LƯỢC SỬ:

CHÙA SẮC TỨ LIÊN TÔN ( chùa Hoàng Long )

                                                                                                                Lê Vinh Bổn

 

Chùa Sắc tứ Liên Tôn (Ảnh: VB)

            Chùa Sắc tứ Liên Tôn nguyên xưa là chùa Sắc tứ Hoàng Long toạ lạc tại khu rừng Vá, nay thuộc Đội 6, thôn An Hà, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Sắc tứ Hoàng Long do Thiền sư Minh Dung – Thành Chí – Pháp Thông biệt hiệu là Thành Thông khai sơn vào đời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, Canh Tuất – 1670. Thiền sư từ Trung Hoa sang phủ Qui Ninh (Bình Định) cùng với Thiền sư Siêu Bạch – Hoán Bích – Thọ Tông Tạ Nguyên Thiều vào năm 1665. Theo kệ truyền thừa (Hành Siêu Minh Thiệt tế), Thiền sư Minh Dung là đời thứ 34 đứng sau Thiền sư Siêu Bạch – Hoán Bích một thế hệ thuộc dòng Lâm Tế Vạn Phong – Thời Ủy, đã được Thiền sư Siêu Bạch – Nguyên Thiều nâng đỡ, đặt vào công tác hành đạo tại các chùa Quốc Ân, Hà Trung (Thừa Thiên Huế), Thập Tháp (Bình Định),…

Hiện chưa có đủ tài liệu khảo chứng để xác định năm cải tên Sắc tứ Hoàng Long Tự thành Sắc tứ Liên Tôn Tự.

Thiền sư Minh Dung sinh vào giờ Thìn ngày 20 tháng 7 năm Tân Mùi – 1631, khi  viên tịch được đệ tử là Thiền sư Thiệt Giám – Trí Quang lập Long vị thờ Ngài vào năm 1749 vẫn ghi là Sắc tứ Hoàng Long. Trong văn bản Hán Nôm ngày 27 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 15-1754 về việc Thiền sư Trí Quang, thế danh Huỳnh Thế Chất mua ruộng cho chùa thì ghi là Sắc tứ Liên Tôn Tự.

 

Long vị HT Minh Dung- Pháp Thông                           Long vị HT Thiệt Giám-Trí Quang

(Tại chùa Sắc tứ Liên Tôn) (Ảnh: VB)                (Tại chùa Sắc tứ Phước Quang (Ảnh: VB)

 

Sau khi khai sơn chùa Hoàng Long, Thiền sư Minh Dung đã từng giúp cho các Chúa Nguyễn trong việc trấn an, ngăn ngừa trộm cướp và giúp cho địa phương Quảng Ngãi phát triển về nông nghiệp, dẫn thuỷ nhập điền…

Đến năm Vĩnh Thạnh thứ I – 1706, Đàng Trong là Chúa Nguyễn Phúc Chu, Thiền sư Minh Dung đã cùng với đệ tử Thiệt Huệ – Khánh Tài và Thiệt Sát – Bảo Hương vào chùa Bồ Đề phủ Ninh Thuận khắc bản kinh Pháp Hoa bằng gỗ cây thị đỏ có 60.000 chữ ngược. Công đức về tiền gạo để hoàn thành khắc bản này do 59 nam nữ đạo hữu Phật tử cúng dường. Khắc bản bộ kinh được hoàn tất vào ngày mùng 1 tháng 4 năm Giáp Dần – 1734. Tức là trong suốt 28 năm, Thiền sư Minh Dung đứng danh chứng minh trong khắc bản: “Lâm tế chánh tông Tam thập tứ thế húy Minh Dung thượng Pháp hạ Thông hiệu Thành Chí biệt hiệu Thành Thông chứng minh. Nhị thập bát tại, Long Đức tam niên, tuế thứ Giáp Dần tứ nguyệt sơ nhứt nhựt khánh tạo”.  Hiện nay được bảo lưu tại chùa Phật Quang Thành phố Phan Thiết.

Chùa Phật Quang (Ảnh: VB)

 

            Bộ khắc bản kinh này do hoà thượng Thích Huệ Tánh, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Bình Thuận trụ trì chùa Phật Quang thành phố Phan Thiết đã phát hiện vào ngày 16 tháng 11 năm Đinh Mão 1987 trong hầm xây bằng gạch với tam hợp chất nằm dưới chính địên chùa Phật Quang. Hầm tàng giữ hộ khắc bản có chiều dài 2m, rộng 1m2. Bộ khắc bản gỗ được sắp xếp theo thứ tự 118 tấm, mỗi tấm dài 0m68, ngang 0m26 dày 0m03 bằng gỗ thị huyết còn nguyên vẹn, không sứt mẻ, không mối mọt, không cong vênh.

