HAI TRĂM NĂM HƯNG, PHẾ CỦA NHÀ THỜ TỔ PHỤ TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT
(Làng Bồ Đề – Quảng Ngãi)
Lê Vinh Bổn
- XÂY DỰNG LẦN THỨ NHẤT :
Nhà thờ Tổ phụ của quận công Lê Văn Duyệt được xây dựng lần thứ nhất vào Triều Gia Long khoảng từ năm 1816 đến năm 1819 tại thôn Văn Hội xã Bồ Đề tổng lại Đức huyện Mộ Hoa, nay là thôn Bồ Đề xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà toạ lạc trên khuôn viên vườn rộng 1 mẫu hai sào trung bộ (6000m2) được bố trí nằm giữa khu vườn để tạo không gian thoáng đãng ở mặt tiền và thuận lợi cho sinh hoạt họ tộc vào những ngày giỗ chạp, hiếu hỉ. Nhà quay mặt về hướng Bắc, có đường liên xã chạy dọc theo mặt tiền khu vườn (100m), được xây dựng trên mặt bằng cao hơn mặt sân là 0m30, có tổng diện tích xây dựng là 99m2 (dài 11m8, rộng 8m4), còn diện tích mặt bằng nội thất là 61m2 (dài 9,8m, rộng 6,2m). Nhà được tạo dựng trên cơ sở bộ khung gỗ chịu lực (gồm cột, kèo, xuyên, trính) bằng gỗ mít với kết cấu kiến trúc theo kiểu nhà “song nga”-một loại kết cấu vì kèo nhân gian truyền thống Trung bộ.
* Kết cấu khung nhà: Khung gỗ chịu lực được tạo bởi 4 vì kèo chồng kẻ chuyền, chia lòng nhà thành 3 gian 2 chái. Gian chính (giữa) rộng 1m72, hai gian bên rộng 1m7. Gian chái đông rộng 1m65, gian chái tây rộng 1m95. Mỗi một vì có 5 hàng chân cột, gồm cột hiên trước, cột quân vách tiền, 2 cột cái, cột quân vách hậu tạo nên độ sâu của lòng nhà là 6m2 và chiều ngang là 9m8. Tổng số cột là 26, trong đó có 8 cột cái, 14 cột quân và 4 cột hiên.
Kết cấu bộ khung của mỗi chái gồm có: 2 kèo góc, 2 kèo đấm, 2 cột góc và 2 cột đấm cao 2m77, đường kính 0m25, chu vi 0m57 cùng xuyên hạ để liên kết hàng cột vách hồi, trong đó kèo quyết đông dài 2m70, rộng 0m16, cao 0m18, kèo đấm đông dài 2m20, cao 0m18, rộng 0m16, còn kèo quyết tây dài 2m70, cao 0m25, rộng 0m20, kèo đấm tây dài 2m20, rộng 0m20, cao 0m25.
Toàn bộ hệ thống liên kết tạo thành bộ khung gỗ với kết cấu theo kiểu vì kèo chồng kẻ chuyền vừa mô tả trên đều được thực hiện bằng các loại mộng khác nhau: mộng én, mộng mổ.
Nhà có hiên ở ba mặt, hiên trước chạy suốt mặt tiền nhà rộng 1m10, hiên chái đông rộng 0m80, hiên chái tây rộng 0,60m
* Trần liệt bản: Trên lưng kèo người ta đặt các hoành tử, mỗi hoành tử có kích thước bản: 10cm x 9cm đặt thanh nọ cách thanh kia một khoảng và dùng các chốt gổ đóng vào lưng kèo để giữ hoành. Bên trên lớp hoành đặt lớp ván có bản rộng 10cm, dày 3 cm, dài theo chiều mặt mái, phủ kín theo chiều dốc của mái. Trên bề mặt lớp ván, người ta tạo các chốt tre nhô cao từ 4-6m để giữ lớp đất đắp trên mặt ván.
Trên trần liệt bản người ta làm xa cái bằng gỗ để đở lớp ngói bên trên. Hệ xa cái này gồm các trụ chống bằng gỗ tốt, có chức năng như hệ cột để đở các vì kèo. Trên kèo thả rui mè và lợp ngói âm dương trên lớp mè này.
