyễn Thị Vân, Thư ký Lê Thanh, Thủ quỹ Nguyễn Thị Bân (chưa có quyết định).

Chùa có diện tích xây dựng 200m2, trong diện tích chung 2500m2 (chưa cấp sổ đỏ). Hướng về Đông-Nam, vách gạch, lợp ngói, khung sườn giàn cột toàn bằng gỗ mít.

Chùa đã qua ba lần trùng tu vào các năm 1963, 2005, nhưng lần tu sửa cơ bản như hiện giờ vào năm 2009, ngoài công quả bổn đạo còn có phần tài trợ hoàn chỉnh của bà Bùi Thị Bá, quê bản thôn, ở xa về phát tâm cúng dường.

Giỗ chính của chùa vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm.

 

CHÙA LIÊN QUANG

Chùa Liên Quang tọa lạc tại thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi 15 cây số về phía bắc trên sườn đồi cạnh đường Quốc lộ 1A.

Chùa do Hòa thượng Thích Phước Huy (diệt tôn của Hòa thượng Chương Nhẫn – Từ Nhơn) khai sơn năm Nhâm Thân 1932 trên đất hiến cúng của các cụ Lê Son, Lê Phúc, Lê Khuê, Lê Bình và Đặng Quảng Trị hiệu Phước Thái.

Hòa thượng Phước Huy có thế danh là Trịnh Thà sinh năm 1909 tại Bình Sơn, xuất gia quy y tại chùa Sắc tứ Tây Thiên được bổn sư Hòa thượng Hoằng Nhiếp ban pháp danh Chơn Đình, tự Đạo Ý. Năm Ất Sửu 1925, Ngài thọ Sa di tại giới đàn chùa Phước Quang do Hòa thượng Hoằng Tịnh làm đàn đầu, được ban pháp hiệu Phước Huy. Năm 1928, ngài được chư sơn bổn tỉnh cử đi tu học tại Campuchia, đến năm 1930 ngài về khai sơn chùa Tường Quang ở thôn An Châu, tổng Bình Thới và đảm nhiệm chức vụ Tòng lâm Chánh chủ huyện Bình Sơn. Năm Nhâm Thân 1932, ngài khai sơn chùa Liên Quang. Năm Giáp Tuất 1934, ngài thọ Tam Đàn cụ túc tại chùa Thạch Sơn do Hòa thượng Hoằng Thạc làm đàn đầu.

Năm 1960, được mời làm giáo thọ tại giới đàn chùa Nghĩa Phương – Nha Trang, năm 1961 làm Yết Ma A xà lê tại giới đàn chùa Từ Lâm. Năm Giáp Thìn 1964, ngài khai mở giới đàn tại chùa Liên Quang do chính ngài làm Đàn đầu, Hòa thượng Huệ Pháp (chùa Minh Tịnh) làm Tuyên luật sư. Cùng năm này, ngài khai sơn chùa Long Khánh, xã Bình Long. Năm 1958, ngài cùng với Hòa thượng Phước Huệ chứng minh khai sơn chùa Kim Long ở huyện Trà Bồng.

Năm 1964, Ngài tổ chức thành lập Gia đình Phật tử Chánh Liên tại chùa Liên Quang. Năm 1968, ngài được thỉnh làm Đàn đầu tại giới đàn chùa Thiên Bút.

Ngài viên tịch vào ngày 22 tháng giêng năm Canh Thân 1980. Mộ tháp ngài được tôn trí trong vườn chùa, bia ký có nội dung: Tự lâm tế Chánh tông tứ thập thế khai sơn Liên Quang tự húy Chơn Đình thượng Đạo hạ Ý hiệu Phước Huy Hòa thượng

Kế tổ khai sơn trụ trì chùa Liên Quang từ năm 1972 đến năm 2006 là Hòa thượng Thích An Ngọc húy Như Vinh, tự Giải Hiển.

Chùa Liên Quang có 5 lần trùng tu, lần đại trùng tu thứ 5 khởi công năm 2001, đến nay (2010) đã hoàn thành được 95%.

Theo biên bản phiên họp của Môn phong Liên Quang ngày 22 tháng giêng năm Mậu Tý 2008 đã đề cử Thượng tọa Thích Chánh Lý trụ trì chùa Liên Quang.

CHÙA LINH TIÊN

Chùa Linh Tiên tại xóm Đồng Chùa, thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo gia phả Ngô tộc tại địa phương thì ông Tổ của dòng họ này là Ngô Công Đường, từ Nghệ An vào đây sinh cơ lập nghiệp. Rồi phát nguyện lập am thờ Phật, tu Thiền trên núi cao, dân làng kính trọng ông là vị Thiền sư. Gọi núi là núi Chùa, vùng nông thôn xung quanh gọi là xóm Đồng Chùa.

Đến nay Ngô tộc đã qua 14 đời, ông là đời thứ nhất và dựa vào niên đại lập gia phả thì am Phật là nền tảng khai sơn cho chùa bây giờ có vào năm Mậu Ngọ (1678). Ông viên tịch vào năm Kỷ Sửu (1709). Mộ táng tại đất chùa, đã di dời về nghĩa trang Bình Đông vào năm 2007. Kế thừa am Phật đã qua các đời Ngô Công Từ, Ngô Công Cổn, và Ngô Công Thiện.

–     Năm Kỷ Tỵ (1749), thiên tai làm cho am Phật sụp đổ, phải chuyển xuống lưng chừng núi, xây dựng thành ngôi chùa. Hiện còn di tích ngôi thờ vọng trên đồi thấp sau chùa bây giờ.

–     Năm Canh Ngọ (1750), vì chùa quá nhỏ so với sự phát triển tín đồ, chùa lại được dời xuống chân núi tại địa điểm hôm nay. Lễ khánh thành có Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh tham dự và tặng bốn chữ “Thiện Ác Đường Môn”.

–     1750-1925, chùa do các họ Ngô, Nguyễn và Trịnh thay nhau cai quản.

–     1925-1940, do nhà sư thế danh Ngô Ngà trụ trì.

–     1940-1954, do cư sĩ Ngô Cẩn quản tự.

–     1954-1974, do Đại đức Thích Tâm Nhuận, thế danh Lê Tấn Bửu trụ trì. Có các Khuôn trưởng Phật giáo Huỳnh Tấn Đoan (1956-1959), Võ Mẫn (1960-1962), Huỳnh Xương (1963-1975) thay nhau lo việc điều hành.

–     1973-1977, do Khuôn trưởng Phật giáo Trần Nhuế.

–     1977-1981, do Khuôn trưởng Phật giáo Huỳnh Lần.

–     1981-1990, do các Trưởng ban Hộ tự Nguyễn Khâm, Nguyễn Qua (1990-1993), Ngô Cung (1993-1995), Nguyễn Nghiêm (1995-1997), Ngô Công Chính (1997-2007).

–     Từ 2007 đến nay, do Trưởng ban Hộ tự Nguyễn Đủ, Phó ban Phùng Hữu Tới, Thư ký Nguyễn Xuân Quí, Thủ quỹ Phan Thị Chỉnh.

Chùa có diện tích xây dựng 761m2, giàn cột kèo bằng gỗ mít chạm khắc chữ Hán mang nét cổ truyền.

Năm Ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855), chùa đào giếng, được một cốt tượng bằng đá xanh và hai trứng đá bầu dục ở hai bên tai hình người, đầu voi, cao 0.6m, mỗi cạnh 0.4m, nặng cỡ 60kg. Nhưng hai trứng đá đã bị mất cắp cùng lúc với Đại Hồng Chung, tượng cốt đồng vào năm 1982. Hiện còn tượng Đầu voi gắn chặt trên bệ thờ.

Chùa có Đoàn quán Gia đình Phật tử Chơn Hải, Ban Từ thiện-Xã hội. Giỗ chính vào ngày 10 tháng tư âm lịch hằng năm.

 

CHÙA LONG BÀNG

Chùa Long Bàng tọa lạc tại thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, cách trung tâm thị trấn Châu Ổ khoảng 8 cây số về phía tây theo đường liên huyện Trà Bồng.

Nguyên xưa kia, chùa có tên là chùa Hồ Bồng. Không còn sử liệu cụ thể cho ta biết được chùa được xây dựng vào thời điểm nào. Hiện nay, tại nhà anh Trưởng ban hộ tự Lại Văn Giỏi còn giữ một văn khế cúng ruộng đất là 2 mẫu 1 sào gồm 8 thửa tại xứ Hóc Cát, thôn Ba Trì cho chùa Long Bàng để làm ruộng tam bảo vào ngày 11 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 5 – 1824, có hai người chứng kiến ký chỉ là Tri Thâu xã Diên và Cai Thiệu Diệt Ngọc Hầu. Số ruộng này do Chánh thất ông Tiền Tả Quân Quan là Thị Giảng cùng con là Viên Hân, Viên Diệu đứng cúng. Nguyên bản chữ Hán được thông dịch viên hữu thệ Bùi Phú Nghiệp dịch y bản vào ngày 1-2-1962 tại Tòa án Quảng Ngãi. Qua chiến tranh ruộng này đã bị thu hồi, đến ngày 30 tháng 4 năm 1964, Hội đồng xã Bình Khánh (nay là Bình Chương) thể theo đơn của Khuôn hội Phật giáo Long Bàng mời 270 dân làng làm chứng và giao trả lại cho Khuôn hội quản lý làm ruộng tam bảo. Văn bản này gồm có các ông Đại diện xã Võ Liêu, Tài chính Võ Đức Điễn, quận trưởng Bình Sơn Hồ Thi, Khuôn hội trưởng Lê Thanh Dương, và phó là Phạm Tựu đồng ký chỉ.

Qua 2 văn bản này, thì có lẽ chùa Long Bàng đã được xây dựng trước thời Minh Mạng. Thêm nữa, chùa Long Bàng tọa lạc trên địa phận trung tâm làng Ngọc Trì mà vị tiền hiền khai khẩn làng là Võ Đức Tài – thủy tổ của danh tăng Võ Đức Nghiêm tức Thiền sư Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác sinh năm Đinh Mão 1747 tại Ngọc Trì. Ngài quy y năm 1759, đến năm 1765, ngài cởi áo nâu sồng thay hai anh tòng quân dẹp giặc Đá Vách tràn xuống đánh phá vùng Bình Sơn. Quê hương yên bình, ngài ra quét chợ 20 năm ở Hội An để sám hối (Bình Man tảo thị) đến năm 1799, ngài được thỉnh trụ trì chùa Di Đà – Hội An. Ngài đã cùng với sư huynh Tường Quang – Quảng Độ xây dựng lại chùa Phước Lâm do cuộc chiến Tây Sơn tàn phá và biến nơi đây thành trung tâm Phật giáo đào tạo tăng tài cho xứ Đàng Trong.

Người viết xin được mạo muội trình bày sử liệu này để chúng ta cùng suy nghĩ là có thể Thiền sư Minh Giác năm 12 tuổi (1759) xuất gia quy y tại chùa làng Long Bàng rồi sau này ngài mới ra cầu pháp, tu học tổ Thiệt Dinh Chánh Hiển – Ân Triêm tại chùa Phước Lâm – Hội An. Không hẳn như sử sách lâu nay đã viết. Thêm nữa, những người cùng thời và bà con dòng họ của ngài cũng đang tu học tại chùa Viên Tôn – Bình Sơn mà tài liệu còn ghi chép là Đại Huệ Võ Đức Lượng, Pháp Mỹ Nguyễn Thị Thương, Đại Hạnh Võ Đức Phước.

Chùa Long Bàng ngày xưa bằng tranh tre với khung sườn gỗ. Qua bao cuộc chiến tranh, chùa nhiều lần bị tàn phá nên đã có 7 lần trùng tu vào các năm 1905, 1954, 1975, 1991, 1996, 2006, 2007.

Năm 1960, chùa đã thành lập Gia đình Phật tử Chơn Ngọc đến năm 1975 tạm dừng và tái lập vào năm 1997 với hơn 50 đoàn sinh vẫn tên Chơn Ngọc do Gia trưởng Lê Văn Mẫn, Liên đoàn trưởng Nguyễn Thanh hướng dẫn.

Hiện nay, anh Lại Văn Giỏi trưởng ban hộ tự thay mặt đạo hữu, Phật tử điều hành công tác Phật sự.

CHÙA LONG KHÁNH

Chùa Long Khánh tại thôn An Điềm 2, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Còn gọi là chùa An Điềm, vì nằm trong thôn An Điềm. Từ ngã ba Bình Sơn đi huyện Trà Bồng, tại cây số 7, bên tay phải vào 10m.

Nghe nói lại chùa có vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, do nhà đạo tâm Trần Duân tự phát ra làm chùa, được nhà họ Trương ở trong làng tự nguyện hiến đất, và một số ruộng làm tài sản Tam Bảo. Ruộng thì nay đã vào Hợp tác xã sau 1975, và chùa xưa cũng đã qua nhiều giai đoạn tu sửa do thời gian, thiên tai, chiến tranh tác hại.

Sau 1954, chùa mới trở lại sinh hoạt bình thường, do bổn đạo cai quản, duy trì nền tảng đã có. Năm 1972, Thượng tọa Thích Trừng Nghị được bổn đạo tín nhiệm về làm trụ trì và mở mang đạo pháp. Năm 1978, Hòa thượng Thích Hồng Ân viên tịch, Thượng tọa phải về trụ trì chùa Phước Lộc (Tp. Quảng Ngãi) thay cho bổn sư vào năm 1979.

Do đó chùa Long Khánh vắng trụ trì, bổn đạo bắt đầu đề cử Ban hộ tự.

–     Từ 1980-1990, Trưởng Ban hộ tự Nguyễn Lược.

–     Từ 1990-2000, Trưởng Ban hộ tự Đinh Sơn.

–     Từ 2001-2004, Trưởng Ban hộ tự Trần Giới.

–     Từ 2004 đến nay, Trưởng Ban hộ tự Nguyễn Phúc, pháp danh Nguyên Quả (có quyết định công nhận). Có 7 thành viên, nhưng năm 2009 cũng đã có sự thay đổi bổ sung. Phó ban Đinh Thành Công, Thư ký Nguyễn Lưu,…

Chùa có Gia đình Phật tử Chơn Khánh, do cư sĩ Bạch Văn Hùng phụ trách. Hiện chùa còn lưu giữ một số cổ vật bằng đá tảng, vuông tượng non 1m2, có chân trụ tròn từ thời Chiêm Thành.

CHÙA LONG KHÁNH

Chùa Long Khánh tại Đội 9, thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ cầu Ô sông cách Thị trấn Châu Ổ 2km về hướng Nam.

Đây là ngôi chùa làng, Phật tử toàn xã Long Khánh có trên 200 đều về đây lễ Phật. Chùa có từ lâu đời, từng bị hư hại do bom đạn chiến tranh.

Năm Giáp Thìn (1964), các ông trong Khuôn hội Phật giáo địa phương là Hồ Công Thuật, Phạm Lộ (tức Phó Lý Ba), Phạm Tuất, Phạm Sang, Hồ Phục, Hồ Cát,… cùng bổn đạo đồng tâm tái thiết, giữ tên chùa cũ là Long Khánh. Bởi chùa nằm trên thế đồi cao, sau lưng là ruộng sâu, dòng nước từ Bình Hòa chảy về đây uốn cong như hình rồng, thôn trang trù phú. Bên phải chùa có miễu Long Yên, bên trái là nhà cư dân.

Chùa hướng Tây-Nam, diện tích xây dựng hơn 200m2, trong diện tích chung khoảng 3000m2 (chưa cấp sổ đỏ). Chùa đã được trùng tu vào năm 2002, hình thức quy cách như hiện nay.

–     Từ 1964-1970, trụ trì là Đại đức Thích Phước Qui, thường gọi là Thầy Ta.

–     Từ 1970 đến nay, trụ trì là Đại đức Thích Chánh Nguyên, thế danh Hồ Nựu, sinh năm 1930, đệ tử của Ngài Thích Phước Huy.

–     Bên cạnh có Ban hộ tự, Trưởng ban là cư sĩ Phạm Thời, Thư ký Hồ Lý, Thủ quỹ Hồ Tôn, Trưởng ban Hộ niệm Trịnh Châu,…

Chùa còn lưu giữ một tượng Phật bằng đất nung từ thời Chiêm Thành cao 0.5m, đào được dưới đất khi san lấp mặt bằng, bị bể một bên cạnh sườn, bổn đạo dùng thạch cao đắp sửa lại và sơn thép vàng như tượng mới.

Giỗ chính của chùa vào ngày 25 tháng chạp âm lịch hằng năm.

CHÙA LONG SƠN

Chùa Long Sơn tại Tổ dân phố 2, thị trấn Châu Ổ, nguyên trước kia là thôn Mỹ Thuận, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các bậc cố cựu nói lại cho biết chùa có từ thời Quang Trung (Mậu Thân – 1788), còn sự khai sơn sáng lập và truyền thừa qua các thời đại trước kia thì không còn căn cứ. Do chùa xưa đã bị tiêu hủy trong khàng chiến chống Pháp (1945-1954). Bổn đạo còn người nhớ khoảng 1920-1930, thầy Nguyễn Thơm làm thủ tự. Khoảng 1930-1945, thầy Nguyễn Hoạt, pháp hiệu Khánh Phát làm thủ tự. Từ 1945-1954, chùa gián đoạn sinh hoạt.

Sau 1954, chùa được tái thiết, do Khuông hội Phật giáo địa phương xây dựng. Đến 1962, tình hình an ninh bất ổn, chiến tranh bắt đầu khốc liệt, sự sinh hoạt của chùa không được bình thường. Từ 1963-1975, có Đại đức Thích Hạnh Nghĩa làm trụ trì.

Từ 1975-1996, chùa không trụ trì, bổn đạo tự nguyện cùng nhau bảo quản.

Từ 1975-2008, bổn đạo đề cử cư sĩ Ngô Văn Qui làm Trưởng ban Hộ tự.

Từ 2008 đến nay, Trưởng ban Hộ tự là cư sĩ Trần Lới, Phó ban Tống Văn Châu, pháp danh Thiện Định, thư ký Phan Thị Châu Hòa, thủ quỹ Ngô Thị Việt (có quyết định công nhận).

Trong năm 2008, Đại đức Thích Quảng Thiện, thế danh Lê Lương Thiều, thọ Sa Di năm 2000, thọ Tỳ Kheo năm 2004 tại Đại giới đàn Phước Huệ (Bình Định), tốt nghiệp Trung cấp Phật học Đà Nẵng, phát nguyện xin về làm trụ trì (chưa có quyết định bổ nhiệm).

Chùa có diện tích xây dựng 500m2, vách gạch, lợp ngói, trong diện tích tổng thể 5020m2 (có sổ đỏ). Bao gồm tam quan cao nhiều bậc cấp, ngôi Chánh điện nằm giữa khuôn viên. Sau lưng là nhà Tăng, nhà khách, nhà trù, nhà kho, Đoàn quán Gia đình Phật tử Chơn Giác, do Huynh trưởng Tâm Thường Trần Khanh phụ trách. Ngoài thiết trí đã có từ trước, năm 2000 tu chỉnh toàn diện cho đến nay.

Bổn đạo hàng đêm tụng kinh, hàng tháng thọ Bát quan trai giới vào ngày mồng một âm lịch.

CHÙA LONG TUYỀN

Chùa Long Tuyến tại Đội 1, thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên gốc chùa cách chùa bây giờ xéo bên tay trái lộ giới 100m, có từ lâu đời, nhưng đã bị tàn phá trong kháng chiến I (1945-1954). Di chỉ cho biết chùa do Hòa thượng Tế Chơn – Liễu Ngộ – Quảng Tế khai sơn. Kế là Hòa thượng Đạo Tể, pháp tự Viên Cung, rồi tiếp theo các vị Tăng sư nào không còn căn cứ.

Sau 1954, bổn đạo tạm mượn nhà cư sĩ Nguyễn Tài Luân làm Niệm Phật đường. Một thời gian rồi dời về Đình Cây Bàng ở cuối thôn, có sự kết hợp giữa Đình và Chùa, cùng trên đất làng. Nhưng sau đó bổn đạo đồng tình trả lại đất Đình cho Đình để thờ Thần, nay vẫn còn di tích. Còn chùa cũ nằm trên đất làng cũng xin để cho làng sử dụng công ích, và bao năm qua đất vườn chùa cũ đã được san bằng thành sân vận động.

Tới năm 1970, bổn đạo đồng tâm đóng góp mua mảnh đất mới, tự lập chùa mới, vẫn giữ tên chùa Long Tuyền tại địa điểm bây giờ và duy trì đến năm 2008 tu sửa lần nữa như hiện nay. Ngày khánh thành có Thượng tọa Thích Viên Đạo chứng minh.

Chùa hướng về Đông, cấp 4, vách gạch, lợp ngói, có diện tích xây dựng 100m2, trong diện tích chung khoảng 1000m2 (chưa cấp sổ đỏ). Khung sườn bằng gỗ mít rất tốt. Đặc biệt chùa có quả Đại Hồng Chung nặng 100kg, đường kính loa 0.6m, đúc vào niên hiệu Minh Mạng thứ 2 (Tân Tỵ – 1821).

Được biết Hồng Chung này đã từng bị kẻ trộm đánh cắp tới ba lần. Lần thứ nhất kẻ trộm khiêng theo đường cận sơn ra Quảng Nam, nửa đường tự dưng nặng quá khiêng không nổi phải dừng lại, có người biết thông tin cho bổn đạo đến chận lấy đem về. Lần thứ hai kẻ trộm khiêng đi qua mấy cánh đồng, tới đồng Bàu Lát, bỗng nhiên Hồng Chung nặng quá đành dừng lại nghỉ, bị phát hiện, bổn đạo lấy đem về. Lần thứ ba, kẻ trộm vừa khiêng đến kênh thủy lợi cách chùa không xa, Hồng Chung cũng nặng quá ngã xuống đập, chúng nhận luôn dưới nước, nhưng bổn đạo biết được đến vớt lên đem về. Quả là Hồng Chung có thần linh, nay vẫn nguyên vẹn giá tại lầu chuông.

Chùa lâu nay không trụ trì, từ 1970-1975 do Khuôn hội trưởng Phật giáo Nguyễn Văn Ký cai quản; 1975-1990 do Phạm Trinh; 1990-2000 do Phạm Đức Vân; từ 2000 đến nay, do Phạm Đức Hiếu (chưa có quyết định bổ nhiệm).

       CHÙA MINH SƠN

Chùa Minh Sơn tại Đội 8, thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Phước Chí, thượng Chơn hạ Linh, khai sơn và trụ trì vào năm Nhâm Dần (1962). Ngài viên tịch năm Mậu Thân (1968), mộ tháp tại chùa Viên Quang, thôn An Châu, xã Bình Thới, Bình Sơn.

Kế thừa từ 1968 đến 2000, Hòa thượng Thích An Trì, thượng Như hạ Đồng. Ngài viên tịch năm Canh Thìn (2000), mộ tháp tại chùa Minh Sơn.

Từ năm 2000 đến nay, do cư sĩ Hoàng Công Phi, pháp danh Tâm Tùng, đệ tử của Hòa thượng Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn). Cư sĩ hiện là Trưởng Ban hộ tự, Phó ban Phạm Trung Dương, Thư ký Nguyễn Duy Thanh (chưa có quyết định).

Chùa hướng về Tây Nam, vách gạch, lợp ngói, khung sườn, giàn cột bằng gỗ tốt có chạm trổ. Diện tích xây dựng 250m2, trong diện tích chung khoảng 4 sào (chưa cấp sổ đỏ). Chùa nằm ở thế đất thấp, nguyên trước kia là ruộng nước, lụt lớn có năm lên quá nửa vách.

Giỗ chính của chùa vào ngày 27 tháng 11 âm lịch hằng năm. Chùa nguyên có 2 tượng Di Đà và Bổn sư bằng đồng, cao 0.3m, nặng 5kg, đã bị mất cắp vào thời Hòa thượng An Trì. Nên để bảo quản, Hồng chung và 3 bộ tam bằng đồng hiện còn gởi tại tư gia.

CHÙA NGỌC TIÊN

Chùa Ngọc Tiên tại Đội 3, thôn Tiên Đào, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên chỉ là cái am thờ Phật theo cổ truyền của ông bà, có từ trước 1945 trong đất vườn gia tộc, nhưng đã bị hư hoại trong thời chiến tranh chống Pháp (1945-1954).

Sau 1954, Đại đức Thích Chánh Hậu, tự Giác Hóa, thế danh Lê Lang, đệ tử của Hòa thượng Thích Phước Hải, mới đứng ra xây dựng thành ngôi chùa mang tính “cải gia vi tự” và trụ trì cho đến nay. Đại đức sinh năm 1921, nay đã 88 tuổi, sức khỏe suy yếu, lại bị tê liệt, mọi Phật sự đều do gia đình và bổn đạo tự nguyện cai quản.

Chùa dưới dạng cấp 4, vách gạch, lợp ngói, hướng về Đông Nam. Diện tích xây dựng khoảng 200m2, trong diện tích chung 5 sào (chưa cấp sổ đỏ). Tuy rộng nhưng quá thấp, chia thành nhiều ngăn, bởi xây dựng không cùng một lúc, mà chắp nối tùy thuộc vào phương tiện tự có qua nhiều đợt, cách thiết đặt các bệ thờ và trang thờ cũng theo đó mà định vị, đến nay thì chùa cũng đã xuống cấp.

Tiền đường nổi mờ ba chữ Hán “Ngọc Tiên Tự”. Hành lang vừa sử dụng làm nhà khách, nhà họp, nhà ăn,… xung quanh khuôn viên trồng hoa màu phụ.

CHÙA PHÚ HƯNG

Chùa Phú Hưng tại Đội 3, xóm Chí Trung, thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngã ba Thị trấn Châu Ổ, theo tỉnh lộ liên xã lên non 2km, về bên tay phải sát với chùa Phú Liên nằm phía dưới.

Chùa có từ trước 1945 (chưa xác định rõ năm), do Hòa thượng Thích Phước Hỷ, thế danh Trần Đà, thường gọi là thầy Bảy Đà, khai sơn và trụ trì. Ngài viên tịch vào năm Nhâm Dần (1962), mộ táng tại Gò Nhiên trong thôn.

Kế thừa trụ trì từ 1962-2004, là Hòa thượng Thích An Ba, thế danh Trần Kim Hương, thường gọi là thầy Ba Đàn. Ngài viên tịch năm Giáp Thân (2004), mộ táng tại Truông Trầu trong xã.

Kế thừa từ 2004 đến nay là Đại đức Thích Giải Long, thế danh Trần Kim Hội, đã qua các trường hạ trong tỉnh, tiếp tục trụ trì và tự cai quản.

Chùa hướng về Nam, vách gạch, lợp ngói, cấp 4, diện tích xây dựng 70m2, trong diện tích chung cùng gia tộc (có sổ đỏ).

CHÙA PHÚ LIÊN

Chùa Phú Liên tại Tổ 3, xóm Chí Trung, thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Phước Điền khai sơn trụ trì. Long vị thờ Ngài: “Phụng vì từ Lâm Tế Chánh Tông, tam thập cửu thế, húy Ấn Hòa, thượng Tổ hạ Chiếu, hiệu Phước Điền Hòa thượng giác linh”. Mộ tháp tại thôn Phú Lễ.

Kế thừa là Hòa thượng Thích Phước Ái. Long vị thờ Ngài: “Phụng vì từ Lâm Tế Chánh Tông, phổ tứ thập thế, Phú Liên đường thượng, húy Chơn Thọ, thượng Đạo hạ Toán, hiệu Phước Ái Hòa thượng giác linh”. Viên tịch năm Giáp Thìn (1964), mộ tháp tại Truông Trầu trong xã.

Kế thừa từ 2003 đến nay là Đại đức Thích Hạnh Phát, pháp tự Thị Khai, hiệu Viên Tâm, thế danh Trần Kim Toại. Sinh năm 1945, thọ Sa di năm 1964, thọ Tỳ kheo năm 1972, tại Đại gới đàn Thiên Bút, do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Hưng. Đại đức còn là một thầy thuốc Đông y, hành nghề theo truyền thống của cha ông.

Chùa từ thời Hòa thượng Phước Điền, chùa đã bị thiêu rụi trong chiến tranh vào năm 1965. Năm 1970, Hòa thượng Ân Quang tái thiết. Năm 2004, Đại đức Hạnh Phát trùng tu có hình thức như hiện nay. Diện tích xây dựng 200m2, trong diện tích chung 1000m2 (có sổ đỏ chung hộ gia đình).

Chùa có trống cỡ trung, Bảo Chung 10kg.

 

 

 

CHÙA PHÚ SƠN

Chùa Phú Sơn tại Đội 12, xóm Chí Trung, thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Phước Sanh khai sơn trụ trì. Long vị thờ Ngài: “Từ Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập thế, Phú Sơn đường thượng, húy Chơn Dõng, thượng Đạo hạ Ký, hiệu Phước Sanh Hòa thượng giác linh”.

Kế thừa là Hòa thượng A-xà-lê Thích An Niệm. Long vị thờ Ngài: “Từ Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập nhứt thế, thượng Giải hạ Tịnh, hiệu An Hải Hòa thượng giác linh”.

Kế thừa hiện nay là Đại đức Thích Thiện Trí, thế danh Trần Kim Sự.

Chùa có diện tích 100m2, trong diện tích chung 200m2 (có sổ đỏ), liền vách với hộ gia đình. Chùa có trống cỡ trung, Hồng chung 50kg.

CHÙA PHƯỚC AN

Chùa Phước An tại xóm Vạn An, thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Duyên khởi vào năm Kỷ Hợi (1959), cư sĩ Nguyễn Hữu Trân, thường gọi là ông Hương Tượng, đệ tử của Hòa thượng Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn), phát tâm xin thỉnh Phật tượng về tư gia để tôn thờ, bà con thường đến chiêm bái. Do đó mới có sự bàn thảo tín nhiệm ông đứng ra vận động xây dựng cho địa phương một ngôi chùa Phật. Đất do bà con bổn đạo chung nhau đóng góp mua của ông Đặng Thông, và chùa được hoàn thành vào tháng 4/1963.

Năm 1967, chùa được tu sửa lần thứ nhất, do nền tảng ban đầu bị ảnh hưởng chiến tranh.

Năm 2005, chùa chính thức trùng tu lần thứ hai do lâu ngày xuống cấp. Có diện tích xây dựng 250m2 trong diện tích chung 900m2 (chưa cấp sổ đỏ).

Năm 2006, dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên hướng về Đông, nhưng mặt của chùa hướng Đông-Bắc.

Chùa có Hồng Chung 300kg và trống lớn, hai con sư tử bằng xi măng trụ hai bên bậc thềm cao. Chánh điện sát với nhà Đông, nối liền nhà bếp.

Trước nay chùa không trụ trì, bổn đạo tự đề cử:

–     Từ 1963-1965, do các ông Nguyễn Hữu Trân, Nguyễn Nhu.

–     Từ 1968-1970, ông Nguyễn Thiệu

–     Từ 1971-2003, ông Nguyễn Chân

–     Từ 2004-2006, ông Nguyễn Văn Lãnh.

–     Từ 2007 đến nay, do Trưởng ban Hộ tự Nguyễn Văn Hổ, pháp danh Tâm Liên, Thư ký Trần Trung Luận, Thủ quỹ Nguyễn Thị Phước. Chùa có Gia đình Phật tử Chơn Đức, do Tâm Liên Nguyễn Văn Hổ kiêm nhiệm. Phụ trách ngành Nam do Liên đoàn trưởng Tâm Dũng Trần Trung Tấn phụ trách.

Chùa có tổ chức Chi hội Khuyến học Phước An, lập quỹ Từ thiện và Ban hộ niệm, tham gia các hoạt động xã hội.

CHÙA PHƯỚC BÌNH

Chùa Phước Bình tại Đội 3, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Cổng nổi ba chữ Hán “Phước Bình Tự”:

Bát Nhã môn bá tánh tôn sùng

Bồ đề địa thập phương kính ngưỡng.

Tiền đường nổi ba chữ Việt “Chùa Phước Bình” và năm trùng tu 1961:

Phước chí tiền nhơn khai sáng tạo

Bình thanh cơ chỉ vạn thế truyền.

Không biết rõ thời điểm khai sơn, chỉ biết do các ông Phạm Kỳ, Phạm Diêu, Đoàn Thưởng,… đứng ra vận động xây dựng. Nhưng bị gián đoạn sinh hoạt từ 1945-1954 do chiến tranh. Chùa bị hư hoại, bổn đạo tự thay phiên chăm sóc.

Sau 1954, Khuôn trưởng Phật giáo Đoàn Hiệu, cùng bổn đạo trong thôn tái thiết, nhưng cũng chỉ đơn sơ để có nơi chiêm bái tín ngưỡng. Năm 1961 mới chính thức trùng tu, do các ông Đoàn Hiệu, Phạm Bích, Nguyễn Vân,… vừa xây dựng vừa cai quản.

Chùa hướng về Nam, cấp 4, vách gạch, lợp ngói, khung sườn gỗ. Diện tích xây dựng 80m2, trong diện tích chung 500m2 (chưa cấp sổ đỏ). Vừa ngôi Chánh điện và nhà bếp, giếng nước, sát với Trường Mẫu giáo của thôn.

Chùa lâu nay không trụ trì, Ban Hộ tự hiện nay là Trưởng ban Nguyễn Trang, Phó ban Tăng Bùi, Thư ký Võ Nghiền, Thủ quỹ Phạm Trung Dũng (chưa có quyết định).

CHÙA PHƯỚC LÂM

Chùa Phước Lâm tại xóm Cây Thị, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tương truyền chùa có vào năm Tân Dậu (1861), Tự Đức thứ 14. Nguyên thủy tọa lạc trên đất Cửa Chùa, xóm Cây Thị, do một Thiền sư Lâm Tế khai sơn, không rõ đích danh, không còn dấu tích nào để lại. Có lẽ chùa trong quá khứ đã hoàn toàn hư hoại theo biến động thời gian. Chỉ còn trong tâm tưởng cái tên chùa Phước Lâm và ngày giỗ chính 18 tháng 5 âm lịch, lấy đó làm ngày hiệp kỵ.

–     Đến năm Kỷ Hợi (1959) chùa được tái lập, nhưng không tái lập trên đất Cửa Chùa nguyên thủy, mà xây dựng trên đất Cửa Đình, cùng một xóm Cây Thị, nay vẫn còn giữ nền tảng Dinh thần di tích. Bổn đạo cử ông Nguyễn Quang Cư làm Khuôn trưởng Phật giáo điều hành sinh hoạt.

–     Từ 1967 đến tháng 4/1975, chiến tranh lan rộng, chùa nằm trong tầm bom đạn, nên phải dời Phật tượng về trí tại khu đền ấp Thuận Phước, thuộc xã Bình Nguyên cũ, và cử ông Nguyễn Hy làm Khuôn trưởng.

–     Từ 1976-1979, hòa bình vãn hồi, Phật tượng được dời trở lại chùa Phước Lâm như địa điểm bây giờ, và bầu ông Nguyễn Quang Tấn làm Khuôn trưởng, sau cải danh là Trưởng Ban hộ tự đến năm 2000.

–     Từ 2000-2008, chùa trùng tu toàn bộ, xây dựng thêm nhà Giảng, chỉnh trang Dinh thần. Lễ khánh thành chùa cùng với lễ khánh thành tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên bằng đá non nước, cao 3.2m, do Thượng tọa Viên Đạo chủ trương chứng minh vào ngày 19/2/2008. Đồng thời cử ông Nguyễn Hơn làm Trưởng Ban hộ tự.

–     Từ 2008 đến nay, Trưởng Ban hộ tự là Nguyễn Quang Thời, Phó ban Bùi Văn Thước, pháp danh Thiện Minh, Thủ quỹ Nguyễn Thị Thiện (chưa có quyết định). Cũng trong năm này, chùa tái lập sự sinh hoạt của Gia đình Phật tử Chơn Thuận.

Chùa hướng về Đông, vách gạch, lợp ngói, diện tích xây dựng khoảng 200m2, trong diện tích chung 1301m2 (có sổ đỏ).

CHÙA PHƯỚC MINH

Chùa tọa lạc tại Đội 2, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngã ba Bình Sơn đi huyện Trà Bồng, tại cây số 5, bên tay phải vào thôn khoảng 100m, ngang qua sân trường học cấp 1 của xã, sát cổng trụ chùa có bảng đề “Chùa Phước Minh”.

Năm Kỷ Dậu (1969), Hòa thượng Thích Hồng Ân, nguyên chức sự Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, đứng ra khai sơn, xin phép xây dựng, đặt tên chùa, trên đất làng, thuộc thổ sơn, xưa kia nguyên là miễu Vĩnh Thất đã bị hoang tàn trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Và cử Đại đức Thích Trừng Diễn, pháp danh Tâm Lưu, thế danh Huỳnh Thóa, người bản xã làm trụ trì, Đại đức viên tịch vào năm 1972, mộ tháp tại đất thổ cư gia tộc trong thôn.

Chùa hướng về Nam, có diện tích xây dựng 60m2, trong diện tích chung 1700m2 (chưa cấp sổ đỏ), cấp 4, vách gạch, lợp ngói. Chánh điện hiện còn tượng cốt Bổn sư Thích Ca cao 1.2m

Năm 1978 có tu sửa đơn giản do bom đạn chiến tranh bắn phá. Đến nay thì chùa đã xuống cấp nặng.

–     Người kế vị trụ trì Đại đức Thích Trừng Diễn viên tịch là Đại đức Thích Trừng Thanh từ 1972-1976.

–     Từ 1976 đến nay do Ban hộ tự đảm nhiệm. Trưởng Ban hộ tự là cư sĩ Lê Bá Đẩu, pháp danh Tâm Vận, thủ quỹ Lê Thị Lụa, Hộ niệm (Quyết định công nhận số 56/QĐ-BTS ngày 10/6/2005).

CHÙA PHƯỚC SƠN

Chùa Phước Sơn tại Đội 4, thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có từ thời Pháp thuộc trước 1945, được nói lại do các nhà đạo tâm Nguyễn Thoan (tức Đạt), Nguyễn Nguyên (tức Vấn) và Nguyễn Đáp đứng ra cùng bà con trong thôn xây dựng. Nằm trên đất tạo lập, cọng thêm một phần cống hiến của bổn đạo. Ngoài ra còn có một số ruộng cấy, nhưng đã vào Hợp tác xã sau 1975. Hiện còn một mảnh vườn cách chùa khoảng 500m, do bổn đạo khai thác hoa lợi, đóng góp cho quỹ chùa.

Chùa hướng về Đông, diện tích xây dựng 100m2, trong diện tích chung hơn 700m2 (chưa cấp sổ đỏ), dưới cấp 4, vách gạch, lợp ngói. Tiền đường đắp nổi ba chữ Hán “Phước Sơn Tự”, trụ cổng ba chữ Việt “Chùa Phước Sơn”. Có hai trống lớn, Hồng Chung 50kg, có bàn linh, bàn lược dùng cho tang lễ khi có người qua đời. Hiện chùa có phần xuống cấp, cần trùng tu.

–     Từ trước 1945-1954, chùa không trụ trì.

–     Từ 1954-1975, do Khuôn trưởng Phật giáo Lý Trịnh (tức Đước) đảm trách.

–     Từ 1975-2000, do các cư sĩ dưới danh nghĩa Ban hộ tự Nguyễn Đóa, Lương The, Nguyễn Nô.

–     Từ 2002-2007, cư sĩ Lý Tề.

Từ 2007 đến nay là cư sĩ Hồ Văn Mẫn (tức Hiếu), Phó ban Lê Cang, Thư ký Phạm Ngọc Anh, Thủ quỹ Nguyễn Cẩn (chưa có quyết định).

 

CHÙA PHƯỚC SƠN AM

Phước Sơn Am tại đội 16, thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên 2, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Phước Sơn Am ngày nay có diện mạo của một ngôi chùa Phật. Dù cho lịch sử quá quen thuộc với ngôi cổ am, vì thưở ban sơ đây chỉ là am tranh, vách đất, nằm dưới chân núi Vạc, do Đức Ông Nguyên Tấn Kỳ khai lập và do lòng sùng bái, nhiều người đã gọi là chùa Vạc hay chùa Ông.

Ngài Nguyễn Tấn Kỳ, sinh năm 1858, nguyên là một nghĩa sĩ yêu nước trong Nghĩa hội Văn Thân, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi ngày 5.7.1885, chống thực dân Pháp. Trước đó, Ngài đã cùng Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân… xây dựng Hương binh, lập căn cứ địa Tuyền Tung ở phía Tây làng Châu Tử, quê hương của Ngài. Ngày 13.7.1885, toàn bộ lực lượng cách mạng tiến công đánh chiếm thành Quảng Ngãi. Làm chủ tình hình được 4 ngày thì cuộc khởi nghĩa này thất bại, do phản công của quân Nguyễn Thân. Nguyễn Tự Tân chết tại trận, Lê Trung Đình bị xử chém. Còn Ngài bị bắt, tra tấn, nhưng đã tìm cách trốn thoát.

Vào tháng 6.1885, Ngài lại cùng Nguyễn Bá Loan, hợp quân với Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hàm từ Quảng Nam, chặn đánh trả thù quân của Nguyễn Thân tại xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, chúng phải dùng lửa đốt cầu gỗ, cắt đường mà chạy. Ngày nay địa phương vẫn còn lưu danh tên gọi “Cầu Cháy”.

Tuy nhiên, các hoạt động công khai và bí mật từ phong trào Cần Vương đến Duy Tân, dần dần suy yếu và tan rã. Nguyễn Bá Loan bị bắt và xử chém ngày 24.3.1908. Phong trào “Cự sưu, khất thuế”, chuẩn bị đấu tranh tiếp theo do đó mà bị lắng đọng. Ngài tự biết mình lực bất tòng tâm, vận nước thịnh suy còn tùy thuộc vào lẽ Tạo hóa xoay vần. Duy chỉ còn con đường Phật đạo là cao cả, mới mong hàn gắn nỗi thương đau và cứu vãn nhân sinh thoát khổ.

Ngài xuất gia qui y Hòa thượng Chương Nhẫn Từ Nhơn nơi Tổ đình Viên Quang, Bình Sơn, cho Ngài pháp danh Ấn Hướng, tự Tổ Đồng, hiệu Pháp Nhân. Chẳng bao lâu, Ngài lên núi Hổ, tục gọi núi Mèo Cào, thuộc huyện Núi Thành, Quảng Nam. Tu khổ hạnh, tịch cốc, chỉ ăn rau quả, đội mũ mo nang, mang giày cỏ, mặc áo bằng vỏ cây,làm bạn với thú dữ, cây rừng. Tại trường kỳ An Thiện, xã Kỳ Liêu, Tam Kỳ, Quảng Nam, Ngài được tôn lên hàng giới phẩm Hòa Thượng, với biệt danh “Tiên Long Thạch Động, húy Ấn Hướng, thượng Tổ hạ Đồng, Mộc Y Pháp Nhân Hòa Thượng”.

Tương truyền, có thời gian Ngài lên mạn ngược Trà Bồng, giữa đường gặp bà Chúa Ngung Ma Vương điểm đạo, chỉ về hướng Bắc huyện Bình Sơn, nơi có Thạch Động dành sẵn cho Ngài tu hành. Rồi Ngài tu theo Tiên đạo, học pháp Tiên Thiên, thường dùng “Bộ Phi hành” trong Vạn pháp Qui tôn, vân du khắp nơi, áp dụng “Y phương minh” chữa trị cho nhiều người lành bệnh. Tiếp xúc đủ mọi thành phần, hội ngộ cùng chư Tiên trên Non Tòng, thuộc quận Thượng Đức, Quảng Nam. Cảnh Tiên, cõi Phật đã làm cho Ngài say đắm, thế mà mật thám tay sai cho Pháp theo dõi tung tích, bắt Ngài và có lần giải về nhà giam Phủ Thừa (Huế). Nhưng cuối cùng đức thắng tà, quan quyền ở kinh đô cảm nhận ra Ngài là bậc tu hành đạt đạo, họ trả tự do cho Ngài tiếp tục đạo nghiệp sở cầu.

Nhờ vậy, uy tín của Ngài ngày một nâng cao, xa gần đều tỏ lòng sùng kính. Khi tuổi gìa cần được an tịnh bảo dưỡng, Ngài về nguyên quán lập Am Phước Sơn tại địa điểm hôm nay vào năm Canh Tuất (1910). Đến năm Quí Sửu (1913) Ngài viên tịch, pháp thân Ngài được nhập tháp tại khuôn viên Am, có khắc hai câu:

“Tịch cốc thần tiên xuân bát vạn

Mộc Y Hòa thượng giới tam thiên”

Ngày 25 tháng 8 âm lịch hàng năm là húy kỵ của Ngài. Di tích của Ngài còn lưu giữ tại gian thờ Tổ cây gậy tre đặc ruột và Bảo trượng Kim Cang. Ngày Ngài viên tịch, có một Ni sư, người phủ Thừa Thiên, thuộc dòng quí tộc nhà Nguyễn (em vua Tự Đức), pháp danh Tâm Bảo, phát nguyện cư trú tại am, tu trì kinh kệ trên 20 năm và qui tịch vào năm Kỷ Mão (1939). Thể cốt của Ni sư được vào Bảo Châu tại khuôn viên Am.

Kể từ 1913, gia tộc của Ngài kế tục sự cai quản, từ ông Nguyễn Dư (1913-1975), ông Nguyễn Châu, tức Ba Dê (1975-1978), bà Nguyễn Thị Cháu, tức Cánh (1978-1986). Từ 1986 đến nay, là đích tôn Nguyễn Tấn Thông.

Phước Sơn Am hướng về Đông, trước mặt là cánh đồng lúa và chi lưu sông Trà Bồng. Có diện tích xây dựng 800m2, trong diện tích chung khoảng 3 sào (chưa cấp sổ đỏ). Sân am đặt tượng đài Quan Thế Âm, thềm Am thờ Hộ Pháp. Nội điện phân thành từng gian theo hàng dọc, gian Chánh điện ở trước thờ Bổn Sư Thích Ca, sau lưng thờ Tổ khai sơn Nguyễn Tấn Kỳ, đối diện thờ Quan Thánh, gian giữa thờ Cửu Huyền, và Hậu tẩm gian cuối thờ vong thập phương.

Năm 2000, Am được trùng tu, nâng cao nền cũ, vách gạch, lợp ngói, giàn cột sườn cũ giữ nguyên. Năm 2009, xây dựng thêm nhà khách, nhà túc, xây cổng ngoài vẫn giữ ba chữ “Phước Sơn Am”, gắn cửa sắt, và trải đá đoạn đường vào Am hơn 100m.

Bổn đạo khoảng 50, giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ Phật.

 

 

CHÙA PHƯỚC THIỆN

Chùa Phước Thiện tại xóm 2, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa được xây dựng vào năm Mậu Tuất (1958), do Khuôn trưởng Phật giáo Huỳnh hà vận động, ban đầu chỉ là chùa tranh, vách đất, trân đất gia tộc họ Bùi hiến cúng là cư sĩ Bùi Viện, chủ yếu là ngôi Chánh điện thờ Phật Tổ Thích Ca.

Năm 1960, trùng tu Tiền đường, tạo Hồng chung 50kg và trống cỡ trung. Năm 1971, xây gạch lợp ngói. Năm 2000, dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên. Năm 2003, xây nhà Giảng. Có diện tích xây dựng hơn 200m2, trong diện tích hiện tại khoảng 400m2 (chưa cấp sổ đỏ).

–     Kể từ sau 1975, chùa tu chỉnh có bộ mặt tương đối tốt, bổn đạo thêm đông.

–     Từ 1993-1995, Trưởng Ban Hộ tự lâm thờ là cư sĩ Huỳnh Giải.

–     Từ 1995-2003, Trưởng Ban Hộ tự chính thức là cư sĩ Đỗ Ngự.

–     Từ 2003 đến nay, Trưởng Ban Hộ tự là cư sĩ Nguyễn Mãi, pháp danh Tâm Đa. Phó ban Phạm Thanh Dũng, Thư ký Nguyễn Lưu, Thủ quỹ Phan Thị Trí (có quyết định công nhận). Ngoài ra còn có Ban Khuyến học do cư sĩ Huỳnh Tới Trưởng ban, Từ Thiện do cư sĩ Ngô Ngụy trưởng ban, GĐPT Chơn Thiện do Liên đoàn trưởng Nguyễn Văn Ba, pháp danh Tâm Khai phụ trách.

Lâu nay chùa chưa có trụ trì, trước kia có các Thượng tọa Trừng Nghị, Giác Thông, Hạnh Lạc thường về chùa hướng dẫn tu tập, tổ chức Bát Quan Trai.

Ngày 14/12/2009, Trưởng Ban Hộ tự Nguyễn Mãi thay mặt bổn đạo có đơn lên các cấp thẩm quyền, xin được dời chùa về địa điểm mới đã có đất sẵn, nằm tại xóm 3, thôn Phước Thiện, có diện tích 1500m2, do bổn đạo đóng góp tạo mãi và đã được cấp quyền sử dụng đất, đứng tên nguyên Trưởng ban Hộ tự Đỗ Ngự vào ngày 26/12/2000, nhằm đáp ứng nguyện vọng không những cho bổn đạo trong thôn, mà còn cho bổn đạo ở các thôn trong xã và ngoài xã.

CHÙA QUANG LỘC

Chùa Quang Lộc tại xóm Lộc Tự, thôn 3, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa thành lập vào ngày 10/7/1961, do Yết Ma Hòa thượng Thích Chánh Niệm, pháp danh Như Thành, thượng Giải hạ Đạo, thế danh Nguyễn Sanh, khai sơn và trụ trì. Viên tịch năm 1980, mộ táng tại nghĩa địa Phụng Hoàng, xã Bình Hòa, Bình Sơn.

Kế thừa từ 1980 đến nay, được bổn đạo đề cử trụ trì là Thượng tọa Thích Chánh Hương, pháp tự Giải Lý, pháp danh Như Sự, thế danh Mai Văn Chấp, sinh năm 1950. Thọ Sa di năm 1966, thọ Tỳ kheo năm 1971 tại Đại giới đàn Long Hoa (Tư Nghĩa), do Đường đầu Hòa thượng Thích Chánh Long.

Chùa duy trì Ban Hộ trì Tam Bảo, do cư sĩ Nguyễn Đặng làm trưởng ban, và các cố vẫn lão thành Phạm Vu, pháp danh Thị Sơn, Nguyễn Y, pháp danh Như Giáo,…

Chùa hướng về Tây-Nam, dieenjtichs xây dựng khoảng 500m2, trong diện tích chung khoảng 1000m2 (chưa cấp sổ đỏ).

Chùa đã trải qua hai lần trùng tu vào các năm 1988, 1996. Năm 2009, dựng thêm một tượng đài Quan Thế Âm mới, xây cổng tam quan và còn đang tiếp tục các công trình khác. Pháp khí có trống cỡ trung và hồng chung 100kg.

Giỗ chính của chùa vào các ngày 25 tháng tư âm lịch hằng năm.

CHÙA QUANG PHƯỚC

Chùa Quang Phước tại Xóm 5, thôn Phước Hòa, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên chùa tọa lạc dưới chân núi Thình Thình, thuộc xóm Phú Tân, thôn Tham Hội, xã Bình Thanh. Theo kỷ yếu còn lưu giữ thì chùa do Hòa thượng Hoằng Lược khai sơn và trụ trì, vào năm Canh Thân (1860), niên hiệu Tự Đức thứ 13, truyền qua các đời trụ trì:

–         Giáo thọ Hòa thượng Hoằng Mô

–         Yết Ma Hòa thượng Hoằng Vĩ

–         Hòa thượng Phước Kiến

Vì chùa xưa tre gỗ mối mọt, thiên tai đã làm sụp đổ, và chiến tranh tiếp diễn, nên chùa hoang tàn.

Năm Đinh Dậu (1957), tín nữ Lê Thị Lộc, pháp danh Chơn Lộc, tự Đạo Phước, phát tâm mua đất cúng dường Tam Bảo, để chùa được dời về địa điểm bây giờ, và cung thỉnh Hòa thượng Thích Huyền Tôn về trụ trì cho đến năm 1974.

Từ 1975 đến nay, kế vị trụ trì là Thượng tọa Thích An Khiết, thế danh Lê Xuân Phổ. Sinh năm 1923, thọ Tỳ kheo năm 1961 tại Đại giới đàn Từ Lâm, do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Hưng.

Chùa đã qua nhiều lần tu sửa nhỏ, đến nay đã xuống cấp, và Thượng tọa An Khiết nay đã già 88 tuổi. Cổng chùa và Tiền đường còn ba chữ Hán rêu phong “Quang Phước Tự”.

Chùa có diện tích xây dựng khoảng 150m2, vách gạch, lợp ngói, thấp dưới cấp 4, kéo mái thêm làm nhà khách, trong diện tích chung trên 1500m2 (chưa cấp sổ đỏ). Pháp khí có trống cỡ trung, Hồng chung 100kg.

Giỗ chính của chùa vào ngày giỗ Tổ khai sơn Hoằng Lược, 25 tháng 11 âm lịch hằng năm.

CHÙA TÂN MỸ

Chùa tọa lạc tại xóm 1, thôn An Phong, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngã ba Bình Sơn đi huyện Trà Bồng, tại cây số 12, bên tay phải có trụ bảng cổng đề “Chùa Tân Mỹ”, theo đường dốc vừa tầm vào khoảng 50m.

Năm Kỷ Hợi (1959) chùa do Đại lão Hòa thượng Thích Giải An khai sơn, hướng dẫn tâm linh cho bổn đạo. Vì Phật sự, Hòa thượng về chùa Tỉnh Hội (nay là chùa Pháp Hóa), các Khuôn trưởng Phật giáo ở địa phương thay nhau đảm trách cho đến 1975. Từ Khuôn trưởng Phan Toàn, đến Nguyễn Hoát, đến Lê Câu, các vị này nay đã qua đời.

Sau 1975, là các cư sĩ trong Ban hộ tự, từ cư sĩ Nguyễn Ái Thâu, đến Phan Thi (có quyết định công nhận năm 1997). Và từ 2008 đến nay là cư sĩ Phan Hoàng (chờ Quyết định). Số tín đồ trên dưới 50. Trưởng ban Nghi lễ là cư sĩ Nguyễn Ái Hòa.

Chùa xây dựng năm 1959 đã qua ba lần trùng tu. Lần thứ nhất vào năm 1965 do chùa bị cháy, lần thứ hai vào năm 1975 do thiên tai bão lũ, lần thứ ba vào năm 1978 do xuống cấp.

Ba chục năm qua, chùa không đủ sức chịu đựng, ngày một suy sụp đổ nát. Trưởng Ban hộ tự Phan Phi, hiệp lực cùng bổn đạo, đề xướng việc tái thiết.

Năm 2009, chùa chính thức giở bỏ toàn bộ, khởi công xây dựng hoàn toàn mới, đúc bê tông, cốt sắt, chạm trổ, đắp nổi có qui cách, mang tính bền vững lâu dài. Có diện tích xây dựng 138.2m2, trong diện tích chung 1176m2 (đã có sổ đỏ). Dự tính hoàn thành sớm nhất năm 2010.

CHÙA TIÊN BA

Chùa Tiên Ba tại Đội 3, thôn Tiên Đào, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa còn tên gọi là Tiên Đào, vì nằm trong thôn Tiên Đào, xưa kia là làng Tiên Đào.

Là ngôi chùa làng, lập trên đất làng vào đầu thế kỷ 19, đến nay có cả trăm năm, do các bậc Tiền hiền trong làng Tiên Đào khai dựng. Đáng tiếc là các bậc Tiền hiền đứng ra chủ trương thì nay đã đi vào dĩ vãng, không còn một cứ liệu nào lưu lại. Ngay như các vị thủ tự cũng không đích xác, may ra chỉ còn trong ký ức từ ông Nguyễn Qui, Lê Khiết, Trịnh Thành, Nguyễn Bé,…

Chùa xưa kia bằng tranh tre vách đất, chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai, địch họa ngày một tiêu điều trong vùng nông thôn kham khổ. Sau năm 1954, bổn đạo có tu chỉnh nhưng cũng chỉ tạm thời và đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Mĩ (1965-1975).

Sau 1975, bổn đạo thành lập Ban hộ tự, cư sĩ Nguyễn Cang là Trưởng ban. Từ năm 2000 đến nay là cư sĩ Trần Bá (có quyết định công nhận).

Chùa đã qua ba lần trùng tu, lần thứ nhất vào năm 1998, lần thứ hai vào năm 2001, lần thứ ba vào năm 2009 có phần quy cách như hiện giờ. Diện tích xây dựng gần 200m2, cấp 4, vách gạch, lợp ngói, trong diện tích chung gần 3 sào (chưa cấp sổ đỏ).

Tiền đường hướng về Tây với ba chữ “Chùa Tiên Ba” và năm trùng tu 2001. Chùa còn lưu giữ một tượng Phật Thích Ca nguyên từ chùa Vĩnh Thất ở thôn Phú Lễ cùng xã chuyển về đây sau 1975.

Tháng 10 năm 2009, Sư cô Minh Nhân, pháp danh Quảng Hiền, thế danh Khê Thị Út, sinh năm 1982, xuất gia năm 1997, thọ Tỳ kheo năm 2004 tại Đại giới đàn Tâm Ấn (Qui Nhơn), tốt nghiệp Đại học Phật giáo Vạn Hạnh, phát tâm về chùa trong khi chưa có trụ trì.

 

 

 

CHÙA THANH THỦY

Chùa Thanh Thủy tại xóm Hải Thạnh, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Là ngôi chùa có từ trước thời Pháp thuộc, nguyên tọa lạc tại xóm Hải Hòa, nay thuộc thôn Thanh Thủy, do cư sĩ Nguyễn Tý thủ tự, đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Năm 1965, chùa được tái thiết, nhưng tại xóm Hải Thuận cùng thôn, do cư sĩ Nguyễn Quyền thủ tự, và cũng đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Mỹ vào năm 1968.

Năm 1970, chùa được tái lập trên nền móng cũ tại xóm Hải Thạch, vừa kịp ổn định thì trận bão năm 1972 làm đổ nát.

Sau 1975, bổn đạo mượn nhà của cư sĩ Phan Biết, pháp danh Thị Đạo, tạm thời làm Niệm Phật Đường trong khuôn khổ tự nguyện.

Đến năm 2000, có nữ tín chủ Phạm Thị Vân, người trong thôn, phát tâm cúng hiến ngôi nhà và đất tại xóm Hải Thạnh cùng thôn cho Ban Trị Sự Giáo Hội PGVN tỉnh Quảng Ngãi để sử dụng Phật sự. Được Ban Trị Sự bố trí cho bổn đạo thôn Thanh Thủy bảo quản, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu Phật sự.

Các cư sĩ Nguyễn Phương Sanh, pháp danh Thị Thuận, Huỳnh Xuân Ba, Phan Biết thay mặt bổn đạo nhận lãnh, đứng ra vận động chỉnh trang mặt bằng, tu sửa ngôi nhà thành ngôi Tam Bảo, thỉnh Phật tượng và thiết đặt các nghi thờ nhà Phật, bổn đạo thường xuyên lui tới.

Hiện tại chùa còn nhiều hạn chế, có diện tích xây dựng hơn 100m2 trong diện tích chung 1650m2, đã cấp quyền sử dụng đất.

Chùa không có trụ trì, bổn đạo đề cử nữ cư sĩ Nguyễn Thị A, pháp danh Đồng Thiện có trách nhiệm thủ tự, cùng với Ban Hộ tự Lâm thời Nguyễn Phương Sanh là Trưởng ban.

CHÙA THIỆN GIÁC

Chùa Thiện Giác tọa lạc tại thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên xưa kia là am Thiện Mỹ, được khai sơn năm 1945 tại xứ Mỹ Khê, làng Mỹ Thiện, xã Bình Thới đến năm 1957 cải am thành chùa Thiện Giác do thầy Giải Ngộ, thế danh Lê Tấn Thinh, pháp danh Như Văn khai sơn và viên tịch năm 1964. Kế tổ khai sơn là tổ Lâm tế đời thứ 42, húy Thị Thảo, tự Hạnh Quảng, hiệu Tâm Tự viên tịch năm 1994.

Hai bên cột trước chính điện có 2 câu liễn mang tên chùa:

Thiện đức bố từ tâm Quảng tế thập phương quang phạm vũ

Giác nhơn duy đại đạo phổ thông tam giới nhập thiền môn

Chùa lấy ngày 15 tháng 5 làm ngày hiệp kỵ.

Trụ trì chùa Thiện Giác từ năm 1994 đến nay là Đại đức Thích Viên Tựu, pháp danh Như Nguyện, tự Hạnh Thành chăm sóc chùa, hướng dẫn tu niệm và điều hành công tác Phật sự.

 

CHÙA TỪ LÂM

Chùa Từ Lâm hiện nay tọa lạc tại thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cách cảng Dung Quất độ 2 cây số về phía tây.

Nguyên xưa kia là chùa Trung Yên bằng tranh tre vách nứa thuộc làng Trung Yên, tổng Bình Hòa, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa. Theo văn bản Hán Nôm hiến cúng 2 mẫu 7 sào đất để xây dựng chùa của các cụ Lê Tấn Đá, Lê Quốc Đức, Lê Phước Khương, Bà Viễm, Bà Nhậm, Bà Định có Lý trưởng Lê Tài Ký đóng dấu và các dịch mục vào năm Gia Long thứ 12 – 1814 (căn cứ vào bản chuyển thể Việt ngữ của thông dịch viên Hữu thệ Bùi Phú Nghiệp năm 1962 của Tòa án tỉnh Quảng Ngãi). Vậy chùa Trung Yên có lẽ được xây dựng vào năm 1814.

Từ lúc xây dựng chùa đến nay, đã trải qua gần 200 năm nhưng chùa chưa có tăng sư trụ trì mà chỉ có Phân hội An Nam Phật học, Khuôn hội Phật giáo, Ban hộ tự cùng đạo hữu Phật tử luân phiên quản tự, chăm sóc và điều hành công tác Phật sự. Chỉ có một thời gian ngắn từ năm 1973 đến 1976 có thầy Trừng Ninh trụ trì và kể từ 1976 đến 1993 là đệ tử Đức Hòa Nguyễn Mẫn quản tự.

Năm 1958 chùa Từ Lâm thành lập Khuôn hội Phật giáo và Khuôn hội đã chủ trương trùng tu chùa vào các năm 1963, 1967, đến năm 1997, Ban hộ tự chủ trương đại trùng tu khang trang, rộng rãi do anh Lê Thô làm Trưởng ban.

Chùa Từ Lâm có Gia đình Phật tử Chơn Từ với 40 Đoàn viên được tái sinh hoạt từ năm 1996.

Từ năm 2004 đến 2005, chùa Từ Lâm tham gia tích cực vào công tác xã hội từ thiện như phát trợ cấp gạo tiền cho người nghèo khó, xây dựng một ngôi nhà Đoàn kết cho bà Lâm Thị Duyên, cấp phát tiền gạo cho người tàn tật và học sinh nghèo khó trong xã bằng nguồn kinh phí vận động.

Năm 2001 chùa bắt đầu tổ chức thọ Bát Quan Trai hằng tháng vào ngày 21 âm lịch, lễ cầu xá tội vong nhân vào ngày 15 tháng 7 và lễ cầu Quốc thái dân an vào ngày 15 tháng giêng.

Hiện nay, anh Lê Tấn Thêm trưởng ban hộ tự thay mặt đạo hữu Phật tử điều hành công tác Phật sự.

 

CHÙA TỪ VÂN

Chùa Từ Vân hiện nay tọa lạc tại thị trấn Châu Ổ, huyện lỵ Bình Sơn, cách thành phố Quảng Ngãi 20 cây số về hướng bắc.

Nguyên xưa kia là chùa Tường Vân bằng tranh tre vách đất ở làng Bình Vân, không còn sử liệu để biết rõ chùa được hình thành từ thời điểm nào. Đến năm 1939, phân hội An Nam Phật học làng Bình Vân đề xướng và hai vị Đốc Hưu, xã Miêu đã cùng với đạo hữu trong làng xây dựng lại ngôi chùa lấy tên là Từ Vân trên địa điểm mới hiện nay tại xứ núi Cư.

Năm 1957, chùa đã thành lập Gia đình Phật Hóa Tường Vân đến năm 1959 lấy tên GĐPT Chơn Dũng, sinh hoạt đến năm 1975 tạm dừng và tái sinh hoạt năm 1996.

Chùa đã trải qua 3 lần trùng tu vào các năm 1980, lần thứ 2 năm 1999, lần thứ 3 năm 2001 do Đại đức Thích Giải Tú trụ trì từ năm 1975 đến nay hiệp cùng đạo hữu Phật tử chủ trương.

Đại đức Thích Giải Tú sinh năm 1945, quy y năm 1954 tại chùa Bửu Quang với bổn sư là Hòa thượng Thích Quang Lý. Thọ Tỳ kheo năm 1971 tại chùa Thiên Phước do Hòa thượng Khánh Cẩm làm Đàn đầu. Đại đức có Pháp danh Như Cảnh, tự Giải Tú, hiệu Long Cẩm.

Ta được biết chư vị trụ trì Từ Vân như sau:

–         Sa di Hạnh Ngọc                    – Thầy Hạnh Lạc

–         Thầy Giải May                       -Thầy Đức Nhuận

Chùa lấy ngày 15 tháng 9 âm lịch tổ chức lễ hiệp kỵ chư tổ.

 

CHÙA VIÊN PHƯỚC

Chùa Viên Phước tại Đội 2, thôn Phước Hòa, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Mậu Tý (1948), chùa do Hòa thượng Thích Phước Huệ, đời thứ 40 Lâm Tế Chánh Tông khai sơn, trong khi Ngài đang trụ trì Sắc tứ Tổ đình Viên Quang (xã Bình Thới, Bình Sơn). Ngài viên tịch năm Tân Sửu (1961), mộ tháp tại Tổ đình Viên Quang.

–     Từ 1948-1959, cư sĩ Phạm Nhự thay mặt Hòa thượng Phước Huệ quản tự chùa Viên Phước, và qua đời năm 1965.

–     Từ 1959-1961, Đại đức Thích Giải Hồng, quê An Điềm, xã Bình Chương, Bình Sơn, được Hòa thượng Phước Huệ đưa về làm trụ trì. Khi Hòa thượng viên tịch (1961), Đại đức trở về Tổ đình Viên Quang, rồi vào Nam tiếp tục việc tu học.

–     Từ 1961-1971, do Khuôn trưởng Phật giáo Lê Kiểng cai quản.

–     Năm 1969, chùa bị cháy do trẻ em đốt pháo vui chơi. Nhưng chùa được trùng tu sửa chữa ngay sau đó và khánh thành vào ngày 19/2/1971.

–     Từ 1971-1973, do Khuôn trưởng Phật giáo Từ Hung cai quản.

–     Từ 15/8/1973 đến nay, trụ trì là Thượng tọa Thích Viên Đạo, pháp danh Thị Thành, hiệu Hạnh Hóa, thế danh Tu Tâm, đệ tử Hòa thượng Thích An Tường (trụ trì Tổ đình Viên Quang và Thiên Bút). Xuất gia năm 1969, thọ Sa di năm 1970, thọ Tỳ kheo năm 1973 tại Đại giới đàn Thiền Lâm (Sài Gòn) do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Hưng (có quyết định bổ nhiệm). Thượng tọa Viên Đạo Nguyên là thành viên Ban Hoằng Pháp thuộc Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, quyền chánh đại diện Giáo hội PGVN huyện Bình Sơn, thành viên MTTQVN và thành viên HĐND khóa 9 huyện Bình Sơn. Thượng tọa còn làm thuốc chữa bệnh theo phương y cổ truyền.

Chùa hướng về nam, vách gạch, lợp ngói, gồm Chánh điện, nhà Tăng, nhà khách, nhà trù. Đã qua ba lần trùng tu vào các năm 1959, 1971, 2008. Diện tích xây dựng khoảng 250m2, trong diện tích chung 1000m2 (có sổ đỏ). Đất nguyên gốc mua của bà Châu Thị Nghi một nửa 500m2, một nửa 500m2 do bà cúng hiến.

Hằng năm chùa thường xuyên tổ chức ba kỳ tu An Lạc vào 16 tháng 3, 16 tháng 7 và 16 tháng 11 âm lịch.

CHÙA XUÂN QUANG (Bình Hiệp)

Chùa Xuân Quang tại xóm Nhơn Hòa, thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngay tại cây số 13 (theo Quốc lộ 1A từ Thành phố Quảng Ngãi ra hướng bắc), ngang tầm nhìn thấy ba chữ “Xuân Quang Tự” bằng chữ Hán và chữ Việt trên mặt Tiền đường, vì chùa nằm trong thế đất thấp dưới chân Quốc lộ 1. Chùa do nhà đạo tâm cư sĩ Lê Tam, sinh năm Quý Tỵ (1893) lập dựng để tu tâm dưỡng tánh, ăn hiền ở lành theo truyền thống Tổ tiên. Năm Ất Hợi (1935), cư sĩ Lê Tam qua đời, hưởng dương 43 tuổi, chùa được hiền nội của cư sĩ là bà Kiều Thị Trì cai quản, đến năm 1961 tuổi già, giao lại cho con kế thừa, với tư cách trụ trì là Đại đức Thích Giải Phùng cho đến nay tuổi đời 86.

Đại đức Thích Giải Phùng, thế danh Lê Cửu, sinh năm Giáp Tý (1924). Xuất gia năm 14 tuổi (1938), quy y Hòa thượng Thích Phước Long, tại chùa Đông Phú, Thị trấn Châu Ổ. Thọ Sa di năm 1941, thọ Tỳ kheo năm 1964, tại Đại giới đàn Thiên Bút, do Đường đầu Hòa thượng Thích Quang Lý. Chùa xây dựng trên đất gia tộc, sát với hộ gia đình. Có diện tích xây dựng (12×12)=144m2, trong diện tích chung 1220m2 (đã cấp sổ đỏ).  Năm 1995, chùa trùng tu lần thứ nhất như hình thức hôm nay: vách gạch, lợp ngói, cấp 4, có trống cỡ trung, chưa có Hồng Chung. Ngày hiệp kỵ của chùa vào 28 tháng 2 âm lịch hằng năm.

CHÙA XUÂN QUANG (Châu Ổ)

Chùa Xuân Quang tại Tổ dân phố 2, Thị trấn Châu Ổ, nguyên trước đây là thôn Long Xuân, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Phước Minh, khai sơn và trụ trì vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX.

Từ 1957-2003, do Hòa thượng Thích Chánh Đạo, thế danh Nguyễn Nhâm, thường gọi là thầy Thông, kế thừa trụ trì. Ngài viên tịch ngày 10 tháng 5 năm Nhâm Mùi (2003), mộ tháp bên trái trước mặt vườn chùa.

Từ 2003 đến nay, do Đại đức Thích Liên Đạt, thế danh Nguyễn Xuân Thôn, sinh năm 1956, đệ tử của Hòa thượng Thích An Ngọc. Thọ Sa di năm 1968, thọ Tỳ kheo chính thức tại Đại giới đàn Pháp Hóa (Quảng Ngãi) năm 2009. Tiếp tục kế thừa trụ trì theo truyền thống Tổ Thầy “Tứ dạ lục thời”. Giỗ chính của chùa vào ngày mồng một tháng bảy âm lịch hằng năm. Chùa đã qua ba lần tu sửa vào các năm 1937, 1940, 1976 cho đến nay đã có phần xuống cấp. Chùa năm trên thế đất cao, cây cối che khuất, có diện tích xây dựng 200m2 trong diện tích chung 400m2, đất bổn tộc (chưa cấp sổ đỏ). Gồm Chánh điện liền với nhà Giảng, nối dài với Từ đường gia tộc.

 

  DANH MỤC CÁC NGÔI CHÙA THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI :

TT

CHÙA, NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Thôn, Xã – Thị Trấn)

1

Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn Thị Trấn Sơn Tịnh

2

Chùa An Bường Thôn Liên Hiệp 2 Thị Trấn Sơn Tịnh

3

Chùa Bảo Lâm Thôn Khê Ba Xã Tịnh Khê

4

Chùa Bửu Châu Thị tứ Châu Sa Xã Tịnh Châu

5

Chùa Châu Quang Thôn Bình Bắc Xã Tịnh Bình

6

Chùa Diêm Điền Thôn Diêm Điền Xã Tịnh Hòa

7

Chùa Đông Quan Thôn Thống Nhất Xã Tịnh Ấn Tây

8

Chùa Giác Lâm Thôn Gia Hòa Xã Tịnh Long

9

Chùa Hòa Long Thôn Hà Trung Xã Tịnh Hà

10

Chùa Kim Liên Thôn An Hòa Xã Tịnh Giang

11

Chùa Kim Long Thôn Ngân Giang Xã Tịnh Hà

12

Chùa Kim Phú Thôn Thọ Bắc Xã Tịnh Thọ

13

Chùa Kim Tân Thôn Liên Hiệp 1 Thị Trấn Sơn Tịnh

14

Chùa Linh Quang Thôn Độc Lập Xã Tịnh Ấn Tây

15

Chùa Long Bàn Thôn Long Bàn Xã Tịnh An

16

Chùa Long Hoa Hà Nhai Nam Xã Tịnh Hà

17

Chùa Long Quang Phước Lộc Tây Xã Tịnh Sơn

18

Chùa Long Sơn Thôn Liên Hiệp 2 Thị Trấn Sơn Tịnh

19

Chùa Long Thọ Trường Thọ Tây Thị Trấn Sơn Tịnh

20

Chùa Mỹ Long Trường Thọ Đông Thị Trấn Sơn Tịnh

21

Chùa Mỹ Quang Thôn Thọ Lộc Bắc Xã Tịnh Hà

22

Chùa Ngọc Thạch Thôn Ngọc Thạch Xã Tịnh An

23

Chùa Pháp Hoa Thôn Lâm Lộc Xã Tịnh Hà

24

Chùa Phong Thạnh Phong Niên Thượng Xã Tịnh Phong

25

Chùa Phổ Thạnh Thôn Ngân Giang Xã Tịnh Hà

26

Chùa Phú Hòa Thôn Phú Hòa Xã Tịnh Ấn Tây

27

Chùa Phú Long Thôn Liên Hiệp 1 Thị Trấn Sơn Tịnh

28

Chùa Phú Mỹ Thôn Bình Đẳng Xã Tịnh Ấn Đông

29

Chùa Phú Ninh Thôn Quyết Thắng Thị Trấn Sơn Tịnh

30

Chùa Phước Ấn Trường Thọ Tây Thị Trấn Sơn Tịnh

31

Tịnh thất Phước Quang Thôn Độc Lập Xã Tịnh Ấn Tây

32

Chùa Sơn Châu Thôn Mỹ Lộc Xã Tịnh Châu

33

Chùa Thanh Sơn Thôn Đoàn Kết Xã Tịnh Ấn Đông

34

Chùa Thế Long Thôn Thế Long Xã Tịnh Phong

35

Chùa Thọ Lộc Thôn Thọ Lộc Xã Tịnh Hà

36

Chùa Tích Sơn Thôn An Lộc Xã Tịnh Long

37

Chùa Trà Sơn Thôn Hạnh Phúc Xã Tịnh Ấn Đông

38

Chùa Trúc Lâm Thôn Liên Hiệp 1 Thị Trấn Sơn Tịnh

39

Chùa Trường Xuân Thôn Trường Xuân Xã Tịnh Hà

40

Chùa Từ Ân Thôn An Phú Xã Tịnh An

41

Chùa Tường Quang Hà Nhai Nam Xã Tịnh Hà

42

Niệm Phật Đường Xóm Đồng Trường Thọ Tây Thị Trấn Sơn Tịnh

43

Chùa Khánh Vân Xã Tịnh Thiện Huyện Sơn Tịnh

SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN ẤN

Chùa Sắc tứ Thiên Ấn tọa vị trên đỉnh bằng núi Thiên Ấn mà dân gian ngày xưa thường gọi là núi Hó, nằm bên bờ tả ngạn sông Trà Khúc, về phía đông nam huyện Sơn Tịnh, có độ cao 105m, được xếp vào đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi: “Thiên Ấn Niêm Hà” – dấu trời đóng trên sông!

Từ phía bắc chân cầu Trà Khúc, theo quốc lộ 24B đi cảng Sa Kỳ, đến cây số 3, sẽ thấy dưới chân núi có cổng chào: “Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn” với con đường xoắn ốc đã trải nhựa lên tận đỉnh. Núi Thiên Ấn được xem là tổ sơn cho những núi thuộc đồng bằng huyện Sơn Tịnh. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí năm Tự Đức thứ 3, Canh Tuất – 1850, núi Thiên Ấn được ghi vào điển thờ.

Bên cạnh chùa Thiên Ấn cách cổng tam quan 100m về phía tây nam là mộ nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch Nước, an giấc ngàn thu ngày 21-4-1947. Núi Thiên Ấn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngày 2-3-1990. Khách tham quan Thiên Ấn không chủ riêng giới Phật tử mà hầu như đồng bào trong cả nước, không chỉ vào dịp tết, lễ hội mà gần như thường ngày.

Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa, húy Thượng Phật hạ Bảo – Lâm Tế đời thứ 35 thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ của Tổ Đạo Mân – Mộc Trần, Thông Thiên – Hoằng Giác khai sơn.

Về tiểu sử và hành trạng của Thiền sư Pháp Hóa, đã có nhiều công trình biên soạn và ấn hành nhưng có vài ấn bản không trùng khớp. Theo một số tài liệu và công trình nghiên cứu có tính thống nhất (1) thì Ngài họ Lê tên Diệt (Duyệt) sinh năm 1670, quê tỉnh Phúc Kiến – Trung Hoa. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, quyển 2, trang 156 thì có lẽ Ngài sang Đại Việt cùng với Thiền sư Nguyên Thiều thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) khi sư Nguyên Thiều về Trung Hoa lần thứ 2, Ngài đến Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn vào khoảng năm 1694, trước Hòa thượng Minh Hải – Pháp Bảo sang Đại Việt một năm.

Sau khi khai sơn chùa Thiên Ấn, đạo hữu, tín đồ và khách thập phương ngày càng đông; nhu cầu nước uống thiếu hụt nên Ngài Pháp Hóa phát nguyện đích thân đào giếng. Tục truyền rằng khi Ngài khởi công thì bỗng có một vị Tăng không biết từ đâu lên núi đào giúp sức. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Cố sức đào 20 năm mới tới mạch nước”. Nhưng ngay sau đó, vị sư trẻ đi đâu biệt tích và giếng thiêng kỳ diệu trên Tổ đình Thiên Ấn đã ghi dấu trong ca dao Quảng Ngãi:

Ông Thầy đào giếng trên non

Đến khi có nước không còn tăm hơi.

Khi giếng có nước, cũng vừa lúc Chúa Nguyễn Phúc Chu từ các tỉnh phía Nam trở về Thuận Hóa, đã lên viếng chùa và ngự đề: “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự” vào ngày mùng 8 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh thứ 11 – 1716 đời vua Lê Dụ Tông. Hai trăm năm sau, biển ngạch bị mờ nhạt nên Ngũ Tổ Hoằng Phúc hiệp Chư sơn tái tạo vào năm Duy Tân thứ 9 – 1915 (2).

Sau 60 hoằng hóa lợi sanh, mở cảnh Thiền môn cho Tổ đình Thiên Ấn Quảng Ngãi, đức Tổ thị tịch vào ngày 17 tháng giêng năm Giáp Tuất – 1754, mộ Ngài được tôn trí bên trái chính điện. Bia tháp Ngài do Tam Tổ Bảo Ấn Hòa thượng trùng tu vào năm Bính Thìn – 1836 với dòng chữ: Tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo chi tháp. Long vị thờ Ngài: Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo giác linh Đại sư Chi vị.

Kế thừa là Hòa thượng Huỳnh Thế Khánh Vân, quê huyện Mộ Đức, húy Thiệt Úy thượng Chánh hạ Thành hiệu Khánh Vân, nguyên trụ trì chùa Liên Tôn (Hoàng Long – Tư Nghĩa) được cung thỉnh về trụ trì chùa Thiên Ấn vào năm Giáp Tuất – 1754. Ngài đã có công mở mang Tổ đình nên được suy tôn Đệ nhị Tổ sư. Ngài viên tịch ngày mùng một tháng 11 năm Canh Dần – 1770. Bia mộ tháp ghi: Tự Lâm Tế phổ tam thập lục thế (3) Thiên Ấn đường thượng đệ nhị Tổ sư trùng tu Thiên Ấn hiệu Khánh Vân Hòa thượng chi tháp, Canh Dần niên thập nhứt ngoạt sơ nhứt nhựt tịnh tọa nhi hóa.

Thời gian sau khi Đệ nhị Tổ viên tịch, Ngài Huệ Hải cùng Ngài Tăng Lượt – Lâm Tế đời thứ 35 trông coi Tổ đình được một thời gian ngắn rồi giao lại cho Chư sơn. Giai đoạn này, cuộc chiến tranh Tây Sơn bùng nổ (1771), chùa Thiên Ấn lâm vào cảnh thiêu rụi, điêu tàn,…!

Đến năm Gia Long lên ngôi – 1802, Ngài Pháp Châu – Lâm Tế đời thứ 36 trụ trì nhưng cũng chỉ được 3 năm, công việc khôi phục, trùng tu còn dang dở. Kế tiếp là Ngài Huệ Minh – Lâm Tế đời thứ 35 được đề cử trụ trì nhưng chỉ một thời gian ngắn thì “Cù phong biệt tích” – trận gió dữ đã cuốn mất tăm tích!

Sau 30 năm chiến tranh, chùa Thiên Ấn đã bị đổ nát, giờ đây lại rơi vào cảnh không người cai quản mãi đến năm 1827. Có lẽ trong suốt 57 năm hoang tàn, hiu quạnh những sử liệu về chùa Thiên Ấn, về hành trạng Chư Tổ, về lịch sử truyền thừa của Phật giáo Quảng Ngãi từ cuối thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ 19 (1694-1827) bị mất mát, tiêu hủy mà hôm nay, đàn hậu học chúng ta gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong công việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.

Đến năm Minh Mạng thứ 7, Đinh Hợi – 1827, sơn môn Quảng Ngãi cung thỉnh Hòa thượng Bảo Ấn đang trú trì chùa Viên Quang (Bình Sơn) về trụ trì Tổ đình Thiên Ấn. Hòa thượng có thế danh Trịnh Bảo Ấn sinh năm Mậu Ngọ 1798 tại làng Tráng Liệt, nay là xã Nghĩa Hòa – huyện Tư Nghĩa – Quảng Ngãi. Ngài xuất gia với Hòa thượng Tế Chơn – Liễu Ngộ -Quảng Tế tại chùa Viên Quang (4) – Bình Sơn – Quảng Ngãi. Về sau, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác tại chùa Phước Lâm nên có pháp danh Toàn Chiếu, tự Trí Minh, hiệu Bảo Ấn, nối pháp đời thứ 37 Lâm Tế tông, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh.

Trong đời Ngài có một huyền tích kỳ lạ về quả chuông Thần. Sự tích rằng: một hôm, Ngài đang tọa thiền thì có vị Hộ Pháp mách bảo Ngài cho người đến làng Chú Tượng, có quả chuông do dân làng đúc nhưng đánh không kêu. Ngài cử thầy Điển Tọa đến 2 lần làng Chú Tượng mới đồng ý cho thỉnh về. Ngài làm lễ niệm hương bạch Phật rồi cầm dùi khai chung thì chuông ngân vang khắp núi Thiên Ấn. Hiện nay, quả chung vẫn còn tại Tổ đình với niên đại: “Thiệu Trị ngũ niên tuế thứ Ất Tỵ tứ nguyệt sơ thập nhựt” (10.4.1845).

Hòa thượng Bảo Ấn đạt điểm hạng ưu trong khoa thi Tam trường nên được vua Minh Mạng ngợi khen, ban Giới đạo Độ điệp phê rằng: “Tam trường liên trúng ưu hạng, dự yến tiến sĩ đồng” (Cả 3 trường Văn, Võ, Phật học đều trúng ưu hạng được dự tiệc ngang hàng với tiến sĩ).

Pháp tôn của Ngài Bảo Ấn là Hòa thượng Hoằng Tịnh nói về Ngài được Hòa thượng Khánh Anh chép trong tập 1 phần Kỷ niệm như sau: “Tổ Bảo Ấn là Thạc Nhân … sắc diệu uy hùng … tán tụng hay, thư ấn giỏi, văn võ song toàn, nham độn tuyệt diệu!”

Tháng 5 năm Mậu Tuất – 1838, Ngài khai Đại giới đàn tại chùa Thiên Ấn và Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu.

Ngài an nhiên thị tịch vào giờ Ngọ ngày 29 tháng 6 năm Bính Dần – 1866, niên hiệu Tự Đức thứ 18. Nhục thân Ngài nhập tháp trong khuôn viên Tổ đình Thiên Ấn.

Sau 39 năm trụ trì chùa Thiên Ấn với những công đức giáo hóa cao dày, Ngài được sơn môn Quảng Ngãi cung xưng Đệ tam Tổ sư. Và cũng từ Đệ tam Tổ sư về sau, lịch sử truyền thừa của Phật giáo Quảng Ngãi mới có sử liệu cụ thể.

Kế thừa là Hòa thượng Giác Tánh, thế danh Lê La Xa (tên trong phổ ý là La Văn Xa) sinh năm Canh Dần 1830 tại làng Sung Tích, Sơn Tịnh được Tổ Bảo Ấn nhận làm con nuôi nên đổi tên họ thành Trịnh Quang Việt.

Ngài xuất gia với Đệ tam Tổ tại chùa Thiên Ấn được Bổn sư cho pháp danh Chương Khước, tự Tông Tuyên, hiệu Giác Tánh. Ngài là đệ tử xuất sắc của Tổ Bảo Ấn nên được kế thừa trụ trì Tổ đình Thiên Ấn từ năm 1866 khi Tổ viên tịch.

Ngài đã ra sức tiếp Tăng độ chúng, lập nông thiền theo tông chỉ Tổ Bách Trượng nên môn đồ ngày càng đông. Ngài đã canh trưng núi Thiên Ấn đưa vào địa bộ năm 1894 làm tài sản của Tổ đình.

Vào ngày 13 tháng 4 năm Nhâm Ngọ 1882, Ngài khai Đại giới đàn tại chùa Thiên Ấn. Bằng hạnh nguyện, Ngài độ chúng tăng và phú pháp chữ “Hoằng” đến gần trăm vị.

Ngài thị tịch vào giờ Ngọ ngày mùng 1 tháng 3 năm Mậu Thân – 1908. Ngài được sơn môn Quảng Ngãi tôn xưng Đệ tứ Tổ sư.

Kế thừa là Hòa thượng Hoằng Phúc, thế danh là Phạm Ngọc Long sinh năm 1865 tại làng Phước Long, nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ với Tổ Giác Tánh tại chùa Thiên Ấn và là bào đệ của Ngài Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh. Ngài được Bổn sư ban pháp danh Ấn Tham, tự Tổ Vân, hiệu Hoằng Phúc.

Tuy Ngài không phải trưởng tử của Tổ sư Giác Tánh nhưng với đạo hạnh và giới đức, Ngài được sơn môn cung thỉnh Ngài về trụ trì Tổ đình khi Tổ Giác Tánh viên tịch năm 1908.

Năm Canh Tuất – 1910, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm – Quảng Nam do Quốc sư Hòa thượng Vĩnh Gia làm Đàn đầu.

Năm Nhâm Tý – 1912, Ngài vận động trùng khắc bản kinh Kim Quang Minh. Năm Quý Sửu – 1913, Ngài đứng xin tái canh trưng điền bộ mở rộng khắp núi Thiên Ấn và chủ trương xây dựng cổng Tam quan. Cũng trong năm này, Ngài được triều đình phong Tăng Cang và được Cần Chánh Đại học sỹ Nguyễn Thân cung thỉnh kiêm nhiệm trụ trì chùa Thạch Sơn.

Ngài viên tịch vào ngày 19 tháng chạp năm Bính Thìn – 1916, mộ tháp được tôn trí trong khuôn viên chùa Thiên Ấn. Với những công đức, Ngài được sơn môn cung xưng Đệ ngũ Tổ sư.

Sau khi Ngũ Tổ Hoằng Phúc viên tịch, Hòa thượng Hoằng Chương, thế danh Lê Bá Toại được đề cử trụ trì chùa Thiên Ấn. Nhưng vì tuổi già sức yếu giữa lúc Thiên Ấn tự bị hỏa hoạn nên chỉ không ngoài 2 năm, Ngài Yết ma Hoằng Chương thỉnh cầu Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh hiệp lực để lo trùng tu vào khoảng tháng 4 năm 1919, sau đó Hòa thượng Hoằng Chương cáo thối về chùa làng Long Tiên.

Sau năm 1919, kế thế trụ trì Thiên Ấn là Hòa thượng Hoằng Nhiếp nguyên trụ trì chùa Sắc tứ Tây Thiên – Bình Sơn, giám tự là Ngài Hoằng Châu, Trịnh Hoằng Pháp bên cạnh có vai trò chủ trương Tổ đình Thiên Ấn là Hòa thượng Hoằng Tịnh.