Trong số 118 tấm, có 7 tấm khắc Đức phật ngồi thuyết pháp cho thánh chúng nghe, còn 111 tấm khắc chữ ngược 2 mặt đều đặn, tinh xảo chia làm 7 quyển, 28 phẩm, mỗi phẩm có tên riêng.

Phần đầu Bộ khắc bản, Hoà Thượng trụ trì Thích Huệ Tánh diễn âm: “Đại Việt Quốc, Quảng Nam Xứ, Bình Thuận phủ, nội phủ biệt tải cảm lãm, An Hoà thôn, Bà Tiên điếm di tự trụ Ma Nương điếm, Đắc Nhơn ấp, Bồ Đề tự phụng”.

Ở quyển thứ 6, Hoà Thượng Huệ Tánh cũng  đã diễn âm như sau: “Long Đức tam niên, tuế thứ Giáp Dần niên, tứ nguyệt sơ nhứt nhựt khánh tạo, Khất sĩ Minh Dung – Pháp Thông ấn khả  số chi Phật tổ nguyên lưu. Lâm Tế chánh tông viễn tôn Thiệt Huệ – Khánh Tài mộc bái thủ khắc, Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh toàn bộ thất quyển, dĩ kinh nhị thập bát niên hoàn thành kim đàn Việt chúng đẳng ấn thí lưu thông dụng thù… Phật tổ thiên địa chi ân kinh đáp quân thân sư trưởng đức chi đức… kinh tiên Thiệt Sát – Bảo Hương đại sư hoằng duyên hội thủ…”

Bộ khắc bản kinh này đã được đánh giá là di sản Văn hoá Phật giáo xưa nhất Việt Nam và quí hiếm của Đông Nam Á. Nhiều chuyên gia khảo cổ học trong và ngoài nước đã đến trao đổi, muốn thỉnh hoặc mua nhưng Hoà thượng Huệ Tánh bày tỏ quan điểm: “Không có cái gì tột đỉnh của người trần thế đổi được bộ khắc bản kinh này

 

                                                                                              (Ảnh: VB)

            Trong thời gian chủ trương khắc bản kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, ngài đã đến Biên Hòa – Đồng Nai xây dựng Bửu Phong cổ tự thành một Đạo tràng lớn, đào tạo tăng tài cho Phật giáo xứ Đàng Trong, đồng hành với quí pháp huynh đệ : Thành Đẳng Minh Lượng khai sơn chùa Đại giác, Thành Nhạc Ẩn Sơn dựng chùa Long Thiền và bổn sư Siêu Bạch Hoán Bích Nguyên Thiều dựng chùa Kim Kang. Chùa Bửu phong cổ tự đã được bộ Văn Hóa có quyết định xếp hạng di tích Quốc gia.

            Sau thời gian hoằng pháp tại Bình Thuận, Thiền sư Minh Dung về lại chùa Liên Tôn rồi viên tịch vào giờ Tuất ngày 11 tháng 8 năm Kỷ Tỵ – 1749 (1). Nhục thân Thiền sư được nhập tháp trong khuôn viên chùa Liên Tôn. Đệ tử Thiệt Giám – Trí Quang phụng lập Long vị thờ: “Sắc tứ Hoàng Long đường thượng, Lâm Tế chánh tông tam thập tứ thế húy Minh Dung – Thành Chí thượng Pháp hạ Thông Hòa thượng giác linh liên tọa.Tân Mùi niên thất ngoạt nhị thập nhựt thìn thời lai. Kỷ tỵ niên bát ngoạt thập nhứt nhựt Tuất thời thứ. Môn nhơn  Thiệt Giám tôn điệt đẳng phụng tự”. Căn cứ vào hoa văn chất liệu gỗ thì đây là long vị có niên đại xưa nhất của Phật giáo Quảng Ngãi (1749-2011) hiện còn bảo lưu tại chùa Liên Tôn, huyện Tư Nghĩa

Trong cuộc đời hành đạo khắp xứ Đàng Trong, Thiền sư Minh Dung có nhiều công hạnh và đệ tử nên các chùa sau đây có thờ Ngài: chùa Quốc Ân, chùa Hà Trung (Thừa Thiên Huế), chùa Thập Tháp (Bình Định), chùa Phật Quang (Phan Thiết), chùa Giác Lâm (Sài Gòn),…