* Kết cấu vách: Vách bao quanh được xây bằng gạch nung và đá ong, trừ vách trước được làm theo kiểu bộ cửa vách tường. Vách ngăn trong nhà được làm bằng ván gỗ mít gọi là vách lụa.
* Cấu tạo cửa: Cửa vào nhà chính gồm 3 gian cửa bàn khoa, được gắn liền với khung cột. Vách phiá trước tạo thành bộ cửa vách tường khung cột. Gian cửa giữa rộng 1m50 cao 1m60, mỗi một gian cửa gồm 4 cánh, rộng 0m40, cao 1m60 được làm theo kiểu “Thượng song hạ bản” . Phần hạ bản được trang trí theo mô tiếp ô hộc, phần thượng song, ngoài trang trí chấn song còn tạo thêm ô trang trí chạm nỗi hoa cúc trên nền hồ văn chữ vạn với ý nghĩa cầu phúc. Nối liền bậu trên với xuyên hạ là bức bản lồng hình tráp với diện tích 1,20m2. Bản lồng hình tráp này gồm 2 lớp: lớp dưới trang trí 3 ô chấn song và 2 ô chữ cách điệu được chạm thủng trong vòng tròn viên mãn, lớp trên trang trí 12 ô hộc, được bào xoi chỉ võ măng. Hai lớp bản lồng hình tráp trên bậu của gian cửa 2 bên cũng được trang trí theo mô típ như vậy.
Thông giữa hai gian bên chái đông, chái tây có hai cửa hông làm theo cửa cung được áp thẳng vào cột cái đông tiền, tây tiền và cột vách. Trên bạo ngang của cửa hông là hệ thống bản lồng nối liền với lòng chiếc kèo. Gian chái đông thông với nhà ngang được trổ cửa ở vách hồi nhưng là cửa một cánh.
* Điêu khắc trang trí: Trên các thành phần kiến trúc của ngôi nhà thờ Tổ phụ Lê Văn Duyệt được xây dựng lần thứ nhất, chạm khắc tập trung chủ yếu ở những nơi dễ nhìn thấy khi bước vào như: Kẻ hiên ở mái trước, ở điểm hiên kết giữa kẻ lòng nhì và kẻ lòng ba, ở mặt trước lớp cửa bàn khoa, ở bạo vọng cung thờ của 3 gian chính, trên cột trốn, trên hệ thống bàn lồng hình tráp, ở ghế án thờ, khám thờ, các đề tài trang trí theo chủ đề như hoa cúc trên nền hồ văn chữ vạn, dơi xoè cánh, chữ phúc, chữ thọ cách điệu, lưỡng long tranh châu, hình con lân, con nghê, hoa mai, hoa dây, chấn song con tiện, bào xoi chỉ vỏ măng.
Trong những ghế nghi án thờ tại chính diện được chạm thủng, chạm nỗi, chạm bông hình ở 3 mặt trước và hai bên cũng theo các đề tài trang trí rồng cách điệu hoa dây, hoa cúc trong khuôn viên hình chữ nhật hoặc trên các dãi băng ốp vào mặt trước và hai mặt bên của ghế án.
Ngoài những ghế nghi án thờ, còn có khám thờ đặt trên bạo vọng cung thờ của gian giữa được chạm trổ rất công phu và tinh xảo. Cung trên của khám được chạm nổi hai con rồng chầu vào tranh châu mà đầu rồng được chạm nổi rất sống động, lộ rõ mắt, râu, bờm, gáy, còn thân và đuôi mập mạp được phủ lên một lớp vảy và hình hoa lá, tạo cho cung khám thờ thành hai con rồng như đang bay lượn dưới trần liệt bản. Riềm hai bên khám chạm nổi hai con nghê mà đầu ngoảnh mặt ra phiá trước với những nét chạm nổi dày, đậm, khoẻ, còn thân và đuôi nghê có nét chạm mềm mại, con nghê được tôn thêm bởi các băng hoa dây, hoa cúc chạm thủng trên riềm gỗ. Các bức chạm trên khám thờ nầy thể hiện những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật điêu khắc trên gỗ với lối chạm thủng, chạm nỗi, chạm long hình đan xen nhau một cách điêu luyện đã tạo nên một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh, có sức sống muôn thuở để nói với chúng ta về sự khéo léo, tài hoa cùng sự sáng tạo của các nghệ sĩ dân gian nghề mộc của miền Trung bộ thời Nguyễn.