Năm 1920, Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh tuổi già sức yếu, Ngài triệu tập sơn môn Quảng Ngãi chọn người kế nghiệp Tổ đình. Hòa thượng Trần Diệu Quang sinh năm Tân Mão – 1891 tại làng Sung Tích – Sơn Tịnh, thọ giáo Hòa thượng Hoằng Phúc được đức Ngũ Tổ ban pháp danh Chơn Trung, tự Đạo Chí, hiệu Diệu Quang được cung thỉnh làm trụ trì Tổ đình vào ngày mùng 4 tháng giêng năm Tân Dậu – 1921.

Năm Mậu Thìn – 1928, Ngài được triều đình sắc phong Tăng Cang Tổ đình Thiên Ấn, cũng trong năm này, Ngài xin Chính phủ khai thông con đường xoắn ốc từ chân núi lên cổng tam quan.

Năm Tân Mùi – 1931, Ngài khai giới đàn tại chùa Thiên Ấn và Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng.

Từ khoảng thập niên 1940, Ngài cử hai vị Phước Diên và Phước Huệ làm giám tự, Ngài về chùa Viên Giác núi Thình Thình để giáo hóa Tăng chúng. Nhưng hai thầy nhận thấy không gánh vác nổi nên thỉnh cầu sơn môn cử Hòa thượng Hoằng Chí và Hòa thượng Trí Hưng hiệp lực chủ trương lo việc trùng tu Tổ đình vào ngày 28-12-1940.

Năm 1941, Hòa thượng Hoằng Chí xin thối lui để tịnh dưỡng, nên sơn môn cử Hòa thượng Bùi Diệu Nguyên hiệp lực cùng Tăng Cang Hòa thượng Trí Hưng trùng tu chốn Tổ và khánh thành vào ngày 19-6-1943. Ngài Diệu Nguyên viên tịch vào ngày 20 tháng 8 năm Quý Mùi – 1943.

Kế thế, chư sơn cử Ngài Phước Hải giữ chức giám tự Tổ đình.

Ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Thìn 1952, vào giờ Ngọ Hòa thượng Diệu Quang viên tịch tại chùa Viên Giác. Để tưởng nhớ công hạnh của Ngài, sơn môn Quảng Ngãi đã xây tháp vọng thờ trong vườn tháp Tổ đình và sung tôn Ngài là Đệ lục Tổ sư.

Sau khi Lục Tổ viên tịch, chư sơn cử Hòa thượng Thích Khánh Tín thế danh Phạm Quang Sử, húy Chơn Sử, tự Đạo Thị – nguyên trụ trì chùa Thọ Sơn cổ tự là một vị tăng cao tuổi đức độ kế nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn. Nhưng thời gian không lâu, Ngài cáo thối vì già yếu.

Đến ngày 30-8-1954, hội nghị Giáo hội Tăng già Trung Việt được tổ chức và sơn môn tỉnh Quảng Ngãi chuyển danh thành Giáo hội Tăng già, Tổ đình Thiên Ấn thuộc quyền trị sự của Giáo hội.

Ngày 16 tháng giêng năm Ất Mùi – 1955, Giáo hội tỉnh Quảng Ngãi cử Hòa thượng Thích Huyền Tấn pháp danh Như Chánh, tự Giải Trực trụ trì Tổ đình, Hòa thượng Thích Hồng Ân làm phó tự. Vì bộn bề công tác Phật sự và hành đạo nên Hòa thượng Huyền Tấn ủy thác cho Hòa thượng Phó tự Thích Hồng Ân lo toan công việc ở Tổ đình. Cho nên tuy là Phó tự, Ngài Hồng Ân đã ra sức trùng tu chốn Tổ, bắt đầu khởi công đại trùng tu ngày 6-8-1959 và khánh thành vào ngày 18 tháng giêng năm Tân Sửu – 1961. Ngài viên tịch ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ – 1978.

Năm 1967, Hòa thượng Huyền Tấn xin từ nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn để tập trung vào nghiên cứu tu trì tại chùa Kim Liên, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Ngãi cử Hòa thượng Thích Huyền Đạt, húy Như Lợi, tự Giải Lý kế vị trụ trì Tổ đình. Sau 26 năm trụ trì chùa Thiên Ấn, Hòa thượng Thích Huyền Đạt viên tịch vào ngày mùng 1 tháng chạp năm Quý Dậu – 1993.

Từ năm 1993 đến nay, Thượng tọa Thích Hạnh Trình, húy Thị Lịnh, hiệu Vĩnh Hội kế nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn.

Hơn 300 năm, chùa Thiên Ấn đã trải qua nhiều thăng trầm dâu bể nhưng luôn luôn được khôi phục, tô bồi, đã trở thành mạng mạch của đạo Phật trên quê hương Quảng Ngãi; đã thành chiếc nôi của nhiều chùa chiền, tự viện trong tỉnh, trong nước, ngoài nước và cũng là nơi phát tích những bậc cao tăng khả kính mà lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận.

Chú thích:

(1)   Nguyễn Lang – Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – NXB Lá Bối CA-USA-1993 quyển 2 trang 156

–    Thích Như Tịnh – Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – NXB Phương Đông – 2009 trang 226-228.

–    Đại đức Thích Nguyên Minh – Thiên Ấn ký – 1968 (Bản chép tay)

–    Quảng Ngãi Pháp phái Chúc Thánh tự hệ – Khuyết danh.

–    Phạm Trung Việt – Non nước xứ Quảng – do Trương Nguyên Thuận tái bản – San Jose – USA – 1998.

(2)   Diễn Nôm biển ngạch: Quốc chúa ngự đề: Sắc tứ Thiên Ấn Tự. Lê Triều Vĩnh Thạnh Thập Nhứt niên cúc ngoạt cố đáng. Duy Tân cửu niên liên ngoạt Tăng Cang Phạm Hoằng Phúc hiệp chư sơn đồng tái tạo. Thạch trì toàn dinh phụng cúng.

(3)   Theo Bài kệ truyền thừa pháp danh và pháp tự (Minh Thiệt Pháp Toàn Chương … Đắc Chánh Luật vi tôn …) thì Nhị Tổ Thiệt Úy-Chánh Thành-Khánh Vân phải là Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 35 mới đúng.

(4)   Lược trích bảng Lâm Tế Chánh Phổ của Sơn Môn tỉnh Quảng Ngãi ban cấp cho Sa di Chơn Sử-Đạo Thị ngày 17 tháng 11 năm Tân Hợi 1911 như sau:

–    Bửu Lâm đường thượng húy Thiệt Uyên thượng Chánh hạ Thông Chí Bảo Hòa thượng.

–    Phước Lâm đường thượng húy Pháp Kiêm thượng Luật hạ Oai Minh Giác Hòa thượng.

–    Viên Quang đường thượng húy Tế Chơn thượng Liễu hạ Ngộ Quảng Tế Hòa thượng.

–    Thiên Ấn đường thượng húy Toàn Chiếu thượng Trí hạ Minh Bảo Ấn Hòa thượng.

–    Thiên Ấn đường thượng húy Chương Khước thượng Thông hạ Tuyên Giác Tánh Hòa thượng.

–    Phước Quang đường thượng húy Ấn Kim thượng Tổ hạ Tuân Hoằng Tịnh Hòa thượng.

–    Thạch Sơn Tự thủ lễ Tôn sư húy Ấn Kim thượng Tổ hạ Tuân Hoằng Tịnh Hòa thượng.

CHÙA AN BƯỜNG

Chùa An Bường tại Đội 2, thôn Liên Hiệp 2, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nguyên là Vức thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh của xóm An Bường, hoang phế từ lâu. Chùa nằm ở lưng chừng đồi thuộc liên sơn núi Long Đầu về cuối hướng Đông, cách sau lưng chùa Phú Long hơn 500m.

Năm Bính Ngọ 1966, Thượng tọa Thích Hồng Ân, từ Tổ đình Thiên Ấn đứng ra khai sơn, cải tạo diện tích đất Vức có đến 3000m2, lập chùa thờ Tam Bảo, lấy địa danh Vức đặt tên cho chùa là An Bường.

Thượng tọa Thích Hồng Ân, pháp danh Thị Từ, pháp tự Mạnh Huệ, thế danh Hoàng Mạnh Huệ, sinh năm 1913, đệ tử của Ngài Thích Huyền Trí, cầu pháp Ngài Thích Huệ Hải. Ngài nguyên trụ trì chùa Phước Lộc,  nguyên Ban Chức Sự Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn. Do Phật sự của Ngài ở rất nhiều nơi, Ngài trụ trì tại đây trong thời gian đôi năm, lại giao cho cư sĩ Nguyễn Tôn, pháp danh Hạnh Thiện trách nhiệm thủ tự, rồi ra đi. Theo lịch trình, Ngài về chùa hướng dẫn bổn đạo nghi thức tu hành.

Năm 1978, Thượng tọa Thích Hồng Ân viên tịch, chùa trải qua một giai đoạn cô quạnh, sự sinh hoạt vắng vẻ. Nhất là khi cư sĩ Nguyễn Tôn ngày một già yếu và qua đời năm Quý Mùi 2003, mộ táng của cư sĩ trong đất chùa.

Thực tế chùa An Bường vừa nhỏ, vừa ở trong hóc đồi, cây cối khuất lấp và thêm phần tẻ lạnh, nên chùa có phần xuống cấp. Năm 1993, cư sĩ Nguyễn Tôn cố gắng đại tu ngôi chánh điện và làm thêm nhà khách bên cạnh chùa.

Con trai của cư sĩ Nguyễn Tôn là cư sĩ Nguyễn Thử, pháp danh Tâm Nhựt, thay quyền cha cai quản cho đến nay. Người cai quản tự nguyện có bổn phận bảo vệ, lo nhang đèn hàng ngày, còn bổn đạo có lòng tín ngưỡng thì về chùa vào các ngày rằm, mồng một, các ngày lễ Phật, không giới hạn.

CHÙA BẢO LÂM

Chùa Bảo Lâm, nguyên tại thôn Mỹ Lại, xã Sơn Mỹ, nay là thôn Khê Ba, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa tọa lạc trên khu đất triền dốc, có diện tích hơn một mẫu, do Thiền sư Thiệt Uyên – Chánh Thông – Chi Bảo khai sơn. Ban sơ chỉ là tre lá, đến nay có khoảng 300 năm.

Vào thập niên đầu thế kỷ XX, nhân dân bổn đạo đồng tình cung thỉnh Hòa thượng Vạn Thọ, quê làng Sung Tích, xã Tịnh Long, Sơn Tịnh về làm trụ trì. Hòa thượng đã kiến thiết chùa xây gạch, nhưng vẫn còn lợp tranh.

Hòa thượng Vạn Thọ viên tịch, Hòa thượng Vĩnh Thừa kế vị trụ trì một thời gian rồi chuyển về hành đạo tại Huế.

Năm 1938, Ngài Đệ Lục Tổ sư Thích Diệu Quang, trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, hiệp cùng môn phong cử Hòa thượng Thích Huyền Tế, pháp danh Như Long, pháp tự Giải Thuyền, thay thế trụ trì. Ngài Huyền Tế cũng đã trùng tu chùa lợp ngói ngôi chánh điện, kiến lập trai đường, tăng xá và hướng dẫn tín đồ đi vào sinh hoạt Phật sự có nề nếp.

Năm 1946, một số Tăng sĩ trẻ hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đã lên đường nhập ngũ, chùa có phần trống vắng, Phật sự có phần ngưng trệ, nhưng Hòa thượng Huyền Tế vẫn quyết tâm gìn giữ Tam Bảo cho đến ngày Hiệp định Gienève ký kết, hòa bình lập lại vào năm 1954.

Năm 1955, Tỉnh hội Phật giáo Tăng già Quảng Ngãi tiếp tục cử Hòa thượng Huyền Tế với vai trò trụ trì chùa Bảo Lâm. Lúc này, Ngài đã tổ chức khai Trường Hạ tại đây cho Tăng Ni trong tỉnh, ngoài tỉnh về an cư tu học.

Năm 1965, chiến tranh lan rộng, ảnh hưởng nặng nề ngay trên vùng đất chùa, Ngài Huyền Tế và Chư Tăng Phật tử phải lánh cư về tạm trú tại chùa Hội Phước, Thị xã Quảng Ngãi (nay là Thành phố Quảng Ngãi). Tưởng một vài năm tình hình sẽ được ổn định, thì vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào ngày 16/3/1968, thôn Mỹ Lại hứng chịu bao sự tang thương, chùa Bảo Lâm rơi vào điêu tàn, đổ nát.

Sau 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hòa thượng Huyền Tế cùng bổn đạo trở lại chùa xưa, tạm dùng tre lá dựng lại ngôi chùa cũ trên đống hoang tàn đổ nát ấy. Nhưng trước bối cảnh lịch sử ở buổi giao thời, chùa không thể thành tựu như ý nguyện, vì khuôn viên chùa đã sử dụng vào công trình xây dựng trường cấp II Tịnh Khê (nay là Trường Trung học cơ sở Võ Bẩm), tiếp đến Hòa thượng Huyền Tế viên tịch vào năm 1986, nay chỉ còn di tích cái giếng nước xi măng, bỏ lâu không dùng nằm ở góc tay mặt trước sân trường.

Gần đây, bổn đạo địa phương do cư sĩ Huỳnh Thích thay mặt và đệ tử xuất gia của Hòa thượng Huyền Tế là Hòa thượng Thích Hạnh Trình, đã có đơn xin phục hồi chùa Bảo Lâm vào các ngày 9/3/2007 và 15/3/2007 lên các cấp thẩm quyền trong tỉnh, tạo điều kiện hoán đổi đất khác để tái thiết lại ngôi chùa đã từng là nơi tu học, đào tạo một số Tăng tài đóng góp vào lịch sử Phật giáo xứ Đàng trong.

CHÙA BỬU CHÂU

Chùa Bửu Châu tại Đội 3, thôn Phú Bình, thị tứ Châu Sa, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên chùa có từ thời Gia Long (1802-1819), do làng lập dựng để thờ Ông, gọi là chùa Ông. Trải qua nhiều thời đại, chùa đã bị tiêu tàn, chỉ còn vườn đất với cái tên chùa Ông trong lòng tín ngưỡng.

Đến năm Mậu Tuất (1958), các ông Hương Hộ Chí và cư sĩ Nguyễn Xuân Mậu, cung thỉnh Hòa thượng Thích Minh Chiếu, một nhà tu hành ở Bình Định về Quảng Ngãi phụng sự đạo pháp, cùng bổn đạo trong làng đứng ra tái tạo cảnh chùa có tên là chùa “Bửu Châu”.

Chùa xây dựng trong diện tích chung trên 2500m2, gồm ngôi chánh điện, nhà Tổ, nhà Đông, nhà Tây, nhà Trù. Sân tiền, sân hậu lát gạch, trước sân dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên. Chung quanh chùa trồng cây cảnh, cổng chính tam quan và tường rào quy cũ, mặt chùa hướng về Nam.

Hòa thượng Thích Minh Chiếu viên tịch, giỗ Ngài vào ngày 17 tháng 11 âm lịch. Người trụ trì kế tiếp cho đến nay là Đại đức Thích Trừng Anh, đệ tử của Thượng tọa Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn). Đại đức tên thật là Phạm Minh Môn, sinh năm 1940, tại huyện đảo Lý Sơn, pháp danh Tâm Nhựt, xuất gia từ năm lên 6 tuổi.

Hơn 50 năm qua, chùa chưa một lần tu sửa, tuy nay có phần xuống cấp, nhưng toàn bộ cơ sở chùa vẫn giữ nguyên hình dáng khang trang cổ kính. Chùa giữ y lệ rằm, mồng một, các ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, Tết cổ truyền.

 

 

CHÙA CHÂU QUANG

Chùa Châu Quang tại Đội 5, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các bậc tiền bối nói lại Châu Quang là một ngôi chùa Tổ của làng Châu Nhai xưa kia, có vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Trải qua bao thời đại, do ảnh hưởng thiên tai, chiến họa, chùa không còn giữ được nguyên vẹn. Ngoài sự hình dung trong trí tưởng tượng về một sư ông trụ trì đã vắng bóng và sau thời gian dài được các nhà sư kế tục, từ thầy Thân, thầy Trí, rồi thầy Bưởi, pháp danh Như Lễ, tên gọi là Huỳnh Như Lễ, đến cô Tới.

Kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chùa được trưng dụng làm kho muối để tiếp tế lên Tây Nguyên, Liên khu 5 và mở lớp dạy học cho các em Thiếu nhi.

Sau 1954, hòa bình vãn hồi, chùa được sửa sang có phần cơ bản, do Khuôn trưởng Phật giáo Châu Nhai Huỳnh Như Lễ, tức thầy Bưởi, hướng dẫn bổn đạo cho đến ngày qua đời. Cư sĩ Nguyễn Bành, pháp danh Tâm Đại, đến cư sĩ Nguyễn Cẩn, pháp danh Tâm Kỉnh thay thế cai quản.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1965-1975), chùa lại được trưng dụng làm kho lương thực để nuôi quân. Mùa hè năm 1972, chùa nằm trong vùng mất an ninh, bổn đạo phải lánh cư về khu định cư Sơn Tịnh, Phật tượng cũng di chuyển theo, dựng lên mái tôn sùng kính quen gọi đây là chùa Sơn Châu. Năm 1973, chùa Châu Quang cũ bị bom đạn tàn phá hoàn toàn, chỉ còn trơ bàn thờ Hộ Pháp.

Sau 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, bổn đạo trở về chốn quê, chùa Châu Quang được chính quyền xã Tịnh Bình lúc bấy giờ cho xây dựng lại, vách gạch, hồ đất sét, sườn cây, lợp tôn. Phật tượng từ khu định cư cũng được chuyển về tôn trí. Nhưng đến tháng 4/1977, chính quyền thôn Bình Bắc lại mượn chùa làm chỗ hội họp, rồi mở lớp học cấp I. Các tượng nhỏ tập trung về chùa Một Cột (quen gọi là chùa, nhưng thật ra chỉ là nền đá xây vôi, nằm dưới gốc đa, không mái). Còn tượng Bổn Sư để lại cùng bàn thờ Hộ Pháp giữa sân chùa. Không đầy 3 năm, chùa xuống cấp hư hỏng nặng, sử dụng không được nữa, tháo hết giàn cây và tôn về kho Hợp tác xã. Chùa chỉ còn mảnh đất trống, cây lim cổ thụ gốc ba người ôm, cây sanh trước ngõ và cây gáo được bổn đạo tận dụng làm lưng dựa xây bệ gạch, an Phật tượng, che mái tôn không quá 2m2.

Ngày 15/4/2007, cư sĩ Nguyễn Đoán, pháp danh Nguyên Đạo, thay mặt bổn đạo làm đơn lên các cấp thẩm quyền xin trùng tu. Năm 2009, chùa được bổn đạo đồng tâm hiệp lực xây dựng bằng tôn sắt, đưa Phật tượng vào chùa, cùng nhau bái lễ.

 

CHÙA DIÊM ĐIỀN

Chùa Diêm Điền tại Đội 2, thôn Diêm Điền, xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có từ lâu đời, nguồn gốc khai sơn không còn cứ liệu. Tương truyền do một nhà sư và một chú tiểu không rõ lai lịch, đến đây phá rừng, vỡ đất, đào giếng, lập chùa, dựa theo phong thủy “tiền thấp hậu cao”. Mặt hướng về Đông-Nam, nhìn dòng sông Khê – Hòa, có đầm nước sâu tụ lại, sau lưng chùa là rừng rậm, đồi cao. Hiện cạnh chùa, bên rừng xưa còn ngôi mộ đất, thường gọi là mộ Tổ và giếng nước ngọt di tích, đã bao đời cho dân quanh vùng sử dụng. Trước kia chùa có 3 mẫu ruộng tại xứ Đồng Quít, phần đất của bà họ Đinh lấy chồng họ Phạm ở đây hiến cúng. Bà cũng là người lập ra chợ Chiều, thường gọi là chợ Bà Câu.

Nguyên chùa xưa nằm sát đình làng Diêm Điền. Kể từ thời Khải Định (1916) đến năm 1945, từ năm 1945 – 1954 chùa bị hư hỏng, có các sư thủ tự còn nhớ tên như thầy Quảng, thầy Nguyên Lý.

Sau 1954, chùa được bổn đạo tái tạo, nhưng cũng đã hư hoại trong kháng chiến chống Mỹ vào những năm 1965 – 1968. Sau 1968, Khuôn hôi Phật giáo Diêm Điền cùng bổn đạo tái lập. Lần lượt có các thầy Thích Hạnh Lương, Thích Hạnh Ngữ, Thích Hạnh Chơn, đệ tử của Hòa thượng Thích Huyền Tế (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) về thủ tự, hướng dẫn tu học.

Sau 1975, đạo hữu Ngô Thâm (con của Thầy Hạnh Chơn) thay cha cai quản. Năm 1977, chùa bị hỏa hoạn, đất vườn chùa nhân dân trong thôn vào sản xuất hoa màu. Năm 1977, bổn đạo đồng tâm xây dựng lại. Năm 2001, trùng tu toàn bộ cho đến bây giờ, nằm trong diện tích đo đạc mới nhất 2916m2. Tổ chức khánh thành, an vị Phật và cử ban Hộ tự chăm lo Phật sự:

– Từ 1999 – 2002, Cư sĩ Đinh Trương, trưởng ban

– Từ 2003 – 2006, Cư sĩ Nguyễn Điều, pháp danh Đồng Hòa, trưởng ban.

– Từ 2007 – 2010, Cư sĩ Đinh Tấn Hợi, trưởng ban.

– Từ 2010 đến nay, Cư sĩ Châu Vị, trưởng ban.

 

CHÙA ĐÔNG QUANG

Chùa Đông Quang xưa kia gọi là chùa Đông Dương, vì thuộc thôn Đông Dương. Nay là Đội 3, thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các bậc Tiền bối truyền lại thì chùa có từ lâu đời, qua các thời cát cứ đến nhà Nguyễn thịnh hành (1778-1802). Nguyên trong thôn có ông Nguyễn Doạt, một nhà đạo tâm đứng ra kêu gọi dựng chùa ngay trên nền tảng cũ, thay cho chùa cổ đã bị tiêu tàn. Nhờ khai quật được một pho tượng Phật bằng gỗ quý chôn dưới đất, xen lẫn với những miếng ngói vảy xưa (rất tiếc là các di vật nay không còn). Bởi do chùa bằng tre tranh, lại bị bom xăng đốt cháy trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), cả 4000m2 vườn chùa một lần nữa rơi vào hoang lạnh.

Đến năm Giáp Thìn (1964), bổn đạo khôi phục lại chùa, xây gạch, lợp ngói rất quy cách và tiện nghi, đổi lại tên chùa là Đông Quang. Kể từ đây, Trụ trì đầu tiên là Thượng toạ Thích Hạnh Pháp, thế danh Nguyễn Trợ, đệ tử của Hòa thượng Thích Huyền Đạt (trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) từ 1964-1975. Tiếp theo là Đại đức Thích Trí Thường, thế danh Phạm Cân, đệ tử của Hoà thượng Thích Giải Hậu (Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi) từ 1976-1992. Sau 1992, chùa do Ban Hộ tự cai quản, cư sĩ Nguyễn Văn Chức là Trưởng ban.

Năm 2007, Trụ trì chùa là Sư cô Thích Nữ Huệ Ân, thế danh Bùi Thị Thuyền, đệ tử của Ni sư Thích Nữ Diệu Nhơn. Xuất gia năm 1979, thọ Tỳ kheo ni năm 1992 tại Tổ đình Sông Bé (Hội Khánh), do Ni trưởng Thích Nữ Đạt Lý làm Đường đầu Hòa thượng (Quyết định Bổ nhiệm Trụ trì số 107/QĐ-BTS ngày 16/11/2007 của Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh Quảng Ngãi).

Năm 2001, chùa trùng tu toàn diện, từ chánh điện đến sân vườn, dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên, xây cổng tam quan. Năm 2008, việc tu sửa hoàn chỉnh.

Hàng tháng, chùa tổ chức tu Bát Quan Trai vào ngày 19 âm lịch. Hiệp kỵ vào ngày 8 tháng 12 âm lịch hằng năm, nhằm ngày giỗ Đại đức Thích Trí Thường.

 

CHÙA GIÁC LÂM

Chùa Giác Lâm tại Đội 2, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do ông Huỳnh Dương, pháp danh Như Hòe, một cư sĩ tại gia, phát tâm đứng ra tự lập trên đất gia tộc để tu niệm. Chùa có diện tích chung khoảng 1000m2, được Ngài Đệ lục Tổ đình Thiên Ấn, Tăng cang Hòa thượng Thích Diệu Quang chứng minh, an vị Phật vào năm Bính Tý (1936). Cơ bản là ngôi chánh điện thờ Phật và nhà Hậu tổ, tất cả đều xây gạch, lợp ngói.

Trải qua các thời kỳ, chùa vẫn duy trì sự tu tập và khuyến thiện cho những ai có lòng tín ngưỡng Phật. Số bổn đạo đến chùa không phải là nhỏ. Môn phong Tổ đình Thiên Ấn lần lượt cử các vị danh Tăng đến chùa trụ trì, đáp ứng nhu cầu Phật sự không bị gián đoạn:

  1. Hòa thượng Thích Giải Hậu
  2. Hòa thượng Thích Huyền Tế
  3. Thượng tọa Thích Huyền Đạo
  4. Thượng tọa Thích Giải Niệm
  5. Thượng tọa Thích Vĩnh Hòa
  6. Thượng tọa Thích Như Liên

Đến năm 2000, đời con của cố Huỳnh Dương là trưởng nam Huỳnh Khôi, thứ nam Huỳnh Ngô, Huỳnh Quế cùng chị em con cháu đồng tâm phụng hiến toàn bộ ngôi chùa cho Thượng tọa Thích Hạnh Trình đang trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, tiếp tục sự nghiệp truyền thừa Phật đạo.

Sát cánh với trụ trì, chùa có xây dựng Hội Vu Lan, thay cho Ban Hộ tự trợ giúp các công việc nhà chùa vào các ngày rằm, mồng một, các ngày lễ lớn của Phật giáo Việt Nam.

Chùa lấy ngày hiệp kỵ vào 14 tháng 7 âm lịch hằng năm, kỷ niệm Liệt tổ Hòa thượng Diệu Quang và Hòa thượng Huyền Đạt.

 

CHÙA HÒA LONG

Chùa Hòa Long tại Đội 3, thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa thành lập ngày 19/2/1969 (Kỷ Dậu), do Vức trưởng Phật giáo Nguyễn Thới, Vức phó Bạch Cát, cùng bổn đạo trong thôn Hà Trung xây dựng, nên chùa còn có tên gọi là chùa Hà Trung. Chùa có tổng diện tích 1900m2, nguyên là đất làng, hiện còn Nghĩa từ của xóm nằm bên dưới sát khuôn viên chùa.

Chùa có cảnh quan rất thoáng mát, đường vào chùa và sân rộng đều bê tông hóa. Chùa quay mặt về Đông-Bắc, nhưng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên ngó ra cổng chính hướng Bắc. Năm 2008, chùa dựng cổng tam quan thay cho trụ cổng đã có từ trước. Mái tiền đường chùa còn có bảng đề “Hòa Long Tự” bằng chữ Hán. Ngôi chánh điện nối liền với nhà Giảng, nhà Trù và công trình phụ. Năm 2003, Đại đức Thích Thị Trụ ở TP Hồ Chí Minh, phụng cúng cho chùa quả Hồng chung đồng và Phật tượng Di Lặc.

Trước nay chùa không có sư trụ trì, hiện cư sĩ Nguyễn Quận, pháp danh Tâm Châu là Trưởng ban Hộ tự, Phó ban Bạch Thị Kích, pháp danh Tâm Ân. Thủ tự kiêm thủ quỹ Phạm Thị Loan, pháp danh Tâm Phụng, có bổn phận cai quản và kinh kệ hàng đêm, giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ Phật.

Chùa thường xuyên tổ chức tu Bát Quan Trai hằng tháng vào ngày 13 âm lịch, do Tỳ kheo Thích Nguyên Mẫn (Chùa Phước Ấn) đảm trách.

 

CHÙA KIM LIÊN

Chùa Kim Liên tại Đội 1, thôn An Hòa, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa lập vào năm Bảo Đại thứ 19 (1944) (có ghi trong Đại hồng chung tại chùa), do Tăng cang Hòa thượng Thích Diệu Quang (Đệ lục Tổ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) khai sơn.

Chùa có quy mô rộng, nằm trên đồi núi Đất của thôn An Hòa, đứng ngôi tổ sơn thuộc Tây Sơn Tịnh, có diện tích hơn 2 mẫu, được cư sĩ Bùi Văn Lợi (thân sinh Đại đức Thích Nguyên Minh) khai khẩn và cúng dường Tam Bảo.

Trụ trì đầu tiên là Thượng tọa Thích Huyền Tấn kể từ 1944 và giữ cương vị này qua nhiều giai đoạn cho đến năm 1967, giai đoạn cuối cùng của đời Ngài trước ngày viên tịch vào năm 1984.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1965-1975), chùa bị bom đạn phá hoại. Năm 1990, chùa do bổn đạo xây dựng lại mới hoàn toàn. Chùa có GĐPT Minh Đạo sinh hoạt thường xuyên từ 1999 đến nay vào ngày chủ nhật hàng tuần.

Chùa tổ chức tu Bát Quan Trai một tháng hai kỳ, tham gia các công tác Phật sự và xã hội. Ngày giỗ chính của chùa hằng năm vào ngày 6 tháng 12 âm lịch.

Tại khuôn viên bên tay trái đường vào chùa có hai tháp kỷ niệm Tăng cang Hòa thượng Thích Diệu Quang và Hòa thượng Thích Huyền Tấn. Nay có thêm mộ tháp liền kề của Thượng tọa Thích Hạnh Giải, người kế vị trụ trì Hòa thượng Huyền Tấn từ 1984, và viên tịch vào ngày 27/10/2007

Cũng trong năm 2007, môn phong Thiên Ấn đề cử đệ tử của Ngài Hạnh Giải là Đại đức Thích Nguyên Trí làm trụ trì. Đại đức Thích Nguyên Trí, thế danh Lê Tấn Dũng, sinh năm 1977, pháp hiệu Thông Hải, xuất gia năm 1990, thọ Sa di năm 1995, thọ Tỳ kheo năm 1999, tại Đại giới đàn Thiện Hòa, do Hòa thượng Thích Từ Nhơn làm Đường đầu Hòa thượng.

 

CHÙA KIM LONG

Chùa Kim Long tại Đội 6, xóm Kim Long, thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa xây dựng trên đất đình làng Kim Long xưa kia, nhưng đã bị hư hỏng trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Sau 1954, chùa được tái tạo thành Vức Kim Long, nằm trong diện tích hơn 300m2, do bổn đạo đóng góp và hoàn thành vào ngày 19/8/1957.

Tiền đường chùa hướng về Nam, trước mặt là sông Trà Khúc, ngăn cách giữa sông và chùa là hương lộ xã Tịnh Hà về bến Ngân Giang.

Chùa Kim Long cũng đã trải qua nhiều lần sửa chữa, từ 1961 đến 1980, căn bản là ngôi chánh điện thờ Phật Thích Ca.

Từ buổi đầu khai dựng chùa, Thượng tọa Thích Huyền Tấn, trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, thường xuyên cử Sư Tăng hành đạo tại Tổ đình luân phiên về chùa Kim Long hướng dẫn tín đồ quy y thọ giáo, học tập kinh kệ, nghi thức và cách thờ phụng, bởi chùa không có trụ trì cố định.

Hơn 30 năm qua, mọi sinh hoạt Phật sự của chùa vẫn giữ bình thường. Chùa cũng có tổ chức tu Bát Quan Trai vào ngày 28 âm lịch hàng tháng. Cư sĩ Thới Nhuần, pháp danh Tâm Trạch làm Trưởng ban Hộ tự, cùng 9 thành viên.

Năm 2008, Ban Hộ tự mới thay thế là Trưởng ban Thới Văn Đường, Phó ban Đỗ Quang Hiển, Thư ký Lê Thị Luyến, thủ quỹ Đỗ Thị Đầm, Trưởng ban Hộ niệm Trương Văn Loan.

CHÙA KIM PHÚ

Chùa Kim Phú tại Đội 5, thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trong 10 Vức hội Phật giáo của 10 thôn thuộc xã Tịnh Thọ trước kia, thì nay chỉ còn chùa Kim Phú là đáng kể.

Chùa nguyên làm trên đất đình làng Kim Sa xưa kia, đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Năm Giáp Thìn (1964), Thượng tọa Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn), đứng ra khai sơn, xin phép lập chùa mới, ngoài tên Kim Phú, còn thường gọi là chùa Kim Sa. Chùa gồm ngôi Chánh điện, Hậu tổ, nhà Đông, nhà Tây, nhà Trù, cổng ngõ, có diện tích trên 5 sào.

Sau 1975, chùa có sửa chữa nhỏ, đến nay có phần xuống cấp nặng nề, tuy cảnh chùa rộng rãi, thoáng mát, thanh tịnh, nhưng sự trùng tu là cần có sự quan tâm.

Từ ngày xây dựng chùa không có trụ trì, thỉnh thoảng các Sư Tăng từ Tỉnh hội và Huyện hội Phật giáo về hướng dẫn nghi thức tu niệm và tham gia các công tác xã hội từ thiện. Bổn đạo về chùa tùy thuộc các nhu cầu Phật sự, thường xuyên vào các ngày rằm, mồng một, lễ lớn hay tụng niệm, cầu an, cầu siêu. Bên cạnh có GĐPT Kim Phú, sinh hoạt hàng tuần vào chiều chủ nhật.

Trước kia chùa do Vức trưởng cai quản, từ Khuôn trưởng Phật giáo Kim Sa là cư sĩ Hà Phước Tấn, đến các cư sĩ Đoàn Châu Bình, Lê Lực, Lê Hề, Lê Ly, Đoàn Chỉnh và nay là Lê Chí làm Trưởng ban Hộ tự.

 

CHÙA KIM TÂN

Chùa Kim Tân tại Đội 3B, thôn Liên Hiệp 1, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nằm phía tây chân cầu Trà Khúc 2, sát bờ tả ngạn sông Trà, mặt hướng về Nam nhìn núi Thiên Bút. Chùa có diện tích chung 4117m2 ở vào địa thế thoáng mát, trước sông, sau Quốc lộ 24B Trà Khúc-Sa Kỳ.

Chùa do Hòa thượng Thích Huyền Tấn, thế danh Lê Nghiêm, pháp danh Như Chánh, tự Giải Trực, khai sơn vào năm Bính Ngọ (1966), sau khi đã khai sơn chùa Trúc Lâm.

Lẽ ra, năm 1967 Ngài về chùa Kim Tân trụ trì và an dưỡng vào tuổi già, sau ngày Ngài từ nhiệm trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn và Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng Ngài lại về chùa Kim Liên ở Tịnh Giang (Sơn Tịnh), cho nên chùa Kim Tân chỉ còn hình bóng của một đạo sư mẫu mực, làm gương cho hàng Tăng Ni Phật tử noi theo cho đến ngày Ngài viên tịch vào năm 1984.

Qua các thời kỳ kể từ ngày chùa Kim Tân thành hình, Tỉnh Giáo hội và Phật tử đã cử các Tăng Ni Sư về làm trụ trì:

–    Thượng tọa Thích Giải Lợi, hiệu Huyền Tích (1966-1985).

–    Đại đức Thích Hạnh Giám (1985-1992).

–    Từ 1995 đến nay là Ni sư Thích Nữ Hạnh Thuần. Ni sư xuất gia năm 1968, thọ Sa di năm 1971, thọ Tỳ kheo năm 1997 tại Đại giới đàn Từ Nghiêm (TP Hồ Chí Minh), do Ni trưởng Thích Nữ Như Thanh làm Đường đầu Hòa thượng.

Năm 1996, Ni sư Hạnh Thuần đã tu sửa nhà Chúng. Năm 1998, dựng tượng đài Quan Thế Âm trước sân chùa. Năm 2000, trùng tu Chánh điện thờ Tam Bảo.

Ngày hiệp kỵ của chùa lấy ngày giỗ Ngài Huyền Tấn vào mùng 8 tháng 12 âm lịch.

 

CHÙA LINH QUANG

Chùa Linh Quang nguyên là chùa Đa Ngân, vì trước kia chùa thuộc thôn Đa Ngân, nay là Đội 9, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Khuông trưởng Phật giáo Đa Ngân là Võ Tấn Lộc, cùng cư sĩ Lê Bình, vận động xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1969). Được tập thể Phật tử của thôn cung thỉnh Thượng tọa Thích Trừng Khải, đệ tử của Hòa thượng Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) về làm trụ trì.

Sau 1975, Thượng tọa Trừng Khải đắc cử hai nhiệm kỳ Hội đồng Nhân dân 3 cấp huyện Sơn Tịnh. Năm Mậu Thìn (1988), Thượng tọa viên tịch. Ngày giỗ chính hằng năm tại chùa vào 18 tháng 8 âm lịch.

Kế vị trụ trì là Tỳ kheo Thích Nguyên Mẫn, thế danh Lý Huyên, pháp tự Đức Hòa. Đến 1999, chùa do Ban Hộ tự cai quản. Trưởng ban Hộ tự từ cư sĩ Diệp Mỹ đến cư sĩ Đỗ Tấn Minh, pháp danh Tâm Tấn.

Năm 2006, Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, bổ nhiệm Đại đức Thích Nghiêm Bảo, thế danh Võ Duy Phùng về làm trụ trì. Đến 2009, Đại đức chuyển đi nơi khác, giao chùa cho Ban Hộ tự cai quản, cư sĩ Hồ Văn Thọ là Trưởng ban.

CHÙA LONG BÀN

Chùa Long Bàn tại Đội 9, thôn Long Bàn, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên gốc xưa kia gọi là chùa Ông Tấu. Nửa thế kỷ trở lại đây gọi là chùa Long Bàn, vì chùa ở thôn Long Bàn, thuộc xã Tịnh Nhơn cũ. Sau 1954, xã Tịnh Nhơn cải tổ là xã Sơn An, nên chùa lại lấy tên “Sơn An Tự”. Sau 1975, hai xã Sơn An và Sơn Phú nhập chung là xã Tịnh An bây giờ, nên lấy lại tên cũ chùa Long Bàn.

Theo các bậc cố cựu thì ông Tấu là Tổ khai sơn chùa Long Bàn, cho đến nay chỉ cón là danh xưng truyền tụng, hoàn toàn không một lưu tích nào về ông. Nhưng bổn đạo vẫn một lòng tin và duy trì ngày giỗ truyền thống của ông như thường lệ vào 8 tháng 12 âm lịch.

Trải bao biến cố thời gian, kể từ ông Tấu, tiếp đến ông Kiêu, ông Trường, ông Côn, nền tảng của chùa mãi được bảo tồn. Cho đến năm Canh Tý (1960), Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi mới chính thức cử Đại đức Thích Trí Tùng giữ chức vụ trụ trì chùa.

Đại đức Thích Trí Tùng đã có công chỉnh trang toàn bộ khuôn viên và chùa. Từ ngôi Tam Bảo, tượng đài Quan Thế Âm trước Tiền đường, nhà Đông, nhà Trù, đúc chuông, đến vườn cây. Cổng chính trước sân chùa, nay vẫn còn ba chữ “Sơn An Tự”. Để tưởng nhớ, chùa còn có ngày giỗ của Đại đức vào 22 tháng 6 âm lịch.

Sau 1975 cho đến nay, chùa không có trụ trì, tất cả đều do Ban Hộ tự. Từ ông Nguyễn Na đến Nguyễn Tri và hiện tại là cư sĩ Phan Đâu, pháp danh Đồng Ngộ làm Trưởng ban, cùng với các cư sĩ Nguyễn Gặp, pháp danh Tâm Ngộ, Trần Thiệt, pháp danh Đồng Thiệt cai quản.

Di vật của chùa còn giữ được nguyên ba tượng Quan Công, Chu Thương, Quan Bình bằng gỗ sơn son thếp vàng, thờ sau Hậu Tẩm. Năm 2007, chùa cũng đã hoàn thành cổng Tam Quan ngay sát lề đường, đi vào chùa non 50m, với đôi câu biểu tượng bằng chữ nôm:

“Ơn Tổ cac dày mấy ngàn năm hoằng dương Phật pháp

Công Thầy to lớn bao thế kỷ dìu dắt chúng sanh”

CHÙA LONG HOA

Chùa Long Hoa xưa kia gọi là chùa Hà Nhai, vì thuộc làng Hà Nhai. Nay là Đội 12, thôn Hà Nhai Nam, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các vị tiền bối cho biết, chùa có thể được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19, thời Vua Gia Long (1802-1819). Nguyên thủy chùa tọa lạc tại nỗng Núi Ngang, làng Hà Nhai, tục gọi là Nỗng Chùa. Danh tánh và nguồn gốc Tổ khai sơn đến nay không còn ai nhớ rõ, chỉ ở Nỗng Chùa còn ngôi mộ đất có hình dáng cổ mộ, đã cho rằng đó là mộ của Ngài. Và cũng theo lời đồn đãi thêu dệt, kích thích đến những kẻ đi tìm vàng, mua bán đồ cổ, hơn 10 năm trước đã lén lút đào phá mộ này moi tìm của quý, nhưng thất vọng, nửa chừng bỏ dở.

Kể từ khi Tổ khai sơn chùa vắng bóng, việc thủ tự thiếu người kế thừa. Rồi bao nhiêu điều linh thiêng, huyền bí phủ lên mảnh đất chùa, nên không ai dám xâm phạm đến đây. Nhất là qua các thời binh đao chiến họa, chùa rơi vào cảnh thâm u vắng vẻ, việc bái lễ, thăm viếng cũng do đó mà mai một.

Thời Duy Tân (1907-1915), hương chức và dân trong làng xin cho dời chùa về địa điểm bây giờ, nằm trong đình làng Hà Nhai cho dễ dàng chiêm bái và bảo tồn tín ngưỡng. Nhưng một lần nữa, chùa lại bị tàn phá trong thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chỉ còn có dinh thờ Thần, nay vẫn giữ nguyên vị làm di tích.

Tuy chùa ban sơ bằng tranh tre, vách nứa, nhưng có nhiều pho tượng đồng giá trị, đủ kích cỡ. Năm 1946, chùa bị mất trộm một pho tượng Đức Bổn Sư nặng 100kg. Năm 1995, lại bị trộm một pho tượng Di Đà nặng 70kg, và một tượng Quan Thánh nặng 30kg. Hiện chùa còn ba tượng Phật nhỏ làm bằng đất nhồi giấy bản và chiếc mõ dâu cổ.

Vào năm Giáp Thìn (1964), Đại đức Thích Trừng Thể, pháp danh Tâm Thủy, thế danh Võ Thanh Vân, đệ tử của Thượng tọa Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) về làm trụ trì, hoằng dương đạo pháp, đã ra sức đại trùng tu có quy mô rộng rãi, kiến trúc kết hợp cổ truyền và hiện đại. Sau 1975, Đại đức vào miền Nam (Bà Rịa – Vũng Tàu) tu học.

Từ đó, chùa không có sư trụ trì. Năm 1979, đất chùa vào Hợp tác xã Nông nghiệp. Diện tích đất đình làng làm chùa và bổn đạo hiến cúng trước kia khoảng 11000m2, nay còn tồn tại 5512m2, diện tích xây dựng chùa hết khoảng 1000m2.

Từ 1977, chùa do Ban hộ tự điều hành Phật sự. Cư sĩ Lê Văn Hoan, Trưởng ban có trách nhiệm cai quản. Bổn đạo thường xuyên về chùa vào các ngày rằm, mồng một và các ngày lễ Phật.

Năm 2008, Ni sư Thích Nữ Huệ Hạnh về làm trụ trì. Ni sư Thích Nữ Huệ Hạnh, thế danh Hồ Thị Bích, thọ Sa di năm 1993, thọ Tỳ kheo năm 2000, tại Đại giới đàn Thiện Hòa (Vũng Tàu) do Ni trưởng Thích Nữ Như Chí làm Đường đầu Hòa thượng.

 

CHÙA LONG QUANG

Chùa Long Quang, tại xóm Vạn Lộc Tây, thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên từ lâu đời, chùa tọa lạc tại xóm Nhì Tây, thôn Phước Lộc, với tên chùa là “Viên Quả Tự”. Tuy di chỉ, văn bản nay không còn, nhưng duy nhất còn lại quả Đại Hồng chung bằng đồng, nặng 120kg, cao 1m, đường kính 0.52m, chạm trổ hoa văn chung quanh, đầu rồng, viền nổi, mặt ngoài khắc bảng chữ Hán “Viên Quả Tự”, cùng phương danh chư vị trụ trì Pháp Trung, Hòa thượng Quảng Độ, Đức Huy, Đức Sáng, Đức Hạnh (1) … và chư vị đạo tâm hiến cúng tịnh tài, tịnh vật, được tạo chú ngày 22 tháng 7 năm Quí Dậu. Hiện quả Đại Hồng Chung do cư sĩ Nguyễn Phước Tánh bảo quản.

Theo các bậc cao niên, thức giả cho biết chùa Viên Quả Tự quá chật hẹp so với lượng bổn đạo quy y thọ giáo ngày càng đông. Nên đến thời Gia Long (1802-1819), đạo Phật chấn hưng và thể theo nguyện vọng chung nhất, chùa được dời về xóm Vạn Lộc Tây, thôn Phước Lộc, thường gọi là Vườn Mít, địa điểm bây giờ, lấy tên là “Long Quang Tự” (2).

Cũng theo lời nói lại, các đời trụ trì tiếp theo là các thầy Doạt, thầy Hai, thầy Ngao, thầy Phú, thầy Học. Nhưng thời gian trôi qua cả thế kỷ hơn, pháp danh tông tích của các thầy không sao nhớ rõ, chỉ biết có một số con cháu của các thầy thay nhau gìn giữ ngôi Tam Bảo cho đến 1945 thì gián đoạn.

Từ 1945-1954, toàn quốc kháng chiến chống Pháp, chùa được trưng dụng làm kho thóc nuôi quân và làm nơi hội họp nhân dân. Thời bấy giờ Hội Phật giáo Cứu Quốc được thành lập, công cử cư sĩ Phan Châu làm Hội trưởng Phật giáo xã, sự sinh hoạt của bổn đạo chùa Long Quang thu gọn tại tư gia cư sĩ Phạm Đăng Huyền ở thôn Phước Lộc.

Sau 1954, chùa Long Quang được tu sửa, tín đồ quy tụ có trên ngàn người. Các vị Khuôn trưởng Phật giáo được công cử qua các nhiệm kỳ:

–    1955 – 1957: Cư sĩ Bùi Hùng.

–    1957 – 1959: Cư sĩ Phan Châu.

–    1959 – 1963: Khuôn hội và bổn đạo cung thỉnh Thượng tọa Thích Như Quang về trụ trì.

–    1963 – 1965: Cư sĩ Nguyễn Trừng.

Kể từ 1955 – 1965, Khuôn hội Phật giáo xã Tịnh Sơn đã xây dựng GĐPT Minh Phước, sinh hoạt tại chùa Long Quang.

Tháng 5-1965, chiến tranh tái diễn, xã Tịnh Sơn thuộc vùng giải phóng của Cách mạng. Quân đội Miền Nam và Đồng minh mở các cuộc hành quân càn quét, san bằng nhà cửa, trong đó có chùa Long Quang.

Từ 1975 – 2006, bổn đạo Phật tử trong xã đã nhiều lần thỉnh nguyện lên chính quyền các cấp, xin phép thành lập Ban Hộ tự và tạo điều kiện xây dựng lại ngôi chùa, vì hơn 30 năm, chùa đã bị xuống cấp, mối mọt gặm nhấm, xiêu vẹo có thể sụp đổ, nhưng chưa được đáp ứng.

Ngày 13/7/2007, Quyết định số 61/QĐ-BTS của Ban Trị Sự Giáo hôi PGVN tỉnh Quảng Ngãi, công nhận Ban Hộ tự chùa Long Quang:

–    Cư sĩ Phan Hồng Ngân (Huynh trưởng cấp Tấn, cố vấn Phân Ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Quảng Ngãi), pháp danh Diệu Tuyền, Trưởng ban.

–    Cư sĩ Nguyễn Trung Trực, pháp danh Minh Phước, Phó ban.

–    Cư sĩ Nguyễn Phước Tánh, Phó ban.

Năm 2010, GĐPT Minh Phước được chính thức công nhận tái sinh hoạt tại chùa Long Quang do Huynh trưởng Nguyễn Trung Trực, pháp danh Minh Phước làm Gia trưởng.

Chùa có cơ hội quy tụ tín đồ và đang lập đề án trùng tu trong trường hợp cho phép.

Chú thích:

(1)   Hòa thượng Phật Tuyết – Tường Quang – Quảng Độ, Đức Huy, Đức Hạnh có long vị thờ tại chùa Viên Tôn. Hòa thượng Quảng Độ sinh năm 1737, viên tịch năm 1811 – Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35.

(2)   Lược sử chùa Long Quang do Ban Hộ tự trình bày ngày 29/9/2008 thì chùa có vào thời Gia Long, niên hiệu thứ 5 (1807) chưa thể xác định.

 

CHÙA LONG SƠN

Chùa Long Sơn nằm trên núi Long Đầu, thuộc thắng cảnh Long Đầu Hý Thủy (Đầu rồng giỡn nước), thuộc thôn Liên Hiệp 2, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Qua các đời trụ trì truyền lại thì Chùa Long Sơn có vào thời Duy Tân (1907-1915), do nhà bá hộ Dương Cang, phát tâm khai trưng chóp núi Long Đầu, nhân lúc triều đình Huế có chủ trương Kiến canh điền bộ, để cúng dường Tam Bảo, lập chùa thờ Phật và Tiền hiền bổn xứ, nên gọi là chùa Long Đầu. Nhưng vì chùa tranh vách đất, chưa đầy 20 năm đã bị xiêu vẹo, dột nát. Ông Cả Chín là người thủ tự, tuổi ngày càng cao, không đủ khả năng chống đỡ.

Năm Canh Ngọ-1930, Tăng cang Hòa thượng Diệu Quang chứng minh cho Hội Tịnh Độ xây dựng lại chùa, vách gạch, lợp tranh, cải danh Long Đầu thành chùa Long Sơn. Mặt chùa hướng về Tổ đình Thiên Ấn.

Năm 1938, chi nhánh Hội An Nam Phật Học tại Quảng Ngãi được thành lập, đặt trụ sở tại chùa. Năm 1952, Ngài Diệu Quang viên tịch. Ngài có một đệ tử đắc pháp là tu sĩ Thích Trí Thuyên, thế danh Trần Trọng Thuyên, quy y tại chùa Long Sơn, sau này là một giảng sư Phật học trẻ tuổi, nổi tiếng trong An Nam Phật Học Hội. Thiền sư Trí Thuyên bị Pháp bắn tại Phật Học đường Kim Sơn – Huế năm 1947, khi ông vừa tròn 24 tuổi. Mộ tháp ngài được tôn trí tại chùa Kim Sơn. Thiền sư Trí Quang đề vào bia 6 chữ lớn “TRÍ THUYÊN GIẢNG SƯ CHI THÁP”. Long vị tại Kim Sơn: “Kim Sơn Bổn Tự Tịnh Kỳ Trí Thuyên Pháp Sư Chi Vị”.

Sau 1954, chùa trùng tu nhà Trai, nhà Tăng, nhà Giảng, dựng tượng đài Quan Thế Âm còn cho đến nay. Cũng từ sau 1954, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi liên tục cử Tăng sư về chùa Long Sơn trụ trì:

1- Sư bà Thích Nữ Như Huyền      (1955-1958)

2- Hòa thượng Thích Huyền Tấn   (1959-1975)

3- Thượng tọa Thích Hạnh Đồng   (1980-2002)

4- Thượng tọa Thích Hạnh Niệm   (2003 đến nay)

Thượng tọa Thích Hạnh Niệm, thế danh Trần Minh, pháp danh Thị Mẫn, pháp tự Vĩnh Châu. Xuất gia năm 1965, thọ Sa di năm 1968, thọ Tỳ kheo năm 1973, tại Đại giới đàn Thiện Hòa, chùa Phật Ấn (Mỹ Tho), do Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm Đường đầu Hoà thượng. Thượng tọa nay là Chánh đại diện Phật Giáo huyện Sơn Tịnh, chùa Long Sơn được đặt làm văn phòng Ban Đại Diện Huyện hội thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Toàn bộ diện tích của chùa khoảng hơn 5000m2, ngoài mồ mã của nhân dân chôn hai bên hông chùa, còn có tháp mộ của Hoà Thượng Thích Huyền Tấn và Thượng toạ Thích Hạnh Đồng.

Hàng tháng chùa tổ chức tu Bát Quan Trai vào ngày mồng 8 âm lịch, và tổ chức thường kỳ niệm Phật vào ngày 26 âm lịch. Hằng năm lấy ngày 7 tháng 12 âm lịch, giỗ Ngài Huyền Tấn làm ngày Hiệp kỵ.

CHÙA LONG THỌ

Chùa Long Thọ tại Đội 10, thôn Trường Thọ Tây, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thường gọi là chùa Trường Thọ, vì trước kia thuộc thôn Trường Thọ.

Chùa do nữ cư sĩ Võ Thị Thông, pháp danh Tâm Đạo lập. Nữ cư sĩ Võ Thị Thông, đệ tử Hòa thượng Thích Huyền Tấn, trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn. Hòa thượng là người đỡ đầu và chứng minh sáng lập trên mảnh đất vườn đình Phú Ba, diện tích chung 2 sào, vào năm Đinh Dậu 1957.

Trước 1975, ngoài bổn phận của các Vức trưởng, Khuôn trưởng Phật giáo tại các cơ sở, chùa đã được các sư Tăng về làm trụ trì, mỗi vị trí từ 3 đến 5 năm:

–         Đại đức Thích Hạnh Chiếu

–         Đại đức Thích Hạnh Lạc

–         Đại đức Thích Hạnh Đồng

–         Đại đức Thích Hạnh Phước

Sau 1975, do Vức trưởng Võ Toán thủ tự, đến các cư sĩ Duy Đãi, Nguyễn Bá Lâm. Nay là cư sĩ Lê Đình Nhung, pháp danh Tâm Y làm trưởng Ban Hộ tự.

Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, vào các năm 1963, 1998, 2001. Năm 2003 dựng tượng đài Quan Thế Âm. Nay chùa có phần xuống cấp, mái hiên tiền đường và cổng ngõ vừa được sửa sang trong năm 2008.

CHÙA MỸ LONG

Chùa Mỹ Long tại Đội 8, thôn Trường Thọ Đông, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thường gọi là chùa Mỹ Lộc, vì trước kia thuộc xóm Mỹ Lộc.

Chùa do cư sĩ Phạm Một, Vức trưởng Phật giáo Mỹ Lộc cùng bà con bổn đạo lập dựng và hoàn thành vào ngày 12.6.1960.

Năm 1995, Ban Hộ tự và bổn đạo đề cử cư sĩ Phạm Đặng, pháp danh Tâm Quả, đi ở Hạ ba tháng tại chùa Từ Quang, do Hòa thượng Thích Giải An truyền giới Sa di, pháp hiệu Hạnh Đắc về làm thủ tự. Nhưng đến năm 1998, Sa di Hạnh Đắc lại giao chùa cho bổn đạo về tu tại gia. Từ đó đến nay, việc điều hành Phật sự đều do Ban Hộ tự gồm có 5 thành viên, cư sĩ Trương Quang Hạnh, pháp danh Tâm Hỷ làm Trưởng Ban.

Chùa đã ba lần trùng tu vào các năm 1996, 1999, 2000 và dựng tượng đài Quan Thế Âm. Chùa cơ bản giữ ba lệ Rằm tháng giêng, tháng 4 và tháng 7, các ngày lễ lớn của nhà Phật. Chùa hằng đêm đến có tụng kinh, bổn đạo lễ bái tùy tâm ngưỡng mộ.

CHÙA MỸ QUANG

Chùa Mỹ Quang tại Đội 7, xóm Mỹ Yên, thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1969), do phát tâm của cư sĩ Phạm Chước hiến 200m2 đất cho Khuôn hôi Phật giáo Mỹ Yên để làm chùa, được Khuôn trưởng Nguyễn Dõng cùng bà con bổn đạo hoàn thành, với diện tích xây dựng 100m2.

So ra diện tích chùa quá nhỏ, sân chùa quá hẹp, lại không có Sư Tăng trụ trì. Bổn đạo ước khoảng 50 người, việc sinh hoạt còn nhiều hạn chế, nên từ lâu xem đây như là Niệm Phật Đường của bổn đạo xóm Mỹ Yên.

Năm 1985, chùa có sửa chữa hậu tẩm, nhưng toàn bộ nay đều xuống cấp, khả năng vật chất còn thiếu thốn, muốn trùng tu cũng rất khó khăn.

Hiện chùa do Trưởng ban Hộ tự Trần Cúc, pháp danh Tâm Hoa cai quản. Năm 2006, Sư cô Thích Nguyên Hạnh về đây thủ tự. Sư cô Thích Nguyên Hạnh, thế danh Trần Thị Nhị, pháp hiệu Thông Hiền, y chỉ sư trụ trì La Hà Thích Nữ Hạnh Viên.

CHÙA NGỌC THẠCH

Chùa Ngọc Thạch tại Đội 3, thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa chính thức xây dựng vào năm 1958, do Khuôn trưởng Phật giáo Ngọc Thạch là Tỳ kheo Thích Viên Thới cùng Phật tử trong thôn xây dựng. Tỳ kheo Thích Viên Thới, thế danh Phạm Xuân, đệ tử Thượng toạ Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn).

Theo thời gian năm tháng, hơn 30 năm qua, vì nhiều lý do khách quan, chùa đã thiếu đi bàn tay phụng sự, nên chùa Ngọc Thạch bị xuống cấp, hư hỏng quá nặng nề. Việc dâng hương, lễ Phật cũng do đó mà hạn chế, sự sinh hoạt có phần khó khăn. Mặc dù các đạo tâm cư sĩ của lớp kế thừa như Phạm Triêm, Phạm Khiết, Lê Minh Lợi,… đã cố gắng duy trì hương khói, giữ gìn Phật tượng, để mong cầu tu sửa trở lại như xưa.

Nay được chính quyền quan tâm, chỉ trong 2 năm 2006, 2007, chùa được sửa sang chấn chỉnh đi vào ổn định.

Trước sân dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên, làm thêm nhà khách, nhà trú, nhà trù, làm cổng ngõ, tất cả nằm trong diện tích khoảng 4 sào quay mặt về Nam. Chùa lấy ngày 12 tháng 7 âm lịch làm ngày giỗ chính Tổ khai sơn Thích Viên Thới.

Ban Trị Sự tỉnh hội Phật giáo Việt Nam Quảng Ngãi đã có quyết định số 111/QĐ-BTS ngày 16/11/2006, công nhận Ban Hộ tự chùa Ngọc Thạch: Trưởng ban Phạm Triêm, Phó ban Trần Tát, Thư ký Nguyễn Đừng.

CHÙA PHÁP HOA

Chùa Pháp Hoa tại Đội 5, thôn Lâm Lộc, thị tứ xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nguyên trước kia do người Minh Hương (Trung Quốc) sinh sống tại đây xây dựng từ thời Pháp thuộc, hiến cho bổn đạo địa phương vào năm Canh Tý (1960), đã được trùng tu và đổi hướng chùa vào năm này.

Lúc bấy giờ có Tỳ kheo Thích Viên Quang đứng ra kiến thiết, diện tích xây dựng 250m2, kể cả nhà Giảng, nhà Tăng, trong tổng diện tích khoảng 1300m2. Thuở ấy, tín đồ bổn tự khá đông, sự sinh hoạt khá thịnh hành. Nhưng từ năm 1965, chiến tranh lan rộng, chùa chịu cảnh tang thương, hương tàn khói lạnh, bổn đạo phải di tản nhằm tránh mưa bom lửa đạn.

Sau 1975, vì chùa không người trông coi bảo quản, dần hồi ngôi chánh điện xuống cấp, suy sụp. Đến nay, chùa chỉ còn mảnh nền trơ trọi, mặt tiền đường sát lộ lớn thì nhà dân án ngữ, nói chung không ai có thể tưởng tượng hay hình dung đây là một ngôi chùa đã có hay đất ở cư dân.

Hiện nay, người thay mặt bổn đạo là nữ cư sĩ Trịnh Thị Minh Nguyệt, pháp danh Tâm Dung, đệ tử của Hòa thượng Thích Huyền Tấn (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn), đã nhiều lần có đơn xin tái thiết lại chùa cũ, kể cả vượt cấp nhưng vẫn còn trong tình trạng cứu xét.

CHÙA PHONG THẠNH

Chùa Phong Thạnh tại xóm 6, thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Sơ khởi do cư sĩ Lưu Đức Huệ đề xuất từ năm 1955. Năm 1958, Khuôn trưởng Phật giáo Phong Niên Thượng là cư sĩ Phạm Ngân, cùng bổn đạo mới xây dựng chùa, vách gạch, lợp ngói, lấy tên là chùa Phong Thạnh.

Chùa nguyên nằm trong khu Gò Chổi, được bà con bổn đạo trong thôn phát tâm khai phá, góp phần công quả, hiến làm đất Tam Bảo, có tổng diện tích hơn 2000m2.

Đến nay chỉ còn khoảng 200m2, ngoài diện tích xây dựng ngôi chánh điện và nhà bếp khoảng 100m2, nhưng cũng đã xuống cấp, dột nát. Chung quanh không có tường rao, chiếc cổng trơ trọi không còn nét chữ, hai cây Bồ Đề tỏa bóng, che chiếc sân hẹp, trống trải cô đơn.

Xưa nay chùa không có sư trụ trì, các cư sĩ được cử ra đảm trách, cai quản giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ, hay cầu an,… kể từ cư sĩ Nguyễn Tích, Trần Nghị, Lê Theo, đến nay là Trưởng ban Hộ tự Huỳnh Toàn, pháp danh Diệu Lực, đệ tử của Hòa thượng Thích Giải Hậu chăm sóc chùa.

 

CHÙA PHỔ THẠNH

Chùa Phổ Thạnh tại Đội 4, xóm Vĩnh Thạnh, thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa nằm bên bờ tả ngạn sông Trà Khúc, nơi có đò chiều bến “Hà Nhai Vãn Độ”- một thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nguyên trước đây chỉ là Vức nhỏ, bằng tranh tre, chính thức hoàn thành ngày 19 tháng 2 năm Kỷ Hợi (1959). Đến năm 1962 mới xây gạch, lợp ngói, do bổn đạo thôn Ngân Giang xây dựng.

Chùa hướng mặt về Nam, có diện tích xây dựng 40m2, lồng lọt trong diện tích đất 224m2, cũng do bổn đạo tạo mãi. Chùa chỉ có ngôi chánh điện thờ Phật, cảnh quan trống trải, hàng rào xung quanh còn tạm thời, cổng chính sát hương lộ, hai trụ cổng có đôi câu chân thực:

“Phật dạy chúng sanh hành việc thiện,

Thiền môn giáo pháp hạnh đạo hiền”

Việc cai quản và Phật sự của chùa, từ Vức trưởng Phật giáo Bùi Đức Trí, đến Bùi Đức Dũng, và nay là Trưởng ban Hộ tự Nguyễn Điền.

Việc sinh hoạt của chùa y lệ rằm, mồng một, vào các tháng giêng, tháng tư, tháng bảy, tháng mười và Tết Nguyên Đán. Ngày hiệp kỵ của chùa vào Lễ Vu Lan hằng năm.

CHÙA PHÚ HÒA

Chùa Phú Hòa tại Đội 8, thôn Phú Hòa, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do cư sĩ Võ Cừu, pháp danh Chơn Cơ, được sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Hồng Ấn (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) lập vào năm Giáp Ngọ 1954. Chùa có diện tích xây dựng 750m2, nằm trong khuôn viên diện tích 6881m2. Trên cổng chùa có 2 câu chữ hai bên:

“Phú quới trường lưu thiên cổ thạnh

Hòa hiệp Tăng đồ vạn đại hưng”

Chùa trước kia không có sư trụ trì. Từ năm 1972 đến 1975, có hai vị Tăng ở chùa Bảo Linh (Phường Lê Hồng Phong, Tp Quảng Ngãi) là sư Hạnh Thiện, pháp hiệu Vĩnh Hòa, và Sa di Hạnh Dưỡng về đây tu hành một thời gian rồi ra đi. Bổn đạo chùa tương đối đông, thường xuyên kinh kệ, tu Bát Quan Trai mồng một và rằm mỗi tháng, tổ chức bố thí, từ thiện vào tháng tư, tháng bảy âm lịch. Ngày hiệp kỵ của chùa vào 19 tháng giêng âm lịch.

Từ 2005, thay cho cư sĩ Lý Công A, pháp danh Hùng Di là cư sĩ Võ Văn Hoanh, pháp danh Tâm Vinh làm Trưởng Ban Hộ tự. Năm 2009, Ban Trị Sự Giáo hội PGVN tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm Đại đức Thích Thị Văn về trụ trì. Đại đức Thích Thị Văn, thế danh Dương Quang Chương, pháp hiệu Hạnh Tú, đệ tử của Ngài Thích Giải Quảng (chùa Quảng Hiệp, Đồng Nai). Thọ Sa di năm 1995, thọ Tỳ kheo năm 1998, tại Đại giới đàn Long Thuyền (Đồng Nai), do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Đường đầu Hòa thượng.

CHÙA PHÚ LONG

Chùa Phú Long tại Đội 3, thôn Liên Hiệp 1, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Hạnh Đồng lập năm 1967 trên đất tư của bổn đạo, có diện tích trên 1500m2, nằm bên phía tây cầu Trà Khúc 2, sát Quốc lộ 24B Trà Khúc – Sa Kỳ. Mặt chùa và cổng chính hướng về Nam, chùa đã qua hai lần sửa chữa nhỏ. Năm 1990, dựng tượng đài Quan Thế Âm trước sân.

Sau 1975, Thượng tọa Hạnh Đồng về trụ trì chùa Long Sơn, giao chùa cho cư sĩ Võ Văn Bông, pháp danh Đồng Hơn cai quản. Từ đó xem như chùa tư cho đến nay, không sư trụ trì và cũng không Ban Hộ tự, việc lễ Phật là do lòng tín ngưỡng của người cai quản và bà con bổn đạo xa gần tự nguyện về chùa vào các ngày rằm, mồng một,… Thực tế chùa chưa tạo điều kiện sinh hoạt với Giáo hội, các Phật sự không ngoài khuôn khổ gia đình.

CHÙA PHÚ MỸ

Chùa Phú Mỹ tại Đội 8, thôn Bình Đẳng, xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Do Khuôn trưởng Phật giáo Phú Mỹ là Nguyễn Thực, cùng các cư sĩ Huỳnh Trung Châu, Huỳnh Cừu, vận động lập vào tháng 4 năm 1966.

Chùa nằm trên ngọn đồi thấp, thường gọi là Đồi Chùa, hay rừng Xóm Mít, có diện tích 2500m2. Ngoài diện tích xây dựng 200m2, Đồi Mít được bổn đạo trồng bạch đàn giữ đất khỏi xói mòn và làm ngân quỹ. Chùa tuy nhỏ nhưng xinh xắn, có nét cổ phong.

Trước 1975, chùa không có sư trụ trì, ngoài các cư sĩ lập chùa còn có cư sĩ Lê Nhứt làm Trưởng ban Hộ niệm.

Sau 1975, chùa do Ban Hộ tự cai quản. Hiện nay, Trưởng ban Hộ tự là cư sĩ Nguyễn Nhông. Nghi thức lễ Phật thường xuyên do nữ cư sĩ Phùng Thị Ngự, pháp danh Tâm Qua, đệ tử Hòa thượng Thích Giải An đảm trách.

Chùa cũng đã qua các lần sửa chữa nhỏ vào các năm 1976, 2001. Năm 2010, được sơn sửa toàn bộ, giảm nhẹ sự xuống cấp.

CHÙA PHÚ NINH

Chùa Phú Ninh tại Đội 12, thôn Quyết Thắng, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Xưa kia chùa thuộc thôn Phú Ninh, và chùa nằm trên nền móng đình làng Phú Ninh, nên gọi là chùa Phú Ninh.

Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), đình làng Phú Ninh bị hư hỏng, chỉ còn phần Hậu Tẩm và hai am thờ Thổ Thần và thờ Bà, tục gọi là Bà Vú, nay vẫn còn. Sau 1975, thôn Phú Ninh cải tổ thành thôn Quyết Thắng, nên chùa nay cũng được gọi là chùa Quyết Thắng.

Chùa do các cư sĩ Trần Kiệm – pháp danh Tâm Xưng, Nguyễn Đăng – pháp danh Tâm Liên, Trần Chánh – pháp danh Tâm Thẩm, Bùi Mai – pháp danh Tâm Châu,…trong Khuôn hội Phật giáo Phú Ninh đồng đứng ra xin phép lập chùa, chủ yếu là ngôi Tam Bảo, trong diện tích vườn đình có trên 5 sào, vào năm Mậu Tuất 1958.

Chùa không có sư trụ trì, trước 1975 do Khuôn hội điều hành Phật sự. Sau 1975 do Ban Hộ tự cai quản. Hiện nay, cư sĩ Nguyễn Viết Đạm, pháp danh Nguyên Nhuần quyền Trưởng Ban hộ tự.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một, Phật Đản, Tết Nguyên Đán, cầu an, cầu siêu theo Phật giáo cổ truyền. Chùa hiện tại xuống cấp nặng, cảnh quan vắng vẻ, trụ cổng rêu phong, chưa có khả năng trùng tu tái tạo.

CHÙA PHƯỚC ẤN

Chùa Phước Ấn tại Đội 5, xóm Đồng, thôn Trường Thọ Tây, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Tỳ kheo Thích Nguyên Mẫn, pháp tự Đức Hòa, thế danh Lý Huyên, sinh năm 1939, đệ tử của Thượng tọa Thích Trừng Ninh, tự đứng ra tạo mãi nhà đất vào năm Mậu Dần 1998, sơ khai chỉ để lập Tịnh thất tu hành. Trong khuôn viên chùa trồng cây trái, có diện tích chung 1500m2. Chùa nằm sát bên phía tây Niệm Phật Đường xóm Đồng. Năm 2003 Tịnh thất được cải tạo thành chùa đặt tên là Phước Ấn.

Tỳ kheo Thích Nguyên Mẫn, xuất gia năm 1968 tại chùa Từ Lâm, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thọ Sa di năm 1974, sau 1975 trụ trì chùa Đa Ngân, Thị trấn Sơn Tịnh. Năm 1981, thọ Tỳ kheo tại Đại giới đàn Bảo Quốc (Huế), do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Đường đầu Hòa thượng.

Chùa Phước Ấn tuy tân lập nhưng mọi nghi thờ từ Phật Thích Ca đến Quan Âm, Địa Tạng, Hộ Pháp, Tiêu Diện,… đều chung trong một ngôi chánh điện, dưới một mái nhà lợp ngói. Từ bên ngoài theo hương lộ sát bờ tả ngạn sông Trà Khúc nhìn vào, bốn trụ cổng to cao thẳng đứng thay cho Tam quan chùa hoàn thành vào năm 2006.

Chùa mặt hướng về Nam, với 4 hàng câu đối chữ Hán:

Phước địa thanh lương cư trần bất nhiễm Bồ Đề đạo,

Ấn thiên tế phổ xuất nhập vô ưu Bát Nhã môn.

Phước ngộ thừa tông tức trụ tức chơn quy giáo đạo,

Ấn huyền pháp lực đàm không đàm hữu chuyển mê tâm.

Mặt trụ bên trong cũng 4 hàng câu đối chữ Hán:

Phước Ấn anh linh thập phương ngưỡng vọng cầu tất ứng,

Thiền môn Quảng Độ chư Phật hộ trì tắc bình an.

Phước Ấn trang nghiêm sắc hương bất dị tổng quy chơn,

Phật môn quảng đại xuất nhập tùy duyên năng tế độ.

TỊNH THẤT PHƯỚC QUANG

Phước Quang Tịnh Thất nguyên là Linh Quang Tịnh Thất được cải danh từ sau 1975, vì có sự trùng tên với chùa Linh Quang ở gần nhau trong cùng một thôn, nay là Đội 11, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Sơ khai do Sư bà Thích Nữ Như Hải, đệ tử của Ngài Tăng cang Hòa thượng Thích Diệu Quang (Đệ Lục Tổ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn), đứng ra dựng chùa để tu vào năm Mậu Tuất 1958. Sau khi Sư bà qua đời, có nhà sư Huệ Lâm, đến nay chưa rõ nhân thân hành trạng, chỉ biết Thầy là một nhà sư thuộc hệ phái khất sĩ, sáng ôm bình bát, chiều về chùa, đến trú ngụ tu hành tại đây, nên gọi chùa là Tịnh thất, dần hồi trở thành quen miệng. Nhưng chẳng bao lâu thì sư Huệ Lâm tự dưng rời tịnh thất lặng lẽ ra đi. Tịnh thất vẫn giữ ngày giỗ chính của Sư bà Như Hải vào 18 tháng 6 âm lịch.

Từ 1961, được cụ ông Nguyễn Cửu, pháp danh Tâm Lành và cụ bà Tôn Thị Chước, pháp danh Tâm Thiện, đều là đệ tử của Ngài Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) cai quản. Cụ ông Nguyễn Cửu nguyên là cán bộ trinh sát trong kháng chiến chống Pháp, được Nhà Nước phong tặng Huy chương Kháng chiến hạng ba qua 3 thời kỳ và Huy chương Kháng chiến hạng hai chống Mỹ cứu nước. Cụ vừa qua đời năm 2008.

Nay cụ ông mất, cụ bà quá già yếu, giao quyền thừa kế cho Sa di Thích Hạnh Khiết, thế danh Nguyễn Tấn Cư, thường gọi là Thầy Cư thủ tự. Thầy xuất gia từ chùa Phật Trắng (Nha Trang), đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Ngoài Phật sự thường ngày, thầy còn làm thuốc Nam chữa bệnh, nuôi con em nghèo ăn học, tổ chức tu Bát Quan Trai.

Chùa được trùng tu vào các năm 1965, 1980. Năm 1990, dựng tượng đài Quan Thế Âm có mái che. Chùa tuy cấp 4, nhưng sự tôn trí ngôi Tam Bảo trang nghiêm.

CHÙA SƠN CHÂU

Chùa Sơn Châu tại Đội 8, thôn Mỹ Lộc, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa nằm trên thế đất cao, dưới chân núi Chội, nguyên là dinh thờ thần của xóm Khánh Thuận, thuộc thôn Mỹ Lộc, lâu năm chầy tháng đã hoang tàn.

Năm Canh Thìn (1940), Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Hưng, lúc ấy đang là Kiểm Tăng Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, đứng ra khai sơn, xin lập chùa để mở mang đạo pháp, theo hệ Phật giáo cổ truyền.

Chùa tuy nhỏ gọn, khoảng 100m2, xây dựng trong tổng diện tích 400m2, xây gạch, lợp ngói, mặt hướng về Nam và kéo dài mái nhà tôn làm hành lang tiện dụng cả phần sau chùa.

Năm 1973, chùa tái lập dinh thờ thần bản thổ ghi dấu di tích, thay cho dinh thờ thần trước kia ở bên phải chùa, và lập thêm am thờ Ông bên trái phía trước chùa.

Trước 1975, đệ tử của Ngài Trí Hưng là Đại đức Thích Chơn Thiện, thường gọi là Thầy Ba Liêu trụ trì. Thầy là một nhà tu hành từ thuở 15 tuổi, cho đến ngày viên tịch. Mộ táng Thầy phía trên sát vườn chùa. Ngày giỗ Thầy vào 21 tháng 10 âm lịch, và cũng là ngày hiệp kỵ của chùa.

Sau 1975 cho đến nay, người duy trì kế nghiệp trụ trì là Thượng tọa Thích Huệ Thiện, tên thật là Lý Giới, sinh năm 1926, tại xã Tịnh Châu, pháp danh Như Vinh, thọ Sa di năm 1962, thọ Tỳ kheo năm 1969, tại Đại giới đàn Mỹ Đức (Mỹ Tho), do Hòa thượng Thích Từ Huệ làm Đường đầu Hòa thượng.

Ngoài các tượng thờ, chùa còn quả Hồng chung nặng 130kg, đúc năm Mậu Dần (1998).

CHÙA THANH SƠN

Chùa Thanh Sơn tại Đội 6, thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do ông Võ Lệ, tức Hương kiểm Lệ lập, khi ông được bầu làm Vức trưởng Phật giáo sau 1954.

Chùa nằm trên đất nguyên của xóm tự, có dinh thờ Bà, hiện còn miếu nhỏ. Chùa ở về hướng Bắc, sau lưng núi Thiên Ấn hơn một cây số, mặt chùa hướng về Nam, có diện tích chung khoảng 500m2 và hoàn thành vào ngày 10/6/1957.

Chùa đã qua bốn lần trùng tu, sửa chữa vào các năm 1963, 1970, 1977, 1998 do Ban Hộ tự và bổn đạo trong thôn đóng góp. Chùa lâu nay không có sư trụ trì, chỉ giữ lệ rằm tháng giêng, tháng 4, tháng 7, tháng 10, Tết Nguyên Đán và thường nhật tụng niệm.

Hiện tại do cư sĩ Ngô Văn Minh, pháp danh Tâm Tiên, đệ tử của Tỳ kheo Thích Trừng Thạnh, chùa Phổ Thiện (Nghĩa Hành) cai quản.

CHÙA THẾ LONG

Chùa Thế Long tại Đội 2, thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nằm trên đồi nhỏ thấp, sát Quốc lộ 1A hướng về Đông, xưa kia là dốc Trạm Long Đồ, thuộc địa bộ Diên Phước. Nguyên bà Trần Thị Tư là người giàu có khai trưng hiến đất lập chùa thờ Phật, đơn sơ bằng tre tranh, vách đất.

Năm 1958, Khuôn trưởng Phật giáo Thế Long là cư sĩ Huỳnh Trượng, chính thức vận động xây dựng lại, cũng lợp tranh, nhưng giàn kèo cột bằng gỗ, lấy tên xã lúc bây giờ là Sơn Hương, đặt tên cho chùa là Sơn Hương.

Trước 1975, chùa đặt văn phòng Ban Đại diện Phật giáo xã Sơn Hương, cai quản 6 Vức hội Phật giáo trong xã. Chùa chẳng may bị thiêu hủy trong thời chiến tranh vào năm 1966. Năm 1968, chùa được tái thiết do Ban Đại diện Phật giáo thôn Thế Long còn đến hôm nay.

Sau 1975, xã Sơn Hương đổi lại tên xã là Tịnh Phong, nhưng toàn xã chỉ còn mỗi một chùa Sơn Hương nằm tại thôn Thế Long, nên đổi tên là chùa Thế Long.

Năm 1996, chùa được sửa sang tu bổ, dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên theo hướng của chùa, người qua lại đều nhìn thấy dễ dàng.

Xưa nay chùa không có sư trụ trì, bổn đạo tín nhiệm cử các cư sĩ tại gia đứng ra cai quản. Tiếp nối từ cố Huỳnh Trượng cho đến nay là cư sĩ Nguyễn Giám, Trưởng ban Hộ tự, lễ lộc thường xuyên, bảo trì kinh kệ.

Ngoài diện tích xây dựng, khuôn viên vườn chùa có cả ngàn mét vuông đất, trồng cây bạch đàn làm ngân quỹ Tam Bảo.

CHÙA THỌ LỘC

Chùa Thọ Lộc tại Đội 3, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa nằm trên diện tích đất 2400m2, trích trong diện tích đất đình làng Thọ Lộc xưa kia đã bị hư hỏng trong thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Nay vẫn còn cổng đình làng bên cạnh phía dưới ranh giới và di tích lịch sử văn hóa Quốc gia “Đài tiếng nói Miền Trung – Trung bộ”.

Chùa nguyên là chùa Trường Thọ, từ Vức An Bình, thuộc xóm Gò cùng thôn, được bổn đạo xin dời về đây vào năm Đinh Dậu (1957), sau khi tách ra thành hai chùa Thọ Lộc và Trường Xuân.

Năm Ất Tỵ (1968), bổn đạo cung thỉnh Đại đức Thích Trí Thường về làm trụ trì và vận động trùng tu (QĐ số 097/PG/QĐ ngày 12/7/1965 của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Ngãi).

Năm 1995, có sửa chữa nhỏ và dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên trước sân chùa.

Cơ bản xây dựng của chùa là ngôi Chánh điện và Hậu tẩm. Nhà Giảng, nhà Trù đều bằng gạch, lợp ngói, trang thiết bị đầy đủ. Sự sinh hoạt đều tập trung vào các ngày rằm, mồng một, và các ngày lễ lớn. Giỗ chính của chùa vào Thanh minh 14 tháng 3 hằng năm.

Từ lâu, chùa chưa có trụ trì thay cho Đại đức Thích Trí Thường. Hiện vẫn do cư sĩ Bùi Minh Đức, Trưởng ban Hộ tự và Phó ban Bùi Bá cai quản.

CHÙA TÍCH SƠN

Chùa Tích Sơn tại Đội 7, thôn An Lộc, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa nằm trên ngọn đồi cao, xưa kia gọi là núi An Sơn, thuộc làng Sung Tích, nên có tên là chùa Tích Sơn. Chùa do Tăng cang Hòa thượng Thích Diệu Quang khai sơn năm Nhâm Thân (1932).

Nền tảng ban đầu của chùa Tích Sơn chủ yếu ngôi chánh điện, nối liền Hậu tổ. Sau 1954, bổn đạo trong Khuôn hội Phật giáo Sung Tích xin thêm làng phần đất của Lân An Sơn, trước kia thờ Tiền hiền, để mở rộng chùa, có diện tích chung 1177m2. Hiện phía Đông chùa còn di tích.

Năm 1971, Hòa thượng Thích Huyền Đạt, trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, đã trùng tu lại ngôi chánh điện và tu bổ nhà Tây của chùa Tích Sơn.

Năm 2004, bổn đạo đóng góp xây dựng cổng Tam quan, làm bậc cấp từ hương lộ đi lên tới sân chùa. Dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên, bố trí toàn cảnh chùa rất đẹp mắt.

Chùa đã qua các đời trụ trì liên tục, từ Tỳ kheo Thích Vĩnh Hóa, pháp danh Như Nhứt, đến Thượng tọa Thích Hạnh Niệm, pháp danh Thị Mẫn, Đại đức Thích Giải Sự và 1966 đến nay là Thượng tọa Thích Như Liên.

Thượng tọa Như Liên, sinh năm 1933, thế danh Nguyễn Rô, pháp danh Giải Trì, pháp tự Châu Hải. Xuất gia thọ Sa di năm 1967, thọ Tỳ kheo năm 1974 tại Đại giới đàn chùa Bảo Linh (Tp Quảng Ngãi), do Hòa thượng Thích Huyền Tế làm Đường đầu Hòa thượng.

Chùa không có Ban Hộ tự, nhưng có Ban giúp việc, do cư sĩ Trần Bằng bảo quản.

CHÙA TRÀ SƠN

Chùa Trà Sơn tại Đội 5, thôn Hạnh Phúc, xã Tịnh Ấn Đông, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Khuôn hội Phật giáo Trà Sơn lập dựng vào năm Đinh Dậu 1957, trong diện tích chung khoảng 1000m2. Chùa hướng về Nam, đặc biệt sân chùa cũng là sân đá bóng của thôn.

Chùa lâu nay không có sư trụ trì, trước 1975 thì có Ban tri sự cai quản. Nhưng từ sau 1975, thì do tâm nguyện của các cư sĩ tại gia thay nhau đảm trách. Hiện tại cư sĩ Võ A và Trương Quang Tùng bảo quản, quây quần cùng bổn đạo trong tinh thần tự nguyện. Việc lễ báo, tụng niệm cứ theo định lệ rằm, mồng một, Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán,…

Chùa vỏn vẹn có ngôi chánh điện, xây gạch, lợp ngói, căn bản một pho tượng Phật. Nối liền bên cạnh hông chùa là nhà Giảng, nhưng đã xuống cấp khá nặng nề, đang cần sự trùng tu.

Phần đất sau chùa thuộc khuôn viên Tam Bảo, bổn đạo trồng bạch đàn làm nguồn lợi chi dụng cho chùa.

CHÙA TRÚC LÂM

Chùa Trúc Lâm tại thôn Liên Hiệp 1, sát Quốc lộ 24B Trà Khúc-Sa Kỳ, cách Thị trấn Sơn Tịnh về hướng Đông khoảng 2km, thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Huyền Tấn khai sơn vào năm Tân Sửu 1961. Ngài tên thật là Lê Nghiêm, pháp danh Như Chánh, pháp tự Giải Trực. Sinh năm 1911, tại xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Con của cố Lê Văn Tuyên, pháp danh Chơn Phú, hiệu Pháp Thông và cố bà Đỗ Thị Thẩm. Cả gia đình đều quy y Tam Bảo, hai em trai của Ngài đều xuất gia là Thượng toạ Thích Huyền Tích, pháp tự Giải Lợi, thế danh Lê Quý và Thượng tọa Hạnh Giám, thế danh Lê Bình.

Hòa thượng Thích Huyền Tấn xuất gia năm 1924, quy y Tăng cang Hòa thượng Thích Diệu Quang, sau là Tổ thứ 6 Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn. Ngài thọ Sa di năm 1931, thọ Cụ túc giới năm 1934 tại Đại Giới đàn chùa Thạch Sơn (Tư Nghĩa), do Hòa thượng Thích Hoằng Thạc làm Đường đầu Hòa thượng. Ngài tu học tại Phật Học Đường Bảo Lâm (Quảng Ngãi) và Báo Quốc (Huế). Năm 1943, Hòa thượng Diệu Quang lập xong chùa Kim Liên ở xã Tịnh Giang, Sơn Tịnh và năm 1944 giao cho Ngài trụ trì. Ngài có thời gian tham gia Chi Hội An Nam Phật Học tỉnh Quảng Ngãi vào những năm 1938-1940, Phật giáo Liên Lạc và Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5 sau 1945.

Năm Tân Mùi 1955, Hòa thượng Thích Huyền Tấn, nguyên là Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Tăng già tỉnh Quảng Ngãi, được công cử kế thừa Đệ lục Tổ sư Diệu Quang giữ trách nhiệm trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn. Một trong những Phật sự hoằng truyền Tổ ấn, tiếp dẫn hậu lai của Ngài là năm 1961, Ngài đứng ra vận động xin phép mở thêm một cảnh chùa lấy tên là “Trúc Lâm Tự”, được chính quyền địa phương lúc bấy giờ chấp thuận.

Chùa xây dựng trên đình làng Phú Nhơn xưa kia đã bị tàn phá hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Có diện tích khoảng 10 sào, nằm phía dưới miếu Đức Khổng Tử, nay là Đài Liệt sĩ. Đáng kể, ngoài cơ bản của một ngôi chùa Phật, Hòa thượng Huyền Tấn còn khai mở tại đây một “Tăng Học Đường” làm nơi đào tạo Tăng tài đáp ứng cho nhu cầu Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi. Số Tăng tài xuất thân từ Tăng Học Đường này có đến hàng trăm. Một số Tăng tài hiện nay vẫn còn và là những giới phẩm trong hàng ngũ Phật giáo Việt Nam tại các Chùa,Tự viện trong và ngoài tỉnh.

Năm 1964, Ngài Huyền Tấn được Hội Đồng Viện Hóa Đạo công cử vào cương vị Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Thống Nhất tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1965, Ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Long Sơn (Long Đầu Hý Thủy).

Năm 1966, Ngài khai mở Giới đàn tại chùa Trúc Lâm và Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu. Trong năm này, Ngài Huyền Tấn lập thêm một ngôi chùa mới cũng tại thôn Liên Hiệp 1, lấy tên là chùa “Kim Tân”, cử Thượng tọa Thích Huyền Tích, tự Giải Lợi trụ trì.

Năm 1967, Ngài Huyền Tấn xin từ nhiệm trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn và chức vị Chánh Đại diện tại Tỉnh Hội để tập trung vào việc nghiên cứu kinh kệ. Ngài lại trở về chùa Kim Liên, nơi Ngài đã trụ trì đầu tiên trong cuộc đời tu hành, cho đến ngày viên tịch, 8 tháng 12 âm lịch năm Giáp Tý (1984).

Năm 1968, Hòa thượng Huyền Đạt kiêm nhiệm trụ trì chùa Trúc Lâm, ra công trùng tu chùa và ổn cố Tăng Học Đường, cho đến năm 1975 thì việc đào tạo Tăng tài gián đoạn.

Năm 1994, Hòa thượng Huyền Đạt viên tịch tại Tổ đình Thiên Ấn, chùa Trúc Lâm vắng bóng, chùa dần hồi hư hoại, sụp đổ, thiếu người kế tục trụ trì. Phật tượng phải dời sang nhà Tăng đang xuống cấp, chỉ còn tượng đài Quan Thế Âm là nguyên vị trước sân chùa. Khuôn viên chùa trồng hoa màu phụ, cây cối phủ kín, ngoại trừ hai trụ cổng bên đường đi vào với tấm bảng “Chùa Trúc Lâm”.

Hiện nay chùa tạm thời giao cho Ban Đại Diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Sơn Tịnh quản lý, chờ điều kiện tái tạo trùng tu.

