Tìm Hiểu
TIẾNG GỌI CỦA CỘI NGUỒN
Lê Vinh Bổn
Trước kia, dù chưa có những khám phá chính xác của khoa học nhưng trong sự chiêm nghiệm các hiện tượng của cuộc đại hóa, với khả năng trực giác, mẫn cảm, con người cũng đã cảm nhận rằng chúng ta không những phải mang một hình hài sinh vật mà còn mang theo trong cả chủng loại, trong mỗi con người một quá khứ sinh vật lâu dài.
Đến nay thì khoa học đã được soi sáng cho chúng ta những gì trước kia còn lẩn khuất, và nhờ đó, chúng ta cảm nghiệm được rõ ràng hơn là sự sống trên đà tiến hóa, tuy có chia cách ra nhiều dòng, và mỗi dòng có thể tỏa ra nhiều cành, nhiều nhánh, nhưng tất cả dù những dòng hay nhánh bị lâm vào con đường cụt đều có phần đóng góp vào dòng chính, tiến tới không ngừng. Trong đó, những gì đến sau, những gì được nâng cao hơn trên đà tiến hóa, phải là những kết quả tích lũy, hội tụ bao nhiêu kinh nghiệm của vật sống qua quá trình chinh phục tinh cầu lâu dài của sự sống trước đó.
Chính cái quá khứ của cơ thể (sinh vật) và quá khứ tâm lý (tinh thần) kết hợp với những khám phá của ngành động vật học, cổ sinh động vật học, thể học… . giúp chúng ta tìm được sự giải đáp.
Trước tiên về phương diện sinh vật. Điểm đáng lưu ý: Loài người là một nhánh đâm ra từ bộ Linh trường. Chỉ xét về mặt thể học, nhà động vật học Desmond Moris đã nói: “Căn cứ vào hàm răng, bàn tay, cặp mắt và nhiều đặc điểm khác về mặt thể học, thì rõ ràng là một con Linh trường nhưng là một giống Linh trường kì quặc: Linh trường trụi lông”. Thực vậy, chúng ta rất giống loài khỉ nhân hình và không phải chỉ về phương diện thể học thôi đâu, mà còn giống ở nhiều phương diện khác. Giống về máu, về chu kỳ kinh nguyệt, về thời kỳ thai nghén (suýt soát nhau). Giống về việc chúng có thể nhiễm hầu hết các chứng bệnh của người do vi khuẩn gây ra, và sự trạng này chứng tỏ giống về lối cấu tạo thể dịch. Một điểm giống đáng tự hào cho loài khỉ nhân hình là chúng cũng có nhiều chí như người.(1).
Nhưng không phải chỉ giống với bọn Linh trường mà có nhiều điểm giống với các sinh vật khác. Vì bộ Linh trường vốn bắt nguồn sâu xa từ những lớp động vật có vú ăn sâu vào bộ đầu tiên. Với đời sống trên cây cối, các họ Linh trường chuyển ra chế độ ăn toàn trái cây. Nhưng rồi một biến cố bất ngờ xảy ra, có thể là vào thời Trung Tân(2), một cuộc đại biến đã thúc đẩy nhóm Linh Trường được tuyển chọn để đối phó với nghịch cảnh tiến vào con đường nhân hóa – chừng như là chi tộc Ramipihecus (3) – phải sớm từ giã cõi địa đàn sắp tan vỡ, can đảm hòa đồng vào cái xã hội của loài có vú sống trên mặt đất.
Nhập gia tùy tục, để thích ứng với cái xã hội mới này chúng ta phải thay đổi cách ẩm thực. Bỏ thói ăn nhép cả ngày, tập trung vào bữa có cách khoản và nhiễm tập thói ăn thịt.
Với các truyền thống ăn sâu bọ tiềm tàng, gặp dịp cần phải triển khai, với lối ăn trái cây đã quen mồm, lại nhiễm tập được lối ăn thịt, chúng ta trở thành một giống động vật thích ứng với mọi thực phẩm và đó là một lợi thế đặc biệt để chủng loại chiếm được ưu thế trong cuộc cạnh tranh sinh tồn. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là đồng với sự nhiễm tập lối ăn uống mới, chúng cũng nhiễm tập được nhiều phong thói khá hay mà đáng kể nhất trong những phong thói mới này là nơi ăn chốn ở.
