TIẾNG GỌI CỐ HƯƠNG

Lê Vinh Bổn

 

Trong mỗi con người chúng ta, ai cũng có một quê hương để yêu quý, để nhớ thương, nhất là khi phải lìa xa thì niềm thương nhớ đó lại càng thấm thía. Trước không khí xôn xao “Ngày hết tết tới”, những ai xa cách quê hương đều cảm thấy tự đáu lòng nhuốm lên khát vọng “Về quê ăn tết”. Chúng ta thử tìm hiểu tại sao đối với chúng ta, quê hương lại có sức lôi cuốn, hấp dẫn đến thế?

Nếu như trong tinh thần cũng như thể chất ta, không thể là một cái gì không có quá khứ và lịch sử của nó, thì tiền sử đã cho biết: Phải đến lớp người thuộc chủng loại Homo Sapiens, bắt dầu xuất hiện cách đây khoảng 30.000 đến 25.000 năm vào thời cổ thạch khí thượng kỳ thì loài người mới thật sự chuyển vào cuộc tiến hóa văn hóa xã hội. Tại Indonesia, một trong những chiếc nôi phát sinh của loài người có nền văn hóa đá cuội Patritan được phát hiện ở Trung – Gia – Va, Kalimantan và rất nhiều chứng tích về các hoạt động: Nghệ thuật, tín ngưỡng được khắc chạm trên vách hang, động hay trên các vật dụng, các nền, lều cá nhân và tập thể. (1)

                Điềunày, chứng tỏ các cơ cấu tâm lý xã hội như ngôn ngữ, tín ngưỡng, nghệ thuật… đã hình thành, xã hội đã có thượng tầng kiến trúc, con người đã có văn hóa.

Danh từ văn hóa thường có nhiều lối định nghĩa khác nhau. Nhưng ở đây, để giúp ta tìm hiểu vấn đề thêm sáng tỏ, có thể chúng ta nên hiểu nghĩa văn hóa theo quan điểm nhân loại học. Văn hóa là toàn bộ cái phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, nghệ thuật, luật pháp hay bất cứ những tài năng, phong tục nào khác đã thu đạt bởi con người, xét như là một phần tử của xã hội. Trong cái phức thể này lại nên phân biệt những thái độ, những nét đặc trưng về nếp sống, nếp nghĩ, lề thói, phản ứng… tạo thành cái bản sắc, cái đặc tính riêng của một nền văn hóa đem lại cho mỗi dân tộc cái địa vị độc đáo của nó trên thế giới.

Hiểu văn hóa như trên, chúng ta có thể nghĩ rằng: Tất cả thái độ, hành vi, cử chỉ, cung cách của ta là hoàn phát khởi từ cái ý tự phóng, tự tác của ta. Hay phải nói cho đúng hơn thì trong đó còn có một phần ảnh hưởng của xã hội. Thật vậy, trong mỗi thái độ của ta, dù là một lối nói, một kiểu cười, một cung cách giao tế… có một phần của ta và một phần thuộc về xã hội. Nhưng thực ra, thì giữ phần quyết định nhiều hơn, lại không phải là xã hội, càng không phải do chủ ý của ta; một cái gì khác hơn, tiềm ẩn. Bởi lẽ tất cả mọi thái độ văn hóa, đều vâng theo những quy phạm văn hóa. Quy phạm này, nằm bên ngoài tầm nhận thức của cá nhân và luôn uốn nén đào luyện, nhuận sắc không ngừng mọi thái độ của cá nhân. Hay nói rõ hơn “Các kinh nghiệm văn hóa được truyền xuống mãi mãi, từ thế hệ này, sang thế hệ khác, ngoài sự hay biết của chính họ, theo những đường lối mật nhiệm, vượt hẳn mọi khái niệm của sinh vật học hay tâm lý học” (2). Do đó, không cớ một hành vi, ý nghĩ nào, không biểu thị đồng thời mang dấu vết của một hay nhiều quy phạm văn hóa mà tổng số tạo thành một nền văn hóa.

Nghĩ thế, chúng ta có thể cảm nghiệm và nhìn nhận được rằng: Trong tinh thần ta không chỉ có quá khứ riêng của đời ta, không phải chỉ có những cảm nghĩ, suy tư, thích muốn từ thời thơ ấu đến nay và bị dồn ép bên ngoài cánh cửa tâm thức mà thôi. Ít nhất, chúng ta cũng phải chấp nhận còn có gì nhiều hơn thế nữa, nhiều hơn cái quá khứ của một đời người ấy; nhiều hơn những kinh nghiệm văn hóa của chúng ta được tiếp nhận từ khi chào đời về sau. Nói cách khác, trong tinh thần ta có cả hàm tàng cả một quá khứ tâm lý dân tộc kể từ cái cơ cấu sơ nguyên. Quá khứ tâm lý dân tộc này, có quan hệ với những quy phạm văn hóa là cả một biểu tượng bao gồm những huyền thoại, tôn giáo, đạo đức, pháp luật, giáo dục, nghệ thuật… vốn từng có nhiều liên hệ mật thiết, khắng khít với toàn bộ núi sông, phong thổ, khí hậu… trong đó cả một dân tộc đang sống.