CHÙA TRƯỜNG XUÂN

Chùa Trường Xuân tại Đội 2, thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa nằm phía trên đường sắt Bắc-Nam, cách cầu Trường Xuân về hướng Bắc khoảng 300m.

Chùa do một nhà tu tại gia, có uy tín, được mọi người tôn danh là Hòa thượng, thế danh là Phan Văn Nẫm, đích tôn tiền hiền tộc họ Phan tại đây, khai sơn lập chùa vào thời Khải Định (1916 – 1924). Chùa nguyên bằng tranh tre, vách đất và đã bị tàn phế trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Đến năm Canh Tý (1960), Vức trưởng Phật giáo Trường Xuân là cư sĩ Bạch Cống, Vức phó Trần Lịch, cùng bổn đạo hợp tình xây dựng lại, vách gạch, lợp ngói, trong tổng diện tích trên 1000m2. Căn bản là ngôi chánh điện thờ Phật Tổ Thích Ca, hậu tẩm thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma. Còn nhà chúng, nhà Tăng, tạm thời quá yếu kém.

Chùa không có sư trụ trì, năm 1970, bổn đạo mời tu sĩ Thích Hạnh Nhơn, thế danh Phan Thiết, đệ tử của Thượng tọa Thích Giải An về thủ tự đến sau 1975.

Hiện nay chùa có một Ban Hộ tự, cư sĩ Cao Văn Chuốt làm trưởng ban. Bổn đạo có đến 50 người, đa số là người lớn tuổi. Chùa giữ lệ rằm, mồng một, các lễ Phật và tụng niệm đều đặn.

Chùa nay xuống cấp nặng. Nội điện có đủ tượng cốt, Hồng chung, bảo chúng, gia trì, trống. Tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên trước sân. Cổng, trụ, biển, giếng nước vẫn còn giữ nguyên.

CHÙA TỪ ÂN

Chùa Từ Ân tại Đội 2, thôn An Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa đã có từ xưa, nằm trong đình làng An Phú, nhưng thời gian phôi pha, chùa không còn gì lưu tích.

Sau 1954, chính quyền miền Nam cải tổ làng Tịnh Nhơn là xã Sơn An. Tách Tịnh Nhơn lập thêm một xã mới là xã Sơn Phú, gồm hai thôn An Phú và Ngọc Thạch. Khuôn hội Phật giáo tại đây đã thành hình tại thôn Ngọc Thạch có chùa Ngọc Thạch, còn tại thôn An Phú thì có chùa An Phú.

Năm 1964, Đại đức Thích Trừng Nghĩa, đệ tử của Ngài Thích Hồng Ân (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) đã cùng bổn đạo địa phương tái thiết lại chùa mới, không gọi chùa An Phú mà cải danh là chùa “Từ Ân”.

Đến sau 1975, chùa không có sư trụ trì, chỉ có Ban Hộ tự và bổn đạo thay nhau chăm sóc ngôi Tam Bảo. Tuy có nhiều bất cập, nhưng quy cũ vẫn được giữ gìn, nhờ có ông Kiều Ngại bám trụ thủ tự.

Ông qua đời năm 2007, cư sĩ Bùi Tại, pháp danh Nguyên Lại và các cư sĩ Trần Văn Hòa, pháp danh Nguyên Thuận, cùng cư sĩ Phan Tự đồng cai quản. Năm 2008, xây dựng cổng Tam quan và cư sĩ Trần Văn Hòa nay là Trưởng ban Hộ tự.

Ngoài các ngày rằm, mồng một, vía lễ nhà Phật, chùa có ngày Hiệp kỵ, giỗ Tiền hiền vào rằm tháng giêng âm lịch. Vào cuối mỗi tháng tu Bát Quan Trai và rằm mỗi tháng tổ chức niệm Phật.

CHÙA TƯỜNG QUANG

Chùa Tường Quang tại Đội 14, thôn Hà Nhai Nam, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên nơi đây là dinh thờ Thần của xóm Phước Tường xưa kia, đã bị tiêu hủy trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Đến tháng 2/1965, bà con trong thôn xóm và tín đồ có lòng thờ Phật, đề nghị và tự nguyện đóng góp công của xây dựng thành ngôi chùa, thường gọi là chùa Phước Tường. Khuôn hội Phật giáo Hà Nhai lúc bấy giờ hướng dẫn và hoàn thành.

Chùa gồm ngôi chánh điện, nhà Giảng, nhà Tăng, nhà Trù, diện tích xây dựng khoảng 200m2 trong khuôn viên khoảng 400m2. Trước sân đặt tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên.

Năm 1968, chùa có sửa chữa nhỏ. Năm 2008, chùa trùng tu cổng tam quan, tường rào bao bọc, nhà Giảng, nhà Trù có phần khang trang.

Trước 1975, chùa do Khuôn hội Phước Tường cai quản. Sau 1975, do Ban Hộ tự, cư sĩ Nguyễn Trung Sơn làm Trưởng ban.

Năm 2005, Ni sư Thích Nữ Tâm Huệ về làm trụ trì. Ni sư Thích Nữ Tâm Huệ, thế danh Lương Thị Chín, sinh năm 1937, thọ Sa di năm 1969, thọ Tỳ kheo năm 1977 tại Đại giới đàn chùa Diệu Đức (Huế), do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Đường đầu Hòa thượng.

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG XÓM ĐỒNG

Niệm Phật Đường xóm Đồng, nguyên là Vức xóm Đồng, nằm sát phía dưới chùa Phước Ấn bây giờ, nay là Đội 5 thôn Trường Thọ Tây, Thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Quý Mão 1963, cư sĩ Dương Xuân Lan phát tâm hiến đất cúng dường Tam Bảo. Các cư sĩ trong Khuôn hội Phật giáo xóm Đồng là Dương Lương, Dương Liễn, Lê Cũ, . . . đứng ra vận động bổn đạo lập chùa thờ Phật. Lúc ấy có Thượng tọa Thích Kim Liên, đạo sư chứng minh, đặt tên là chùa Xóm Đồng. Ban đầu, Thượng tọa còn hướng dẫn các nghi thức tu tập chung cho Vức hội, nhưng chưa đặc trách ai là trụ trì.

Năm 1972, Thượng tọa Thích Hồng Ân, trong Ban Chức sự Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, đã tạo điều kiện cho bổn đạo thường xuyên đến chùa lễ Phật, nghe giảng giáo lý và chú trì kinh kệ.

Chùa quay mặt về Nam, sát hương lộ bên bờ tả ngạn sông Trà Khúc. Cây bồ đề trồng ở góc trái sân chùa cách nay gần 60 năm, gốc đã lớn và cành lá sum suê.

Sau 1975, bổn đạo tự đề cử Ban Hộ tự trông coi Phật Đường. Hiện nay Trưởng Ban Hộ tự là cư sĩ Bùi Mỹ, Phó ban là cư sĩ Nguyễn Phước, pháp danh Tâm Lương, Trưởng Ban Hộ niệm là cư sĩ Lê Hậu, pháp danh Tâm Long.

Sinh hoạt căn bản của Phật Đường vẫn giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ Phật và thường đêm bổn đạo đến tụng kinh do Ban Hộ niệm đảm trách.

Năm 2010, trùng tu toàn bộ Phật Đường, xây gạch, lợp ngói, đẹp hơn xưa.

CHÙA KHÁNH VÂN

Chùa tọa lạc trên sườn núi Khánh Vân làng Hòa Bân, tổng Bình Châu, hiện nay thuộc thôn Nho Lâm, xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Qua các cuộc chiến tranh, chùa Khánh Vân lại nằm trong vùng giao tranh ác liệt, những sử liệu, tôn tượng, pháp khí đều dã bị mất mác thiêu hủy nên hôm nay chúng ta chưa có điều kiện khảo chứng để biết chùa được xây dựng vào thời điểm nào?.

Theo kiến trúc và kết cấu tam hợp chất của miếu Bà và miếu Ông đã hoang phế bên cạnh chùa thì có lẽ Khánh Vân từ thời các chúa Nguyễn> Quý đạo hữu cao niên trong làng như cụ Thu, bác Đặng Châu….nói rằng khi các cụ ở độ tuổi 10 ( 1928) thì đã thấy ngôi chùa lợp ngói âm dương, tường gạch với khung sườn gỗ coa khắc chạm hoa văn.

Trong sách “ Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tịnh” có viết: “ Ngày 28/ 7/ 1931, đồng chí Phan Thái Ất, Tôn Diêm và một số đồng chí khác bị bắt tại chùa Khánh Vân”, huyện Sơn Tịnh (1).

Phía sau nền phế tích chùa Khánh Vân có ngôi mộ của Tổ Lâm Tế đời thứ 40 trụ trì chùa Bảo Lâm ( Tịnh Khê) là Hòa thượng Chơn Từ – Đạo Khải – Vạn Thọ. Theo bia ký, Ngài viên tịch vào giờ Ngọ ngày mùng 6 tháng 8 năm Tân Vì – 1931. Trong sách “ Khánh Anh văn sao” tập I, phần kỷ niệm; Hòa thượng Khánh Anh có viết Lễ tang hòa thượng Vạn Thọ do Ngài Tăng cang chùa Thiên Ấn là Hòa thượng Diệu Quang tổ chức trang trọng.(2).

Theo Thích Hạnh Tấn ( thế danh là Phùng Sĩ) (3) được nghe truyền lại thì trước năm 1953, Tổ trụ trì chùa Khánh Vân là Đại đức Thích Từ Quảng ( mộ bia còn tại vườn Ân). Thời gian nầy là cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào quyết liệt, Chư Sơn Phật giáo Quảng Ngãi lo ngại chùa Thiên Ấn có thể bị ném bom nên đã di dời tôn tuợng, pháp khí đến chùa Khánh Vân, mãi đến sau hiệp định Generve – 1954 mới tổ chức lễ rước tôn tượng về lại Tổ Đình Thiên Ấn.

Năm 1956, đạo hữu trong làng thành lập khuôn hội Phật giáo Sơn Hòa ( nay là xã Tịnh Thiện) do ông Đặng Cừ làm khuôn trưởng. Khuôn hội đã vận động tu bổ chùa Khánh Vân, tổ chức sinh hoạt đi vào nề nếp và sau đó, thỉnh mời Đại đức Thích Huyền Đạo trụ trì chùa. Đến năm 1965, chiến tranh lại bắt đầu khốc liệt, năm 1967 chùa bị đốt phá điêu tàn rồi đến năm 1972 quân đội Mỹ, Hàn ủi thành bình địa!.

Năm 2005, đạo hữu và nhân dân xã Tịnh Thiện đã có đơn xin khôi phục lại Khánh Vân tự – một ngôi chùa đã góp phần vào công cuộc kháng chiến giành đôc lập từ năm 1930 đến năm 1975. Hố sơ đã được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi kiến nghị đến chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết.

 

 

CHÚ THÍCH

(1). Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tịnh – NXB CTQG năm 2004 trang 41,85 ( Theo Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I tháng 6/ 1930 thì đồng chí Nguyễn Nghiêm bí thư phụ trách phía Nam sông Trà Khúc; đồng chí Phan Thái Ất phụ trách phía Bắc Sông Trà, đồng chí Phan Thái Ất quê Nghệ An là cán bộ Phân ban xứ ủy Trung kỳ. Đồng chí Tôn Diêm bí thư huyện Sơn Tịnh năm 1931 – 1955- 1956.

(2). Khánh Anh văn sao tập I phần kỷ niệm – Nhà in Thạnh Mậu – Sài Gòn 1952, trang 84.

(3). Thích Hạnh Tấn – thế danh Phùng Sĩ nguyên là chiến sĩ Đai đội trinh sát H14 của tỉnh Quảng Ngãi kể: Các cuộc họp mật của tổ chức Đảng bộ huyện Sơn Tịnh được tổ chức tại chùa Khánh Vân từ năm 1965 đến 1972.

DANH MỤC CÁC NGÔI CHÙA Ở HUYỆN TƯ NGHĨA :

TT

CHÙA – NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Thôn, Xã – Thị Trấn)

1 Chùa Từ Quang Xã Lý Hải
2 Chùa Vĩnh Ân Xã Lý Vĩnh
3 Chùa Hang Xã An Hải

CHÙA TỪ QUANG

Chùa tọa lạc tại xứ Sơn Phục, phường An Hải, nay là xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cách bờ biển Tịnh Khê ….. hải lý về phía đông bắc.

Chùa Từ Quang do tổ Thích Giải Hành khai sơn năm Giáp Thân 1944 với tên là Giác Duyên tự. Tổ có thế danh là Ngô Đậu sinh năm 1909, quy y năm 1933 tại chùa Thọ Sơn được bổn sư Hòa thượng Thích Khánh Tín ban Pháp danh Như Sửu, tự An Giác, hiệu Giải Thành. Sau 5 năm khai sơn chùa, Ngài viên tịch năm 1949.

Năm 1953, chùa Từ Quang thành lập Gia đình Phật tử Đại Hải, sinh hoạt tại chùa Giác Duyên xã Bình Yến – Lý Sơn, trực thuộc BHD GĐPT Đà Nẵng. Sau năm 1954, trực thuộc BHD GĐPT Quảng Ngãi. Năm 1975 tạm ngừng sinh hoạt đến năm 1996 tái sinh hoạt với hơn 50 Đoàn sinh.

Năm 1996, chùa Từ Quang thành lập Ban hộ tự và chủ trương vận động trùng tu lại ngôi chùa vào ngày 11 tháng 4 năm 1996, năm 1997 xây dựng thêm dãy nhà chúng, nhà trù và Đoàn quán GĐPT Đại Hải.

Hai bên cấp tả hữu trước chính điện, có 2 tượng bê tông rồng bay và câu đối:

Từ Quang góc biển chùa xưa nhiều đời xây dựng

Hải yến chân trời càng cũ thập phương bao thuở giữ gìn

Chúng ta được biết chùa Từ Quang đã có những chư tổ trụ trì, quản tự như sau:

–     Tổ khai sơn húy Như Sửu – An Giác – Giải Thành từ năm 1944 đến năm 1949.

–     Kế là thầy Như Giác – Ngô Đậu từ năm 1949 đến 1951

–     Kế là Trương Duân, giám tự từ năm 1952 đến …?

–     Kế là Như Ngộ, tự Giải Không từ năm 1953 đến 1957

–     Kế là thầy Huyền Thông từ năm 1958 đến …?

–     Kế là thầy Trừng Khiết

–     Kế là thầy Trừng Nguyên

–     Kế là thầy Trừng Trinh

–     Kế là thầy Trừng Nghị

–     Kế là thầy Trừng Lễ từ …? đến năm 1975.

Từ năm 1975, quý cư sĩ trong Khuôn hội qua các nhiệm kỳ đã cùng đạo hữu Phật tử thay phiên chăm sóc quản tự. Năm 1996, chùa Từ Quang thành lập Ban hộ tự và điều hành công tác Phật sự.

Hiện nay, Đại đức Thích Hạnh Hỉ trụ trì chùa Từ Quang.

CHÙA VĨNH ÂN

Chùa ở xứ bến Đình, thôn Đông Phường, An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cách cảng biển Sa Kỳ ….. hải lý.

Chùa Vĩnh Ân do cư dân sáu tộc họ làng An Vĩnh xây dựng, mà không còn sử liệu cho ta biết rõ từ thời điểm nào. Lúc đầu, chùa làm bằng tranh tre, vách đá vôi với tam hợp chất. Năm 1940, đạo hữu, Phật tử trong làng trùng tu lại, lợp ngói âm dương. Năm 1960, chùa được trùng tu xây dựng lại và năm 2000, trùng tu chính điện có diện tích 100 m2.

Năm 1962, chùa Vĩnh Ân thành lập GĐPT lấy tên chùa, đến năm 1975, tạm dừng sinh hoạt đến nay.

Chúng ta được biết chùa đã trải qua chư vị trụ trì, thủ tự sau đây:

–     Trần Bình pháp danh Như Hiệp, tự Giải Hóa từ 1940 đến 1945.

–     Phạm Tịnh Kỉnh pháp danh Tâm Trọng, hiệu Trừng Nhã từ năm 1962 đến 1967.

–     ……….. từ năm 1967 đến 1973

–     Từ năm 1973 đến năm 1989, Ban đại diện chùa cùng đạo hữu Phật tử chăm sóc quản tự.

–     Từ năm 1992 đến 2010, Nguyên Hạnh Phạm Khắc Minh giám tự chùa Vĩnh Ân.

CHÙA HANG

( Thiên Khổng Thạch Tự )

 

Chùa ở phía đông bắc núi Thới Lới một ngọn núi cao nhất của đảo Lý Sơn tọa lạc tại xã An Hải.

            Đứng từ xa nhìn chúng ta không thể biết được chùa Hang mà chỉ thấy vài cây dừa cao chót vót và vô số cây bòng phễu, và mỗi gốc cây của nó đã trởư thành cổ thụ

            Hang động này đã có từ nghìn xưa nhưng chùa Thiên Khổng Thạch Tự không biết có tự bao giờ ? Chỉ được nghe truyền lại là do các bậc tiền bối chăm chút tô điểm. Đến năm 1994 chùa đã được xếp hạng di tích.

            Đảo Lý Sơn là hiện thân của cảnh đẹp thiên nhiên thì chùa Hang là một tác phẩm điêu khắc mà tạo hóa đã ban tặng cho con người trên vùng đất này. Ở đây núi và biển kề dựa vào nhau. Du khách đến với biển đảo Lý Sơn mà không đến với chùa Hang thì chừng như chưa đến với biển đảo

 

DANH MỤC CÁC NGÔI CHÙA Ở HUYỆN TƯ NGHĨA :

TT

CHÙA – NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Thôn, Xã – Thị Trấn)

1 Chùa Bà Xã Trà Xuân
2 Chùa Kim Long Thị Trấn Trà Bồng

CHÙA BÀ

Chùa tọa lạc tại xã Trà Xuân, huyện Trà Bồng cách trung tâm huyện lỵ độ 1 cây số về hướng tây, tục thường gọi là Điện trường Bà.

Các sử liệu về chùa Bà không có gì, chùa chỉ còn một bản văn tế bằng chữ Hán trên giấy mỏng vàng và một số truyền thuyết của nhân dân trong vùng kể lại. Đoạn sắc phong trong văn tế không ghi triều vua nào phong tặng nên không biết niên đại cụ thể, chỉ biết vào thời vua chúa triều Nguyễn.

Trong văn tế còn có 3 người con của nhân vật huyền thoại nay là Thái Dương Công chúa, nhị vị Thái tử cùng bộ hạ…cùng với Quan Thánh, Trương Phi, Kỷ Tín. Điều đặc biệt là nơi đây có thờ Bùi Tá Hán với tước Thượng Đẳng thần.

Không có một văn bản nào ghi chép về thời điểm xây dựng chùa. Rất may là tìm thấy tiêu bản của chùa Bà ở đình Lại Thế (Huế). Năm 1967 – 1968 trùng tu chùa đã phá hỏng mặt trước của chính điện, nhưng bộ khung cột kèo trính, xà vẫn còn. Đình Lại Thế được xây dựng vào triều Cảnh Hưng thứ 41 – 1781. Vậy là chùa Bà có thể xây dựng sau đó không lâu.

Lúc trùng tu, người ta đã xây tường xi-măng chịu lực thay cho kết cấu gỗ ở gian tiền đường, mái chùa còn giữ được ngói âm dương, bốn cột trước hành lang chạm hình rổng ẩn trong mây, chạy xuống bực tam cấp là bốn bạch hổ phục chầu. Trên nóc bờ giải, vòm ô trang trí hình Khương Tử Nha ngồi câu cá cùng người cỡi ngựa, gánh củi.

Chính điện có 16 cột tròn to, sơn son vẽ rồng ân trong mây và mai hạc; có 4 vì kéo theo kiểu “chồng rường chày cối” chạm đầu rồng. Nội điện chia làm ba gian: giữa thờ Thiên y a na tượng bằng đồng cao 90cm, khuôn mặt bầu bĩnh, ngồi ung dung thư thái. Án thờ sơn son, chạm nổi đầu rồng. Hai bên tả hữu thờ các vị tôn thần.

Phía mặt ngoài chính điện đắp nổi hai hình kỳ lân, đầu rồng đuôi ngựa, nóc mái trang trí chim phượng xòe cánh.

Chùa Bà có hai vòng thành bao quanh. Vòng thành thứ nhất bao quanh sân chùa. Vòng thứ hai dày 20cm, cao 1m5 bao xung quanh chùa, làm bằng tam hợp chất cùng gạch đá, có một cổng phụ và một cổng chính vào chùa. Trên cổng mọc một cây si to, xỏa rễ tạo thành lối đi tự nhiên thật đẹp.

Chùa xây dựng theo kiểu “Trung thiềm điệp ốc”. Ngoài sân có hai bạch tượng đứng hai bên và hai hạc chầu bên vạc. Tiền đường và chính điện nối nhau bằng trần thừa lưu.

CHÙA KIM LONG

 

Chùa ở thôn Trung thị trấn Trà Xuân huyện Trà Bồng, cách thành phố Quảng Ngãi 50 km về hướng Tây Bắc.

Năm 1957, đạo hữu thị trấn huyện Trà Bồng thành lập khuôn hội Phật giáo Trà Khương  (nay là Trà Xuân) do ông Châu Nghê làm khuôn hội trưởng cùng với khuôn hội phó và ông Hồng Tố Sanh phụ trách kiến thiết đã vận động xây dựng chùa Kim Long dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Phước Huy và Hòa thượng Thích Phước Huệ trụ trì chùa Liên Quang Bình Sơn.

Chùa có diện tích xây dựng 500 m2 trong diện tích tổng thể 1400m2. Trước chính điện có 2 câu liễng :

“ Kim tự sùng hưng hoàng đại đạo,

“ Long đường phát đạt chấn thiền môn.

Phía sau chính điện là bàn thờ hậu Tổ, di ảnh của hai Hòa thượng chứng minh.

Năm 1989, chùa Kim Long sau 32 năm bị xuống cấp nặng nên Ban Hộ tự đã chủ trương trùng tu, có sự chứng minh của Hòa thượng Thích Giải An – Trưởng Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi. Từ năm 1989 đến nay ( 2010), cư sĩ Hồng Tố Sanh làm Trưởng Ban hộ tự đã cùng đạo hữu thay phiên chăm sóc chùa.

Chùa Kim Long hiện nay có khoảng 120 tín đồ và mỗi đêm có khoảng 20 đạo hữu về chùa tụng kinh lễ Phật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  DANH MỤC CÁC NGÔI CHÙA Ở THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

TT

CHÙA, NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Đường phố, Tổ – Phường)

1

Chùa Pháp Hoá – Trụ sở BTS PG Tỉnh Quảng Ngãi 334 Trần Hưng Đạo Tổ 2, P.Trần Phú

2

Chùa Bảo Linh Hẻm Quang Trung Tổ 8, P.Lê Hồng Phong

3

Chùa Bửu Thắng Tổ 3, P.Nghĩa Lộ

4

Chùa Bửu Tiên Thôn 3 Xã Nghĩa Dõng

5

Chùa Hoa Nghiêm Nguyễn Công Phương Tổ   , P.Nghĩa Lộ

6

Chùa Hội Phước Hẻm Quang Trung Tổ 8, P.Nghĩa Chánh

7

Chùa Huệ Ân (gần chợ Gò Quán) Tổ 19, P.Chánh Lộ

8

Chùa Hưng Long Thôn 1 Xã Nghĩa Dõng

9

Chùa Kim Lăng Hẻm Lê Lợi Tổ 7, P.Nghĩa Lộ

10

Chùa Liên Bửu Thôn 2 Xã Nghĩa Dũng

11

Chùa Long An Tổ 10, P.Lê Hồng Phong

12

Chùa Long Hoa 280 Nguyễn Công Phương Tổ 16, P. Nghĩa Lộ

13

Chùa Long Tiên Hẻm Phạm Xuân Hoà Tổ 7, P.Trần Hưng Đạo

14

Chùa Nam Lộ 726/2 Nguyễn Nghiêm Tổ 6, P.Nguyễn Nghiêm

15

Tịnh xá Ngọc Nghĩa 25 Võ Thị Sáu Tổ 8, P.Chánh Lộ

16

Tịnh xá Ngọc Quảng 364 Nguyễn Nghiêm Tổ 10, P.Nguyễn Nghiêm

17

Chùa Phổ Hiền Hẻm Nguyễn Công Phương Tổ 5, P.Nghĩa lộ

18

Chùa Phổ Minh Thôn 1 Xã Nghĩa Dõng

19

Chùa Phổ Quang Hẻm 391 Nguyễn Trãi Tổ 7, P.Quảng Phú

20

Chùa Phổ Tịnh Tổ 20, P.Chánh Lộ

21

Chùa Phước Điền Tổ 3, P.Nghĩa Chánh

22

Chùa Phước Lộc 166 Hai Bà Trưng Tổ 11, P.Lê Hồng Phong

23

Chùa Phú Thiện Tổ 2, P.Nghĩa Lộ

24

Chùa Thạch Phổ Tổ 25, P.Quảng phú

25

Chùa Thiên Bút 937 Quang Trung Tổ     , P.Nghĩa Chánh

26

Chùa Tịnh Nghiêm Hẻm 10 Nguyễn Thuỵ Tổ     , P.Trần Phú

27

Chùa Trung An Tổ 24, P.Trần Phú

28

Chùa Từ Quang 36 Lê Văn Sỹ Tổ     , P.Nghĩa Lộ

29

Chùa Từ Quang 960B Quang Trung Tổ 17, P.Chánh Lộ

30

Chùa Viên Quang Tổ 22, P.Quảng Phú

31

Chùa Yên Phú 10 Trần Quang Diệu Tổ 17, P.Nghĩa Lộ

 

 

 

 

 

 

CHÙA PHÁP HOÁ

Chùa Pháp Hoá nguyên là chùa “ Phật giáo Quảng Ngãi”- trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi, toạ vị ở giao điểm cuối đường Trần Hưng Đạo và Đại lộ Hùng Vương, nhân dân quen gọi khu vực nầy bằng một địa danh rất đổi đạo màu: “ Ngã ba Bồ Đề”.

Phật giáo Quảng Ngãi từ năm 1938 trở về trước, có danh xưng là Chư Sơn Quảng Ngãi, có khi gọi là Chư Sơn lục phủ huyện- vì thời kỳ ấy các huyện miền núi và hải đảo Lý Sơn chỉ ở cấp đồn, chưa thành đơn vị hành chánh cấp huyện. Chùa Thiên Ấn là trung tâm hoằg pháp và cũng là cơ sở hành đạo. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, năm 1932 Hội An Nam Phật Học Trung kỳ được thành lập và đến năm 1938 An Nam Phật Học Hội Quảng Ngãi cũng đã hình thành với những vị tiêu biểu như sau:

–   Hội trưởng: Bác sĩ Hoàng Mộng Lương.

–   Hội phó     : Thị Độc Đại Học Sĩ ( nghỉ hưu) Lâm Tô Bích.

–   Thư ký       : Giáo sư Phan Tiên.

–   Chứng minh Đạo sư: Tăng Cang Hoà thượng Trần Diệu Quang.

Trụ sở Hội đặt tại chùa Hội Phước xã Nghĩa Chánh.

Sau thời gian họat động, năm 1942 Tỉnh Hội An Nam Phật học Quảng Ngãi đã tổ chức thành lập Ban Trị sự tỉnh hội, gồm các thành viên sau đây (1):

–   Chánh Hội trưởng: Bác sĩ Hoàng Mộng Lương.

–   Phó Hội trưởng    : Trương Quang Luyện –  Thầu khoán.

–   Cố vấn                  : Louis Liverset – Chánh Liêm phỏng.

–   Chứng minh Đạo sư: Tăng Cang chùa Thình Thình Trần Diệu Quang.

–   Chánh thư ký        : Tạ Linh Nha – Phó Đốc ngân hàng.

–   Phó thư ký            : Trần Bình – Thừa phái ty phiên.

–   Chánh thủ quỷ      : Nguyễn Thiếu Phương – Kế toán ngân hàng.

–    Phó thủ quỷ          : Lê Đình Bắc – Phán sự lục bộ.

–    Kiểm soát tài chánh: Nguyễn Cư – Phán sự Toà sứ.

–    Cố vấn:  + Đoàn Tự – Tham tá toà sứ.

+ Châu Văn Phi – Kinh lược sứ.

+ Lê Hoàng Hà – Tạm phái.

+  Tôn Thất Kiều – Ban tá thành phố.

–    Kiểm sát:  + Mai Văn Chế – Hương Lộ tri sự.

+ Tạ Hoàng – Thông sự điễn báo.

+ Hoàng Cát – Phán sự căn cước.

–    Trụ trì Hội quán: Từ Phước Hải – Thầy Tăng già.

–    Trưởng Ban hộ niệm: Lê Quang Quyễn – Thương gia.

–    Ban khảo cứu:  +  Huỳnh Quang Ngô – Thông sự địa chính.

+  Nguyễn Ngọc Thương – Thừa phái ty phiên.

+  Phan Đình Thi – Thừa phái ty niết.

–   Ban tuyên truyền: + Đặng Thế Trình – Tây Y sĩ.

+ Hoàng Khắc Chênh – Phán sự thiên văn.

+ Lê Hồ Chương – Thông sự thú y.

Trụ sở của Tỉnh hội vẫn đặt tại chùa Hội Phước và đã có sự hậu thuẩn của các bậc tôn túc ở các Tổ đình cùng sự cộng tác của Chư Tăng Ni trong tỉnh. Từ lúc hình thành, Hội đã nhanh chóng tổ chức các chi hội ( cấp phủ huyện), khuôn hội ( cấp xã). Chú trọng vào việc đào tạo tăng chúng, chỉnh lý tăng giới; Hội đã tổ chức giảng diễn Phật pháp tại các chùa, mở Tăng Học đường và phối hợp với các chi hội, khuôn hội trong tỉnh tổ chức nâng cấp, tu bổ hoặc tái thiết những ngôi chùa đã bị xuống cấp theo thời gian…

Hội An Nam Phật Học tỉnh Quảng Ngãi hoạt động đến năm 1945 thì tạm ngưng và sau đó, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi được hình thành để cùng toàn dân trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1947, tổ chức Tăng già Trung Việt được thành lập và tháng 6 năm 1948, Hội An Nam Phật Học Trung kỳ được tái lập với danh xưng Hội Việt Nam Phật Học, cả hai hội nầy đặt trụ sở tại Huế. Đến năm 1951, các Hội của 3 miền: Nam, Trung, Bắc đã tổ chức họp Hội Đồng tại Huế và thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất lấy tên là: Tổng Hội Phật Giáo Niệt Nam. Tuyên ngôn của Tổng Hội được công bố trong ngày Đại Lễ Phật Đản năm 1951. Bài Đạo ca “ Phật giáo Việt Nam” của nhạc sĩ Lê Cao Phan trong Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử đã nói lên niềm vui mừng ấy (2). Đến ngày 30 tháng 8 năm 1954, hội nghị Tăng già Trung Việt được tổ chức tại Huế và sau đó thì Giáo hội Tăng già Quảng Ngãi được thành lập. Hội trưởng là Thượng toạ Thích Huyền Tấn. Đồng thời, Hội Việt Nam Phật Học Quảng Ngãi cũng được tái lập, các cư sĩ: Tạ Dung, Võ Văn Trang, Nguyễn Thế Chung lần lượt giữ chức Hội trưởng, và chức Hội phó là các cư sĩ: Phan Thắng, Bùi Toàn, Văn Quang Lâm.Trụ sở của hai Hội vẫn đặt tại chùa Hội Phước.

Năm 1955, Giáo Hội Tăng già và Hội Việt Nam Phật Học tỉnh Quảng Ngãi chủ trương vận động xây dựng một ngôi chùa làm trụ sở hành đạo của Phât giáo tỉnh Quảng Ngaĩ. Các cư sĩ trong hội Việt Nam Phật Học Quảng Ngãi và ông bà Mai Ngọc Dược đã tích cực vận động kinh phí; được sự hậu thuẫn và cộng tác của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên ngôi chùa đã nhanh chóng khai móng vào năm 1956. Song hành với công trình xây dựng chùa, Giáo Hội Tăng già và Hội Việt Nam Phật Học Quảng Ngãi tổ chức tạo khuôn, đúc tượng Phật, quả hồng chung tại sân chùa dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thích Đôn Hậu và Thượng toạ Thích Mật Nguyện. Sau một năm, vào mùa Phật Đản 1957 lễ lạc thành được tổ chức với tên là: “ CHÙA PHẬT GIÁO QUẢNG NGÃI”.Từ đây, ngôi chùa nầy là trụ sở của tổ chức, hoạch định, điều hành công tác Phật sự của Phật giáo Quảng Ngãi.

Từ khi được hình thành và có trụ sở chính thức là chùa Tỉnh hôị đến nay (2010), được các bậc tôn túc lần lược giữ chức vụ lãnh đạo như sau:

  • Từ năm 1955 đến 1963: Hội trưởng là Thượng toạ Thích Huyền Tấn.
  • Từ năm 1964 đến 1970:Chánh Đai diện GHPGVNTN Quảng Ngãi- Thượng toạ Thích Huyền Tấn.
  • Từ năm 1971 đến 1973Chánh đại diện GHPGVNTN Quảng Ngãi- Thượng toạ Thích Huyền Giác.
  • Từ năm 1973 đến 1975: Chánh đại diện GHPGVNTN Quảng Ngãi- Thượng toạ Thích Huyền Đạt.
  • Từ tháng 6 năm 1975 đến 1977:

+ Chánh đại diện – Thượng toạ Thích Khánh Tín

+ Phó đại diện- Đại đức Thích Nguyên Minh.

  • Từ năm 1977 đến 1989: Phó Ban Đại diện Phật giáo Nghĩa Bình, phụ trách Quảng Ngãi là Thượng toạ Thích Trí Chánh. Hoà thượng Thích Giải An phụ trách Tăng sự tỉnh Nghĩa Bình.
  • Từ năm 1990 đến 1995: Trưởng Ban Trị sự lâm thời Phật giáo Quảng Ngãi là Hoà thượng Thích Giải An; Phó Ban có quý Thượng toạ: Thích Hạnh Lạc, Thích Trí Chánh, Thích Trí Diệu,; Chánh thư ký là Thượng toạ Thích Trí Thắng.
  • Nhiệm kỳ I từ 1995 đến 2000: Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I được diễn ra, và đã công cử thành phần nhân sự Ban Trị sự gồm 27 thành viên do Hoà thượng Thích Giải An làm Trưởng Ban Trị sự. Ngày 04 tháng 12 năm 1997, Thượng toạ Thích Trí Chánh viên tịch, Thượng toạ Thích Trí Thắng được Ban Trị sự đề cử đảm nhiệm chức danh Phó Ban Tri sự kiêm Chánh thư ký.
  • Nhiệm kỳ II từ năm 2000 đến 2005:

+ Trưởng Ban Trị sự: Hoà thượng Thích Giải An.

+ Phó Ban Thường trực: Thượng toạ Thích Hạnh Lạc.

+ Phó Ban  nghi lễ: Hoà thượng Thích An Điền.

+ Phó Ban HDNN Cư sĩ Phật tử: Hoà thượng Thích Trí Diệu.

+ Phó Ban kiêm thư ký: Thượng toạ Thích Trí Thắng.

Ngày 20 tháng Giêng năm Quý Mùi- 2003, Hoà thượng Thích Giải An viên tịch; qua đề nghị của Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Hội Đồng Trị sự chấp thuận Thượng toạ Thích Hạnh Lạc quyền Trưởng Ban Trị sự.

  • Nhiệm kỳ III từ năm 2005 đến 2010:

+ Trưởng Ban Trị sự: Thượng toạ Thích Hạnh Lạc kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp.

+ Phó Trưởng Ban Thường trực: Thượng toạ Thích Trí Thắng kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni.

+ Phó Ban Nghi lễ: Hoà thượng Thích An Điền.

+ Chánh thư ký: Đại đức Thích Long Trụ.

+ Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng: Cư sĩ Nhuận Chân- Nguyễn Duy Huyễn.

+ Phó thư ký kiêm Phó văn phòng: Cư sĩ Tâm Tài- Trần Thanh Thiện.

+ Thủ quỷ: Ni sư Thích Nữ Hạnh Toàn.

+ Trưởng Ban Tăng sự: Thượng toạ Thích Huệ Đạt.

+ Trưởng Ban HDNN Cư sĩ Phật tử: Thượng toạ Thích Trừng Nghị.

+ Trưởng Ban TTXH: Ni sư Thích Nữ Diệu Nhơn.

+ Uỷ viên kiểm soát: Thượng toạ Thích An Huy.

+Trưởng Ban Văn hoá: Cư sĩ Tâm Giới- Phan Ngọc Thảo.

+ Trưởng Ban tài chánh: Cư sĩ Như Huỳnh- Chế Lư.

Các thành viên : Thượng toạ Thích Hạnh Trình, Thượng toạ Thích Hạnh Pháp, Ni sư Thích Nữ Phát Liên, cư sĩ Tâm Kim- Lại Thị Quý, cư sĩ Diệu Hảo- Nguyễn Thuyết, cư sĩ Tâm Tựu- Nguyễn Lai, cư sĩ Đồng Phước- Lê Của, cư sĩ Đồng Trí- Phan Ngọc Dũng….

Từ ngày thành lập, Phật giáo Quảng Ngãi đã thực hiện được những công tác Phật sự tiêu biểu như sau:

  • Năm 1955, vào dịp Lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo ( ngày 08/12 năm Ất Mùi), thành lập Gia đình Phật tử tỉnh Quảng Ngãi.
  • Năm 1956: xây dựng chùa Tỉnh hội.
  • Năm 1959:

+ Tổ chức, thành lậpTrường Trung Học Bồ Đề và khai giảng năm học đầu tiên 1959-1960.

+ Tổ chức Đại trùng tu Tổ Đình Thiên Ấn.

  • Năm 1961: Tổ chức và khai mở Tăng học đường Quảng Ngãi tại chùa Trúc Lâm huyện Sơn Tịnh.
  • Ngày 31 tháng 10 năm 1967 tại cổng tam quan chùa Tỉnh hội, Đại đức Thích Hạnh Đức tự thiêu để phản đối Sắc luật 23/67.
  • Năm 1970- Canh Tuất: khai mở giới đàn tại chùa Tỉnh hội .
  • Năm 1973 ( mùa Xuân): Tăng tín đồ tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ tại sân chùa Tỉnh hội để cầu  nguyện cho hoà bình tại Việt Nam.
  • Năm 2004- 2006:

+ Chủ trương đại trùng tu chùa Tỉnh hội đã xuống cấp và thể theo tinh thần nhiều phiên họp của Ban Trị sự, chùa Tỉnh hội được chuyển danh thành:  “CHÙA PHÁP HOÁ”.

+ Tổ chức thành lập trường Trung Cấp Phật Học và khai giảng năm học đầu  tiên ( năm học 2006- 2007) của khoá I.

  • Năm 2010:

+ Khai mở đại giới đàn “ PHÁPHOÁ” tại chùa Pháp Hoá từ ngày 03 đến 05/01/2010

+ Ngày 21/9/2010: Tổ chức Lễ bế giảng, trao bằng tốt nghiệp khoá I và khai giảng năm học 2010- 2011 của khoá II của trường Trung Cấp Phật Học Quảng Ngãi tại hội trường chùa Pháp Hoá.

Từ ngày xây dựng chùa Tỉnh hội đến nay ( 2010), chùa đã trải qua các đời trụ trì như sau:

  • Từ 1957 đến 1964: Thượng toạ Thích Giải An.
  • Từ 1964 đến 1970: Thượng toạ Thích Huyền đạt.
  • Từ 1970 đến 1997: Thượng toạ Thích Trí Chánh.
  • Từ 1997 đến 2002: Thượng toạ Thích Trí Diệu ( xử lý trụ trì).
  • Từ 2002 đến hiện nay: Thượng toạ Thích Hạnh Lạc.

Hơn nữa thế kỷ qua, dù gặp những giai đoạn khó khăn, chùa Tỉnh hội vẫn đóng vai trò trung tâm hoằng truyền chánh pháp và cũng là nơi tổ chức, hoạch định, thực hiện công tác Phật sự của Phật giáo Quảng Ngãi nhằm góp phần vào  con đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.

Chú thích:

1)    Nguyệt san Viên Âm- Năm thứ 5, số 51 tháng 8 năm 1942, trang 46.

2)    Nguyễn Lang- Việt Nam Phật giáo Sử luận, quyển 3,NXB Lá bối- Tái bản lần 2-Jane Jose-CA-USA-1993, trang 256.

 

 

CHÙA BẢO LINH

Chùa Bảo Linh tọa lạc tại Tổ 8, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi, cách đường Quang Trung khoảng 200m về phía Tây.

Chùa quay mặt về hướng Nam, nằm trên một khu đất rộng 3 sào cạnh hương lộ, do cụ Phan Tiên ở Chánh Lộ hiến cúng và được thành lập ngày 19.02.1964 do Hòa thượng Thích Huyền Tế khai sơn.

Chùa trải qua 3 lần trùng tu vào các năm 1990, 1995 và 2000 đều do Thầy trụ trì đương nhiệm chủ trương.

Các đời trụ trì từ trước đến nay gồm có:

–   Hòa thượng Thích Huyền Tế, sinh năm Ất Tỵ 1905, nguyên trụ trì chùa Bảo Lâm (Tịnh Khê, Sơn Tịnh) về lập chùa Bảo Linh, trụ trì tại chùa, viên tịch năm Đinh Mão 1987, mộ tháp ở vườn tháp Tổ đình Thiên Ấn.

–   Thượng tọa Thích Hạnh Trình thế danh Huỳnh Hộ, sinh năm Nhâm Ngọ 1942, quê xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh), xuất gia năm 1958 tại chùa Bảo Lâm bổn sư là Hòa thượng Thích Huyền Tế. Sau khi bổn sư viên tịch, Thượng tọa kế tục trụ trì chùa Bảo Linh đến nay. Thượng tọa vừa kiêm nhiệm trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn từ năm 1994. Đại giới đàn Pháp Hoá (tại chùa Pháp Hoá – Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi năm 2010) Thượng toạ được mời làm Đệ thất tôn chứng.

CHÙA BỬU THẮNG

Chùa Bửu Thắng tọa lạc tại tổ 3, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi. Chùa nằm ở phía đông hương lộ liên xã Nghĩa Lộ – Nghĩa Trung, do Hòa thượng Thích Huyền Tế (nguyên trụ trì chùa Bảo Lâm, Tịnh Khê, Sơn Tịnh; trụ trì chùa Bảo Linh, phường Lê Hồng Phong) lập năm 1974.

Sau khi thành lập chùa, Hòa thượng Huyền Tế trao cho đệ tử là Tỳ kheo Thích Hạnh Lượng trụ trì, còn Hòa thượng về chùa Bảo Linh, viên tịch năm Đinh Mão 1987, mộ tháp tại Thiên Ấn. Tỳ kheo Thích Hạnh Lượng thế danh Trần Quang Ấn, sinh năm Đinh Hợi 1947, xuất gia từ năm 1968, đệ tử của cố Hòa thượng Thích Huyền Tế, thọ Tỳ kheo năm 1986, trụ trì chùa cho đến nay.

Chùa được trùng tu vào năm 1996, đến năm 2009 tu bổ, lợp lại ngói và trang trí thêm chánh điện do Thầy trụ trì đương nhiệm chủ trương.

Chùa Bửu Thắng nằm giữa khu dân cư, chung với tư gia nhưng cách xây dựng nghiêm túc, thiết trí tôn nghiêm, mang dáng vẻ ngôi chùa có phong cách riêng.

CHÙA BỬU TIÊN

Chùa Bửu Tiên tọa lạc tại thôn 3, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi, cách tỉnh lộ Quảng Ngãi – Thu Xà 200m về phía bắc.

Chùa Bửu Tiên xuất xứ từ lâu, không biết rõ chính xác niên đại. Được biết chùa xây dựng cùng thời gian với Đình làng Ba La. Tương truyền có bè gỗ trôi theo nước lụt trên sông Trà Khúc, có khắc chữ để dành làm Đình. Dân làng vớt gỗ làm Đình, còn thừa thì làm chùa. Theo ước đoán của các vị niên lão địa phương có thể cách đây hơn 200 năm.

Tổ khai sơn được biết có thế danh Trương Đình Tố, không rõ pháp danh, năm sinh và năm viên tịch, chỉ còn một linh vị cổ khắc trên gỗ “Phụng vì Tiền hiền sơn Bửu Tiên tự hội vương tệ vệ đức bá Trương Vương thiểm viết Thành chi vị”.

Một vị sư tổ khác trụ trì sau tiền hiền theo linh vị thì sinh ngày 29 tháng 6 năm Giáp Dần (1854), viên tịch ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1942) thọ 81 tuổi. Linh vị khắc trên gỗ thờ tại chùa: “Tự tổ Nam Tông đường thượng húy Đạo Bảo thượng Quang hạ Lâm Hòa thượng giác linh nghê tọa”.

Các đời kế tục được biết:

–   Thầy Mười, tục danh Bùi Mún ; Thầy Huế, thế danh Bùi Ngự.

–   Đại đức Thích An Cẩm trụ trì 2 năm, sau về lập chùa Phổ Minh năm Mậu Tuất 1958.

–   Đại đức Thích Hạnh Trí, thế danh Bùi Văn Hải, sinh năm Canh Tý 1900, trụ trì từ năm 1955, sau vì già yếu, thầy về nhà, giao chùa cho ông Khuôn hội trưởng Trương Châu, viên tịch năm 1980, mộ táng tại đất chùa.

–   Ông Trương Châu quản lý chùa 2 năm thì Ni cô Tâm Ngộ thay thế thủ tự. Ni cô Tâm Ngộ, thế danh Bùi Thị Ly sinh năm Đinh Mão 1927, quê ở xã Nghĩa Chánh, xuất gia năm 1965.

Trước 1959 chùa được xây gạch, do Đại đức Thích Hạnh Trí cùng với các đạo hữu Như Liễu Trương Quang Cừ, Bùi Vạn Thảo, Lê Anh vận động quyên tiền trùng tu lại chùa. Chùa được sửa sang thêm vào các năm 1967, 2000, 2003 và 2005.

Hiện nay, đạo hữu đã cử Ban Hộ tự gồm 7 người: Trương Văn Vân – Trưởng ban, Bùi Thanh Vân – Phó ban, Bùi Hữu Nghĩa – Thư ký và 4 thành viên đang chờ BTS GHPG Quảng Ngãi phê duyệt.

CHÙA HOA NGHIÊM

Chùa Hoa Nghiêm tọa lạc tại phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, ở phía Đông Nam đường Nguyễn Công Phương.

Chùa được khai sơn vào ngày 23.12 năm Kỷ Tỵ (19/1/1990) trên diện tích 2627m2 đất do Thượng tọa Thích Trí Thắng tạo mãi và chủ trương xây dựng.

Thượng tọa Thích Trí Thắng, thế danh Lê Quang Phương, sinh năm Đinh Hợi 1947 tại thôn Khê Ba, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, xuất gia năm 1964, đệ tử của cố Hòa thượng Thích Giải Hậu (chùa Hội Phước), thọ Sa di năm 1970 tại giới đàn Vĩnh Gia (Đà Nẵng), thọ Tỳ kheo Bồ Tát năm 1975 tại Tổ đình Ấn Quang (TP Hồ Chí Minh), y chỉ sư cố Hòa thượng Thích Huyền Tế chùa Bảo Linh sau khi Hòa thượng Giải Hậu viên tịch.

Thượng tọa Thích Trí Thắng đã trụ trì chùa Hội Phước từ năm 1977, đến năm 1990 về sáng lập và trụ trì chùa Hoa Nghiêm cho đến nay. Chùa Hoa Nghiêm ban đầu xây dựng có tính cách tạm thời.

Đầu năm Mậu Tý 2008, Thượng tọa trụ trì phát tâm nguyện đại trùng tu xây dựng lại chùa mới quay mặt về hướng Tây Bắc ở vị trí phía nam vườn chùa.

Chùa được khởi công trùng tu vào ngày 11 tháng 7 năm Mậu Tý 2008. Sau hơn 2 năm xây dựng, đến nay công trình đã hoàn thành, Lễ lạc thành ngày    /12/2010. Chùa được kiến trúc theo dạng chữ Khẩu (*), theo truyền thống Á Đông gồm có Tiền đường, nhà Hậu, nhà Đông, nhà Tây.

Pháp khí lớn tại chùa đã có:

–   Quả đại hồng chung nặng gần 800kg có ghi niên đại 15/3 Mậu Tý (20/4/2008) PL 2551.

–   Bộ tượng Phật Tam thế bằng đồng.

–   Các tượng Tiêu Diện, Hộ Pháp, Tổ Đạt Ma, Kim Cang Bồ Tát, đều bằng gỗ, chế tác ở Hà Tây.

Nhìn tổng thể, chùa Hoa Nghiêm hiện nay được thiết kế quy mô, sắp xếp hài hòa. Chánh điện vươn cao giữa không gian tĩnh lặng, dưới mái nổi bật.

Phía trước chùa, sát đường Nguyễn Công Phương còn có các hộ tư nhân, nếu được giải tỏa thì minh đường thật quang minh sáng sủa, vị trí cổng ngõ mới thích hợp hơn.

CHÙA HỘI PHƯỚC

Chùa Hội Phước tọa lạc tại tổ 8, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, nằm cách đường Quang Trung về phía Đông khoảng 100m.

Chùa nằm trên một diện tích đất 3510m2 thuộc làng Chánh Lộ (cũ). Năm 1938, Chi hội An Nam Phật học Quảng Ngãi được thành lập do Bác sĩ Hoàng Mộng Lương làm Chi Hội trưởng; Thị độc Đại học sĩ Lâm Tố Bích (đã nghỉ hưu) làm Chi Hội phó và Giáo sư Phan Tiên làm Thư ký, đã chủ trương mua khoảnh đất ấy để xây dựng lấy tên là chùa Hội Phật học Quảng Ngãi. Sau đó, Chi hội cử người đến Tổ đình Thiên Ấn thỉnh ngài Diệu Quang Đệ Lục tổ về làm Chứng minh Đạo sư. Sau khi Hòa thượng Diệu Quang về khai sơn chùa Viên Giác ở núi Thình Thình, Chi Hội mời thầy Thích Trí Hưng về làm Chứng minh. Thời gian sau, Chi Hội lại mời các thầy Từ Phước Hải, Từ Phước Hoa, thầy Huyền Trí, mỗi thầy đến trụ trì một thời gian ngắn. Tiếp theo, trải qua 9 năm kháng chiến I, chùa lại không có Tăng sĩ trụ trì, việc hương khói do một thủ tự trông coi.

Sau hiệp định Gienèreve 1954, hòa bình được lập lại, tín đồ mời thầy Thích Giải An về trụ trì một thời gian. Đến năm 1958, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi xây dựng ngôi chùa lấy tên là “Chùa Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Ngãi” và thỉnh Hòa thượng Thích Giải An về trụ trì tại đó.

Tháng 11 năm 1957, Hòa thượng Thích Giải Hậu được đề cử trụ trì chùa Hội Phước, Hòa thượng thế danh Đỗ Minh Đường, sinh năm Mậu Ngọ 1918 tại làng Sung Tích, xã Tịnh Long, Sơn Tịnh, xuất gia năm 1935 tại Tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn, đệ tử của cố Hòa thượng Diệu Quang – Đệ Lục tổ.

–   Ngài trụ trì chùa Quang Lộc 1949 và Ngày 28/11/1957 trụ trì chùa Hội Phước, trụ sở Giáo hội Tăng già Quảng Ngãi.

–   Ngài khởi xướng thành lập GĐPT Quảng Ngãi năm 1955, làm Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Quảng Ngãi từ 1962 – 1964. Năm 1963, BHD Gia Đình Phật tử tặng Thầy 4 chữ “MẪN SỰ THẬN NGÔN”.

–   Ngài viên tịch ngày 13 tháng 3 năm Kỷ Dậu 1969 tại chùa Hội Phước, mộ tháp tại phía Tây Nam vườn chùa, chánh kỵ 19 tháng 3 âm lịch. Bia ký tại mộ tháp: “Từ Lâm tế Chánh tông tứ thập nhứt thế, Hội Phước đường thượng, húy Như Thông, thượng Giải hạ Hậu, hiệu Huyền Ấn A-xà-lê giác linh”.

Nhờ sự trợ duyên của đạo hữu thập phương, sự tận tụy của đồ chúng qua các năm 1961, 1963, công việc đại trùng tu được lạc thành trọng thể vào đầu xuân 1963 Quý Mão. Chùa được đổi tên chính thức là chùa Hội Phước, trụ sở Giáo hội Tăng già Quảng Ngãi.

Sau khi Hòa thượng viên tịch năm 1969, Hòa thượng Thích Trí Giác, đệ tử của cố Hòa thượng, đang trụ trì tại chùa Giác Hoàng huyện Đơn Dương, Đà Lạt chuyển về trụ trì chùa Hội Phước.

Đến năm 1977, thầy Trí Giác giao lại chùa cho Tỉnh giáo hội Quảng Ngãi, và ngày 12/6/1977, Thượng tọa Thích Trí Thắng được đề cử trụ trì. Trong các năm 1979, 1981 và 1985, thầy Trí Thắng nhiều lần trùng tu nâng cấp ngôi chùa tạo nên vẻ mỹ quan. Tháng 12/1990, Thầy giao lại chùa cho Thượng tọa Thích Trí Lương quản lý, về khai sơn và trụ trì chùa Hoa Nghiêm ở Nghĩa Lộ.

Thượng tọa Thích Trí Lương thế danh Lương Xuân, sinh năm Quý Mùi 1943, quê quán xã Hành Đức (Nghĩa Hành), quy y năm 1965, đệ tử của cố Hòa thượng Giải Hậu, thọ Sa di tại giới đàn Nha Trang năm 1968, thọ Tỳ kheo năm 1973 tại Nha Trang.

Phòng khách phía đông chùa có tôn trí chân dung toàn thân của cố Hòa thượng Giải Hậu, hai bên có câu đối:

Huyền đạo chân truyền hà lao bản hát;

Ấn tâm chánh thống khởi ngại thật quyền

Chùa Hội Phước thuộc loại chùa lớn, xây dựng cách đây hơn 70 năm, được trùng tu nhiều lần có vẻ mỹ quan. Nhưng chùa nằm giữa khu dân cư thuộc vùng đất trũng; vào mùa mưa lụt, nước thường xuyên đọng lại quanh chùa, không có lối thoát. Trước chùa lại có hương lộ chạy ngang, buổi sáng dân họp chợ. Quang cảnh minh đường chưa được yên tĩnh, khoáng đãng.

 

CHÙA HUỆ ÂN

Chùa Huệ Ân nguyên là Tịnh thất, tọa lạc tại tổ 19, phường Chánh Lộ, gần chợ Gò Quán, Tp Quảng Ngãi.

Cơ sở chùa Huệ Ân nguyên là tư gia lập tịnh thất của Sư cô Thích Thiện Phước từ năm 1970. Diện tích vườn chùa 1144m2, diện tích xây dựng gồm chánh điện, nhà ở, mộ tháp 250m2. Sư cô Thích Thiện Phước thế, danh Vi Thị Đờn, pháp hiệu Thiện Phước là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thanh Phước (sáng lập và trụ trì chùa Phổ Thiện, xã Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa). Sư cô lập tịnh thất để tu niệm, khi già yếu Sư cô chuyển nhượng vườn và cơ sở cho Ni sư Thích Nữ Hạnh Ngọc trụ trì từ năm 1993 đến nay. Còn Sư cô Thiện Phước vẫn ở lại tu tại tịnh thất, qua đời năm 2003, mộ táng tại vườn chùa.

Ni sư Thích nữ Hạnh Ngọc thế danh Trần Thị Thanh, sinh năm Giáp Thân 1944, quê tại Hội An (Quảng Nam) xuất gia năm 1960 tại chùa Bảo Thắng (Hội An, Quảng Nam) đệ tử của Sư bà Thích Nữ Như Hường, năm 1963 thọ Sa di ni giới, 1968 thọ Thức xoa ma na, 1970 thọ Tỳ kheo ni tại chùa Từ Nghiêm (TP Hồ Chí Minh). Từ năm 1982 đến 1993 trụ trì chùa La Châu (xã Nghĩa Trung, Tư Nghĩa). Từ năm 1993, Ni sư về nhận chuyển nhượng và trụ trì tại tịnh thất Huệ Ân. Đến năm 2006, được sự chấp thuận của BTS PG Quảng Ngãi, tịnh thất được cải thành chùa Huệ Ân.

Hiện nay tại vườn phía sau chùa có mộ tháp của cố Thượng tọa Thích Thiện Thắng, thế danh Nguyễn Trà (tịch vì chiến tranh) là trưởng tử của Ni sư Thiện Phước và ngôi mộ của Ni sư.

 

 

 

CHÙA HƯNG LONG

Chùa Hưng Long nằm tại thôn 1, xã Nghĩa Dõng, Tp Quảng Ngãi, nằm sâu trong xóm và đồng ruộng cách tỉnh lộ Quảng Ngãi – Thu Xà khoảng 3km về phía nam. Chùa còn có tên là chùa Làng Nam vì ở phía Nam.

Chùa được thành lập cách đây non 100 năm trong khoảng triều vua Khải Định (1916-1925). Ban đầu do các tiền hiền trong làng chung sức đóng góp tài vật để lập chùa, hiện còn bảng gỗ khắc tên quý danh sách.

Được biết, sư trụ trì đầu tiên là Thầy Giải Từ, pháp hiệu Thích Huyền Thiện, họ Nguyễn, đệ tử của Ngài Diệu Quang – Đệ lục tổ Thiên Ấn. Sau đó, có thầy Thích An Cẩm trụ trì vài năm. Trước và sau 1975 cho đến nay vẫn chưa có thầy trụ trì. Hiện nay chùa không có sư trụ trì và cũng không có Ban Hộ tự, việc chăm sóc và lo hương khói do một vài Phật tử tự nguyện, ban đêm không có người ở. Chùa chỉ có ngôi Chính điện hiện nay đã xuống cấp.

Năm 2005, Phật tử địa phương sửa lại đường vào chùa bằng xi măng, dựng cổng ngõ, bảng tên chùa và tháng 6.2009 thiết trí tượng Phật Quan Âm ở phía trước sân. Sân chùa rộng có cây bồ đề cổ thụ tỏa bóng mát, vườn chùa chỉ trồng cỏ tranh.

Phật tử ở địa phương có nguyện vọng xây dựng lại chùa mới nhưng chưa làm được.

CHÙA KIM LĂNG

Chùa Kim Lăng tọa lạc tại tổ 7, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi. Chùa nằm sâu trong hẻm gần chợ Nghĩa Lộ, cách đường Lê Lợi khoảng 150m.

Nguyên thủy trong vườn chùa ngày nay có một cái miếu nhỏ được lập từ năm 1947. Về sau, miếu này được cải thành chùa mà người sáng lập là một đạo hữu – cụ Võ Khuê. Chùa được lấy tên của miếu là Kim Lăng.

Sau khi thành lập, chùa chưa có thầy trụ trì, chỉ có các Ban đại diện thay phiên trông coi Phật sự.

Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu: lần I vào năm 1959 do cụ Võ Khuê chủ trương, lần II vào năm 1968 do cụ Võ Giai chủ trương. Tháng 6 năm 2001, chính quyền cho phép chùa trùng tu lần III.

Năm 1970, thầy Thích Trừng Nhơn đến tu tại chùa và đến năm 1974 được bổ nhiệm chính thức trụ trì chùa cho đến nay. Thượng tọa Thích Trừng Nhơn thế danh Trần Công Lễ, sinh năm Canh Thìn 1940, quê tại xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), xuất gia năm 1960, đệ tử của Hòa thượng Thích Hồng Ân (chùa Thiên Ấn), thọ Tỳ kheo tại giới đàn ở Nha Trang. Trước khi về chùa Kim Lăng, thầy đã từng có thời gian tu ở các chùa Nam Lộ, Trường Xuân, Bửu Hòa.

Cổng chính ở phía trước thiết kế theo kiểu tam quan không có mái che. Trên trụ cổng có các câu đối như sau:


Kim thành thiện đạo nhân quy hội

Tuấn tự từ môn nhật khả huy.

 

Pháp luân tùy địa đông tây chuyển

Phật đạo phùng nguyên tả hữu thông.


CHÙA LIÊN BỬU

Chùa Liên Bửu tọa lạc tại thôn 2, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, nằm sâu trong khu dân cư và đất nông nghiệp, cách tỉnh lộ Quảng Ngãi – Nghĩa Hà khoảng 1000m về phía Nam.

Chùa Liên Bửu được thành lập vào thời gian nào không rõ chính xác, theo lời các vị lão thành địa phương, có thể cách đây 140 năm. Khi mới thành lập chùa có tên là Thiên Quang tự, sau các lần trùng tu cải danh thành Long Vân tự và hiện nay là Liên Bửu tự.

Diện tích vườn chùa hiện nay là 3 sào 10 thước, phía trước vườn chùa cách con đường mòn có một cái ao sâu, trước thuộc sở hữu chùa được trồng sen, diện tích hơn 1 sào, nay ao đã cạn không còn sen.

Trải qua thời gian dài, qua nhiều biến cố chiến tranh, nên nhiều lúc chùa bị bỏ hoang phế, sinh hoạt gián đoạn. Các đời trụ trì và thủ tự có lẽ không liên tục và thời gian chính thức, được biết như sau:

–         Thầy Huyền Minh, trụ trì có công hoằng dương đạo pháp.

–         Thầy Huyền Tịnh, người Quảng Đà, trụ trì 6 năm

–         Thầy Thích Viên Thành trụ trì 2 năm

–         Từ năm 2004, Sư cô Thích Nữ Thông Tuệ được BTS/GHPG Quảng Ngãi bổ nhiệm trụ trì đến nay.

Sư cô Thích Nữ Thông Tuệ sinh ngày 05/02/1971, nguyên quán phường Nghĩa Lộ, xuất gia năm 1990 tại chùa Hoa Nghiêm, đệ tử Thượng tọa Thích Trí Thắng. Năm 1992, Sư cô có tu học tại chùa Sư nữ Bảo Quang (Đà Nẵng) và theo học lớp Trung cấp Phật học tại học viện Phổ Đà (Đà Nẵng). Năm 1997, học tại Học viện Phật giáo VN tại TP Huế, tốt nghiệp cử nhân Phật học năm 2001. Hiện nay, Sư cô tham gia giảng dạy tại Trung cấp Phật học Quảng Ngãi.

Theo lời truyền lại, trước 1945, hằng năm vào dịp rằm tháng 8 âm lịch có tổ chức tế lễ, nghinh thần sắc và mời các vị sư các nơi về tụng kinh. Có lẽ đây là phối hợp tế lễ đình làng và khai kinh cúng Phật. Đình-Chùa vừa thờ thành hoàng tiền hiền, vừa thờ Phật.

Trong các thời kỳ chiến tranh, sinh hoạt chùa nhiều lần bị gián đoạn, không có sư trụ trì. Mãi đến năm 2000, có cư sĩ Lương Văn Thành làm thủ tự.

Pháp khí có quả chuông cao 0.8m đúc năm Ất Tỵ 1965 do Hội viên Thôn hội Vạn Tượng Liên Bửu tự phụng tạo. Pháp khí cổ còn có tượng Thánh Quan Vũ bằng gỗ.

Chùa Liên Bửu xuất xứ là một ngôi chùa cổ, thành lập đã lâu năm. Sau các cuộc chiến tranh chùa có nhiều lần hư nát, hoang phế, hoạt động không liên tục. Hiện nay, sư cô trụ trì đương nhiệm đang ra sức tu bổ lại.

 

 

CHÙA LONG AN

Chùa Long An hiện tọa lạc tại Tổ 10, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi, nằm ở phía Tây trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Nguyên trước kia chùa được xây dựng năm 1961 do Thượng tọa Thích Long Xuân. Vị trí chùa ban đầu nay là trụ sở trạm vi ba Quảng Ngãi số 70, Quang Trung. Khi Bưu Điện tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch để thiết lập trạm vi ba, chùa được đền bù giải tỏa. Ban Hộ Tự mua đất và xây dựng lại chùa mới tại vị trí hiện nay vào ngày 03/02/1992. Hai trụ trước thềm chánh điện đắp nổi hai câu đối:    Long Thiên hộ giáo tăng phước thọ

An trú thiền môn huệ phát sinh

Thượng tọa Thích Long Xuân thế danh Nguyễn Nhơn sinh năm Giáp Dần 1914, quê ở phường Lê Hồng Phong, nguyên là đệ tử của Hòa thượng Thích Phước Hưng, chùa Long Tiên (Phường Trần Hưng Đạo). Năm Kỷ Tỵ 1989, Thượng tọa viên tịch, pháp thân an tang tại nghĩa trang Nghĩa Kỳ. Long vị: “Phụng vì từ Lâm tế chánh tông tứ thập thế, Long An đường thượng húy Chơn Quang, thượng Đạo hạ Trường hiệu Long Xuân giáo thọ giác linh”. (Năm 2007, Sư cô đương nhiệm Thích Đồng Đạo có xây lại mộ bia.)

Sư cô Thích Đồng Ngọc đệ tử của cố Hòa thượng kế tục trụ trì năm 1992. Kế thừa là Ni cô Thích Nữ Đồng Đạo thủ tự từ năm 2000 đến nay. Ni cô Thích Nữ Đồng Đạo, thế danh Trần Thị Đào, sinh năm Tân Mão 1951, quê xã Tịnh Long (Sơn Tịnh), xuất gia từ nhỏ tu tại chùa Long Sơn (Sơn Tịnh) đệ tử của thầy Thích Hạnh Đồng.

Ban hộ tự thực hiện các Phật sự theo thường lệ cùng khoảng 200 tín đồ sinh hoạt tại bổn tự. Trưởng ban hộ tự là cư sĩ Huỳnh Chút pháp danh Tâm Hậu.

 

CHÙA LONG HOA

Chùa Long Hoa tọa lạc tại số 280 đường Nguyễn Công Phương, thuộc tổ 16, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi. Chùa nằm trên đất của gia tộc Lê Bá, vườn chùa trước kia rộng, nay con cháu của gia tộc vì nhu cầu xây dựng nhà ở nên diện tích chùa chỉ còn 6x17m2.

Tổ khai sơn là Tăng cang Hòa thượng Thích Hoằng Chương, pháp danh Ấn Chí, thượng Tổ hạ Mật, thế danh Lê Bá Toại, sinh năm Mậu Ngọ 1858, đệ tử Ngài Giác Tánh – Đệ tứ tổ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn. Sau khi Đệ ngũ Tổ Thiên Ấn viên tịch năm Bính Thìn 1916, Hòa thượng Hoằng Chương từ chùa Long Tiên được thỉnh về trụ trì Thiên Ấn, được 2 năm Ngài trao quyền trụ trì cho Hòa thượng Hoằng Tịnh đảm nhiệm, còn Ngài trở về chùa Long Tiên. Sau đó, Ngài lại trao quyền trụ trì cho Hòa thượng Khánh Tân và về Yên Phú nơi có ngôi nhà thờ gia tộc Lê Bá, khai sơn chùa Long Hoa vào năm Kỷ Tỵ 1929.

Năm Tân Hợi 1931, Ngài viên tịch, thọ thế 73 tuổi, mộ tháp tại Bàu Đưng, làng Chánh Lộ. Trưởng tử của Ngài – Hòa thượng Khánh Tân lúc ấy đang trụ trì chùa Long Tiên trao quyền cho Ngài Khánh Quảng, về tiếp nhận trụ trì chùa Long Hoa. Hòa thượng Khánh Tân viên tịch năm Canh Thìn 1940, thọ thế 52 tuổi. Mộ tháp tại Gò Đất (Chánh Lộ).

Kế tục trụ trì chùa Long Hoa là Hòa thượng Chánh Long, pháp danh Chơn Xá, tự Đạo Đảnh, hiệu Phước Long, thế danh Lê Lư, sinh năm Bính Ngọ 1906, là đệ tử của Hòa thượng Hoằng Tịnh. Năm 21 tuổi, Ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Quang Lộc, sau đó Ngài y chỉ sư Hòa thượng Phước Huy, được đổi pháp hiệu là Chánh Long. Ngài đã có công trùng tu chùa Long Tiên, Long Hoa và dựng các mộ tháp của liệt tổ gia tộc.

Năm 1971, Hòa thượng Phước Hưng chùa Long Tiên viên tịch Ngài được cung thỉnh thay thế trụ trì Long Tiên. Năm Kỷ Mùi 1979, Ngài được cung thỉnh làm Phó đại diện GHPG Quảng Ngãi. Lúc về già, Ngài ủy thác nhiệm vụ quản lý cho Trưởng tử là thầy Thích Long Quang. Giờ Dậu ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Sửu (04/06/2009), không đau ốm, Ngài an nhiên thị tịch, đại thọ 103 tuổi, 82 hạ lạp. Mộ tháp tại nghĩa trang gia tộc.

Kế tục trụ trì chùa Long Hoa là Đại đức Thích Long Quang, thế danh Lê Tấn Đào, sinh năm Giáp Mùi 1943, pháp danh Chơn Hoa, tự Đạo khai, hiệu Long Quang.

Từ khi được thành lập, chùa Long Hoa trải qua 3 lần trùng tu:

–   Lần thứ nhất năm 1959: lợp lại tole thay mái tranh.

–   Lần thứ nhì năm 1964: xây gạch lợp ngói.

–   Lần thứ ba năm 2005: đúc bê tông bền vững.

Tất cả đều do cố Hòa thượng Chánh Long chủ trương.

Sân trước hẹp, tôn trí tượng Quan Âm lộ thiên. Cổng tam quan đơn giản, có bảng đề tên chùa. Hoạt động Phật sự theo thường lệ.

 

CHÙA LONG TIÊN

Chùa Long Tiên tọa lạc tại tổ 7, phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi, cách đường Phạm Xuân Hòa 10m về phía bắc.

Diện tích vườn chùa 6m x 20m là đất sở hữu của gia tộc Lê Bá. Theo truyền lại, nguyên trước kia chùa là cái am trong làng. Vị khai sơn là Hòa thượng Thích Hoằng Chương, nguyên trụ trì Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, thành lập năm Kỷ Hợi 1899. Ban đầu bằng tranh tre. Hòa thượng Thích Hoằng Chương thế danh Lê Bá Toại, sinh năm Mậu Ngọ 1858 tại Bàn Đưng làng Chánh Lộ. Ngài quy y Hòa thượng Giác Tánh, đệ tứ tổ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, là pháp huynh với Ngài Hoằng Tịnh. Ngài cầu pháp nơi Ngài Quảng Chấn Hòa thượng, đứng vào hàng giáo phẩm Yết ma A xà lê. Khi Ngài Hoằng Phúc ở Thiên Ấn viên tịch năm Bính Thìn 1916, Ngài Hoằng Chương được thỉnh về trụ trì Tổ đình Thiên Ấn, sau 2 năm Ngài trao quyền trụ trì cho ngài Hoằng Tịnh trở về lại trụ trì chùa Long Tiên. Đến năm Kỷ Tỵ 1929 Ngài về khai sơn chùa Long Hoa (ở Nghĩa Lộ) và viên tịch năm Tân Mùi 1931 ngày mồng 10 tháng giêng, mộ tháp tại Bàu Đưng (Chánh Lộ).

Tiếp theo Hòa thượng Khánh Tân kế tục trụ trì và viên tịch năm Canh Thìn 1940. Tiếp nối là Hòa thượng Khánh Quảng. Vị trụ trì thứ ba là Hòa thượng Thích Phước Hưng. Hòa thượng thế danh Lê Cửu Tư sinh năm Canh Dần 1890, viên tịch năm Tân Hợi 1971. Trong thời gian trụ trì, Ngài có công trùng tu chùa vào năm 1964, xây lại chùa bằng gạch ngói, tôn trí tượng Quan Âm, làm cổng ngõ. Di ảnh và linh vị  thờ Ngài tại chùa Long Hoa như sau: “Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập thế đệ tam trụ trì Long Tiên, cố vấn Phật giáo cổ truyền, Trung nguyên trung phần, đường đầu truyền giới, húy Ấn Niêm, thượng Tổ hạ Quang, hiệu Phước Hưng, Thạc sĩ Hán Pháp Hòa thượng”.

Sau 1975, Hòa thượng Thích Trí Diệu từ chùa Bắc bộ đến trụ trì chùa Long Tiên. Hòa thượng thế danh Nguyễn Ngọc Châu, sinh năm Đinh Mão 1927, quê tại xã Đức Phong, Mộ Đức, đệ tử của cố Hòa thượng Thích Giải Hậu chùa Hội Phước, pháp danh Như Đào, hiệu Trí Diệu. Trong thời gian trụ trì chùa Long Tiên, Hòa thượng giữ chức vụ Chánh đại diện PG Thành phố Quảng Ngãi. Hòa thượng viên tịch ngày 10/10 năm Mậu Tý 2008, mộ táng tại quê xã Đức Phong, Mộ Đức, di ảnh và linh vị thờ tại chùa Hội Phước: “Phụng vì từ lâm tế Chánh tông tứ thập nhứt thế trụ trì Long Tiên, húy Như Đào, thượng Trí hạ Diệu Hòa thượng giác linh”.

Từ trước đến nay, chùa chỉ lo Phật sự thường lệ. Hiện nay, chùa chưa có trụ trì. Cư sĩ Lê Bá Mẫn (trưởng tử của Hòa thượng Phước Hưng) và tộc họ Lê Bá có đệ đơn xin tu sửa lại chùa và tự quản lý, nhưng chưa được chấp thuận.

CHÙA NAM LỘ

Chùa Nam Lộ toạ lạc tại số 276/02 đường Nguyễn Nghiêm, thuộc tổ 6, phường Nguyễn Nghiêm, Tp Quảng Ngãi. Trước đây chùa thuộc ấp Nam Lộ, xã Cẩm Thành nên có tên này.

Năm 1967, Ban đại diện Phật Giáo Nam Lộ đã hình thành và chủ trương mua đất của tư nhân 345m2 và lập chùa năm 1968, đến năm 1972 mua thêm đất 430m2 nữa để mở rộng vườn chùa. Chùa đã trải qua các lần trùng tu vào các năm 1972, 1986, có Đoàn quán của GĐPT Chơn Tâm. Hậu điện thờ Tổ, có 2 câu đối của Hòa thượng Huyền Quang viết năm 1990:

Ơn Tổ cao dày, mấy nghìn năm hoằng dương Phật pháp

Công thầy to lớn, bao thế kỷ dìu dắt chúng sinh

Tuy tọa lạc tại trung tâm thành phố, nằm sâu trong hẻm, cách chợ và đường phố không xa, chùa Nam Lộ vẫn có không gian tĩnh mịch trầm lặng.

Chùa đã trải qua các đời thủ tự và trụ trì như sau:

– 1970 – 1974: Trụ trì Đại đức Thích Trí Huệ

– 1974 – 1976: Thủ tự Chú Huỳnh

– 1976 – 1980: Trụ trì Đại đức Thích Trừng Bửu

– 1980 – 1984: Trụ trì Thượng tọa Thích Hạnh Bửu (nguyên trụ trì chùa Bắc Môn từ 1969 đến 1980, năm 1984 già yếu, về quê ở Nghĩa Hành)

– 1984 – 1989: Thủ tự Cư sĩ Trần Xá

– 1989 – 1991: Trụ trì Sư cô Thích Nữ Hạnh Định

– 1991 – 1992: Thủ tự Ban hộ tự

– Từ đầu đến cuối năm 1992: Thủ tự cô Thu

– Từ 4/9/1992 đến nay: Trụ trì Ni sư Thích Nữ Hạnh Thuận. Ni sư Thích Nữ Hạnh Thuận, pháp danh Tâm Hưng, thế danh Phạm Thị Mai, sinh năm Canh Ngọ 1930, quê ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), xuất gia từ nhỏ, thọ giới năm 1972, tu học ở Quảng Nam.

Tại chùa có GĐPT Chơn Tâm sinh hoạt từ trước 1975 và tái sinh hoạt vào năm 1996, Gia trưởng hiện nay là Huynh trưởng Diệu Lộc Nguyễn Thọ.

TỊNH XÁ NGỌC NGHĨA

Tịnh xá Ngọc Nghĩa tọa lạc tại số 25 đường Võ Thị Sáu, cách ngã ba Trần Hưng Đạo – Võ Thị Sáu khoảng 100m về phía nam, thuộc tổ 8, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi.

Tịnh xá thuộc hệ phái khất sĩ được thành lập ngày 27/6/1964 (Giáp Thìn) do Hòa thượng Thích Giác Tịnh khai sơn. Diện tích xây dựng 500m2 trong tổng số 1500m2 diện tích vườn. Tịnh xá được trùng tu năm 1989 do Hòa thượng Thích Giác Thinh chủ trương.

Hàng tháng vào các ngày 08, 19 tu Bát Quan Trai, ngày rằm cúng hội theo nghi thức hệ phái khất sĩ.

Các đời trụ trì tịnh xá thuộc hệ phái khất sĩ được Ban Trị Sự Giáo đoàn 2 đề cử thay phiên:

–   Hòa thượng Thích Giác Tịnh sáng lập và trụ trì tại đây một năm (1964-1965)

–   Kế thừa Ngài là Thượng tọa Thích Giác Cẩm trụ trì đến năm 1971.

–   Đại đức Thích Giác Thân trụ trì từ 1971 đến 1975.

–   Hòa thượng Thích Giác Thinh trụ trì từ năm 1975 đến năm 1997.

–   Đại đức Thích Giác Châu kế tục trụ trì từ năm 1997 đến nay.

Hòa thượng Thích Giác Thinh viên tịch năm Ất Dậu 2005, kỵ nhật 16 tháng 10 âm lịch, mộ tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Kế thừa là Đại đức Thích Giác Châu thế danh Võ Đình Tâm, sinh năm Giáp Thìn 1964 tại La Hà, xã Nghĩa Thương, Tư Nghĩa, xuất gia năm 1987, thọ Sa di năm 1990, thọ Tỳ kheo năm 1993, là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Giác Thinh.

Theo mẫu chung, tịnh xá của hệ phái Khất sĩ, chánh điện được xây dựng theo hình bát giác, tượng trưng cho Bát chánh đạo của Phật pháp.

Trên trụ cổng có các câu đối bằng chữ Việt:

Tùng trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh;

Cảnh vân minh nguyệt lộ toàn châu.

 

Khất sĩ y bát chơn truyền đạo;

Ta bà du hóa độ chơn sinh.

TỊNH XÁ NGỌC QUẢNG

Tịnh xá Ngọc Quảng toạ lạc tại số 364 đường Nguyễn Nghiêm, thuộc Tổ 10, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi.

Tịnh xá Ngọc Quảng được lập năm Kỷ Hợi 1959, do Ni trưởng Thích Nữ Đức Liên xây dựng trên diện tích đất vườn 986m2 do các đạo hữu họ Phạm, họ Trần cúng.

Các đời trụ trì tại Tịnh xá:

–   Từ năm 1962, Ni trưởng Thích Nữ Đức Liên, hệ phái Khất sĩ, được giáo hội Tăng già Khất sĩ đề cử. Ni trưởng đã về Nam bộ, viên tịch năm Quý Mùi 2003, mộ tháp tại miền Nam, kỵ nhật mồng 5 tháng 11 âm lịch.

–   Từ năm 1968, Ni sư Liên Viên trụ trì, sau chuyển về Đà Nẵng.

–   Từ 1973, Ni sư Phúc Liên, sau chuyển về Ban Mê Thuột.

–   Từ năm 1975, Ni trưởng Phát Liên cho đến nay.

Ni trưởng Phát Liên, thế danh Trần Thị Nhơn sinh năm Nhâm Thân 1932 tại Hội An (Quảng Nam) xuất gia tu học từ năm 1959 tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (TP Hồ Chí Minh), được đề cử về trụ trì Tịnh xá Ngọc Quảng cho đến nay. Ni sư hiện là Phó trưởng ban Từ thiện – xã hội thuộc Ban Trị Sự Phật Giáo Quảng Ngãi, Ủy viên MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi, Ủy viên MTTQ phường Nguyễn Nghiêm.

Từ khi thành lập, Tịnh xá được trùng tu nhiều lần vào những năm 1965, 1972, 1983 và 2002. Ngày 26/4/2009, Tịnh xá chủ trương làm mới lại tiền đường Chánh điện gồm 2 tầng. Tầng dưới hình chữ nhật nằm trên một nền cao khoảng 1m, chiếm diện tích khoảng 200m2, dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt cho GĐPT Ngọc Quảng. Tầng trên hình bát giác mỗi cạnh 4m, đúng theo mô hình truyền thống của hệ phái Khất sĩ. Việc trùng tu Tịnh Thất đã hoàn tất trong năm 2010.

Ni sư đương nhiệm chú trọng đến các công tác từ thiện, chủ trì đi cấp phát cứu trợ thiên tai trong và ngoài tỉnh. Cứu trợ đồng bào nghèo trong tỉnh nhân dịp Tết, Đại lễ Phật Đản, Vu Lan,… Lập phòng chẩn trị y học cổ truyền hoạt động từ ngày 20/3/2007, trung bình có 25 bệnh nhân/1 ngày.

Hai trụ cổng có 2 câu đối bằng chữ Việt:

Khất thực hóa duyên bình bát chứa chan lòng bác ái

Si hành độ chúng cá y nhuần đượm ý từ bi

CHÙA PHỔ HIỀN

Chùa Phổ Hiền tọa lạc tại tổ 5, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, cách đường Nguyễn Công Phương 20m về phía bắc.

Năm Ất Tỵ 1965, Phật tử địa phương tự nguyện đóng góp tài vật để xây dựng chùa Phổ Hiền. Diện tích xây dựng khoảng 700m2 trên tổng số diện tích đất 996m2.

Từ khi được thành lập, chùa không có sư trụ trì, chỉ do các Ban đại diện thay phiên quản lý, lo Phật sự. Sau năm 1975, chùa không có người ở.

Đến năm 1987, Ni sư Thích nữ Yến Liên thuộc hệ phái ni giới Khất sĩ được Thượng tọa Thích Trí Chánh nguyên là Chánh đại diện Phật giáo Thị Xã Quảng Ngãi đề cử về trụ trì tại chùa.

Ni sư Thích Nữ Yến Liên thế danh Bùi Thị Kim Quy, sinh năm Giáp Ngọ 1954, quê ở Nghĩa Lộ, xuất gia năm 1972, thọ giới Sa di ni năm 1986, Thức Xoa ni năm 1991, Tỳ kheo ni năm 1994, trụ trì tại chùa Phổ Hiền từ năm 1987 đến nay. Ni sư chủ trương trùng tu chùa vào các năm 1995, 1999, 2003 và 2006. Cổng tam quan thiết kế đơn giản, chắc chắn.

Ngoài các hoạt động thường kỳ, chùa còn có các hoạt động từ thiện. Hàng tháng có tổ chức tu Bát Quan Trai.

CHÙA PHỔ MINH

Chùa Phổ Minh tọa lạc tại Thôn 1, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi, nằm cách tỉnh lộ Quảng Ngãi-Thu Xà khoảng 150m về phía nam.

Chùa được lập năm Mậu Tuất 1958 do Hòa thượng Thích An Cẩm khai sơn. Hòa thượng Thích An Cẩm, sinh năm Kỷ Mùi 1919, nguyên là đệ tử Thầy Thích Trí Hưng chùa Từ Lâm. Thầy có tu ở chùa Hưng Long (thôn 1, xã Nghĩa Dõng) và trụ trì chùa Bưu Tiên một thời gian, năm 1958 Thầy về khai sơn chùa Phổ Minh, trụ trì tại đây, viên tịch ngày mồng 2 tháng chạp năm Giáp Thân 2005, pháp thân được đặt tại tháp mộ bên cạnh chùa. Linh vị thờ tại chùa: “Phụng vì từ Lâm tế Chánh tông tứ thập nhất thế, Phổ Minh đường thượng húy Như Cần thượng Giải hạ Sách hiệu An Cẩm hòa thượng giác linh bửu tòa”.

Tiếp nối trụ trì là thầy Thích Giải Hinh, sinh ngày 16/7/1941, là đệ tử của thầy Thích Quang Lý chùa Bửu Long (Nghĩa Hành).

Năm 2005, chùa được đại trùng tu xây mới lại tiền đường, chánh điện do Thầy trụ trì đương nhiệm Thích Giải Hinh chủ trương.

Phía trước thềm có 4 trụ cột hình vuông, khắc các câu đối:

Phổ nhuận Phật Đà nhân sinh chân hạnh phúc

Minh quang bảo cảnh hanh thông lạc thái hòa.

Tháp mộ cố Hòa thượng Thích An Cẩm ở phía nam chùa gồm 3 tầng cao 6.5m có 2 câu đối:    An tọa linh sàng thân an vị

Cẩm tự hoa khai vạn thọ hương.

CHÙA PHỔ QUANG

Chùa Phổ Quang tọa lạc tại Tổ 7, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, nằm sâu trong hẻm 391 đường Nguyễn Trãi, cách đường khoảng 100m về phía bắc. Chùa được thành lập năm 1968 do cư sĩ Trần Quyến lập. Năm 1991, chùa xây thêm nhà ở.

Ba mươi năm sau khi thành lập, chùa Phổ Quang không có sư trụ trì. Qua 5 nhiệm kỳ, các Ban Hộ tự thay phiên quản lý, tổ chức và điều hành các hoạt động của chùa. Đạo hữu Trần Quyến, người sáng lập cũng là vị được cử giữ nhiệm vụ Trưởng ban quản tự lâu nhất (1968-1990).

Đến năm 1998, Sư cô Thích nữ Thảo Liên, thuộc hệ phái Khất sĩ, được bổ nhiệm trụ trì chùa cho đến nay. Sư cô Thích nữ Thảo Liên thế danh Lê Thị Phương Thảo, sinh năm Mậu Thân 1968, quê ở Thị xã Hội An (Quảng Nam), xuất gia năm 1982 tại Đà Nẵng, thọ Sa di ni 1984, thọ Thức xoa ma na 1986, thọ Tỳ kheo ni năm 1990, theo học khóa III Đại học Phật giáo.

Năm 2007, chùa Phổ Quang đại trùng tu, xây mới lại chánh điện do Sư cô trụ trì đương nhiệm chủ trương. Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào các ngày 27, 28 tháng 3 năm 2008 (20,21/2/Mậu Tý) PL 2551.

Tầng trên là điện Phật, hai bên có các câu đối bằng chữ Hán, đọc âm là:

Phổ chiếu quần cơ cận duyệt viễn lai quy chánh đạo;

Quang huy giáo pháp bội trần hợp giác lễ từ tôn.

Tầng dưới thờ Địa Tạng, có 2 câu đối bằng chữ Hán, đọc âm là:

Khám phá phóng hạ tự tại tùy duyên niệm Phật;

Chân tạng thanh tịnh bình đẳng chánh giác từ bi.

Tín đồ thuộc chùa Phổ Quang ước khoảng 150. Hằng tháng, vào ngày rằm, chùa tổ chức cúng hội theo nghi thức ni giới Khất sĩ.

 

CHÙA PHỔ TỊNH

Chùa Phổ Tịnh tọa lạc tại Tổ 20, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi, nằm ở phía tây Quốc lộ 1, cách chợ Gò Quán khoảng 1000m.

Chùa được lập năm 1967, do Hòa thượng Thích Thanh Phước khai sơn. Chùa ban đầu làm bằng tranh tre trên đất do đạo hữu Phạm Tòa hiến cúng và mua thêm về sau. Hòa thượng Thích Thanh Phước nguyên trụ trì tại chùa Phổ Thiện (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Sau 1975, Ngài về lại chùa Phổ Thiện, viên tịch năm Ất Sửu 1985, mộ tháp tại chùa.

Kế tục trụ trì Chùa Phổ Tịnh từ 1975 đến nay là Ni sư Thích Nữ Diệu Nhơn.  Ni sư Thích Nữ Diệu Nhơn thế danh Nguyễn Thị Hoa, sinh năm Nhâm Thân 1932, quê ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức, Quảng Ngãi), xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Bảo Thắng (Hội An, Quảng Nam), đệ tử của Sư bà Đàm Minh, thọ Tỳ kheo ni tại giới đàn Vĩnh Gia (Đà Nẵng). Ni sư hiện giữ chức vụ Trưởng Phân ban đặc trách Ni giới Quảng Ngãi, Phó ban Từ thiện – xã hội thuộc Ban Trị Sự Phật Giáo Quảng Ngãi.

Chùa được trùng tu vào các năm 1982, 2000, 2003. Hai bên bệ thờ có câu đối bằng chữ Hán, đọc âm như sau:

Tam bảo trang nghiêm tịnh giới trí đăng không môn tuệ nhật

Thập phương tuần độ mê tân cự phiệt khổ hải từ hàng.

Cổng ngõ có câu đối bằng chữ Việt:

Phổ chiếu từ môn bách xích thọ

Tịnh nhiên thắng cảnh từ thời hoa.

Bên trong, cạnh tiền đường phía sau có ngôi mộ của vị đạo hữu cúng đất cho chùa được xây kỹ lưỡng.

Hoạt động của chùa, ngoài các Phật sự thường lệ, chùa còn tổ chức tu Bát Quan Trai, an cư kiết hạ.