Pháp quyển Tổ sư Minh Dung – Thành chí – Pháp Thông – Ảnh : Tỳ Kheo Thích Như Tịnh

Sau khi Thiền sư Minh Dung viên tịch (năm 1749), kế thừa Ngài là Đại sư Thiệt Giám – Trí Quang, quê thôn Đại Thạnh, xã Long Phụng, huyện Mộ Đức. Trong Gia phả họ Huỳnh lưu giữ tại chùa Trường Thọ (xã Đức Thắng hiện nay) ghi thế danh của Đại sư là Huỳnh Thế Chất(chú ruột của Đệ Nhị tổ Sắc tứ Thiên Ấn Tự – Huỳnh Thế Khánh Vân). Gia phả không ghi giờ, ngày, tháng, năm sanh, tịch, chỉ ghi ngày giỗ của Đại sư Thiệt Giám là ngày 18 tháng 3. Long vị thờ tại chùa Liên Tôn và chùa Phước Quang (Nghĩa Hòa) cũng không ghi. Tuy nhiên, trong bản văn tự Hán Nôm tìm được thì Đại sư Thiệt Giám giao lại tài sản Tam Bảo chùa Liên Tôn cho Thầy Bảo vào ngày 15 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 42 – 1781. Trong số văn tự Hán Nôm này có 1 bản năm Cảnh Hưng thứ 29 – 1768, Đệ Nhị tổ chùa Thiên Ấn Huỳnh Thế Khánh Vân và Chư Tăng chùa Liên Tôn đồng ký giao ruộng đất của chùa cho Huỳnh Thế Pháp để nuôi 10 Tăng chúng và 15 Tăng tại Sắc tứ Đinh Quang Tự và Danh Lam Tự.

 

Mộ tháp của HT Minh Dung (Ảnh: VB)

 

            Vừa qua nhà nghiên cứu Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Đại đức Thích Như Tịnh trụ trì chuà Viên Giác Hội An đã phát hiện bộ kinh A Di Đà Sớ Sao được khắc in năm Cảnh Hưng thứ 27, Đinh Hợi 1767 tại Chuà Bửu Lâm (2) do Tuỳ Kheo Chí Bảo chứng minh; Thiền sư Thiệt giám Trí Quang chuà Liên Tôn viết lời Bạt (3). Xin được trích một đoạn trong lời Bạt mà tôi đã nhờ nhà Hán học Võ Văn Sổ phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và THGP-Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, phiên âm dịch nghĩa như sau:

            * Phiên âm:

            Niệm niệm duy tâm tịnh độ viên dung nhất trí cự khả trì nghi niệm phật tức thị niệm tâm sanh bỉ bất ly sanh thử, xứ xứ hàm văn thuyết pháp thời thời liên nhuỵ hoá sanh. Bửu trì dũng tứ sắc chi hoa, kim địa nhiễu thất tùng chi thọ. Trân cầm dị điểu tất giai niệm chi âm. Lưu thuỷ phong thinh cọng xuất xuân dương chi diệu…

            Tư Bửu Lâm tự, thượng Chí hạ Bửu Hoà thượng dĩ tịnh độ vi cấp vụ, khuyến nhơn nhơn đồng niệm Di Đà. Khái nam đắc chi ảo thân. Nguyên tố tố cọng sanh an dưỡng. Như tư chí nguyện phương mãn sơ tâu. Kim kiến Di Đà Kinh sơ sao nhứt bộ phát tâm san khắc dĩ quảng lưu thông mộ hoá thập phương thiện tín hỷ trợ viên thành…

            Phục nguyện… tận thị đương niên chánh tín nhơn Diêm phù báo mãn đắc vãng sanh đồng chứng tịch quang vô thượng quả.

Liên Tôn Trí Quang kính Bạt.

            * Dịch nghĩa:

            … Mỗi lần niệm Phật lòng người sẽ tĩnh lặng, bền tâm, tu chỉnh lòng mình. Kiếp nhân sinh đây đó chẳng chia lià, chốn chốn đều nghe tiếng nói từ bi. Nơi nơi sen nở thơm lừng. Ao báu vượt lên hoa bốn sắc, đất lành cây bảy bật vương cao. Những loài chim quý phát lời véo von. Giá thổi, nước xuôi, nghe thanh thoát hương xuân ấm…

            … Nay, Hoà thượng Chí Bảo chuà Bửu Lâm dùng tịnh độ khuyên mọi người niệm phật Di Đà để nếu chưa siêu thoát được thân ảo này thì cũng làm cho cộng đồng an lạc, tâm lòng viên mãn. Cho nên, phát nguyện in bộ kinh Di Đà quảng bá trong thập phương thiện tính, nay nhờ sự trợ duyên, việc đã viên thành…

            Nguyện cầu cho mọi chúng sanh … nơi chốn Diêm phù thoát cơn khổ ải, chứng thành quả vô lượng vô biên.