Cho nên ở con người, sự gắn bó với xứ sở quê hương không phải chỉ do những liên hệ trong hiện tại hay từ cái quá khứ của thân xác mà còn do một quá khứ tâm lý tinh thần – một quá khứ văn hóa dài lâu của dân tộc. Đây không phải là cái quá khứ chỉ được nhận thức qua sự tìm hiểu các biểu tượng văn hóa hay cái di sản văn hóa chúng ta đang thừa hưởng, nhưng là cái quá khứ đã tiềm tàng sẵn trong ta, đã thâm nhiễm cả phần tâm linh lẫn thể xác ta, có thể là trong mỗi tế bào, mỗi thớ tim, mỗi sợi tơ kết dệt tâm hồn chúng ta.

Không phải chúng ta sinh ra rồi, nhập vào thế cục, chào đời giữa quê hương rồi mới biết đến quê hương. Thật ra, chúng ta đã mang hình ảnh, yếu tính của nó khi chúng ta còn là một hợp tử. Chúng ta đã lọt khỏi lòng mẹ với một cơ cấu thân xác từng được nhiễm tập qua nhiều thế hệ; cái đặt chất, tinh hoa của quê hương ẩn tàng trong không khí, trong ánh sáng, trong màu sắc, thanh âm, trong đất núi, sông hồ, khí hậu, cỏ cây cùng dưỡng sinh nơi đây. Cùng với một cơ cấu thân xác ấy, một cơ cấu tinh thần từng được tác luyện nhuận sức qua nhiều đời về những phong thoái, suy tư… bởi phải thích nghi của con người trước trạng huống mới.

Do đó, không phải ta nhìn ngắm núi sông cảnh vật của quê hương với cái nhìn riêng của ta. Không phải chúng ta nghe nhịp thở của đất thiêng, tiếng reo của suối, tiếng hót của chim, tiếng xào xạc của bờ tre lau lách cùng bao nhiêu âm hưởng khác của xứ sở quê hương bằng đôi bờ tai “của riêng ta”. Không phải chúng ta thưởng thức hương thơm mật ngọt của hoa trái, mùi vị các chất, những món ăn thức uống đặc biệt của dân tộc bằng khứu giác và vị giác của riêng ta.Nhưng chúng ta còn được nhìn bằng cái nhìn, nghe theo lối nghe, xúc động bằng con tim, rung động bằng tầm hồn của nhiều lớp người đã có trước ta, đã qua trước ta, đã mở mang biến cải đất nước và sống trên lãnh thổ này. Cho nên không một người nào, thuộc một dân tộc nào khác, sống trên một lãnh thổ khác dù có sức mẫn nhuệ tinh tường của tai mắt; có sức mẫn cảm, có trực giác bén nhạy của người nghệ sĩ, lại có thể thẩm thấu được như ta, cái chân tướng của quê hương xứ sở ta, cảm nhận đúng mức, tất cả những gì ở đó, trong đó đã từng rung cảm quyến rũ tâm hồn ta, chi phối mọi thái độ sinh hoạt của ta.

Kinh nghiệm đã rõ ràng, là một nền văn hóa khác biệt, dù có thành công tới đâu cũng phải dừng lại bên ngoài cánh cửa của quá khứ tâm lý, đặc tính dân tộc, vốn đã từng thâm nhiễm vào tâm hồn, thể chất con người của dân tộc ấy. Đó là nguyên nhân sâu xa, để chúng ta tìm hiểu được trên địa hạt văn chương, nghệ thuật: Vì sao không một người Anh, Mỹ, Tàu nào dù là nhà ngôn ngữ học có thể nói hay viết tiếng Việt Nam cho thật sự đúng điệu, văn phong như người Việt Nam hay ngược lại. Và cùng một cảnh trí, những bức họa của một họa sĩ ngoại quốc, dù có sống lâu ngày tới đâu tại địa phương, cũng vẫn có gì để những người có mắt thẩm mỹ tinh tường, phân biệt với một họa phẩm của người bản xứ. Đó là chuyện tự nhiên, không thể coi là một sự kém cõi về tài năng. Bởi vì đối với những quy phạm văn hóa của ta, chúng ta khó lòng thoát ly cho trọn vẹn nhất là khi dân tộc có một quá khứ lâu dài.

Với những lý do trên mà con người, tuy giàu khả năng thích ứng so với muôn loài, sống ở phong thổ khí hậu nào cũng xong, thích nghi mọi thứ văn hóa nhưng khi phải xa quê hương đất tổ vẫn cảm thấy bơ vơ lạc lõng – vẫn nghe tự đáy lòng vọng lên tiếng gọi thầm thì của đất mẹ, vẫn cảm thức cái hấp dẫn của cố hương vô cùng mãnh liệt, trong những ngày dài lưu lạc nhất là những ngày cuối năm.

                                                                                     Long Phụng – Xuân 1999

 (Tạp Chí Văn Nghệ Quảng Ngãi Xuân Kỷ Mão – 1999)

 

 

(1)  Viện Đông Nam Á – Tìm hiểu văn hóa Indonesia – NXB Văn hóa Hà Nội – 1987, trang 18.

(2)   Edward Sapir – Nhân chủng học tập I Edit Minuit XB 1967, trang 89.