CHÙA PHƯỚC ĐIỀN

Chùa Phước Điền trước đây còn có tên là chùa Ngọc Điền (vì nằm tại ấp Ngọc Điền xã Nghĩa Lộ cũ), nay thuộc Tổ 3, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi. Chùa nằm ở phía nam cách bờ sông Trà Khúc khoảng 200m. Nơi đây nguyên trước kia là ruộng thấp, hằng năm quan chức tỉnh làm lễ tịch điền, cày ruộng tượng trưng vào mùa xuân.

Chùa được thành lập năm Nhâm Dần 1962, do sáng kiến của thầy Giải Ngộ và một số đạo hữu.

Vị thầy trụ trì đầu tiên là Thầy Giáo Chùa, pháp danh Như Huân, thế danh Nguyễn Đắc Giáo, sinh năm Quý Hợi 1923, quê ở Quảng Nam, thọ giới thầy Thích Ngọc Quang chùa Kim Sơn (Đức Phổ). Sau 1975, thầy về Quảng Nam và tịch tại quê.

Kế tục trụ trì là thầy Thích Giải Ngộ, pháp danh Như Cảnh, thế danh Tạ Thanh Xuân sinh năm Mậu Thìn 1928, quê ở phường Nghĩa Chánh, quy y năm 1958 tại chùa Kim Sơn, đệ tử thầy Thích Ngọc Quang. Khi Phật giáo Miền Nam bị Pháp nạn 1963, thầy tham gia biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm. Thầy tu hành, sinh hoạt đơn độc tại chùa, sản xuất rau quả để tự túc, nhiều lần lo trùng tu nâng cấp chùa.

Đầu xuân năm Mậu Tý 2008, sức khỏe dần suy kiệt, Thầy viên tịch vào giờ Thìn ngày 21 tháng giêng (27/02/2008). Pháp thân thầy được an táng tại nghĩa trang Nghĩa Kỳ. Linh vị thờ tại chùa: “Phụng vì Phước Điền đường thượng, húy Như Cảnh, thượng Giải hạ Ngộ, hiệu Ngọc Điền giác linh chi toà”.

Kế tục hiện nay có chú Tạ Thanh Ý (là Trưởng tử), pháp danh Như Nguyện, đi làm ăn xa, nay về trông coi chùa.

CHÙA PHƯỚC LỘC

Chùa Phước Lộc tọa lạc tại số 166 đường Hai Bà Trưng, thuộc Tổ 11, Phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi.

Đất vườn chùa có diện tích 2260m2, do Đạo hữu Tạ Quyền hiến cúng. Chùa được thành lập ngày 10/02/1973 do Hòa thượng Thích Hồng Ân khai sơn.

Hòa thượng Thích Hồng Ân thế danh Hoàng Đình Hiếu, sinh năm Quý Sửu 1913 tại xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn. Lúc nhỏ, Ngài quy y với Ngài Huyền Trí, lớn lên xuất gia cầu pháp học đạo với Ngài Huệ Hải. Ngài Hồng Ân có thời gian dài làm Phó tự Tổ đình Thiên Ấn và đã ra sức đại trùng tu Tổ đình từ năm 1959 đến năm 1961 mới hoàn tất, khánh thành. Ngài khai sơn chùa Quảng Ân năm 1972, về sáng lập chùa Phước Lộc rồi trụ trì tại đây. Ngài viên tịch năm Nhâm Ngọ 1986, tháp mộ chính đặt tại Thiên Ấn, chánh kỵ ngày 17 tháng 6 âm lịch.

Kế tục Bổn sư, trụ trì chùa Phước Lộc là Thượng tọa Thích Trừng Nghị, thế danh Đặng Công Dung sinh năm Ất Hợi 1935 tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, xuất gia năm 1960, thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Nha Trang năm 1973. Thượng tọa đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng Pháp thuộc Ban Trị Sự Phật Giáo Quảng Ngãi nhiệm kỳ II. Hiện nay Thượng toạ đảm nhiệm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Quảng Ngãi kiêm chánh Đại diện Phật giáo Thành phố Quảng Ngãi.

Chùa được trùng tu năm 1996, mặt tiền cải ra hướng Tây Bắc nhân khi làm đường Hai Bà Trưng do Thượng tọa trụ trì đương nhiệm chủ trương, đồng thời trùng tu tháp kỷ niệm Đức Bổn sư. Hai trụ trước nền tháp có câu đối bằng chữ Hán, đọc âm là:

Lập bửu tháp phụng ân sư tồn đạo mạch;

Khai đàm hoa hưng Phước Lộc chấn tông phong

Chùa Phước Lộc nằm bên cạnh Đại lộ Hai Bà Trưng được xây cất quy mô, cân đối, hài hòa, trang trí mỹ thuật, tôn nghiêm. Quang cảnh chùa rộng, thoáng, minh đường sáng sủa, thuộc vào loại chùa đẹp.

 

CHÙA PHÚ THIỆN

Chùa Phú Thiện toạ lạc tại Tổ 2, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi.

Chùa được thành lập từ năm 1965, do ông Phạm Lễ cư sĩ đại diện Phật tử địa phương chủ trương. Chùa nằm trên một khu đất có diện tích 1002m2, nguyên là đất công điền, do Phật tử ở thôn Gò Gai đứng xin.

Sau khi được thành lập, Ban Quản tự tạm thời quản lý chùa, lo Phật sự. Đến năm 1977, Sư cô Huệ Thanh đến trụ trì. Đến năm 1992, Sư cô được đề cử đi tu học. Ban Quản tự tạm quản lý chùa từ năm 1993 đến năm 2000. Sau khi học xong Trung cấp Phật học tại TP Hồ Chí Minh trở về, Sư cô tiếp tục trụ trì tại chùa từ năm 2001 đến nay.

Sư cô Thích nữ Huệ Thanh thế danh Phạm Thị Tâm, sinh năm Giáp Ngọ 1954, quê tại Nghĩa Lộ, xuất gia năm 1970, đệ tử Ni sư Thích Nữ Diệu Nhơn ở chùa Phổ Tịnh, thọ Tỳ kheo ni năm 1981.

Chùa Phú Thiện được trùng tu vào năm 2005, do Sư cô đương nhiệm chủ trương. Trước tiền đường, 2 cột giữa trước thềm có 2 câu đối:

Phú nhuận, ốc đức nhuận thân phú đức song toàn tứ dân dị độ

Thiện vi hân hòa vi quý thiện hòa đồng đắc bách tính tuyên dương.

Chùa Phú Thiện nằm trên một khu đất khoáng đãng, trước mặt là đất trồng hoa màu, xa xa về phía Nam là nghĩa địa, minh đường sáng sủa.

CHÙA THẠCH PHỔ

Chùa Thạch Phổ tọa lạc tại Tổ 25, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, nằm sâu trong khu dân cư và ruộng, cách sân bay Quảng Ngãi cũ khoảng 3km về phía Tây Bắc.

Chùa Thạch Phổ được xây dựng từ năm 1961, do các đạo hữu Trần Quang Kích, Nguyễn Dương sáng lập. Công trình xây dựng chiếm 350m2 trong số 950m2, nguyên là đất công của làng Thạch Phổ. Nguyên trước 1945, nơi đây là đình làng Thạch Phổ (xã Thu Phổ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), trong thời kỳ kháng chiến, đình làng bị hư phế. Đến năm 1961, Phật tử địa phương lập Vức để thờ niệm Phật và từ năm 1975 đổi tên thành chùa Thạch Phổ.

Các đạo hữu sáng lập chùa đã chủ trương trùng tu 2 lần. Qua nhiều năm sau khi thành lập, Ban quản tự quản lý chùa chăm lo Phật sự. Trưởng ban có các cụ Huỳnh Bường, Nguyễn Trọng và hiện nay có cư sĩ Nguyễn Phụng. Thủ tự lúc đầu có cư sĩ Phan Thị Quận. Hiện nay có Tỳ kheo Thích Thiện Trường quê ở Vĩnh Long về thủ tự từ 15/4/2006 đến nay.

Tỳ kheo Thích Thiện Trường thế danh Lưu Trường Xuân, sinh năm 1947, quê quán ở tỉnh Vĩnh Long (Nam Bộ), xuất gia tu học ở chùa Vạn Hòa (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Thông, được phép của bổn sư cho di chuyển đến Quảng Ngãi, làm đệ tử y chỉ sư Đại đức Thích Hạnh Trí (chùa Yên Phú, Nghĩa Lộ) giới thiệu về chùa Thạch Phổ.

Chánh điện có câu đối bằng chữ Việt:

Thạch kỳ chánh pháp huệ tâm khai;

Phổ độ nhơn sanh chứng Phật đài.

Có một kỷ vật xá lợi Phật, do thầy Thích Minh Thiên ở Vũng Tàu tặng vào dịp Phật Đản 2006, PL 2550. Xá lợi được bảo quản trong một hộp kim loại hình trụ, phía trên có úp một cái tháp rỗng bằng thủy tinh cao 15cm; đặt trong lồng kính, tôn trí trước tượng Phật Tổ ở Chánh điện.

Hai trụ chính có 2 câu đối bằng chữ Hán ở mặt trước và âm Việt ở mặt sau:

Thạch Bích Trà giang đông bình tây tịnh, thiên tải thịnh;

Phổ quang chiếu diệu hậu ủng tiền triêu, vạn niên hưng.

 

CHÙA THIÊN BÚT

Nằm dưới chân núi Thiên Bút, đệ nhị thắng cảnh của Quảng Ngãi “Thiên Bút phê vân”, nên chùa mang tên “Thiên Bút Tự”. Chùa nằm ở phía Tây Bắc núi Thiên Bút, số 937 đường Quang Trung thuộc phường Nghĩa Chánh, Tp Quảng Ngãi.

Chùa được thành lập năm 1961 do Thượng tọa Thích Quang Lý chủ trương.

Từ năm 1962, Hòa thượng Thích Từ Minh (quê ở Nghĩa An, Tư Nghĩa) trụ trì chùa cùng với Thượng tọa Thích Quang Lý đến năm 1976.

Năm Bính Ngọ 1966, chùa Thiên Bút mở giới đàn, Hòa thượng Thích Khánh Vinh làm Đường đầu, Hòa thượng Quang Lý làm tuyên luật sư.

Từ năm 1976, chùa Thiên Bút do Nhà Nước quản lý. Đến năm 1996, Nhà Nước giao trả lại chùa và Giáo hội Phật giáo Quảng Ngãi cử Hòa thượng Thích An Tường về làm trụ trì từ năm 1996 đến nay. Hòa thượng Thích An Tường sinh năm Quý Sửu 1925, quê ở xã Bình Thới (Bình Sơn, Quảng Ngãi), pháp danh An Tường, pháp hiệu Giải Quới, xuất gia từ thuở nhỏ tu học ở chùa Viên Quang (Bình Sơn).

Từ khi được thành lập và sau khi tái sinh hoạt đến nay, chùa Thiên Bút được trùng tu nhiều lần vào các năm 1969, 1971, 1996, 2000, 2004 và 2006. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc mới, hài hòa, trang trí tôn nghiêm. Chùa gồm có tiền đường, trú xá đông tây, phòng làm việc, phòng họp, tượng đài, cổng ngõ, Chánh điện thiết trí tôn nghiêm.

Trên 2 trụ chính trước thềm có câu đối:

Thiên nhật chiếu sơn hà, Quảng vận từ bi quang thế giới

Bút vân hàm kim cổ, Nghĩa huyền Phật pháp lợi quần sinh.

Cổng tam quan 2 tầng, có mái che vươn cao, trang trí hoa văn mỹ thuật. Trụ cổng lớn có câu đối:

Thiên nhật chiếu sơn hà, quan kiến già lam đa thắng cảnh

Bút vân khai bảo tạng, tinh hoa vũ trụ độ quần sinh.

Chùa Thiên Bút gắn liền với danh thắng xứ Quảng, (nằm cạnh Quốc lộ 1 cũ), tuy đã có thời gian ngừng hoạt động, ngày nay được trùng tu, thiết trí tôn nghiêm, mỹ thuật, trang trí nhiều loại cây cảnh đẹp. Chẳng những chùa là nơi quy tụ, tu học, lễ bái của Phật tử mà còn có sức hút khách du lịch bốn phương.

CHÙA TỊNH NGHIÊM

Chùa Tịnh Nghiêm trước có tên chùa Sư nữ Tịnh Nghiêm, tọa lạc tại hẻm số 10, đường Nguyễn Thụy, cách đường khoảng 30m về phía nam, thuộc Phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi.

Chùa Tịnh Nghiêm được khai sơn năm Tân Sửu 1961, do Ni trưởng Thích Nữ Như Huyền, thế danh Nguyễn Thị Bích, sinh ngày 06 tháng 08 năm Đinh Tỵ 1917. Ngày 19 tháng 6 năm Đinh Sửu, Ni trưởng xuất gia với Hòa thượng Chơn Tích – Huệ Hải tại chùa Quang Lộc. Năm Canh Thìn 1940, Bổn sư cho thọ Sa di ni giới với pháp danh Như Huyền, pháp tự Giải Huệ. Năm Nhâm Thìn (1952), thọ Cụ túc giới tại chùa Thiên Bình do Hòa thượng Huệ Chiếu làm Đàn đầu; được Bổn sư phú pháp hiệu Hồng Từ. Bắt đầu từ đây Ni sư Như Huyền được cử làm lãnh đạo Ni bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1961, Ni trưởng sáng lập chùa Sư nữ Tịnh Nghiêm. Năm 1970, lập thêm Ni viện Tịnh Nghiêm La Hà (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Ni sư viên tịch năm Đinh Mão (1987), hiện mộ tháp đặt tại Ni viện Tịnh Nghiêm La Hà (Tư Nghĩa). Chánh kỵ ngày 28 tháng 11 âm lịch.

Sau khi Ni sư viên tịch, kế tục trụ trì là Thích Nữ Hạnh Toàn từ 1987 đến nay. Ni sư thế danh Huỳnh Thị Bình, sinh năm Giáp Ngọ 1954, quê tại xã Tịnh Long (Sơn Tịnh), xuất gia năm 1965 tại chùa Tịnh Nghiêm, thọ Tỳ kheo ni giới năm 1972, tại giới đàn chùa Diệu Đức (Huế). Hiện nay, Ni sư là thành viên trong Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi xây dựng, chùa được trùng tu 2 lần:

–   Năm 1974, làm lại mới do Ni trưởng Thích nữ Như Huyền chủ trương.

–   Năm 2000, đại trùng tu quy mô do Ni sư đương nhiệm chủ trương.

Chùa quay mặt về hướng đông gồm 2 tầng. Đặc biệt, tầng trên 3 phía vách tường có tôn trí 84 tượng khắc gỗ (phù điêu) xuất tượng từ kinh chú Đại bi tâm Đà la ni. Linh vị thờ Tổ khai sơn « Lâm tế chánh tông, tứ thập nhất thế khai sơn Tịnh Nghiêm, La Hà nhị tự, húy Như Huyền, thượng Giải hạ Huệ, hiệu Hồng Từ giác linh chi tòa ».

Năm 2008, chùa có xây dựng thêm Phật thất 12x36m ở phía nam, dùng làm nơi hội họp và Đoàn quán cho GĐPT Tịnh Nghiêm.

Hoạt động của chùa, ngoài các Phật sự thường lệ, hằng năm chùa có tổ chức Khóa an cư kiết hạ cho ni giới. Tháng 11 năm 2009, chùa là địa điểm 2 của Giới đàn Pháp Hóa.

Năm 1965, chùa có mở trường mẫu giáo, sau 1975, được hợp thức hóa do nhà nước quản lý, đến năm 1978 thì ngừng hoạt động.

Chùa Tịnh Nghiêm nằm ở trung tâm thành phố, hiện nay là trụ sở Ni bộ của tỉnh Quảng Ngãi. Qua các thời kỳ đã có nhiều hoạt động xã hội tích cực nên có ảnh hưởng lớn đối với tín đồ, nhân dân, thu hút được nhiều Phật tử đến lễ bái, tu học.

CHÙA TRUNG AN

Chùa Trung An tọa lạc tại Tổ 24 (xóm Chòi Dầu) phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi.

Nguyên trước là một cái Vức trong xóm, nơi Phật tử tụ họp để tu niệm, do cụ Phan Hoành tự nguyện cúng đất và chùa được thành lập ngày 20/6/1968 nhờ sự đóng góp của quý đạo hữu.

Sau khi thành lập, chùa chưa có sư trụ trì, Ban Quản Tự trong xóm thay phiên quản lý, có ông Hà Kỳ Tân 84 tuổi làm Trưởng ban và ông Bùi Tần làm Phó ban. Từ năm 1991, Ni sư Thích nữ Hạnh Định được bổ nhiệm trụ trì cho đến nay. Ni sư Thích nữ Hạnh Định thế danh Nguyễn Thị Hành, sinh năm Ất Dậu 1945, quê ở Mộ Đức, quy y ngũ giới với Hoà Thượng Thích Giải An, xuất gia năm 1964 tại chùa Sư nữ Tịnh Nghiêm, đệ tử Sư bà Như Huyền Thích Giải Huệ. Ni sư đã theo học Trung cấp Phật học tại Ni trường Diệu Đức (Huế) năm 1970, đã trụ trì chùa Nam Lộ từ 1989 đến 1991.

Đầu năm 2009, Ni sư chủ trương làm lại nhà Trù và nhà Tăng nhờ thiên duyên tài trợ của sư cô Thích Nữ Thảo Liên (trụ trì chùa Phổ Quang).

Chùa Trung An thuộc loại chùa nhỏ, công trình xây cất gồm có ngôi chánh điện và nhà Tăng ở phía sau. Phía trong chánh điện trang trí, sắp xếp điện thờ cũng giống như các chùa khác.

Hai bên cột trước thềm có 2 câu đối:

Trung dĩ chánh tâm tòng Phật đạo

An năng tịnh giới lập Thiền môn

CHÙA TỪ QUANG

Chùa Từ Quang tọa lạc tại số 36 đường Lê Văn Sỹ, cách Đại lộ Hùng Vương về phía Nam khoảng 200m, thuộc phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi.

Chùa Từ Quang được sáng lập năm Đinh Mùi 1967, do Hòa thượng Thích Giải An khai sơn. Nguyên thủy chùa là một cái am, được nâng cấp dần thành chùa. Chùa được trùng tu năm 1990.

Hòa thượng Thích Giải An, pháp danh Như Bình, hiệu Huyền Tịnh. Ngài thế danh Nguyễn Hòa, sinh ngày mồng một tháng 6 năm Giáp Dần (tức 23/7/1914) tại xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa. Ngài xuất gia ngày 8/2/1927, đệ tử Hòa thượng Khánh Tín chùa Thọ Sơn. Năm 1928, thọ Sa di giới, năm 1933 thọ Tỳ kheo Bồ Tát tại giới đàn chùa Phước Sơn (Bồng Sơn, Bình Định) do Đại lão Hòa thượng Tường Quang làm Đàn đầu. Năm 1935, Ngài nhập chúng tu học tại chùa Bích Liên (Bình Định) dưới sự chỉ giáo của Giáo thọ Hòa thượng Chơn Giám Trí Hải, được ban cho Đạo hiệu Huyền Tịnh.

Năm 1945, Ngài tham gia Phật giáo Cứu Quốc liên khu 5, năm 1950-1951 Ngài tham học tại chùa Báo Quốc và Linh Quang (Huế). Năm Quý Tỵ 1953, Ngài về Quảng Ngãi khai sơn chùa Linh Sơn (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), sau đó khai sơn chùa Phú Long tức chùa Phú Văn (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).

Năm 1954, Ngài được Tổng hội Phật giáo Trung phần bổ nhiệm trụ trì chùa Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1955, Ngài cùng Hòa thượng Thích Huyền Tôn thành lập Giáo hội Tăng già và Hội Phật học Quảng Ngãi. Năm 1957, Ngài chính thức trụ trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi.

Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, Ngài được cử làm thành viên Hội đồng Trung ương. Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được cung thỉnh làm chứng minh Đạo sư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Ngãi. Năm Canh Tuất 1970, Ngài được mời làm Đệ thất tôn chứng Đại giới đàn Vĩnh Gia (Đà Nẵng).

Hòa thượng viên tịch tại chùa Từ Quang vào ngày 20 tháng giêng năm Quý Mùi (20/02/2003), trụ thế 90 năm, 70 hạ lạp. Mộ tháp cao 5 tầng, phía trước cho bia ký tưởng niệm bằng chữ Việt, đặt phía bên phải chùa. Di ảnh và linh vị thờ tại chùa: “Từ Lâm tế Chánh tông, tứ thập nhứt thế, Trung ương Hội đồng chứng minh thành viên, Quảng Ngãi tỉnh Trị sự ban Trưởng ban, khai sơn Từ Quang tự đường thượng, húy Thượng Như hạ Bình, tự Giải An, hiệu Huyền Tịnh, đại lão Hòa thượng giác linh”.

Kế thế trụ trì chùa cho đến hiện nay là Thầy Thích Đồng Hoa, đệ tử của cố Hòa thượng Thích Giải An. Thầy Thích Đồng Hoa, thế danh Nguyễn Ngọc Long, sinh năm Quý Tỵ 1953, xuất gia tu học từ năm 1966, pháp danh Đồng Hoa, thọ giới Tỳ kheo năm 1980 tại giới đàn chùa Ấn Quang (TP Hồ Chí Minh), pháp hiệu Thông Hội thuộc đời 43 Lâm tế Chánh tông.

Từ ngoài vào, Phía trước thềm tiền đường có câu đối bằng chữ Hán, đọc âm:

Từ trí đạo trường thánh chúng tam thiên tham thừa đường thượng

Quang minh tâm điện thiện nhân bát vạn tín thụ đình tiền

Giữa có hoành phi: “Ứng thân Phật điện”. Chánh điện chùa tôn trí 3 tượng Phật (tam thế) bằng gỗ dâu, có nguồn gốc tại Đà Lạt đưa về bổn tự, Thầy Thích Đồng Hoa mời những nghệ nhân điêu khắc có tay nghề cao từ Cố đô Huế về chế tác trong thời gian dài và đã trở thành bộ tượng Phật tam thế tuyệt mĩ tại Quảng Ngãi.

CHÙA TỪ QUANG

Chùa Từ Quang tọa lạc tại số 960B đường Quang Trung, thuộc Tổ 17, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi.

Chùa Từ Quang do Hòa thượng Thích Từ Phương sáng lập năm 1940. Nguyên thủy chùa chỉ là một cái am vừa để làm nơi thờ Phật, vừa dùng làm nhà ở, được dựng trên đất công điền làng Chánh Lộ. Đến năm 1958, cải am thành tự.

Hòa thượng Thích Từ Phương thế danh Võ Từ Phương, sinh năm Tân Mão 1891, quê tại địa phương, thôn Phú Mỹ Trung, làng Chánh Lộ, xuất gia từ nhỏ, đệ tử Hòa thượng Thích Diệu Nguyên chùa Phước Quang (Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa), sau về lập am năm 1940 tu tại đây, đã có lần giữ chức Phó tự chùa Thiên Bút. Hòa thượng viên tịch năm Tân Hợi 1971, tại thế 80 năm, mộ tháp tại chùa. Chánh kỵ ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.

Người kế tục trụ trì là Đại đức Thích Giải Lạc từ năm 1971 đến năm 2000. Kế tiếp là Đại đức Thích Giải Phước, thế danh Nguyễn Xuân Vắng sinh năm Giáp Ngọ 1954, tu học tại chùa từ lúc nhỏ, năm 1976 thi hành nghĩa vụ quân sự đến năm 1980 thì xuất ngũ, tiếp tục tu tại chùa và trụ trì từ năm 2000 đến nay.

Sau khi cải am thành tự, chùa một lần trùng tu do Thầy Thích Giải Phước chủ trương. Trụ cột phía trước chánh điện có 2 câu đối:

Từ dĩ hoằng dương Trà thủy nhân triều đa thắng cảnh

Quang tự chánh pháp Bút sơn thiên địa tế quần sanh.

Long vị thờ Tổ khai sơn: “Phụng vì từ Lâm tế Chánh phổ tứ thập nhứt thế, Từ Quang đường thượng, Thiên Bút phó tự, húy Như Thọ, thượng Giải hạ Phò, hiệu Từ Phương đại lão Hòa thượng giác linh”.

Chùa tổ chức lễ kỵ tổ khai sơn vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, kỵ cửu huyền thất tổ ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch.

CHÙA VIÊN QUANG

Chùa Viên Quang tọa lạc tại Tổ 22, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi.

Chùa nhìn về hướng Đông, trên diện tích đất 1700m2, do cư sĩ Nguyễn Dự hiến cúng. Khuôn hội Phật giáo xây dựng chùa vào ngày 10/4/1959 có tên là chùa Tư Quang (tên làng trước đây). Trụ trì đầu tiên là Đại đức Thích Hạnh Đạo, thế danh Nguyễn Dự, sinh năm Đinh Dậu 1897, pháp danh Tâm Thành, pháp hiệu Hạnh Đạo. Sau khi chùa được thành lập, thầy phát nguyện xuất gia và trụ trì tại chùa. Thầy phát nguyện chép bộ Kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán, hoàn thành sau 2 năm. Hiện nay, bộ kinh được thờ tại chùa. Năm 1970, thầy nhuốm bệnh, vì ở chùa thiếu điều kiện và phương tiện chăm sóc, thầy trở về tư gia để điều dưỡng. Thầy viên tịch ngày 17 tháng 12 năm Tân Hợi (1971). Pháp thể thầy được an táng tại thổ mộ gia tộc, tháp mộ được xây cất kỹ lưỡng. Húy nhật được định vào ngày 16 tháng chạp hằng năm.

Chùa trải qua các đời trụ trì như sau:

–   Tổ khai sơn từ 1959 – 1964: Đại đức Thích Hạnh Đạo.

–   Kế thừa từ 1964 – 1975: Đại đức Thích Hạnh Thâm

–   Kế thừa 1975 – 1988: Đại đức Thích Hạnh Nguyên, Thích Giải Thanh.

–   Từ 1993 đến nay: Ni sư Thích Nữ Hạnh Chơn, Ni sư xuất thân từ gia đình Phật giáo, là thân tử của cố Đại đức Thích Hạnh Đạo, thế danh Nguyễn Thị Trí sinh năm Mậu Thìn 1928, quê tại địa phương, kế tục trụ trì.

Từ khi thành lập, chùa trải qua 2 lần trùng tu: năm 1993, năm 1998 làm thêm nhà Tăng và Đoàn quán cho Gia Đình Phật Tử Chơn Quang (GĐPT Chơn Quang được thành lập năm 1960 do Thượng toạ Thích Trí Chánh cố vấn). Hằng tháng chùa có tổ chức tu Bát Quan Trai.

Trước cổng chùa trồng 2 cây bồ đề cổ thụ, tán lá sum xuê che mát cổng và sân. Chùa Viên Quang nằm sát đường giao thông, cảnh trí trang nghiêm, minh đường khoáng đãng, quy tụ được nhiều thiện nam, tín nữ địa phương. Ban hộ tự có Trưởng ban là cư sĩ Nguyễn Phụng, pháp danh Diệu Yến.

CHÙA YÊN PHÚ

Chùa Yên Phú toạ lạc tại số 10 đường Trần Quang Diệu, thuộc Tổ 17, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi.

Chùa đã có từ lâu bằng tranh tre, đến năm 1966, quý đạo hữu: Nguyễn Mùi, Võ Cao Sơn, Phạm Gạch, Tạ Đình Liên,… xây dựng lại trên diện tích 1044m2, nguyên là đất của đạo hữu Nguyễn Rực (tức Rỡ) được hoán đổi đất công điền của xã. Tháng 3 năm 2002, chùa được đại trùng tu, làm lại mới chánh điện, nhà tăng, cổng ngõ.

Sau khi được thành lập, chùa chưa có thầy trụ trì, chỉ có Ban Quản tự quản lý, trông coi Phật sự. Sau năm 1975, cư sĩ Nguyễn Bàng làm thủ tự đến năm 1996.

Năm 1996, Ban Trị Sự Phật giáo Quảng Ngãi đề cử Đại đức Thích Hạnh Trí về trụ trì đến nay. Thầy Thích Hạnh Trí thế danh Phạm Ngọc Phương, sinh năm Giáp Thân 1944 tại thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), pháp danh Nguyên Tâm, thọ Sa di và Tỳ kheo Bồ Tát giới năm 1989 tại giới đàn Nguyên Thiều (Bình Định), pháp tự Hạnh Trí, hiệu Quang Tuệ, y chỉ sư Hòa thượng Thích Giải An (chùa Từ Quang, Tp Quảng Ngãi).

Tháng 3 năm 2002, Đại đức trụ trì đương nhiệm chủ trương xây mới tiền đường. Chánh điện được thiết trí tôn nghiêm. Tiền đường có 2 câu đối bằng chữ Việt (của Hòa thượng Thích Thiện Siêu – Huế):

Một chút giận, hai chút tham, lận đận cả đời ri cũng khổ;

Trăm điều lành, ngàn điều nhịn, thong dong tấc dạ rứa mà vui.

Dọc theo hai bên tiền đường trang trí họa phẩm vẻ trên nền vải, mô tả cảnh Đức Phật xuất gia, đắc đạo… Phần trước tiền đường đúc lầu cao vượt trên mái, vách lầu phía trước chia 3 ô, mỗi ô là bích họa mô tả: Cảnh Thái tử Tất Đạt Đa phi ngựa Kiền Trắc đi tìm đạo, cảnh Thái tử xuống tóc, cảnh Phật đắc đạo ngồi dưới cội Bồ đề.

Trước thềm tôn trí tượng Quan Âm Bồ Tát lộ thiên. Phía bên phải tiền đường có hành lang rộng 5m, tạm dùng làm nơi sinh hoạt cho Gia Đình Phật Tử Chơn Lạc.

Các hoạt động Phật sự theo thường lệ.

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH MỤC CÁC NGÔI CHÙA Ở HUYỆN TƯ NGHĨA :

TT

CHÙA, NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Thôn, Xã – Thị Trấn)

1

Chùa Sắc tứ Liên Tôn Xã Nghĩa Trung

2

Chùa An Hội Xã Nghĩa Kỳ

3

Chùa Sắc tứ An Long Xã Nghĩa Thương

4

Chùa An Long Xã Nghĩa Phương

5

Chùa An Thanh Thị trấn Sông Vệ

6

Chùa An Thọ Xã Nghĩa Thương

7

Chùa Bửu Minh Xã Nghĩa Thương

8

Chùa Bửu Phương Xã Nghĩa Mỹ

9

Chùa Cảnh Tiên Xã Nghĩa Thương

 

TT

CHÙA, NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

ĐỊA CHỈ (Thôn, Xã – Thị Trấn)

10

Chùa Chánh An Xã Nghĩa Điền

11

Chùa Châu Long Xã Nghĩa Thuận

12

Chùa Điền Long Xã Nghĩa Điền

13

Chùa Đông Thọ Xã Nghĩa Hiệp

14

Chùa Đức Long Xã Nghĩa Trung

15

Chùa Hoa Sơn Xã Nghĩa Phú

16

Chùa Hòa Quang Xã Nghĩa Trung

17

Chùa Hội Long Xã Nghĩa Trung

18

Chùa Hưng An Xã Nghĩa Hà

19

Chùa Kim Liên Xã Nghĩa Thương

20

Chùa Kỳ Viên Xã Nghĩa Hiệp

21

Chùa Linh Bửu Xã Nghĩa Thương

22

Chùa Linh Quang Xã Nghĩa Hòa

23

Chùa Long Vân Thị trấn Sông Vệ

24

Niệm Phật Đường Mỹ Sơn Xã Nghĩa Thương

25

Chùa Năng Quang Xã Nghĩa Hiệp

26

Chùa Nghĩa Hiệp Xã Nghĩa Hiệp

27

Chùa Phổ Huy Thị Trấn La Hà

28

Chùa Phổ Quang Xã Nghĩa Điền

29

Chùa Phổ Thiện Xã Nghĩa Hòa

30

Chùa Phú Long Xã Nghĩa Trung

31

Chùa Phú Mỹ Xã Nghĩa Mỹ

32

Chùa Phước Bửu Xã Nghĩa Kỳ

33

Chùa Phước Hải Thị Trấn La Hà

34

Chùa Phước Quang Xã Nghĩa Hòa

35

Chùa Phước Sơn Xã Nghĩa Hòa

36

Chùa Quan Âm Thị Trấn La Hà

37

Tổ đình Quang Lộc Xã Nghĩa Hòa

38

Chùa Tây Long Xã Nghĩa Phương

39

Chùa Sắc Tứ Thạch Sơn Xã Nghĩa Phú

40

Chùa Thiên Hải Xã Nghĩa An

41

Chùa Thiên Sanh Xã Nghĩa Phú

42

Chùa Thiên Sơn Thị Trấn La Hà

43

Chùa Thiện Đức Xã Nghĩa Hà

44

Thọ Sơn cổ tự Xã Nghĩa Hà

45

Chùa Thọ Sơn Xã Nghĩa Hà

46

Chùa Thuận Hòa Xã Nghĩa Điền

47

Niệm Phật Đường Tịnh Tâm Xã Nghĩa Hòa

48

Chùa Sư Nữ Tịnh Nghiêm Thị Trấn La Hà

49

Sắc tứ Tổ đình Từ Lâm Xã Nghĩa Phú

50

Chùa Từ Nghiêm Thị trấn Sông Vệ

51

Chùa Vạn Bửu Thị trấn Sông Vệ

CHÙA SẮC TỨ LIÊN TÔN

Chùa Sắc tứ Liên Tôn nguyên xưa là chùa Sắc tứ Hoàng Long toạ lạc tại khu rừng Vá, nay thuộc Đội 6, thôn An Hà, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Sắc tứ Hoàng Long do Thiền sư Minh Dung – Thành Chí – Pháp Thông biệt hiệu là Thành Thông khai sơn vào đời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, Canh Tuất – 1670. Ngài từ Trung Hoa sang phủ Qui Ninh (Bình Định) cùng với Tổ Siêu Bạch – Hoán Bích – Thọ Tông vào năm 1665. Theo kệ truyền thừa, Thiền sư Minh Dung đứng sau Tổ Siêu Bạch – Hoán Bích một thế hệ thuộc dòng Lâm Tế tông Vạn Phong – Thời Ủy, đã được Tổ Siêu Bạch – Nguyên Thiều nâng đỡ, đặt vào công tác hành đạo tại các chùa Quốc Ân, Hà Trung (Thừa Thiên Huế), Thập Tháp (Bình Định),…

Hiện chưa có đủ tài liệu khảo chứng để xác định năm cải tên Sắc tứ Hoàng Long Tự thành Sắc tứ Liên Tôn Tự.

Tổ Minh Dung sinh vào giờ Thìn ngày 20 tháng 7 năm Tân Mùi – 1631, đến khi Ngài viên tịch được đệ tử là Thiền sư Thiệt Giám – Trí Quang lập Long vị thờ Ngài vào năm 1749 vẫn ghi là Sắc tứ Hoàng Long. Trong văn bản Hán Nôm ngày 27 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 15-1755 về việc Thiền sư Trí Quang, thế danh Huỳnh Thế Chất mua ruộng cho chùa thì ghi là Sắc tứ Liên Tôn Tự.

Sau khi khai sơn chùa Hoàng Long, Tổ Minh Dung đã từng giúp cho các Chúa Nguyễn trong việc trấn an, ngăn ngừa trộm cướp và giúp cho địa phương Quảng Ngãi phát triển về nông nghiệp, thủy lợi,…

Đến năm Vĩnh Thạnh thứ I – 1706, Đàng Trong là Chúa Nguyễn Phúc Chu, Tổ Minh Dung đã cùng với đệ tử Thiệt Huệ – Khánh Tài và Thiệt Sát – Bảo Hương vào chùa Bồ Đề phủ Ninh Thuận khắc bản kinh Pháp Hoa bằng gỗ cây thị đỏ có 60.000 chữ ngược. Công đức về tiền gạo để hoàn thành khắc bản này do 59 nam nữ đạo hữu Phật tử cúng dường. Khắc bản bộ kinh được hoàn tất vào ngày mùng 1 tháng 4 năm Giáp Dần – 1734. Tức là trong suốt 28 năm, Tổ Minh Dung đứng danh chứng minh trong khắc bản, hiện nay được bảo lưu tại chùa Phật Quang Thành phố Phan Thiết.

Sau đó, Ngài về lại chùa Liên Tôn rồi viên tịch vào giờ Tuất ngày 11 tháng 8 năm Kỷ Tỵ – 1749 (1). Nhục thân Ngài được nhập tháp gần chùa Liên Tôn. Đệ tử Ngài là Thiệt Giám – Trí Quang phụng lập Long vị: “Sắc tứ Hoàng Long đường thượng, tự Lâm Tế tam thập tứ thế húy Minh Dung – Thành Chí thượng Pháp hạ Thông Hòa thượng giác linh liên tọa”.

Trong cuộc đời hành đạo khắp xứ Đàng Trong, Tổ Minh Dung có nhiều công hạnh và đệ tử nên các chùa sau đây có thờ Ngài: chùa Quốc Ân, chùa Hà Trung (Thừa Thiên Huế), chùa Thập Tháp (Bình Định), chùa Phật Quang (Phan Thiết), chùa Giác Lâm (Sài Gòn),…

Sau khi Tổ Minh Dung viên tịch (năm 1749), kế thừa Ngài là Đại sư Thiệt Giám – Trí Quang, quê thôn Đại Thạnh, xã Long Phụng, huyện Mộ Đức. Trong Gia phả họ Huỳnh lưu giữ tại chùa Trường Thọ (xã Đức Thắng hiện nay) ghi thế danh của Ngài là Huỳnh Thế Chất, chú ruột của Nhị Tổ Sắc tứ Thiên Ấn Tự – Huỳnh Thế Khánh Vân. Gia phả không ghi giờ, ngày, tháng, năm sanh, tịch, chỉ ghi ngày giỗ cùa Ngài Thiệt Giám là ngày 18 tháng 3. Long vị thờ Ngài tại chùa Liên Tôn và chùa Phước Quang (Nghĩa Hòa) cũng không ghi. Tuy nhiên, trong bản văn tự Hán Nôm tìm được thì Ngài Thiệt Giám giao lại tài sản Tam Bảo chùa Liên Tôn cho Thầy Bảo vào ngày 15 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 42 – 1782. Trong số văn tự Hán Nôm này có 1 bản năm Cảnh Hưng thứ 29 – 1769, Nhị Tổ Huỳnh Thế Khánh Vân và Chư Tăng chùa Liên Tôn đồng ký giao cho Huỳnh Thế Pháp để nuôi 10 Tăng chúng và 15 Tăng tại Sắc tứ Đinh Quang Tự và Danh Lam Tự.

Từ khi Tổ Thiệt Giám giao chùa Liên Tôn cho Thầy Bảo năm 1782 về sau, ta chưa tìm được sử liệu quý Tổ kế thừa. Còn mộ tháp Tổ Minh Dung, văn bia đã bị mờ nhạt qua thời gian, không đọc được.

Năm Nhâm Tý – 1912, trụ trì chùa Sắc tứ Liên Tôn là Ấn Chơn – Phước Điền Đại sư cùng với quyền chủ tự Phan Hội chế cúng quả chung tại chùa được Ngũ Tổ Thiên Ấn là Giáo Thọ Hoằng Phúc chứng minh. Hiện nay, quả chung này còn tại chùa.

Mãi đến năm 1955, Khuôn hội Phật giáo xã Tư Duy (Nghĩa Trung) được thành lập và đề cử Ban hộ đạo luân phiên thay nhau chăm sóc, tu bổ và tổ chức sinh hoạt Phật sự đi vào nề nếp:

-Từ năm 1963 – 1975 bổn đạo cung thỉnh Đại đức Thích Hạnh Thường về trụ trì.

-Từ năm 1975 – 1979 Đại đức Thích Hạnh Cang trụ trì.

-Từ năm 1980 – 1990 do Ban hộ niệm cai quản.

-Từ năm 1991 đến nay (2010), Sư cô Thích nữ Hạnh Tường thế danh Nguyễn Thị Mỹ Phước, pháp danh Thị Tịnh quê ở Thừa Thiên xuất gia năm 1972 tại chùa Tịnh Nghiêm (La Hà) về trụ trì chùa.

Năm 2000, chùa được tu sửa, tên chùa Sắc tứ Hoàng Long và Sắc tứ Liên Tôn đã đi vào dĩ vãng để thành “Chùa Phật giáo An Hà”.

Chùa lấy ngày 18 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày hiệp kỵ liệt tổ.

Chú thích:

(1) Theo lời truyền lại Tổ khai sơn chùa Sắc tứ Liên Tôn lên giàn hỏa tự hiến pháp thân cúng dường Tam Bảo.

 

CHÙA AN HỘI

Chùa An Hội toạ lạc tại Xóm 2, thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Thượng tọa Thích Vĩnh Ân lập dựng vào năm Mậu Ngọ 1978 và trụ trì. Thượng tọa Thích Vĩnh Ân, Pháp tự Giải Pháp, đệ tử của Hòa thượng Thích Huyền tế (trụ trì chùa Bảo Linh). Thượng tọa thế danh là Phạm Ngọc Quí, sinh năm 1926, tại xã Nghĩa Kỳ – Tư Nghĩa – Quảng Ngãi, xuất gia năm 1964 tại Tăng học đường Trúc Lâm (Sơn Tịnh), thọ Sa di năm 1967 tại chùa Pháp Hoa (tỉnh Quảng Đức cũ), thọ Tỳ kheo năm 1972 tại Phật học đường Huyền Trang (Mỹ Tho) do Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm đường đầu.

Chùa An Hội xây dựng đơn sơ, vách gạch, lợp ngói, trọn vẹn trong diện tích không quá 100m2. Đất dựng chùa do vợ chồng cư sĩ Hà Công và Trần Thị Phi cúng hiến. Ngôi chánh điện thờ Phật Thích Ca, Phật tượng Thích Ca nguyên từ chùa Vức An Hội di thỉnh về đây an vị, tượng Di Lặc do Thượng tọa Thích Hạnh Ngộ phụng cúng.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ lớn.

 

CHÙA SẮC TỨ AN LONG

Chùa Sắc tứ An Long toạ lạc tại Đội 8, thôn La Hà, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các cứ liệu cung cấp tại lễ khánh thành chùa vào ngày 16 tháng 3 năm Bính Tý (3/5/1996) thì sơ khai chùa tọa lạc trên đồi rừng Cấm, thuộc La Hà Thạch Trận, cách chùa bây giờ khoảng 1km về hướng Tây. Và theo Phổ tự thì chùa có vào năm Canh Thân (1680), niên hiệu Chính Hòa thứ I, đời Lê Hy Tông.

Chùa xưa, nguyên thủy do ông Hồ Phúc Thịnh từ miền Bắc vào đây sinh sống, đã dựng lên một tiểu am thờ Phật, mộ táng của ông còn nằm sau am. Khi chúa Nguyễn Ánh trên đường phục quốc, có tá túc ở am này. Sau ngày lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802) ban phong “Sắc tứ An Long Tự”.

Thời Tây Sơn (1788-1801), trong chủ trương chỉnh đốn, làng La Hà có nhiều am tự, như am xóm Phú Lợi, xóm Bắc Trung Nghĩa, chùa Cây Da, chùa Ông Đã,… sát nhập chung vào chùa An Long, nên gọi là chùa La Hà. Thể hiện chùa Ông Đã sung cúng 3 sào ruộng, chùa Cây Da sung cúng một vườn chùa, hiện nay vẫn còn.

Hai thế kỷ trôi qua, chùa La Hà dần hồi xuống cấp. Được biết đến năm 1946, trụ trì chùa là Hòa thượng Tổ Duyên, pháp hiệu Hoằng Cứ, tuổi già sức yếu nên cáo lui về Tịnh Thất và viên tịch năm 1949.

Từ 1946-1951, Ngài Tổ An, pháp hiệu Phước Thới, thay thế trụ trì. Nhưng Ngài không ở tại chùa mà ở Tịnh Thất, giao toàn bộ cho cụ ông Lê Hữu Tập cai quản. Tiếp đến, chùa bị bom đạn chiến tranh phá hủy.

Từ 1952 – 1954, mọi sinh hoạt tu niệm đều cử hành tại nhà cư sĩ Lê Hưng. Sau 1954, Niệm Phật Đường La Hà được xây dựng và hoàn thành vào năm 1957 (toạ lạc tại Đội 8, thôn La Hà, xã Nghĩa Thương ngày nay), do bổn đạo mua ngôi nhà bằng tre gỗ của ông Đinh Duy Nga, dựng trên hai mảnh đất do Ni cô Tâm Vy thế danh Lê Thị Năm và ông bà Lê Bình hiến cúng.

Năm 1961, cư sĩ Lê Lịch hiến cúng 216m2 đất, nối thêm Niệm Phật Đường, xây dựng thành một ngôi chùa rộng rãi, lấy lại tên chùa xưa “Sắc tứ An Long”, hoàn thành vào tháng 2/1962. Còn đất và nền chùa La Hà cũ trên đồi rừng Cấm, Khuôn hội Phật giáo La Hà nhượng cho Sư bà Thích Nữ Như Huyền, Ni bộ Bắc Tông Quảng Ngãi vào ngày 10/12/1969, để xây dựng Ni viện Phật giáo, nay là chùa Tịnh Nghiêm La Hà.

Từ 1962 – 1974, chùa Sắc tứ An Long do Thượng tọa Thích Diên Thành trụ trì. Tháng 2/1969, chùa lâm vào sự cố chiến tranh, tượng Trung Tôn bị tỳ tích, tẩm điện sụp đổ, pháp khí, văn khế, phổ tự bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 1974, Thượng tọa Diên Thành cáo lão về Tịnh Thất ở Đức Phổ, cư sĩ Lê Bình đảm nhận trông coi.

Năm 1975, Thượng tọa Thích Huệ Đạt về trụ trì, ổn định Phật sự và đặt vấn đề trùng tu. Thượng tọa Thích Huệ Đạt, thế danh Lê Nguyện, thọ Sa di năm 1962, thọ Tỳ kheo năm 1970 tại Đại giới đàn Phổ Đà (Tp. Đà Nẵng) do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu. Thượng tọa đã qua Trung đẳng Phật giáo tại Phật học viện Nha Trang, là thành viên MTTQVN huyện Tư Nghĩa, thành viên HĐND huyện Tư Nghĩa (1981-1983); nay là Chánh đại diện GHPGVN huyện Tư Nghĩa.

Năm 1986, Trưởng ban hộ tự chùa Sắc tứ An Long là cư sĩ Lê Hưng qua đời, cư sĩ Lê Vy thay thế và cũng qua đời năm 1991, cư sĩ Lê Liên được mời làm Trưởng ban hộ tự.

Năm 1992, Phật tử Trần A và gia đình phụng cúng bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Khởi đầu cho việc trùng tu chùa là xây dựng ngôi bảo tháp Quan Âm và lễ an vị cũng vào ấy (năm Nhâm Thân – 1992).

Năm 1995, khởi công trùng tu chùa Sắc tứ An Long (có xây dựng Đoàn quán GĐPT Chơn An) và hoàn tất khánh thành vào năm Bính Tý (1996).

Lễ Hiệp kỵ tại bổn tự vào ngày 6 tháng 12 âm lịch hằng năm. Mỗi tháng, chùa tổ chức Bát Quan Trai vào ngày 7 và 8 âm lịch. Ngoài ra, cứ 3 tháng một lần, cùng với Huyện hội PGVN Tư Nghĩa tổ chức tu Bát Quan Trai tại đây vào các ngày 25, 26, 27 âm lịch.

CHÙA AN LONG

Chùa An Long toạ lạc tại Đội 2, thôn An Đại, xã Nghĩa Phương, huyện Tư  Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có từ lúc nào, đến nay vẫn chưa được xác định. Qua các biến cố thời đại, chùa cũng đã từng di chuyển, sinh hoạt tùy nghi ở mỗi địa điểm cũng trong làng An Đại.

Năm Mậu Tuất 1958, các cư sĩ lão thành Kiều Bính, Lê Toản, Võ Minh Sơn đứng ra tái lập chùa, từ một ngôi chùa cổ đã bị hoang phế. Sơ khởi chùa chỉ bằng tre tranh vách đất, lần hồi cải tạo có hình thức như ngày nay, với tên gọi “An Long”. Chùa còn có tên gọi là chùa “Cây Da” (vì bên tay trái cổng chùa có cây Da, gốc Da ba người ôm, phủ táng che bóng mát). Bên phải chùa là Nghĩa từ của làng.

Chùa An Long nằm trên thế đất cao như một ngọn đồi liền với thổ sơn. Đường vào chùa lên dốc và được đổ bê tông, xung quanh có nhiều đá tảng, cây cối tạo màu xanh thanh thoát. Chùa hướng về Tây-Nam, trông ra đồng ruộng, dãy núi Trọc chắn ngang trước mặt, tưởng chừng như cánh quạt thiên nhiên.

Trước 1975, chùa có mở trường Mẫu giáo, hướng dẫn các em học vỡ lòng và vui chơi. Tổ chức tu Bát Quan Trai, tổ chức Gia đình Phật tử sinh hoạt học tập giáo lý (một bộ phận của GĐPT Chơn Trí, xã Nghĩa Phương. Nay hình thành GĐPT Chơn Như do anh Nguyễn Vinh Hoa, pháp danh Như Đàm làm Gia trưởng).  Chùa cũng đã qua các đời trụ trì, từ Đại đức Thích Giải Hương, Thích Trí Quang, Thích Như Anh, Thích Hạnh Lý, Thích Hạnh Minh, Sư cô Thích nữ Hạnh Thuần (1975), Đại đức Thích Như Thiện (1976), đến 1979, chùa do Ban Hộ Tự cai quản, cư sĩ Nguyễn Vinh Hoa, pháp danh Như Đàm làm Trưởng ban.

Năm 2000, Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Liên Trang làm trụ trì. Sư cô Thích Nữ Liên Trang sinh 1941, thế danh Lê Thị Thanh Xuân, thọ Sa di năm 1992, thọ Tỳ kheo năm 2003 tại Đại giới đàn Thiện Hòa (Bà Rịa – Vũng Tàu) do Ni trưởng Thích Nữ Như Hương làm Đường đầu.

 

CHÙA AN THANH

Chùa An Thanh toạ lạc tại thôn An Bàng, thuộc địa bộ Phú Mỹ, Hòa Lan xứ, nay là khối 2, Thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa được khai lập do cụ ông Nguyễn Được, pháp danh Thị Quả cùng bà con trong địa phương chung nhau đóng góp mua mảnh đất để xây dựng chùa thờ Phật vào năm 1956, hoàn thành vào ngày 14/3/1957. Cụ ông cũng đứng ra thành lập Ban Hội của chùa để chăm lo đời sống tinh thần, ông Nguyễn Ngô làm Hội trưởng, Thư ký Nguyễn Đăng Thiện, Phó thư ký Trần Đình Huy, cùng các thành viên Tạ Châu, Phó Lý Quán, Lương Du, Biện Thị Nhự,… Lúc bấy giờ có cụ bà Nguyễn Thị Mẹo, pháp danh Thị Mực hiến cúng 2 sào ruộng, tọa lạc trên cầu Ông Tổng làm tài sản Tam Bảo, bổn đạo canh tác cho đến nay. Hiện sau khuôn viên chùa còn mộ táng cụ ông Nguyễn Được, cụ bà Nguyễn Thị Mẹo và bà Võ Thị Chút, pháp danh Thị Nhỏ là những người có nhiều công quả đóng góp cho chùa.

-Từ 1958 – 1968: Đại đức Thích Long Viên (tức Thầy Ba) trụ trì.

-Từ 1968– 1974: Đại đức Thích Phát Huy trụ trì. Đại đức thế danh Huỳnh Văn Đoàn, thọ Sa di năm 1970, thọ Tỳ kheo năm 1973 tại Đại giới đàn Thiền Lâm (Sài Gòn) do Hòa thượng Thích Trí Hưng làm Đường đầu.

-Từ 1976 – 2006: chùa không có trụ trì, bổn đạo tự cai quản. Trưởng ban Hộ tự là cư sĩ Trần Đình Huy.

-Từ 2006 – 2007: cư sĩ Huỳnh Văn Đoàn (nguyên là Đại đức Thích Phát Huy) tự nguyện về chùa tham gia Phật sự và cùng bổn đạo tu học.

-Năm 2007, chùa trùng tu toàn diện.

-Từ tháng 02.2010, Đại đức Thích Hạnh Quả được bổ nhiệm về trụ trì. Đại đức Thích Hạnh Quả, thế danh Trần Minh Phụng, thọ Sa di năm 2002, thọ Tỳ kheo năm 2006 tại Đại giới đàn Linh Nhạc Phật Ý (Tp. Hồ Chí Minh) do Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Đường đầu.

Lễ Hiệp kỵ tại bổn tự vào ngày 21 tháng 5 âm lịch, cúng tiến hương linh vào ngày 26 tháng chạp âm lịch hằng năm.

CHÙA AN THỌ

Chùa An Thọ toạ lạc tại xóm Trường Thọ, thôn Điện An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có diện tích gần 2 sào, nằm tại khu mộ cổ Lăng Ông Lớn (thường gọi là Lăng Ông) không rõ chính danh – nhưng được biết là một công thần phò vua Gia Long trên đường phục quốc. Đất xây dựng chùa nguyên là đất tư của vợ chồng ông bà Phạm Chi hiến cúng vào năm Canh Tuất – 1970. Và cũng trong năm này, Tỳ kheo Thích Hạnh Đức lập chùa tu hành và trụ trì bổn tự. Tỳ kheo Thích Hạnh Đức, thế danh Nguyễn Lòng, xuất gia năm 1964, thọ Sa di năm 1967, thọ Tỳ kheo năm 1970 tại Đại giới đàn Long An do Hòa thượng Thích Quang Lý làm Đường đầu.

Từ liên lộ La Hà đi Nghĩa Thương khoảng 3km, vào cổng chùa An Thọ 50m. Chùa ở trên vị thế cao như đồi đất, mặt bằng được trải thành từng bậc, xung quanh không tường rào, khuôn viên chùa có nhiều tảng đá lớn nhỏ nằm la liệt, cảnh trí tự nhiên hoang sơ.

CHÙA BỬU MINH

Chùa Bửu Minh tại Tổ 3, thôn Điện An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa lập trên đất lưu hạ của ông bà, sơ khởi từ cố Đinh Duy Liễn và cố Bùi Thị Dơi thừa kế, để lại cho con là Đinh Duy Thoàn, xây dựng vào năm Đinh Mùi (1967), nhưng năm 1969 đã bị thiêu hủy trong chiến tranh.

Năm Nhâm Tý (1972), Đại đức Thích Giải Chương tái tạo lại chùa dưới hình thức “cải gia vi tự” và trụ trì cho đến nay. Đại đức Thích Giải Chương, pháp danh Long Khoa, thế danh Đinh Duy Thoàn, xuất gia năm 1963, thọ Sa di năm 1965, thọ Tỳ kheo năm 1968 tại Đại giới đàn Bửu Quang (quận Tư Nghĩa cũ, nay là TP Quảng Ngãi) do Hòa thượng Thích Quang Lý làm Đường đầu.

Năm 1998, Phật tử TP Hồ Chí Minh cúng dường quả chuông đồng nặng 75kg. Năm 1999, chùa trùng tu toàn diện.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ lớn. Ngày giỗ chính của chùa vào ngày 13 tháng 3 âm lịch hằng năm.

 

CHÙA BỬU PHƯƠNG

Chùa Bửu Phương toạ lạc tại thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Đại đức Thích Long Văn xây dựng trên đất gia tộc.

Đại đức Thích Long Văn, pháp danh Như Thành, thế danh Võ Quang Trung, sinh năm 1935, tại xã Nghĩa Mỹ thọ Sa Di năm 1966, thọ Tỳ Kheo năm 1968 tại Đại giới đàn Bửu Quang (quận Tư Nghĩa cũ, nay là TP Quảng Ngãi) do Hòa thượng Thích Quang Lý làm Đường đầu.

Sau ngày thọ Tỳ Kheo, Đại đức phát nguyện cải gia vi tự, biến Từ đường thành ngôi Tam Bảo, vừa thờ Phật, vừa thờ cửu huyền thất tổ, chính thức được lập ngày 15.11.1969.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ vía Phật.

CHÙA CẢNH TIÊN

Chùa Cảnh Tiên toạ lạc tại Đội 4, thôn 2 Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các bậc côi trưởng lão thành, thì chùa có từ thời Gia Long, niên hiệu thứ 16 (Đinh Sửu-1817). Dù không còn di chỉ nhưng dấu tích chùa xưa vẫn còn cho đến nay. Chùa sơ khai chỉ là một am tự và năm Tân Mẹo (1891) dân trong làng tạo dựng thành ngôi chùa bằng tre tranh vách đất, nhưng 10 năm sau đã bị hoả hoạn.

Năm Tân Hợi (1911), Hòa thượng Hoằng Thanh đứng ra kêu gọi làm lại chùa, lấy tên “Cảnh Tiên Tự”. Hòa thượng Hoằng Thanh, húy Ấn Tịnh, tự Kim Liên, dân làng thường gọi là Thầy Quỳ. Hoà thượng là đệ tử của Ngài Giác Tánh, huý Chương Khước, tự Tông Tuyên. Năm Duy Tân thứ 6 (Nhâm Tý – 1912), Hoà thượng phát nguyện đúc Hồng chung lưu dấu ấn cho chùa, nay vẫn còn tại lầu chuông. Năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng Hoằng Thanh viên tịch.

Cảnh Tiên tự là ngôi chùa mà Thượng Thủ Giáo hội Tăng Già là Hòa thượng Thích Khánh Anh xuất gia, quy y tại chùa này năm 1916 với Bổn sư trụ trì là Hòa thượng Hoằng Thanh.

Năm Giáp Tuất (1934), trụ trì kế thừa là Hòa thượng Diệu Đàm, húy Chơn Sắc, dân làng thường gọi là thầy Cứ. Năm 1935, Ngài xây cổng tam quan bằng vôi gạch, nay vẫn còn di tích. Năm Đinh Sửu (1937), Ngài trùng tu chùa. Năm Nhâm Thìn (1952), Ngài viên tịch, mộ táng tại chùa và được trùng tu vào năm Ất Hợi (1995).

Trước 1957 thành lập GĐPT Chơn Sắc sinh hoạt tại chùa (đến 2009 được phục hồi sinh hoạt).

Từ 1952 – 1965, chùa vắng trụ trì, bom đạn chiến tranh xâm hại. Năm Bính Ngọ (1966), Ngài Viên Thọ, pháp danh Như Hóa về trụ trì, nhưng tuổi già sức yếu, chẳng bao lâu thì viên tịch. Năm Đinh Mùi (1967), Tỳ kheo pháp danh Như Khai, thế danh Lê Giải Đạt thay thế trụ trì. Ngài cùng với Khuôn trưởng Phật giáo Vạn An Võ Đình Kế, vận động tu chỉnh lại chùa cho đến sau 1975, chùa xuống cấp. Năm Đinh Tỵ (1977), Ngài viên tịch. Chùa do Khuôn trưởng Phật giáo Vạn An Võ Đình Khóa đảm nhiệm. Tiếp theo là cư sĩ Lê Đăng Tiếp, pháp danh Tâm Tưởng cai quản.

Năm 1982, chùa cử Ban Hộ Niệm, cư sĩ Võ Đình Đông là Trưởng ban. Hiện nay là Ban Hộ tự Tam bảo, cư sĩ Nguyễn Quang Thiệu, pháp danh Tâm Long là Trưởng ban. Năm Đinh Hợi (2007), Đại đức Thích Tâm Quang được bổ nhiệm về trụ trì.

Đại đức Thích Tâm Quang, pháp hiệu Đạt Niệm, thế danh Võ Trọng Nhân, thọ Tỳ kheo năm 1994 tại Đại giới đàn Thiện Hoa (Vĩnh Long) do Hòa thượng Thích Tất Pháp làm Đường đầu, Tốt nghiệp Cao Đẳng Phật học, chuyên ngành Hoa Văn, tại Học viện Vĩnh Nghiêm (Tp. Hồ Chí Minh).

Năm 2008, chùa xúc tiến công trình đại trùng tu, có diện tích xây dựng khoảng 253m2, trong khuôn viên 3870m2. Hiệp kỵ của chùa vào ngày 12 tháng 9 âm lịch hằng năm.

CHÙA  CHÁNH AN

Chùa Chánh An toạ lạc tại Đội 6, thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên chùa thuộc làng Nghĩa An, sau 1954 cải tổ là xã Tư Quang, nay là xã Nghĩa Điền. Chùa tạo dựng lần thứ nhất do Quyết định số 06/PG/QN ngày 24/10/1964 của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi. Cho phép Vức hội Phật giáo Chánh An xây cất trên diện tích 1 sào trong khoảnh đất mang số hiệu 2728, tọa lạc tại xứ Rừng Sóc, còn gọi là xứ Xuân Điền thuộc xã Tư Quang, do bà Tôn Thị Phương hiến cúng. Nhưng năm 1969, chùa bị thiêu hủy trong chiến tranh.

Năm Canh Tuất (1970), Vức hội Phật giáo Nghĩa An Đông, cùng bổn đạo đóng góp mua một khoảnh đất khác của ông là Lê Giám để lập chùa mới trên diện tích 3 sào, tồn tại đến bây giờ, nay tại đội 6.

Trụ trì đầu tiên của chùa và cho đến hôm nay là Đại đức Thích Giải Thiện, thế danh Nguyễn Khanh, pháp danh Như Phước. Xuất gia năm 1961, thọ Sa di năm 1964, thọ Tỳ kheo năm 1969, tại Đại giới đàn chùa Từ Quang (Mộ Đức) do Hòa thượng Thích Vĩnh Huệ làm Đường đầu (Quyết định số 084/TB-BTS ngày 01/01/1999 của Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi).

Chùa giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ Phật. Hiệp kỵ của chùa vào 14 tháng chạp âm lịch hằng năm.

CHÙA CHÂU LONG

Chùa Châu Long toạ lạc tại xóm 2, thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi.

Theo các bậc lão thành thì chùa Châu Long có vào thời Gia Long (1802-1819). Do Tiền hiền các Phái họ Bạch, Phạm, Nguyễn, Lê… và thân hào nhân sĩ địa phương cùng đứng ra lập dựng, bằng tre tranh vách đất, nguyên thủy tại thôn Xuân Phổ trong xã.

Năm Duy Tân thứ 7 (Quí Sửu – 1913), được di chuyển về thôn Mỹ Thạnh Trại, nay là xóm Mỹ Hòa Tây, thôn Mỹ Thạnh Bắc, cùng xã bây giờ. Chùa nằm trong khuôn viên rộng, điền sản Tam Bảo có đến 20 mẫu, gồm non 10 mẫu đất thổ, và non 10 mẫu ruộng cấy. Từ xưa, tập quán trong vùng đã gắn liền địa danh với ảnh hưởng của chùa, như Đập Chùa, Ruộng chè xôi, Thổ Chùa, vườn chùa.

Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ (1945-1975), chùa lâm vào cảnh suy sụp, sự truyền thừa mất dần căn cứ. Mặc dù năm Mậu Tuất (1958), chùa được trùng tu, xây gạch, lợp mái và đi vào sinh hoạt căn bản. Năm 1960, chùa có mời thầy Bảo về trụ trì được 2 năm rồi vào Nam. Năm 1962, chùa mời thầy Toán, thế danh Lê Hoàng, quê Mỹ Thạnh, thay thế trụ trì.

Cũng trong năm 1962, khuông hội Phật giáo địa phương thành hình, Khuông trưởng Lê Cẩn, đến Lê Me, và các đạo hữu Bạch Mão, Phạm Thảo, Lê Công Tu, Lê Ru. Đồng thời thành lập Gia đình Phật tử Chơn Thịnh, do Gia trưởng Nguyên Cát, Liên đoàn trưởng Nguyễn Quang Luân.

Năm 1967, giao tranh ác liệt xảy ra tại đây, chùa bị bom đạn sụp đổ hoàn toàn. Các thầy ở chùa như thầy Toán, thầy Chí, thầy Thông, thầy Tấn… phải về tu tại gia. Hiện chùa vẫn còn nền móng dưới đống gạch vụn, và dinh thờ thần, cấu trúc hồ vôi, rêu mờ nét chữ và hình tượng thần, tương truyền là thần Le Lưỡi.

Sau 1975, bổn đạo tự nguyện dựng lên mái tôn trống trải, diện tích không quá 2mx4m, an vị Phật trên bệ đá, với đôi chuông mõ và pho tượng bằng gỗ mít không rõ hình dáng khoảng 5kg, kỷ vật của ngôi chùa xưa.

Nói chung, chùa Châu Long dù trong hoàn cảnh nào, bổn đạo cũng luôn thay nhau duy trì truyền thống. Nay chùa thành lập Ban Hộ Tự gồm 9 thành viên, do Trưởng ban Phạm Thảo và có nguyện vọng xin trùng tu.

Điện thoại liên hệ: 0906569629 – 01668725767.

CHÙA ĐIỀN LONG

Chùa Điền Long tại Đội 12, thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa hướng về Tây-Nam, trên đất nguyên của vườn Đình xóm An Điền cũ, nay còn Nghĩa từ và dinh Bà ở hai bên. Do nhà đạo tâm, thường gọi là Đại Lý Ngùy sáng lập, trước với danh nghĩa thờ Phật, sau làm từ thiện, lo việc tang lễ, cứu giúp người tàn tật, đau ốm, già cả neo đơn. Nhưng thời gian quá lâu, chùa đã bị tiêu tàn trong chiến tranh chống Pháp (1945-1954).

Đến năm Mậu Tuất (1958), Khuôn hội Phật giáo xã Tư Quang, nay là xã Nghĩa Điền, cùng Vức hội Phật giáo An Điền, có các cư sĩ Ta Ngữ và Võ Nhượng, vận động bổn đạo tái tạo trong điều kiện chùa Vức, dưới cấp 4, xây gạch, lợp tôn, trong diện tích chung khoảng 4 sào. Năm 2004, chùa được trùng tu hoàn bị, Nghĩa từ và dinh Bà được tu chỉnh. Mở thêm phần sau làm nhà Hội, nhà Trù, nhà Tăng, và công trình phụ.

Chùa từ trước không trụ trì, do Ban Hộ tự cai quản, gồm 6 thành viên, cư sĩ Phan Xảo là Trưởng ban. Nhưng cư sĩ vừa qua đời năm 2009, cư sĩ Đặng Văn Định tạm thời đảm nhiệm. Hiện bổn đạo có mời Ni sư Thích Nữ Phước Hạnh về trụ trì và đang hoàn tất các thủ tục hành chính.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ Phật.

CHÙA ĐÔNG THỌ

Chùa Đông Thọ, tại Đội 1, thôn Năng Đông, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do ông bà Chế Viên xây dựng vào năm Mậu Tuất 1958, trên đất tư nhân của ông bà Đồng Hòn cúng dường Tam Bảo. Quá nhiều biến động đất đai, diện tích chung nay không quá 5mx 20m = 100m2.

Sau 1975, cư sĩ Nguyễn Văn Tùng, pháp danh Giải Minh có sửa chữa nhỏ. Năm 2000 mới tu chỉnh phân giới giữa chùa và nhà ở  kế cận. Diện tích chùa không quá 4m x 5m = 20m2, chẳng khác nào một cái am trong xóm. Ngoài diện tích xây dựng là chiếc sân vuông, có bệ thờ Quan Thế Âm. Trước mặt tiền đường là bình phong đắp hình ông hổ, lại có cảm tưởng đây là dinh thờ thần. Liền với bình phong là cổng xây cao sát lộ với ba chữ “Chùa Đông Thọ”.

Từ ngày ông bà Chế Viên và ông bà Đồng Hòn qua đời, có cư sĩ Võ Minh cai quản. Hiện tại do Ban Hộ Tự gồm ba thành viên, cư sĩ Bùi Bi là Trưởng ban, Nguyễn Tấn Hưởng Phó ban, Lương Trợ thủ quỹ, tất cả đều phụng sự do tâm nguyện và trong điều kiện eo hẹp.

Chùa Đông Thọ có tên trong địa phương lâu nay, đang cần nhiều sự quan tâm tích cực, để tạo điều kiện trùng tu, đưa vào sinh hoạt bình thường.

CHÙA ĐỨC LONG

Chùa Đức Long tại thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Có vào thời nhà Nguyễn, không rõ đời vua nào, do các vị Tiền hiền bốn phái họ Phan, Bùi, Nguyễn Phi và Nguyễn Công chung sức lập chùa thờ Phật, bằng mái tranh vách đất, trên khu đất trung tâm thôn Điền Trang, và mời sư Hải Tuệ về trụ trì. Khi sư viên tịch, chùa vắng người ở, trong hàng đạo tâm có Lý trưởng Nguyễn Phỉ Lê, cùng các ông Nguyễn Phỉ Liêm, Bùi Lương, Phan Hanh, Phan Thuần, Phan Ưu,… vận động lập chùa mới trên khu đất gần đình Điền Trang, có diện tích hơn 1300m2, cũng bằng mái tranh vách đất, nay thuộc xóm 11, HTX Nông nghiệp Châu Phú Điền.

Qua 9 năm kháng chiến (1945-1954), làng Điền Trang không ít lần bị bom đạn, nhưng chùa vẫn được bảo tồn. Đến 1958, chùa được bổn đạo xây dựng lại bằng gạch ngói, tương đối khang trang.

Năm 1960, chùa cung thỉnh Thượng tọa Thích Viên Lâm về trụ trì và đúc Hồng chung 65kg vào năm 1966. Gia đình đạo tâm Phan Thắng cúng hiến 1360m2 đất ruộng tại thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung. Các cư sĩ Nguyễn Phỉ Tri, Phan Hanh, Bùi Lương, Phan Thăng cúng hiến 1460m2 đất ruộng tại bộ An Hà 3, xã Nghĩa Trung.

Năm 1972, đệ tử của Thượng tọa Viên Lâm là sư Thích Hạnh Thống, thế danh Đoàn Mậu thay thế trụ trì, đến 1979, già yếu phải trở về tư thất. Chùa tạm thời do các cư sĩ Phan Ưu, Nguyễn Phỉ Quế, Phan Văn Phùng điều hành Phật sự, gia đình các cư sĩ Nguyễn Soạn, Nguyễn Chè lo việc hương đăng.

Năm 1973, đệ tử của Thượng tọa Viên Lâm là sư Thích Hạnh Thông, thế danh Đoàn Hường, về làm trụ trì, đến năm 2000 giao cho Ban Hộ Tự cai quản. Gồm các cư sĩ Phan Văn Phùng, Nguyễn Chí Quốc, Nguyễn Phỉ Quế, Nguyễn Đường, Nguyễn Hòa, Bùi Thương, Trương Quang Thiệu.

Từ 2005 đến nay, BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi, bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Trung Hiệp về trụ trì. Sư cô thế danh Đinh Thị Kim Khánh, xuất gia năm 1990, thọ Sa di năm 1991, thọ Tỳ kheo năm 1998, tại Đại giới đàn Từ Nghiêm (Tp Hồ Chí Minh), do Đường đầu Hòa thượng Ni trưởng Thích Nữ Như Thanh.

Điện thoại liên hệ: 055.3911431

CHÙA HOA SƠN

Chùa Hoa Sơn tại xóm Vĩnh Thọ, thôn Cổ Lũy Bắc, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có từ xa xưa, theo các bậc lão thành địa phương cho biết, chùa do các bậc Tiền hiền của bốn họ Phan-Trần-Trịnh-Nguyễn, đứng ra lập dựng vào thời Cảnh Thịnh (1793-1800). Đến đời con cháu của bốn họ này cải tạo thành ngôi chùa, trên thờ Phật, dưới thờ Tổ tiên, hai bên chư Thánh, dưới hình thức một ngôi chùa làng, lấy tên Hoa Sơn Tự. Vào thời Gia Long (1802-1819), dân làng có mời các vị Tăng sư về trụ trì, nhưng qua các thời đại thăng trầm, chùa chịu nhiều ảnh hưởng tang thương, các vị Tăng sư bị gián đoạn, thất tung, có vị còn mộ phần nhưng bia ký không còn.

Có điều đáng chú ý là các Sắc phong thần từ thời Minh Mạng (1820-1840) trở về sau, tại Hoa Sơn Tự vẫn còn lưu giữ nguyên trạng trong hộp gỗ sơn son. Ngoài ra còn di tích hai pho tượng cốt ông Thiện, ông Ác bằng hợp chất từ lâu đời, mỗi tượng nặng khoảng 1.5 tấn, hiện đối diện nguyên vị trước Chánh điện.

Chùa cũng được trùng tu lần đầu tiên vào thời Pháp thuộc, nhưng đã bị hư hoại trong kháng chiến 1 (1945-1954). Sau 1954, trùng tu lại lần nữa, đơn sơ không cho mất nền tảng. Lần trùng tu mới nhất vào năm 2002, có hình thức quy mô, trong tổng diện tích non 1000m2.

Hơn 30 năm trở lại đây, chùa không trụ trì, ngoài cư sĩ Võ Đình Liên, pháp tự Hạnh Nguyện, đệ tử của Hòa thượng Thích Huyền Đạt, được cử về làm Giám tự từ 1991-2004. Cùng với Ban Hộ tự gồm 4 thành viên, Trưởng ban gần nhất là Cư sĩ Phan Xuân.

Năm 2005, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi bổ nhiệm Đại đức Thích Như Tiến, thế danh Phạm Quang Quyền, sinh năm 1972, tại Lý Sơn. Xuất gia năm 1990, thọ Sa di năm 1993, thọ Tỳ kheo năm 1996, tại Đại giới đàn Thiện Hòa (Bà Rịa – Vũng Tàu), do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Nguyên, về làm trụ trì, chính thức vào ngày 15/3/2007.

Trong năm 2007, chùa được chỉnh trang toàn bộ có phần mỹ quan. Mua thêm đất mở rộng khuôn viên và kiến tạo các công trình xây dựng mới.

Điện thoại liên hệ: 055.3846633 – 0914028046

CHÙA HÒA QUANG

Chùa Hòa Quang tại Đội 6, thôn La Châu, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Là một ngôi chùa có từ lâu đời, do Hòa thượng Thích Hoằng Chí khai sơn vào khoảng cuối thế kỷ 19. Đến khi Hòa thượng viên tịch, đệ tử của Ngài là Hòa thượng Thích Quang Bửu, thế danh Phan Văn Hậu, pháp danh Chơn Phước (Hạ Tòng) kế vị trụ trì. Nhưng thời gian đã xóa mờ dấu sử, cơ sở vật chất của chùa cũng theo đó mà tiêu sơ.

Năm Đinh Dậu (1957), Tòng lâm Đạo thống Sơn môn tỉnh Quảng Ngãi cử Thượng tọa Thích An Trung, thế danh Phan Hoàng về đây trụ trì.

Kể từ đó, chùa được trùng tu lần thứ nhất vào năm 1967, lần thứ hai vào nawm1992, nằm trong diện tích non 1000m2.

Từ 1999 đến nay, Đại đức Thích an Chiếu, thế danh Phan Thoại sinh quán thôn La Châu, xã Nghĩa Trung là người kế vị trụ trì. Đại đức đã học hết Trung cấp Phật học Viện Nha Trang. Thọ Tỳ kheo năm 1964, tại Đại giới đàn Từ Lâm (Tư Nghĩa), do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Hưng.

Chùa hướng về Đông, dưới cấp 4, nằm sâu trong xóm nhỏ. Từ hương lộ Nghĩa Trung đi La Châu vào 100m, thấy cổng đề “Chùa Hòa Quang”, bên góc trái sân chùa là mộ tháp của cố Thượng tọa An Trung. Ngôi chánh điện thờ Phật Thích Ca, cùng với các tượng Quan Âm, Địa Tạng, Hộ Pháp, Tiêu Diện.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một, và các ngày lễ Phật. Ngày hiệp kỵ của chùa là ngày giỗ chung các Hòa thượng Hoằng Chí, Quang Bửu, An Trung, Trí Hưng vào 7 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Điện thoại liên hệ: 055.3910745

CHÙA HỘI LONG

Chùa Hội Long tại Đội 9, xóm Xuân Ba, thôn La Châu, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyên xưa có tên gọi là chùa La Châu, vì thuộc làng La Châu.

Theo bút tích và các di vật còn lưu lại thì chùa tạo dựng từ năm Giáp Ngọ (1774) đời Cảnh Hưng thứ 35. Thời Gia Long (1802-1819), xây dựng lại thành ngôi chùa làng, kiến trúc theo mô hình cổ, tường đất, cột gỗ, lợp tranh. Năm Tân Tỵ (1941), chùa được dân làng trùng tu, sườn gỗ, lợp tranh. Tôn trí Phật tượng, chư Thánh, La Hán, với nhiều cổ vật bằng đồng, gỗ, đất nung,…

Năm Tân Sửu (1961), Khuôn hội Phật giáo xã Tư Duy, nay là xã Nghĩa Trung, cùng bổn đạo trong xã và tín hữu xa gần, kiến thiết lại một lần nữa, vừa bán cổ, vừa bán kim, tường gạch, mái ngói, bảo tồn và thay thế cho những hư hoại qua các thời đại thăng trầm.

Chùa Hội Long nằm vào vị thế tuy ở vùng nông thôn nhưng dân cư đông đúc. Tây giáp Gò chùa và đường sắt Bắc-Nam cắt ngang phân địa giới giữa hai xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) và xã Hanh Trung (Nghĩa Hành). Nam giáp hương lộ xã và con lạch uốn khúc, có bờ tre xanh tạo thành đê bao chắn nước qua các mùa mưa lũ.

Chùa hiện còn tượng thờ và các cổ vật như tượng Thích Ca bằng đồng cỡ nhỏ có ghi niên đại 1666, một trống đường kính 0.6m, một ghế áng cổ bằng gỗ quý niên đại Thành Thái ngũ niên (1893).

Chùa đã qua nhiều đời trụ trì còn ghi nhớ, từ sư Tồn người làng Văn Bân, Đức Chánh, Mộ Đức. Sư Bảy, người bổn làng La Châu. Đến sư Tám, sư Phạm Nguyện, sư Nguyễn Cứ, sư Hạnh Lý, sư Hạnh An, sư Hạnh Phụng, Ni sư Diệu Quả, Ni sư Hạnh Thường, Ni sư Hạnh Ngọc, và hôm nay là Ni sư Thích Nữ Đồng Kim.

Ni sư Đồng Kim xuất gia năm 1980, thọ Sa di năm 1988, thọ Tỳ kheo năm 1994, tại Đại giới đàn Từ Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) do Đường đầu Ni trưởng Thích Nữ Như Thanh.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ Phật. Chùa lấy ngày viên tịch sư Hạnh Lý 25 tháng 9 âm lịch hằng năm làm ngày hiệp kỵ chư tổ.

Điện thoại liên hệ: 055.3910152

CHÙA HƯNG AN

Chùa Hưng An xưa kia gọi là chùa Phú An, tại thôn Hội An, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa xây dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1802), do hai nữ tín chủ Lê Thị Lai và Lê Thị Tú, bằng cây gỗ, lợp tranh. Sau ngày các bà qua đời, trong bổn đạo đồng tình cung thỉnh các Sư Tăng về trụ trì, phát huy đạo pháp:

–             1886-1920: Hòa thượng Hoằng Tường

–             1920-1940: Tỳ kheo Thích An Khương

–             1940-1982: Tỳ kheo Thích Như Điểu

–             1982 đến nay, Tỳ kheo Thích Như Hoàng, thế danh Võ Văn Đường, pháp hiệu An Sự. Xuất gia năm 1959, thọ Sa di năm 1965, thọ Tỳ kheo năm 1973, tại chùa Thiền Lâm (Sài Gòn), do Đường đầu Hòa thượng Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Hưng.

Trải qua các thời kỳ chiến tranh bom đạn, hư hoại đổ nát, nhưng chùa vẫn giữ được từ khí môn phong, tôn sùng đạo Phật. Chùa đã qua nhiều lần tu sửa. Năm Kỷ Mão 1999, chùa đại trùng tu toàn bộ, xây gạch, lợp ngói, khung sườn gỗ. Cơ bản là ngôi Chánh điện, Hậu tổ, nhà Đông, nhà Tây, tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên. Có diện tích xây dựng khoảng 200m2, trong diện tích chung hơn 6000m2. Một phần đất dành riêng lập khu mộ đời bổn đạo, trong khuôn viên mộ, có mộ táng của hai bà tạo dựng chùa.

Chùa còn di tích chiếc cổng tam quan có từ thời lập chùa, gạch nung, xây vôi, rêu phong cổ kính. Hiện chỉ còn phần cửa chính, hai bên tả hữu đã bị sập đổ, ba chữ Hán “An Phú Tự” trên đầu cổng, và đôi câu chữ Hán ở mặt sau cổng:

“Phú sự tọa trung điện thượng nguy nga thiên cổ tú,

An tịnh môn tiền giai hạ hạo đản tứ thời tân”

Năm 1970, chùa đúc hồng chung 100kg. Năm 2006, dựng bảng “Chùa Hưng An” bằng chữ Việt trên cổng cũ.

Điện thoại liên hệ: 055.3910122 – 0985389940

CHÙA KIM LIÊN

Chùa Kim Liên tại Đội 1, xóm Mỹ Sơn, thôn La Hà, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nguyên ở xóm Phú Lợi, cùng thôn cùng xã, nhưng công trình xây dựng đường điện quốc gia đi ngang qua, chùa phải giải tỏa và được Nhà Nước bồi hoàn, di chuyển về đây vào năm 1980.

Chùa do Tỳ kheo Thích Giải Minh, thế danh Lê Đình Hồng, pháp danh Như Quang, pháp tự Huệ Hồng, thiết lập trên đất tạo mãi, cả chùa và đất 100m2. Mặt tiền đường hướng về Tây, đắp chữ nổi “Chùa Kim Liên”, sát Quốc lộ 1A, hai bên liền vách với nhà của dân cư.

Tỳ kheo Thích Giải Minh, xuất gia năm 1958, thọ Tỳ kheo năm 1980, tại Đại giới đàn Long Hoa (Đồng Nai), do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Hiện tại Tỳ kheo vừa là trụ trì, vừa là chủ hộ.

Điện thoại liên hệ: 0988491186

CHÙA KỲ VIÊN

Chùa Kỳ Viên tại thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có độ dài thời gian đến nay không còn cứ liệu nào để khẳng định niên độ sáng lập và đích xác vị Tăng sư nào khai sơn. Chỉ nghe nói lại đây là ngôi chùa làng, Tổ sư gốc từ miền Bắc vào đây, được tiền hiền bốn phái họ Lê, Chế, Nguyễn, Đặng hợp nhau cùng hiến đất xây dựng.

–              Khoảng đầu thế kỷ 20, đạo hữu chùa Kỳ Viên cung thỉnh Thiền sư Nguyễn Tờn, huý Chơn Nga, tự Đạo Cương, hiệu Diệu Ngộ đang hoằng pháp tại chùa Quang Lộc (Phước Long – Nghĩa Hoà) về trụ trì chùa. Thiền sư Diệu Ngộ, quê quán tại làng Bồ Đề, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Ngài là cậu ruột của Hoà thượng Khánh Anh, đã từng dạy Hoà thượng Khánh Anh về Quy Nguyên trực chỉ năm 1917 đến 1918 tại chùa Kỳ Viên này. Ngài viên tịch năm 1933.

–              Năm 1940, Đại đức Thích Chánh Tín, thế danh Nguyễn Kỉnh làm trụ trì. Viên tịch ngày 15/11/1956.

–              Năm 1957, Đại đức Thích Chánh Nghĩa, thế danh Nguyễn Tụ làm trụ trì. Tu sửa chùa và đúc hồng chung 60kg. Viên tịch ngày 21/11/1983. Lúc bấy giờ chùa có Ban Hộ Tự do Đặng Ban làm Trưởng ban, cùng các cư sĩ Lê Thành, Phùng Khá, Trần Tam, Nguyễn Tào luân phiên chăm sóc chùa.

–              Từ 1984, chùa không có trụ trì, bổn đạo tự tâm bảo quản, chùa xuống cấp trầm trọng. Mãi đến ngày 9/5/2009, chùa thành hình Ban Hộ tự, do Hồ Minh làm trưởng ban, cùng các cư sĩ Huỳnh Thị Bứa, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Cần, Nguyễn Duy Chín, Phùng Cảnh, Lê Toa. Đồng thời bổn đạo xin thỉnh trụ trì, và đã được BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Thông Hảo, thế danh Huỳnh Thị Tốt, tốt nghiệp Cao cấp Phật học tại Học viện Phật giáo TP Hồ Chí Minh, đệ tử của Ni sư Thích Nữ Hạnh Toàn, Sư cô chính thức nhập tự vào ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Sửu (2009).

Điện thoại liên hệ: 055.3925608

CHÙA  LINH BỬU

Chùa Linh Bửu tại Đội 1, thôn Điện An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nguyên tại xóm Nam An, núi Đà Xứ, làng Điện An. Sau 1945 là xã Nghĩa Thương, sau 1954 cải tổ là xã Tư An, sau 1975, lấy lại tên Nghĩa Thương cũ.

Do quá lâu đời, không còn căn cứ và không rõ bậc tiền hiền nào khai sơn. Theo các vị cố lão thì Linh Bửu tự có mặt cùng thời với các chùa Sắc tứ An Long, Cảnh Tiên, An Thọ trong cùng địa phương. Và nhiều người nhớ từ khoảng 1925-1953, chùa được ông Trần Chuyên, một nhà tu hành đáng bậc Tăng sư làm thủ tự, rồi gián đoạn.

Trước 1945, Linh Bửu tự là ngôi chùa gỗ, lợp ngói âm dương, nhưng đã hủy hoại trong kháng chiến 1. Sau 1954, Khuôn hội Phật giáo xã Tư An tái tạo thành chùa Vức, nhưng cũng bị thiêu hủy trong kháng chiến 2 vào năm 1969.

Năm Canh Tuất (1970), Khuôn hội và bổn đạo tái lập một lần nữa trên nền móng cũ, cũng trên đất làng cũ, cận khu vườn đình Điện An, nay còn di tích, có diện tích chung 15997m2, phần xây dựng cơ bản 200m2, nhưng nay đất chùa chỉ còn 3250m2.

Chùa hướng về Nam, có hai trụ cổng trước và hai trụ cổng sau, xung quanh không tường rào, vườn cây chỉ lấy bóng mát, không hoa lợi vì đất xấu không canh tác. Sân tiền đặt tượng Quan Thế Âm lộ thiên, trụ phướng.

Chùa không vật sản nào đáng giá,có quả chuông đồng do Phật tử TP Hồ Chí Minh cúng dường vào năm 2000, nặng 50kg.

Sau 1975, chùa mới có Ban Hộ tự cai quản do bổn đạo đề cử. Và BTS tỉnh hội Phật giáo VN tỉnh Quảng Ngãi, bổ nhiệm Đại đức Thích Giải Hóa, thế danh Trương Chương, pháp danh Như Khởi làm trụ trì. Đại đức xuất gia năm 1963, thọ Tỳ kheo năm 1968, tại Đại giới đàn Thiên Bút, do Đường đầu Hòa thượng Thích Quang Lý.

Điện thoại liên hệ: 055.3913125

 

CHÙA LINH QUANG

Chùa Linh Quang tọa lạc tại xóm 5, thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Chơn Diên – Giải Sanh – Hồng Diệm, thế danh Phạm Ngọc Thọ khai sơn sáng lập. Ngài sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Ất Sửu (1925), xuất gia năm 1928 tại Phước Quang với Hòa thượng Ấn Kim – Tổ Tuân – Hoằng Tịnh (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn). Cầu pháp Hòa thượng Chơn Tích – Phước Triêm – Huệ Hải (Sắc tứ Tổ đình Quang Lộc). Ngài còn có tên gọi là Thầy Thủ, vì Ngài đạt giải thủ khoa tại Giới đàn, nguyên trụ trì chùa Sắc tứ Phước Quang. Từ 1947 đến 1949, bàn giao trụ trì cho Ngài Chơn Thống – Đạo Tô – Phước Hậu, rồi về lập am thất tịnh dưỡng tuổi già và hướng dẫn bổn đạo tu hành theo Phật đạo tại chùa Linh Quang bây giờ vào năm Kỷ Sửu (1949).

Tuy ban sơ chỉ là am thất, tre tranh vách đất, dần hồi đến vách gạch, lợp ngói, thiết đặt sự thờ phượng trang nghiêm, chẳng khác nào một ngôi chùa cổ truyền. Ba chữ “Linh Quang Tự” nổi trên bảng chương và nét rêu phong vẫn chưa nhòa nhạt. Hiện các di bảo tinh thần của Ngài như tượng ảnh, linh vị Thầy Tổ, kinh bản,…luôn được tôn kính. Đặc biệt bức hoành phi bằng gỗ quý, chạm hoa văn cổ xưa, với bút tích của Ngài khắc ba chữ Hán “Thiện Vi Bửu”, có thời gian hơn nửa thế kỷ qua, vẫn còn lưu kỷ.

Dù trong bom đạn chiến tranh hay khi hòa bình vãn hồi, và cho đến lúc tuổi già sức mãn. Hình ảnh Ngài luôn gắn liền với Linh Quang Tự. Ngài viên tịch vào năm Bính Tý 1996, mộ tại khuôn viên chùa Phước Quang. Long vị thờ Ngài: “Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Thế, Phước Quang đường thượng, khai sơn Linh Quang Tự, húy Chơn Diên, thượng Giải hạ Sanh, hiệu Hồng Diệm Hòa Thượng giác linh”.

