Bước phiêu lưu của TÔ BÚN GIÒ

                                                                                                   Lê Vinh Bổn

 

Trong những năm của thập niên 1960, đi trên đường phố Sài Gòn, ta chỉ thấy thưa thớt vài tiệm bún giò dành cho thực khách Quảng Ngãi. Thế rồi sau thập niên 80, ta lại thấy bún giò không những có mặt trên nhiều đường phố Sài Gòn mà còn Hà Nội, Hải Phòng… cả tận những vùng cao nguyên hẻo lánh. Và không chỉ dành cho khách Quảng Ngãi thôi đâu, bún giò đã nằm trong lòng đồng bào của mọi miền đất nước, không khác gì phở Bắc.

Bây giờ thì đi bất cứ tỉnh nào cũng ăn được bún giò. Kể cả nhiều nước trên hành tinh này. Có thứ bún giò đài các thượng lưu trong tửu quán, có thứ bình dân của những chiếc xe lăn, có thứ gánh dạo trong đường hẻm. Bún giò đã chọn mọi hình thức thích nghi để đi vào quần chúng, nó lan rộng nhanh chóng ào ào. Không kèn, không trống, rụp xuống một cái nó tỏa khắp nơi, đi đâu cũng gặp.

Đồng bào ruột thịt Nam- Bắc không chê bún giò, nó đã được chấp nhận. Vì cái sự chấp nhận rộng rãi này nên khách hàng người Nam tự tiện “độ” nó ra lối Nam; khách hàng phía Bắc cũng lái nó nghiêng sang hướng Bắc chút ít cho vừa miệng. Thành ra ở chỗ này bún giò thơm ngát cari, ở xóm kia bún giò vàng khè màu nghệ, ở tửu quán nọ đang phi hành tỏi tùm lum trút vào nồi bún giò. Thế rồi có bún giò ăn với bắp chuối, giá sống, rau cần…

Chính cái biến hình cải dạng này đã chứng tỏ sự thành công của bún giò. Vì được quần chúng mọi miền chiếu cố nồng nhiệt quá cho nên nó mới bị lôi về bên này một chút, kéo về bên kia một chút. Nó nể tình chiều lòng khách mà hóa ra nên nỗi…chứ mấy chục năm trước bún giò chỉ chờ đợi thực khách Quảng Ngãi, lúc bấy giờ nó thuần túy lắm- thuần túy và cô đơn.

Bước phiêu lưu của tô bún giò trong những năm trước cũng có làm điên đảo một số bạn bè khác: Có người đang bán bún vịt thoắt một cái quảy sang gánh bún giò, bà hàng hủ tiếu lặng lẽ thành bà hàng bún giò không biết tự hồi nào.

Nhìn vào lịch sử tiến bước của những món ăn trong mấy chục năm qua, có lẽ bún giò chỉ thua có phở. Một món gốc Bắc, một món gốc Trung, chúng đã bám rễ rồi hiển đạt vẻ vang ở mọi miền.

Cái gì đã làm cho bún giò thành món ăn được yêu mến? “ Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!” kể cả yêu bún giò.

Mười sáu năm trước, một chiều ở tiệm ăn bên sông chợ Sa Thầy, tôi đã sững sờ vì một sự hội ngộ bất ngờ vớ cái bánh tráng. Tư Quảng Ngãi lên, vào quán gọi một tô bún, lập tức cái bánh tráng đi kèm theo sát cánh. Tôi mở mắt to nhìn cái bánh chín phồng vàng mơ, trong đầu dồn dập bao nhiêu thắc mắc: “Trời đất, sao mà lại gặp em ở chốn này- cái nơi heo hút dân tộc ít người đông hơn dân Kinh? Cuộc phiêu lưu của em với lý do nào đây”?

Hỏi ra thì thời chiến tranh, vợ con binh lính theo chồng lên sinh sống trên căn cứ Scharly, rồi ngày hòa bình thường trú luôn tại đây- cái bánh tráng đã được tháp tùng. Thành thử cái bánh tráng nó cũng thóc mách, tỉ tê được đôi điều trong mỗi giai đoạn chiến chinh của đất nước.

Rồi một ngày kia, thế hệ cháu con nếu có kẻ tằn mằn, lần dò theo dõi bước phiêu lưu của từng món ăn từ miền này sang miền khác, kẻ ấy sẽ tha hồ thổn thức về những thăng trầm của đất nước dính liền với những phiêu lưu ấy.

Cái phép tìm về lịch sử dân tộc bằng đầu lưỡi cũng không thua gì những phép khác!

   Long Phụng xuân Canh Thìn

 (Văn Nghệ Quảng Ngãi, trang 137- 2000)