Linh trường vốn thích lang thang. Giới hạn nó cần biết đến là sản địa, còn nơi trú ẩn nhất định thì chúng bất cần. Nhiều loại khỉ nhân hình đến nay vẫn còn quen thói “bụi đời” như vậy. Ban ngày dắt vợ con đi lang thang, đêm về chọn cây cao, sắp đặt chỗ ngủ, có loại cùng chia sẻ “chiếu giường” với vợ con, nhưng có loại con đực xuống ngồi dựa gốc cây ngắm trăng sao mơ mộng, và mơ mộng chán, đánh một giấc đến sáng lại kéo đàn thê tử tiếp tục đi ngao du. Cũng như phần đông các loại động vật khác, những loài có vú ăn thịt và sống ở mặt đất không thích các lối “sanh vô gia cư, thác vô địa táng” như vậy. Ăn thịt thì phải lùng đuổi, săn thú trình mò, với tình trạng đó, mang theo con cái là bất tiện. Phải có hang để ở, có mái ấm để chui đụt bảo vệ sự an toàn cho gia đình và sinh nở khi cần. Đã có mái ấm, tự nhiên phải có khuynh hướng bảo vệ khu vực quần cư, linh thổ. Bản năng bảo vệ mái ấm linh thổ phát sinh rất sớm ở loài vật và mỗi chủng loại có những sáng kiến riêng biệt của chúng. Bọn hải ly (Castor) đắp những mô đất nhỏ chung quanh nơi chúng ở rồi tưới lên đó những giọt hải ly hương là chất nước tiết ra từ hạch da quy đầu, có mùi nồng rất khó chịu đối với giống khác. Loài gấu đánh dấu linh thổ của chúng bằng cách cào rạc vỏ cây mọc quanh vùng. Lối bảo vệ của Linh dương có vẻ lãng mạn và nên thơ hơn. Nó rưới lệ lên những cây nhỏ xung quanh cây linh thổ như muốn khóc trước về nỗi quốc phá gia vọng khó tránh được trong các chuỗi thiên diễn vô thường.
Bọn Linh thường đứng thẳng vì cái thế phải thích ứng trong cuộc sống mới, không thể còn giữ được thói “ sanh vô gia cư, thác vô địa táng”. Vả lại nguồn sống chính phải là thịt thú, chúng sớm rút được kinh nghiệm săn tập thể ở những loài động vật có vú khác. Những chuyến đi săn càng dài ngày, giống Linh trường đứng thẳng càng thấy sự cần thiết một mái ấm, một nơi để vợ con lưu trú. Phương thức sinh hoạt mới này giúp giống Linh trường đứng thẳng bỏ được một thói không hay. Trước kia, Linh trường đực không hề quan tâm tới con cái, khoán trắng việc nuôi nấng, giáo dục cho “má bầy trẻ”. Đến nay thì cũng như bầy sói, những con đực bắt đầu có trách nhiệm với đàn thê tử.
Có thể nói bản năng bảo vệ linh thổ, thiết tha gắn bó với mái ấm của loài người, được bắt đầu triển khai từ cuộc tiếp xúc giữa giới Linh trường đứng thẳng với các loài động vật có vú ở mặt đất. Và cũng chính từ đấy, thực thể gia đình, vốn đã manh nha ở một vài loài khỉ nhân hình như ta thấy hiện nay, bắt đầu phát hiện. Sự kiện này càng bảo chứng vững vàng cho quan điểm của một số các loài nhân loại học. Theo đó, gia đình đã xuất hiện rất sớm trong loài người. từ rất xưa còn được duy trì lại chứ không phải là một thực thể mới lộ xuất về sau.
Chính cái bản năng bảo vệ linh thổ cùng những phong thói mới được nhiễm tập này, về sau, càng tạo thêm nhiều lợi thế cho con người trong việc thành lập xã hội, quốc gia. Cũng như các loài sinh vật khác, khi chủng loại đã đạt tới cái ưu thế, lan tràn rộng rãi, thì ý thức chủng loại được thay thế lần hồi bởi ý thức tranh thủ bảo vệ quyền sống cho biệt chủng, cho giống nòi. Và ở con người, chính những nhu cầu này đưa tới sự hình thành quốc gia xã hội.
Xét từ cội nguồn của xã hội, qua sự khảo sát các định chế của những bộ lạc cổ sơ, người ta nhận thấy rằng: Sự tham dự nơi Thánh cũng như sự tham dự tư dưỡng hay tham dự tính dục là một trong những yếu tố tiên khởi đã tạo nên sự thống nhất, cố kết của cộng đồng, xã hội. Đất đai, lãnh thổ trên đó, một bộ lạc cư trú, sinh hoạt không phải chỉ cần bảo vệ như là một địa bàn hoạt động, sinh tồn, mà còn vì cái tính cách thiêng liêng, siêu việt của nó. Cái gọi là rừng thiêng ở nhiều bộ lạc cổ sơ là một điểm thiêng liêng, tượng trưng cho cộng đồng và môi trường địa lý và một nơi mà các thị tộc thuộc bộ lạc có thể gặp lại , tìm thấy những loài cây hay thú vật thường biểu hiện cho vật tổ của mình. Những nghi thức cử hành tại đây, nhờ vậy gây ra được sự gắn bó kết hợp các thị tộc cùng nhau tạo được mối tình liên đới tinh thần. Năng chức thiết yếu của rừng thiêng hay nơi Thánh cũng như các hệ thống tôn giáo là sự kết hợp ràng buộc con người với hoàn cảnh địa lý, đất đai, và qua đó với cả vũ trụ. Ngay đến các nghi thức ăn vật tổ (cây hay thú vật) để được đồng hóa với vật tổ cũng tạo ra mối liên hệ mật thiết giữa con người với đất đai, linh thổ. Vì những loài cây hay thú vật được chọn là những thứ thường được thấy trong sản địa của mình. Về sau này, trong những xã hội nông nghiệp, cái nền Xã thờ Thần Hậu Thổ, các nền Tắc thờ thần Nông cũng bao hàm một phần ý nghĩa tương tự. Dù rằng đã có người đã rồi mới cầu đến đất, đến Lúa, đến vấn đề linh thổ, tư đưỡng. Theo thứ tự thì xã tắc được kể sau người nhưng được coi trọng hơn vua, tượng trưng cho định chế (Xã tắc tứ chi, quân vi khinh) được đồng hoá với quốc gia, mất nước là mất xã tắc.