Kế thừa Ngài từ 1996 đến nay là Đại đức Thích Huy Thông, thế danh Phạm Ngọc Minh. Thọ Sa di năm 2007, thọ Tỳ kheo năm 2009 tại Đại giới đàn Nguyên Thiều (Đồng Nai) do Đường đầu Hòa thượng Thích Minh Chánh. Đại đức cầu pháp Hòa thượng Thích Trí Thắng năm 2004, và Đại đức nay là Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Quảng Ngãi.

Trong những năm gần đây, chùa được tu chỉnh có hình thức khang trang. Ngoài ngôi Chánh điện, Hậu điện, còn có nhà khách, tiện nghi, tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên. Có diện tích xây dựng hơn 150m2, trong diện tích chung 880m2, đã được cấp quyền sử dụng đất.

Hiệp kỵ của chùa vào rằm tháng hai âm lịch hằng năm.

Điện thoại liên hệ: 0984421014

 

 

CHÙA LONG VÂN

Chùa Long Vân tại Thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Từ TP Quảng Ngãi, theo quốc lộ 1A đi vào Nam chưa tới 10km, cách cầu Sông Vệ khoảng 500m, bảng chùa Long Vân sát lề đường bên tay phải, đi xéo vào hướng Tây khoảng 100m là đến chùa.

Chùa Long Vân nguyên có từ thời Khải Định (1910-1025), nằm trong khu đất đình làng An Bàng xưa kia,cùng với trường Trung học Lê Khiết xây dựng sau năm 1945. Nhưng cả chùa và trường học đều bị tàn phá do bom đạn trong kháng chiến (1945-1954).

Nguồn gốc của chùa từ thuở khai lập nay không còn di tích nào để lại, ngoài sự truyền tụng có hai nhà sư tiếp nhau trụ trì là thầy Nhựt và thầy Hào, là những nhà tu hành kính trọng mà thôi.

Đến năm Đinh Dậu (1957), thể theo lòng tín ngưỡng và yêu cầu của Khuôn hội Phật giáo xã Nghĩa Phương, nay là Thị trấn Sông Vệ, chính quyền lúc bấy giờ chấp thuận cho đổi đất đình làng lập chùa mới tại địa điểm bây giờ, cũng trên đất của làng và giữ nguyên tên chùa cũ. Và liên tục có các sư trụ trì, thường xuyên hướng dẫn bổn đạo kinh kệ và thực hành các nghi lễ nhà Phật.

–         Từ 1957 đến 1975, có các sư: Đại đức Thích Trí Quang, Thích Như Anh, Thích Viên Thành, Thích Giải Thế, Thích Giải Liên, Thích Hạnh Nghĩa.

–         Từ 1976 – 1995: Đại đức Thích Như Mãn

–         Từ 1996 – 2006: Chùa khuyết trụ trì, nên bổn đạo cử Ban Hộ tự, cư sĩ Đỗ Đăng Khoa là Trưởng ban, cùng với GĐPT Chơn Trí, do Huynh trưởng Tạ Ngọc Hùng đảm trách, sinh hoạt Phật sự và tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện.

–         Từ 2007, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm trụ trì, Sư cô Thích nữ Nguyên Thuận thế danh Phạm Thị Kim Yến, xuất gia năm 1990, thọ Sa di năm 1994, thọ Tỳ kheo năm 2000, tại Đại giới đàn Trí Huệ (Bình Định), do Đường đầu Sư bà Thích Nữ Tâm Hoa

Chùa Long Vân xây dựng trong diện tích chung 4 sào, tuy cấp 4 nhưng rất thoáng, gọn. Ngôi chánh điện liền với nhà khách, nhà Tăng, bên phải là Đoàn quán GĐPT Chơn Trí. Bên trái là cây Bồ Đề cành lá sum suê, trưởng thành theo tuổi thọ của chùa trên 50 năm. Trước mặt chùa dựng tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên vào năm 1995. Năm 2004,chùa đúc quả hồng chung nặng 120kg, thao cho trước kia dùng chuông bằng vỏ trái bom.

Điện thoại liên hệ: 055.3926260

 

 

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG MỸ SƠN

Niệm Phật đường Mỹ Sơn là một ngôi chùa nhỏ có tên Mỹ Sơn, tại xứ Trà Bộ, nay là Đội 3, thôn 1 La Hà, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Canh Tuất (1970), hai vợ chồng ông bà Võ Đỗ và Lê Thị Giáo, phát tâm cúng hiến 2 sào đất để làm nơi dâng hương lễ Phật, cho bà con có điểm cầu nguyện tu tâm. Người đứng ra nhận lấy tinh thần này là ông Phạm Quang Khối, nguyên Liên Chúng Trưởng xóm Mỹ Sơn, Đại diện GHPG Thống Nhất La Hà (xã Tư An cũ), cùng cư sĩ Võ Hỷ và Phật tử đóng góp xây dựng.

Hiện chùa chỉ có chiếc cổng trụ dáng cổng tam quan mới xây dựng năm 2006 là nổi sáng, đứng xa trông đẹp cảnh.

Từ khi sáng lập, kể từ ông Phạm Quang Khối, pháp danh Diệu Toàn và ông Võ Hỷ, pháp danh Tâm Thiệt, đến ông Phạm Chờ, pháp danh Diệu Hậu. Năm 1977, bổn đạo có mời Sư cô Thích Nữ Liên Chiếu, thế danh Võ Thị Bê về làm trụ trì, nhưng đến năm 2000, cô đã rời đi nơi khác.

Hiện tại chùa do ông Nguyễn Chạy, thay mặt Ban Hộ Tự cai quản, giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ Phật.

Điện thoại liên hệ: 055.3912292

CHÙA NĂNG QUANG

Chùa Năng Quang tại Đội 3, thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa thành lập từ năm 1956, do nhân dân trong xã xây dựng trên đất đình làng Năng Xã, vì đình đã bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chỉ còn lại Hậu tẩm. Chùa có phong cảnh thoáng mát, thanh tịnh, nằm ở địa bàn nông thôn hẻo lánh, thích hợp cho người tu tịnh.

Năm 1957, chùa cung thỉnh thầy Từ Minh về làm trụ trì đến năm 1961, thầy về Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi. Đệ tử của thầy là cư sĩ Lương Hinh, thường gọi là ông Xã Vuông, thay cho thầy lo việc quản tự. Cư sĩ đã cúng hiến cho chùa 3 sào ruộng tại Đồng Cỏ Ngựa. Năm 1964, cư sĩ già yếu, giao lại sự cai quản cho lúc bấy giờ gọi là Ban Hội Chủ.

Năm 1965, Đại đức Thích Thanh Chơn thấy chùa không trụ trì, tự nguyện về phụng sự, đến năm 1970 thì Đại đức lại về am tu tịnh rồi viên tịch. Cư sĩ Phạm Mân thay cho Đại đức trong thời gian chờ đợi được vài năm rồi qua đời. Cư sĩ Phạm Nhu, thường gọi là ông Thuấn, tạm thời gìn giữ đến năm 1974 cũng qua đời.

Từ 1975, cư sĩ Bùi Đạo, thường gọi là ông Đều tiếp tục lo việc nhang đèn. Nhưng đến năm 1978 thì sự cố gắng duy trì này ngưng trệ, vườn chùa bỏ hoang, ruộng chùa vào HTX, tự khí của chùa giao cho Hội Bảo Thọ.

Năm 2002, chùa mới có cơ duyên tái tạo, sửa chữa, chỉnh đốn đi vào nghi thức cổ truyền. Từ ngôi chánh điện đến cổng ngoài được sơn phết, dựng tượng Quan Thế Âm lộ thiên, cư sĩ Bùi Đạt có bổn phận cai quản cho đến năm 2006. Các cư sĩ Phan Kiệt, Lương Nhị thay cho cư sĩ đến năm 2008. Hiện tại cô Đặng Thị Hương là người thủ tự, cùng với Ban Hộ tự, cư sĩ Bùi Quang Dánh là Trưởng ban.

CHÙA NGHĨA HIỆP

Chùa Nghĩa Hiệp tại thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa có tên Nghĩa Hiệp là lấy tên xã. Trước 1975, gọi theo tên xã là Tư Hoà.

Chùa do Khuôn hội Phật giáo và bổn đạo trong xã lập dựng vào năm Đinh Dậu (1957). Chùa nằm trên đất đình làng, diện tích hơn 1 sào. Tuy đình đã bị tàn phá trong kháng chiến (1945-1954), nhưng nay vẫn còn Nghĩa từ ở trong khuôn viên chùa.

Từ ngày lập chùa, tập thể bổn đạo liên tục đề cử Ban Đại diện cho chùa, do một Trưởng ban trách nhiệm và một Thủ tự chăm lo nghi lễ, dưới sự hướng dẫn của Ban Đại diện Quận, huyện Phật giáo Tư Nghĩa.

Từ 1957-1964, Trưởng ban cư sĩ Lê Lượng, pháp danh Như Ký, và Thủ tự là cư sĩ Lê Văn Thuyền, pháp danh Minh Đạo.

Từ 1965-1983, Trưởng ban cư sĩ Bùi Cần, pháp danh Tâm Lạc, và Thủ tự là cư sĩ Lương Đôn, pháp danh Tâm Hậu.

Từ 1984-1992, Trưởng ban (Hộ tự) cư sĩ Đoàn Kiệt, pháp danh Tâm Huy, và Thủ tự là cư sĩ Lê Văn Minh, pháp danh Tâm Cảnh.

Từ 1993-2002, Trưởng ban Hộ tự cư sĩ Nguyễn Kim, pháp danh Minh Thanh, và Thủ tự là cư sĩ Phạm Hoa.

Từ 2003 đến nay, Tỉnh hội PGVN Quảng Ngãi bổ nhiệm trụ trì đầu tiên cho chùa là Ni sư Thích Nữ Huệ Kiên, thế danh Trần Hoàng Dung, quê Thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), xuất gia năm 1985, tu học tại Tịnh xá Ngọc Quảng (TP Quảng Ngãi), y chỉ Sư bà Thích Nữ Diệu Nhơn (chùa Phổ Tịnh). Thụ huấn Phật học cơ bản tại Lâm Đồng.Thọ Tỳ kheo năm 1993, tại Đại giới đàn Ni viện Thiện Hoà (Bà Rịa – Vũng Tàu), do Đường đầu Ni trưởng Như Chí.

Năm 1976, chùa trùng tu xây gạch. Năm 1985, trùng tu lợp ngói. Năm 1996 xây thêm nhà Khách. Năm 2005, kiến thiết toàn bộ chùa cũ lâu năm đã xuống cấp, có mô hình kiên cố, mỹ quan. Chùa thường xuyên tổ chức Đạo tràng Bát Quan Trai vào ngày rằm mỗi tháng.

Điện thoại liên hệ: 055.3923618

 

 

CHÙA PHỔ HUY

Chùa Phổ Huy tại Khối 3, Thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Do Hòa thượng Thích Thanh Phước, pháp tự Trừng Thanh, thế danh Phạm Quý Tính, chứng minh khai sơn vào năm Giáp Thìn (1964).

Chùa nằm trên đất tư nhân, do cư sĩ Huỳnh Láo, pháp danh Tâm Vinh, pháp hiệu Hồng Huệ, phát tâm xây dựng và cúng hiến Tam Bảo. Có diện tích xây dựng 100m2, trong diện tích chung khoảng 2000m2. Vách gạch lợp ngói, hướng về Đông. Căn bản là ngôi Chánh điện và phần Hậu tẩm. Hiện vẫn còn ba chữ Hán “Phổ Huy Tự” nổi trên bảng chương mặt tiền.

Từ 1964, cư sĩ Huỳnh Láo đảm trách thủ tự, và qua đời 1973, mộ táng trong vườn chùa.

Từ 1973, cư sĩ Lê Truật, pháp danh Tâm Cống, pháp hiệu Hồng Tấn, kế tiếp thủ tự và qua đời năm 1979, mộ táng trong vườn chùa.

Từ 1979 đến nay vắng người kế tiếp thủ tự, việc gìn giữ và nhang đèn do nữ tín chủ Huỳnh Thị Nên, pháp danh Tâm Tú, pháp hiệu Hồng Gia, tùy nghi lo liệu.

Năm 2009, có xây thêm một nhà khách tư vuông 40m2, và tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên hướng về Bắc.

Hiện ngôi Tam Bảo xuống cấp nặng, vừa không thủ tự, vừa không Ban hộ tự, nên nữ tín chủ Huỳnh Thị Nên cùng gia đình đã có đơn ngày 01/06/2009, xin kê khai nguồn gốc và tự nguyện hiến toàn bộ ngôi chùa và diện tích đất khoảng 2000m2 nói trên, để Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi quản lý.

Điện thoại liên hệ: 0905175567

CHÙA  PHỔ QUANG

Chùa Phổ Quang tại Đội 3, thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Đại đức Thích Tâm Quang sáng lập mang tính cách “cải gia vi tự”. Mọi trang trí, hoa văn, hình nổi, pha lẫn màu sắc rất trang nghiêm, thanh nhã. Chùa xây dựng trên đất gò thừa kế của gia tộc, thuộc địa bộ rừng Sóc Sứ, có diện tích non 2 sào, chính thức khánh thành vào năm Đinh Tỵ (1977). Dưới sự chứng minh của quý Hòa thượng, Thượng tọa như An Tường, Long Trình, Hạnh Trình, Long Cảnh, Long Thông, An Chiếu,… và chư Tăng, bổn đạo trong tỉnh.

Đại đức Tâm Quang thế danh là Nguyễn Định, xuất gia năm 1976, thọ Sa di năm 1979, thọ Tỳ kheo năm 1998, tại Đại giới đàn Ấn Quang, TP Hồ Chí Minh, do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Sự xuất gia của Đại đức do nguyên nhân phát hiện được một pho tượng Thích Ca bên hàng rào đường đi đã lâu ngày bụi đất dính đầy lẫn trong cây lá phủ kín không ai lưu tâm ở tại thôn Phú Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, nên đồng tâm cung thỉnh về nhà lập am thờ trong vườn vào năm 1976.

Hòa thượng Thích Long Trình chứng kiến, cho đó là thiên duyên tốt lành của người có tâm tu hành, đã thuyết giảng giáo lý và phước quả nhà Phật cho Đại đức thọ giáo quy y. Vì vậy mà năm sau Đại đức phát Bồ Đề Tâm, biến gia đường thành ngôi chùa Phật. Pho tượng đưa về được sơn thếp tọa vị trên ngôi chánh điện. Để tưởng nhớ công ơn khai đạo, Đại đức đã xây tháp kỷ niệm Bổn sư Thích Long Trình, sau lưng tháp xây hòn non bộ xinh tươi, cùng vườn cây râm mát.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ Phật.

Điện thoại liên hệ: 055.3918026

CHÙA PHỔ THIỆN

Chùa Phổ Thiện tại xóm 1, thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Do Hòa thượng Thích Thanh Phước, pháp tự Trừng Thanh, thế danh Phạm Quí Tính khai sơn đầu tiên ở miễu Cây Khế, sau 1945 đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Nên chùa tạm dời về thôn Phước Long cùng xã vào năm 1950.

Sau đó được bà Nguyễn Thị Lương phát tâm cúng hiến đất, cọng với sự đóng góp của bổn đạo, chùa Phổ Thiện chính thức xây dựng tại địa điểm hôm nay tại thôn Hòa Bình cùng xã vào năm 1958, trong diện tích tổng thể hơn 2000m2.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, tuy khó khăn nhưng Ngài vẫn tạo điều kiện khai sơn thêm chùa Phổ Huy tại xã Nghĩa Thương, Tư Nghĩa vào năm 1964 và chùa Phổ Tịnh tại phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi bây giờ vào năm 1967. Ngài viên tịch vào năm 1985, mộ tháp tại chùa Phổ Thiện.

Lúc bấy giờ chư huynh đệ trong môn phong của Ngài Thanh Phước, đồng tình phân bổ đệ tử của Ngài là Ni sư Thích Nữ Hạnh Hòa về làm trụ trì. Ni sư thế danh Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1930, cầu pháp Sư bà Thích Nữ Như Hường (chùa Bảo Thắng, Hội An). Ni sư xuất gia năm 1960, thọ Sa di năm 1965, thọ Tỳ kheo năm 1970 tại Đại giới đàn Tĩnh Gia (Đà Nẵng) do Đường đầu Hòa thượng Thích Giác Nhiên.

Năm 1993, chùa trùng tu cơ bản, vách gạch, lợp ngói, do xuống cấp trầm trọng. Năm 1999, tu sửa nhà Tăng, nhà Chúng, nhà Trù, xây cổng ngõ, tường rào và các công trình phụ. Năm 2004 trùng tu Bảo tháp Quan Thế Âm, Bảo tháp Xá Lợi. Năm 2007, xây dựng Bảo châu cho Ni sư trụ trì.

Điện thoại liên hệ: 055.3910331

 

 

CHÙA PHÚ LONG

Chùa Phú Long còn gọi là chùa Phú Văn, tại Đội 1, thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên nhân lập chùa là vào năm 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) bước vào giai đoạn quyết liệt. Hòa thượng Thích Giải An không thể yên tâm hành đạo tại các chùa quanh Thị xã (nay là Thành phố Quảng Ngãi). Nên Ngài đã vào thôn Phú Văn, thuộc vùng nông thôn hẻo lánh, tạo mãi đất để lập am thờ Phật, tu tịnh nhằm tránh đạn bom.

Sau 1954, chùa mới bắt đầu xây dựng bằng tranh tre, đến năm 1963 được trùng tu xây gạch, lợp ngói, bây giờ đã xuống cấp. Hòa thượng Giải An viên tịch, có Sa di Thích Hạnh Bình cai quản.

Năm 1986, Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam Quảng Ngãi bổ nhiệm Tỳ kheo Thích Hạnh Khương, thế danh Phạm Nguyện, pháp danh Tâm Hạnh, pháp hiệu Biểu Thành về làm trụ trì cho đến nay. Tỳ kheo Hạnh Khương xuất gia năm 1960, tại chùa Phước Quang (Nghĩa Hành), thọ Tỳ kheo năm 1973 tại Đại giới đàn Phật Học Viện Nha Trang, do Đường đầu Hòa thượng Thích Phúc Hộ. Tỳ kheo cũng nguyên là Phó ban Nghi lễ Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2008, Tỳ kheo Thích Hạnh Khương đã chủ trương xây dựng mới hoàn toàn theo kiến trúc hiện đại hỗn dung kiến trúc cổ truyền rộng rãi, khang trang.

CHÙA PHÚ MỸ

Chùa Phú Mỹ, tại Đội 6, thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Viên Thành sáng lập từ lâu không còn rõ thời điểm, nhưng tính đến nay đã qua 4 đời kế tục.

Chùa nằm trong khuôn viên khoảng 2 sào trung bộ, có diện tích xây dựng hơn 200m2.

Hòa thượng viên tịch, tháp mộ của Ngài hiện còn trong vườn chùa. Đời trụ trì thứ hai là Hòa thượng Thích Khánh Toàn. Đời trụ trì thứ ba là Hòa thượng Thích Viên Hương. Và hôm nay là cư sĩ Phạm Ngọc Tiên, pháp danh Như Tín.

Được biết Hòa thượng Thích Viên Hương, pháp hiệu Giải Sự, thế danh Phạm Công, tức Quì, sinh năm Bính Ngọ (1906), tại xã Nghĩa Mỹ, viên tịch năm Bính Tý (1996). Năm Giáp Thìn (1964), chùa qua cơn lụt lớn, bị hư hại nặng, Hòa thượng cùng Ban Trị sự tạo điều kiện trùng tu lại mới. Do đó mà có nhiều người thường gọi chùa là chùa thầy Quì.

Sau ngày Hòa thượng Viên Hương viên tịch, chùa do Ban Hộ Tự cai quản, cư sĩ Phạm Ngọc Liên Trưởng ban.

Chùa nhỏ, gọn, chánh điện thờ Phật, hậu tẩm thờ Quan Âm và Quan Thánh. Đặc biệt, chùa còn pho tượng Di Đà bằng gỗ mít, cỡ nhỏ, lâu năm.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ lớn.

CHÙA PHƯỚC BỬU

Chùa Phước Bửu, tại Xóm 2, thôn An Hội Nam, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Thượng tọa Thích Long Thưởng, tục danh Lê Khuê, sinh 1939, tại xã Nghĩa Kỳ, pháp danh Như Cầu, Pháp tự Giải Học. Xuất gia năm 1960, thọ Sa di năm 1963, thọ Tỳ kheo năm 1966, tại Đại giới đàn chùa Bửu Long (Nghĩa Hành), do đường đầu Hòa thượng Thích Quang Lý. Ngày 14.12.2007, được tấn phong Thượng tọa. Chính thức khai sơn lập chùa Phước Bửu vào năm Canh Tuất (1970) và trụ trì cho đến nay.

Chùa nằm trên đất tự tạo của gia tộc, theo đo đạc mới nhất có tổng diện tích 6081m2. Năm Mậu Ngọ (1978) chùa được chỉnh trang toàn bộ từ trong ra ngoài, khuôn viên trồng cây cảnh.

Chùa về hướng Tây nam, trên đầu cổng Tam quan có ba chữ “Phước Bửu Tự”.

Năm 1970, lập chùa xong, cư sĩ Phạm Ngọc Trảng, pháp danh Phúc An, cùng con cháu, đúc cúng cho chùa quả Hồng chung nặng 60kg.

Năm 2007, chùa trùng tu mặt tiền ngôi chánh điện. Xây dựng nhà Tăng, nhà khách, nhà trù, trang bị tiện nghi sinh hoạt rất rộng rãi, thoáng đãng.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một và các ngày lễ Phật.

Điện thoại liên hệ: 0905357682.

CHÙA PHƯỚC HẢI

Chùa Phước Hải tại tổ 1, xóm La Tá, Thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nằm trên triền núi Voi, một trong ba cụm núi Xứ là Tượng Sơn, Cô Sơn và Bán Sơn thuộc thắng cảnh La Hà Thạch Trận. Trước kia là thổ sơn thuộc ấp Phú Thạnh, xã Tư Duy, Tư Nghĩa.

Chùa do Hòa thượng Thích Huệ Bửu, thế danh Nguyễn Quốc Phú khai sơn vào năm Ất Tỵ 1965. Ngài viên tịch vào năm Giáp Thân 1974.

Người kế thừa là Thượng tọa Thích Chánh Trung, thế danh Nguyễn Quốc Nhượng, cho đến năm Kỷ Mão 1999 thì viên tịch.

Người kế thừa hiện nay là Đại đức Thích Hạnh Trí, thế danh Nguyễn Quốc Thượng, thọ Sa di năm 1970, thọ Tỳ kheo năm 1975, tại Đại giới đàn Long An (Nghĩa Hành) do Đường đầu Hòa thượng Thích An Lý.

Mộ tháp của Hòa thượng Huệ Bửu và Thượng tọa Chánh Trung nằm trong khuôn viên sát cạnh chùa.

Chùa hướng về Tây-Nam, có diện tích chung khoảng 3 sào, diện tích xây dựng không quá 100m2. Ngăn thành ba căn thấp bé, vách gạch, lợp tôn, tất cả đều xuống cấp. Căn đầu Chánh điện thờ Phật, Địa Tạng, Quan Âm, Quan Thánh. Căn tiếp là nơi thờ Liệt tổ khai sơn và kế thừa. Căn cuối là nhà Tăng, nhà Trù.

Sân trước dựng tượng Quan Thế Âm, Tiền đường có dinh Tiêu Diện. Sau lưng chùa dựa sát vách núi, kéo dài bên tay phải, càng lên cao càng nhiều tảng đá nổi đủ hình dạng, tăng cảnh quan cho chùa, tuy nhỏ, mang tính chùa tư, nhưng thanh tịnh, tự nhiên.

Thập phương có lòng ngưỡng vọng về chùa vào các ngày rằm, mồng một. Hiệp kỵ của chùa hằng năm vào ngày 21 tháng 8 âm lịch.

Điện thoại liên hệ: 055.3910459 – 0905370469

CHÙA PHƯỚC QUANG

Chùa Sắc Tứ Phước Quang toạ lạc trên địa giới của 3 thôn: Phước Long, Hà Khê và Tân Đại thuộc thị tứ Thu Xà; nay là thôn Hoà Bình xã Nghĩa Hoà huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Phước Quang Tự là một Tổ Đình lớn trong tỉnh, đứng sau Thiên Ấn, được xem như một “ nhà trường” đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng sĩ có thực tài góp phần phát huy đạo pháp và dân tộc trong suốt thế kỷ vừa qua.

Thu Xà là một phố cổ mà người Hoa đến cư trú, tạo nên ngành thương nghiệp khá phồn thịnh và phát triển từ thế kỷ 17 đến 19. Và cũng là vùng đất làm ra một loại đặc sản nổi danh cho xứ Quảng: “ Kẹo gương Thu Xà ”!

Từ Đại lộ Hùng Vương – trung tâm thành phố Quảng Ngãi, chúng ta xuôi theo đường thẳng tắp về hướng Đông khoảng 8 km là đến phố cổ Thu Xà. Nơi đây, cũng đã nổi danh một ngôi chùa còn nguyên vẹn kiến trúc cổ, đã được xếp hạng di tích văn hoá – lịch sử quốc gia – là “ Chùa Ông” do người Hoa xây dựng từ thế kỷ 18.

Khoảng giữa phố cổ nầy, chúng ta rẽ phải độ 200m, ngang qua khu chợ Hoà Bình là đến chùa Phước Quang. Xưa kia, trước mặt chùa là một khoảnh rừng nhỏ, cây cối um tùm có tên là rừng Bình Lâm – làm tiền án cho chùa. Giữa rừng, có khe nước tựa như con sông đào gọi là Hà Khê từ phía Bắc chảy ngang qua, đến Gò Hống rồi đổ vào sông Vực Hồng tạo nên bến “ Hà Khê” tấp nập ghe thuyền trong hai thế kỷ 18, 19; mà một số nhà nghiên cứu đã nêu ý kiến là “Hà Khê vãng độ” bị lầm thành “ Hà Nhai vãng độ” ở Sơn Tịnh. Vực Hồng là một nhánh sông ngang cuối dòng sông Vệ dẫn nước về giao tình với dòng sông Trà Khúc ở cửa Đại. Đến cuối năm Khải Định thứ 7 – 1922, thì cửa Lở – An Chuẩn Đức Lợi bỗng dưng “ lỡ”, nước sông Vệ mới đổ ra biển ở cửa nầy.

Rừng Bình Lâm và khe nước Hà Khê đã tạo nên thế “Thuỷ tả đáo hữu” mà một số nhà am hiểu về long mạch nói rằng chùa Phước Quang nhờ “ thế” đó mà hưng thịnh.

Phối kiểm một số thông tin, tài liệu và phổ hệ giòng họ Phạm ở Thu Xà thì Tổ Đình Phước Quang được xây dựng vào triều vua Tự Đức ( khoảng từ năm 1860 – 1870) do Thiền sư Quảng Chấn khai sơn. Ngài tên đời là Phạm Ngọc Tình quê Thu Xà, quy y tại chùa Thiên Ấn, là đệ tử của Đệ Tam Tổ sư Tổ Đình Thiên Ấn – Ngài Toàn Chiếu Trí Minh Bảo Ấn và là sư đệ với Tứ Tổ – Ngài Chương Khước Tông Tuyên Giác Tánh. Chưa tìm được năm sinh, căn cứ vào văn bia mộ tháp thì Ngài viên tịch vào ngày 22 tháng 11 năm Mậu Tuất – 1898 ( Bia tháp ghi: “ Tự Lâm Tế phổ Tam Thập Bát đại Khánh Long đường thượng khai sơn Phước Quang tự, huý Chương Trang thượng Nhứt hạ Trạch hiệu Quảng Chấn Hoà thượng tháp”. Căn cứ chữ “ Khánh Long đường thượng” trong bia, phối kiểm với tài liệu cùng lời truyền lại của quý đạo hữu cao niên chùa Khánh Long – Đức Thắng, Mộ Đức thì Thiền sư Quảng Chấn trụ trì chùa Khánh Long vào thập niên 60 thế kỷ 19. Sau đó, Thiền sư về khai sơn rồi trụ trì tại chùa Phước Quang, giao lại cho Hoà thượng Hoằng Tịnh trụ trì chùa Sắc Tứ Khánh Long.

Hoà thượng Hoằng Phúc là Tổ Giám tự Tổ Đình Phước Quang sau khi Hoà thượng Quảng Chấn viên tịch 1898, đến năm Mậu Thân – 1908 Ngài về đứng ngôi Ngũ Tổ Thiên Ấn và viên tịch năm Bính Thìn – 1916. Tuy về Thiên Ấn, Ngài Hoằng Phúc vẫn luôn quan tâm, vun đắp Tổ Đình Phước Quang. Cho nên trong những Giới đàn tại chùa Phước Quang ở ba thập kỷ đầu thế kỷ XX, thì Giới đàn năm Ất Sửu – 1925 và Giới đàn năm Canh Thân – 1920 là những Giới đàn có tầm qui mô, đã thỉnh mời Chư Tăng từ Huế vào, Bình Định về Phước Quang đăng đàn. Một số Tăng sư trong Hội Đồng Thập sư và một số Tăng sĩ tu học tại Tổ Đình Phước Quang hồi ấy, sau nầy là những bậc Tăng tài làm Giảng sư Phật học tại các Phật học đường như Thiền sư Khánh Anh, Thiền sư Minh Tịnh…đã từng dạy nhiều giờ, lãnh đạo Phật học đường Lưỡng Xuyên năm 1936, dịch thuật, chú giải một số kinh, luật và có nhiều công hạnh đóng góp vào phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ( xem Nguyễn Lang – Việt Nam Phật giáo sử luận – NXB Lá Bối, Janse Jose – USA,Q.3, tr.228-301).

Tổ Đình Phước Quang được xây cất trong khu vườn độ 1 mẫu ta ở lưng chừng triên rẫy, mặt chùa ngó về hướng Đông Nam. Xưa kia có cổng tam quan thật đẹp khắc hai câu đối:

“Phước địa trang nghiêm đa thắng cảnh,

“Quang minh phổ chiếu biến thập phương”.

Nhưng vào khoảng giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, cổng sụp hỏng. Năm 1960 xây dựng lại cổng ngõ bằng cửa sắt trụ gạch. Vào khỏi cổng độ 30m có hai trụ biểu hình bát giác, trên đỉnh trụ đắp hình kỳ lân ngồi thật đẹp và đã rêu phong thành một màu xanh mốc, lẫn vào lá cây sầm uất, đến nỗi nếu không chú tâm thì chẳng thấy. Giữa sân chùa có hồ sen rộng, xây gạch hình chữ nhật. Đứng ở đây ngó lên biển chương thấy hàng chữ Hán ở trên là Phật giáo Việt Nam. biển dưới là Sắc Tứ Phước Quang tự, có hai câu đối:

Chung cảnh tỉnh độ hương linh vãng sinh Lạc quốc,

“Cổ động tâm hồn Phật tử tận diệt si mê.

Hai bên hông nhà chính điện có lối đi xuống nhà trù, nhà chúng ( nhà Đông, nhà Tây) và nhà phương trượng, tạo thành chữ Khẩu sân sau.

Thời gian sau khi Hoà thượng Hoằng Tịnh viên tịch – 1932, chùa vPhước Quang bắt đầu xuống cấp rồi xiêu vẹo, hư hỏng nặng. Đến năm Quý Mùi – 1943, Ngài Tăng cang Hoà thượng Thích Diệu Quang đã tạo điều kiện khôi phục lại chùa khả quan hơn, rồi công cử Thiền sư Hồng Diệm trụ trì ( còn gọi là Thầy Thủ – vì Thiền sư Hồng Diệm đỗ thủ khoa hai kỳ thọ giới Sa Di và Tỳ kheo). Đến năm 1949 Thiến sư Hồng Diệm giao lại cho đại đức Thích Phước Hậu cai quản. Thời gian nầy, Đại đức Thích Phước Hậu tham gia kháng chiến rồi tập kết ra Bắc. Năm 1958, Thượng toạ Thích Giải Hậu cùng Chư sơn sắp xếp giao cho tứ chúng tỳ kheo: Thích Viên Phước, Thích Viên Thọ, Thích Từ Nguyện, Thích Phước Ấm cai quản và phát huy Phật đạo. Nhưng rồi trải qua hai cuộc chiến tranh, chùa thiếu đi phần tu bổ, sửa sang nên đã xuống cấp nặng. Nay, chỉ còn ngôi chính điện thờ Phật Thích Ca, Địa Tạng, Quan Âm. Phần hậu tẩm nối liền với chính điện thờ Đạt Ma và liệt Tổ.

Trên chính điện treo bức hoành phi “ SẮC TỨ PHƯỚC QUANG TỰ” do Ngài Tăng cang Hoằng Phúc, Tịnh Lâm Chơn Thiệt phụng cúng năm Tân Hợi – 1911. Góc bên trái chánh điện có đại chung cao hơn 1m do Đại Nam Hoàng Thái Hậu Phan thị…..pháp danh Như Đàm phụng cúng ngày mồng 8 tháng 4 năm Mậu Tuất, Thành Thái thập niên ( 1898). Hai trụ cột gần chính điện, có hai bức liễn gỗ do trụ trì Hoà thượng Hoằng Lượng phụng cúng:

“Phước địa hoa hương khai bát nhã,

“Quang thiên thọ cảnh… ? bồ đề.

Ở giữa vách trước, đối diện với chính điện treo hai bức liễn do tri sự Phổ Viên Đại sư phụng cúng năm Thành Thái – Bính Ngọ – 1906:

“Phước địa khởi lâu đài lịch đại thiên thu huyền huệ kính,

“Quang thiên khai viện tự sum vạn cổ bố từ đăng.

Cặp liễn treo trên góc vách trước chính điện do phó tự Hoà thượng Hoằng Phúc phụng cúng:

Vân Phước Quang thiên sum tứ chúng,

Đạo Hoằng Phúc địa bố thập phương.

Phần hậu tẩm có 3 bục thờ xây gạch, bục chính giữa thờ 9 long vị liệt Tổ:

Long vị từ phải qua trái:

1.Tự Lâm Tế phổ tam thập bát thế huý Chương Thường thượng Thiên hạ Chiếu đại sư giác linh.

2. Phụng vì Phước Quang Giám tự khai sơn Quang Lộc, Thiên Ấn trụ trì Sắc Tứ nguyên Tăng cang hiệu Hoằng Phúc hoà thượng linh vị.

3. Tự Lâm Tế chánh tông tạm thập ngũ thế Liên Tôn đường thượng huý Thiệt Giám thượng Trí hạ Quang đại sư nghê toạ.

4. Sắc tứ Đạo Điệp tự Lâm Tế tam thập thất đại huý Toàn Chiếu thượng Trí hạ Minh hiệu Bảo Ấn hoà thượng giác linh nghê toạ.

5. Tự Lâm Tế phổ tam thập bát thế Khánh Long đường thượng khai sơn Phước Quang tự huý Chương Trang thượng Nhứt hạ Trạch hiệu Quảng Chấn hoà thượng nghê toạ.

6 .Tự Lâm Tế tam thập cửu thế Sắc Tứ Khánh Long đường thượng Phước Quang Tăng cang huý Ấn Kim thượng Tổ hạ Tuân hiệu Hoằng Tịnh bổn sư hoà thượng linh vị.

7. Tự Lâm Tế phổ tam thập cửu thế Linh Quang đường thượng Phước Quang trụ trì huý Ấn Quang thượng Chiếu hạ Trước hiệu Hoằng …?( mất 3 chữ sau cùng).

8. Phụng vì tự Lâm Tế phổ tam thập cửu thế Cảnh Tiên đường thượng Phước Quang đệ nhị trụ trì huý Ấn Tịnh thượng Kim hạ Liên hiệu Hoằng Thanh giáo thọ hoà thượng.

9. Tự Lâm Tế phổ tứ thập nhất thế Sắc Tứ Phước Quang đường thượng trụ trì huý….?( mất 1 chữ) thượng  Như hạ Lộc hiệu Viên Phước giác linh.

Bước ra hè hậu tổ là sân sau rồi nhà phương trượng. Trên cửa chính vào nhà, treo bức hoành phi cẩn cừ: “ BẢO SÁC QUANG HUY” do Tăng cang Hoà thượng Trí Hưng hiệp chư sơn phủ lục huyện cúng nhân lễ khánh thành trùng tu chùa vào mùa Xuân năm Quý Mùi Bảo Đại thứ 18 – 1943. Giữa nhà phương trượng có bục thờ A Di Đà, phía trên treo bức hoành phi “ BÁO ĐỨC” do phó tự Phước Quang Hoà thượng Hoằng Phúc tạo năm Duy Tân thứ 2 – 1908. Hai trụ cột sát bục thờ có treo hai bức liễn do Đại sư Phổ Viên phụng cúng năm Kỷ Hợi 1899:

“ Tu tịnh độ nhi chứng Niết bàn bất sanh bất diệt,

“ Xả huyễn thân nhi đầu thiệt tế vô khứ vô lai.

Trên giữa vách hai bên nhà phương trượng có cặp liễn do Tăng cang Hoà thượng Hoằng Tịnh tạo năm Kỷ Sửu – Thành Thái thư 1 – 1889:

“ Tôn thống lịch thiên thu bổn căn cố viễn,

“ Phong đình lưu vạn thế đạo pháp hưng long.

Trong vườn chùa Phước Quang có 6 ngôi mộ tháp sừng sững rêu phong và u ntịch giữa cây cối sầm uất. Phía bên trái chính điện là mộ tháp Hoà thượng Quảng Chấn và Hoà thượng Hoằng Tịnh. Phía bên phải là mộ tháp Hoà thượng Hoằng Thanh, Hoà thượng Khánh Lâm, Hoà thượng Huệ Hải và Tỳ kheo Viên Phước.

Tổ Đình Sắc Tứ  Phước Quang tự vẫn còn dậy những tiếng gà trong lòng giới Tăng Ni Phật tử các nơi trong nước. Về Phước Quang dâng hương Phật trong cảnh hắt hiu, hoang lạnh hiện nay, ta thấy lòng bùi ngùi se thắt. Những người kế thừa đã không phát huy được đạo pháp như các vị tiền bối. Mong sao quý Chư Tôn Giáo phẩm và Giáo hội vực dậy “ ngôi trường” Phước Quang đã từng un đúc nhiều môn đồ góp phần vào “ Văn hoá – Giáo dục Phật giáo” – một đường hướng mà Giáo hội đang quan tâm nghiên cứu, hoạch định. Nếu không thì Tổ Đình Phước Quang sẽ thành phế tích trong mai hậu.

 

CHÙA PHƯỚC SƠN

Chùa Phước Sơn tại xóm 1, thôn Hòa Bình, thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nguyên thuộc bổn tộc họ Lê lập dựng, lưu hạ cho con cháu theo truyền thống mỗi đời có một người xuất gia tu Phật đảm nhiệm trụ trì và bảo quản.

Theo phổ ý còn lưu giữ, ta được biết chùa Phước Sơn nguyên là một thảo am do Tổ phụ chi tộc Lê Quang là thầy Lê Quang Quyên xây dựng vào năm nào không rõ và đến nay đã được 10 thế hệ kế thừa trụ trì, thủ tự như sau:

  1. Lê Quang Quyên
  2. Thầy Thanh Lê Quang Thạc
  3. Thiền sư Chiếu Quảng – Lê Quang Môn
  4. Thầy Đức Lê Quang Nghiêu
  5. Lâm tế đời thứ 38 Lê Quang Tựu, thiền hiệu Quảng Tế thiền sư
  6. Lâm tế đời thứ 39 Lê Quang Đề húy Ấn Minh tự Tổ Diên hiệu Từ Thương Đại sư
  7. Lâm tế đời thứ 39 Lê Quang Tờ húy Ấn Quang tự Tổ Đức hiệu Hoằng Ứng Hòa thượng từ năm 1896 đến 1928.
  8. Đại đức Thích Đạo Ngọc từ 1928 đến 1946 (Lâm tế đời thứ 40)
  9. Đại đức Thích Chánh Giác từ 1946 đến 1976 (Lâm tế đời thứ 41)
  10. Đại đức Thích Long Tường từ năm 1976 đến nay

Chùa Phước Sơn còn bảo lưu cổ vật là một ấn triện (con dấu) bằng đá quý và một tượng Phật Di Lặc (tiểu phẩm) và một quả chuông do Hòa thượng Hoằng Ứng chú nguyện vào năm Bính Dần (1986).

Đại đức Thích Long Tường sinh năm 1960, xuất gia năm 1970, pháp danh Thị Hội, thọ Tỳ kheo năm 1987, tại chùa Bửu Long (Nghĩa Hành), do Đường đầu Hòa thượng Thích Quang Lý.

Hơn 100 năm qua, chùa đã nhiều lần trùng tu và tái tạo, xây gạch, lợp ngói, khung sườn gỗ. Chùa còn quả Hồng chung nặng 80kg, cao 1.2m, mộ tháp của cố Hòa thượng Hoằng Ứng và Đại đức Chánh Giác.

Điện thoại liên hệ: 055.3910817 – 0984813219

CHÙA QUAN ÂM

Chùa Quan Âm hay là Quan Âm Bửu Pháp, tại tổ 2, Thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa xây dựng vào năm Tân Sửu (1961), bằng cây gỗ, lợp tranh. Do hai Hòa thượng Thích Như Liễu, hiệu Viên Lâm và Hòa thượng Thích Như Anh, hiệu Long Khánh cùng khai sơn. Nằm trong hai số hiệu đất của ông bà Phật tử Trần Thế, pháp danh Tâm Hùng, và ông bà Phật tử Lê Ngọ, tự Hạnh Can, cúng dường, có diện tích chung 7 sào.

Chùa ở về góc Tây-Nam cầu Bàu Giang, theo hương lộ An Bình khoảng 500m thấy cổng tam quan “Chùa Quan Âm”. Sau bảo tháp bên tay phải chùa có hai ngôi tháp, một là mộ tháp của Hòa thượng Thích Như Liễu viên tịch vào năm 1993. Còn một tháp xây sẵn, để trống.

Hòa thượng Như Anh, thế danh Phạm Đăng Anh. Xuất gia năm 1956, thọ Sa di năm 1961, thọ Tỳ kheo năm 1968, tại Đại giới đàn Phật Học Viện Nha Trang, do Đường đầu Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Năm Mậu Thân (1968), chùa được xây dựng lại toàn bộ, vách gạch, lợp ngói. Từ 1993-2006, chùa liên tục trùng tu, mở rộng ngôi Chánh điện, nhà Tổ, nhà Tăng, xây tháp,… có phần khang trang đẹp đẽ. Chùa có quả Hồng chung nặng 150kg, chiếc trống lớn đường kính 0.8m.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một, và các ngày lễ Phật. Hiệp kỵ của chùa vào ngày 30 tháng 2 âm lịch hằng năm.

Điện thoại liên hệ: 055.3910592

TỔ ĐÌNH QUANG LỘC

Tổ đình Quang Lộc tọa lạc tại làng Phước Long, nay là xóm 5, thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Do Hòa thượng Hoằng Phúc, húy Ấn Tham, từ Tổ Văn, quê làng Phước Long, khai sơn vào năm Mậu Tuất (1898), trong diện tích trên 10000m2.

Năm Mậu Thân 1908, Hòa thượng Chương Khước-Tông Nguyên Giác Tánh, Đệ Tứ Tổ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn viên tịch, Ngài Hoằng Phúc được cung thỉnh về trụ trì Tổ đình Thiên Ấn, Ngài giao phó Tổ đình Quang Lộc cho Hòa thượng Diệu Nguyên. Ngài Hoằng Phúc viên tịch ngày 19 tháng chạp năm Bính Thìn 1916. Mộ táng tại khu viên mộ Tổ đình Thiên Ấn.

Quá trình khai sơn và hoằng hóa qua các đời trụ trì như sau:

  1. Hòa thượng Ấn Tham-Tổ Văn Hoằng Phúc (1898-1916)
  2. Hòa thượng Thích Diệu Nguyên (1916-1928)
  3. Hòa thượng Thích Khánh Lâm (1928-1939)
  4. Hòa thượng Thích Huệ Hải (1939-1948)
  5. Tăng cang Hòa thượng Thích Diệu Quang, Đệ Lục Tổ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, cử Hòa thượng Thích Giải Hậu trụ trì (1948-1954)
  6. Hòa thượng Thích Diên Thành (1957-1960)
  7. Hòa thượng Thích Giải Hậu cử Thượng tọa Thích Trí Chánh trụ trì (1960-1970)
  8. Hòa thượng Thích Hoàn Quan, đồ tôn của cố Hòa thượng Hoằng Phúc, đứng ra nhận Tổ đình Quang Lộc năm 1971, và cũng trong năm này, lại giao toàn bộ cho Thượng tọa Thích Hạnh Lạc, lúc bấy giờ đang theo học tại Phật học viện Quảng Đức (Sài Gòn), Ngài Hoàn Quang là giảng sư.
  9. Thượng tọa Thích Hạnh Lạc trụ trì từ 1975 cho đến nay. Thế danh Nguyễn Huỳnh, quê xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Pháp danh Thị Anh, pháp hiệu Vân Sơn. Xuất gia năm 1963, quy y Hòa thượng Thích Viên Phước tại Tổ đình Phước Quang (xã Nghĩa Hòa). Y chỉ cầu pháp Hòa thượng Thích Giải An. Thọ Sa di năm 1966 tại Tăng Học Đường Trúc Lâm (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Thọ Tỳ kheo năm 1970 tại Đại giới đàn Vĩnh Gia (TP Đà Nẵng) do Đường đầu Hòa thượng Thích Giác Nhiên. Hiện nay, Thượng tọa là Ủy viên HĐTS Phật giáo VN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi (2005-2010), trụ trì chùa Pháp Hóa (Tỉnh hội Quảng Ngãi), Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Quảng Ngãi từ 2007.

Chùa Quang Lộc đã trải qua các lần trùng tu vào những năm 1973 – 1981 – 1985 – 1989. Hòa thượng Hoàn Quan tặng bốn câu đối khắc trên đá hoa trước Tiền đường:

–             “Quang Lộc môn tiền dạ thảo phương phi phu dương thiệt tướng.

Tổ đình viên nội nhàn hoa phức ức biểu lộ chơn tâm”.

–             “Nguyệt lạc Ô đề cổ tự thần chung thanh thanh dĩ điểm.

Phong đình thọ tịnh cô thôn mộ cổ ưỡng ưởng đương thâu”.

Năm 1993, Tổ đình Quang Lộc được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (Quyết định số 1881).

Hiệp kỵ của Tổ đình vào 19 tháng chạp âm lịch hằng năm.

Điện thoại liên hệ: 055.3845261

 

 

 

 

CHÙA TÂY LONG

Chùa Tây Long tại Đội 7, thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Hòa thượng Thích Quang Lý khai sơn sáng lập vào ngày 20.3.1953. Trước mặt có dòng sông Cây Bứa, sau lưng là Cấm Ông Nghè, nguyên trên đất ông Nghè Tộ cúng hiến, diện tích đo đạc mới nhất 1424m2.

Hòa thượng Quang Lý trụ trì một thời gian ngắn, rồi tiếp tục đi hoằng hóa tại Đà Lạt. Đại đức Thích Long Ân tiếp tục trụ trì cho đến sau 1975 thì gián đoạn, chùa do bổn đạo cai quản.

Năm 1971, các cư sĩ Võ Đình Hảo, Võ Chấn… vận động tu sửa chùa lần thứ nhất cho khỏi hư hoại trong thời buổi chiến tranh.

Năm 2000, chùa được tu sửa lần thứ hai, tạm thời ổn định.

Năm 2004, chùa cử Ban Hộ Tự, bác Hương Viễn là Trưởng ban, cư sĩ Phạm Ngọc vinh Phó ban, và Võ Trúc Thư ký.

Năm 2005, chùa thỉnh Sư cô Thích Nữ Nguyên Trang, đệ tử của Ni sư Thích Nữ Hạnh Hòa (chùa Phổ Thiện) về làm trụ trì. Sư cô thế danh Lê Thị Thùy, thọ Sa di năm 1998, thọ Tỳ kheo năm 2004, tại Đại giới đàn Huệ Chiếu (TP.Qui Nhơn), do đường đầu Hòa thượng Thích Nữ Tâm Hoa. Sư cô được bổ nhiệm chính thức năm 2007.

Năm 2009, chùa xuống cấp, làm lại ngôi chánh điện. Năm 2010, chùa tiến hành việc trùng tu toàn bộ.

Hàng tháng chùa tổ chức Niệm Phật vào hai ngày rằm và mồng một.

Điện thoại liên hệ: 055.3926009.

CHÙA SẮC TỨ THẠCH SƠN

Chùa tọa lạc trên đỉnh bằng núi Phú Thọ thuộc quần thể của núi Bàn Cờ, thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Tiền thân của Sắc tứ Thạch Sơn tự là chùa Bình Man. Theo lý lịch di tích  trong “ Dự Án Nghiên Cứu Trường Lũy Quảng Ngãi” của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, phối hợp với Viện Khoa Học Xã Hội và Viện Khảo Cổ Học Việt Nam tại cuộc hội nghị lần thứ 3 năm 2010, đối chiếu với nội dung bia ký chùa Bình Man thì ngôi chùa này do ông Nguyễn Công Tấn nguyên là quan Án sát tỉnh Thái Nguyên vâng mệnh vua Tự Đức (1863) lãnh chức Tiễu Phủ Sứ vùng núi của các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú để bình Man. Đến năm Tự Đức thứ 19 – Bính Dần (1866) ông Nguyễn Công Tấn chủ trương xây dựng ngôi chùa này trên nền đồn Thiên Xuân (*) đã hoang phế (đồn Thiên Xuân do Tả Quân Lê Văn Duyệt thiết lập năm 1819) thuộc thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Sau khi xây dựng chùa được 3 năm (1869),ông Nguyễn Công Tấn soạn dựng bia:” Bình Man tự ký”.  Xin được trích một đoạn trong bia ký mà chúng tôi đã nhờ  nhà Hán học Võ Văn Sổ: Phó giám đốc trung tâm NC & THGP – Hội khoa học lịch sử Tp HCM phiên âm, dịch nghĩa như sau:

Phiên âm:

… “Mục kim tứ thông hữu lộ, trú trác hữu đồn, thần kỳ hữu miếu, giao dịch hữu trường, hạt dân chi tiều, thải giả chí thử nhi chỉ hàng man chi giao dịch, Giả diệc chí thử nhi hoàn. Thị tắc tích vi, tê, tượng chi sở, nhi kim vi yên hỏa chi hương, tích vi đạo tặc chi tẩu , nhi kim vi xa mã chi cù, phù tứ ngũ thập niên xú loại tung hoành chi vực, chí tư nhi thủy hiển ninh kỷ thiên bá tải hóa công tạo thiết chi kỳ, chi tư nhi thủy hiển bất khả bất vi, thử giang sơn hỷ dã nhi dư cửu lai khể cổ nhơn chi chí, bất khả bất nhơn nhi tín thành chi nhỉ. Ư thị mưu chư nhứt nhị đồng chí cưu công thủ tài tức vu Liêm Khê chi bắc ngạn, phế bảo chi di cơ nhi đống vũ chi số nguyệt nhi thành, Thiên chi viết Bình Man tự thử phái dư chi hữu lạc ư thiền dã
Cái dục biểu biên cương chi thắng trí biên sự, chi thô tựu nhi hựu tương sử thính từ bi bất sát chi phạn Âm nhi tiêu hoang hốt vô thường chi Man thái, thử hoặc nhứt cơ hội dã…..”

Dịch nghĩa:

….. “Trước mắt đường sá thông suốt 4 phương, đồn lũy vững vàng, Thần, Phật có miếu thờ, buôn bán có chợ búa, người người mang vật phẩm đến trao đổi. Người Man  quy phục cùng giao dịch cũng ở nơi đây rồi trở về. Ngày xưa đây là nơi của tê giác, voi rừng ngự trị mà nay đã thấy khói bếp tỏa bay, xưa là nơi hoang vắng, trộm cướp nay là đường sá lưu thông ngựa, xe xuôi ngược. Qua bốn năm chục năm từ khu vực bọn xấu tung hoành, nay đã yên lành. Thật là một kỳ tích mà hóa công đã ban tặngđược rạng rỡ như hôm nay. Ta không thể không làm điều gì đó để mừng cho non sông mà người xưa đã đặt trọn niền tin.

Bởi thế nên bàn bạc cùng bạn đồng chí đồng tâm  mua gỗ tốt, thuê thợ giỏi để dựng lên chùa Bình Man ở bờ bắc Liêm Khê, trên nền đồn cũ đã hoang phế, trong vài tháng đã hoàn thành là thỏa mãn tâm nguyện với đạo Thiền vậy.

Nguyện vọng chung là muốn biên cương đất nước được bền vững tuy còn nhiều nhược điểm, khó khăn; nhưng đem chuyện Từ Bi không giết chóc theo thuyết nhà Phật để phút chốc thay đổi những thói tục vô thường thì đây cũng là cơ hội vậy…..

Năm Kỷ Tỵ- Hoàng triều Tự Đức-1869

Người soạn: Lễ bộ Thượng Thư Nguyễn Công Tấn tự là Đồng Vân

Ngôi chùa Bình Man trên địa phận thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành tồn tại đến năm Bính Ngọ – Thành Thái thứ 18 (1906) thì quan Cần Chánh điện đại học sĩ Trí Chánh Thạch Trì Nguyễn Thân kiến trúc và thỉnh cầu đệ tứ Tổ chùa Sắc tứ Thiên Ấn là Hòa thượng Giác Tánh đến khai sơn, Ngài Tăng cang chùa Sắc Tứ Thiên Mụ, Huế làm chứng minh để xây dựng chùa Thạch Sơn trên núi Phú Thọ thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa rồi rước tượng Phật từ chùa Bình Man về thờ, phục dựng bia ”Bình Man tự ký” và cũng khắc dựng một bia ”Thạch Sơn Tự ký” tại sân chùa . Hiện nay hai bia ký vẫn còn trơ gang cùng tuế nguyệt!

Tôi xin trích một đoạn trong “Bia Ký Chùa Thạch Sơn” – cũng do nhà Hán học Võ Văn Sổ phiên âm, dịch nghĩa như sau:

Phiên âm:

Dư thiếu thời túc hữu kỳ chí, trưởng nhi thệ sỹ thích thời sự chi đa gian chánh bĩnh nhung trù nhựt bất dã cấp kỷ kinh hàn thử nhi vân khám quang cảnh bán lãnh Thiền đăng, kiêm dỹ tư tự mật nhĩ Tòng Lâm, tỳ liên Man kiếu, tự cải huyện vi đồn chi hậu, cửu kinh hoang phế, vị năng nhi tập chi, thâm nhi trắc chi.

Kim dã thiên nhiêu dật thú tòng cúc di nhàn, lịch tương danh khu khuyết  hữu Phú Thọ sơn Thạch động thiên thành vưu vi kỳ tuyệt. Phong đầu ngật lập thuỷ diện oanh hồi khâm Trà Giang nhi đái Vệ Thuỷ, bắc Qui Sơn nhi Nam Phụng Lãnh, Cổ Luỹ Cận Lâm hồ giang chữ, Lý Sơn giao trấn hồ hải môn, nhựt tắc khách đĩnh vãng lai, yên ba phiêu miễu, dạ tắc ngư đăng ẩn hiện, tinh tú sâm si giải  thắng thanh kỳ phất hạ đàn thuật, nhiên túng quan vũ trụ chi đại phủ sát phẩm loại chi phiền tuân vi ngô châu thập cảnh trung chi tối thắng giã dã, toại mạng cấu tạo danh viết Thạch Sơn tự, phụng nghinh Bình Man tự Phật tượng hiệp tự yên.

Thừa tiên chí dã diệc phiêu thắng tích nhi ký nhàn tình dã ư thị nộ du hạ nhựt đào dưỡng tánh thiên tương sử nhĩ bửu toạ chi minh (mất 1 chữ) kiên tâm đốn Thích mục Kim Liên chi diệu thể, tục lự tiềm khư, nhơn nhi thâm bồi thiện căn, trùng viên phước quả, thứ hồ pháp thiên địa chi động tĩnh vi thiên địa chi hoàn nhơn sơ phi đạo tập cổ nhơn nhi ư cổ nhơn ngụ ý xử ngẫu vẫn hiệp nhỉ.

Dịch nghĩa:

Ta lúc thiếu thời mang nhiều hoài bão, khi trưởng thành ra làm quan, gặp lúc thời cuộc nhiễu nhương, bận lo chính sự binh nhung, không rảnh rỗi để xem xét giềng mối nắng mưa, leo lắt đèn Thiền, xa lánh chốn Tòng Lâm vì mãi lo việc đất Man rối rắm. Từ khi đổi huyện thành đồn, cảnh chùa Bình Man trở nên hoang phế chưa có điều kiện tu bổ. Thật chi xiết ngậm ngùi!

Nay, trời cho nhàn hạ, vui thú cùng hoa lá cỏ cây, dạo bước đây đó ngắm Thạch Động trên núi Phú Thọ. Thật là một kỳ tích mà trời ban tặng: đỉnh núi nhô cao, sông Trà chảy quanh co giáp Sông Vệ; phía bắc là ngọn Quy Sơn, phía nam là dãy núi Long Phụng. Trước mặt là miền Cổ luỹ gần kề bến nước, đảo Lý Sơn trấn giữ lối vào ra. Ban ngày thuyền khách ngược xuôi thênh thang lướt sóng, đêm đến đèn câu ẩn hiện sao sáng ngang trời, cảnh đẹp thanh kỳ nói sao cho hết! Phóng tầm mắt nhìn mênh mông vũ trụ, tỉ mĩ xét xem mọi vật bộn bề thì trong thập cảnh xứ ta đây là nơi đẹp nhất vậy. Bèn lệnh cho xây dựng chùa tên Thạch Sơn rồi rước tượng Phật nơi chùa Bình Man về đây thờ cúng.

Dựa theo chí người xưa, yêu cảnh đẹp, gởi lòng lúc thư nhàn, bồi dưỡng tánh trời ban. Vì thế mà tôn tạo ngôi bữu toạ được vang danh, bền lòng kính Phật, rạng rỡ sen vàng, cởi bỏ lo toan, vun bồi gốc thiện, vo tròn quả phúc, ngõ hầu theo khuôn phép động tĩnh của trời đất để hoàn thiện con người, không giẫm bừa lên cổ tục mà ngụ ý của người xưa đối với hôm nay là ngẫu nhiên trùng hợp vậy.

……………………..

Ngày lành mùa đông năm Thành Thái 18- Bính Ngọ (1906)

Người soạn: Phụ Chánh Đại Thần Cần chánh Điện đại học sỹ Túc liệt tướng, Diên Lộc quận công, Trí Chánh Thạch Trì Nguyễn Thân tự Nho Bá.

Sau khi xây dựng hoàn tất chùa Thạch Sơn, Hòa Thượng Hoằng Tịnh được cung thỉnh về trụ trì. Chính tại nơi đây, Hòa thượng Khánh Tín đã được thế độ xuất gia vào ngày 17 tháng 11 năm Tân Hợi (1911). Năm Quý Sửu (1913), Ngũ tổ chùa Thiên Ấn là Hòa thượng Hoằng Phúc được phong Tăng Cang và cung thỉnh kiêm trụ trì chùa Thạch Sơn thay cho pháp huynh là Hòa thượng Hoằng Tịnh đang bận Phật sự tại hai chùa Phước Quang và Khánh Long.

Năm Bính Thìn (1916), Hòa thượng Hoằng Phúc viên tịch, pháp đệ của Ngài là Hòa thượng Hoằng Thạc được cung thỉnh về trú trì chùa Sắc tứ Thạch Sơn. Đến năm 1940, Hòa thượng Hoằng Thạc về tại quê nhà tại Nghĩa Hành khai sơn chùa Phổ Quang và giao lại cho đệ tử mình là Hòa thượng Trí Hưng điều hành Phật sự tại đây. Trong suốt 24 năm trụ trì chùa Thạch Sơn, Hòa thượng Hoằng Thạc đã hai lần khai đàn thí giới để đào tạo Tăng tài cho quê hương. Đó là giới đàn năm Giáp Tuất (1934) và giới đàn năm Đinh Sửu (1937). Giới đàn năm Giáp Tuất là giới đàn được tổ chức qui mô do Hòa thượng Hoằng Thạc làm Đàn  đầu, Tăng cang Huệ Minh chùa Từ Hiếu, Huế làm Yết ma và Tăng cang Thiện Quả chùa Chúc Thánh, Quảng Nam  làm Giáo thọ. Thiền sư Trí Độ và Thiền sư Mật khế về dự với tư cách là phóng viên nguyệt san Viên Âm. Đặc biệt, năm 1921, tú tài Nguyễn Trọng Khải nghe danh Ngài nên từ Bình Định lặn lội ra tầm sư học đạo, về sau trở thành Hòa thượng Thích Trí Hải, chủ bút tạp chí Từ Bi Âm của hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học.

Năm Tân Tỵ (1941), tại chùa Thạch Sơn lại khai đàn truyền giới do Hòa thượng Diệu Nguyên làm Đàn đầu. Đây cũng là giới đàn cuối cùng tại ngôi chùa lịch sử này.

Đến những năm 1944, 1945 kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chùa Thạch Sơn rơi vào hoang tàn. Hòa thượng Trí Hưng về lập chùa Từ Lâm dưới chân núi Phú Thọ để tiếp tục duy trì hành đạo.

Từ khi thành lập cho đến lúc suy tàn, chỉ vọn vẹn 4 thập niên (1906-1945) nhưng chùa Sắc tứ Thạch Sơn đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Phật giáo Quảng Ngãi nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Nhiều giới đàn mang tầm vóc quy mô được tổ chức để tiếp dẫn hậu lai truyền trì mạng mạch. Các vị danh Tăng như: Hòa thượng Thích Trí Hải, chủ bút Từ Bi Âm, khai sơn chùa Bích Liên, Bình Định; Hòa thượng Thích Trí Hưng, khai sơn chùa Từ Lâm, Quảng Ngãi; Hòa thượng Thích Trí Huy, chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Đức, khai sơn chùa Pháp Hoa, Đăcknông, Hòa thượng Thích Khánh Tín, chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Ngãi, khai sơn chùa Thọ Sơn, Quảng Ngãi v.v…đều xuất thân từ ngôi chùa Thạch Sơn lịch sử này.

Ngày nay (2010), về lại Thạch Sơn, cổng Tam quan rêu phong bởi lớp bụi thời gian nhưng vẫn uy nghi sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Hai tấm bia ký tả hửu: Bình Man Tự Ký và Thạch Sơn Tư Ký với hàng nghìn chữ Hán tinh xảo vẫn đẹp, vẫn y nguyên như thuở ban sơ. Đứng trên nền phế tích Thạch Sơn tự, nhìn biển cả mênh mông, mờ xa thấp thoáng đảo Lý Sơn, bên trái là dòng sông Trà Khúc lững lờ xuôi về biển, bên phải là sông Trại Đàn-chi lưu của sông Vệ và sông Bàu Giang dẫn nước về giao tình với sông Trà ở của Đại đã phân đôi bờ miền Phú Thọ để có danh thắng Cổ Lũy Cô Thôn mà thấy lòng bùi ngùi thương tiếc Thạch Sơn Tự và Bình Man Tự. Nghe văng vẳng đâu đây lời kinh tiếng kệ trầm hùng của thuở nào còn vang vọng. Biết đến bao giờ Thạch Sơn được trùng quang?

Chùa tọa lạc trên đỉnh bằng núi Phú Thọ. Quần thể của núi Bàn Cờ, hiện nay thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Tiền thân của Sắc Tứ Thạch Sơn là chùa Bình Man. Theo dự án “nghiên cứu trường lũy Quảng Ngãi” của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, phối hợp với Viện Khoa Học Xã Hội, Viện Khảo Cổ học Việt Nam trong cuộc hội nghị lần thứ 3 năm 2010, đối chiếu với nội dung bia ký chùa Bình Man thì ngôi chùa này do ông Nguyễn Công Tấn chủ trương xây dựng năm Bính Dần – Tự Đức thứ 19 (1866) trên nền đồi Thiên Xuân (*) đã hoang phế thuộc thôn Trường Lệ xã Hành Tín Đông huyện nghĩa hành tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Sau khi xây dựng chùa được 3 năm (1869), ông Nguyễn Công Tấn soạn dựng bia: “Bình Man tự ký”. Chúng tôi xin được trích một đoạn trong văn bia do nhà Hán học Võ Văn Sổ: Phó giám đốc trung tâm NC&THGP-Hội Khoa học Lịch sử Tp HCM phiên âm, dịch nghĩa như sau:

Phiên âm:

… “Mục kim tứ thông hữu lộ, trú trác hữu đồn, thần kỳ hữu miếu, giao dịch hữu trường, hạt dân chi tiều, thái giả chí thử nhi, hàng man chi giao dịch, Giả diệc chí thử nhi hoàn. Thị tắc tích vi, tê, tượng chi sở, nhi kim vi yên hỏa chi hương, tích vi đạo tặc chi tẩu, nhi kim vi xa mã chi cù, phù tứ ngũ thập niên xú loại tung hoành chi vực, chí tư nhi thủy hiển ninh kỷ thiên bá tải hóa công tạo thiết chi kỳ, chi tư nhi thủy hiển bất khả bất vi, thử giang sơn hỷ dã nhi dư cửu lai khể cổ nhơn chi chí, bất khả bất nhơn nhi tín thành chi nhỉ. Ư thị mưu chư nhứt nhị đồng chí cưu công thủ tài tức vu Liêu Khê chi bắc ngạn, phế bảo chi di cơ nhi đống vũ chi số nguyệt nhi thành, Thiên chi viết Bình Man tự thử phái dư chi hữu lạc ư thiền dã.

Cái dục biểu biên cương chi thắng trí biên sự, chi thô tựu nhi hựu tương sử thính từ bi bất sát chi phạn Âm nhi tiêu hoang hốt vô thường chi Man Thái, thử hoặc nhứt cơ hội dã…..”

Dịch nghĩa:

…..“Trước mắt đường sá thông suốt 4 phương, đồn lũy vững vàng, Thần, Phật có miếu thờ, buôn bán có chợ búa, người người mang vật phẩm đến trao đổi. Người Man  quy phục cùng giao dịch cũng ở nơi đây rồi trở về. Ngày xưa đây là nơi của tê giác, voi rừng ngự trị mà nay đã thấy khói bếp tỏa bay, xưa là nơi hoang vắng, trộm cướp nay là đường sá lưu thông ngựa,xe xuôi ngược.Qua bốn năm chục năm từ khu vực bọn xấu tung hoành, nay đã yên lành. Thật là một kỳ tich mà hóa công đã ban tặng được rạng rỡ như hôm nay. Ta không thể không làm điều gì đó để mừng cho non sông mà người xưa đã đặt trọn niêm tin.

Bởi thế nên bàn bạc cùng bạn đồng chí đồng tâm mua gỗ tốt, thuê thợ giỏi để dựng lên chùa Bình Man ở bờ bắc Liêm Khê, trên nền đồn cũ đã hoang phế, trong vài tháng đã hoàn thành là thỏa mãn tâm nguyện với đạo thiền vậy.

Nguyện vọng chung là muốn biên cương đất nước được bền vững tuy còn nhiều nhược điểm, khó khăn; nhưng đem chuyện từ bi không giết chóc theo thuyết nhà Phật để phút chốc thay đổi những thói tục vô thường thì đây cũng là cơ hội vậy…..”

Năm Kỷ Tỵ – Hoàng triều Tự Đức – 1869

Người soạn: Lễ bộ Thượng Thư Nguyễn Công Tấn tự là Đồng Vân

Ngôi chùa Bình Man trên địa phận thôn Trường Lệ xã Hành Tín Đông huyện Nghĩa Hành tồn tại đến năm Bính Ngọ – Thành Thái thứ 18 (1906) thì ông Nguyễn Thân xây dựng chùa Thạch Sơn trên núi Phú Thọ thuộc xã Nghĩa Phú huyện Tư Nghĩa rồi rước tượng Phật từ chùa Bình Man về thờ, phục dựng bia “Bình Man tự ký” và cũng khắc dựng một bia “Thạch Sơn Tự ký”. Tại sân chùa, hiện nay hai bia ký vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt!

Sau khi xây dựng hoàn tất chùa Thạch Sơn,Tăng Cang Hòa Thượng Hoằng Tịnh được cung thỉnh về trụ trì. Năm Tân Hợi(1911) Hòa Thượng Trụ trì khai đàn truyền giới tại chùa Thạch Sơn. Năm Qúi Sửu – 1913, Ngũ tổ chùa Thiên Ấn là Hòa Thượng Hoằng Phúc được phong Tăng Cang và được cung thỉnh kiêm trụ trì chùa Thạch Sơn thay cho bào huynh là Hòa Thượng Hoằng Tịnh đang bận Phật sự tại hai chùa Phước Quang và Khánh Long.

Năm Bính Thìn – 1916, Hòa Thượng Hoằng Phúc viên tịch thì sau đó  Hòa Thượng Ấn Lãnh – Tổ Tòng – Hoằng Thạc được cung thỉnh về trú trì chùa sắc tứ Thạch Sơn mãi đến khi ngài viên tịch vào năm giáp thân-1944.Trong 28 năm trụ trì chùa Thạch Sơn Hòa Thượng Hoằng Thạc đã khai mở hai giới đàn mà ta được biết là giới đàn  năm Giáp Tuất – 1934 và giới đàn năm Đinh Sửu – 1937. Giới đàn năm giáp tuất là giới đàn lớn do Hòa Thượng Hoằng Thạc làm Đàn  Đầu, Tăng cang chùa Từ Hiếu – Huế làm Yết ma và Tăng cang Thiện Quả chùa Chúc Thánh – Quảng Nam làm giáo thọ. Thiền Sư Trí Độ và Mật khế về dự với tư cách là phóng viên nguyệt san Viên Âm

Sau khi ngài Hoằng Thạc viên tịch chùa không người cai quản, và trải qua thời kỳ toàn dân tập trung cho công cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Thạch Sơn trở nên hiu quạnh.

Năm 1955, Hòa Thượng Trí Hưng di dời khung sườn gỗ chùa Thạch Sơn xuống chân núi để trùng tu chùa Từ Lâm và thỉnh Tôn Tượng về phụng thờ.

Hiện nay (2010) cổng tam quan chùa Sắc Tứ Thạch Sơn tuy có rêu phong nhưng sừng sững trơ vơ, có nét kiến trúc theo phong cách cổ xưa, thật đẹp! Hai bia ký tả hửu: Bình Man Tự ký và Thạch Sơn tư ký với hàng nghìn chữ Hán khắc rất đều, đẹp vẫn y nguyên theo năm tháng. Đây là một trong những di sản văn hóa Phật giào quý hiếm của Quảng Ngãi và Phật giáo Việt Nam

Đứng trên nền phế tích Thạch Sơn tự, nhìn biển cả mênh mông, mờ xa thấp thoảng đảo Lý Sơn, bên trái là dòng sông Trà Khúc lững lờ xuôi về biển, bên phải là sông Trại Đàn – chi lưu của Sông Vệ và sông Bàu Giang dẫn nước về giao tình với sông Trà ở của Đại đã phân đôi bờ miền Phú Thọ để có danh thắng Cổ Lũy Cô Thôn mà thấy lòng bùi ngùi thương tiếc Thạch Sơn Tự và Bình Man Tự.

Chú thích:

(*) Theo lý lịch di tích dự án nghiên cứu Trường Lũy Quảng Ngãi của viện Viễn Đông Bác Cổ trang 16.

CHÙA THIÊN HẢI

Chùa Thiên Hải, nguyên từ thôn Tâm Xuân, xã Đông Hải, huyện Minh Hải, tỉnh Ninh Thuận, do Tỳ kheo Thích Đức Quốc, thế danh Nguyễn Chí Mai, sáng lập năm Tân Hợi (1971). Sau 1975, được dời về quê hương sinh quán, nay tại thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa mang tính “cải gia vi tự”, có diện tích xây dựng 100m2 trong diện tích đất sử dụng tư nhân 1000m2.

Tỳ kheo Thích Đức Quốc là đệ tử của Thượng tọa Thích Trừng Ninh, xuất gia năm 1965 tại Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn. Thọ Sa di năm 1968, tại chùa Bảo Linh (phường Lê Hồng Phong, Tp. Quảng Ngãi), thọ Tỳ kheo năm 1976, tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm (Gia Định), do Đường đầu Hòa thượng Thích Hải Tràng. Năm 1968-1972, thụ huấn Trung đẳng Phật giáo tại Phật Học Viện Giác Sanh (Quận 11, TP Hồ Chí Minh). Nguyên Thư ký Tăng sự Tỉnh Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, là thành viên MTTQVN xã Nghĩa Hà, năm 2004 thụ phong giới phẩm Thượng tọa.

Chùa căn bản giữ lệ rằm, mồng một, các ngày lễ Phật. Thường xuyên kinh kệ, sám hối, cầu siêu, cầu an, và chùa có Ban Từ Thiện lo việc tang lễ, ốm đau.

Điện thoại liên hệ: 055.3846072

CHÙA THIÊN SANH

Chùa Thiên Sanh hay Thiên Sanh Thạch Khánh Tự, nguyên trên núi đá Phú Thọ, đối diện với cửa Đại Cổ Lũy, có từ lâu đời, nằm sâu trong hang đá thiên nhiên, thường gọi là chùa Hang.

Trong thời kháng chiến 1 (1945-1954), các chiến hạm của Pháp thường đậu ngoài khơi, bắn đại bác vào đất liền, phá hoại hậu cần cách mạng và âm mưu đổ bộ tái chiếm tỉnh Quảng Ngãi. Chùa trở thành cứ điểm an toàn của Vệ Quốc Đoàn (Việt Minh), nên chùa gián đoạn sinh hoạt.

Sau 1954, chùa được phục hồi, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi cử Đại đức Thích Hạnh Viên, pháp hiệu Trí Nguyện, thế danh Bùi Nga, trưởng tử của Hòa thượng Từ Quang (Thích Giải An) về làm trụ trì vào năm 1964.

Tiếp đến cuộc kháng chiến 2 bùng nổ, ngày 6/6/1965, chiến sự lại xảy ra ngay trên núi Phú Thọ. Phật tượng tạm đưa về đình làng Cổ Lũy dưới chân núi Phú Thọ về hướng Tây.

Năm Mậu Thân (1968), con cháu của các chi phái Tiền hiền sống ở đây, gồm 7 họ Đỗ-Phạm-Hồ-Nguyễn-Phan-Trần-Lê ủng hộ cho Khuôn hội Phật giáo địa phương và bổn đạo tái lập chùa tại vườn đình, lấy tên là Thiên Sanh, một bên là chùa Phật, một bên là Dinh thờ Thần, còn cho đến bây giờ, xung quanh khu chùa có tên gọi là xóm Chùa, nay là xóm 1, thôn Cổ Lũy Bắc.

Kế tiếp Đại đức Thích Hạnh Viên làm trụ trì là tu sĩ Thích Tâm Ký, pháp hiệu Trừng Lạc, đệ tử của Thượng tọa Thích Như Thành, làm Giám tự kiêm Trưởng ban Hộ từ với 7 thành viên.

Sa di Thích Hạnh Bửu được Nhà nước khen thưởng Huân chương Kháng Chiến hạng ba, và là thành viên MTTQVN xã Nghĩa Phú.

Chùa Thiên Sanh là hậu thân của Thiên Sanh Thạch Khánh Tự (chùa Hang), đã bảo tồn qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày 2/3/1972, chùa Thiên Sanh được trùng tu toàn bộ và hoàn thành, có diện tích trên dưới 500m2.

Điện thoại liên hệ: 055.3849438 – 055.3846533

CHÙA THIÊN SƠN

Chùa Thiên Sơn tại tổ 1, Thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có hai lối vào, một lối sát Quốc lộ 1A cách cầu Bàu Giang về hướng Nam khoảng 150m, bên tay trái thấy bảng trên cao “Chùa Thiên Sơn”. Một lối nữa ngay sát hương lộ Bàu Giang-La Tá hơn 100m là trụ cổng với hai câu:

“Thiên sanh thắng cảnh sanh dược thảo

Sơn môn trấn tịnh chúng an hòa”

Chùa do Đại đức Thích An Phổ, thế danh Nguyễn Minh Nhị, xây dựng trên đất tạo mãi, có diện tích 300m2 vào năm Tân Dậu (1961), và được Bổn sư Hòa thượng Thích Quang Lý chứng minh sáng lập.

Chùa có ba cơ sở phụng sự đáng kể, một cơ sở kế thừa nền tảng Phật đạo, hai là Phòng Chẩn trị Đông Y, ba là vườn thuốc Nam trồng các loại cây thuốc thông dụng, nhưng cơ sở chẩn trị là chủ yếu. Hằng ngày có nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng vật lý trị liệu, châm cứu, cùng với cho toa, bốc thuốc, có thể xem đây như một trạm xá nhỏ.

Năm 1974, Đại đức Thích An Phổ viên tịch, mộ táng tại khuôn viên chùa. Con trai của Đại đức là cư sĩ Nguyễn Khắc Dưỡng, pháp danh Như Tăng kế thừa truyền thống. Cư sĩ là một lương y hành nghề gần 20 năm, đảm trách phòng chẩn trị. Cư sĩ còn là Chủ tịch Hội Đông Y và là thành viên MTTQVN Thị trấn La Hà.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một. Ngày giỗ chính của chùa vào 14 tháng giêng âm lịch hằng năm.

Điện thoại liên hệ: 055.3845663

CHÙA THIỆN ĐỨC

Chùa Thiện Đức tại thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Do Hòa thượng Thích Trí Chánh khai sơn vào năm Canh Tuất (1970). Nguyên trên đất của ông bà Xoang, cúng hiến, kế cận với đình làng Hổ Tiếu xưa kia, diện tích khoảng hai sào.

Hòa thượng Thích Trí Chánh sinh năm Quý Hợi (1923), viên tịch ngày 5 tháng 11 năm Đinh Sửu (1997), mộ táng tại khu viên mộ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn. Long vị thờ Ngài: “Phụng vì Từ Lâm tế, Phổ tứ thập nhị thế, Hội Phước môn phong, Tỉnh hội trụ trì, thượng Diệu hạ Hòa, húy Trí Chánh, hiệu Phước Tân, Trần Công Hòa thượng giác linh liên tọa”.

Chùa trải qua các đời trụ trì:

–             1970 – 1971, Hòa thượng Thích Trí Chánh khai sơn trụ trì

–             1972 – 1977, Đại đức Thích Giác Thứ trụ trì

–             1978 – 1981, Đại đức Thích Hạnh Trí thủ tự

–             1982 – 1988, Đại đức Thích Tịnh Nhơn, thế danh Võ Bắp, pháp danh Như Đậu, thủ tự.

–             1989 – 1997, Sa di Thích Giải Quả, thế danh Hồ Lược, thủ tự

–             1998 – 2003, Nữ cư sĩ Ngô Thị Một

–             Từ 2003 đến nay, Sư cô Thích Nữ Thuần Liên, thế danh Nguyễn Thị Kim Tiền, quy y Ni sư Thích Nữ Thận Liên, thuộc hệ Ni giới Khất sĩ. Xuất gia năm 1989, thọ Sa di năm 1991, thọ Tỳ kheo năm 1996, tại Đại giới đàn Tùng Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu), do Đường đầu Ni trưởng Thích Nư Như Chí (Bổ nhiệm trụ trì do QĐ số 12/QĐ-BTS ngày 5/1/2004).

Năm 2007, chùa trùng tu Chánh điện liền với nhà khách, nhà Tăng, nhà Trù, xây tượng đài Quan Thế Âm và tạo Hồng chung 120kg. Hiện chùa còn bảo tồn hai pho tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện bằng gỗ mít có từ lâu đời, sơn son thép vàng, rất giá trị lịch sử.

Hiệp kỵ của chùa vào 4 tháng 11 âm lịch hằng năm, nhằm ngày giỗ Hòa thượng Trí Chánh.

Điện thoại liên hệ: 055.3849144 – 0905410401

CHÙA THỌ SƠN 1

Chùa Thọ Sơn tọa lạc tại xứ Hà Một, làng Hưng Nhơn, tổng Nghĩa Hà; nay là thôn Hội An, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa nằm trên triền đồi núi bà Nhưng, nhìn ra dòng sông Trai Đàn trong xanh với những đám lục bình lững lờ trên mặt nước. Cảnh quang thật tú mỹ, thanh kỳ!

Thọ Sơn tự được khai sơn do Sa si ni Nguyễn Hoài Cẩn, pháp danh Ấn Thận, tự Tổ Niệm (đệ tử Hòa thượng Giác Tánh) và Sa di ni Trần Thị Du, pháp danh Chơn Cẩn, tự Đạo Thành (đệ tử Hòa thượng Hoằng Phúc). Hai Sa di ni này cũng là dưỡng mẫu của Hòa thượng Khánh Tín khi Ngài còn bé nhỏ.

Ta chưa có đủ sử liệu khảo chứng để biết rõ năm khai sơn chùa Thọ Sơn. Tuy nhiên, có một văn khế Hán Nôm do vợ chồng ông Võ Nhứt bán 2 sào thổ sơn (khuôn viên chùa) cho bà Nguyễn Ấn Thận và bà Trần Chơn Cẩn vào ngày 11 tháng 8 niên hiệu Duy Tân thứ 9 (1915). Phối kiểm với tiểu sử Hòa thượng Khánh Tín do Đại đức Thích Nguyên Minh chấp bút thì tháng 2 năm Đinh Tỵ (1917), Sư cô Tổ Niệm và Đạo Thành tha thiết xin Tăng cang viện chủ chùa Thạch Sơn cho thỉnh Ngài Khánh Tín về trụ trì chùa Thọ Sơn. Vậy có lẽ, chùa Thọ Sơn được xây dựng vào khoảng năm 1916-1916. Đây là ngôi chùa thứ 2 do Ni giới của Phật giáo Quảng Ngãi xây dựng ở đầu thế kỷ 20.

Suốt 48 năm đảm nhiệm trụ trì chùa Thọ Sơn (1917-1965), Hòa thượng Khánh Tín đã bồi đắp nơi đây thành như một Đạo tràng tiếp tăng độ chúng với hằng ngàn đệ tử xuất gia và cư sĩ tại gia.

Để có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu tu học, Ngài đã tu bổ ngôi chùa khang trang rộng rãi. Song hành với công tác Phật sự, Ngài đã mua tạo cũng như tiếp nhận một số ruộng đất do Phật tử sở tại hiến cúng, để tăng chúng tự túc theo tôn chỉ Bách Trượng: “Bất tác, bất thực”. Khi còn tại thế, Hòa thượng Khánh Tín cho biết là diện tích đất ruộng thuộc tài sản Tam Bảo có gần 40000m2.

Vào ngày 15 tháng 6 năm Ất Tỵ – 1965, bom đạn chiến tranh đã làm sụp đổ hoàn toàn ngôi chùa. Nhưng thật kỳ diệu! Pho tượng Phật Tổ vẫn sừng sững, y nguyên như tự thuở nào!

Mãi đến năm Kỷ Mão – 1999, đệ tử của Hòa thượng Khánh Tín là Đại đức Thích Như Định ủng hộ tài chính và Đại đức Thích Như Quang là người trực tiếp hiệp cùng bổn đạo tái thiết lại ngôi chùa.

Hiện nay chùa Thọ Sơn còn bảo lưu được tượng Phật Tổ và quả chung độ 150kg.

CHÙA THỌ SƠN 2

Ngày 15 tháng 6 năm Ất Tỵ 1965, chiến tranh khốc liệt đã làm đổ nát ngôi chùa Thọ Sơn trên núi bà Nhưng thuộc xứ Hà Một, làng Hưng Nhơn (nay là xã Nghĩa Hà), Hòa thượng trụ trì Thích Khánh Tín đã phải chuyển dời tự vật, tự khí tạm lánh bom đạn. Đến tháng giêng năm Ất Tỵ 1967, Hòa thượng Khánh Tín tạo mãi được 3500m2 đất tại thôn Kim Thạch cùng xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa để xây dựng ngôi Tam Bảo – cũng lấy tên Thọ Sơn nhằm tưởng niệm công đức của tiền nhân.

Hòa thượng Thích Khánh Tín có thế danh là Phạm Văn Sử (chữ lót trong gia phả ghi Phạm Quang) sinh ngày 20 tháng 10 năm Bính Thân 1896 tại xứ Trung Hòa, phường An Hải, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài là con thứ 6 trong gia đình có truyền thống Phật đạo.

Năm Mậu Thân – 1908, Ngài vào chùa Thạch Sơn (Nghĩa Phú) xin tu học, được Tăng cang Hòa thượng Viện chủ Hoằng Tịnh thế phát quy y vào ngày 15 tháng 5 Tân Hợi 1911 với pháp danh Chơn Sử. Ngày 17 tháng 11 cùng năm 1911, Ngài đắc pháp Sa di tại Giới đàn chùa Thạch Sơn, được Hòa thượng bổn sư ban pháp tự Đạo Thị.

–             Tháng 2 năm Đinh Tỵ 1917, Ngài được Sa di ni Ấn Thận-Tổ Niệm và Chơn Cẩn-Đạo Thành thỉnh cầu về trụ trì chùa Thọ Sơn trên núi bà Nhưng.

–             Tháng giêng năm Đinh Tỵ 1917, Ngài được Sư thúc Hòa thượng Hoằng Thạc đề cử chức vụ Duyệt chúng tại chùa Thạch Sơn.

–             Ngày 14 tháng 3 năm Canh Thân (1920), Ngài thọ Cụ túc giới tại chùa Phước Quang do Bổn sư Hòa thượng Hoằng Tịnh làm Đàn đầu. Trong Đại giới đàn này, Hòa thượng Khánh Anh là Thủ Sa di, Hòa thượng Khánh Tín là Vĩ Sa di.

–             Trong Đại giới đàn ngày 8 tháng 6 năm Ất Sửu 1925 tại chùa Phước Quang, Ngài được suy cử làm đệ ngũ tôn chứng.

–             Tháng 5 năm Mậu Thìn (1928), Ngài được cung thỉnh về hải đảo Lý Sơn chứng minh trụ trì cho ngôi chùa Cảnh Tiên. Và Ngài khai sơn chùa Hải Lâm – ngôi chùa lớn nhất trên đảo Lý Sơn thời ấy.

–             Ngày mùng 1 tháng 3 năm Mậu Thìn – 1952, Ngài được chư tôn cung thỉnh về trụ trì Tổ đình Thiên Ấn. Tháng 6 – 1952, Ngài được suy cử Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi.

–             Năm Canh Tý-1960, Ngài được suy tôn làm chứng minh Đạo sư Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi.

–             Năm 1964, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Trưởng lão thuộc viện Tăng thống và Đại diện Hội đồng cố vấn tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi.

–             Năm Canh Tuất – 1970, Ngài làm Hòa thượng Đàn đầu tại Giới đàn chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi.

–             Năm Giáp Dần-1974, Ngài là vị Trưởng lão duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được suy tôn vào Hội đồng giáo phẩm cao cấp trung ương thuộc viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

–             Năm 1975-1977, Ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.

Ngài đã tác thành đạo nghiệp cho những đệ tử hữu danh như Hòa thượng Giải An, Ni trưởng Như Hường, Thượng tọa Giải Quảng và …..

Một đạo hạnh khả kính của Hòa thượng Khánh Tín là từ khi xuất gia đến khi kiệt sức, Ngài không hề bỏ một thời công phu, tịnh độ nào.

Ngài thị tịch vào giờ sửu ngày 11 tháng 5 năm Quý Dậu-1993. Kim quan Ngài được nhập tháp phía tay phải chính điện chùa Thọ Sơn.

Sau một năm Tổ khai sơn viên tịch, nhân ngày Tiểu tường cố Hòa thượng, chư vị đệ tử và đồ tôn của Ngài đồng lòng, thành lập Ban Quản trị Môn phong chùa Thọ Sơn, với những thành viên như sau:

–             Trưởng tử Hòa thượng Thích Giải An làm trụ trì

–             Thượng tọa Thích Như Thành – Phó trụ trì

–             Thượng tọa Thích Như Hậu – Phó trụ trì

–             Thượng tọa Thích Giải Quảng – Phó trụ trì

–             Thượng tọa Thích Giải Thiện – Phó trụ trì

–             Đại đức Thích Giải Huy – Trị sự

–             Đại đức Thích Giải Cầu – Phó Trị sự

Đến năm 2000 Hòa thượng Giải An già yếu, nên Ngài đã chỉ định chư vị sau đây để thuận tiện thực hiện công tác Phật sự:

–             Thượng tọa Thích Giải Quảng làm Trưởng Môn phong – Trụ trì

–             Thượng tọa Thích Giải Thiện – Phó trụ trì

–             Đại đức Thích Như Quang – Trụ trì tại chỗ

–             Đại đức Thích Giải Cầu – Phó Trụ trì tại chỗ

Lần này có thêm Đại đức Thích Như Tiến và Đại đức Thích Như Tâm được đề cử bổ sung vào Ban Quản trị Môn phong chùa Thọ Sơn.