Liên Tôn Trí Quang kính lời Bạt.

Mộ tháp HT Thiệt Giám- Trí Quang (Ảnh: VB)

            Từ khi Thiền sư Thiệt Giám giao chùa Liên Tôn cho Thầy Bảo năm 1782 về sau, ta chưa tìm được sử liệu quý Thiền sư kế thừa. Còn mộ tháp Thiền sư Minh Dung, văn bia đã bị mờ nhạt qua thời gian, không đọc được.

Năm Nhâm Tý – 1912, trụ trì chùa Sắc tứ Liên Tôn là Ấn Chơn – Phước Điền Đại sư cùng với quyền chủ tự Phan Hội chế cúng quả chung tại chùa được Ngũ Tổ Thiền sư Thiên Ấn là Giáo Thọ Hoằng Phúc chứng minh. Hiện nay, quả chung này còn tại chùa.

Mãi đến năm 1955, Khuôn hội Phật giáo xã Tư Duy (Nghĩa Trung) được thành lập và đề cử Ban hộ đạo luân phiên thay nhau chăm sóc, tu bổ và tổ chức sinh hoạt Phật sự đi vào nề nếp:

– Từ năm 1963 – 1975 Đại đức Thích Hạnh Thường về trụ trì.

– Từ năm 1975 – 1979 Đại đức Thích Hạnh Cang trụ trì.

– Từ năm 1980 – 1990 do Ban hộ niệm cai quản.

– Từ năm 1991 đến nay (2010), Sư cô Thích nữ Hạnh Tường thế danh Nguyễn Thị Mỹ Phước, pháp danh Thị Tịnh quê ở Thừa Thiên xuất gia năm 1972 tại chùa Tịnh Nghiêm (La Hà) về trụ trì chùa.

Năm 2000, chùa được tu sửa, tên chùa Sắc tứ Hoàng Long và Sắc tứ Liên Tôn đã đi vào dĩ vãng để thành “Chùa Phật giáo An Hà”.

Chùa lấy ngày 18 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày hiệp kỵ liệt Thiền sư.

             Người viết bài này xin mạo muội đề nghị Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi nên chăng hồi phục nguyên danh chùa Sắc Tứ Hoàng Long ( thay tên chùa Phật giáo An Hà và chọn ngày viên tịch ( 11 tháng 8 AL hằng năm ) của tổ sư khai sơn là Thiền sư Minh Dung Thành Chí Phát Thông làm ngày hiệp kỵ để tưởng nhớ công hạnh quí chư Tổ ).

            Chú thích:

            (1) Theo lời truyền lại Thiền sư khai sơn chùa Sắc tứ Liên Tôn lên giàn hỏa tự hiến pháp thân cúng dường Tam Bảo.

            (2) Theo Pháp quyển của Tổ đình Từ Lâm và các Hộ Giới điệp, ĐiệpThế độ của Phật giáo Quảng Ngãi cùng lời truyền lại của chư vị Tôn túc của đất Quảng (Quảng Nam – Quảng Ngãi) thì chùa Bửu Lâm do Hoà thượng Thiệt Uyên- Chánh Thông – Chí Bảo Khai sơn ở làng Tư Cung phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh. Ngôi chùa này đã bị đổ nát hoàn toàn (chỉ còn lại giếng nước) trong vụ thảm sát Sơn Mỹ 1968. Nhưng theo phát hiện kinh A Di Đà Sớ Sao, Đại Đức Như Tịnh  chú thích chùa Bửu Lâm thuộc câu lạc bộ xứ huyện Duy Xuyên – Quảng Nam. Vấn đề này còn trong nghiên cứu, tìm hiểu và khảo chứng các địa danh hành chính của thế kỷ 18.

            (3) Theo Gia phả họ Huỳnh, Thiền sư Thiệt Giám- Trí Quang trụ trì chùa Liên Tôn có thế danh là Huỳnh Thế Chất, là đường thúc (chú) của Huỳnh Thị Cúc – một trong năm nữ tướng tài giỏi đã từng sát cánh với vua Quang Trung trong trận đại phá quân Thanh năm 1789.