Và trên cái sản địa, trên cái linh thổ, cái địa bàn cần được bảo vệ bằng mọi giá ấy, những bộ lạc kết hợp thành dân tộc, tạo dần lịch sử xây dựng bồi đắp nền văn hóa của mình.
Trước kia, có lúc người ta nghĩ rằng cuộc tiến hóa sinh vật đã đình chỉ lại ở loài người chậm nhất là với lớp người Homô Sapiens. Nhưng đến nay mọi sự đã được rõ ràng, là cuộc tiến hóa của loài người vẫn gồm cả hai phần: Tiến hóa sinh vật và tiến hóa văn hóa xã hội. Chính nhờ có thêm phần tiến hóa sau này loài người đã mang ủng bảy dặm mà đi. Nếu lối di truyền sinh vật chỉ có thể thực hiện bởi những tế bào sinh dục theo đường lối sinh dục chậm chạp, khó khăn, thì trái lại những truyền thống xã hội, những giá trị văn hóa, những kinh nghiệm kỹ thuật… nhờ có ngôn ngữ văn tự, các phương tiện giáo dục truyền thông có thể phổ biến, trao truyền một cách sâu rộng, mau lẹ, dễ dàng. Bởi lẽ tất cả mọi thái độ văn hóa đều vâng theo những “ quy phạm văn hóa”. Nằm lên ngoài tầm nhận thức của cá nhân, các quy phạm văn hóa này đào luyện, nhuận sức, uốn nắn không ngừng mọi thái độ của cá nhân. Do đó không có một thái độ, một hoạt động, một định chế nào không biểu thị đồng thời mang dấu vết của một hay nhiều quy phạm văn hóa mà tổng số tạo thành một nền văn hóa. Và như vậy, mỗi thái độ là biểu hiện tượng trưng của một “ mô phạm vô thức”.
Sau khi đã đi vào tìm hiểu những diễn biến của cuộc tiến hóa, chúng ta cảm nghiệm và nhìn nhận được rằng trong tinh thần ta không phải chỉ có quá khứ riêng của đời ta như Bersson từng quan niệm, không phải chỉ có những cảm nghĩ, suy tư, thích muốn được tích lũy từ thời thơ ấu đến nay và bị dồn ép bên ngoài cánh cửa của tâm thức mà thôi. Ít nhất chúng ta cũng phải chấp nhận là còn có gì nhiều hơn thế nữa, nhiều hơn cái quá khứ của một đời người ấy, nhiều hơn những kinh nghiệm văn hóa chúng ta được tiếp nhận từ khi chào đời về sau. Hay nói cách khác, trong tinh thần ta có hàm tàng cả một quá khứ tâm lý của dân tộc , hàm tàng những kinh nghiệm văn hóa của dân tộc. Kể từ cái cơ cấu sơ nguyên. Và riêng đối với chúng ta- con người Việt Nam, có thể kể từ cái thời trong màn khói sương mịt mờ của Huyền sử, đã xảy ra cảnh tiên rồng phân chia đôi ngã, với những gì tiếp diễn sau đó, trên địa bàn của nước Văn Lang.
(1)- Theo phương pháp kết tủa tố thì máu của Vượn giống máu người hơn, còn phương pháp tiêu hóa tố thì máu Đười ươi giống máu người nhiều hơn. Các nhóm máu người: O – A – B- AB cũng tìm thấy ở các loài khỉ nhân hình, thời kì thai ngắn ở loài Đười ươi là 275 ngày, ở loài khỉ nhân hình là 270 ngày (L’home dán le regne animal p 11-12).
(2)- Trung tân là thời kỳ thứ ba thuộc đệ tam kỷ bắt đầu thấy có những động vật như khỉ, loài nhơn.
(3)- Collectiny Time – Life 1969 – P 104.