CHÙA THUẬN HÒA

Chùa Thuận Hòa tại Cụm 3, thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Tiên khởi bằng tre tranh, vách đất, dưới dạng một ngôi chùa Vức, lập dựng sau 1954, do bổn đạo trong Khuôn hội Phật giáo Điền Hòa.

Ban đầu mặt chùa hướng về Nam, trong diện tích 500m2, đất do ông bà Trần Lư cúng hiến Tam Bảo, nhưng chùa đã bị chiến tranh thiêu cháy.

Năm 1966, chùa được làm lại cũng chỉ cơ bản tạm thời, đổi hướng chùa mặt về Tây. Năm 1968 đã bị bom đạn chiến tranh làm hư hại. Cũng trong năm 1968, chùa mua thêm 500m2 đất của ông bà Võ Muộn, thành ra chùa có tổng diện tích 1000m2.

Từ đó cho đến sau 1975, chùa ngày một xuống cấp, sự sinh hoạt bất thường. Cư sĩ Lê Vui, pháp danh Tâm Lạc, vẫn là người thủ tự, chờ điều kiện phục hồi.

Năm 1991, chùa được tái thiết, mặt chùa lại quay trở lại về Nam. Có Đại đức Mai Nhà, tự Giải Thanh về trụ trì được một năm rồi chuyển đi nơi khác. Chùa giao cho bổn đạo, cư sĩ Lê Vui tiếp tục thủ tự.

Năm 2004, chùa có đề án trùng tu. Năm 2006, chùa thành hình Ban Hộ Tự, Trưởng ban Lê Vui, các Phó ban Phạm Thuận và Lê Xuân Lâm, Thư ký Bùi Huệ Hồng, các ủy viên Lê Thị Tê, Võ Thị Khanh, Lê Thị Loan và Hồ Dưa (QĐ công nhận số 116/QĐ-BTS ngày 17/12/2006).

Từ 2006-2008, chùa được phép trùng tu toàn diện trong diện tích 100m2 (có sổ đỏ). Vách gạch lợp ngói, khang trang bền vững. Chùa khánh thành vào ngày 11 tháng 3 năm Kỷ Sửu (5/4/2009).

Điện thoại liên hệ: 0962419268

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG TỊNH TÂM

Niệm Phật Đường Tịnh Tâm là một ngôi chùa nhỏ nhưng nằm ở vị thế mặt tiền bên đường tỉnh lộ nên trang nghiêm sáng sủa. Nay là xóm 1, thôn Hòa Bình, thuộc trung tâm thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do Khuôn hội Phật giáo xã Tư Thành, nay là xã Nghĩa Hòa xây dựng vào năm Nhâm Dần (1962), để Phật tử ở các vùng lân cận có nơi tu niệm, nhật tụng. Ngân khoản xây dựng là do bổn đạo phát tâm đóng góp, tạo mãi đất và sắm sửa các vật dụng cần thiết. Căn bản của chùa là ngôi Chánh điện thờ Phật Thích Ca và Chuẩn Đề Quan Âm, Di Đà, trong phạm vi không quá 60m2, nằm trong khuôn viên có diện tích 2 sào.

–             Khởi đầu từ 1962 đến 1968, do cư sĩ Khuôn trưởng Phật giáo xã Tư Thành Lâm Văn Khánh cai quản.

–             Trụ trì đầu tiên từ năm 1968 đến 1975 là Hòa thượng Thích Thanh Phước, nguyên Chánh đại diện Phật giáo xã Tư Thành.

–             Từ 1976-1982, là Đại đức Thích Thiện Nghĩa, thế danh Trương Minh Lợi.

–             Từ 1982-2007, do Ban Hộ tự cai quản, cư sĩ Bùi Hậu, đệ tử của Ngài Thanh Phước là Trưởng ban.

–             Từ 2007 đến nay, cư sĩ Trần Vĩnh Quế, pháp danh Tâm Đồng quyền Trưởng ban Hộ tự.

Năm 2006, chùa được sơn thép lại toàn bộ chánh điện, làm phường môn, dựng trụ phướng.

CHÙA SƯ NỮ TỊNH NGHIÊM

Chùa Sư Nữ Tịnh Nghiêm tiền thân là Ni Viện Tịnh Nghiêm, tại tổ 4, Thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa tọa lạc trên đất làng, thuộc xứ La Tá, cấm La Hà, nằm trong danh thắng La Hà Thạch Trận. Địa phương chỉ cho biết cấm La Hà xưa kia là vùng đất đồi khá rộng, cây cối rậm rạp, dọc theo triền núi Voi (Tượng Sơn), xung quanh được khai phá thành ruộng lúa, dần hồi dân cư đông đúc, lập thành làng La Hà, nơi có nhiều am miếu, đình chùa. Nhưng các điểm tín ngưỡng này đã bị tàn phá theo thời gian, các biến động đất đai cũng theo đó mà không còn định mốc. Sau 1945, làng La Hà thuộc xã Nghĩa Thương, sau 1954 thuộc xã Tư An, và nay là Thị trấn La Hà.

Qua bao cuộc bể dâu thay đổi, kể từ cuối năm 1969, việc định cư tại La Hà tạm thời ổn định, chính quyền địa phương lúc bấy giờ đã tổ chức meeting lấy ý kiến nhân dân bản xã, thể theo nguyện vọng của tín đồ Phật giáo quyết định giao cho Ban Đại diện Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Khuôn hội La Hà, do cư sĩ Lê Hưng là Khuôn trưởng đồng thuận lập thủ tục chuyển phần đất phía Bắc cách chùa Sắc tứ An Long non 1km, tại 3 mảnh đất liền kề, với 3 trích lục cũ mang 3 số hiệu 3990, 3991, 3989 và Bản Kiến điền số 41, có diện tích chung 2 mẫu cho Sư bà Thích Nữ Như Huyền vào ngày 10/12/1969.

Ban đầu chùa chỉ là một Ni Viện bé nhỏ dành cho các nữ tu hành. Nhưng trong vòng đôi chục năm, tín đồ nữ giới về tu học gia tăng, uy tín của Sư Bà được nhiều người biết đến, Ni Viện đã trở thành một cảnh chùa trang nghiêm thanh tịnh.

Năm 1987, Sư bà Thích Nữ Như Huyền viên tịch, tháp mộ Sư bà tại khuôn viên chùa. Người kế vị Sư bà là Ni Sư cô Thích Nữ Hạnh Viên, thế danh Thái Thị Thiện, xuất gia năm 1963, thọ Tỳ kheo năm 1972, tại Đại giới đàn Linh Quang, chùa Diện Đế (Huế), do Đường đầu Hòa thượng Thích Huyền Tôn.

Chùa giữ lệ rằm, mồng một, và các ngày lễ Phật. Giỗ chính của chùa vào ngày 27 tháng 11 âm lịch hằng năm. Cứ 2 tháng chùa tổ chức Đạo tràng niệm Phật một lần. Ngày 25/10/1993, chùa có Quyết định số 1881, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại liên hệ: 055.3845700

SẮC TỨ TỔ ĐÌNH TỪ LÂM

Sắc tứ Tổ đình Từ Lâm tại xóm Thanh An, thôn Phó Thọ, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Do Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Hưng khai sơn sáng lập vào năm Ất Hợi (1935). Năm Kỷ Mão (1939), niên hiệu Bảo Đại thứ 14, chùa Từ Lâm được ban phong “Sắc Tứ Từ Lâm Tự” và Ngài Trí Hưng được phê chuẩn “Sắc Tứ Tăng Cang Hòa Thượng”.

Ngài Trí Hưng thế danh Nguyên Tăng, sinh năm Kỷ Dậu (1908) tại làng Thạch Trụ, tổng Ca Đức, nay là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Vừa sinh ra đã được thân mẫu đem quy y Đại lão Hòa thượng Ngũ Tổ Hoằng Phúc (Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn), cho pháp danh Chơn Miên. Ngoài vốn học trường nhà dòng Pellerin Huế và Quốc học Khải Định, năm 19 tuổi (1927) lập đình. Năm 22 tuổi (1930), Ngài cắt ái ly gia, lập chí Thọ thập giới xuất gia, Đại lão Hòa thượng Hoằng Thạc, chùa Sắc tứ Thạch Sơn (Phú Thọ), phú pháp tự Đạo Long. Năm 26 tuổi (1934), Ngài thọ Tam đàn Cụ túc giới, tại Đại giới đàn chùa Sắc tứ Thạch Sơn, Đại lão Hòa thượng Hoằng Thạc phú pháp, hiệu Trí Hưng. Từ đây, Ngài đã kinh qua các công tác Phật sự như sau:

–             Năm 1938 đến trước 1954, Ngài nguyên là Kiểm tăng Sơn môn Quảng Ngãi – Chủ trương Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn – Hội An Nam Phật học Quảng Ngãi được thành lập, Ngài được cử làm chứng minh Đạo sư kiêm cố vấn cho tỉnh Hội cùng với Ngài Hoằng Thạc và Ngài Diệu Quang. Tổng thư ký Hội đồng Trị sự tỉnh Thừa Thiên – Tổng Hội trưởng Giáo hội Việt Nam Phật giáo Thuyền lữ Trung Việt – Trụ trì Tổ đình Huê Lâm tại Thừa Thiên ….

–             Tháng 3 năm 1955, Ngài được cung thỉnh về trùng tu Tổ đình Thiên Ấn, cũng năm này, Ngài trùng tu xây dựng lại ngôi Tam Bảo Sắc tứ Từ Lâm (Quảng Ngãi), đã bị bom đạn tiêu hủy trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

–             Từ 1955 đến trước 1975, Ngài nguyên là Tòng lâm Đạo thống Sơn môn Quảng Ngãi – Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Quảng Ngãi – Đại diện Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam tại Trung nguyên và Cao nguyên Trung phần – Cố vấn giáo lý Giáo hội Phật giáo Liên hữu Trung ương – Sáng lập viên Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam – Phó Tăng thống kiêm Quản Tăng Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam – Trụ trì chùa Thiền Lâm (Sài Gòn),….

Năm Bính Dần (1986) Ngài viên tịch tại chùa Thiền Lâm (Sài Gòn). Mộ táng tại Tu viện Vĩnh Đức (Thủ Đức, Sài Gòn). Long vị thờ Ngài: “Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập thế, Sắc tứ Từ Lâm tự, Tăng cang, sung bổn tỉnh Sơn Môn, Kiểm tăng Thiên Ấn chủ trương, húy Chơn Miên, thượng Đạo hạ Long, hiệu Trí Hưng, Đường đầu Đại lão Hòa thượng, giác linh liên tọa. Sinh Kỷ Dậu niên, thất ngoạt, sơ bát nhựt, viên tịch Bính Dần niên, cửu ngoạt, thập tứ nhựt khứ…”.

Năm 2006, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao lại Tổ đình Từ Lâm cho Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi, do công văn số 511/CV-UB ngày 13/3/2006. UBND xã Nghĩa Phú chính thức chuyển giao BTS theo Biên bản bàn giao ngày 8/2/2007. BTS bàn giao hiện trạng cho Ban Quản Trị môn phong Tổ đình Từ Lâm, tại Quyết định số 24/QĐ-BTS ngày 29/3/2007. Đồng thời xác nhận thành phần nhân sự Ban trụ trì Tổ đình Từ Lâm, tại Công văn số 26/CV-BTS ngày 16/4/2007.

–             Trụ trì, Thượng tọa Thích An Đức, tự Quảng Lâm, thế danh Lê Tấn Quang (Viện chủ Tu viện Vĩnh Đức, TP. Hồ Chí Minh).

–             Phó trụ trì, Hòa thượng Thích An Điền (trụ trì chùa Từ Nghiêm, Thị trấn Sông Vệ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)

–             Phó trụ trì, Thượng tọa Thích An Huy (trụ trì chùa Thiên Phước, Mộ Đức, Quảng Ngãi)

–             Trị sự, Đại đức Thích Hạnh Dũng, tự Quảng Nghiêm (Tăng chúng tu viện Vĩnh Đức, Tp. Hồ Chí Minh)

–             Phó trị sự, Đại đức Thích Hạnh Đắc (Tăng chúng tu viện Vĩnh Đức, TP. Hồ Chí Minh)

–             Thư ký, Đại đức Thích An Sự (trụ trì chùa Hưng An, Nghĩa Phú, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)

–             Thủ quỹ, Đại đức Thích Hạnh Bửu (trụ trì chùa Bửu Quang, Mộ Đức, Quảng Ngãi).

Cơ sở vật chất Tổ đình Từ Lâm hôm nay gồm ngôi Chánh điện kể cả Tiền đường và Hậu tổ, có diện tích 201m2. Ngôi Linh Sơn Bảo Tháp do môn phong chùa Từ Lâm xây dựng từ trước 1975, có diện tích 126m2, kỷ niệm công đức Đại lão Tăng cang Hòa thượng Trí Hưng, với dòng chữ Hán: “Khai sơn Từ Lâm Tự, Tăng cang Trí Hưng, Đường đầu Hòa thượng Bửu tháp Thiền môn trụ thạnh”. Đặc biệt cổng tam quan còn nguyên nét cổ kính. Năm 2008, Tổ đình Từ Lâm đúc một Đại hồng chung 200kg.

 

 

CHÙA TỪ NGHIÊM

Chùa Từ Nghiêm tại số 122 Quốc lộ 1A, Thị trân Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.Ở quãng giữa hai cầu Sông Vệ và cây Bứa, về phía Đông quốc lộ 1A.

Chùa do Viện chủ trụ trì Hòa thượng Thích An Điền khai lập. Khởi công xây dựng vào ngày 15/10/1971 và chính thức khánh thành vào ngày 16/8/1972, Lễ khánh thành được Bổn sư là Phó Tăng Thống Hòa thượng Trí Hưng tặng hoành phi “Từ Nghiêm Tự” còn đến hiện nay.

Hòa thượng Thích An Điền, thế danh Võ Đương, pháp danh Như Duyên, pháp hiệu Giải Phước, sinh năm Ất Hợi 1935 tại Phổ An, xã Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Xuất gia năm 1945 tại chùa Từ Lâm, thọ Sa di năm 1955, thọ Tỳ kheo Bồ Tát giới năm 1961,tại Đại giới đàn Sắc tứ Tổ đình Từ Lâm (Tư Nghĩa), do Bổn sư Đường đầu Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Hưng. Năm 1997, được tấn phong Thượng tọa tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV. Năm 2007, được tấn phong Hòa thượng tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI.

Trước 1975, Hòa thượng Thích An Điền nguyên là Tăng giám Quận hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Tư Nghĩa, kiêm Phó ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn tỉnh Quảng ngãi, và Giáo thọ trụ trì chùa Từ Vân.

Sau 1975, Hòa thượng Thích An Điền nguyên là thành viên Ủy ban MTTQVN huyện Tư Nghĩa. Năm 1981, giữ chức Phó ban Đại diện Huyện hội Phật giáo VN huyện Tư Nghĩa. Hiện nay là Phó BTS tỉnh giáo hội Phật giáo VN Quảng Ngãi, ủy viên Nghi Lễ TW.

Quá trình hình thành chùa Từ Nghiêm hôm nay là cả một đại nguyện đáng kể. Bắt nguồn từ chùa Long Khánh ở An Mô, tổng Nghĩa Hà, nay là xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Truyền thừa qua các đời trụ trì từ Hòa thượng Hoằng Nguyên, Thích Chí Trinh, Thích Tín Lượng. Đến Ngài Thích Phước Hiệp, pháp danh Chơn Hòa, đệ tử Đại lão Tăng cang Hòa thượng Hoằng Tịnh, thì chùa bị chiến tranh tiêu hủy vào năm 1947. Ngài Phước Hiệp di chuyển chùa Long Khánh về lập chùa mới lấy tên là Từ Vân, tại thôn Phổ An, xã Tư Hiền, nay là xã Nghĩa An, Tư Nghĩa, nhưng cũng bị chiến tranh tiêu hủy vào năm 1951. Đến năm 1959, Hòa thượng Thích An Điền, vừa là người của quê hương, vừa là nhà tu hành công quả, phát tâm tái thiết lại chùa Từ Vân, sinh hoạt bình thường và làm trụ trì. Chẳng bao lâu thì chiến tranh khốc liệt, và một lần nữa bị tiêu hủy vào năm 1968. Hòa thượng Thích An Điền và Tăng chúng tạm thời lánh cư đến ấp La Hà, xã Tư An, nay là xã Nghĩa Thương, Tư Nghĩa, với mong muốn phục hồi chùa Từ Vân nên đã an vị Phật tại nơi đây vào cuối tháng 10/1970. Đồng thời có sự kiến lập thêm một cảnh chùa nữa lấy tên là Từ Nhơn, tại phường Chánh Lộ, Thị xã Quảng Ngãi, nay là TP Quảng Ngãi. Nhưng còn đang trong sự chuẩn bị thì có nhân duyên được người hiến đất cúng dường Tam Bảo, vị thế có phần phong quang và an ninh bảo đảm hơn. Nên Hòa thượng bằng lòng về xây dựng chùa Từ Nghiêm tại Thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) trụ trì cho đến bây giờ.

Đất chùa Từ Nghiêm do hai chị em nữ tín chủ Nguyễn Thị Tường hiến 2 sào 7 thước, trích trong số hiệu 217, thuộc địa bộ ấp Mỹ Lương, xã Tư Lương cũ, nay là Thị trấn Sông Vệ. Phần còn lại là do Hòa thượng Thích An Điền tự tạo.

Cổng tam quan chùa sát quốc lộ 1A, mặt hướng về Tây. Chùa được kiến thiết theo quy cách cổ truyền, vách gạch, lợp ngói. Nhà Tăng, nhà Khách đủ tiện nghi.

Trước Tiền đường là tượng đài Quan Thế Âm, cao 2.6m, do Phật tử Thuần Chơn hiến cúng. Khánh thành lần đầu tiên vào năm 1994, được Hòa thượng Giải An – Trưởng BTS PG tỉnh Quảng Ngãi tặng bức hoành “Đại Hùy Bửu Điện”, vừa được tái bồi và khánh thành lần thứ hai vào năm 2008. Trên trụ cột trước thông hành có 2 câu đối:

–         Từ phụ năng nhơn đại địa quần sanh mông phước ấm.

–         Nghiêm tôn giáo võng phổ triêm sa giới mộc ân quang.

Ở hai trụ cột trước chính điện cũng có 2 câu liễn như sau:

–         Từ bố pháp vân phổ cái sơn hà triêm phước ấm.

–         Nghiêm thơ huệ nhựt hòa quang âu á nhuận văn minh.

Chùa còn thờ 5 vị Cao tăng, Thầy Tổ Sơn Môn Quảng Ngãi, là các Ngài Hoằng Thạc, Trí Hưng, Hoằng Nguyện, Chí Trinh và Phước Hiệp, cùng linh bá tánh.

Từ 1994 đến nay, hằng năm chùa đều có tổ chức An cư kiết hạ. Ngày hiệp kỵ của chùa hằng năm vào 11 tháng 6 âm lịch.

Điện thoại liên hệ: 055.3848171

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHÙA VẠN BỬU

Chùa Vạn Bửu tại Đội 4, thôn Vạn Mỹ, Thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyên chùa tọa lạc trên đất đình làng Vạn Mỹ xưa kia, đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Năm Quý Mão (1963), hai cư sĩ Lương Hiền Trọng và Nguyễn Nhự, cùng bà con mộ đạo hiệp tâm đứng ra xây chùa lấy tên Vạn Bửu, có nghĩa gắn liền tâm linh Vạn Mỹ và Tam Bửu. Tuy nhiên chùa thay cho đình, nhưng miễu thờ Thần và Nghĩa từ vẫn giữ nguyên, bảo quản đến nay đã được tu sửa nghiêm trang, duy trì sự kính lễ, lưu tồn di tích của làng.

Quá trình phát triển chùa cũng đã cung thỉnh các sư Tăng về trụ trì liên tục:

–         Đại đức Thích Hạnh Mãn (1963-1965)

–         Đại đức Thích Giải Thế (1966-1972)

–         Đại đức Thích Minh Đạo (1973-1975)

–         Nữ cư sĩ Lê Thị Cần quản tự (1976-1980)

–         Tỳ kheo Thích Nữ Huệ Định (1981 đến nay)

Tỳ kheo Huệ Định, pháp danh Đồng Vân, thế danh Lê Thị Hương, xuất gia năm 1968, thọ Sa di năm 1971, thọ Tỳ kheo năm 1981, tại Đại giới đàn Long Hoa (tỉnh Đồng Tháp), do Đường đầu Hòa thượng Thích Thiện Hoa.

Năm 1997, Tỳ kheo Huệ Định đã vận động trùng tu chùa Vạn Bửu lần thứ nhất. Năm 1992, tu sửa nhà Trù, năm 1993 tôn trí Bảo tạng Quan Thế Âm và đúc Hồng chung 60kg.

Năm 2007, một lần nữa chùa trùng tu xây dựng hoàn toàn mới.

Năm 2008, chùa hình thành GĐPT Chơn Bửu, do Liên đoàn trưởng Đỗ Anh Đảm, pháp danh Tâm Chí phụ trách, đi vào sinh hoạt ổn định.

Cũng cần nhắc lại, năm 1971, chùa có xây dựng một trường Mẫu giáo bên cạnh, do thầy Minh Đạo phụ trách. Sau 1975, Ban thôn tạm thời quản lý và chuyển giao chính quyền cơ sở sử dụng, bố trí người dạy cho con em. Hiện chùa đã có thỉnh nguyện xin lại.

Hiệp kỵ của chùa vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm. Mỗi tháng tu Bát Quan Trai vào hai ngày rằm, mồng một. Từ 2004 đến nay, thường xuyên tổ chức từ thiện cứu trợ định kỳ hằng tháng 50 phần gạo, mỗi phần 10kg.

Điện thoại liên hệ: 055.3848543

 

CHÙA NGHĨA HIỆP

Chùa Nghĩa Hiệp tại thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa có tên Nghĩa Hiệp là lấy tên xã. Trước 1975, gọi theo tên xã là Tư Hoà.

Chùa do Khuôn hội Phật giáo và bổn đạo trong xã lập dựng vào năm Đinh Dậu (1957). Chùa nằm trên đất đình làng, diện tích hơn 1 sào. Tuy đình đã bị tàn phá trong kháng chiến (1945-1954), nhưng nay vẫn còn Nghĩa từ ở trong khuôn viên chùa.

Từ ngày lập chùa, tập thể bổn đạo liên tục đề cử Ban Đại diện cho chùa, do một Trưởng ban trách nhiệm và một Thủ tự chăm lo nghi lễ, dưới sự hướng dẫn của Ban Đại diện Quận, huyện Phật giáo Tư Nghĩa.

Từ 1957-1964, Trưởng ban cư sĩ Lê Lượng, pháp danh Như Ký, và Thủ tự là cư sĩ Lê Văn Thuyền, pháp danh Minh Đạo.

Từ 1965-1983, Trưởng ban cư sĩ Bùi Cần, pháp danh Tâm Lạc, và Thủ tự là cư sĩ Lương Đôn, pháp danh Tâm Hậu.

Từ 1984-1992, Trưởng ban (Hộ tự) cư sĩ Đoàn Kiệt, pháp danh Tâm Huy, và Thủ tự là cư sĩ Lê Văn Minh, pháp danh Tâm Cảnh.

Từ 1993-2002, Trưởng ban Hộ tự cư sĩ Nguyễn Kim, pháp danh Minh Thanh, và Thủ tự là cư sĩ Phạm Hoa.

Từ 2003 đến nay, Tỉnh hội PGVN Quảng Ngãi bổ nhiệm trụ trì đầu tiên cho chùa là Ni sư Thích Nữ Huệ Kiên, thế danh Trần Hoàng Dung, quê Thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), xuất gia năm 1985, tu học tại Tịnh xá Ngọc Quảng (TP Quảng Ngãi), y chỉ Sư bà Thích Nữ Diệu Nhơn (chùa Phổ Tịnh). Thụ huấn Phật học cơ bản tại Lâm Đồng.Thọ Tỳ kheo năm 1993, tại Đại giới đàn Ni viện Thiện Hoà (Bà Rịa – Vũng Tàu), do Đường đầu Ni trưởng Như Chí.

Năm 1976, chùa trùng tu xây gạch. Năm 1985, trùng tu lợp ngói. Năm 1996 xây thêm nhà Khách. Năm 2005, kiến thiết toàn bộ chùa cũ lâu năm đã xuống cấp, có mô hình kiên cố, mỹ quan. Chùa thường xuyên tổ chức Đạo tràng Bát Quan Trai vào ngày rằm mỗi tháng.

Điện thoại liên hệ: 055.3923618

 

 

 

 

 

 

CHÙA KỲ VIÊN

Chùa Kỳ Viên tại thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa có độ dài thời gian đến nay không còn cứ liệu nào để khẳng định niên độ sáng lập và đích xác vị Tăng sư nào khai sơn. Chỉ nghe nói lại đây là ngôi chùa làng, Tổ sư gốc từ miền Bắc vào đây, được tiền hiền bốn phái họ Lê, Chế, Nguyễn, Đặng hợp nhau cùng hiến đất xây dựng.

–              Khoảng đầu thế kỷ 20, đạo hữu chùa Kỳ Viên cung thỉnh Thiền sư Nguyễn Tờn, huý Chơn Nga, tự Đạo Cương, hiệu Diệu Ngộ đang hoằng pháp tại chùa Quang Lộc (Phước Long – Nghĩa Hoà) về trụ trì chùa. Thiền sư Diệu Ngộ, quê quán tại làng Bồ Đề, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Ngài là cậu ruột của Hoà thượng Khánh Anh, đã từng dạy Hoà thượng Khánh Anh về Quy Nguyên trực chỉ năm 1917 đến 1918 tại chùa Kỳ Viên này. Ngài viên tịch năm 1933.

–              Năm 1940, Đại đức Thích Chánh Tín, thế danh Nguyễn Kỉnh làm trụ trì. Viên tịch ngày 15/11/1956.

–              Năm 1957, Đại đức Thích Chánh Nghĩa, thế danh Nguyễn Tụ làm trụ trì. Tu sửa chùa và đúc hồng chung 60kg. Viên tịch ngày 21/11/1983. Lúc bấy giờ chùa có Ban Hộ Tự do Đặng Ban làm Trưởng ban, cùng các cư sĩ Lê Thành, Phùng Khá, Trần Tam, Nguyễn Tào luân phiên chăm sóc chùa.

–              Từ 1984, chùa không có trụ trì, bổn đạo tự tâm bảo quản, chùa xuống cấp trầm trọng. Mãi đến ngày 9/5/2009, chùa thành hình Ban Hộ tự, do Hồ Minh làm trưởng ban, cùng các cư sĩ Huỳnh Thị Bứa, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Cần, Nguyễn Duy Chín, Phùng Cảnh, Lê Toa. Đồng thời bổn đạo xin thỉnh trụ trì, và đã được BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Thông Hảo, thế danh Huỳnh Thị Tốt, tốt nghiệp Cao cấp Phật học tại Học viện Phật giáo TP Hồ Chí Minh, đệ tử của Ni sư Thích Nữ Hạnh Toàn, Sư cô chính thức nhập tự vào ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Sửu (2009).

Điện thoại liên hệ: 055.3925608

CHÙA NĂNG QUANG

Chùa Năng Quang tại Đội 3, thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa thành lập từ năm 1956, do nhân dân trong xã xây dựng trên đất đình làng Năng Xã, vì đình đã bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chỉ còn lại Hậu tẩm. Chùa có phong cảnh thoáng mát, thanh tịnh, nằm ở địa bàn nông thôn hẻo lánh, thích hợp cho người tu tịnh.

Năm 1957, chùa cung thỉnh thầy Từ Minh về làm trụ trì đến năm 1961, thầy về Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi. Đệ tử của thầy là cư sĩ Lương Hinh, thường gọi là ông Xã Vuông, thay cho thầy lo việc quản tự. Cư sĩ đã cúng hiến cho chùa 3 sào ruộng tại Đồng Cỏ Ngựa. Năm 1964, cư sĩ già yếu, giao lại sự cai quản cho lúc bấy giờ gọi là Ban Hội Chủ.

Năm 1965, Đại đức Thích Thanh Chơn thấy chùa không trụ trì, tự nguyện về phụng sự, đến năm 1970 thì Đại đức lại về am tu tịnh rồi viên tịch. Cư sĩ Phạm Mân thay cho Đại đức trong thời gian chờ đợi được vài năm rồi qua đời. Cư sĩ Phạm Nhu, thường gọi là ông Thuấn, tạm thời gìn giữ đến năm 1974 cũng qua đời.

Từ 1975, cư sĩ Bùi Đạo, thường gọi là ông Đều tiếp tục lo việc nhang đèn. Nhưng đến năm 1978 thì sự cố gắng duy trì này ngưng trệ, vườn chùa bỏ hoang, ruộng chùa vào HTX, tự khí của chùa giao cho Hội Bảo Thọ.

Năm 2002, chùa mới có cơ duyên tái tạo, sửa chữa, chỉnh đốn đi vào nghi thức cổ truyền. Từ ngôi chánh điện đến cổng ngoài được sơn phết, dựng tượng Quan Thế Âm lộ thiên, cư sĩ Bùi Đạt có bổn phận cai quản cho đến năm 2006. Các cư sĩ Phan Kiệt, Lương Nhị thay cho cư sĩ đến năm 2008. Hiện tại cô Đặng Thị Hương là người thủ tự, cùng với Ban Hộ tự, cư sĩ Bùi Quang Dánh là Trưởng ban.

CHÙA ĐÔNG THỌ

Chùa Đông Thọ tại Đội 1, thôn Năng Đông, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do ông bà Chế Viên xây dựng vào năm Mậu Tuất 1958, trên đất tư nhân của ông bà Đồng Hòn cúng dường Tam Bảo. Qua nhiều biến động đất đai, diện tích chung nay không quá 100m2.

Sau 1975, cư sĩ Nguyễn Văn Tùng, pháp danh Giải Minh, có sửa chữa nhỏ. Năm 2000 mới tu chỉnh phân giới giữa chùa và nhà ở kế cận. Diện tích chùa không quá 20m2, chẳng khác nào một cái am trong xóm. Ngoài diện tích xây dựng là chiếc sân vuông có bệ thờ Quan Thế Âm. Trước mặt tiền đường là bình phong đắp hình ông Hổ, lại có cảm tưởng đây là dinh thờ Thần. Liền với bình phong là cổng xây cao sát lộ, với ba chữ “Chùa Đông Thọ”.

Từ ngày ông bà Chế Viên và ông bà Đồng Hòn qua đời, có cư sĩ Võ Minh cai quản. Hiện tại do Ban Hộ Tự gồm 3 thành viên, cư sĩ Bùi Bi làm Trưởng ban, Nguyễn Tấn Hưởng – Phó ban, Lương Trợ – Thủ quỹ, tất cả đều phụng sự do tâm nguyện và trong điều kiện eo hẹp.

Chùa Đông Thọ có tên trong địa phương lâu nay, đang cần nhiều sự quan tâm tích cực, để tạo điều kiện trùng tu, đưa vào sinh hoạt bình thường.

 

 DANH MỤC CÁC CHÙA HUYỆN MỘ ĐỨC
  1. Chùa Linh Sơn                –    Thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận
  2. Chùa Kiến Khương        –    Thôn Quán Lát, xã Đức Chánh
  3. Chùa Bảo Quang            –    Thị Trấn Thi Phổ, xã Đức Thạnh
  4. Chùa Chung Sơn            –    Thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp
  5. Chùa Khánh Long          –    Thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp
  6. Chùa Quang Hiển           –    Thôn Tư, xã Đức Tân
  7. Chùa Văn Bân                –    Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh
  8. Chùa Phước Long           –    Thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa
  9. Chùa Thủy Long            –    Thôn Văn Hà, xã Đức Phong
  10. Chùa Vạn Phước            –    Thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong
  11. Chùa Hiệp Sơn               –    Thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp
  12. Chùa Phước Sơn             –    Thôn Phước Hòa, xã Đức Phú
  13. Chùa Trung Hòa             –    Thôn 2, xã Đức Tân
  14. Chùa Đức Thọ                –    Thôn 3, xã Đức Tân
  15. Chùa Quảng Đức            –    Thôn Thạch Trụ, xã Đức Tân
  16. Chùa Bửu Đức                –    Thôn Trung Hòa, xã Đức Tân
  17. Chùa Khánh Long          –    Thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú
  18. Chùa An Long                –    Thôn An Long, xã Đức Hiệp
  19. Chùa Năng An                –    Thôn Năng An, xã Đức Nhuận
  20. Chùa Tú Sơn                   –    Thị Trấn Thạch Trụ, xã Đức Lân
  21. Chùa Bồ Đề                     –    Thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận
  22. Chùa Thiên Phước         –    Thôn Sáu, xã Đức Tân
  23. Tịnh Thất Bửu Tuệ         –    Thôn Đạm Thủy, xã Đức Minh
  24. Chùa Từ Quang              –    Thạch Trụ, xã Đức Lân
  25. Chùa Long Phúc             –    Thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi
  26. Chùa Khánh Lâm           –    Thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận
  27. Chùa Khánh Long          –    Thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng

 

CHÙA LINH SƠN

Chùa ở xứ Thượng Tân, thôn Văn Hội, làng Bồ Đề, cách thị trấn Sông Vệ 500m về phía nam, hiện nay là thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức.

Chùa Linh Sơn nhìn về hướng nam có cư dân xóm Nho Lâm, lưng dựa vào gò Duối, bên phải có đường quốc lộ 1A. Chùa được xây dựng năm Canh Tý 1960 do Tỳ kheo Thích Viên Châu, thế danh là Phạm Ngọc Cảm sinh năm 1928 tại làng Bồ Đề. Tỳ kheo Thích Viên Châu quy y Hòa thượng Khánh Vinh tại chùa Đức Thắng (Bồ Đề) năm 1948, được pháp danh Như Thông, thọ Sa di tại chùa Linh Quang – Đức Chánh được pháp tự Giải Lý, thọ Tỳ kheo năm 1958 tại chùa Liên Quang – Bình Sơn được pháp hiệu Viên Châu và trụ trì tại chùa Linh Sơn đến năm 1975.

Qua 50 năm, chùa đã nhiều lần tu bổ và năm 2007 được trùng tu rộng rãi hơn. Ở phần thờ hậu tổ chùa Linh Sơn có long vị tổ Lâm tế đời thứ 35 có nội dung đáng nghiên cứu tìm hiểu:

Lâm tế chánh tông tam thập ngũ thế Trung Hưng đường thượng húy Tịch Huy thượng Chơn hạ Thành Đại sư giác linh liên tọa vị. Đinh Dậu niên nhị ngoạt, nhì thập nhựt, thìn thời lai (sinh giờ Thìn ngày 20 tháng 2 năm Đinh Dậu_1917_LVB). Mậu Ngọ niên, tam ngoạt thập lục nhựt tuất thời tịch (viên tịch vào giờ tuất ngày 16 tháng ba năm Mậu Ngọ_1798_LVB).

Qua khảo chứng ban đầu về hoa văn, họa tiết, chất liệu của long vị và phổ hệ Lâm tế đời thứ 35 thì Đại sư Chơn Thành sinh vào đầu thế kỷ 18, tịch vào cuối thế kỷ 18 mà người viết chú thích ở trên để quý bậc tôn túc cùng nghiên cứu, tìm hiểu. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận tập II thì những Thiền sư có Pháp tự chữ Chơn là đệ tử của tổ Minh Châu Hương Hải.

Theo lời của Tỳ kheo Thích Viên Châu, nguyên long vị này được vớt trong cơn lụt năm 1962 tại “Chùa Ông” xóm 6 thôn Bồ Đề, Đức Nhuận và Tỳ kheo Viên Châu thỉnh về thờ tại chùa Linh Sơn đến nay.

Kế tổ khai sơn chùa Linh Sơn từ năm 1975 đến nay là Đại đức Thích Hạnh Thiện thế danh Phạm Ngọc Ca, sinh năm 1950, quy y tại chùa Tam Bảo – xã Đức Chánh năm 1964 được bổn sư Thượng tọa Viên Lý cho Pháp danh Thị Vệ, thọ Sa di năm 1968 tại chùa Phước Diên – Khánh Hòa được Hòa thượng Đàn đầu Thích Bích Lâm ban pháp tự Hạnh Thiện, pháp hiệu Thiệu Xuân.

Ngoài những lễ theo định kỳ, chùa tổ chức lễ kỵ hiệp tổ vào ngày 28 tháng 11 âm lịch hằng năm.

CHÙA KIẾN KHƯƠNG

Chùa tọa lạc ở xứ Phú Lộc, thôn Kiến Khương, nay là thị trấn Quán Lát, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức; cách Tp Quảng Ngãi 15km về phía nam.

Chùa Kiến Khương mặt nhìn về hướng nam có sa nước sâu Bàu Lát, bên trái là đường Quốc lộ 1A, sau lưng chùa dựa vào chân núi Điệp. Chùa được xây dựng vào năm 1956 do Khuôn hội mà đại diện là ông Huỳnh Kim chủ trương hiệp cùng đạo hữu Phật tử làng Kiến Khương.

Sau 4 năm xây dựng, đạo hữu bổn tự đến chùa Phú Văn thỉnh Đại đức húy Tâm Niệm Thích Hạnh Phát về trụ trì. Tổ có thế danh Nguyễn Lộng sinh năm 1903 tại Kiến Khương, quy y ở chùa Hòa An (Đức Chánh) năm 1956. Tổ đã trụ trì tại chùa đến năm 1986 thì viên tịch.

Kế nhiệm là Đại đức húy Tâm Cao Thích Hạnh Kiến trụ trì đến ngày 12 tháng 10 năm 1997 thì viên tịch. Từ năm 1998 đến 2009 được đạo hữu Phạm Thị Mễ thủ tự chăm sóc chùa cùng Ban hộ tự điều hành công tác Phật sự do ông Huỳnh Kim Phụng làm trưởng ban.

Chùa được trùng tu năm 1958 và xây dựng cổng trước. Trên trụ cổng khắc 2 câu đối:

Kiến pháp Như Lai đăng hải ngạn

Khương tâm thiện tín dạ hành thuyền

Trong chính điện, bày trí thờ như những ngôi chùa khác. Hai bên điện Phật có 2 câu đối thờ và trên là bức hoành sơn son thép vàng chữ Kiến Khương Tự.

Kiến thuyết kỳ đạo tràng Phật pháp hoằng dương hòa bình thiên hạ

Khương ninh chi dân tộc sơn hà củng cố an lạc nhân gian

Phần hậu tổ có thờ di ảnh của hai trụ trì tiền nhiệm. Chùa tổ chức lễ hiệp kỵ liệt tổ vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm.

Hiện nay chùa Kiến Khương có khoảng 100 đạo hữu thuộc bổn tự. Chùa có quả hồng chung do Thượng tọa Hạnh Khương phụng cúng.

Ngày 7-1-2009, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định Sư cô Thích Nữ Đồng Nguyện chính thức trụ trì chùa Kiến Khương đến nay. Sư cô Đồng Nguyện thế danh là Nguyễn Thị Hạnh sinh năm 1969 tại xã Đức Chánh, xuất gia năm 1987 tại chùa Hội Long được bổn sư Thượng tọa Thích Hạnh Lạc cho Pháp danh Đồng Nguyện, thọ Sa di ni năm 1996, thọ Tỳ kheo ni năm 2000 tại Ni viện Thiện Hòa.

CHÙA BẢO QUANG

Chùa tọa lạc tại thôn Phước Thịnh, làng Đại Thi, nay là xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức. Từ trung tâm thị tứ Thi Phổ, du khách rẽ trái về phía đông độ 300m là đến nơi, cảnh quang chùa trầm lắng, dịu mát.

Chùa nhìn về hướng nam có ao sen phía trước, tiếp giáp gò Mít và cư dân, bên trái chùa có gò, đồng Phước Thịnh, bên phải có con đường liên thôn và lưng chùa giáp đường liên xã.

Chùa Bảo Quang xây dựng ngày 15 tháng 6 năm Bính Tý 1936 do tổ Lâm tế đời thứ 41 húy Như Độ, tự Giải Toàn, hiệu An Phước khai sơn. Tổ có thế danh là Nguyễn Đức Đạt sinh ngày 15-1-1932 với bổn sư là Đại lão Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh. Sau thời gian ngắn, bổn sư viên tịch, ngàu đến chùa Thiền Lâm – Sài Gòn thọ pháp Hòa thượng Trí Hưng nên được ban pháp hiệu An Phước và tu học 4 năm tại Phật học đường Phổ Thiện – Đà Nẵng, thọ giới Tỳ kheo ngày 15 tháng 6 năm 1936 tại chùa Phước Sơn – Bình Định do Hòa thượng Tường Quang làm Đàn đầu.

Từ khi khai sơn chùa Bảo Quang tổ đã trụ trì đến năm 1993. Trong suốt 57 năm trụ trì, tổ An Phước đã đóng góp những công tác Phật sự sau đây:

–         Năm 1945, chủ tịch hội Phật giáo cứu quốc huyện Mộ Đức.

–         Khai sơn chùa Phật Quang ở Thị xã Quảng Ngãi.

–         Năm 1981 – 1993 Đại diện giáo hội Phật giáo Mộ Đức, thành viên MTTQ huyện.

Hòa thượng An Phước viên tịch ngày 26 tháng 3 năm Quý Dậu 1993, trụ thế 76 năm, có 40 tuổi hạ, mộ tháp Hòa thượng tại vườn chùa.

Bảo Quang tự có cả thảy 4 lần trùng tu, lần thứ 4 là năm 2002 do cư sĩ Hạnh Quang Nguyễn Đức Lý hiệp cùng tăng chúng xây dựng lại hoàn toàn, có nhà Tăng, chúng, hội trường, giảng đường.

Ngoài những lễ thường kỳ, chùa có tổ chức thọ Bát Quan Trai hằng tháng vào ngày 26 âm lịch và kỵ tổ khai sơn ngày 26 tháng 3 âm lịch.

Tiền sảnh chùa có quả chuông đồng lớn do tổ khai sơn phụng tạo, Tăng Cang Hòa thượng Trí Hưng chứng minh năm 1970.

Kế thừa tổ khai sơn là Đại đức Thích Phát Tịnh nhưng tuổi già sức yếu và theo di chúc ủy thác cho Đại đức Thích Hạnh Bửu điều hành công tác Phật sự đến nay.

Chùa có khoảng 150 đạo hữu Phật tử thuộc bổn tự. Theo di nguyện, sau khi tổ khai sơn viên tịch, chùa Bảo Quang đã thành lập Ban trị sự môn phong gồm có:

–         Đại đức Thích Phát Tịnh.

–         Đại đức Thích Phát Nguyên

–         Đại đức Thích Hạnh Bửu

–         Đại đức Thích Hạnh Quả.

–         Cư sĩ Hạnh Quang Nguyễn Đức Lý

–         Cư sĩ Hạnh Tụ Huỳnh Đoàn.

Từ đó, mọi công tác Phật sự và xây dựng, phát triển đạo pháp do Ban trị sự môn phong trực tiếp điều hành.

CHÙA CHUNG SƠN

Còn có tên thường gọi là chùa Chú Tượng. Chữ Chú ở đây biểu trưng cho người thợ vì từ ngày lập làng Chú Tượng đến nay thì nơi đây là làng nghệ truyền thống chế chuông, đúc tượng bằng đồng nổi tiếng xứ Đàng Trong và cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có nghệ nhân Đặng Kinh đã đúc tượng vua Khải Định bằng đồng rất đẹp được phong hàm Bát phẩm. Từ ngày khai lập làng đến năm 1945 thì Chú Tượng là một đơn vị hành chính cấp xã, nay là thôn thuộc xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức.

Chùa Chung Sơn trước năm 1945 được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, kết cấu bằng khung sườn gỗ chịu lực có khắc chạm hoa văn, long linh quy phụng trên kèo trính, xà, lợp tranh vách đất. Qua bao cuộc chiến tranh đã tiêu hủy mọi sử liệu nên không biết chùa xây dựng vào thời điểm nào. Theo truyền thống từ xưa đến giờ, bên cạnh chùa có một nhà nhỏ thờ Tổ thợ đúc mà cũng là vị Tổ khai khẩn làng Chú Tượng nên có thể chùa được xây dựng sau ngày lập làng chút ít.

Có một sự kiện liên quan giữa chùa Chung Sơn và chùa Thiên Ấn về quả chuông thần năm 1845 với ngài Tam Tổ Toàn Chiếu – Trí Minh – Bảo Ấn. Quả chung này do làng Chú Tượng chế cúng cho chùa Chung Sơn nhưng lại đánh không kêu. Chư thần đã báo điềm cho tam tổ Bảo Ấn và ngày 10 tháng 4 năm Ất Tỵ 1845, ngài đã chú nguyện thỉnh về khai chung kêu ngân vang nên trở thành giai thoại thần kỳ của Phật giáo sử đất Quảng.

Đến năm Bính Tuất 1886, làng Chú Tượng lại chế cúng cho chùa Chung Sơn một quả chuông lớn hơn độ 200 kg thanh âm vang nhưng sau sắc lệnh tiêu thổ kháng chiến, chùa đã hy sinh tài vật, pháp tự, pháp khí cho công cuộc chống Pháp. Mãi cho đến năm 1992, phó Ban hộ tự chùa Chung Sơn, ông Đỗ Thị đã chú nguyện và trực tiếp tạo khuông chế cúng quả chung cao 1m40 đường kính 70cm nặng 135kg hiện nay đặt trước chính điện.

Năm 1958 làng Chú Tượng thành lập Khuôn hội Phật giáo và tái thiết lại ngôi chùa. Năm 1963 chùa thành lập Gia đình Phật tử Minh Thiện có độ 150 Đoàn sinh và tổ chức Thọ Bát Quan Trai một tháng 2 lần vào ngày rằm, mùng một. Năm 1972, bom đạn đã làm chùa sụp nát hoàn toàn, mãi đến năm 1989, quý đạo hữu Trần Trạm, Đỗ Thị, Phan Đệ, Huỳnh Nghị đứng ra thành lập Ban hộ tự và quyên góp tín hữu, Phật tử xa gần xây dựng lại chùa Chung Sơn với diện tích 110m2 như hiện nay. Tuy nhiên, chùa còn thiếu thốn khó khăn nên chưa xây dựng được nhà hậu tổ.

Từ sau năm 1941, ta được biết chư vị thủ tự sau:

–         Từ năm 1941, cư sĩ Nguyễn Hữu thủ tự

–         Năm 1958 đến năm 2001 cư sĩ Tâm Thành Huỳnh Nghị thủ tự

–         Từ năm 2001 đến 2010, Ban hộ tự chăm sóc và quản tự.

Cách bày trí thờ phụng cũng như nhiều chùa khác, chỉ có tượng Quan Âm lộ thiên cao 2m được tôn trí trên sàn mê hành làng trước chính điện.

CHÙA KHÁNH LONG

Chùa tọa lạc ở xứ sông Cùng làng Nghĩa Lập, nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức cách trường THCS Nguyễn Bá Loan 2km về hướng tây.

Trước năm 1945, Khánh Long tự là ngôi chùa làng cổ, kiến trúc theo kiểu nhà rường với khung sườn gỗ chịu lực, có chạm hoa văn, long linh quy phụng, lợp ngói vãy vách đất ở vị trí cách chùa hiện nay 1km. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa đã hy sinh tài vật, pháp khí cho kháng chiến; đến năm 1956 đạo hữu trong làng đã hình thành chi hội Phật giáo rồi tái thiết lại chùa Khánh Long bằng tranh tre, vách đất trên vị trí mới hiện nay. Năm 1957, Khuôn hội làng Nghĩa Lập được thành lập và hội đã chủ trương xây dựng lại chùa bằng gạch, lợp ngói do cố Đại đức trụ trì Thích Trí Mãn chủ trì. Một điều may mắn, trong hơn 10 năm chiến tranh khốc liệt 1965 – 1975, Nghĩa Lập là vùng nhiều bom đạn nhưng chùa không bị hư hỏng nên Ban hộ tự chỉ xây dựng thêm nhà khách, dựng tượng Quan Âm lộ thiên, xây cổng ngõ vào năm 2004 và năm 1998.

Chùa nhìn về hướng nam, có gò Đình làm tiền án, bên phải là đường hõ xa ngang qua, lưng chùa là dòng sông Vệ. Phần hậu tổ có thờ di ảnh Đại đức Trí Mãn và chùa lấy ngày viên tịch 26-4 âm lịch của Đại đức trụ trì làm ngày kỵ hiệp tổ. Đại đức Thích Trí Mãn thế danh là Nguyễn Quang Huy xuất gia tại chùa Hội Phước với bổn sư là Hòa thượng Thích Giải Hậu.

Năm 1974 Đại đức Trí Mãn viên tịch thì đạo hữu Nguyễn Duy Hối quản tự đến năm 1983 từ trần thì cư sĩ Nguyễn Nẫm kế thủ tự đến nay – 2010.

 

CHÙA QUANG HIỂN

Chùa thuộc xứ Thái Bình, thôn tư xã Đức Tân, nay là thị trấn Đồng Cát, cách trung tâm huyện lỵ Mộ Đức 500m về hướng tây. Chùa nhìn ra phía bắc, có trường tiểu học và đường liên huyện Mộ Đức-Nghĩa Hành, lưng chùa dựa vào vông núi Gò Sắt.

Không còn sử liệu cụ thể về thời điểm khai sơn. Theo bia ký mộ tháp trong vườn chùa và bài vị thì chùa do tổ Huệ khai sơn cũng như hiến cúng 6 mẫu đất xung quanh chùa và ký thác 2 mẫu ruộng xứ Cam Tĩnh làm ruộng tam bảo. Tổ có thế danh là Phạm Thị Hảo sinh năm Nhâm Tuất – 1862 tại gò Cây Gạo, viên tịch ngày 16-2 năm Quý Mão 1903. Theo Hòa thượng Giải An khi còn đương thời cũng như căn cứ vào bài vị thì Tổ Huệ thuộc pháp phái Lâm tế đời thứ 39. Vậy nên ta có thể ước đoán chùa Quang Sơn tức chùa Quang Hiển ngày nay được Tổ Huệ xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19.

Hơn một trăm năm qua, chùa Quang Hiển có 4 lần trùng tu. Lần thứ nhất năm 1964 do Khuôn hội và Phật tử trong làng và những lần trùng tu vào các năm 1996, 2000, 2006 do Ban hộ tự chủ trương hiệp cùng đạo hữu Phật tử xa gần. Ngoài chính điện ra, hai bên có phòng khách, nhà tăng, ni; năm 2009, trụ trì đương nhiệm chủ trương xây dựng  thêm dãy nhà sinh hoạt 23×13(m) nên khá rộng rãi.

Chùa còn bảo lưu được một bức hoành gỗ quý sơn son thép vàng, có ba chữ lớn khắc nổi QUANG SƠN TỰ, bên trái có hàng chữ nhỏ Duy Tân ngũ niên (1911) và hia bức liễn gỗ sơn son, chạm nổi chữ:

Quang nhựt từ vân phổ chiếu ta bà đăng giác ngạn

Sơn huy pháp nhỉ quang khai lục đạo liễu chân như

Hai cột trước chính điện chùa cũng có hai câu liễn:

Quang đại từ bi phước quả hộ trì tam bảo địa

Hiển minh chứng niệm thiện căn phổ biến thập thiên phương

Năm 1968, đương kiêm trụ trì chùa Quang Hiển có Đại đức Thích Trừng Cảnh lập trường Trung học cấp II trong vườn chùa với 4 lớp học, mỗi lớp được 40 học sinh.

Năm 1963, chùa đã thành lập được Gia đình Phật tử Quang Hiển có hơn 100 Đoàn sinh đến năm 1975 tạm ngưng sinh hoạt rồi đến năm 1996 tái sinh hoạt với hơn 60 Đoàn sinh.

Chùa đã trải qua các đời trụ trì sau đây:

–         Đệ nhứt tổ khai sơn: Tổ Huệ – Lâm tế đời thứ 39

–         Kế Đại đức Thích Trừng Cảnh húy Tâm Tuyển, Lâm tế đời thứ 42, trụ trì từ năm 1964 – 1972 thì tịch vì chiến tranh.

–         Kế Thượng tọa húy Như Tri tự Giải Thiện, hiệu Hải Minh, Lâm tế đời thứ 41 trụ trì từ năm 1972 đến 1980 thì vào nam tu học. Thời gian này chùa Quang Hiển là văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Mộ Đức.

–         Từ năm 1980 đến 1984 Ban hộ tự điều hành.

–         Năm 1985 đến 1989 cố Đại đức Thích Giải Thế, Lâm tế đời 41 trụ trì.

–         Năm 1989 đến 2007 Ban hộ tự điều hành.

–         Tháng 8 nawm 2007, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định sư sô Thích Nữ Chơn Nguyên chính thức trụ trì chùa Quang Hiển đến nay. Sư cô Chơn Nguyên thế danh là Hoàng Thị Tuyết Mai sinh năm 1968 tại Quảng Ngãi, xuất gia quy y năm 1982 tại chùa Viên Thông – Bà Rịa Vũng Tàu với bổn sư Thích Nữ Như Tịnh. Thọ Tỳ kheo ni năm 1990 tại chùa Long Thiền do ni sư Như Thanh làm Đàn đầu.

Ngoài những lễ thường chùa tổ chức lễ hiệp kỵ chủ tổ vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hằng năm.

CHÙA VĂN BÂN

Tiền thân của Văn Bân tự là chùa Linh Quang ở làng Văn Bân, nay thuộc xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức.

Qua bao cuộc chiến tranh đã tiêu hủy mọi sử liệu nên không biết được thời điểm khai sơn chùa Linh Quang, chỉ biết từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1943, Hòa thượng Thích Phổ An – Lâm tế đời thứ 39 trụ trì. Tổ xuất gia tại chùa Phước Quang – Thu Xà với bổn sư Lâm tế đời thứ 38 húy Chương Trang – Tuyên Trạch – Quảng Chấn. Ngày 11 tháng 7 năm 1934, chùa Linh Quang khai mở Đại giới đàn, Hòa thượng Phổ An làm Đàn đầu, Hòa thượng Khánh Hạ làm Yết Ma A xà lê.

Năm 1939, chi hội An Nam Phật học Văn Bân thành lập, đến năm 1942 xây dựng lại ngôi chùa với tên làng là chùa Văn Bân và khánh thành vào ngày 8 tháng 4 năm Quý Mùi – 1943. Đến năm 1946, chùa cũng đã hy sinh tài vật cho kháng chiến chống Pháp.

Năm 1955, Khuôn hội Phật giáo Văn Bân được thành lập, năm 1959 tái thiết lại ngôi chùa, năm 1961 thành lập Gia đình Phật tử Văn Bân có hơn 100 Đoàn sinh do ông Nguyễn Liệu làm Huynh trưởng. Năm 1963 Khuôn hội trưởng Nguyễn Đăng Tuân vận động tu bổ chùa, xây rộng thêm tiền đường và tổ chức lễ quy cho 100 hội viên.

Năm 1965, bom đạn đã làm chùa sụp nát, Khuôn hội phải thiên di Phật tượng đến thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận và xây dựng Niệm Phật đường tạm thời.

Năm 1977, Đạo hữu Phật tử tái thiết tạm thời Bái đường trên nền chùa cũ Linh Quang. Đến năm 1989, Ban hộ tự được thành lập và tháng 6 năm 1990, Ban hộ tự hiệp cùng Đạo hữu Phật tử xa gần xây dựng lại ngôi chùa trên nền chùa Văn Bân cũ như hiện nay.

Chúng ta được biết Tổ trụ trì và chư vị Hội trưởng quản tự như sau:

–         Đầu thế kỷ 20 đến năm 1943, tổ trụ trì là Hòa thượng Lâm tế đời thứ 39 Thích Phổ An.

–         Từ 1943 đến 1946 chi hội trưởng Nguyễn Khâm.

–         Từ 1955 đến 1963 Khuôn hội trưởng Nguyễn Đăng Tuân.

–         Kế Nguyễn Triều

–         Kế Nguyễn Đính

–         Kế Trần Đổng

–         Từ 1990 đến nay, ông Nguyễn Đăng Giáo thay mặt Ban hộ tự điều hành công tác Phật sự và cùng đạo hữu Phật tử chăm sóc chùa.

CHÙA PHƯỚC LONG

Chùa nằm ở thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức. Từ trung tâm thị trấn Thi Phổ, theo đường liên xã lên hướng tây độ 3km là đến nơi.

Mặt chùa nhìn về phía đông có đường hỏa xa thẳng tắp chạy ngang qua, phía bắc là vông đồi, phía nam là triền núi, lưng chùa dựa vào đồi Long Hội.

Không còn sử liệu cụ thể nào để xác định năm khai sơn, chỉ còn một văn bản Hán Nôm do ông Trần Đức Thiết hiến cúng một mẫu đất để làm chùa vào năm Kỷ Mão – Gia Long thứ 6 – 1807. Theo bia ký mộ tháp tại phía trái vườn chùa, chúng ta có thể ước đoán chùa xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 và trải qua quý tổ trụ trì sau đây:

–         Tổ đệ nhất: Hòa thượng họ Lê hiệu là Quảng Thông.

–         Tổ đệ nhị: tự là Ngộ Điển, thế danh Lê Văn Phổ

–         Tổ đệ tam: Lâm tế đời thứ 40 hiệu Khánh Đạt, thế danh Lê Văn Tích.

–         Tổ đệ tứ: Lâm tế đời thứ 40 pháp hiệu Khánh Hòa, thế danh Lê Văn Hậu

–         Tổ đệ ngũ: Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Tâm, hiệu Khánh Quang, thế danh Lê Văn Tùng

–         Từ năm 1934 – 1943 Đại đức Thích Phước An trụ trì, thế danh Lê Văn Trường.

–         Từ năm 1943 – 1958 Đại đức Thích Phước Thiện trụ trì, thế danh Lê Văn Thọ.

–         Từ năm 1958 – 1960 Đại đức Thích An Vinh, thế danh Nguyễn Tiềm.

–         Từ năm 1960 – 1980 Đại đức Thích An Quả, thế danh Lê Văn Bính.

–         Từ năm 1984 đến nay (2010) Đại đức Thích Giải Thăng trụ trì.

Chùa Phước Long đã được 3 lần trùng tu. Lần thứ nhất, xây lại bằng đá ong lợp ngói do Hòa thượng Khánh Hòa chủ trương. Lần thứ hai năm 1961 xây dựng thêm tiền đường và hậu tổ, tạo thêm tự vật, tự khí do Đại đức Thích An Quả chủ trương. Năm 1970 chiến tranh khốc liệt chùa cháy và sụp đổ hoàn toàn, Đại đức Thích Giải Thăng chủ trương hiệp cùng đạo hữu Phật tử xa gần đã xây dựng lại hoàn toàn mới trên nền chùa cũ vào năm 1995 và xây dựng Bảo tháp cho cố Hòa thượng đệ nhị tổ.

Từ năm 2002, chùa tổ chức Thọ Bát Quan Trai hằng tháng vào ngày 28 âm lịch và hiệp kỵ liệt tổ ngày 17 tháng 11 âm lịch hằng năm.

CHÙA SẮC TỨ THỦY LONG

Sắc tứ Thủy Long tự là ngôi chùa có kiến trúc cổ ở xứ Trà Niên, làng Văn Hà, nay là xã Đức Phong huyện Mộ Đức, cách huyện lỵ độ 1km về hướng đông.

Mặt chùa nhìn ra cánh đồng tiếp giáp đồng Tú Sơn-Châu Me, bên trái có đình Văn Hà, bên phải là núi Ông Đọ, lưng chùa dựa vào vông cát, rừng dương biển đông. Theo lời truyền lại, chùa Thủy Long do nhị tổ Thiên Ấn, ngài Thiệt Úy – Chánh Thành – Khánh Vân khai sơn. Không còn tài liệu gì để biết thời điểm xây dựng chùa. Theo hồi ức của quý đạo hữu cao niên làng Văn Hà thì ngôi cổ tự Thủy Long tồn tại đến năm 1966 thì chiến tranh khốc liệt đã làm thiêu rụi, san bằng.

Chùa được kiến trúc theo kiểu “chồng rường”, chạm rồng nổi trên đầu kính và chạm hình dơi (tượng trưng cho phúc) trên xà, đuôi kèo. Chính điện có 16 cây cột tròn to, giữa chính điện có hàng cột đội chạm hình con qui. Tiền sảnh có 4 cột tròn bằng đá, lợp ngói âm dương, vách xây đá ong. Cổng ngõ tam quan kiến trúc theo kiểu cổ lầu 3 tầng, lợp ngói âm dương có 2 câu đối:

Thủy tụ phước điền tứ quý linh miêu sum mậu ám

Long triều bửu tự tam ngươn huê chúc điển huy hoàng

Năm 1966, chiến tranh khốc liệt, Đức Phong nằm trong vùng “oanh kích tự do” nên đã thiêu rụi, san bằng ngôi cổ tự Thủy Long.

Mãi đến năm 1999, cư sĩ Như Ngọc Võ Hữu Ích cùng đạo hữu, Phật tử thành lập được Ban hộ tự và vận động tái thiết lại ngôi chùa và năm 2004, xây dựng thêm rộng rãi như hiện nay.

Ta được biết chư tổ kế thừa như sau:

–         Tổ đệ nhị trụ trì: Lâm tế đời thứ 39, thế danh Võ Chỉnh quê quán làng Văn Hà, pháp hiệu Hoằng Thiện Hòa thượng.

–         Kế là Lâm tế đời thứ 40, thế danh Võ Mai, pháp danh Chơn Đạt sinh năm 1899 tại Trà Niên, viên tịch năm 1949.

–         Từ 1956 đến 1959 Khuôn hội trưởng Nguyễn Viện

–         Từ 1959 đến 1975 Khuôn hội trưởng Nguyễn Bông

–         Từ 1989 đến nay, cư sĩ Như Ngọc Võ Hữu Ích làm trưởng Ban hộ tự, cùng đạo hữu luân phiên chăm sóc chùa và điều hành công tác Phật sự.

CHÙA SẮC TỨ VẠN PHƯỚC

Chùa tọa lạc ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức cách huyện lỵ 3km về hướng đông.

Chùa Sắc tứ Vạn Phước do tổ Lâm tế đời thứ 39, Yết ma Hòa thượng Hoằng Lâm khai sơn vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Tổ có thế danh là Võ Công Quy quê làng Vạn Phước, xuất gia tại chùa Thiên Ấn với bổn sư húy Chương Khước – Tông Tuyên – Giác Tánh. Từ lúc khai sơn, tổ đã trụ trì tại đây đến ngày 2 tháng 2 năm Giáp Thìn 1904 thì viên tịch.

Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà rường với kết cấu khung sườn gỗ chịu lực. Chính điện có 16 cột tròn, có 4 vì kèo chồng rường, chạm đầu rồng, bốn cột trước hành lang chạm hình rồng ẩn trong mây. Năm 1967, bom đạn đã thiêu hủy hoàn toàn ngôi chùa cùng tự khí, tự vật,…

Năm 1978, Đạo hữu và đồ tôn của chư tổ trụ trì đã tái thiết lại ngôi chùa. Năm 1989, 1999, 2004 là tôn trí tượng Quan Âm lộ thiên ở sân chùa, xây dựng bảo tháp cho 3 tổ tiền bối. Chùa Vạn Phước đã trải qua chư tổ sau đây:

–         Tổ đệ nhị: Yết Ma Hòa thượng Hoằng Tống, thế danh là Võ Chỉnh sinh năm 1864 tại Lâm Thượng, viên tịch ngày 25 tháng 8 năm Đinh Hợi 1947.

–         Tổ đệ tam: Hòa thượng Khánh Huề, thế danh Võ Phú sinh năm Ất Mùi 1895, viên tịch ngày 24-8 năm Giáp Tý 1984.

–         Kế Đại đức Thích Hạnh Chơn từ 1983 đến 2001.

–         Kế Đại đức Thích Thiện Đức từ năm 2001 đến nay.

Chùa Vạn Phước còn bảo lưu được 5 tượng Phật đồng, 2 chiên cổ, 1 linh đồng cổ và 1 bộ lư đèn đồng cổ.

CHÙA HIỆP SƠN

Chùa nằm dọc theo trục lộ liên huyện Mộ Đức – Nghĩa Hành thuộc thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, cách thị trấn Quán Lát 2km về phía tây.

Chùa quay mặt về hướng nam nhìn cánh đồng suối Khoai, lưng dựa vào núi Võng. Chùa được khai sơn vào khoảng đầu thế kỷ 20 do Tổ Lâm tế đời thứ 39 húy Ấn Đông, tự Tổ Hạnh, có thế danh Lê Quang Thiện quê xã Đức Nhuận, xuất gia tại chùa Thiên Ấn với bổn sư đệ tứ Tổ Chương Khước – Tôn Tuyên – Giác Tánh. Sau đó, bổn sư viên tịch, Tổ thọ tam Đàn cụ túc tại chùa Phước Quang năm Canh Thân 1920 được giới sư Đàn đầu Hòa thượng Hoằng Tịnh cho pháp hiệu Khánh Minh.

Qua mỗi tổ trụ trì, chùa Hiệp Sơn được trùng tu 1 lần, đó là vào các năm 1930, 1950, 1976 và 2005. Chùa còn bảo lưu được tượng cổ Đức Quan Thánh bằng đồng nặng 300kg, hai tượng gỗ Quan Bình, Châu Thương cao 1m40 do tổ khai sơn thỉnh về từ tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc. Chùa đã trải qua các đời trụ trì sau đây:

–         Kế tổ khai sơn là Hòa thượng Bùi Khánh Tuyết quê làng Phước Sơn, Đức Hiệp, xuất gia tại chùa Phước Quang – Thu Xà, được bổn sư ban cho pháp danh Chơn Đảnh, tự Đạo Sơn, thọ cụ túc tại giới đàn chùa Phước Quang năm Ất Sửu 1925, được bổn sư Đàn đầu Hòa thượng Hoằng Tịnh ban pháp hiệu Khánh Tuyết.

–         Kế là tổ Lâm tế đời thứ 41, thế danh là Lê Quang Ngoạn sinh năm 1900 tại Năng An – Đức Nhuận. Quy y tại chùa Từ Lâm – Phú Thọ, được bổn sư Hòa thượng Trí Hưng cho pháp danh Như Ngọc, tự Giải Huy, hiệu An Lễ, viên tịch năm 1974.

–         Kế là Hòa thượng Viên Quang, Lâm tế đời thứ 40, thế danh Lê Quang Thuộc sinh năm 1918 viên tịch năm 1997. Tổ xuất gia tại chùa Linh Quang xã Đức Chánh, được bổn sư Hòa thượng Phổ An cho pháp danh Chơn Thông, tự Đạo Thơ.

–         Trụ trì đương nhiệm từ năm 1998 đến nay là Tỳ Kheo Thích Huệ Trí.

CHÙA PHƯỚC SƠN

Chùa Phước Sơn ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú. Từ thị trấn huyện lỵ Đồng Cát, theo đường liên huyện Mộ Đức – Nghĩa Hành độ 5 cây số về hướng tây.

Chùa nhìn ra phía nam, có đồng Bầu Sâu, bên trái là đồng Bầu Cạn, lưng chùa dựa vào núi đá Trữ. Chùa do cố Đại đức Thích Phước Hiền – Lâm tế đời thứ 40 khai sơn năm 1956. Tổ có thế danh Phạm Đợi, quê xã Đức Phú, xuất gia và thọ giới quy y tại chùa Phước Quang – Thu Xà với bổn sư là Hòa thượng Hoằng Tịnh và viên tịch năm 1963.

Trong thời gian chiến tranh khốc liệt từ 1965 đến 1975 xã Đức Phú là “vùng trắng” nên chùa Phước Sơn cũng đã bị đổ nát. Năm 1975, đạo hữu Phật tử thôn Phước Hòa xây dựng lại tạm thời. Năm 1990, cơn bão số 10 làm hư hỏng nặng nên phải sửa chữa, đến năm 2000, ban hộ tự trùng tu như hiện nay. Chúng ta được biết chư tổ trụ trì kế thừa và thủ tự như sau:

–         Kế: Đại đức Thích Thiện Minh từ năm 1963 đến 1975 viên tịch.

–         Kế: Đại đức Thích Hạnh Phú từ năm 1975 đến 1990 viên tịch

–         Kế: Sa di Hành Đức Đoàn Ni từ 1990 đến 1999

–         Kế: Sa di Thị Tú Nguyễn Bảo từ 1999 đến 2006.

Cách thờ phụng ở gian tiền đường cũng như nhiều chùa khác. Phần hậu tổ có thờ di ảnh tổ khai sơn và chùa Phước Sơn lấy ngày 15 tháng 5 âm lịch làm ngày hiệp kỵ liệt tổ. Hiện nay anh Phạm Ngọc Tự là trưởng ban hộ tự thay mặt đạo hữu điều hành công tác Phật sự.

CHÙA TRUNG HÒA

Chùa ở xứ Đạt Bi thuộc thôn 2 thị trấn Đồng Cát, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Từ thành phố Quảng Ngãi theo đường quốc lộ 1A về hướng nam đúng 20km là đến trung tâm thị trấn, rẽ trái 150m là đến nơi.

Chùa nhìn về hướng tây, tiếp giáp cánh đồng mà xưa kia chỉ là cát nên có tên Đồng Cát, nay thì cư dân đã xây dựng nhà ở, bên trái giáp đường liên thôn, bên phải và lưng chùa dựa vào xóm dân cư.

Sân chùa tôn trí tượng Quan Âm lộ thiên cao 3m, bên phải là mộ tháp Thượng tọa khai sơn. Trên cột hành lang trước chùa có 2 câu đối:

Trung khởi từ tâm tuyên diệu pháp

Hòa tu chánh đạo độ quần sanh

Chùa được khởi công xây dựng vào ngày 8-4-1969 do Tổ Lâm tế đời thứ 41 húy Như Hiển, tự Giải Hiệu, hiệu An Thống chủ trương hiệp cùng đạo hữu, Phật tử làng Trung Hòa có sự chứng minh của Hòa thượng Khánh Cẩm – Lâm tế đời thứ 40. Tổ khai sơn có thế danh Lâm Thông quê xã Đức Thạnh sinh năm 1920, xuất gia tại chùa Sắc tứ Từ Lâm với bổn sư là Tăng Cang Hòa thượng Trí Hưng. Sau khi chùa được xây dựng hoàn thành, tổ An Thống được đề cử trụ trì chùa Trung Hòa đến năm 1996 thì già yếu rồi viên tịch ngày 6 tháng 2 âm lịch năm 2001.

Kế thừa quản tự từ năm 1996 là Đại đức Hạnh Quả Thích Phú Nhơn – Lâm tế đời thứ 42.

Thời gian sau khi tổ khai sơn viên tịch năm 2001, tuy có Đại đức Thích Phú Nhơn thủ tự nhưng vì tuổi già sức yếu nên đạo hữu Phật tử bổn tự thành lập Ban hộ tự và đề cử ông Nguyễn Văn Sáu làm trưởng ban. Đến ngày 4 tháng 4 năm 2009, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi và chùa Trung Hòa đã tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Đại đức Hạnh Nhân húy là Thị Ân trụ trì đến nay. Đại đức Thích Hạnh Nhân sinh năm 1977, xuất gia quy  y năm 1992 tại Tu viện Vĩnh Đức, quận 2, Tp Hồ Chí Minh bổn sư là Thượng tọa Thích Quảng Tâm. Thọ Sa di năm 2001, thọ Tỳ kheo năm 2006 tại chùa Phổ Quang – TP Hồ Chí Minh do Hòa thượng Trí Tịnh làm Đàn đầu.

CHÙA ĐỨC THỌ

Đức Thọ ở xứ Cam Tĩnh, làng Đại Thi, nay là thôn 3 xã Đức Tân, huyện Mộ Đức cách thị trấn Đồng Cát 1 cây số về hướng tây.

Trải qua nhiều biến cố và chiến tranh đã thiêu hủy mọi sử liệu nên không biết rõ chùa được xây dựng vào thời điểm nào. Theo lời chư tổ trụ trì tiền nhiệm truyền lại thì chùa xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Chùa Đức Thọ có 6 lần trùng tu nên không còn nét dáng của ngôi chùa xưa, chỉ còn 2 tượng kỳ lân đứng trên 2 trụ cột góc tiền sảnh có phong cách, đường nét cuối thế kỷ 19. Lần trùng tu chùa năm 1956 do Thượng tọa Thích Như Hoài và các lần trùng tu vào những năm 1973, 1992, 2000, 2005 do Đại đức Thích Giải Sanh hiệp cùng đạo hữu bổn tự chủ trì.

Ta được biết chư tổ trụ trì chùa Đức Thọ như sau:

–         Hòa thượng Hoằng Nhã – Lâm tế đời thứ 39.

–         Hòa thượng Hoằng Giai – Lâm tế đời thứ 39.

–         Thượng tọa Thích Khánh Phước – Lâm tế đời thứ 40.

–         Thượng tọa Thích Khánh Bạo – Lâm tế đời thứ 40.

–         Đại đức Thích Như Hoài – Lâm tế đời thứ 41, trụ trì từ năm 1957 đến năm 1969, viên tịch năm 1975.

–         Từ năm 1975 đến nay là Tỳ kheo Thích Giải Sanh trụ trì.

Năm 2006, chùa có lập ban tương tế, vận động cứu trợ người neo đơn, khốn khó, hoạn nạn và cũng đã thành lập Ban hộ tự để điều hành công tác Phật sự.

CHÙA QUẢNG ĐỨC

Chùa thuộc xứ Đá Bạc, ngay trung tâm Thị trấn Thạch Trụ, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, cách thành phố Quảng Ngãi 30km về phía nam. Chùa nhìn về hướng nam là cánh đồng Bồ Đè, bên trái có đường quốc lộ 1A, phía tây là ga Mộ Đức và sau lưng chùa dựa vào núi Bé.

Chùa được xây dựng ngày 15-2-1964 do Đại đức Thích Trừng Cảnh húy là Tâm Tuyển khai sơn hiệp cùng Khuôn hội và đạo hữu, Phật tử xã Đức Lân. Tổ có thế danh Nguyễn Trung quê Thạch Trụ, xuất gia tại chùa Thiên Ấn với bổn sư húy Như Nguyện-Giải Trình-Hồng Ân. Tổ đã trụ trì chùa Quảng Đức từ ngày khai sơn đến ngày 9 tháng 8 âm lịch năm 1972 thì tịch vì chiến tranh trong lúc đi làm công tác Phật sự.

Năm 1968, Đại đức Thích Trừng Cảnh chủ trương mở trường tiểu học Bồ Đề với 19 lớp học, mỗi lớp có 60 học sinh và một trạm y tế từ thiện để giúp đồng bào địa phương và những xã lân cận, hai cơ sở này tồn tại đến năm 1975.

Năm 1974 chùa Quảng Đức thỉnh mời Đoàn công tác thanh niên phụng sự xã hội (Theo kế hoạch hiện đại hóa Phật giáo của Thiền sư Nhất Hạnh) về phục vụ, tư vấn và tái thiết nông nghiệp cho đồng bào, Phật tử địa phương. Đoàn công tấc do Ni sư Như Huyền-Giải Huệ-Hồng Từ làm trưởng đoàn.

Năm 1970 chùa đã thành lập Gia đình Phật tử có 200 đoàn sinh. Năm 1969, Đại đức Thích Trừng Cảnh xây dựng cơ sở phụ trên nền cũ Đình làng Thạch Trụ xưa kia, được mang tên là chùa Minh Đức cách chùa Quảng Đức 1km. Nơi đây có mộ tháp của Đại đức trụ trì.

Sân chùa Quảng Đức rộng, có tháp Quan Âm lộ thiên, bên trái có xây nền sân khấu, bên phải có nhà hài cốt được xây dựng năm 2007, hiện có 10 am hài cốt của đạo hữu, Phật tử thuộc bổn tự.

Khi tổ khai sơn chùa Quảng Đức tịch năm 1972 thì Đại đức Thích Trừng Nguyên kế nhiệm đến năm 1975 thì hoàn tục về xã Phổ An-Đức Phổ. Chăm sóc và điều hành công tác Phật sự từ đó đến nay (2010) là Ban hộ tự cùng Đạo hữu Phật tử do cư sĩ Nguyễn Minh Trực làm trưởng Ban hộ tự.

Hiện nay, chùa Quảng Đức có khoảng 200 tín đồ. Năm 2008, Ban hộ tự chủ trương xây dựng thêm dãy nhà khách, nhà lễ tân, nhà trù tương đối rộng rãi.

Ngoài những lễ thường kỳ, chùa tổ chức lễ kỵ tổ khai sơn vào mùng 9 tháng 8 âm lịch hằng năm.

CHÙA BỬU ĐỨC

Chùa tọa lạc tại tổ 1, thôn Trung Hòa, thị trấn Đồng Cát thuộc xã Đức Tân, huyện lỵ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Mặt chùa nhìn về hướng tây, có đường liên thôn ngang qua cổng ngõ, sau lưng chùa là cánh đồng Đạt Di. Chùa được xây dựng vào ngày 2 tháng 2 năm 1969 do Tỳ kheo Thích Long Hiển, thế danh là Lâm Mỹ quê xã Đức Thạnh, quy y năm 1949 với bổn sư là Hòa thương Khánh Vinh, có Pháp danh Như Quang, tự Giải Vinh, thọ giới Hòa thượng Thích Quang Lý với pháp hiệu Long Hiển.

Cách tôn trí thờ phụng cũng như nhiều chùa khác. Hai cột trước chánh điện có câu đối:

Phật pháp trường tồn đản nguyện tông môn thùy vạn cổ

Tăng đường vĩnh thạnh thường kỳ đoàn duyệt hưởng thiên thu

Phần hậu tổ có thờ di ảnh Hòa thượng Thích Quang Lý. Từ ngày khai sơn đến nay, Tỳ kheo Thích Long Hiển đương kiêm trụ trì.

CHÙA KHÁNH LONG

Chùa Khánh Long tọa lạc xứ Minh Lý Thượng, xã Vĩnh Trường, tổng Qui Đức, nay là thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, cách trung tâm huyện lỵ 5 cây số về hướng tây bắc.

Chùa nhìn ta đồng Bầu Tuần có núi Dương sơn phía tây và lưng dựa vào xóm dân cư Minh Lý. Chùa không còn sử liệu để biết được thời điểm khai sơn. Căn cứ vào bản văn tự Hán Nôm thì người hiến 6000m2 đất để xây dựng chùa có tên là Lão Khiển. Đến năm 1771 bắt đầu cuộc khởi binh của Tây Sơn thì sau đó, chùa Khánh Long hư hỏng. Đến ngày 12 tháng 2 niên hiệu Gia Long thứ 5 năm 1806 thì cháu 4 đời gọi Lão Khiển bằng ông cố là các ông: Lão Trí, Lão Lưu, Lão Tiết, Lão Đảng, Lão Cúc, Lão Khiêm, Lão Trạch, Lão Nghiêm, Lão Khôi, Lão Dinh và Ngũ Tám cùng lập lại văn tự hiến cúng ruộng đất để chùa Khánh Long được tái thiết phụng thờ tam bảo. Thế nên chùa Khánh Long là ngôi cổ tự, có thể được xây dựng trong thế kỷ 18 – nhưng không còn tài liệu để giúp ta biết được chư tổ trụ trì tiền nhiệm từ năm 1940 trở về trước.

Chùa có 2 lần tái thiết và 3 lần trùng tu. Sau cuộc chiến tranh Tây Sơn, thì năm 1806, Khánh Long tự được tái thiết đến năm 1957 thì Khuôn hội xã Đức Sơn (Đức Phú) trùng tu. Nhưng cuộc chiến tranh khốc liệt từ 1965 đến 1975 đã làm chùa trở thành bình địa. Năm 1975, hòa bình lập lại, đạo hữu, Phật tử xã nhà đã xây dựng lại một lần nữa rồi trùng tu thêm vào năm 1977. Đến năm 1977, Ban hộ tự chủ trương vận động đạo hữu Phật tử gần xa đại trùng tu ngôi chùa như hiện nay, rộng rãi, khang trang. Chùa Khánh Long còn bảo lưu được 2 cổ vật là một chuông gia trì đường kính 25cm và một mỏ cao 20cm, đường kính 25cm. Ta được biết chư tổ trụ trì, quản tự từ năm 1940 sau đây:

–         Năm 1940 đến 1956 Đại đức Thích Phước Hiền – Lâm tế đời thứ 40, thế danh là Phạm Đợi.

–         Từ 1956 đến 1965 cư sĩ Võ Như Kiên thủ tự

–         Từ 1975 đến 1997: Ban hộ niệm quản tự

–         Từ 1997 đến nay: Ban hộ tự cùng đạo hữu chăm sóc, quản tự và điều hành công tác Phật sự do trưởng ban Huỳnh Kiểm.

Đạo hữu, Phật tử thuộc bổn tự hiện nay ước lượng gần 200 người.

CHÙA AN LONG

Chùa An Long xưa kia là chùa Mỹ Long thuộc xã An Mỹ, tổng Lại Đức, nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, cách trường THCS Nguyễn Bá Loan 1 cây số về hướng tây theo đường liên xã.

Chùa quay mặt xuống phía đông nhìn cánh đồng Ngõ Lũy, dựa lưng vào xóm dân cư thôn An Long. Theo lời quý tổ trụ trì tiền nhiệm, chùa An Long được xây dựng vào đời Tự Đức thứ 2-1848 theo kiểu kiến trúc nhà rường, kết cấy bằng khung sườn gỗ chịu lực. Chùa tồn tại đến đời trụ trì thứ 5 là Đại đức Chơn Trung Thích Phước Sĩ viên tịch năm 1946. Một thời gian ngắn sau đó chùa bị hư nát. Đến năm 1958, đạo hữu Phật tử thành lập được Khuôn hội và tái thiết lại ngôi chùa do Đại đức Thích Phước An chủ trì. Năm 1961, chùa thành lập Gia đình Phật tử An Long có độ 100 đoàn sinh do anh Trần Canh làm Huynh trưởng. Trong thời gian chiến tranh GĐPT tạm ngưng sinh hoạt. Năm 1997, cư sĩ Ngô Tần hiệp cùng đạo hữu Phật tử trong làng trùng tu thêm ngôi chùa như hiện nay và cũng từ năm này, chùa thành lập Ban hộ tự, ông Phạm Được làm trưởng ban để điều hành công tác Phật sự, GĐPT cũng tái sinh hoạt năm 1997.

Ta được biết chư tổ trụ trì tiền nhiệm chùa An Long sau đây theo tài liệu ghi chép của Thượng tọa Thích Phước An:

–         Hòa thượng Hoằng Chức – Lâm tế đời thứ 39.

–         Hòa thượng Khánh Tân – Lâm tế đời thứ 40.

–         Đại đức Chơn Miên Thích Phước Minh – Lâm tế đời thứ 40.

–         Đại đức Chơn Minh Thích Phước Huy – Lâm tế đời thứ 40.

–         Đại đức Chơn Trung Thích Phước Sĩ – Lâm tế đời thứ 40 – tịch năm 1946.

–         Thượng tọa Thích Phước An – Lâm tế đời thứ 40, trụ trì từ năm 1960 đến 1975.

–         Đại đức Thích Giải Thế – Lâm tế đời thứ 41, trụ trì từ năm 1975 đến năm 1983 viên tịch.

Hiện nay Ban hộ tự chăm sóc và quản tự chùa do anh Phạm Được làm trưởng ban.

CHÙA LINH VĂN

Chùa thuộc xứ Thượng Tân, thôn Văn Hội, làng Bồ Đề, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức.

Chùa Linh Văn khai sơn năm 1924 do Tổ lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Phúc, tự Đạo Lý, hiệu Phước Đạt chủ trương, Tổ có thế danh Phạm Ngọc Thể sinh năm 1889, xuất gia tại chùa Phước Quang – Thu Xà, bổn sư là Hòa thượng Hoằng Tịnh. Đại đức Thích Phước Đạt trụ trì chùa Linh Văn từ năm khai sơn đến năm 1971 thì viên tịch.

Hiện nay, chùa còn bảo lưu được 11 tượng Phật bằng đồng cổ, một biển hoành gỗ quý sơn son thép vàng có 4 chữ nổi “Linh Văn Bửu Tự” và 6 tấm liễn gỗ cẩn cừ thật đẹp. Có 2 bức liễn trước chính điện có nội dung:

Bồ Đề bổn tự tâm sanh vô ngã vô nhơn vô cảnh vật

Văn Hội truyền thừa đạo mạch hữu tu hữu chứng hữu nhân duyên

Cách bày trí thờ phụng thì cũng như nhiều chùa khác, không có gì đặc biệt. Giữa bàn thờ hậu tổ có long vị tổ khai sơn sơn son, dát vàng:

Tự lâm tế chánh tông Tứ thập thế Linh Văn đường thượng húy Chơn Phúc thượng Đạo hạ Lý hiệu Phước Đạt giác linh

Ngoài những lễ thường kỳ, chùa Linh Văn tổ chức kỵ tổ khai sơn hằng năm vào ngày 7 tháng 9 âm lịch.

Kế tổ khai sơn viên tịch năm 1971, là Thượng tọa Thích Viên Hoàng trụ trì đến nay.

CHÙA NĂNG AN

Chùa ở thôn Năng An xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Xưa kia, Năng An là đơn vị hành chính cấp xã, đến năm Thiệu Trị nguyên niên – 1841 tách Năng An thành 2 xã: Lạc Phố và Năng An. Năm 1945 nhập xã Lạc Phố, Năng An, Bồ Đề thành xã Trần Du, đến ngày 1 tháng 6 năm 1946 mang tên xã Đức Nhuận như hiện nay. Chùa tọa lạc tại xóm 9 dọc theo đường liên xã từ Quốc lộ 1A – Đức Lợi, cách thị trấn Sông Vệ 3km.

Chùa được chi hội An Nam Phật học Quảng Ngãi đề xướng xây dựng năm 1938 dưới sự chủ trương của Hòa thượng Lâm tế đời thứ 40, hiệu Khánh Nghị, thế danh là Huỳnh Hài cùng với cư sĩ Trần Đình Cừ hiệp đạo hữu, Phật tử trong làng.

Mặt chùa hướng về bến phà muối Sông Vệ, bên trái là soi huyện, trường học, bên phải có bàu sen Ấm Mười, lưng chùa dựa vào xóm cư dân. Từ khi xây dựng đến năm 2006, chùa đã có 5 lần trùng tu.

Trên chính điện treo bức hoành gỗ sơn son thép vàng chữ Phật Quang Phổ Chiếu do Hiệp Phát Cẩn cúng vào mùa xuân năm 1942. Phần hậu tổ thờ Đạt Ma và liệt tổ, hai bên là di ảnh bá tánh linh.

Hiện nay chùa còn lưu giữ 3 cổ vật sau đây:

–         Một quả chung cao 1 thước 4 tấc 4 phân, đường kính 9 tấc 7 phân, nặng 86 cân do Tổng đốc Nguyễn Bách Quyền chế cúng tháng 9 năm Ất Sửu Tự Đức thứ 8 – 1855 và Binh Bộ Thượng Thư Kiêm Đô Tế viện Hữu Đô Ngự sử Tổng Sơn Tây Tự Thiện Đại phu Nguyễn Bá Nghi Khắc bài minh.

–         Một bảo chúng đồng cao 55cm, đường kính 45cm, nặng 30kg có khắc 4 chữ lớn: Phước Chung Bảo Quang, Pháp danh Ấn ? cúng năm Mậu Tuất – 1898.

–         Một khay lễ gỗ sơn, cẩn xà cừ, 4 góc bịt bạc, chân quỳ.

Những di vật này theo lời quý cao niên là ở đình Lạc Phố và chùa làng Năng An (bên cạnh đình). Đến năm 1952, chùa xã Năng An và đình cùng chung số phận như nhiều chùa khác, hy sinh tài vật cho kháng chiến chống Pháp nên tự vật, tự khí dời về chùa “Ông Hài” nay là chùa Năng An.

Năm 1961, ông Nghi Khắc Trại thành lập Gia đình Phật tử có gần 150 đoàn sinh, đến ngày 16 tháng 6 chính thức có tên GĐPT Chơn Tấn.

Chùa đã trải qua quý tổ sau đây:

–         Tổ khai sơn: Lâm tế đời thứ 40: Hòa thượng Khánh Nghị

–         Kế tổ thủ tự: Huỳnh Kim Anh

–         Kế thừa thủ tự: Phạm Đựng

–         Kế: Lê Bốn

–         Kế: Lê Mẫn

–         Kế: Trần Được đến năm 2006

Năm 1981, chùa Năng An thành lập Ban hộ tự, ông Lê Quang Hùng làm trưởng ban, sau đó là ông Phạm Bá Liền, Lê Thanh, Nguyễn Viết Ơn, Nguyễn Bảy.

Năm 2007, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định Sư cô Thích Nữ Thiền Thông chính thức trụ trì chùa Năng An đến nay. Sư cô Thiền Thông sinh tại xã Đức Nhuận.

CHÙA TÚ SƠN

Tiền thân của chùa Tú Sơn ngày nay là Sơn Quang tự, tọa lạc tại xứ Thới Sơn, làng Tú Sơn, tổng Ca Đức. Năm 1957, Khuôn hội Phật học di dời và tái thiết trên vị trí hiện nay tại thôn Tú Sơn, thị trấn Thạch Trụ, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức.

Lần tái thiết năm 1957 và trùng tu năm 1964 thì mặt chùa nhìn xuống hướng đông, có đường quốc lộ 1A chạy ngang qua. Đến năm 2008, Trưởng ban hộ tự đương nhiệm Châu Văn Vui hiệp cùng đạo hữu Phật tử xa gần chủ trương giữ nguyên chùa cũ, xây dựng ngôi chùa mới bên cạnh nhưng mặt chùa nhìn về hướng nam, có kênh thạch nhan chảy trước cổng, lưng chùa dựa vào gò Đồn.

Qua những biến cố chiến tranh, sử liệu về chùa Tú Sơn cũng đã bị thiêu hủy không còn gì để biết thời điểm khai sơn chùa. Qua những sử liệu liên quan, ta được biết tiền thân của chùa Tú Sơn Quang tự có tổ trụ trì là Hòa thượng Hoằng Chỉnh – Lâm tế đời thứ 39, có thế danh Hà Thế Nhã sinh năm 1862 tại Thừa Sơn – Tú Sơn, viên tịch ngày 24 tháng 6 năm Kỷ Mão 1939 tại chùa Phước Hậu huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tổ đã trụ trì tại chùa Phước Hậu từ năm 1910, nên ngài trụ trì chùa Tú Sơn trước năm ngài vào tỉnh Vĩnh Long hoằng Pháp. Ngài xuất gia tại chùa Thiên Ấn, được bổn sư Giác Tánh ban pháp danh Ấn Chí, tự Tổ Chấp, hiệu Hoằng Chỉnh. Nhục thân ngài được nhập tháp tại bên trái chùa Phước Hậu tỉnh Vĩnh Long và chính kế nhiệm trụ trì chùa Phước Hậu là Hòa thượng Thích Khánh Anh gọi ngài bằng sư thúc trực tiếp viết văn bia với nội dung: “Nam mô Quảng Cao tháp Ma ha Sa môn hiệu Hoằng Chỉnh toàn thân hòa thượng” cùng một long vị thờ tại phần hậu tổ: “Tự Lâm tế Phổ tam thập cửu thế Phước Hậu tự húy Ấn Chí thượng Tổ hạ Chấp hiệu Hoằng Chỉnh hòa thượng giác linh nghê tọa”. Kế nhiệm trụ trì chùa Tú Sơn là Hòa thượng Hoằng Giai.

Hai cột trước chính điện có câu đối:

–         Tú dị kim dung cảm hóa thập phương đồng tín ngưỡng

–         Sơn minh ngọc chúc chiếu ảnh bá tánh cộng quy y

Trên cột vách trước hành lang cũng có 2 câu đối:

–         Tú lệ thiền môn đức nhuận thập phương triêm pháp vũ

–         Sơn minh bảo điện lân hoài bách tánh mục ân quang

Tháng 3 năm 2009, chùa Tú Sơn tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Sư cô Chơn Hỷ, tự Hạnh Châu, hiệu Bảo Hoa trụ trì chùa đến nay.

                                  CHÙA BỒ ĐỀ

Chùa tọa lạc tại xóm 3, xã Bồ Đề, tổng Lại Đức, đến ngày 1 tháng 6 năm 1946 nhập 3 xã Lạc Phố, Năng An và Bồ Đề thành xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức như hiện nay. Chùa cách thị trấn Sông Vệ 300m về hướng đông.

Mặt chùa nhìn ra phía bắc, có đường liên xã từ quốc lộ 1A ngang qua cổng ngõ. Bên trái chùa có dòng kênh đào vòng tới trước mặt chùa theo thế “Thủy tả đảo hữu”. Chùa do Hội Phật học xã Bồ Đề chủ trương xây dựng vào ngày 19 tháng 9 năm 1939 theo đề xướng của Chi hội An Nam Phật học tỉnh Quảng Ngãi do Bác sỹ Hoàng Mộng Lương chi hội trưởng, Thị Độc Đại học sĩ Lâm Tô Bích chi hội phó cùng thư ký là Giáo sư Phan Tiên, Hòa thượng Hoằng Thạc làm chứng minh đạo sư.

Năm 1955, chùa Bồ Đề thành lập Khuôn hội Phật học. Năm 1957, thành lập Gia đình Phật tử nhưng đến năm 1961 mới có tên Gia đình Phật tử Chơn Nguyên. Năm 1962, Khuôn hội cùng đạo hữu tổ chức trùng tu chùa Bồ Đề và đến năm 1973 trùng tu một lần nữa. Đến năm 2009, trụ trì đương nhiệm Sư cô Thích Nữ Chánh Định chủ trương xây dựng thêm nhà khách, nhà lễ tân khang trang rộng rãi để đáp ứng nhu cầu đạo hữu ngày càng phát triển.

Trong thời gian kháng chiến chống Mĩ vào năm 1971, tại chùa Bồ Đề có một Sa di ở chúng Pháp danh Tâm Tĩnh, thế danh Cao Sau, sinh năm 1944 tại xã Bình Minh huyện Bình Sơn, trú tại chùa để hoạt động cơ sở. Sa di Tâm Tĩnh đã qua đời tại chùa năm 1972, gia đình đưa về quê để tống táng nhưng mới đến Cầu Cát (cách chùa 3km) thì xe tắt máy. Gia đình khấn muốn ở lại gần chùa thì hiển linh cho xe nổ máy thì lạ thay đúng theo lời khấn nên đã đưa về táng gần chùa. Sa di Tâm Tĩnh Cao Sau đã được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mĩ hạng nhì.

Chùa Bồ Đề đã được chư vị trụ trì, quản tự chùa sau đây:

–         Từ năm 1938 đến năm 1955 do Phân hội An Nam Phật học quản tự.

–         Từ năm 1956 đến 1973 do Khuôn hội Phật học quản tự.

–         Từ năm 1973 đến năm 1983 Thượng tọa Thích Trừng Thể – Lâm tế đời thứ 42 trụ trì. Sau đó, vào miền nam tu học.

–         Từ năm 1991, Đại đức Thích Hạnh Quới – Lâm tế đời thứ 42 trụ trì, viên tịch năm 1997.

–         Từ năm 1999 đến năm 2001 Sư cô Thích Nữ Huệ Liên trụ trì.

–         Từ năm 2002 đến nay, Sư cô Thích Nữ Chánh Định trụ trì.

CHÙA SẮC TỨ THIÊN PHƯỚC

Chùa Thiên Phước tọa lạc tại thôn Kim Thành, xã Thiết Trường, tổng Ca Đức, nay là thị trấn Đồng Cát thuộc huyện Mộ Đức, cách Thành phố Quảng Ngãi về hướng nam 20km.

Chùa do đệ nhị tổ Thiên Ấn, húy Thiệt Úy-Chánh Thành-Khánh Vân khai sơn. Không còn sử liệu để biết cụ thể thời điểm khai sơn. Căn cứ vào năm ngài về kế thừa tổ Pháp Hóa tại Thiên Ấn, vào long vị Tổ Minh Dung Pháp Thông, long vị thân thúc của ngài: Tổ Thiệt Giám-Trí Quang và gia phả họ Huỳnh lưu giữ tại chùa Trường Thọ thì chúng ta ước đoán chùa Thiên Phước khai sơn vào khoảng từ năm 1754 đến năm 1770. Từ thời gian khai sơn đến nay, ta được biết chùa đã trải qua các tổ trụ trì sau đây:

–         Tổ đệ nhị: Lâm tế đời thứ 38 Hòa thượng húy Đạt Khoan, hiệu Bửu Huệ.

–         Kế thừa: Lâm tế đời thứ 39 Hòa thượng húy Ấn Quảng, Vĩnh Thiện-Hoằng An.

–         Kế: Lâm tế đời thứ 39 húy Ấn Giang, tự Tổ Nguyệt, hiệu Hoằng Lãng Hòa thượng.

–         Kế: Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Tánh-Đạo Thiện, hiệu Khánh Hạ Hòa thượng

–         Kế: Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Mai, tự Đạo Ba, hiệu Khánh Cẩm Hòa thượng

–         Kế: Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Ngọc-Đạo Trang-Khánh Quỳnh Hòa thượng.

–         Kế: Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Chí-Đạo Trung-Khánh Ân Hòa thượng.

–         Kế: Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Thủ-Đạo Nguyên-Khánh Thỷ Hòa thượng.

–         Kế: Lâm tế đời thứ 41 Phước Lý Đại sư.

–         Kế: Lâm tế đời thứ 41 húy Như Tụng, hiệu Thanh Bửu Đại sư.

Trụ trì đương nhiệm là Thượng tọa Thích An Huy, Lâm tế đời thứ 41 húy Như Đồ, tự Giải Quang đương kiêm chánh Đại diện Phật giáo huyện Mộ Đức. Vậy là trong thời gian gần 300 năm chùa đã có 12 đời trụ trì.

Trên đường hoằng truyền chánh pháp tiếp dẫn hậu lại, qua những sử liệu liên quan, ta được biết chùa Thiên Phước đã khai mở những giới đàn như sau:

–         Giới đàn năm Bính Tý do Hòa thượng Khánh Hạ đàn đầu năm 1936.

–         Giới đàn năm Giáp Thân 1944 do Tăng cang Hòa thượng Trí Hưng làm Đàn đầu, Hòa thượng Khánh Hạ là Yết Ma A Xà Lê.

–         Giới đàn năm Tân Hợi 1971 do Hòa thượng Khánh Cẩm làm Đàn đầu.

Chùa đã 3 lần trùng tu qua các năm 1973, 1989, 1994 nên không còn hình dáng của ngôi cổ tự nữa. Chùa Thiên Phước hiện nay là văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Mộ Đức. Chùa có khoảng 100 đạo hữu Phật tử thường xuyên về lễ bái trong những ngày lễ thường kỳ.

TỊNH THẤT BỬU HUỆ

Tịnh thất tọa lạc tại thôn Đạm Thủy Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, cách thị trấn Thi Phổ độ 3 cây số về phía đông.

Tịnh thất được xây dựng vào ngày 17 tháng 11 năm 1967 do Sa di ni Dương Thị Yên, pháp danh Như Huề, pháp tự Giải Thông chủ trương. Năm 1976, tịnh thất được trùng tu 1 lần và đến năm 2002, trùng tu một lần nữa như hiện nay.

Từ ngày xây dựng, Sư cô Thích Nữ Giải Thông trụ trì tịnh thất đến nay và hiện có khoảng 70 đạo hữu Phật tử thường xuyên về lễ Phật trong những ngày vía lễ thường kỳ.

CHÙA TỪ QUANG

Trong những ngôi chùa khai sơn vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Quảng Ngãi thì Từ Quang tự là một trong những ngôi chùa đứng trên diện tích đất rộng rãi (5000m2) mà được xây dựng chủ 1/5 diện tích, nên vừa đến cổng chùa, ta có cảm giác đứng trước một cảnh quan hòa hợp, trầm lắng, tĩnh mịch. Chùa tọa lạc tại xứ Đá Bạc, thị trấn Thạch Trụ, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức.

Mặt chùa hướng về phía tây là cánh đồng Đất cũ, bên trái có đường từ ngã tư Thạch Trụ chạy xuống cửa Mỹ Á. Nhìn qua bên phải là gò Ông Định, sau lưng chùa có cấm gò Thọ Trấn chỉ dọc theo đường bê-tông thẳng xuống trạm bom Gò Mông.

Trong vườn chùa có nhiều cây ăn trái lâu niên tỏa mát. Từ cổng tam quan vào sân có hai ngôi tháp mộ của tổ khai sơn và tiền nhiệm. Trên trụ cổng tam quan có hai câu đối:

–         Từ hải viên dung phổ tế quần sanh quy chánh pháp

–         Quang minh chiếu diệu chân khai thánh chúng nhập huyền môn

Theo diễn văn trùng tu lần thứ nhất vào năm 1956 do kế tổ Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Hiếu, tự Đạo Hảo, hiệu Pháp Minh chủ trương thì chùa Từ Quang do tổ Lâm tế đời thứ 39 húy Ấn Cứ, tự Tổ Đắc, hiệu Hoằng Tri khai sơn năm 1874. Thế danh của ngài là Nguyễn Hoằng Tri, quê xã Phổ An-Đức Phổ. Căn cứ theo long vị ngài sinh năm 1867, viên tịch năm 1936. Thế nên thời điểm khai sơn Từ Quang tự có thể sau năm 1887 thì hợp lý hơn.

Lúc khai sơn, chùa được kết cấu bằng khung sườn gỗ chịu lực theo kiểu nhà rường, vách đất, lợp tranh. Năm 1956, kế tổ Thích Pháp Minh trùng tu lần thứ nhất và lợp ngói vảy. Năm 1968, vách mục rã, kế tổ Pháp Bửu xây dựng lại bằng gạch, đến năm 1994 kế tổ Đại đức Thích Từ Hải thay thế hoàn toàn khung gỗ cũ vì mối mọt.

Đứng dưới thềm chùa, chúng ta thấy câu đối trên cột hè trước:

Từ bi nhứt bát chơn vi diệu

Quang cảnh tam trìu thị trang nghiêm

Phần thờ hậu tổ có 2 long vị:

–         Long vị tổ khai sơn: Từ Lâm tế Chánh phổ tam thập cửu thế khai sơn Từ Quang tự húy Ấn Cứ thượng Tổ hạ Đắc hiệu Hoằng Tri Hòa thượng.

–         Long vị kế tổ: Lâm tế Gia phổ tứ thập thế Từ Quang đường thượng húy Chơn Đức thượng Đạo hạ Hạnh hiệu Pháp Bửu.

Hằng năm, ngoài những ngày lễ thường kỳ, chùa Từ Quang có tổ chức 2 ngày kỵ: tổ khai sơn ngày 12 tháng 9 và kỵ tổ kế nhiệm vào ngày 30 tháng 5 âm lịch.

Theo di chúc năm 1988, tổ Pháp Bửu viên tịch thì Đại đức Thích Từ Hải kế nhiệm trụ trì chùa Từ Quang đến nay (2010).

CHÙA LONG PHÚ

Chùa ở xứ núi Đất, thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Từ phía nam cầu Sông Vệ, theo đường liên xã độ 6 cây số là đến nơi.

Chùa Long Phú so Sư cô Thích Nữ Từ Thuyền khai sơn vào tháng 10 năm 1960. Sư cô Từ Thuyền có thế danh là Trịnh Thị Niên sinh năm 1915 tại làng Vinh Phú, năm Giáp Tuất quy y tại chùa Long Khánh làng An Mô, được bổn sư Hòa thượng Thích Tín Truyền cho Pháp danh Như Hiệp. Sau đó, cầu pháp Hòa thượng Thích Trí Hưng được ngài ban pháp tự là Giải Hòa, hiệu Từ Thuyền.

Trong chiến tranh năm 1966, làng Vinh Phú xã Đức Lợi trở thành bình địa, Sư cô Từ Thuyền di dời, xây dựng tạm ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa. Năm 1975, hòa bình trở lại, chùa Long Phú được tái thiết nơi quê Vinh Phú, đến năm 1992 chùa được trùng tu như hiện nay.

Tổ khai sơn viên tịch ngày mùng 5 tháng 7 năm Bính Tuất 2006, thọ 91 tuổi, có 62 tuổi đạo.

Kế thừa thủ tự là Sa di Nguyễn Tấn Nhơn, pháp danh là Thị Đào, pháp tự Hạnh Khai.

Đạo hữu thuộc bổn tự thường xuyên về chùa lễ Phật trong những ngày lễ độ 60 người.

Ngoài những ngày lễ thường kỳ, chùa tổ chức ngày lễ hiệp kỵ chư tổ vào mùng 5 tháng 7 hằng năm.

CHÙA KHÁNH LÂM

Chùa tọa lạc tại xóm 6 thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, cách Thị trấn Sông Vệ khoảng 3 cây số về hướng đông nam.

Chùa Khánh Lâm do Thượng tọa Thích Thiện Duyên, húy Như Minh, tự Giải Mẫn xây dựng vào khoảng năm 1964 dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Viên Lý. Năm 1972 chùa được Thượng tọa Thiện Duyên trùng tu lần thứ nhất; sau đó, chùa chỉ được tu bổ thêm đến hiện nay.

Thượng tọa Thích Thiện Duyên viên tịch ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Sửu 2009. Kế thừa là Sa di Thích Hạnh Thuận đang tu học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cách tôn trí thờ phụng cũng như nhiều chùa khác, không có gì đặc biệt. Hiện nay, chùa Khánh Lâm có khoảng 30 tín đồ, đạo hữu thuộc bổn tự.

CHÙA SẮC TỨ KHÁNH LONG

Chùa tọa lạc tại thôn Mỹ Khánh, xã Long Phụng, nay là xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Theo lời của quý chư tăng cao niên thì tên chùa lấy từ chữ Khánh của thôn chùa tọa lạc, hiệp với chữ Long của làng Phước Long – quê hương của sư tổ trụ trì tiền nhiệm vào triều Tự Đức để thành tên chùa Khánh Long.

Không còn sử liệu cụ thể cho biết chùa Khánh Long xây dựng vào năm nào. Hiện nay, chùa còn giữ được hai di sản có tính sử liệu: Một là bức hoành gỗ quý sơn son thép vàng có ba chữ nổi lớn “Khánh Long Tự” ở giữa, bên phải là hàng chữ nhỏ “Bổn tự trụ trì hiệu Hoằng Tịnh hợp đệ tử tạo cúng”, bên trái “Giáp Thìn niên hợp nguyệt thượng nguyên” (Rằm tháng giêng năm 1904). Hai là biển ngạch “Sắc tứ Khánh Long Tự” ở giữa, bên phải: “Long Phụng xã cung phụng”, bên trái: “Bảo Đại thập tứ niên thập nhất nguyệt sơ tứ nhật” (mùng 4 tháng 11 năm 1938).

Theo lời truyền lại thì lúc đầu, chùa tọa lạc ở phía đông gò Chùa thuộc xứ Hạ Phổ đồng Canh thôn Mỹ Khánh. Trong những tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại nhà thờ ông Lê Vinh Dũng, có một bản văn tự liên quan là: vợ chồng ông Lê Vinh Thuận và bà Nguyễn Thị Niên hiến cúng 1 mẫu đất ở xứ Lò Gươm để lập chùa cùng 1 mẫu ruộng ở thôn Đại Thạnh để làm ruộng tam bảo. Rất tiếc là không ghi niên đại nên chúng ta không biết rõ thời điểm. Theo thần phả tại nhà thờ thì ông Lê Vinh Thuận sinh năm 1771, vậy có thể chùa được xây dựng trên đất hiến cúng vào khoảng cuối triều Tây Sơn, đầu thời Gia Long. Chùa Khánh Long tồn tại trên đất xứ Lò Gươm đến năm 1953 thì cùng số phận như nhiều ngôi chùa khác – hy sinh tài vật cho kháng chiến chống Pháp.

Năm 1955, Khuôn hội Phật giáo xã Đức Phụng (Đức Thắng hiện nay) được thành lập và có kế hoạch tái thiết ngôi chùa, thì chính quyền thời đó hoán đổi 1 mẫu đất thuộc xứ Cây Mốc (vườn chùa hiện nay). Năm 1956, ngôi chùa được tái lập với tên mới “Chùa Đức Phụng”, đến năm 1975 mang tên chùa Long Phụng. Năm 2007, trụ trì đương nhiệm hiệp đạo hữu Phật tử xa gần xây dựng lại hoàn toàn với tên chùa theo biển ngạch: Sắc tứ Khánh Long tự mà triều đình Huế ân ban năm 1938.

Theo bia ký mộ tháp cùng long vị tại chùa Phước Quang, đối chiếu với gia phả dòng họ Phạm làng Phước Long thì tổ trụ trì tiền nhiệm chùa Khánh Long vào thời Tự Đức là thiền sư Lâm tế đời thứ 38, húy Chương Trang, tự Tuyên Trạch, hiệu là Quảng Chấn. Tục danh là Phạm Ngọc Tình, quy y tại chùa Thiên Ấn, bổn sư là tam tổ Bảo Ấn – Lâm tế đời thứ 37. Thiền sư Quảng Chấn trụ trì chùa Khánh Long đến ngày 22 tháng 11 năm Mậu Tuất 1898 thì viên tịch.

Kế nhiệm là tổ lâm tế đời thứ 39, Đại lão Tăng cang Hòa thượng Hoằng Tịnh húy Ấn Kim, tự Tổ Tuận. Thế danh là Phạm Ngọc Thạch, quy y tổ đệ tứ Thiên Ấn là ngài Chương Khước, Tông Tuyên-Giác Tánh. Trong suốt 34 năm trụ trì chùa Khánh Long, Hòa thượng Hoằng Tịnh đã từng là Giới sư, Đàn đầu truyền giới trong nhiều giới đàn và đào tạo một số tăng tài mà sau này là trụ cột của Phật giáo Việt Nam, và Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi như Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Khánh Tín, Hòa thượng Khánh Thuyên,..v..v…

Theo quý chư tôn giáo phẩm cao niên thì những cố Hòa thượng có pháp hiệu chữ Khánh do ngài Hoằng Tịnh ban khi ngài trụ trì chùa Khánh Long. Ngài viên tịch ngày 17 tháng 10 năm Nhâm Thân 1932.

Tổ kế thừa là vị giáo thọ Lâm tế đời thứ 40, Đại đức Thích Phước Hậu. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến rồi tập kết ra Bắc năm 1954.

Kế thừa là Sa di Chơn Ngọc – Lâm tế đời thứ 40, quản tự chùa từ năm 1958 đến năm 1968. Thế danh là Nguyễn Huỳnh, quê thôn Mỹ Khánh – Đức Thắng.

Kế thừa từ năm 1968 đến năm 2000 là Sa di Như Phong – Lâm tế đời thứ 41, có thế danh là Lê Mỹ Cột, quê ở thôn Dương Quang, Đức Thắng. Thời gian tổ Như Phong và tổ Chơn Ngọc quản tự chùa từ năm 1958 đến năm 2000 là 42 năm cơ cực, lầm than, thiếu thốn và chiến tranh khốc liệt nhưng hai tổ vẫn gắn bó, gìn giữ, bảo vệ chùa cùng tự vật, tự khí, hai bức hoành phi, biển ngạch còn lại đến nay. Thế nên khi hai tổ viên tịch, nhân dân, đạo hữu, Phật tử xã nhà vô cùng thương kính và biết ơn.

Năm 1961, chùa đã tổ chức và thành lập Gia đình Phật tử, có khoảng 120 đoàn sinh. Năm 1965, chiến tranh bắt đầu khốc liệt nên GĐPT đã ngưng sinh hoạt.

Năm 2005, Sư cô Thích Nữ Thiền Vi về trụ trì chùa Khánh Long và đến tháng 1 năm 2006, chùa tổ chức lễ công bố Quyết định chính thức Sư cô Thiền Vi trụ trì đến nay.

Năm 2008, dưới chủ trương của Sư cô trụ trì đương nhiệm hiệp đạo hữu Phật tử xa gần cùng ban hộ trì xây dựng lại ngôi chùa mới hoàn toàn.

Cách bày trí thờ phụng cũng như nhiều chùa khác, không có gì đặc biệt.

Ngoài những lễ thường kỳ hằng năm, bắt đầu từ năm 2007, chùa lấy ngày viên tịch của Hòa thượng Hoằng Tịnh 16 tháng 10 âm lịch làm ngày hiệp kỵ liệt tổ.

 DANH MỤC CÁC CHÙA HUYỆN ĐỨC PHỔ

 

  1. Chùa Trang Sơn                 –  Thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường
  2. Chùa Thanh Sơn                –  Thôn Trung Lý, xã Phổ Vinh
  3. Chùa Kim Sơn                    –  Thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường
  4. Chùa Kim Quang               –  Thôn Diêu Trường, xã Phổ Khánh
  5. Chùa Phước Lâm               –  Khối 3, Thị Trấn Đức Phổ
  6. Chùa Quang Bửu               – Thôn Du Quang, xã Phổ Quang
  7. Chùa Từ Phước                  – Thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh
  8. Chùa Long An                    –  Thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong
  9. Chùa Long Sơn                  –  Thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận
  10. Chùa Bửu Lâm                      –  Thôn Hòa Thạnh, xã Phổ Hòa
  11. Chùa Bửu Khánh                  –  Thôn Diêu Trường, xã Phổ Khánh
  12. Chùa Hải Châu                      –  Thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu
  13. Chùa Từ Hải                          –  Thôn Thạch Bi II, xã Phổ Thạnh
  14. Chùa Thiên Phước                –  Thôn Đông Quang, xã Phổ Văn
  15. Chùa Vĩnh Long                   –  Thôn Nga Mâu, xã Phổ Cường
  16. Chùa Kim Long                     –  Thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh
  17. Chùa Long Thiện                  –  Thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh
  18. Chùa Đào Lâm                      –  Thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh
  19. Chùa An Sơn                         –  Thị trấn Đức Phổ
  20. Chùa Đông Sơn                     –  Thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh
    1. Chùa Long Quan (An Sơn)  –  An Đinh, Thiệp Sơn, Phổ Thuận, Thới Lượng
    2. Chùa An Sơn                         –  Xã Phổ Khánh, Võ Tiến Sĩ

 

CHÙA TRANG SƠN

Chùa tọa lạc trên sườn núi Mu Rùa – thôn Mỹ Trang – xã Phổ Cường, cách trung tâm huyện lỵ Đức Phổ 800m về phía Nam.

Chùa Trang Sơn được xây dựng vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Canh Tý_1960 do Hòa thượng Thích Khánh Dung khai sơn. Tổ có thế danh là Huỳnh Xuân Ninh, sinh năm Kỷ Hợi 1899 tại xóm 10 – thôn Năng An – xã Đức Nhuận – huyện Mộ Đức.

Năm Tân Hợi 1911, Ngài được song thân cho xuất gia quy y tại chùa Khánh Long xã Đức Thắng, được bổn sư Đại lão Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh ban Pháp danh Chơn Bình. Năm Bính Thìn 1916, Ngài thọ Sa di được Pháp tự Đạo Thượng, năm sau Đinh Tỵ 1917, Ngài được bổn sư cho vào chùa Kim Sơn thôn Bàn Thạch tu học với Sư thúc Hoằng Trung, được Sư thúc nhận làm y chỉ sư. Năm 22 tuổi, Ngài thọ Tam Đàn cụ túc tại Đại giới đàn chùa Phước Quang năm Canh Thân 1920 được bổn sư Hòa thượng Đàn đầu Hoằng Tịnh ban Pháp hiệu Khánh Dung. Năm sau Tân Dậu 1921, Sư thúc Hoằng Trung viên tịch, Ngài kế thế trị trì chùa Kim Sơn. Tại đây, Ngài đã dốc lòng bồi đắp chốn tổ đến ngày mùng 4 tháng 2 năm Giáp Thìn 1964 Ngài viên tịch. Bảo tháp được tôn trí tại vườn chùa Kim Sơn, bia tháp ghi:

Tự Lâm Tế Chánh tông, tam thập tứ thế Kim Sơn đường thượng khai sơn Trang Sơn tự, húy Chơn Bình thượng Đạo hạ Thượng hiệu Khánh Dung Hòa thượng Giác linh

Sau khi xây dựng hoàn tất chùa Trang Sơn, Hòa thượng Khánh Dung giao cho thầy Thích Vĩnh Minh giám tự từ năm 1963–1970. Năm 1964, chùa Trang Sơn thành lập Gia đình Phật tử Chơn Dung. Năm 1975 tạm dừng và tái sinh hoạt năm 1998. Kế thừa là thầy Thích Giải Trác từ năm 1970 đến 1985 thì viên tịch. Sau đó, chùa được hình thành Ban hộ tự và luân phiên chăm sóc, điều hành công tác Phật sự dưới sự chủ trì của Trưởng ban Nguyễn Văn Nghĩa.

Năm 1970, chùa Trang Sơn được trưởng ban đại diện Nguyễn Tấn Luân hiệp cùng đạo hữu chủ trương trùng tu. Năm 1974, được Tổng vụ Giáo dục Phật giáo Việt Nam tài trợ, Ban đại diện chùa Trang Sơn tổ chức mở trường Trung học đệ nhất cấp Bồ Đề có 3 lớp, mỗi lớp có 50 học sinh do Nguyễn Tấn Khang làm hiệu trưởng, Nguyễn Văn Nghĩa làm giám thị. Trường chỉ tồn tại được một niên khóa. Ngày 16 tháng 2 năm 2008, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi có quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Nguyên Bình về trụ trì chùa Trang Sơn đến nay (2010).

Chùa Trang Sơn tổ chức lễ hiệp kỵ vào ngày mùng 4 tháng 2 âm lịch hằng năm.

CHÙA THANH SƠN

Chùa ở xứ Thành Hiệu, làng Trung Lý, nay là thôn Trung Lý – xã Phổ Vinh – huyện Đức Phổ, cách trung tâm thị trấn huyện lỵ 5 cây số về phía đông theo đường liên xã.

Chùa Thanh Sơn tọa lạc trên sườn núi Trĩ, có sông Thanh nước trong xanh bao bọc, cảnh quang thật tú mỹ. Chùa không còn sử liệu gì cho ta biết được thời điểm khai sơn.

Theo bản ghi chép của ông Trần Đức Quang, phó ban hộ tự chùa Thanh Sơn cho ta biết được chủ tổ trụ trì chùa trong khoảng thế kỷ 20 như sau:

–             Hòa thượng Nguyễn Khánh Tích quê xã Đức Tân, huyện Mộ Đức viên tịch ngày 13 tháng 10 âm lịch. Mộ tháp tại vườn chùa.

–             Kế là Đại đức Thích Trí Huẩn họ Lê, quê xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, viên tịch ngày 25 tháng 11 âm lịch. Mộ tại vườn chùa.

–             Kế là thầy Thích Trí Cửu quê xã Đức Lợi-Mộ Đức.

–             Kế là thầy Thích Hạnh Phát, thế danh là Nguyễn Lê, quê xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ.

–             Kế là thầy thủ tự Thích Thành Như

Chùa Thanh Sơn đã có những lần trùng tu vào các năm 1955 do cụ Trần Cang chủ trương, năm 1960 do cụ Nguyễn Thế Vinh chủ trương, năm 1975 do ông Nguyễn Chí, năm 1993 do ông Nguyễn Quế và Trần Đức Thống chủ trương.

Qua sử liệu liên quan, ta được biết Hòa thượng Khánh Tích quy y Thiền sư Ấn Kim – Tổ Tuận – Hoằng Tịnh tại chùa Khánh Long_Đức Thắng_Mộ Đức, thọ Tam Đàn cụ túc tại Đại giới đàn chùa Phước Quang_Thu Xà năm Canh Thân 1920, được Hòa thượng bổn sư Đàn đầu ban Pháp hiệu Khánh Tích và cũng là huynh đệ với Hòa thượng Thích Khánh Anh_Khánh Hạ.

CHÙA KIM SƠN

Chùa Kim Sơn hiện nay tọa lạc tại thôn Bàn Thạch – xã Phổ Cường, cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Đức Phổ khoảng 6 cây số về hướng tây nam.

Nguyên xưa kia có tên là chùa Nam Huân được xây dựng bằng tranh tre vách đất. Qua bao lần chiến tranh đã tiêu hủy mọi sử liệu nên không biết được chùa xây dựng ở thời điểm nào. Năm Giáp Dần 1914, đạo hữu bổn tự thỉnh mời Hòa thượng Võ Đính hiệu Hoằng Trung về trụ trì, sau đó Hòa thượng đã tái thiết trùng tu lại và cải hiệu là chùa Kim Sơn. Ngài viên tịch ngày 21 tháng giêng năm Tân Dậu 1921. Long vị thờ ngài: Từ Lâm Tế tam thập cửu thế Khai Kiến Kim Sơn tự húy Ấn thượng Tổ hạ Phòng hiệu Hoằng Trung giáo thọ Hòa thượng Giác linh. Trong cuộc đời hành đạo, ngài là vị giáo thọ trong thất vị Tôn Chứng của Đại giới đàn năm Canh Thân_1920 tại chùa Phước Quang do sư huynh ngài là Đại lão Tăng Cang Hòa thượng Ấn Kim_Tổ Tuận_Hoằng Tịnh làm Đàn đầu.

Kế thừa trụ trì chùa Kim Sơn từ năm 1921 là Hòa thượng Huỳnh Khánh Dung, Pháp danh Chơn Bình, tự Đạo thượng hiệu Khánh Dung. Ngài viên tịch vào ngày mùng 4 tháng 2 năm Giáp Thìn 1964. Bảo tháp được tôn trí tại vườn chùa.

Chùa Kim Sơn đã trải qua nhiều lần tái thiết và tu sửa, năm 1966, chiến tranh đã làm đổ nát hoàn toàn. Năm 1994, thủ tự Huỳnh Xuân Ba hiệp cùng đạo hữu tư sửa lại một lần nữa đến nay, và cùng đạo hữu, Phật tử bổn tự luân phiên chăm sóc, điều hành công tác Phật sự.

CHÙA KIM QUANG

Chùa hiện nay ở thôn Diên Trường – xã Phổ Khánh, cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Đức Phổ 15 cây về phía nam.

Trải qua nhiều biến cố chiến tranh, chùa Kim Quang không còn sử liệu cho ta biết rõ tổ khai sơn, chỉ biết được chùa xây dựng vào năm Minh Mạng ngũ niên – 1824 và đầu thế kỷ 20 có Hòa thượng Lê Tánh, húy Ấn Kỷ, hiệu Phổ Nguyệt – Lâm tế đời thứ 39 trụ trì chùa Kim Quang. Ngài xuất gia quy y Hòa thượng Chương Trang_Tuyên Trạch_Quảng Chấn tại chùa Phước Quang. Bổn sư Hòa thượng Quảng Chấn viên tịch năm Mậu Tuất 1898, thế nên ngài Phổ Nguyệt đã xuất gia trước đó, ngài viên tịch năm Canh Dần 1950.

Kế thừa trụ trì là Thượng tọa Thích Ngọc Quang, húy là Chơn Loan, ngài viên tịch năm 1982.

Năm 1999, chùa thành lập Ban hộ tự lâm thời đến năm 2000 thì đã có quyết định chính thức, hiện nay anh Như Minh Phạm Văn Lụa thay mặt Ban hộ tự điều hành công tác Phật sự.

Năm 1967, chiến tranh làm chùa đổ nát, đến năm 1972 được Thượng tọa Ngọc Quang tái thiết.

Năm 1998, ông Lê Văn Thanh khởi xướng trùng tu chánh điện và hậu tổ.

 

 

 

 

 

 

CHÙA PHƯỚC LÂM

Phước Lâm tự là danh hiệu hiệp lại của chùa Phước Long ở thôn Lộ Bàn và chùa Lâm An ở thôn Lâm An xã Phổ Ninh thành tên chùa Phước Lâm, nay thuộc khối 3 thị trấn huyện lỵ Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Phước Long do Hòa thượng Thích Minh Tịnh khai sơn, năm Kỷ Mão 1939 và trụ trì tại đây đến năm 1959, Hòa thượng chủ trương trùng tu khang trang, rộng rãi. Năm 1963, Giáo hội tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm Ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Lâm An cùng xã Phổ Ninh. Lâm An tự là ngôi chùa xưa, tọa lạc trên núi Dàng thôn Tân Mỹ, qua nhiều biến cố chùa được dời về thôn Lâm An. Năm Giáp Thìn 1964, Hòa thượng Minh Tịnh chủ trương trùng tu khang trang rồi ngài đặc cử thầy Trừng Diệu và thầy Hạnh Bình chăm sóc. Ngài viên tịch vào ngày 12 tháng 10 năm Ất Tỵ 1965. Hòa thượng Thích Minh Tịnh thế danh Lê Hồng Vân, sinh năm 1914 tại Phổ Ninh, quy y Hòa thượng Huệ Hải tại chùa Phước Quang. Long vị thờ ngài:

Tự Lâm tế Chánh tông tứ thập nhứt thế khai sơn Phước Long, trùng tu Lâm An tự, húy Như Quang thượng Giải hạ Hiển, hiệu Minh Tịnh Giác linh

Sau khi ngài Minh Tịnh viên tịch, thì chiên tranh đã làm hai ngôi chùa đổ nát. Năm 1967, được bổn sư Hòa thượng Hồng Ân cố vấn và sự chung sức của tín đồ, thầy Thích Trừng Diệu đã chủ trương xây dựng lại để giữ gìn tổ nghiệp tại thôn An Thọ, lấy hiệu chùa Phước Lâm, nay là văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Đức Phổ.

Sau khi tái thiết, Đại đức Thích Trừng Diệu trụ trì chùa Phước Lâm đến năm 1979 thì xin từ nhiệm để vào nam tu học.

Kế thừa là Đại đức Thích Trừng Vinh từ năm 1979 đến nay và là Chánh đại diện Phật giáo huyện Đức Phổ.

Chùa đã được trùng tu năm 1987 do Đại đức Thích Trừng Vinh chủ trương.

Năm 1969, chùa Phước Lâm thành lập Gia đình Phật tử Chơn Tấn, đến năm 1975 tạm dừng và tái sinh hoạt từ năm 1998 với tên Gia đình Phật tử Phước Lâm.

CHÙA QUANG BỬU

Chùa Quang Bửu là hậu thân của chùa Phước Long và chùa Long An, hiện nay tọa lạc tại vùng 4 thôn Du Quang – xã Phổ Quang, cách trung tâm huyện lỵ Đức Phổ 5 cây số về phía đông bắc.

Năm 1956, cố Hòa thượng Thích Thanh Nguyện khai sơn chùa Phước Long tại vùng 3 thôn Hải Tân bằng tranh tre vách đất. Năm 1959, ngài cùng với Khuôn hội Phật giáo trùng tu xây tường gạch, lợp ngói. Năm 1961, đạo hữu, tín đồ ở những thôn xa ngày càng đông, nên ngài đã xây dựng thêm một ngôi chùa nữa ở vùng 6 thôn Du Quang lấy tên là An Long tự. Năm 1966, chiến tranh đã làm đổ nát hai ngôi chùa, quê hương Phổ Quang bấy giờ là “vùng trắng” không người ở, ngài phải đến chùa Kim Long và An Sơn thuộc Thị trấn Đức Phổ thủ tự một thời gian.

Năm 1967, ngài phải thiên di hành đạo tại các chùa ở tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai, Phú Khánh. Năm 1970, lòng hoài vọng chốn tổ, ngài về lại quê hương Phổ Quang tái thiết lại ngôi chùa lấy tên là Quang Bửu và trụ trì tại đây đến ngày mùng 2 tháng 3 năm Đinh Mão_1987 thì viên tịch. Ngài có thế danh là Hành (Hàu) Trưng sinh năm Canh Tý 1900, quy y Hòa thượng Hoằng Giai năm 1939 được bổn sư loan pháp danh là Chơn Tạo, tự Đạo Lập, hiệu Thanh Nguyện. Mộ tháp ngài được đệ tử Thích Giải Pháp tôn trí bên trái chính điện, long vị thờ ngài:

Tự Lâm tế Chánh tông tứ thập thế, khai sơn An Long tự, Quang Bửu tự, húy Chơn tạo thượng Đạo hạ Lập hiệu Thanh Nguyện Hòa thượng Giác linh

Sau năm 1975, Hòa thượng Thanh Nguyện thấy sức khỏe yếu kém nên ngài đã thành lập Ban hộ niệm là bác Muôn, bác Chở, bác Khán,              cư sĩ Huỳnh Ngôn và năm 1990, Ban hộ niệm này đã chủ trương trùng tu ngôi chùa đang xuống cấp.

Kế thế trụ trì chùa Quang Bửu theo di chúc tổ khai sơn là thầy Thích Giải Pháp.

Năm 1997, chùa Quang Bửu thành lập Ban hộ tự, cư sĩ Huỳnh Ngôn làm trưởng ban kiêm thủ tự. Đến năm 2007, bầu lại Ban hộ tự do Nguyễn Thị Hồng trưởng ban.

Thời gian này đạo hữu, tín đồ ngày càng phát triển nên Tỳ kheo Giải Pháp tuy ở xa đã về phối hợp cùng Ban hộ tự mời Đại đức Thích Quảng Sự đang hành đạo tại chùa Vạn Hạnh – Khánh Hòa về trụ trì nhằm đáp ứng nhu cầu tu học cho đạo hữu, tín đồ bổn tự.

Từ đây, được sự chung lo của Tỳ kheo Thích Giải Pháp, Đại đức Thích Quảng Sự, Ban hộ tự cùng chủ trương vận động đạo hữu Phật tử xa gần đại trùng tu chùa Quang Bửu theo kiến trúc hiện đại dung hợp với kiến trúc cổ truyền Phương Đông. Ngày 16-11-2007 được khởi công đến ngày 10 tháng 2 năm Canh Dần 2010 đã hoàn thành các hạng mục công trình.

Ngày 20-5-2009, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Sự chính thức trụ trì chùa Quang Bửu. Đại đức có thế danh Lê Văn Sứ sinh năm 1954 tại Phổ Quang, xuất gia năm 1995 tại chùa Vạn Hạnh, thọ Sa di năm 1996 Pháp tự Huệ Phụng, hiệu Nghiêm Thành, thọ Tỳ kheo năm 1998 tại giới đàn Từ Văn chùa Hội Khánh tỉnh Bình Dương.

CHÙA TỪ PHƯỚC

Chùa ở thôn Thạch Bi II, thuộc trung tâm Thị trấn Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Từ Phước do Hòa thượng Thích Pháp Minh khai sơn năm 1956. Tổ có thế danh Lê Huyến sinh năm Mậu Tý 1888 tại Phổ Thạnh_Đức Phổ. Năm 15 tuổi, Nhâm Dần 1902 ngài xuất gia quy y tại chùa Từ Quang-Đức Lân-Mộ Đức được bổn sư Hòa thượng Hoằng Tri ban Pháp danh Chơn Hiếu. Năm Ất Tỵ 1905, ngài thọ Sa di được Pháp tự là Đạo Hảo. Năm Kỷ Dậu 1909, ngài thọ Cụ túc giới được Pháp hiệu Pháp Minh. Năm ngài 49 tuổi – Bính Tý 1936, Hòa thượng bổn sư Hoằng Tri viên tịch, ngài được đề cử kế thừa trụ trì chùa Từ Quang đến năm 1956 – Bính Thân, ngài giao kế nhiệm trụ trì cho Pháp đệ Thích Pháp Bửu để về quê khai sơn chùa Từ Phước. Trong công tác Phật sự, ngài đã có những công tác hành đạo như sau:

–             Năm Đinh Dậu 1957 làm Tăng giám sơn môn huyện Đức Phổ

–             Năm Tân Sửu 1961 làm đệ nhất Tôn chứng giới đàn chùa Từ Lâm

–             Năm Giáp Thìn 1964 làm Giáo thọ A xà lê tại giới đàn chùa Liên Quang – Bình Hiệp – Bình Sơn và cũng năm này, ngài khai sơn chùa Từ Thạnh – thôn Thạnh Đức.

–             Năm Bính Ngọ 1966 làm Yết Ma A xà lê tại giới đàn chùa Thiên Bút – Quảng Ngãi.

Ngài đã truyền giáo xuất gia cho nhiều đệ tử, nay là Ni sư Từ Nhẫn, Từ Hạnh, Từ Thuần, Từ Hương, Từ Thanh, …

Ngài viên tịch vào giờ Ngọ ngày 29 tháng 6 năm Bính Ngọ 1966. Bảo tháp được tôn trí tại chùa Từ Phước.

Kế nhiệm trụ trì chùa Từ Phước theo di chúc tổ khai sơn là đệ tử Trần Men, Pháp danh Như Phước, hiệu Thích Long Tấn từ năm 1967, ngài viên tịch ngày 15 tháng 5 năm Nhâm Tuất 1982.

Kế nhiệm trụ trì là thầy Phan Thời Thích Long Thới sinh năm Ất Tỵ 1905 tại Phổ Thạnh, từ năm 1969 đến 1984. Ngài viên tịch vào ngày 18 tháng 10 năm Đinh Mẹo 1987.

Sau khi thầy Long Thới viên tịch, chùa không người trụ trì, nên được sự đồng thuận của đạo hữu và Ban hộ tự Tỳ kheo Thích Hạnh Tâm, Pháp danh là Thị Thành, hiệu Hồng Liên về thủ tự đến năm 2006, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định bổ nhiệm chính thức trụ trì chùa Từ Phước đến nay 2010.

Tỳ kheo Thích Hạnh Tâm thế danh là Nguyễn Thàng sinh năm 1946 tại Phổ Thạnh, quy y ngài Huyền Ân tại chùa Thăng Quang – Bình Định, thọ Tam đàn Cụ túc tại giới đàn chùa Phước Huệ – Khánh Hòa, cầu Pháp Hòa thượng Thích Giải An tại chùa Từ Quang năm 1999.

Chùa Từ Phước đã trải qua các lần trùng tu sau đây:

–             Năm 1963 do trụ trì Thích Pháp Minh chủ trương.

–             Năm 1987 do ông Trần Đình Tam cùng đạo hữu chủ trương.

–             Năm 1995, 1999 do ông Nguyễn Thàng và đạo hữu tổ chức.

–             Năm 2001 do ông Trần Đình Tam chủ trương

–             Năm 2006 do trụ trì đương nhiệm hiệp cùng đạo hữu, Phật tử xa gần.

Năm 2001, chùa Từ Phước xây dựng được nghĩa địa từ thiện có diện tích 620 m2 đất tại thôn La Vân để an táng người neo đơn, tín đồ quá cố không có đất an dưỡng.

 

CHÙA LONG AN

Chùa tọa lạc tại xứ Suối Muồng, thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, cách trung tâm Thị trấn Thạch Trụ 4 cây số về phía tây theo đường tỉnh lộ Quảng Ngãi – Kontum.

Nguyên xưa, Long An tự là ngôi chùa làng, qua nhiều biến cố thời cuộc nên không còn sử liệu cho chúng ta biết được thời điểm xây dựng, chỉ nghe lời truyền lại chùa có từ đầu triều vua Minh Mạng.

Theo quý đạo hữu cao niên còn nhớ được, chùa Long An có 3 lần trùng tu vào các năm 1939 do phân hội An Nam Phật học, năm 1964 do Khuôn hội Phật giáo xã Phổ Phong và năm 2001 do Ban hộ tự chủ trương hiệp cùng đạo hữu Phật tử bổn tự.

Năm 1962, chùa Long An thành lập Gia đình Phật tử và năm 1964 xây dựng Hội quán GĐPT.

Năm 2007, Ban hộ tự chủ trương xây dựng thêm nhà tăng, nhà khách và nhà trù.

Hiện nay, Ban hộ tự cùng đạo hữu luân phiên chăm sóc chùa và điều hành công tác Phật sự do ông Nguyễn Văn Cảnh làm trưởng ban.

Chùa đã có thầy Nguyễn Pháp Trường và kế tiếp là thầy Nguyễn Pháp An trụ trì mà không biết rõ thời điểm nào.

CHÙA LONG SƠN

Chùa tọa lạc ở thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, cách Thị trấn Trà Câu 800 m về hướng tây.

Chùa Long Sơn do đệ tử của tứ tổ Thiên Ấn Chương Khước-Tông Nguyên-Giác Tánh là Yết Ma Hoằng Lãnh xây dựng. Căn cứ vào long vị thờ tại Hậu tổ, Ngài có thế danh là Dương Hạp, quê thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, sinh vào giờ Sửu ngày 20 tháng 7 năm Quý Dậu – 1873, viên tịch vào giờ tuất ngày 29 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 (Tự Lâm tế Chánh tông tam thập cửu thế Long Sơn đường thượng húy Ấn Nhãn thượng Tổ hạ Đẳng dương Hoằng Lãnh Yết Ma Hòa thượng Giác linh). Thế nên ta có thể suy đoán Hòa thượng Hoằng Lãnh xây dựng chùa Long Sơn từ một chùa nhỏ hoặc am vào khoảng năm ngài 22 tuổi – Ất Mùi 1895.

Nhị tổ kế thừa từ năm 1939 đến năm 1982 là Hòa thượng Thích Tín Thiện, thế danh là Dương Lộc sinh năm Mậu Tuất 1898, viên tịch năm Nhâm Tuất 1982, trụ thế 84 tuổi.

Chùa đã trải qua 5 lần trùng tu vào các năm 1975 – 1978 – 1985 – 1992 – 2005 do Ban hộ tự hiệp cùng đạo hữu chủ trương. Năm 1960, chùa Long Sơn thành lập GĐPT Chơn Long đến năm 1964 tạm dừng sinh hoạt vì chiến tranh do Huynh trưởng Hà Phước Nam hướng dẫn.

Năm 1959, Khuôn hội Phật giáo xã Phổ Thuận được thành lập và chủ trương xây tường gạch, lợp ngói vãy nhưng đến năm 1965 bom đạn đã làm chùa sụp nát hoàn toàn đến năm 1975 mới được tái thiết.

Từ năm nhị tổ viên tịch 1982 đến nay 2010, Ban hộ tự và đạo hữu luân phiên chăm sóc chùa và điều hành công tác Phật sự, do Tâm Toàn Dương Văn Hạnh làm trưởng ban.

CHÙA BỬU LÂM

Chùa Bửu Lâm hiện nay tọa lạc tại xứ Mai Trung Hạ, thôn Hòa Thạnh, xã Phổ Hòa cách huyện lỵ Đức Phổ 2 cây số về phía nam, nằm cạnh đường quốc lộ 1A.

Chùa do sư cô Thích Nữ Như Hòa khai sơn năm 1959. Tổ có thế danh Cao Thị Nhiên sinh năm Quý Mão 1903, xuất gia tại chùa Phật Bửu thành phồ Hồ Chí Minh với bổn sư là Hòa thượng Minh Trực.

Chùa Bửu Lâm sinh hoạt đến năm 1968 thì bom đạn chiến tranh đã làm chùa hư hỏng và tổ khai sơn Thích Nữ Như Hòa cũng đã viên tịch trước đó một năm_1967. Đến năm 1971, Khuôn hội chùa Bửu Lâm hiệp cùng đạo hữu Phật tử lập hồ sơ xin đất và vận động tái thiết trên vị trí mới đến hiện nay.

Năm 1991, Ban hộ tự cùng đạo hữu chủ trương trùng tu, đến năm 2002 trùng tu lại một lần nữa, rộng rãi khang trang.

Sau khi tổ khai sơn viên tịch năm 1967 đến năm 2005 chùa Bửu Lâm không có trụ trì, chỉ có Khuôn hội, Ban đại diện và sau này là Ban hộ tự chăm sóc chùa mà thôi.

Mãi đến năm 2005, Sư cô Thích Nữ Hạnh Thông được chính thức trụ trì đến nay_2010. Sư cô Hạnh Thông thế danh Nguyễn Thị Kim Sen sinh năm 1965 tại Trà Bồng, xuất gia quy y năm 1990 tại Phổ Đà tự – Vũng Tàu với bổn sư Thích Nữ Huệ Hạnh, thọ Tỳ kheo ni năm 1994 tại chùa Long Khánh – Vĩnh Long.

 

 

CHÙA BỬU KHÁNH

Chùa Bửu Khánh do Phân hội Phật giáo Diên Trường, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ xây dựng năm 1939, nay gọi là xóm 2, ngoài đèo Cao phía tây nam đường quốc lộ 1A cách ngôi chùa hiện nay 1 cây số.

Năm 1958, xã Phổ Khánh thành lập Khuôn hội Phật giáo đến năm 1960, chùa được trùng tu. Năm 1967, chùa bị bom đạn làm sụp nát, sau đó được đền bù nên Khuôn hội cùng đạo hữu Phật tử di dời, xây dựng lại chùa Bửu Khánh trên vị trí hiện nay, tục danh là xứ Đồng lớn, trước ga Diên Trường thuộc xóm 7. Năm 1993 chùa được trùng tu. Năm 1960 chùa đã thành lập GĐPT Diên Trường nhưng vì chiến tranh nên không sinh hoạt được, đến năm 1964 thì giải tán.

Năm 1960, Khuôn hội Phật giáo Diên Trường đến chùa Kim Quang thỉnh Thượng tọa Chơn Duy Thích Diên Thành về chùa Bửu Khánh trụ trì. Tổ có thế danh Ngô Quới, sinh năm 1906, Pháp danh Chơn Duy, tự Đạo Trần. Ngài viên tịch vào ngày 20 tháng chạp năm 1974.

Năm 1996, chùa Bửu Khánh thành lập Ban hộ tự để chăm sóc chùa và điều hành công tác Phật sự do anh Phạm Thực làm trưởng ban hộ tự.

CHÙA HẢI CHÂU

Chùa tọa lạc dưới chân đèo Bình Đê – ranh giới của hai tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định thuộc thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ.

Chùa do Hòa thượng Thích Hồng Ân chủ trương cùng đạo hữu, Phật tử địa phương xây dựng năm 1958.

Mặt chùa nhìn ra bãi biển Sa Huỳnh, bên trái là núi Đình, có đồng La Vân trải dài đến núi Thạch Bi. Bên phải là đèo Bình Đê, lưng chùa dựa vào đồng Quang và chi thể của dãy Trường Sơn.

Chùa Hải Châu có 5 lần trùng tu vào các năm 1968, 1975, 1976, 1992, 2000, 2006. Năm 1976, đạo hữu bổn tự phát triển nên Phật tử Ngô Thị Hựu cúng thêm 2 sào để tu bổ chùa rộng rãi hơn.

Tuy chùa Hải Châu khai sơn năm 1958 nhưng 18 năm sau, tức là năm 1976, Đại đức Tâm Giáo Thích Trừng Thanh được tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi đề cử về trụ trì đến nay.

Chùa có tổ chức thọ Bát Quan Trai hằng tháng vào ngày mùng một. Ngoài những lễ thường kỳ, chùa có lễ hiệp kỵ bá tánh vào ngày rằm tháng 7.

CHÙA TỪ HẢI

Chùa ở thôn Thạch Bi II, xã Phổ Thạnh, Thị trấn Sa Huỳnh cách huyện lỵ Đức Phổ 20 cây số về phía nam.

Chùa Từ Hải khai sơn năm 1962 do Tỳ kheo Thích Minh An và trụ trì. Năm 1968, bom đạn chiến tranh đã làm chùa hư hỏng rồi được Tỳ kheo Minh An trùng tu năm 1994. Sau đó, Tỳ kheo trụ trì viên tịch, chùa trở nên hoang vắng thiếu người chăm sóc.

Năm 2008, được sự đồng thuận của đạo hữu và quản tự, Đại đức Tâm Thành Thích Hạnh Đạo, hiệu Long Đức về giám tự đến nay. Năm 2009, Đại đức Thích Hạnh Đạo chủ trì trùng tu một lần nữa.

Chùa Từ Hải lấy ngày 29 tháng chạp làm ngày hiệp kỵ

CHÙA THIÊN PHƯỚC

Chùa Thiên Phước hiện nay tọa lạc tại thôn Đông Quang, Thị trấn Trà Câu, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Qua nhiều biến cố, sử liệu về chùa Thiên Phước không còn để ta biết rõ thời điểm khai sơn. Theo bản ghi chép của ông Trần Ngọc Chí – Trưởng ban hộ tự thì nguyên xưa chùa có tên là Vĩnh Am tự do Tổ sư Không Tịnh được sự trợ giúp của các tộc phái họ Trần, Huỳnh, Lê, Nguyễn xây dựng. Sau đó, chùa đã trải qua 4 lần di chuyển, tái thiết, được cải hiệu là chùa Thiên Phước.

Ta chỉ được biết rõ từ năm 1952 chùa Thiên Phước đã trải qua chư vị quản lý sau đây:

–             1952 – 1958 các cụ Lê Huấn, Võ Hương, Nguyễn Cẩm

–             1959 – 1963 Khuôn trưởng Tâm Đa Nguyễn Chút

–             1964 – 1970 Khuôn trưởng Tâm An Lê Văn Diệu

–             1971 – 1976 Tâm Lành Trần An làm đại diện

–             1977 – 1989 Tâm Kiên Phạm Ngữ đại diện

–             1990 – 2010 Tâm Thành Trần Ngọc Chí trưởng ban hộ tự

Chùa Thiên Phước có 4 lần trùng tu vào các năm 1956 – 1957 – 1972 – 1993. Chùa hiện nay chưa có tăng sư trụ trì, Ban hộ tự và đạo hữu luân phiên chăm sóc và điều hành công tác Phật sự do anh Trần Ngọc Chí làm trưởng ban.

CHÙA VĨNH LONG

Chùa tọa lạc tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, cách trung tâm huyện lỵ Đức Phổ 5 cây số về phía tây nam.

Qua những lần chiến tranh, không còn sử liệu gì cho ta biết rõ chùa được xây dựng vào thời điểm nào, chỉ được nghe truyền lại là chùa đã có từ lâu.

Năm 1958, chùa Vĩnh Long được trùng tu do thầy Thinh, Võ Hữu Chức, Đặng Tấn Liên chủ trương. Năm 1994, chùa được trùng tu một lần nữa. Năm 1998, chùa đã thành lập Ban hộ tự.

Ta được biết chùa Vĩnh Long trải qua các đời trụ trì, quản tự sau đây, nhưng không biết rõ thời gian chư vị trụ trì:

–             Thầy Thinh

–             Thầy Quyền

–             Thầy Chỉnh

–             Thầy Phó

–             Thầy Ấn

Hiện nay, Sa di Như Chân – Hành Quả, thế danh là Bùi Chân thay mặt Ban hộ tự cùng đạo hữu, Phật tử bổn tự điều hành công tác Phật sự và chăm sóc chùa.

 

CHÙA KIM LONG

Chùa Kim Long hiện nay ở thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh trong khu vực thị trấn huyện lỵ Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Tiền thân của chùa Kim Long là Vĩnh Bình tự tọa lạc tại làng Vĩnh Bình, tổng Ca Đức mà không còn sử liệu cho ta biết rõ thời điểm khai sơn. Đến năm 1938, Chi hội An Nam Phật học tỉnh Quảng Ngãi ra đời thì sau đó chùa được tái thiết trên thôn Vĩnh Bình đến nay, và lấy tên chùa Kim Long. Trải qua thời gian, chùa Kim Long đã được bốn lần trùng tu.

Năm 1961 chùa Kim Long đã thành lập Gia đình Phật tử Chơn Phổ đến năm 1975 tạm ngừng sinh hoạt và đến năm 1998 tái sinh hoạt với tên Chơn Phổ. Năm 1996, chùa đã thành lập Ban hộ tự để điều hành công tác Phật sự.

Ta được biết chùa Kim Long đã có chư vị thủ tự sau đây:

–             Hồ Ngạc, Pháp danh Tâm Thành

–             Cụ Nguyễn Tám

–             Nguyễn Đức Minh, Pháp danh Tâm Đạt từ năm 1961 đến 1975

–             Nguyễn Đồng từ năm 1976 đến 1998

Năm 2007, Đại đức Thích Tâm Lạc, thế danh Đinh Quang Lân xuất gia năm 1988 tại chùa Niết Bàn với bổn sư là Hòa thượng Thích Thiện Phụng, thọ Tỳ kheo năm 1994 tại chùa Giác Thiên Vĩnh Long, chính thức trụ trì chùa Kim Long đến nay theo quyết định bổ nhiệm của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.

CHÙA LONG THIỆN

Chùa tọa lạc tại thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh, cách trung tâm huyện lỵ Đức Phổ 15 cây số về hướng nam, chùa năm trên sườn đồi cạnh đường quốc lộ 1A.

Chùa Long Thiện do Khuôn hội Phật giáo làng Long Thạnh chủ trương xây dựng vào năm 1956, lúc đầu là tranh tre, vách đất. Năm 1962, chùa thành lập GĐPT Chơn Thiện, sinh hoạt đến năm 1968 thì gián đoạn vì chiến tranh. Cũng năm này, bom đạn đã làm chùa hư hỏng nên Khuôn hội phải di dời Phật tượng về thôn La Vân xây dựng tạm để có nơi tu niệm và lấy tên là chùa Long Vân.

Năm 1976, Ban hộ niệm cùng đạo hữu Phật tử tái thiết lại ngôi chùa trên vị trí cũ, lấy tên chùa Long Thiện. Năm 1997 chùa được trùng tu một lần nữa. Năm 1998, chùa đã thành lập Ban hộ tự.

Từ khi xây dựng chùa năm 1956 đến năm 1980 cư sĩ Như Phát Trần Nhược và Tỳ kheo Thích Diên Minh quản tự và điều hành công tác Phật sự. Từ năm 1981 đến năm 2008, Tỳ kheo Thích Hạnh Đạo trụ trì chùa Long Thiện.

Hiện nay Ban hộ tự chăm sóc và điều hành công tác Phật sự chùa Long Thiện do anh Nguyễn Thanh Yên làm trưởng ban.

CHÙA ĐÀO LÂM

Chùa tọa lạc tại thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh cách trung tâm huyện lỵ Đức Phổ 6 cây số về phía đông.

Nguyên xưa kia, tên chùa là Mục Đồng được xây dựng bằng tranh tre vách đất do chư vị tiền bối làng Đông Thuận chủ trương. Qua chiến tranh, các sử liệu từ năm 1883 trở về trước không còn nên không biết được thời điểm khai sơn. Từ năm Giáp Thân 1884 đến nay, chùa đã trải qua chư vị quản tự, thủ tự, giám tự như sau:

–             Từ năm 1884 đến 1912 cụ Nguyễn Kỉnh

–             Từ năm 1913 đến 1945 cụ Trần Tung

–             Từ năm 1946 đến 1956 cụ Nguyễn Ân

–             Từ năm 1957 đến 1958 cụ Nguyễn Tri Khương

–             Từ năm 1959 đến 1961 cụ Nguyễn Hoằng

–             Từ năm 1962 đến 1967 cụ Nguyễn Văn Hoàng

–             Từ năm 1968 đến 1970 cụ Lê Du

–             Từ năm 1971 đến 1973 cụ Nguyễn Thoại

–             Từ năm 1974 đến 1991 cụ Nguyễn Thủ

–             Tháng 7 năm 1991 đến 2010 Tâm Lý – Nguyễn Mậu

Trước năm 1932, chùa Đào Lâm đã có nhiều lần tu sửa, nhưng lần trùng tu năm 1932 xây tường gạch và lợp ngói âm dương. Những lần tu sửa, tái thiết sau đó là vào các năm 1962, 1980, 2001 do các cụ Nguyễn Tụng, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Thủ, Nguyễn Mậu chủ trương hiệp cùng đạo hữu bổn tự.

Trên vách trước chính điện có những câu đối mang tên chùa và tên làng:

–             Đông Phong Phi Phất Từ Bi Thọ – Thuận Võ Triêm Nhu Phước Thiện Cơ

–             Đào Lý Ba Sinh Thiên Bất Lão – Lâm Sơn Sắc Án Địa Thường Xuân.

CHÙA AN SƠN

Chùa đứng trên địa phận tổ dân phố 3, thuộc thị trấn huyện lỵ Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, cách quốc lộ 1A độ 500 m về hướng tây.

Chùa An Sơn được xây dựng năm 1957 do Khuôn hội làng An Thọ, xã Phổ Đại chủ trì dưới sự chứng minh của Đại đức Thích Giải An (nay là cố Hòa thượng Giải An).

Năm 1958, chùa An Sơn đã thành lập Gia đình Phật tử có 80 Đoàn sinh. Từ tháng 3 năm 1975 bị gián đoạn mãi đến năm 1997 tái sinh hoạt với tên GĐPT Chơn Liên có 40 Đoàn sinh.

Năm 1995, chùa An Sơn thành lập Ban hộ tự và đã trải qua 3 nhiệm kỳ để thay mặt đạo hữu bổn tự điều hành công tác Phật sự.

Năm 1992, Ban hộ tự chủ trương trùng tu chùa An Sơn có diện tích 87 m2.

Từ khi xây dựng đến năm 2010, chùa An Sơn đã trải qua các đời trụ trì quản tự, thủ tự sau đây:

–             Tâm Quới Nguyễn Thị Phú từ năm 1957 đến 1960.

–             Thầy Trí Huệ Nguyễn Công Kiên từ năm 1960 đến 1965.

–             Minh Thành Nguyễn Hữu Thạnh từ năm 1965 đến 1967.

–             Cao Kha từ năm 1967 đến 1969

–             Nguyễn Vân Phục từ năm 1969 đến 1975.

–             Tâm Từ Nguyễn Đức Khiêm từ năm 1975 đến 1990

–             Nguyễn Thị Tô Thị Trước từ 1990 đến 2010 (thủ tự)

Ngoài những lễ thường kỳ, chùa tổ chức lễ hiệp kỵ vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hằng năm.

CHÙA ĐÔNG SƠN

Chùa Đông Sơn ở xóm 1, thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Đức Phổ 7 cây số về phía đông theo đường liên xã.

Chùa được khai sơn năm 1930, lấy hiệu là am Thuận Hóa, sau đó cải hiệu là chùa Vinh Sơn, đến lần trùng tu năm 1962, cải hiệu lại là Đông Sơn tự. Chùa do Hòa thượng Thích Vĩnh Huệ khai sơn. Tổ có thế danh là Trần Tòng, sinh năm 1913 tại Phổ Vinh, xuất gia quy y với bổn sư                           tại                               có Pháp danh Chơn Bá, tự Đạo Liễu, hiệu Vĩnh Huệ – Lâm tế đời thứ 40. Năm 1973, ngài khai sơn chùa Huệ Hưng xã Võ Xu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận và ngài đã hành đạo tại đây đến ngày 12 tháng 3 năm Đinh Sửu 1997 thì viên tịch. Mộ tháp ngài được tôn trí tại chùa Đông Sơn, bia đề:

Tự Lâm tế Chánh tông tứ thập thế khai sơn Đông sơn tự, Huệ Hưng tự, húy Chơn Bá thượng Đạo hạ Liễu, hiệu Vĩnh Huệ đại lão Hòa thượng.

Kế thừa là Đại đức Thích Minh Truyền, thế danh là Trần Bốn, sinh năm 1941 tại Phổ Vinh, xuất gia quy y năm 1953 với bổn sư Hòa thượng Vĩnh Huệ, thọ Sa di năm 1965,thọ Tỳ kheo năm 1968 có Pháp danh Như Quả, tự Giải Chơn, hiệu Minh Truyền giám tự chùa Đông Sơn từ năm 1975 đến năm 2005.

Kế thế trụ trì từ năm 2005 đến nay_2010 là Tỳ kheo Thích Nữ Hành Thảo, thế danh là Trần Thị Thính, sinh năm 1976 tại Võ Xu – Bình Thuận, quy y năm 1985 tại chùa Phổ Đà Sơn, quận 8, Tp.Hồ Chí Minh với bổn sư là Hòa thượng Thích An Tạng, thọ Sa di ni 1998, thọ Thức Xoa ma ni năm 1996, thọ Tỳ kheo ni năm 2002 tại chùa Thiên Phước, tỉnh Vĩnh Long.

Chùa Đông Sơn đã có 3 lần trùng tu vào các năm 1962, 1990, 1996. Chùa lấy ngày viên tịch của tổ khai sơn 12 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày hiệp kỵ.

 

 

 DANH MỤC CÁC CHÙA HUYỆN NGHĨA HÀNH

 

  1. Chùa Lâm Sơn                       –    Xã Hành Nhân
  2. Chùa Phổ Minh                     –    Thị Trấn Chợ Chùa
  3. Chùa Thiên Phước                –    Thị Trấn Chợ Chùa
  4. Chùa Bửu Long                     –    Thị Trấn Chợ Chùa
  5. Chùa Khánh Long                 –    Xã Hành Trung
  6. Chùa Bửu Vinh                     –    Xã Hành Minh
  7. Chùa Phước Minh                 –    Thị Trấn Chợ Chùa
  8. Chùa Bửu Liên                      –    Xã Hành Trung
  9. Chùa Phước Tuệ                    –    Xã Hành Thuận
  10. Chùa Long Khánh Tây Tự   –    Xã Hành Minh
  11. Chùa Bửu Khánh                  –    Xã Hành Thuận
  12. Chùa Quang Bửu                   –    Xã Hành Đức
  13. Tịnh thất Bửu Ngọc              –    Xã Hành Thuận
  14. Chùa Phổ Thiện                    –    Xã Hành Trung
  15. Chùa Phổ Hiền                      –    Xã Hành Trung
  16. Chùa Long Bửu                     –    Xã Hành Đức
  17. Chùa Cảnh Long                   –    Xã Hành Trung
  18. Chùa Phổ Thuận                   –    Xã Hành Trung
  19. Chùa Đại An                          –    Xã Hành Thuận
  20. Chùa Phước Quang               –    Thị Trấn Chợ Chùa
  21. Chùa Phước Long                 –    Xã Hành Trung
  22. Chùa Long An                       –    Xã Hành Trung
  23. Chùa Hồng Quang                –    Xã Hành Đức
  24. Chùa Thiên Phúc                  –    Xã Hành Minh
  25. Chùa Bửu Thanh                   –    Xã Hành Dũng
  26. Chùa Hưng Long                   –    Xã Hành Phước

 

 

 

 

 

 

CHÙA LÂM SƠN

Chùa Lâm Sơn xưa kia là chùa Bàu Rong, thuộc làng Lâm Sơn, tổng Hành Trung, huyện Chương Nghĩa; nay là xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, cách thị trấn Chợ Chùa 2km về phía tây.

Qua nhiều biến cố, cả chùa và sử liệu đã bị thiêu hủy; nên không biết rõ chùa được xây dựng vào thời điểm nào. Theo tờ lưu chiếu được sao lại ngày 15 tháng 10 năm Duy Tân thứ 5 – 1911, thì quý ông Nguyễn Văn Thanh, Lê Văn Hiên, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Đăng Hựu, Nguyễn Đăng Phú đồng ký chỉ hiến cúng 2 mẫu ruộng đất để làm chùa và đình Lâm Sơn vào năm Gia Long. Văn bản này được trích sao ngày 10-2-1969 có Khuôn hội trưởng Phật giáo chùa Lâm Sơn Đoàn Khắc Phục ký và đóng dấu còn lưu giữ tại ông Nguyễn Đăng Luận_Trưởng Ban hộ tự hiện nay.

Năm 1956, Khuôn Hội Lâm Sơn xây dựng lại ngôi chùa bằng gạch, lợp ngói thay cho tranh sen, vách đất. Nhưng vào 14 giờ ngày 12 tháng 2 năm 1969, chùa đổ nát vì chiến tranh. Năm 1973, đạo hữu Phật tử làng Lâm Sơn đã xây dựng lại hoàn toàn.

Chùa Lâm Sơn đã trải qua Chư vị trụ trì và quản tự mà ta được biết như sau:

–         Đại Đức Thích Trí Chủng – từ năm 1940 đến 1945

–         Cư sĩ Nguyễn Diệu thủ tự từ năm 1945 đến 1949

–         Cư sĩ Đinh Tải thủ tự từ năm 1950 đến 1989

–         Cư sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh thủ tự từ năm 1989 đến 1992

–         Tỳ Kheo Thích Hạnh Nguyện trụ trì từ năm 1992 đến 1998

–         Tỳ Kheo Thích Long Tâm trụ trì từ năm 1998 đến 2006

–         Đại Đức Thích Hạnh Tánh trụ trì từ năm 2006 đến nay

Từ năm 2000, chùa Lâm Sơn có tổ chức thọ Bát Quan Trai hằng tháng vào ngày mùng 1.

CHÙA PHỔ MINH

Chùa ở thôn Phú Bình 1, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm huyện lỵ 1 km về phía tây bắc.

Chùa do nhà giáo Trần Trọng Hải xây dựng vào ngày 16 tháng 12 năm Kỷ Hợi (1959). Ông sinh năm Giáp Thìn 1904 tại Nghĩa Hành. Sau 6 năm khai sơn chùa, ông quy y Hòa thượng Thích Huyền Giác tại chùa Phước Minh năm 1965 với Pháp danh Tâm Tịnh.

Tháng 8 năm 1969, được bổn sư cho thọ giới Sa di tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi, được ban Pháp tự Hạnh Thiện – Lâm Tế đời thứ 42. Từ đây, Sa di Hạnh Thiện trở về vun đắp chốn thiền môn giữa khoảnh vườn rộng mênh mông có nhiều cây trái xinh tươi, và Phổ Minh tự đã trở thành điểm tham ngoạn, sinh hoạt cắm trại của những Gia đình Phật tử, của thanh thiếu niên học sinh vào những dịp hè mà một thời đã vang bóng là “Rừng Mơ”!

Đại đức Hạnh Thiện trước khi vào chốn thiền môn, đã có những tham gia trong công tác giáo dục và từ thiện xã hội tưởng cũng nên nhắc qua.

Ông thành lập và giữ chức nhiệm hiệu trưởng trường Trung Tiểu học Mai Xưa – một trường tư thục đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi và cũng là mở đầu cho tỉnh nhà có trường tư thục Victor Hugo và trường Cẩm Bàng về sau.

Trường Mai Xưa khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 21 tháng 8 năm 1929 với 5 lớp học, mỗi lớp có 30 học sinh; đến năm 1941, có thêm 3 lớp trung học nữa. Trường có quy chế miễn giảm học phí cho những học sinh giỏi hoặc nhà nghèo khó. Điều đáng chú ý là ngoài phương pháp “truyền trí”, trường đặc biệt chú trọng đến phương pháp “truyền tâm” và trường cũng đã tổ chức được ký túc xá cho những học sinh ở các huyện xa. Trường Mai Xưa tồn tại đến năm 1945.

Về công tác từ thiện, ông đã thành lập được “Trại tế bần” vào tháng 7 năm 1945. Ông cùng một số người thân quen vận động quyên góp đẻ cứu giúp người khốn khó, đói khổ trong tình trạng xã hội có nhiều biến cố lúc ấy mà chính phủ chưa có đủ thời gian và kế hoạch để giải quyết.

Sau 23 năm tĩnh tọa ở chốn thiền môn Phổ Minh tự, Đại Đức Thích Hạnh Thiện viên tịch ngày 24 tháng 6 năm 1982, nhục thân được tôn trí trong vườn chùa.

Kế thừa chăm sóc Phổ Minh tự là Cư sĩ Trần Trọng Hoành. Năm 1996, chùa Phổ Minh được trùng tu rộng rãi hơn. Cách bày trí thờ phụng thì cũng như nhiều chùa khác, không có gì đặc biệt.

CHÙA THIÊN PHƯỚC

Chùa Thiên Phước hiện nay tọa lạc tại Thị trấn Chợ Chùa_huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm huyện lỵ 500 m về phía đông.

Năm Bính Thìn 1916, Hòa thượng Quảng Luận – Lâm Tế đời thứ 39, thế danh là Trịnh Ngọc Nghị khai sơn chùa Thiên Phước tại xứ La Châu, xã Phú Vinh, tổng Hành Trung, Huyện Chương Nghĩa. Năm Canh Ngọ 1930, tổ kế thừa là Thượng Tọa Thích Trí Kính, Lâm tế đời thứ 40, húy Chơn Sanh, tự Đạo Chỉnh trùng tu lại ngôi chùa theo kết cấu nhà Rường với khung sườn gỗ chịu lực, khắc chạm hoa văn trên kèo, xà trính, gian chính điện có 12 cột to tròn. Đến năm Tân Sửu 1961, phái tộc họ Nguyễn hiến cúng 2 sào nguyên điền nên Tổ Trụ trì đương nhiệm hiệp đạo hữu bổn tự, di dời xây dựng lại ngôi chùa Thiên Phước trên đất hiến cúng đến hiện nay.

Chùa nhìn về hướng nam, có gò Chủ Ngữ làm tiền án, bên trái có nghĩa từ, sau lưng chùa là dòng sông Găng. Năm 2009, Thượng tọa trụ trì đương nhiệm Thích An Tuyên trùng tu một lần nữa, khang trang, rộng rãi hơn trước. Chùa Thiên Phước là văn phòng ban đại diện Phật giáo Huyện Nghĩa Hành do Thượng tọa Thích An Tuyên làm Chánh đại diện.

Phần hậu tổ tầng trên thờ Phật tổ Đạt Ma, tầng dưới có Long vị tổ khai sơn và tổ kế thừa. Hai bên là di ảnh bá tánh linh. Từ năm khai sơn, chùa Thiên Phước đã có quý tổ trụ trì như sau:

–         Từ năm 1916 đến năm 1925, Hòa Thượng Quảng Luận – Lâm tế đời thứ 39 Húy Ấn Nghĩa Thượng Tổ Hạ Lý.

–         Từ năm 1925 đến năm 1964, Thượng Tọa Thích Trí Kính – húy Chơn Sanh, tự Đạo Chỉnh.

–         Từ năm 1965 đến nay, Thượng Tọa Thích An Tuyên.

Năm 1964, chùa Thiên Phước đã thành lập Gia đình Phật tử có hơn 100 đoàn sinh do anh Lương Hữu Cổ rồi anh Trịnh Ngọc Biên làm Huynh trưởng.

Chùa còn bảo lưu được các cổ vật sau đây:

–         Một đại hồng chung do Hòa Thượng Thích Trí Hưng phụng cúng năm 1960.

–         Năm tượng đồng Phật tổ và một tượng Di Lặc bằng đá quý có ấn chữ Triện dưới chân.

–         Một bức hoành phi Thiên Phước tự sơn son thép vàng do chư tăng ni lục phủ huyện phụng cúng năm Bảo Đại thứ 16.

–         Một bức hoành phi sơn son thép vàng do Khuôn hội phụng cúng năm Tân Sửu 1961.

Chùa Thiên Phước có Sa di Thích Giải Đức thế danh là Trịnh Ngọc Kiên sinh năm 1965 tại Nghĩa Hành, thực hiện nghĩa vụ quân sự và hy sinh năm 1985 được nhà nước cấp bằng Tổ Quốc ghi công năm 1987.

Ngoài những lễ thường kỳ, chùa tổ chức hiệp kỵ vào ngày 14 tháng 12 âm lịch hằng năm.

 

 

CHÙA BỬU LONG

Chùa Bửu Long hiện nay ở thôn Xuân Vinh – xã Hành Đức – huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm Thị trấn Chợ Chùa 1 cây số về phía đông.

Chùa Bửu Long do tổ Lâm tế đời thứ 40, húy Chơn Khai, tự Đạo Chánh, hiệu Quang Lý khai sơn vào ngày 20 tháng 3 năm Đinh Sửu 1973 tại xã Hiệp Phổ – tổng Hành Trung – huyện Chương Nghĩa – tỉnh Quảng Ngãi. Tổ có thế danh Nguyễn Khắc Cát sinh ngày 15 tháng giêng năm Mậu Ngọ 1918 tại Hiệp Phổ. Năm Tân Mùi 1931 xuất gia tại chùa Thiên Ấn, bổn sư là Ấn Thiền Hoằng Chí. Năm 1934, bổn sư cho thọ tam đàn cụ túc tại chùa Thạch Sơn do Ấn Lãnh_Hoằng Thạc đàn đầu. Năm 1951, Tổ đã di dời chùa Bửu Long về thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức và xây dựng trên địa điểm hiện nay. Hòa Thượng khia sơn Bửu Long tự đã có những công tác Phật sự sau:

–         Năm 1964 trụ trì chùa Thiên Bút.

–         Năm 1965 khai sơn chùa Thiên Sơn và Bửu Quang huyện Tư Nghĩa.

–         Năm 1972, đại trùng tu chùa Thiên Bút và khai sơn chùa Bửu Quang tại huyện Nhà Bè – Sài Gòn.

–         Sau năm 1975 làm Chứng minh Đạo sư tỉnh hội Phật giáo Nghĩa Bình.

–         Năm 1985, đại trùng tu chùa Bửu Long.

–         Năm 1959 làm Đệ nhất tôn Chứng Giới đàn chùa Nghĩa Phượng – Nha Trang do Hòa Thượng Huệ Pháp đàn đầu.

–         Năm 1961 làm Giáo thọ A-xà-lê tại chùa Từ Lâm do Hòa Thượng Trí Hưng đàn đầu và chùa Liên Quang năm 1964 do Hòa Thượng Phước Huy đàn đầu.

–         Tuyên luật sư tại các Giới đàn chùa Thiên Bút năm Bính Ngọ 1966, do Hòa Thượng Khánh Vinh đàn đầu và năm Canh Tuất do Hòa Thượng Từ Minh đàn đầu; Giới đàn chùa Thiên Phước Mộ Đức năm Tân Hợi 1971 đo Hòa Thượng Khánh Cẩm đàn đầu. Năm 1968, Hòa Thượng Quang Lý khai đàn truyền giới tại chùa Bửu Quang.

–         Cuối thập niên 80, tổ được Giáo hội và môn phong tỉnh Lâm Đồng thỉnh trụ trì tại chùa Linh Thức – Đà Lạt, tại đây, Hòa Thượng Quang Lý đã trùng tu nhà tổ khang trang hơn.

–         Năm Canh Ngọ 1990, Hòa Thượng được thỉnh làm Chứng minh trường hạ chùa Linh Sơn – Đà Lạt. Nhưng nhập hạ chưa bao lâu thì Hòa Thượng thị tịch ngày 19 – 6 – 1990 lúc 5 giờ 45 phút, thọ 73 tuổi và 53 lạp hạ. Nhục thân tôn tử tại Bảo tháp chùa Linh Phước.

Chùa Bửu Long được Thượng tọa trụ trì đương nhiệm trùng tu lần thứ 3 vào năm 1997, và năm 2004 Thượng tọa trụ trì hiệp môn phong đại trùng tu lần thứ 4 khang trang, rộng rãi. Phần hậu tổ thờ các Long vị liệt tổ sau:

–         Húy Ấn Thuyền thượng Tổ hạ Mật Hoằng Chí_Hòa thượng tổ sư.

–         Húy Chơn Đạt thượng Đạo hạ Thông Quang Huy_Hòa thượng Giác linh.

–         Húy Chơn Khai thượng Đạo hạ Chánh Quang Lý_Hòa thượng Giác linh.

–         Húy Chơn Tòng thượng Đạo hạ Bá Quang Bửu_Hòa thượng Giác linh.

Chùa đã trải qua các đời trụ trì sau:

–         Từ năm 1961 đến 1966, Đại Đức Thích Long Cẩn

–         Từ năm 1966 đến nay, Đại Đức Thích Long Thuần.

Ngoài những lễ thường kỳ, chùa Bửu Long tổ chức Thọ bát quan trai hằng tháng vào ngày mùng 8 âm lịch và cứ 6 năm tổ chức một trường hạ. Chùa lấy ngày viên tịch của Tổ khai sơn 19 tháng 6 âm lịch hằng năm làm ngày Hiệp kỵ Chư tổ.

CHÙA KHÁNH LONG

Chùa Khánh Long ở thôn Hưng Long thượng – xã Hiệp Phổ – tổng Hành Trung – huyện Chương Nghĩa, nay là thôn Hiệp Phổ Bắc – xã Hành Trung – huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm Thị trấn huyện lỵ 3 cây số về hướng đông.

Chùa Khánh Long xưa kia là ngôi chùa làng của xã Hiệp Phổ, lợp tranh vách đất, cách chùa mới hiện nay độ 500m. Đến đầu thập niên 40 của thế kỷ 20 thì Hòa Thượng Minh Đức, Đại Đức Đức Trí Quang và các cư sĩ Trương Lục, Nguyễn Kim, Hương Bổn Nguyên hiến cúng 200 m2 đất, nhưng đến năm 1956 Khuôn hội Phật học sở tại mới di dời và xây dựng về địa điểm mới như hiện nay. Năm 1963, Khuôn hội trưởng Lương Hữu Thạnh cùng đạo hữu chủ trương trùng tu một lần nữa và tồn tại đến bây giờ.

Mặt chùa nhìn hướng đông bắc, có Hội quán thôn, bên trái có đường liên xã, bên phải có sông Cầu Đá, lưng chùa dựa vào xóm dân cư Hiệp Phổ. Năm 1962, chùa đã thành lập được Gia đình Phật tử có độ hơn 100 Đoàn sinh.

Chùa Khánh Long còn bảo lưu được những kỷ vật sau đây:

–         Đại hồng Bửu Chiếu

–         Đại hồng Chung

–         Bức hoành phi sơn son thép vàng chữ Khánh Long tự

Ba bảo vật trên do Thiên Hộ Lãnh Phó Quản Cơ Nguyễn Văn Bân (nội tổ của Hòa Thượng Minh Đức và Hòa Thượng Quang Lý) hiệp đạo hữu phúng cúng vào ngày mùng 5 tháng 5 triều Tự Đức thứ 5 (1852). Vì thế nên chùa Khánh Long đã có trước thời Tự Đức.

Chùa được xây dựng trên tổng thể diện tích 300 m2 gồm: chính điện, nhà khách, nhà lễ tân, và nhà trù. Phần thờ hậu tổ có di ảnh Hòa Thượng Minh Đức. Qua những Long vị tại chùa Bửu Long, chùa Thiên Phước, ta được biết chư tổ đã trụ trì chùa Khánh Long sau đây:

–         Lâm tế đời thứ 39 húy Ấn Nghĩa_Tổ Lý_Quảng Luận Hòa thượng. Thế danh là Trịnh Ngọc Nghị, viên tịch năm 1925.

–         Lâm tế đời thứ 40 húy Chơn Đạt_Đạo Thông_Quang Huy Hòa thượng. Thế danh là Nguyễn Khắc Côn.

–         Lâm tế đời thứ 40 Hòa thượng Thích Minh Đức. Thế danh là Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1914.

–         Lâm tế đời thứ 40 – Đại Đức Thích Chơn Hoài từ năm 1967 đến 1968.

–         Lâm tế đời thứ 42 – Đại Đức Thích Hạnh Tòng từ năm 1970 đến 1975.

–         Lâm tế đời thứ 42 – Đại Đức Thích Tâm Hồng từ năm 1993 đến 1999.

–         Lâm tế đời thứ 41 – Đại Đức Thích Giải Nguyên từ năm 1999 đến nay.

CHÙA BỬU VINH

Chùa Bửu Vinh ở xứ Thầu Đâu – làng Phú Vinh – tổng Hành Trung, nay là xã Hành Minh, cách trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành 1 cây số về hướng tây theo đường liên xã.

Chùa được xây dựng năm 1960 do Thượng Tọa Thích Long Quảng khai sơn. Tổ có thế danh là Đinh Hồ, quy y Hòa Thượng Hoằng Thạc tại chùa Phổ Thanh. Sau đó không lâu, Hòa Thượng bổn sư viên tịch, tổ cầu pháp Hòa Thượng Quang Lý năm 1956 với Pháp danh Như Hải, tự Giải Sơn, hiệu Long Quảng. Tổ đã viên tịch vào ngày 20 tháng 11 năm 1978.

Chùa Bửu Vinh mặt nhìn về hướng nam, có đường liên huyện chạy ngang trước cổng, sau lưng chùa là dòng sông Cả Đề. Trên trụ cổng tam quan có 2 câu đối:

–         Bửu Kính Cao Huyền Cảnh Giới Quang Huy Tiến Độ Quần Cơ Qui Chánh Đạo.

–         Vinh Hương Phúc Diễm Liên Đài Sáng Lạng Tuyên Dương Giáo Pháp Ngộ Quần Cơ.

Vào khỏi cổng tam quan độ 30m, bên tay phải chính điện có bảo tháp Hòa thượng khai sơn có bia ký: “Lâm Tế Chánh tông Tứ Thập Nhứt Thế khai Sơn Bửu Vinh tự, húy Như Hải, thượng Giải hạ Sơn, hiệu Long Quảng Hòa thượng”.

Năm 1964, chùa Bửu Vinh đã thành lập được Gia đình Phật tử có độ 50 Đoàn sinh và sinh hoạt đến năm 1972.

Chùa đã 2 lần được trùng tu, lần thứ nhất năm 1970 do Thượng tọa Long Quảng, lần thứ hai năm 1980 do đệ tử kế thừa.

Hiện nay, có cư sĩ Như Ngọc giám tự chùa và điều hành công tác Phật sự.

CHÙA PHƯỚC MINH

Chùa hiện nay ở thôn Phú Bình Đông – Thị trấn Chợ Chùa, cách trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành 800m về hướng đông bắc.

Nguyên xưa kia, chùa chỉ là một cái Vứt thuộc làng Phú Vinh, Vứt này tồn tại đến năm 1947 thì hư hỏng vì chiến tranh. Năm 1956, Khuôn hội Phật học Phú Vinh được thành lập, năm 1958 dưới chủ trương của Hòa thượng Thích Huyền Giác, Vứt Phú Vinh được tái thiết, xây dựng lại thành chùa Phước Minh.

Hòa thượng Thích Huyền Giác thế danh là Nguyễn Trọng, sinh ngày 24 tháng 4 năm Tân Sửu 1901 tại làng Ngọc Dạ xã Hành Thiện. Xuất gia quy y Hòa thượng Diệu Quang tại chùa Viên Giác ngày mùng 8 tháng 4 năm Kỷ Mão 1938 được cho Pháp danh Như Minh. Cũng ngày này năm sau_Kỷ Mão_1939, Ngài được Bổn sư thế độ Pháp tự Giải Tân. Sau đó, được Hòa thượng Diệu Quang gởi tham học Phật Pháp tại chùa Quán Ốc – Quảng Nam với Hòa thượng Giải Ngạn.

Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài về khai sơn chùa Di Lăng – Sơn Hà, rồi sau đó giao lại cho Hòa thượng Huyền Tấn trụ trì. Năm Ất Dậu 1945, Ngài về tịnh thất xã Hành Thiện tu niệm.

Năm 1949, Ngài cùng Hòa thượng Giải An khai sơn chùa Linh Sơn gần đèo Eo Gió dưới sự chứng minh của Hòa thượng Lục tổ Diệu Quang năm 1950. Và cũng năm này, Ngài được Bổn sư trao Cụ túc giới tại chùa Viên Giác với Pháp hiệu Huyền Giác. Những năm tiếp theo, Ngài đã cùng với Hòa thượng Đôn Hậu đi hoằng pháp tại các chùa ở huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành.

Bắt đầu từ sau năm 1955, Ngài đã cùng với quý bậc tiền bối, nhân sĩ và môn đồ xây dựng các chùa nha: Nhơn Lộc, Phú Tân (xã Hành Tín), Phú Lâm Đông, Phú Lâm Tây, Ngọc Dạ, Vạn Xuân, Dương Quang, Kim Quang (xã Hành Thiện), Phổ Minh (xã Hành Trung), Phước Minh, Phước Quang (Thị trấn Chợ Chùa), chùa Tân Long (Thị trấn huyện Minh Long).

Ngày 7 tháng 12 năm Bính Thân 1957, Ngài thọ Bồ Tát giới tại Phật học viện Trung phần-Nha Trang do Hòa thượng Giác Nhiên làm đàn đầu, Hòa thượng Vạn Ân làm Yết Ma A-xà-lê.

Năm 1962 trụ trì chùa Phước Quang và cũng năm này làm đàn đầu giới đàn tại chùa. Năm 1963, quyền Trị sự Phật giáo huyện Nghĩa Hành. Năm 1971 đến 1973 làm Chánh đại diện GHPG tỉnh Quảng Ngãi.

Hòa thượng Huyền Giác viên tịch lúc 20 giờ ngày 20 tháng giêng năm Mậu Ngọ 1978 tại chùa Phước Minh, mộ tháp được tôn trí bên trái chính điện. Trước khi viên tịch Ngài có nhắc lại bài kệ của tổ được khắc trên tháp:

“Cổ cổ kim kim liễu

Hà kim cổ cổ kim

Vô thỉ kiếp tiền tiền

Vô chung kiếp hậu hậu”

Trên bia mộ tháp có nội dung:

Tự Lâm tế Tứ Thập Nhứt khai sơn Phước Minh tự trụ trì, húy Như Minh, thượng Giải Hạ Tân, hiệu Huyền Giác Hòa thượng Chi Giác linh liên tọa.

Kế thế trụ trì chùa Phước Minh từ năm 1978 đến nay là Sa di Thích Hạnh Phục.

Năm 1967 chùa Phước Minh đã thành lập Gia đình Phật tử Liên Quang gồm có nhiều GĐPT trực thuộc một số chùa trong huyện Nghĩa Hành quy tụ sinh hoạt tại Phước Minh. Đến năm 1972, tách GĐPT chùa Đại An xã Hành Thuận lấy tên GĐPT Chơn Khương, Chùa Quang Bửu xã Hành Đức lấy tên GĐPT Chơn Chánh,..v..v…

Chùa Phước Minh có 2 lần trùng tu, trước 1975 do Hòa thượng Huyền Giác chủ trương và lần trùng tu năm 1990 do trụ trì Thích Hạnh Phục hiệp cùng Đạo hữu, Phật tử.

Chùa có tổ chức giỗ Hòa thượng Huyền Giác vào ngày 20 tháng giêng và Hiệp kỵ môn đồ quá cố vào ngày rằm tháng 6 âm lịch hằng năm.

CHÙA BỬU LIÊN

Chùa hiện nay ở thôn Hiệp Phổ Nam – xã Hành Trung – huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm Thị trấn Chợ Chùa 4 cây số về phía đông theo đường liên huyện Nghĩa Hành quốc lộ 1A.

Chùa Bửu Liên xưa kia ở thôn Hiệp Thuận – xã Hiệp Phổ – tổng Hành Trung – huyện Chương Nghĩa, cách chùa hiện nay độ 500m. Năm lụt Giáp Thìn 1964 đã làm chùa hư hỏng nên chi hội Phật học do ông Nguyễn Diệp chi hội trưởng vận động đạo hữu đóng góp mua 1 sào đất và xây dựng lại ngôi chùa trên địa điểm hiện nay. Năm 1972, chiến tranh đã làm chùa tiêu tan, mãi đến ngày 29 tháng 10 năm 2008, Tỳ Kheo Thích Thông Thiền cùng Ban hộ tự vận động đạo hữu tái thiết một lần nữa. Tỳ Kheo Thông Thiền quy y Hòa thượng Quang Lý năm 1972, thọ Sa di Thượng tọa Thích Trí Thắng năm 2002 và thọ giới Tỳ Kheo tại giới đàn chùa Pháp Hóa ngày 21 tháng 11 năm Kỷ Sửu do Hòa thượng Thiện Bình làm đàn đầu được Pháp hiệu Nghiêm Trực. Năm 1967, chùa Bửu Liên đã thành lập được Gia đình Phật tử có khoảng 100 Đoàn sinh do anh Nguyễn Thìn làm Huynh trưởng.

Chùa đã trải qua các đời trụ trì như sau:

–         Tỳ Kheo Thích Long Vạn trụ trì từ năm 1958 đến 1980 (tịch)

–         Tỳ Kheo Thích Long Phụng trụ trì từ năm 1980 (già yếu)

–         Hiện nay, Tỳ Kheo Thích Nghiêm Trực chính thức trụ trì chùa Bửu Liên.

CHÙA PHƯỚC HUỆ

Từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, theo đường liên tỉnh Quảng Ngãi – Kontum về hướng tây nam độ 3 cây số là đến chùa Phước Huệ.

Chùa ở thôn Phúc Minh – xã Hành Thuận – huyện Nghĩa Hành. Phước Huệ tự được thành lập vào ngày 20 tháng 7 năm Canh Tý 1960 do Đại đức Như Công – Giải Bình Thích Long Cảnh khai sơn. Đại đức quy y Hòa thượng Thích Trí Kính tại chùa Sắc Tứ Thiên Phước – Nghĩa Hành năm 1958, đến năm 1961 thọ Tỳ Kheo tại Giới đàn chùa Từ Lâm do Hòa thượng Trí Hưng làm đàn đầu và cầu Pháp Hòa thượng Thích Quang Lý được đắc Pháp với danh hiệu Long Cảnh.

Năm 1972, chiến tranh đã làm hư hỏng chùa. Đến năm 1981, Đại đức trụ trì Thích Long Cảnh tái thiết lại, rồi năm 2009 đại trùng tu như hiện nay.

Phần chính điện được tôn trí thờ phụng như những chùa khác. Hậu tổ có thờ di ảnh của Hòa thượng Hoằng Chí, Hòa thượng Hoằng Thạc, Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Quang Lý, Hòa thượng Trí Kính.

Từ năm khai sơn đến nay, Đại đức Thích Long Cảnh trụ trì và điều hành công tác Phật sự.

LONG KHÁNH TÂY TỰ

Long Khánh Tây Tự hiện nay ở thôn Long Bàn – xã Hành Minh, cách trung tâm Thị trấn Chợ chùa huyện Nghĩa Hành độ hơn 1 cây số về phía tây.

Chùa do bổn đạo và chư phái tộc làng Long Bàn – tổng Hành Trung xây dựng, không còn sử liệu để biết rõ vào thời điểm nào. Hiện chùa còn bảo lưu được một bức hoành gỗ sơn son thép vàng chữ Long Khánh Tây Tự có khắc niên đại tháng giêng năm Tự Đức thứ 15 – 1862 do ông Nguyễn Văn Thuyết phụng cúng.

Mặt chùa nhìn về hướng nam, có kênh thạch nham chảy ngang qua, lưng dựa vào Gò Sanh, bên phải chùa là nghĩa từ và dinh Bà. Chùa được trùng tu vào khoảng năm 1938 do Chư sơn bổn tỉnh chủ trương. Đến năm 1956, Khuôn hội Phật học làng Long Bàng được thành lập và trùng tu lần thứ 2. Đến năm 1971, trụ trì Thượng tọa Thích Long Hương chủ trương đại trùng tu xây gạch lợp ngói và năm 2004 tu bổ thêm một lần nữa như hiện nay.

Long Khánh Tây Tự đã trải qua các đời trụ trì mà ta được biết như sau:

–         Hòa thượng Trịnh Ngọc Môn

–         Kế Thượng tọa Thích Trí Chủng – Lâm tế đời thứ 40 – Đệ tử Hòa thượng Hoằng Thạc, trụ trì đến năm 1957.

–         Kế Thượng tọa Thích Long Hương – Lâm tế đời thứ 41, Pháp danh Như Tâm, tự Giải Thể, quy y năm 1938 tại chùa Long Bửu, thọ giới Hòa thượng Minh Đức, cầu pháp Hòa thượng Trí Hưng, thọ giới đàn Hòa thượng Quang Lý. Từ năm 1957 về trụ trì tại chùa Long Khánh đến nay.

BỬU KHÁNH TỰ

Chùa Bửu Khánh tọa lạc tại thông Đại An Tây 2 – xã Hành Thuận – huyện Nghĩa Hành cách thành phố Quảng Ngãi độ 5 cây số về hướng tây nam theo đường liên tỉnh Quảng Ngãi – Kontum.

Chùa được khai sơn vào ngày mùng 8 tháng 4 năm 1956 do Tỳ Kheo Thích Giải Bình chủ trương hiệp cùng chi hội Phật học làng Đại An dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Quang Lý.

Chùa nhìn xuống phía đông có đường liên tỉnh chạy ngang qua và đồng Cồn Dương, lưng chùa có đồng Rộc Thiệt. Năm 1968, chùa bị chiến tranh thiêu rụi, đến năm 1971 trụ trì Thích Giải Bình và đạo hữu đã tái thiết.

Năm 1964, chùa Bửu Khánh đã thành lập Gia đình Phật tử, có khoảng 50 Đoàn sinh nhưng đến năm 1967, phải tạm ngừng sinh hoạt vì chiến tranh.

Năm 2008, Tỳ Kheo Thích Giải Bình viên tịch, kế là Sa di húy Như Hạnh Thích Hạnh Phước nhưng chỉ được 3 năm thì tịch – 2009.

Hiện nay, Ban hộ tự chăm sóc và quản tự chùa Bửu Khánh.

 

CHÙA QUANG BỬU

Chùa hiện nay ở thông Xuân Vinh – xã Hành Đức. Từ ngã tư Thị trấn Chợ Chùa thuộc trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành, theo đường liên huyện Tư Nghĩa-Nghĩa Hành về hướng đông độ 2 cây số là đến chùa Quang Bửu.

Theo kỷ yếu chùa còn lưu giữ do Thượng tọa Thích An Hỷ đương nhiệm trụ trì cung cấp thì Quang Bửu tự do Thiền sư Phổ Quang khai sơn năm 1793 và khánh thành năm 1796.

Chùa nhìn về phía tây nam, có chi lưu của sông Găng từ hố Đá theo ven rừng mồ côi chảy ra Cầu Quán, rừng Gò Chợ rồi về bàu Da. Theo địa lý là mạch nước bảo nhuận trạch, rừng Gò Chợ và bàu Da làm “Hữu thanh long, tả bạch hổ triều nghinh” _ cuộc thế vững bền. Nơi đây có cây đa cổ thụ Trường Trầu và Chợ Phiên. Người xưa thường tìm chọn “long mạch” xây dựng chùa đình.

Năm 1927, thủ tự Nguyễn Văn Khứu – Pháp danh Như Sơn trùng tu lại ngôi chùa bằng khung sườn gỗ theo kết cấu nhà rường. Năm 1962, trụ trì Thượng tọa Thích An Huệ trùng tu lại một lần nữa.

Chùa còn bảo lưu được một tượng Phật tổ bằng đồng có trọng lượng độ 100 kg, một bức hoành phi sơn son thép vàng chữ Quang Bửu Tự do Hòa thượng Thích Trí Hưng cúng năm Canh Tý 1960, một Đại hồng chung nặng 120 kg do Thượng tọa An Huệ tạo thỉnh về từ chùa Sắc tứ Từ Lâm.

Trên 2 cột trước chính điện có 2 câu liễn:

“Quang thế trạch thiên niên vĩnh chấn

Bửu lưu phương vạn cổ hoằng khai”

Theo như kỷ yếu, ta được biết chùa Bửu Quang đã trải qua chư tổ trụ trì, thủ tự sau đây:

–         Thiền sư Phổ Quang từ 1793 đến 1796 (viên tịch).

–         Húy Chơn Giác từ 1796 đến 1803 (viên tịch).

–         Húy Hạnh Thông, thế danh Nguyễn Quán từ 1803 đến 1853.

–         Húy Trí Thương Thiền sư từ 1853 đến 1889 (viên tịch).

–         Húy Hạnh Nguyên Nguyễn Văn Lâm từ 1889 đến 1918 (viên tịch).

–         Kế húy Như Sơn Nguyễn Văn Khứu từ năm 1918 đến 1951 (viên tịch).

–         Kế húy Như Phước Nguyễn Văn Lộc từ năm 1951 đến 1960 (viên tịch).

–         Kế Thượng tọa Thích An Huệ Nguyễn Pháp Thuận từ năm 1960 đến năm 1994 (viên tịch).

–         Kế Thượng tọa Thích An Hỷ trụ trì từ năm 1994 đến nay.

Như vậy Bửu Quang tự từ ngày khai sơn đến nay được 216 năm và trải qua 9 đời trụ trì.

TỊNH THẤT BỬU NGỌC

Tịnh Thất Bửu Ngọc tọa lạc tại thôn Phúc Minh – xã Hành Thuận – huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm huyện lỵ 2 cây số về phía bắc.

Chùa được xây dựng vào năm Bính Ngọ 1966 do Tỳ Kheo Thích Long Ân chủ trương, có sự chứng minh của Hòa thượng Thích Quang Lý. Tỳ Kheo Long Ân có thế danh là Nguyễn Tấn Mưu quê xã Nghĩa Kỳ, quy y tại chùa Bửu Long, thọ giới Tỳ Kheo tại Giới đàn chùa Liên Quang, bổn sư là Hòa thượng Thích Quang Lý.

Chùa Bửu Ngọc đã được trùng tu vào năm 1974 do Hòa thượng bổn sư Thích Quang Lý chủ trương và lần thứ hai vào tháng 7 năm 1993 do trụ trì đương nhiệm Thích Long Ân chủ  trì, lần thứ 3 năm 2007.

Chùa còn bảo lưu những kỷ vật như sau:

–         Một bức hoành sơn son thép vàng chữ Bửu Ngọc Tự do trường hạ chùa Bửu Quang cúng năm 1968.

–         Một hồng chung do chùa Bửu Trí – xã Nghĩa Kỳ cúng năm Canh Thân 1980.

–         Một bức hoành phi Quảng Tác Phước Huệ do chùa Thiên Phước cúng năm 2001.

Cách bày trí thờ phụng cũng như nhiều chùa khác.

CHÙA PHỔ THIỆN

Chùa Phổ Thiện hiện nay nằm theo trục lộ liên huyện từ Thị trấn Chợ Chùa xuống Quốc lộ 1A độ 3 cây số là đến nơi. Chùa thuộc thôn Hiệp Phổ Nam – xã Hành Trung – huyện Nghĩa Hành.

Từ sau năm 1940, Đạo hữu Phật tử về chùa Hồng Quang quá đông nên các cụ cao niên trong xứ Vĩnh Hòa – thôn Hiệp Phổ là ông Hương Cứ, ông Ái, ông Hoài cùng đạo hữu xây dựng Vứt Vĩnh Hiệp để tiện việc chiêm bái lễ Phật. Năm 1966, chiến tranh đã làm chùa hư hỏng, các ông Nguyễn Hoài, Nguyễn Cẩn và Tỳ Kheo Thích Hạnh Thọ đã chủ trương xây dựng lai ngôi chùa trên địa điểm hiện nay, cách Vứt Vĩnh Hiệp 500m và đổi tên thành Phổ Thiện.

Trên trụ cổng tam quan có câu đối mang tên chùa cũ:

Vĩnh môn xuất hiện từ bi khánh

Hiệp đạo vãng lai tín nhiệm hơn

Chùa còn bảo lưu được một hồng chung do đạo hữu bổn tự phụng cúng năm 1968, Liễn đối hoành phi đều mục nát.

Được biết Phổ Thiện tự đã trải qua các đời trụ trì, quản tự như sau:

–         Tỳ Kheo Thích Hạnh Mãn, thế danh là Huỳnh tạo, sinh năm 1915, quy y Hòa thượng Minh Đức. Trụ trì Phổ Thiện tự đến năm 1997 viên tịch.

–         Sa di Thích Hạnh Thọ, thế danh Huỳnh Cẩn, sinh năm 1915, quy y Hòa thượng Minh Đức. Trụ trì Phổ Thiện tự đến năm 1998 viên tịch.

–         Từ năm 1998 đến nay, Ban hộ tự và ông Nguyễn Văn Thuấn chăm sóc chùa và điều hành công tác Phật sự.

Gian Hậu tổ, có thờ di ảnh chư tổ trụ trì tiền nhiệm.

CHÙA PHỔ HIỀN

Chùa tọa lạc tại xứ Chánh Tư – thôn Hiệp Phổ Trung – xã Hành Trung – huyện Nghĩa Hành, cách trung tâm Thị trấn Chợ Chùa độ 3 cây số về hướng đông bắc.

Nguyên xưa kia, Phổ Hiền tự là một am tranh vách đất để đạo hữu làng Hiệp Phổ chiêm bái lễ Phật. Đến năm 1939 được sự đề xướng của Chi hội An Nam Phật học Quảng Ngãi, Hòa thượng Thích Minh Đức cùng đạo hữu đã cải am vi tự thành chùa Phổ Hiền và đề cử Tỳ kheo Thích Viên Lâm trụ trì.

Chùa Phổ Hiền nhìn về hướng đông, xưa kia có đình Hiệp Phổ làm tiền án, bên trái có sông Hiệp Phổ, sau lưng chùa có bàu sen rộng. Chùa còn bảo lưu được một đại hồng chung cao 1m50, đường kính 90cm, nặng 200kg.

Phổ Hiền tự có 4 lần trùng tu vào các năm 1939, 1945, 1960 do trụ trì đương nhiệm chủ trương. Lần thứ tư vào năm 1990 do Ban hộ tự và đạo hữu bổn tự chủ trương.

Chùa đã trải qua các đời trụ trì sau đây:

–         Tổ đệ nhất từ năm 1939 Tỳ kheo Thích Viên Lâm.

–         Tổ đệ nhị Đại đức Thích Hạnh Mãn

–         Tổ đệ tam Tỳ kheo Thích Hạnh Toàn

Quý tổ trụ trì tiền nhiệm đã viên tịch không rõ thời điểm. Hiện nay, cư sĩ Như Kim Trần Trung Hoàng là trưởng ban hộ tự chùa Phổ Hiền thay mặt đạo hữu chăm sóc, quản tự và điều hành công tác Phật sự.

CHÙA LONG BỬU

Từ trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành, theo trục lộ liên huyện về phía đông khoảng hơn 2 cây số là đến chùa Long Bửu.

Chùa tọa lạc tại xóm Bàu – thôn Xuân Vinh – xã Hành Đức. Không còn sử liệu cho ta biết rõ chùa được xây dựng năm nào, chỉ theo lời truyền lại, chùa do sáu phái họ làng Xuân Vinh xây dựng để có nơi chiêm bái, lễ Phật vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Năm 1961, Khuôn hội làng Xuân Vinh và cư sĩ Nguyễn Có, vận động đạo hữu và chủ trương trùng tu lại. Chúng ta được biết chùa Long Bửu đã trải qua các đời tru trì và thủ tự sau đây:

–         Từ năm 1930 đến năm 1960, Thượng tọa Thích Minh Đức

–         Từ năm 1961 đến năm 1996 thầy Thích Giải Quảng

–         Từ năm 1996 đến năm 2000 Ban hộ tự quản tự

–         Từ năm 2000 đến nay, Đại đức Hạnh Khương.

Bên tay phải Chính điện chùa Long Bửu có tháp vọng Hòa thượng Thích Minh Đức có bia ký:

Tự Lâm Tế chính tông tứ thập thế húy Chơn Trung thượng

Đạo hạ Khứ hiệu Minh Đức Hòa thượng giác linh

Hòa thượng Minh Đức thế danh là Nguyễn Khắc Dần, sinh năm Giáp Dần 1914 tại làng Xuân Vinh – Hành Đức. Viên tịch năm 1990 tại chùa Linh Phước – Đà Lạt.

CHÙA CẢNH LONG

Từ quốc lộ 1A, đoạn thị trấn Sông Vệ, theo đường liên huyện Tư Nghĩa – Nghĩa Hành về hướng tây độ 3 cây số thì đến chùa Cảnh Long.

Chùa tọa lạc tại thong Hiệp Phổ Tây – xã Hành Trung – huyện Nghĩa Hành do hai phái họ Võ và họ Đoàn xây dựng, không biết rõ từ thời điểm nào?

Chùa Cảnh Long  đã trải qua 3 lần trùng tu. Lần thứ nhất vào năm 1962, xây gạch lợp ngói từ vứt tranh vách đất; lần thứ hai xây dựng nhà tăng, nhà bếp vào năm 1995 và lần thứ ba xây dựng mới hoàn toàn gian chính điện vào năm 2009 do thầy Thích Lưu Điền cùng đạo hữu chủ trương.

Cảnh Long tự mà chúng ta được biết đã trải qua các đời trụ trì, thủ tự sau đây:

–         Thầy Ba Chơi

–         Thầy Trường

–         Thầy Lý

–         Từ năm 1968 – 1970 Đại đức Thích Hạnh Toàn

–         Từ 1970 đến 1976, Khuôn hội đề cử cư sĩ Đoàn Đề thủ tự

–         Từ 1976 Đại đức Thích Hạnh Phước trụ trì đến năm 1981 viên tịch – Mộ tại chùa.

–         Từ năm 1981 đến năm 2009 Đại đức Thích Lưu Điền trụ trì.

–         Hiện nay, Ban hộ tự quản chùa Cảnh Long.

Chùa có tổ chức Thọ Bát quan trai hằng tháng và lấy ngày tịch của trụ trì tiền nhiệm Thích Hạnh Phước 25 tháng chạp làm ngày hiệp kỵ liệt tổ. Hiện nay (2010), đạo hữu bổn tự luân phiên chăm sóc chùa.

CHÙA PHỔ THUẬN

Chùa ở thôn Hiệp Phổ Nam – xã Hành Trung – huyện Nghĩa Hành, cách đường quốc lộ 1A độ 4 cây số về phía tây theo đường liên huyện Nghĩa Hành – Tư Nghĩa.

Năm 1958, chi hội Phật học Phổ Thuận được thành lập, ông Nguyễn Bướm chi hội trưởng hiệp cùng đạo hữu xây dựng chùa Phổ Thuận có Hòa thượng Thích Viên Lâm chứng minh trên 1 sào đất của đạo hữu Võ Thị Chánh hiến cúng.

Năm 1960 chùa được trùng tu lần thứ nhất, năm 1966 chùa hư hỏng vì chiến tranh, đến năm 1976 quý đạo hữu Nguyễn Minh, Phạm Quế vận động tái thiết lại. Năm 1961, chùa thành lập Gia đình Phật tử, ông Nguyễn Bướm làm Huynh trưởng.

Trên trụ cổng ngõ vào chùa Phổ Thuận có câu đối:

Phổ tụ minh tâm đăng thánh địa

Thuận duyên kiến tánh cảnh già lam

Hai bên chính điện cũng có câu đối lấy tên chùa Phổ Thuận:

Phổ cửu phẩm liên đài kim tướng trang nghiêm thùy chiếu diệu

Thuận thất trung bửu thọ ngọc hào sáng lạng chiếu quang minh

Chùa đã trải qua các đời thủ tự sau đây:

–         1958 – 1960 ông Nguyễn Tài

–         1960 – 1966 thầy Tiến

–         1966 – 1976 ông Huỳnh Thị

–         1976 – 1998 ông Phạm Túy

–         1998 – 2010 Tỳ kheo Thích Long Điền thủ tự

Tỳ Kheo Thích Long Điền sinh năm 1925, xuất gia quy y tại chùa Bửu Long – Hiệp Phổ năm 1948, được Bổn sư Thích Quang Lý cho Pháp danh Như Miên, tự Giải Tấn. Thọ Tỳ Kheo tại chùa Bửu Quang năm 1972 được Pháp hiệu Long Điền, thế danh Lê Nhì quê Hiệp Phổ Bắc – xã Hành Trung.

CHÙA ĐẠI AN

Chùa ở thôn Đại An – xã Hành Thuận – huyện Nghĩa Hành, cách TP Quảng Ngãi 3 cây số về hướng tây nam theo đường liên tỉnh Quảng Ngãi – Kontum.

Nguyên xưa kia, chùa được xây dựng dưới hình thức là cái Vứt trên mảnh vườn ông Nguyễn Hữu Điền do Khuôn hội Phật học làng Đại An chủ trương và tồn tại đến năm 1970. Năm 1971, ông Nguyễn Hoàng, một công chức đương thời đã hiệp cùng đạo hữu xin chính quyền địa phương dời về nền đình làng Đại An đã bị chiến tranh phá hủy và chính thức cải tên thành chùa Đại An.

Năm 1971, chùa Đại An đã hình thành Gia đình Phật tử Chơn Khương, do anh Đoàn Khắc Quang làm Huynh trưởng. Từ ngày xây dựng chùa, quý đạo hữu Võ Duy Sang, Nguyễn Hữu Chất, Nguyễn Hữu Đẩu, Võ Duy Nhãng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Hữu Nhiễm, Hương kiểm Lăng thay phiên chăm sóc quản tự chùa đến năm 1996 thành lập Ban hộ tự do ông Võ Duy Bích làm trưởng ban điều hành công tác Phật sự.

Gian chính điện thờ Phật, phần hậu tổ thờ 4 bài vị của bốn dòng họ Võ – Nguyễn – Phan – Huỳnh của làng Đại An.

Năm 2009, Ban hộ tự và đạo hữu Phật tử chùa Đại An lập đơn xin Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi thỉnh sư cô Thích Nữ Hạnh Phương về trụ trì.

CHÙA PHƯỚC QUANG

Nguyên xưa kia, chùa Phước Quang kiến trúc theo kiểu nhà rường lợp tranh sen, vách đất, có kết cấu bằng khung sườn gỗ chịu lực tại xứ Thầu Đâu – xã Phú Thứ – tổng Hành Trung – huyện Chương Nghĩa, nay là Thị trấn Chợ Chùa – huyện Nghĩa Hành.

Năm 1956, Khuôn hội Phật học làng Phú Vinh được thành lập đề cử ông Đặng Hạnh, quy y Hòa thượng Thích Giải Hậu tại chùa Hội Phước với Pháp danh Diệu Tu làm Khuôn hội trưởng. Năm 1958, Khuôn hội chủ trương xây dựng lại ngôi chùa bằng gạch, lợp ngói. Năm 1961, chùa Phước Quang khai mở Giới đàn truyền giới Sa di do Hòa thượng Thích Huyền Giác làm Đàn đầu và Khuôn hội trưởng Diệu Tu đắc Pháp tại giới đàn này với Pháp tự Hạnh Liên. Từ đây, Sa di Thích Hạnh Liên thay mặt bổn sư điều hành công tác Phật sự vì Hòa thượng trụ trì Thích Huyền Giác bận công việc hoằng pháp nhiều nơi.

Năm 1961, chùa Phước Quang đã thành lập được Gia đình Phật tử có khoảng hơn 100 đoàn sinh, nhưng năm 1965 chiến tranh leo thang nên tạm ngừng sinh hoạt, đến năm 1971 mới tái sinh hoạt với tên GĐPT Chơn Chánh, có hơn 100 đoàn sinh. Năm 1972, chùa Phước Quang tổ chức lập trường tiểu học Bồ Đề với 2 lớp, mỗi lớp được 30 học sinh.

Ngày 19 tháng giêng năm 1978, đệ nhất trụ trì Hòa thượng Thích Huyền Giác viên tịch. Kế thừa là tổ đệ nhị húy Thị Anh, tự Hạnh Nguyện nhưng đến ngày 01 tháng 11 năm sau – 1979, Sa di Thích Hạnh Nguyện cũng tịch, kế thừa là Sa di Thích Hạnh Thăng đến năm 1991. Kế là Sa di Thích Hạnh Tánh đến nay.

Năm 1994, Hòa thượng Huyền Quang về cư trú tại chùa Phước Quang và cũng năm này chùa được trùng tu lại một lần nữa. Hòa thượng Huyền Quang đã viết các câu đối tại chùa Phước Quang bằng Việt ngữ sau:

Hai cột giữa hành lang trước:

Đức Phật đấng trí tuệ từ bi dưới đất trên trời tôn vinh trìu bái

Tôn Pháp lý cao thâm vi diệu ngoài cõi học hỏi thọ trì

Hai cột vách hành lang:

Chuông sớm thức tĩnh lòng người phiền não tiêu trừ bồ đề tăng trưởng

Trống chiều loan truyền lẽ đạo thiên nhơn gieo rắc phước quả phát sanh

Phần hậu tổ thờ di ảnh quý tổ trụ trì tiền nhiệm như Hòa thượng Giải Tân, Sa di Hạnh Nguyện, Hạnh Liên, Hạnh Thăng. Hai bên hậu tổ có 2 câu đối do Hòa thượng Huyền Quang viết:

Ơn Tổ mở mang công đức độ sanh nghìn thu ghi nhớ

Công thầy xây dựng cơ đồ hoằng pháp muôn thuở vững bền

Chùa Phước Quang tổ chức lễ kỵ tổ vào ngày 18 tháng giêng và ngày mùng 1 tháng 11 âm lịch hằng năm.

CHÙA PHƯỚC LONG

Chùa Phước Long ở xứ Quần Dương Thượng – thôn Hiệp Phổ Bắc – xã Hành Trung, cách Thị trấn Chợ Chùa trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành độ 1 cây số về phía đông.

Chùa nhìn xuống hướng đông có đồng Quần Dương, dựa lưng vào dinh xóm, bên phải tiếp giáp đường liên huyện. Phước Long tự xây dựng năm 1946 do Yết Ma Hòa thượng Thích An Chấn khai sơn. Ngài có thế danh là Nguyễn Khắc Viên, sinh năm 1921 tại Hành Trung, quy y Hòa thượng Hoằng Chí, thọ giới Tỳ kheo Hòa thượng Trí Hưng được pháp danh là Chơn Mãn, tự Đạo Sum, hiệu Thích An Chấn. Chùa có 3 lần trùng tu, lần thứ nhất năm 1950, lần thứ nhì năm 1970 do Hòa thượng An Chấn chủ trương, lần thứ 3 năm 1999 do kế nhiệm trụ trì Tỳ kheo Thích Long Thanh chủ trương.

Chùa Phước Long còn bảo lưu được những kỷ vật sau đây:

–         Một bức hoành gỗ sơn son thép vàng chữ Phước Long Tự.

–         Một đại hồng chung do Hòa thượng Minh Đức chú nguyện chế cúng tại chùa Linh Phước – Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2000, trụ trì đương nhiệm Thích Long Thanh đã xin đất xây dựng trường mẫu giáo nhưng năm 2001 thuộc quyên quản lý của Phòng Giáo dục huyện Nghĩa Hành.

Từ năm khai sơn 1946, Hòa thượng Thích An Chấn trụ trì đến ngày 28 – 8 – 1996 thì viên tịch. Kế thừa là Tỳ kheo Thích Long Thanh đến năm 2005 viên tịch.

Phần hậu tổ có thờ di ảnh và long vị tổ khai sơn và tổ đệ nhị trụ trì.

CHÙA LONG AN

Chùa Long An ở thôn Hiệp Phổ Bắc – xã Hành Trung, cách trung tâm thị trấn huyện lỵ Nghĩa Hành chừng 3 cây số về phía đông bắc.

Lúc đầu, chùa Phước Long là một am nhỏ bằng tranh vách đất do đạo hữu làng Hiệp Phổ Bắc xây dựng để có nơi lễ Phật. Năm 1942, Hòa thượng Thích An Lý chủ trương trùng tu lại. Hòa thượng Thích An Lý thế danh là Nguyễn An Lý sinh năm 1925 tại xã Hành Trung, quy y Hòa thượng Quang Khiết tại chùa Huệ Quang. Năm 1940, xuất gia tại chùa Từ Lâm và năm 1942 đắc pháp được Hòa thượng Thích Trí Hưng cho pháp danh Như Văn, tự Giải Chương, hiệu An Lý.

Năm 1954, Hòa thượng Thích Trí Hưng chủ trương cải am vi tự hiệu là Long An, đến năm 1959 Hòa thượng An Lý di dời về mảnh vườn cũ rồi năm 1963 lại dời một lần nữa đến năm Quý Sửu 1973 trùng tu xây dựng lại như hiện nay.

Chùa Long An còn bảo lưu được những kỷ vật sau đây:

–         Một tượng Đức Quan Âm bằng đồng.

–         Một bức hoành sơn son thép vàng chữ Long An Tự do Hòa thượng Thích Trí Hưng cúng năm 1960.

–         Một bức hoành sơn son thép vàng chữ Thiệu Long Thánh Chúng niên giám Phật lịch 2527

Hiện nay, thường trực điều hành công tác Phật sự thay cho Hòa thượng Thích An Lý hoằng pháp nơi xa có Đại đức Thích Hạnh Thiện.

Phần hậu tổ có thờ Long vị của Bổn sư:

– Lâm tế Chánh tông tứ thập thế Huệ Quang đường thượng húy Chơn Sanh thượng Đạo hạ Trịnh hiệu Quang Khiết hòa thượng.

CHÙA HỒNG QUANG

Chùa tọa lạc tại thôn Kỳ Thọ Bắc xã Hành Đức – huyện Nghĩa Hành. Từ thị trấn Chợ Chùa, đi theo đường liên huyện xuống phía đông độ 3 cây số, rẽ tay mặt khoảng 500m là đến nơi.

Nguyên xưa kia là một am tranh vách đất của làng Kỳ Thọ, đến năm 1957, Khuôn hội Kỳ Thọ được thành lập cùng với sự chủ trương của Hòa thượng Thích Minh Đức đã cải am vi tự thành chùa Hồng Quang xây bằng gạch lợp ngói.

Chùa nhìn xuống hướng đông, có gò rộng làm tiền án, bên trái có sông Bàu Trai, lưng chùa dựa vào cư dân thôn Phú Châu. Năm 1964, Khuôn hội Kỳ Thọ chủ trương trùng tu lại khang trang rộng rãi hơn. Gia đình Phật tử chùa Hồng Quang được thành lập năm 1958 nhưng đến năm 1965 tạm ngừng sinh hoạt vì chiến tranh.

Chùa còn bảo lưu một tượng Hộ Pháp cao 1m và theo lời truyền lại tượng này đã có từ thời Gia Long.

Từ năm 1957 đến nay, chùa đã trải qua cá đời trụ trì sau đây:

–         1957 đến 1969 Sa di Lê Trí Huy

–         1970 đến 2002 Sa di Thích Giải Phước viên tịch 01-05-2002

–         Hiện nay, Sư cô Thích Nữ Chơn Nguyên trụ trì chùa Hồng Quang theo quyết định bổ nhiệm của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi năm 2010.

CHÙA THIÊN PHÚ

Chùa Thiên Phú ở xứ Bàu Vợi – làng Phú Thành – tổng Hành Trung, nay là thôn Tình Phú – xã Hành Minh – huyện Nghĩa Hành.

Nguyên xưa kia có tên là chùa Kim Liên, không còn sử liệu cụ thể để biết rõ chùa Kim Liên khai sơn từ thời điểm nào và trải qua chiến tranh, chùa cũng không còn nữa. Đến năm 1962, ông Đoàn Ngọc Kim cùng đạo hữu, Phật tử trong làng chủ trương xây dựng lại dưới hình thức là một Vứt để có nơi thờ phụng, chiêm bái Phật đạo, có sự chứng minh của Hòa thượng Thích Huyền Giác.

Bắt đầu từ năm này, chùa đã tổ chức được Ban hộ niệm gồm các ông Huỳnh Tuyển, Nguyễn Tấn, Nguyễn Đình Trung luân phiên quản tự và hướng dẫn đạo hữu, Phật tử tu niệm đến năm 1974 thì ngưng sinh hoạt vì chiến tranh.

Đến năm 1996, tu sĩ Đoàn Ngọc Phụng, Pháp danh Tâm Hiến, tự Hạnh Vị, hiệu Phước Thành hiến cúng 500 m2 đất và xin xây dựng lại Vứt Tình Phú thành chùa Thiên Phú đến ngày nay.

Đại đức Thích Phước Thành sinh năm 1961 tại Hành Minh, xuất gia quy y năm 1981 bổn sư là Hòa thượng Giải Tân tại chùa Phước Quang. Sau đó, bổn sư viên tịch, Đại đức Phước Thành cầu pháp Thượng tọa Thích An Tuyên tại chùa Thiên Phước, thọ Sa di năm 1985, và thọ Tỳ kheo năm 1993 tại chùa Thiên Phước do Thượng tọa Thích An Tuyên truyền giới.

Đại đức Thích Phước Thành trụ trì chùa Thiên Phú từ năm 1996 đến nay (2010).

CHÙA BỬU THANH

Chùa tọa lạc tại thôn An Sơn, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Bửu Thanh do Đại đức Thích Long Thạnh khai sơn, và lập Trai đàn khánh thành vào ngày 25 tháng 7 năm Tân Sửu 1961. Đại đức Long Thạnh có thế danh là Ngô Tra, sinh năm Kỷ Dậu 1909 tại Nghĩa Hành, xuất gia quy y tại chùa Bửu Long năm 1957 với Hòa thượng Thích Quang Lý được Bổn sư ban pháp danh Như Thinh, tự Giải Văn, hiệu Long Thạnh. Sau khi khai sơn chùa Bửu Thanh, Đại đức Thích Long Thạnh trú trì chùa đến năm 1965 thị thọ bệnh và viên tịch ngày 23 tháng 4 năm Tân Mùi 1991.

Kế thế trú trì chùa Bửu Thanh từ năm 1965 đến năm 1975 là Đại đức Thích Long Sanh và viên tịch năm 1991. Năm 1982, chùa xuống cấp và hư hỏng nặng nhưng đạo hữu thuộc bổn tự quá thiếu thốn khó khăn nên chưa tu sửa được.

Năm 1993 và năm 2002, anh Ngô Đình Hà (quản tự) đã có đơn xin tái thiết và đã được Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi phê duyệt.

Hiện nay, anh Ngô Đình Hà và đạo hữu thuộc bổn tự chờ hoàn tất thủ tục hành chính để tái thiết.

 

 

 

 

CHÙA HƯNG LONG

Theo lời truyền lại vào khoảng thời Gia Long chư vị tiền nhân đã tôn tạo ngôi Hưng Long tự, về sau đổi lại là chừa Đề An tọa lạc tại thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành.

Lúc bấy giờ chùa chỉ có người thủ tự là thầy Lưỡng kế là ông Nguyễn Đăng Doãn rồi đến ônng Nguyễn Đăng Thượng. Mãi đến năm 1956, đạo hữu bổn tự thành lập khuôn hội Phật Giáo Đề An do ông Phan Quang Lực lam khuôn hội trưởng.

Năm 1963, chùa được trùng tu bằng sườn gỗ, tường gạch, mái lợp ngói. Năm 1967, chién tranh khốc liệt đã làm đổ nát ngôi chùa Đề An, nhưng cũng vào năm này đạo hữu đã dựng tạm ngôi chùa tranh vách đất tại thôn Thuận Hòa, xã Hành Phước để thờ tự.

Đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đạo hữu đã cùng xây dựng quê hương nhưng chưa khôi phục tái thiết được ngôi chùa nên viêc sinh hoạt còn gián đoạn.

Ngày 17/03/2010 đạo hữu họp tại thôn Đề An dưới sự chứng minh của thượng tọa chánh đại diện Phật Giáo huyện Nghĩa Hành và quý vị lãnh đạo chính quyền địa phương đã thống nhất lấy laịo tên chùa cũ là chùa Hưng Long.

Đến ngày 01/04/2010, BTSPG tỉnh Quãng Ngãi đã có quyết định thành nphần nhân sự ban hộ tự chùa Hưng Long gồm 9 thành viên do Ông Nguyễn Đăng Mản làm trưởng ban.

Từ đó đến nay ban hộ tự đã sinh hoạt cùng giáo hội và hoàn chỉnh các thủ tục để được phép trùng tu lại chùa Hưng Long.

  DANH MỤC CÁC NGÔI CHÙA HUYỆN MINH LONG

1

Chùa Tân Long

 

Thị Trấn Minh Long

 

 

CHÙA TÂN LONG

 

Chùa tọa lạc tại thị trấn huyện Minh Long hiện nay, cách thành phố Quảng Ngãi đọ 30 km về hướng Tây Nam.

Năm 1958, khuôn hội Phật giáo xã Minh Tâm ( nay là thị trấn) được hình thành do ông Bùi Duy làm khuôn hội trưởng đã vận động xây dựng chùa Tân Long bằng tranh tre vách đất. Đến năm 1964, khuôn hội Minh Tâm di dời chùa Tân Long về xây dựng trên địa điểm như hiện nay dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Huyền Giác – trụ trì chùa Phước Quang huyện Nghĩa Hành.

Sau khi xây dựng chùa Tân Long, khuôn hội Phật giáo Minh Tâm thỉnh mời thầy Tám  (Nguyễn Tám) về quản tự đến năm thầy viên tịch vào năm 1977 tại xã Hành Tín Tây. Năm 1970, khuôn hội cũng đã mời Đại đức Thích Hạnh Bình về trụ trì. Trong thời gian từ năm 1970 đến năm 1974, chùa Tân Long có mở trường tư thục Bồ Đề từ lớp 1 đến lớp 6 với khoảng hơn 300 học sinh theo học do cư sĩ Tâm Phú – Đặng Văn Cự làm Hiệu trưởng.

Năm 1974, Đại đức Thích Hạnh Bình về quê Tư Nghĩa thì các cư sĩ Đỗ Tảo, Lê Văn Lộc thay phiên quản tự.

Năm 2001, chùa thành lập Ban Hộ tự do cư sĩ Tâm Phú làm Trưởng ban. Năm 2006 đến nay ( 2010) cư sĩ Tâm Phú già yếu nên bổn đạo đề cử cư sĩ Võ Thị Bạch Tuyết làm Trưởng ban.

Năm 1970, chùa Tân Long đã thành lập Gia Đình Phật Tử với hơn 80 đoàn sinh do anh Lê Văn Phụng làm Liên Đoàn Trưởng.

Năm 2010, chùa Tân Long được tu bổ nhà hậu Tổ và 02 phòng học của trường Bồ Đề cũ để làm nhà khách, nhà Tăng.

 

 

 

PHẦN III

 

 

DANH TĂNG PHẬT GIÁO QUẢNG NGÃI HÀNH ĐẠO NGOÀI TỈNH VÀ THÁNH TỬ ĐẠO

 

 

 

 

  1. Hoà Thượng Minh Giác

  2. Thiền sư Trí Thuyên.

  3. Hoà Thượng Thích Khánh Anh.

  4. Hoà Thượng Thích Trí Hải.

  5. Thánh tử đạo Đại Đức Thích Hạnh Đức.

 

 

 

HÒA THƯỢNG MINH GIÁC

(1747 – 1830)

Hoà thượng Minh Giác, thế danh là Võ Đức Nghiêm, sinh vào giờ Tuất ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mão (1747) tại Thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm Kỷ Mão (1759) Ngài phát nguyện xuất gia với Bổn sư là Hòa thượng Thiệt Uyên-Chánh Thông-Chi Bảo tại chùa Bảo Lâm thuộc thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi được pháp danh là Pháp Kiêm, pháp tự Luật Oai. Về sau, ngài ra Hội An, đến chùa Phước Lâm cầu pháp Tổ Thiệt Dinh-Chánh Hiển-Ân Triêm và được ban Pháp hiệu là Minh Giác. Sau 10 năm tu học tại chùa Phước Lâm, Ngài về quê nhà thăm giữa lúc gặp giặc Đá Vách bất phục tùng chính quyền Nam Hà liên kết với các nam động Nam-Ngãi-Bình-Phú, đánh phá rất gắt. Chúa Nguyễn Phúc Thuần sắc chỉ nhà nào có 3 con trai thì một người phải đi lính, luật này gọi là “Tam đinh thủ nhất”. Trong tình hình ấy, ngài Pháp Kiêm bèn hy sinh, thay hai anh gác áo nâu sồng, tòng chinh dẹp giặc. Quê hương được bình ổn, tưởng thưởng quân sĩ, chúa Nguyễn ban chức Võ quan, nhưng ngài dâng sớ cáo quan, quyết trở lại đường tu, phát nguyện quét chợ Hội An trong vòng 20 năm. Năm Mậu Ngọ (1798) ngài được cung thỉnh về trụ trì chùa Di Đà – Hội An mà Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán có ghi trong “Hải ngoại kí sự”. Sau đó, ngài về Phước Lâm cùng với Hòa thượng Quảng Độ trùng tu lại chốn tổ do cuộc chiến tranh Tây Sơn tàn phá. Ngài chứng minh chú nguyện các quả chuông tại chùa Phước Lâm năm Nhâm Ngọ (1822), chùa Vạn Đức năm Mậu Dần (1818), chùa Hải Tạng năm Canh Dần (1830). Hiện những quả chuông này vẫn còn.

Ngài viên tịch vào giờ Tý ngày mồng mười tháng mười một năm Canh Dần-1830, hưởng thọ 84 tuổi, mộ tháp được kiến tạo bên trái chùa Phước Lâm.

Đệ tử thờ ngài với hai câu đối như sau:

–    Bình Man, tảo thị, lưỡng độ gian lao, xuất gia kỳ, phát nguyện vưu kỳ, bát dật sanh thiên thành chánh giác.

–    Tạo tự, chú chung, nhị thung công đức, cách cựu hảo, đảnh tân cố hảo, thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng.

Triều Tự Đức thứ 25 (1871) cư sĩ Giác Trai Lê Dư Phu trang thuật công lao Hòa thượng Minh Giác, đến năm Tân Hợi (1911) Quốc sư Hòa thượng Vĩnh Gia phụng soạn bi ký dựng tại chùa Phước Lâm.

Đối với đất nước, Hòa thượng Minh Giác xứng đáng là một công dân gương mẫu, với Phật pháp Việt Nam, ngài xứng đáng là bậc cao tăng mà hàng con Phật noi theo.

Ngài là bổn sư truyền giới cho đệ tam tổ chùa Thiên Ấn, Hòa thượng Toàn Chiếu-Trí Minh-Bảo Ấn.

THIỀN SƯ TRÍ THUYÊN

(1923 – 1947)

Tên đời của ngài là Trần Trọng Thuyên, sinh năm 1923 tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài xuất gia với Đệ lục tổ Thiên Ấn và được bổn sư Hòa thượng Diệu Quang gởi học lớp gia giáo Phật học tại chùa Long Sơn xã Tịnh Ấn.

Năm 1934, ngài được gửi ra Huế tu học và thọ Đại giới năm 1944 tại giới đàn chùa Thiền Tôn cùng với Thượng tọa Mật Thể và Trí Quang do Hòa thượng Giác Nhiên làm Đường Đầu. Sau, ngài được Chư Hòa thượng Thừa Thiên Huế phân bổ đến Tòng Lâm Kim Sơn giảng dạy và chuẩn bị xây dựng lại trường An Nam Phật học tại đây.

Ngài là đại diện cho lớp tăng sĩ trẻ tuổi có học, một dạ một lòng với đạo pháp và dân tộc. Ngài được đào tạo đúng 9 năm tại trường An Nam Phật học. Ngài tham gia Cách mạng, cố nhiên ngài chỉ làm công tác bất bạo động, Thiền sư Trí Nguyên đã vận động và kêu gọi Tăng tín đồ nhịn ăn một bữa trong ngày để lấy gạo phát chẩn cho dân nghèo, Ngài ngã gục dưới mũi súng của quân Pháp vào ngày Chủ Nhật, 03-3-1947 (23 tháng 02 năm Đinh Hợi) khi vừa tròn 24 tuổi tại Phật học đường Kim Sơn.

Nhục thể Ngài được an táng và nhập tháp bên phía trái chính điện chùa Kim Sơn, phía trên khắc chữ “Tăng Già Giáo Hội”, với sáu chữ lớn: “Trí Thuyên Giảng Sư Chi Tháp”. Long vị thờ Ngài tại nhà hậu Tổ chùa Kim Sơn.

Ngày Phật đản năm 1948 tại Phật học đường Báo Quốc Huế, một số giáo sư và học tăng âm thầm tổ chức lễ cầu nguyện và truy điệu cho ngài. Thiền sư Trọng Ân, giáo sư Phật học đường Báo Quốc đề vào bức ảnh của ngài 4 câu sau:

“Năm xưa ai đã cùng ai

Đốt lò hương, nguyện dưới đài quang minh

Mà nay non nước chưa bình

Người đi đâu mất, ảnh hình còn đây?”

Thiền sư Trí Thuyên chẳng đi đâu chẳng về đâu, Ngài luôn ở trong lòng đạo pháp và dân tộc.

HÒA THƯỢNG THÍCH KHÁNH ANH

(1895 – 1961)

Hòa thượng thế danh là Vũ Bỗng tên trong giấy tờ là Vũ Hóa, khi học chữ nho với thầy Phan Đình Đạm lại được thầy đặt tên tự là Duy Dương. Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xóm Lâm Môn, ấp Lương Nông, xã Thi Phổ nhì, Tổng Lại Đức, nay là xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Hòa thượng Khánh Anh quy y vào ngày mồng 8 tháng 4 năm Bính Thìn (1916) tại chùa Cảnh Tiên, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi với Bổn sư trụ trì chùa là vị Giáo thọ của Phật giáo Quảng Ngãi: Hòa thượng Ấn Tịnh-Kiêm Liên-Hoằng Thanh ban cho pháp danh là Chơn Quý. Cũng ngày ấy năm sau­ _ mồng 8 tháng 4 năm Đinh Tỵ (1917), Ngài được bổn sư ban pháp tự là Đạo Trân.

Ngày 14 tháng 3 năm Canh Thân (1920) ngài thọ Đại giới tại chùa Phước Quang (Thu Xà) với giải Thủ khoa do Tăng Cang Hòa thượng Ấn Kim – Tổ Tuận – Hoằng Tịnh làm đường đầu. Ngày 8 tháng 4 năm Tân Dậu (1921) được ban pháp hiệu Khánh Anh.

Sau khi xuất gia tại chùa Cảnh Tiên (1917) Ngài sang chùa Quang Lộc học tỳ ni nhật dụng thiết yếu, Sa di, Oai nghi, cảnh sách chú giải với người cậu ruột đang làm giám tự Quang Lộc là Đại sư Nguyễn Tờn – Diệu Ngộ. Sau đó, lại tháp tùng với người cậu ruột nữa là Đại sư Nguyễn Lộ – Huệ Pháp đang giảng ở các chùa Hưng Thịnh, Phổ Quang về Qui Nguyên trực chỉ.

Năm 1927, ngài được mời vào Nam để phụ giúp trường Gia giáo ở chùa Giác Hoa tỉnh Sóc Trăng với vai trò “Chánh thư ký và trợ giáo”.

Năm 1928 dạy Phật pháp tại chùa Hiền Long tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1931 được mời làm trụ trì chùa Long An (Cần Thơ), tại đây Ngài mở lớp gia giáo, học viên có 30 vị, có chú tiểu Thiện Hoa; sau này là Viện trưởng Viện Hóa Đạo tới cầu học. Ngài cùng với Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải,… lãnh đạo hội Lưỡng Xuyên Phật học đặt trụ sở tại chùa Long Phước tỉnh Trà Vinh. Ngài là vị giảng sư dạy nhiều giờ nhất tại Phật học đường Lưỡng Xuyên và cộng tác với tạp chí Duy Tâm – cơ quan truyền đạo của hội. Ngài viết nhiều bài cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam sao cho theo kịp đà tiến triển Phật giáo các nước bạn Trung Hoa, Nhật Bản,…

Năm 1940, Sư thúc của Ngài là Yết Ma Hoằng Chỉnh trụ trì chùa Phước Hậu (Trà Ôn-Vĩnh Long) viên tịch, Ngài được chính thức mời về trụ trì chùa Phước Hậu vào tháng 10 năm Tân Tỵ (1941). Kế nhiệm sư thúc Hòa thượng Hoằng Chỉnh, Ngài đã biến chùa Phước Hậu thành một Tổ đình hưng thịnh.

Năm 1945, ngài nhập thất tại chùa Phước Hậu, để nghiên cứu Tam Tạng Kinh điển. Từ đó đến năm 1955, ngài soạn thảo và phiên dịch nhiều tác phẩm.

Năm 1955, Hội Phật học Nam Việt thành lập, cung thỉnh Ngài vào ban chứng minh Đạo sư. Ngày 31 tháng 3 năm 1957; Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt kỳ III tại chùa Ấn Quang, đã suy tôn ngài lên ngôi Pháp chủ để lãnh đạo Phật giáo Miền Nam Việt Nam; kế nối Hòa thượng Huệ Quang viên tịch tại Tân Đề Li giữa lúc Hòa thượng lãnh đạo phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi dự hội nghị lần thứ IV của Hội thế giới Phật giáo liên hữu.

Ngày 10 tháng 9 năm 1959, Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc kỳ II tại chùa Ấn Quang đã long trọng suy tôn Ngài lên ngôi vị Thượng thủ để lãnh đạo vận mệnh Phật giáo Việt Nam.

Năm 1961, Ngài về thăm chùa Phước Hậu, sau đó Ngài trở lại thăm chùa Long An – nơi mà Ngài trụ trì từ năm 1931, Ngài đã an nhiên thị tịch lúc 16 giờ ngày 30 tháng giêng năm Tân Sửu (16-4-1961). Thọ 66 tuổi.

Giáo hội Tăng già toàn quốc rước kim quan về chùa Ấn Quang cử hành trọng thể lễ mai táng tại An dưỡng địa Bình Chánh. Đến ngày 15 tháng 2 năm Đinh Mùi (25/3/1967) Giáo hội PGVN TN long trọng cử hành lễ Trà tỳ rồi rước linh cốt ngài về chùa Ấn Quang chia thờ các nơi sau đây:

–    Chùa Ấn Quang – trụ sở Giáo hội Tăng già toàn quốc.

–    Chùa Long Phước – Trà Vinh, trụ sở Hội Lưỡng Xuyên Phật học.

–    Tháp Đa Bảo – chùa Phước Hậu – Trà Ôn – Vĩnh Long.

–    Chùa Từ Nghiêm: trụ sở Ni Bộ Bắc Tông

–    Chùa Long Phước: trụ sở Giáo hội tỉnh Vĩnh Long.

Sự nghiệp trước tác và dịch phẩm của Ngài gồm:

–       Hoa Nghiêm nguyên nhân luận

–       Nhị khóa hiệp giải

–       25 bài thuyết pháp của Thái Hư Đại sư

–       Tại gia cư sĩ luật

–       Duy thức triết học

–       Quy nguyên trực chỉ

–       Khánh Anh văn sao 4 tập

–       Tỳ ni chú giải

–       Cảnh sách chú giải

–       Sa di chú giải

–       Di Lặc há sinh

–       Long hoa tam hội nguyện tương phùng

Về Hòa thượng Khánh Anh, xin được trích nhận xét của Giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận: “Thiền sư Khánh Anh là một vị cao tăng bác học. Sự nghiệp, đạo hạnh và văn hóa của ông là một viên đá lớn trong ngôi nhà Phật học Việt Nam”.

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ HẢI

(1876 – 1950)

Tục danh ngài là Nguyễn Trọng Khải, sinh năm 1876 tại Tuy Phước, Bình Định. Năm 1907, đậu Tú tài Nho học và năm 34 tuổi – 1910 lại đậu Tú tài Nho học một lần nữa. Ngài xuất gia tu học năm 1919 tại chùa Thạch Sơn xã Nghĩa Phú huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, được Bổn sư Hòa thượng Hoằng Thạc ban cho pháp danh là Chơn Giám tự Đạo Quang.

Năm ngài 45 tuổi (1921) đắc pháp với Hòa thượng Hoằng Thạc tại chùa Thạch Sơn và được ban pháp hiệu là Trí Hải.

Khi Hòa thượng Khánh Hòa từ chức phó hội trưởng Nam kỳ nghiên cứu Phật học và chủ bút tạp chí Từ Bi Âm ở số 45 để về Trà Vinh cùng Hòa thượng Huệ Quang và Khánh Anh mưu tìm con đường mới năm 1933, thì Hòa thượng Trí Hải được mời giữ chức chủ bút Từ Bi Âm.

Ngài đã sáng tác các sách sau đây bằng chữ Hán:

–      Liên tông thập niên ý lãm

–      Tịnh độ huyền cảnh

–      Tây song ký

–      Tích lạc văn

Ngài đã sáng tác nhiều sách bằng chữ Nôm:

–      Quy sơn cảnh sách

–      Mông sơn thí thực khoa nghi.

Đây là 2 tác phẩm nổi tiếng hơn cả. Văn Nôm của ngài rất chỉnh đốn.

Trong các tập san Từ Bi Âm và Tam Bảo, ngài còn viết nhiều bài Phật pháp bằng thơ lục bát.

Năm 1938, ngài được mời về làm giáo sư tại Phật học đường Long Khánh ở Quy Nhơn.

Ngài viên tịch năm 1950, tại chùa Bích Liên; nời ngài đã khai sơn. Hưởng thọ 74 tuổi.

Nhờ sự hợp tác và lãnh đạo của Hòa thượng Trí Hải mà tập san Từ Bi Âm thực hiện được vai trò hoằng pháp đáng kể trong suốt 10 năm trời đã làm được công việc phổ thông hóa Phật học bằng quốc ngữ.

THÁNH TỬ ĐẠO

ĐẠI ĐỨC THÍCH HẠNH ĐỨC

(1948 – 1967)

 

Thầy Thích Hạnh Đức, thế danh là Trần Văn Minh, sinh ngày mùng 2 tháng 3 năm Mậu Tý (10/4/1948) tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 6 năm Kỷ Hợi – 1959, thầy xuất gia quy y Hòa thượng Thích Huyền Đạt tại chùa Viên Giác được bổn sư cho pháp danh Thị Hoàng.

Đến năm 1965, theo nhu cầu tiến hóa của người tu sĩ Phật-giáo nên thầy Thích Hạnh Đức đã được Bổn sư gởi về trú xứ tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi để theo học ngoại điển tại Trường Trung học Bồ Đề.

Năm Bính Ngọ-1966, thầy thọ Sa di giới tại Giới đàn chùa Hội Phước tỉnh Quảng Ngãi do Hòa thượng Thích Huyền Tế làm Đàn đầu. Thầy được bổn sư ban pháp tự là Hạnh Đức, pháp hiệu Giác Bình (có tài liệu viết là Thanh Bình). Từ đây, việc tu học và trình độ nhận thức của Thầy nhanh chóng tiến triển, đã trở thành kỳ vọng của Bổn sư cùng các vị tôn túc trong Giáo hội tỉnh Quảng Ngãi.

Thời gian này, Thầy bắt đầu nhìn thấy vết rạn nứt trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trầm trọng khiến Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo phải tạm lánh Việt Nam Quốc Tự của mình về đặt trụ sở tạm tại chùa Ấn Quang.

Để hợp pháp hóa “Giáo hội Việt Nam Quốc tự”, chính quyền đương thời ban Sắc Luật 23/67 nhằm mục đích phân hóa và suy yếu Phật giáo Việt Nam.

Ngày 11-9-1967, đức Tăng Thống triệu tập các hệ phái Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964 và thành lập Uỷ ban Bảo vệ Hiến chương. Ngày 14/9, Viện Tăng thống, Viện Hóa đạo gởi kiến nghị có 51 chữ ký của các tỉnh lên Tướng Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu hủy bỏ Sắc Luật 23/67. Nhưng yêu cầu này không được giải quyết, thế là cuộc đấu tranh chống Pháp nạn lại tiếp tục xảy ra.

Tại Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 10 năm 1967 thầy Hạnh Đức – Giác Bình đã hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ Hiến Chương Giáo hội với ngọn đuốc rực sáng trước cổng tam quan chùa Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ngãi khi vừa tròn 19 tuổi, có 9 năm trau dồi đạo hạnh.

Ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phong Thánh Tử Đạo đầu tiên tại Quảng Ngãi.

DANH MỤC THAM KHẢO

 

  1. Dương Văn An – Châu Ô Cận Lục – NXB KHXH-H-1997
  2. Maxpero – Vương Quốc Chăm – NXB Bruyxe – Paris – 1928 (Bản dịch Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học)
  3. Đại Nam Nhất Thống Chí – NXB KHXH-H-1970
  4. Lê Quý Đôn-Phủ Biên Tạp Lục – Bản dịch Lê Xuân Giáo – Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa – Sài Gòn – 1972
  5. Địa giới hành chính Việt Nam đời Nguyễn 1802-1884 – Vụ Biên giới hành chính – Bộ Nội Vụ – Phần tỉnh Quảng Ngãi
  6. Li-ta-na: Xứ Đàng Trong – NXB Trẻ TP HCM – 1999
  7. Nguyễn Văn Mạnh – Văn hóa làng và làng văn hóa Quảng Ngãi – NXB Thuận Hóa – Huế 1999
  8. Quảng Ngãi Tỉnh Chí – Tạp chí Nam Phong – 1933 – Bản đánh máy thư viện KHXH
  9. Huỳnh Lừa – Nghiên cứu lịch sử số 3-5-6 năm 1998

10. Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh – Lịch sử Việt Nam tập 1 – NXB Giáo Dục-H-1997

11. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi – Quảng Ngãi-Đất nước-Con người-Văn hóa – 1998

12. Đào Duy Anh – Đất nước Việt Nam qua các đời – NXB Huế – 1996

13. Nguyễn Trãi toàn tập – Phần địa dư chí – NXB KHXH-H-1976

  1. Ngô Sĩ Liên và các tác giả – Đại Việt sử ký toàn thư – tập 11 – NXB Hà Nội – 1971

15. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn – Khâm định Việt sử thông giám cương mục-tập 1-NXB Giáo Dục-H-1998

16. Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỷ – Đại Việt địa dư toàn biên – Viện Sử học-H-1997

17. Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí – NXB Viện Sử học-H-1960.

18. Phan Khoan – Việt sử xứ Đàng trong – NXB Khai Trí – Sài Gòn – 1970

19. Tổ đình Thiên Ấn – Lược sử Tổ đình Thiên Ấn – Nhà in Thanh Bình-Quảng Ngãi – 1961

20. Nguyễn Hiền Đức – Lịch sử Phật giáo Đàng trong – NXB TP HCM – 1995

21. Nguyễn Lang – Việt Nam Phật giáo sử luận – tái bản lần 2 – San JoseCA – USA – 1993

22. Thích Đại Sán – Hải ngoại ký sự – Viện Đại học Huế – 1963

23. Lê Mạnh Thát – Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài – NXB TP HCM – 2005

24. Lê Mạnh Thát – Minh Châu Hương Hải toàn tập – NXB TP HCM – 2000

25. Thích Mật Thể – Việt Nam Phật giáo sử lược – NXB Tôn Giáo – 2004

26. Phật tử Khánh Anh – Khánh Anh văn sao – Nhà in Thạnh Mậu – 1952

27. Thích Đồng Bổn – Tiểu sử Danh tăng Việt Nam 1&2 – NXB TP HCM – 1996

28. Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng – Lược sử những ngôi chùa tỉnh Lâm Đồng – NXB Tôn Giáo – 2008

29. Nguyễn Đình Chúc – Huệ Nguyễn – Lược sử Phật giáo và các ngôi chùa Phú Yên – NXB Thuận Hóa – 1999

30. Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang – Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa – NXB TP HCM – 2002

31. Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy Văn hóa dân tộc – Văn hiến Quảng Ngãi truyền thống và hiện đại – NXB Văn Hóa Dân Tộc – 2006

32. Thích Nhất Hạnh – Đạo Phật hiện đại hóa – NXB Văn Hóa Thông Tin – 2008

33. GS TS Trần Ngọc Thêm – Cơ sở văn hóa Việt Nam – NXB KHXH-H-1997

34. Phan Ngọc – Bản sắc văn hóa Việt Nam – NXB Văn Học-H-20

35. Minh Không – Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam – NXB KHXH – 2003

36. Nguyễn Đăng Thục – Thiền học Việt Nam – NXB Thuận Hóa – 1997

37. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại – NXB TP HCM – 2001

38. Thích Như Tịnh – Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng – NXB Tôn Giáo – 2008

39. Thích Như Tịnh – Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh – NXB Phương Đông – 2009

40. Thích Như Nghĩa – Sơ lược lịch sử chư Tổ Tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn Quảng Ngãi. Lưu hành nội bộ – 2003

41. Quốc sử giám triều Nguyễn – Đại Nam liệt truyện – NXB Giáo Dục – 2002

42. Quốc sử giám triều Nguyễn – Quốc triều chính biên toát yếu – NXB Thuận Hóa – 1998

43. Trần Văn Giáp – Phật giáo Việt Nam – Tuệ Sĩ dịch – Ban tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh – 1968

44. Đức Nhuận – Đạo Phật và dòng sử Việt – NXB Phương Đông – 2009

45. Thích Nữ Huệ Như – Tổ đình Thiên Ấn … Luận văn cử nhân Phật học – 2005

 

KHẢO SÁT ĐIỀN DÃ

–   Huế: chùa Từ Đàm, chùa Kim Sơn

–   Quảng Nam: chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Viên Giác

–   Bình Định: chùa Thiên Hòa, chùa Thập Tháp, chùa Minh Tịnh

–   Phú Yên: chùa Từ Quang

–   Phan Thiết: chùa Phật Quang

–   TP Hồ Chí Minh: chùa Viên Quang, chùa Khánh Vân, chùa Liên Hoa

–   Trà Vinh: chùa Lưỡng Xuyên, chùa Long Phước

–   Vĩnh Long: chùa Phước Hậu, chùa Đồng Đế

 

 

 

 

PHƯƠNG DANH CHƯ TĂNG NI, QUÝ BAN HỘ TỰ  ỦNG HỘ BAN VĂN HÓA                  (SƯU TẬP TƯ LIỆU,VIẾT BẢN THẢO VỀ LỊCH SỬ CÁC NGÔI CHÙA TẠI Q.NGÃI)

TT   PHƯƠNG DANH ĐỊA  CHỈ SỐ TIỀN GHI CHÚ
 01 HT Thích Hạnh Lạc Chùa Pháp Hóa-tp QN

1.000.000

 02 TT Thích Trí Thắng Chùa Hoa Nghiêm-tpQN

   500.000

 03 SC Thich nữ Trí Liên Chùa Phổ Hiền –tp Q.N

1.000.000

 04 ĐĐ Thích ng. Toàn  Chùa Diệu Giac-B.Sơn

1.000.000

 05 SC  Thông Tuệ Giáo thọ tr TCPH QN

   200.000

 06 ĐĐ Hạnh Nhân Chùa Trung Hòa-M.Đức

   500.000

 07 SC Đồng Kim Giao thọ tr TCPH Q.N

   200.000

 08 TT Thích Thông Hội Chùa Từ Quang –tpQN

   500.000

 09 TT Thích Trừng Nghị Chùa Phước Lộc –tp QN

   200.000

 10 SC  Liên Uyên Chùa Phổ Quang-tpQN

2.000.000

 11 HT Thích An Tường Chùa Thiên Bút-tpQN

   200000

 12 NS TN Hạnh Chơn Chùa Viên Quang-QN

   100.000

 13 ĐĐ Thích Hạnh Trí Chùa Yên Phú-tpQN

   500.000

 14 ĐĐ Thiện Tường Chùa Thạch Phổ-tpQN

   200.000

 15 NS Hạnh Thuận Chùa Nam Lộ-tp Q.N

   200.000

 16 NS Hạnh Toàn Chùa Tịnh Nghiêm QN

   500.000

 17 SC Thuần Liên Chùa  Thiện Đức-tp QN

   200.000

 18 ĐĐ Giai Cầu Chùa Thọ Sơn-Tư Nghĩa

   500.000

 19 ĐĐ An Sự Chùa Hưng An-Tư Nghĩa

   300.000

 20 NS Hạnh Hòa Chùa Phổ Thiện

   200.000

 21 NS Phát Liên Tịnh Xá Ngọc Quảng

   500.000

 22 ĐĐ Hạnh Bửu Chùa Thiên Sanh-Tnghĩa

   300.000

 23 ĐĐ Giac Châu Tịnh xá Ngọc Nghĩa

   300.000

 24 ĐĐ Như Tiến Chùa  Hoa Sơn-Tnghĩa

2.000.000

 25 ĐĐ Giải Phước Chùa Từ Quang- tp QN

   200.000

 26 NS Diệu Nhơn Chùa Phổ Tịnh

   100.000

 27 Ban hộ tự Chúa Thiên Sơn-Tnghĩa

   200.000

 28 HT Thích An Điền Chùa Từ Nghiêm- T N

   200.000

 29 NS Huệ Định Chùa  Vạn Bửu

   300.000

30 HT Viên Hoàng Chùa Linh  Văn-Mộ Đức

   200.000

31 SC  Thiền  Vi Chùa  Khánh Long-MĐ

   200.000

32 SC Chánh Định Chùa  Bồ Đề-MĐ

   200.000

33 SC Kỳ Viên Chùa  Kỳ Viên-M Đ

   200.000

34 SC Nguyên Thuận Chùa  Long Vân-TN

   200.000

35 NS  Hạnh Viên Chùa Tịnh Nghiêm-TN

   200.000

36 TT Hạnh Trình Tổ Đình Thiên Ấn

   500.000

36B CS Trung Anh P.tử TĐ Thiên Ấn

   100.000

37 TT Hạnh Trình Chùa Bảo Linh-tpQN

   100.000

38 TT Giải  Liên Chùa Tích Sơn-STịnh

   200.000

39 TT Hạnh Niệm Chùa Long Sơn-ST

   200.000

40 SC Huệ Ân Chùa Đông Quang-ST

   100.000

41 ĐĐ Thi  Văn Chùa Phú Hòa –ST

   200.000

42 Cs Trung Tấn Chùa Phước An-B.Sơn

    100.000

43 Ban hộ tự Chùa Long Sơn-BS

    500.000

+đđ Q.Thiệ
44 SC Tâm Huệ Chùa Tường Quang-ST

    100.000

45 SC Huệ Hạnh Chùa Long Hoa –ST

    100.000

46 SC Nguyên Hạnh Niệm pđ Mỹ Yên-ST

       50.000

47 TT  Nguyên Mẫn Phước Ấn  tự-ST

    500.000

48 SC Huệ Liên Chùa Nghĩa Hiệp-TN

    100.000

49 SC Đồng Nguyện Chùa Kiến Khương MĐ

    100.000

50 SC Chơn Nguyên Chùa Quang Hiển-MĐ

    550.000

+ni chúng
51 ĐĐ Hạnh Từ Chùa Kim Long-BS

    500.000

52 TT Trí Lương Chùa Hội Phước-tpQN

    200.000

53 Cs Nguyễn đức Lý Chùa Bảo Quang-MĐ

    500.000

54 ĐĐ Tâm Lạc Chùa Kim Long-Đ.Phổ

    200.000

55 TT Trừng Vinh Chùa Phước Lâm-ĐP

    500.000

56 TN Chơn Hỷ Chùa Tú Sơn-MĐ

    160.000

57 ĐĐ Từ Hải Chùa Từ Quang-MĐ

    200.000

58 HT Thích Huệ Đạt  Sắc Tứ La Hà-TN

    400.000

59 Cs Thượng văn Huệ Chùa Phổ Huy- TN

    300.000

60 TT An Huy  TĐ Thiên Phước-MĐ

    200.000

61 ĐĐ Giai Thăng Chùa Phước Long-MĐ

    100.000

62 Ban hộ tự Chùa Quảng Đức-MĐ

       50.000

63 ĐĐ Nguyên Bảo Chùa PhướcSơn-MĐ

    100.000

64 Ban hộ tự Chùa Thủy Long-MĐ

     100.000

65 Ban hộ tự Chùa Kiến khươngMĐ

     100.000

66 Ban hộ tự Chùa Chung Sơn-MĐ

        50.000

67 Ban hộ tự Chùa Bồ Đề -MĐ

     200.000

68 Ban hộ tự Chùa Năng An-MĐ

     200.000

69 Ban hộ tự Chùa Văn Bân-MĐ

        50.000

70 Ban hộ tự Chùa Vạn Phước-MĐ

        50.000

71 Ban hộ tự Chùa Đức Thọ-MĐ

        50.000

72 Ban hộ tự Chùa Khánh Long-MĐ

     100.000

73 Ban hộ tự Chùa Tú Sơn-MĐ

        50.000

74 Ban hộ tự Chùa Linh Quang-S.T

        50.000

75 Ban hộ tự Chùa Diêm Điền-ST

        50.000

76 Ban hộ tự Chùa Long Bàn-ST

        50.000

77 Ban hộ tự Chùa Thọ Lộc-ST

        50.000

78 Ban hộ tự Chùa Phú Mỹ-ST

        50.000

79 Ban hộ tự chùaNgọc Thạch-ST

        50.000

80 Ban hộ tự Chùa Châu Quang-ST

        50.000

81 Ban hộ tự Chùa Thế Long-ST

        50.000

82 Ban hộ tự Chùa Hồng Quang-NH

      100.000

83 Đ Đ Thông Thiền Chùa Bửu Liên-NHành

       100.000

84 Ban hộ tự Chùa Hành Trung-NH

         50.000

85 CS Võ duy Đạt chùaBửu Khánh-NH

       100.000

86 ĐĐ Thích Quảng Sự Ban hộ tự Bửu Khánh, Bửu Lâm, Quang Bửu – N.Hành

50.000

+100000

+250.000

87 Ban hộ tự Chùa Đào Lâm –Đ.Phổ

    50.000

88 ĐĐ Trừng Thanh Chùa Hải Châu-ĐP

       100.000

89 Ban hộ tự Chùa Thiên Phước-ĐP

       100.000

90 Ban hộ tự Chùa Kim Sơn-ĐP

         50.000

91 Ban hộ tự Chùa An Sơn-ĐP

       100.000

92 Ban hộ tự Chùa Đông Sơn-ĐP

       100.000

93 Ban hộ tự Chùa Kim Quang –ĐP

      100.000

94 Ban hộ tự Chùa Bửu châu-ĐP

         50.000

95 Ban hộ tự Chùa Long Thiện-ĐP

         50.000

96 SC Trung Hiệp Chùa Đức Long-ĐP

       200.000

97  Ban hộ tự Chùa Long Khánh-BS

       100.000

98 Ban hộ tự Chùa Phước An-BS

       200.000

99 Ban hộ tự Chùa Linh Tiên-BS

       300.000

99b Cs .Tuýết+Thiểm+ Đông+Tới Chùa Linh Tiên-BS

       100.000

+150.000

100 Ban hộ tự Chùa Phước Thiện-BS

       300.000

101 ĐĐ Thích Liên Đạt Chùa Xuân Quang-BS

       200.000

102 ĐĐ  Hạnh Trung Chùa Bửu Phước-BS

       200.000

103 ĐĐ Viên Đạt Chùa Thiện Giác-BS

       200.000

104 ĐĐ Hạnh Phát Chùa Phú Liên-BS

       200.000

105 Ban hộ tự Chùa Kim Long-BS

       200.000

106 Ban hộ tự Chùa Phước Lâm-BS

       200.000

107 Ban hộ tự Chùa Long Khánh –BS

       200.000

108 Ban hộ tự Chùa Từ Lâm-BS

       200.000

109 Ban hộ tự Chùa Long Bàn-BS

       100.000

110 Ban hộ tự Chùa Tiên  Ba-BS

       200.000

111 Ban hộ tự Chùa An Hòa-BS

       100.000

112 Ban hộ tự Chùa Tân Mỹ-BS

         50.000

113 Ban hộ tư Chùa Hải Quang-BS

       100.000

114 TT Viên Đạo Chùa Viên Phước-BS

       100.000

115 TT Chánh Hương Chùa  Quang Lộc-BS

       100.000

116 Ban hộ tự Chùa Bửu Hòa-BS

       100.000

117 Ban hộ tự Chùa Phước Minh-BS

         50.000

118 Ban hộ tự Chùa Liên Ba-BS

       100.000

119 Ban hộ tự Chùa Bảo Sơn-BS

       100.000

Ban Văn Hóa PHẬT GIÁO Quảng Ngãi xin trân trọng tri ân sự hổ trợ kịp thời của chư Tôn  Đức tăng ni, quý ban hộ tự, quí cư sĩ phật tử nên bản sơ thảo quyển “ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VÀ CÁC NGÔI CHÙA QUẢNG NGÃI “ hoàn thành đúng tiến độ

Xin hồi hướng công đức nầy lên mười phương CHƯ PHẬT

NAM MÔ CÔNG  ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.

DANH MỤC ĐIỆN THOẠI LIÊN HỆ CÁC CHÙA TRONG TỈNH QUẢNG NGÃI

HUYỆN BÌNH SƠN

TT

CHÙA

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

THÔN, TỔ

SƯ TRỤ TRÌ,

TÊN ĐẠO HỮU BHT

SỐ

ĐIỆN THOẠI

Thị Trấn Châu Ổ

1

Chùa Đông Phú Tổ dân phố 1

2

Chùa Long Sơn Tổ dân phố 2 055.35154140935352797

3

Chùa Xuân Quang Tổ dân phố 2 Đại đức Thích Liên Đạt 0914103959

4

Chùa Thiện Giác

5

Chùa Từ Vân
Xã Bình Chương
1 Chùa Long Bàng Thôn Ngọc Trì    
2 Chùa Long Khánh Thôn An Điềm 2  
3 Chùa Phước Minh Thôn Nam Thuận  
Xã Bình Dương
1 Chùa Đông Mỹ Thôn Đông Yên 055.3510511 01275833046
2 Chùa Minh Sơn Thôn Mỹ Huệ 055.3605451
Xã Bình Đông
1 Chùa Linh Tiên Thôn Tân Hy 0125451678501679026256
Xã Bình Hải
1 Chùa Phước Thiện Thôn Phước Thiện Phạm Thanh Dũng 01699646826
2 Chùa Thanh Thủy Thôn Thanh Thủy Nguyễn Phương Sanh 098928611001664220238
3 Chùa Hải Quang Thôn An Cường 055.3610226
Xã Bình Hiệp
1 Chùa Liên Quang Thôn Liên Trì  
2 Chùa Phước An Thôn Xuân Yên Tâm Liên 01664288949
3 Chùa Xuân Quang Thôn Xuân Yên Lê Phú Hữu 01665708009
Xã Bình Hòa
1 Chùa Quang Lộc Thôn 3 0977402087
2 Niệm Phật đườngAn Khương Thôn Nam An 0909774818
Xã Bình Long
1 Chùa Long Khánh

Thôn Long Yên

 
Xã Bình Minh
1 Chùa Đức Lâm Thôn Mỹ Long    
2 Chùa Bảo Sơn Thôn Lộc Thanh 01673805725
Xã Bình Mỹ
1 Chùa An Hòa Thôn An Phong Cư sĩ Chung Quang Lang 055.3520317
2 Chùa Bửu Hòa Thôn An Phong Lê Thanh SơnChung Quang Hùng 0987662145201655410039
3 Chùa Tân Mỹ Thôn An Phong Cư sĩ Đinh Minh Trân (Thư ký) 0987370206
4 Chùa Phước Sơn Thôn Phước Tích 0986411562
5 Chùa Kim Long Thôn Thạch An  
Xã Bình Nguyên
1 Chùa Sắc Tứ Tây Thiên Thôn Châu Tử    
2 Chùa Phước Sơn Am Thôn Châu Tử   055. 2464791
3 Chùa Long Tuyền Thôn Trì Bình Phạm Đức HiếuNguyễn Tài Tùng: 0166662189801658675198
4 Chùa Phước Bình Thôn Phước Bình    
Xã Bình Phước
1 Chùa An Phước Thôn Phước Thọ 1 01665200035
Xã Bình Thanh Tây
1 Chùa Bửu Phước Thôn Phước Hòa 0975979269
2 Chùa Quang Phước Thôn Phước Hòa 01687495359
Xã Bình Thạnh
1 Chùa Từ Lâm Thôn Trung An,    
Xã Bình Thới
1 Sắctứ Tổ đìnhViên Quang Thôn An Châu 055.3830030
Xã Bình Thuận
1 Chùa Phước Lâm Thôn Thuận Phước 0935725420
Xã Bình Trị
1 Chùa Viên Phước Thôn Phước Hòa 0905012882
Xã Bình Trung
1 Chùa Sắc Tứ Diệu Giác Thôn Phú Lộc
2 Chùa Liên Ba Thôn Phú Lễ 055.3510497055.6276229
3 Chùa Phú Hưng Thôn Phú Lễ 0905483162
4 Chùa Phú Liên Thôn Phú Lễ 01657504180
5 Chùa Phú Sơn Thôn Phú Lễ Trần Kim Đa 0935243507
6 Chùa Tiên Ba Thôn Tiên Đào 01688405079
7 Chùa Ngọc Tiên Thôn Tiên Đào

 

HUYỆN SƠN TỊNH

TT

CHÙA

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

THÔN, TỔ

SƯ TRỤ TRÌ,

TÊN ĐẠO HỮU BHT

SỐ

ĐIỆN THOẠI

Thị Trấn Sơn Tịnh

1

Sắc tứ Tổ đìnhThiên Ấn  

2

Chùa An Bường Thôn Liên Hiệp 2 055.3671468

3

Chùa Kim Tân Thôn Liên Hiệp 1 055.3672433

4

Chùa Long Sơn Thôn Liên Hiệp 2 055.3671015

5

Chùa Long Thọ Trường Thọ Tây

6

Chùa Mỹ Long Trường Thọ Đông

7

Chùa Phú Long Thôn Liên Hiệp 1 055.3674409

8

Chùa Phú Ninh Thôn Quyết Thắng

9

Chùa Phước Ấn Trường Thọ Tây 055.3670018

10

Chùa Trúc Lâm Thôn Liên Hiệp 1

11

Niệm Phật ĐườngXóm Đồng Trường Thọ Tây
Xã Tịnh An
1 Chùa Long Bàn Thôn Long Bàn   055.3671463
2 Chùa Ngọc Thạch Thôn Ngọc Thạch 055.3671633
3 Chùa Từ Ân Thôn An Phú 055.3676151
Xã Tịnh Ấn Tây
1 Chùa Đông Quang Thôn Thống Nhất  
2 Chùa Linh Quang Thôn Độc Lập
3 Chùa Phú Hòa Thôn Phú Hoà 0979270408
4 Tịnh thất Phước Quang Thôn Độc Lập 055.38416500919551927
Xã Tịnh Ấn Đông
1 Chùa Phú Mỹ Thôn Bình Đẳng  
2 Chùa Thanh Sơn Thôn Đoàn Kết  
3 Chùa Trà Sơn Thôn Hạnh Phúc  
Xã Tịnh Bình
1 Chùa Châu Quang Thôn Bình Bắc 055.3844103
Xã Tịnh Châu
1 Chùa Bửu Châu Thị tứ Châu Sa  
2 Chùa Sơn Châu Thôn Mỹ Lộc  
Xã Tịnh Giang
1 Chùa Kim Liên Thôn An Hòa 055.3844488
Xã Tịnh Hà
1 Chùa Hòa Long Thôn Hà Trung  
2 Chùa Kim Long Thôn Ngân Giang  
3 Chùa Long Hoa Hà Nhai Nam 055.3675537
4 Chùa Mỹ Quang Thôn Thọ Lộc Bắc 01687834764
5 Chùa Pháp Hoa Thôn Lâm Lộc 055.3841138
6 Chùa Phổ Thạnh Thôn Ngân Giang  
7 Chùa Thọ Lộc Thôn Thọ Lộc 055.650815101685102374
8 Chùa Trường Xuân Thôn Trường Xuân  
9 Chùa Tường Quang Hà Nhai Nam  
Xã Tịnh Hòa
1 Chùa Diêm Điền Thôn Diêm Điền Phó ban Đinh Tấn Hóa 01668832709
Xã Tịnh Khê
1 Chùa Bửu Lâm Thôn Khê Ba  
Xã Tịnh Long
1 Chùa Giác Lâm Thôn Gia Hòa   055.38154510905202076
2 Chùa Tích Sơn Thôn An Lộc    
Xã Tịnh Phong
1 Chùa Phong Thạnh Phong Niên Thượng  
2 Chùa Thế Long Thôn Thế Long  
Xã Tịnh Sơn
1 Chùa Long Quang Phước Lộc Tây 055.3682197
Xã Tịnh Thọ
1 Chùa Kim Phú Thôn Thọ Bắc    

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

TT

CHÙA

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

THÔN, TỔ

SƯ TRỤ TRÌ,

TÊN ĐẠO HỮU BHT

SỐ

ĐIỆN THOẠI

Phường Chánh Lộ

1

Chùa Huệ Ân Tổ 19 055.3827386

2

Tịnh xá Ngọc Nghĩa 25 Võ Thị Sáu, Tổ 8. 055.3829344

3

Chùa Phổ Tịnh Tổ 20. 055.3829497

4

Chùa Từ Quang 960BquangTrung,Tổ 17. 055.2221239
Phường Lê Hồng Phong
1 Chùa Bảo Linh Tổ 8. 055.3815451
2 Chùa Long An Tổ 10. 055.6286768
3 Chùa Phước Lộc 166 Hai Bà Trưng, Tổ 11 055.3824985
Phường Nghĩa Chánh
1 Chùa Hội Phước Tổ 8 .  
2 Chùa Phước Điền Tổ 3.
3 Chùa Thiên Bút 937 Quang Trung 055.3830030
Phường Nghĩa Lộ
1 Chùa Bửu Thắng Tổ 3. 055.3828159
2 Chùa Hoa Nghiêm Nguyễn Công Phương 055.3823253
3 Chùa Kim Lăng Tổ 7. 055.3813174
4 Chùa Long Hoa 280 Nguyễn Công Phương, Tổ 16. 055.3712579
5 Chùa Phổ Hiền Tổ 5. 055.3824910
6 Chùa Phú Thiện Tổ 2 055.3810954
7 Chùa Từ Quang 36 Lê Văn Sỹ 055.3822465
8 Chùa Yên Phú 10 Trần Quang Diệu,  Tổ 17 055.3826845
Phường Nguyễn Nghiêm
1 Chùa Nam Lộ 726/2 Nguyễn Nghiêm, Tổ 6 055.3710596
2 Tịnh xá Ngọc Quảng 364 Nguyễn Nghiêm,   Tổ 10 055.3821061
Phường Quảng Phú
1 Chùa Phổ Quang Hẻm 391 Nguyễn Trãi, Tổ 7 055.3810358
2 Chùa Thạch Phổ Tổ 25. 055.3813285
3 Chùa Viên Quang Tổ 22. 055.3810210
Phường Trần Hưng Đạo
1 Chùa Long Tiên Tổ 7.  
Phường Trần Phú
1 Chùa Pháp Hoá – Trụ sở BTS PG Tỉnh Quảng Ngãi 334 Trần Hưng Đạo, Tổ 2 055.3825278
2 Chùa Tịnh Nghiêm Hẻm 10 Nguyễn Thuỵ, Tổ 055.3822059
3 Chùa Trung An Tổ 24 055.6286204
Xã Nghĩa Dõng
1 Chùa Bửu Tiên Thôn 3    
2 Chùa Hưng Long Thôn 1    
3 Chùa Phổ Minh Thôn 1    
Xã Nghĩa Dũng
1 Chùa Liên Bửu Thôn 2 0905495141

HUYỆN TƯ NGHĨA

TT

CHÙA

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

THÔN, TỔ

SƯ TRỤ TRÌ,

TÊN ĐẠO HỮU BHT

SỐ

ĐIỆN THOẠI

 

1

 

2

 

3

4

 

5

6

7

8

9

10

11

xã Nghĩa Mỹ
1 Chùa Bửu Phương thôn Phú Mỹ Đại đức Thích Long Văn 0935913523 
2  
3  
xã Nghĩa Phương
1 Chùa An Long Đội 2, thôn An Đại Thích Nữ Liên Trang 055.39294776
2 Chùa An Thanh khối 2, Thị trấn Sông Vệ Thích Hạnh Quả 0942272979
3
4
 xã Nghĩa Điền
1 Chùa Chánh An Đội 6, thôn Điền Chánh Thích Giải Thiện 055.3918137
2  
3  
 
1  
 
1  
2  
 
1  
xã Nghĩa Thương
1 Chùa Sắc tứ An Long Đội 8, thôn La Hà Thích Huệ Đạt 055.3845104
2 Chùa Bửu Minh Tổ 3, thôn Điện An, Thích Giải Chương 055.3910664 
3 Chùa Cảnh Tiên Đội 4, thôn 2 Vạn An 0909218483
4  
5  
6  
7  
8  
9  
xã Nghĩa Trung
1 Sắc tứ Liên Tôn thôn An Hà Thích nữ Hạnh Tường 055.391595