Nhưng thật quá đáng tiếc, ngôi nhà này chỉ tồn tại đến năm 1835, khi Vua Minh Mạng ra lệnh cho các quan binh địa phương đập phá nhà thờ, ngay cả bia, thành quách các ngôi mộ như: Ông bà nội Lê Văn Duyệt là ông bà Lê Văn Hiếu, ông bà cố Lê Văn Tính và mộ tổ Lê Văn Lương và phát tán các báu vật cùng những di sản như hoành phi, đối liễn,…
- XÂY DỰNG LẦN THỨ HAI:
Mãi đến những năm triều Thành Thái, ông Lê Văn Tố (gọi tả quân Lê Văn Duyệt là ông cố) làm đơn xin nhận lại số đất ruộng là 32 mẫu mà Lê Văn Duyệt đã khai phá tại 2 xã An Khương và Tây Phước thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và tiến hành trùng tu lăng mộ, xây dựng lại nhà thờ Tổ phụ trên nền vườn cũ. Riêng xã Bồ Đề trích 6 sào ruộng công điền (gọi là 6 sào Vọng Các công thần) để làm lại nhà thờ với qui cách:
– Diện tích nền nhà: 7m20 x 7m60 = 54m72
– Diện tích xây dựng : 6m x 5m = 30m
– Hiên phiá trước rộng 2m, có 3 phiá hè, mỗi phiá rộng 0m60.
Nhà xây theo kiểu 1 gian 2 chái. Bộ khung sườn chịu lực bằng gỗ liêm và gỗ muồng. Vách xây bằng đá ong, cao 2m50, mái lợp ngói âm dương, trên có đắp lưỡng long tranh châu, bốn góc quyết đắp giao, lân.
Trong gian chính có 3 bàn thờ, riêng trước bàn giữa có một bàn hương áng chạm nỗi long, lân, sơn son thép vàng do Cần chánh điện Nguyễn Thân mua từ Hà Nội đưa vào hiến cúng. Hai bên áng có hai cây lọng, hai cột trước hương áng treo hai bức liễn khắc chữ nổi mạ vàng, hai cột hậu chính điện có hai bức liễn cẩn cừ, và hai cột vách cũng có hai bức liễn cẩn cừ. Trên bạo áng thờ có 3 bộ bình phong tam sơn cẩn cừ, riêng áng giữa có bày trí thêm bộ lư đồng to. Ba gian thờ đều có 3 bộ nghi chấn, 6 lá cờ chéo nhiều năm, trên bạo thờ gian chính có bức hoành sơn son thép vàng. Vách trước nhà có 3 gian cửa bàn khoa, mỗi gian có 3 cánh, bên phải có một cửa hông, hai bên hiên phía trước có một giá chiên, một giá trống.
Sân trước thấp hơn nền nhà 0m30 xây bằng đá ong, hai bên góc là hai trụ biểu, giữa là bình phong, hai bên sân có hai cây thiên tuế cao 2m.
Bên phải cạnh nhà thờ có xây một gian nhà lợp tranh sen, vách gạch, có diện tích 5m x 6m = 30m2 để sinh hoạt.
Trườc mặt nhà thờ sát đường liên xã có một cổng ngõ kiến trúc kiểu cổ lầu, có 2 cánh cửa cao 2m, mỗi cánh rộng 1m. Bên phải trước nhà thờ có xây một cái “Dinh” thờ thần.
- XÂY DỰNG LẦN THỨ BA:
Ngôi nhà thờ xây dựng lần thứ 2 tồn tại đến giữa thập niên 1940 thì xuống cấp và bắt đầu hư hỏng, trong hoàn cảnh ruộng đất không còn vì toàn dân phải tập trung cho kháng chiến sau “Sắc lệnh tiên thổ”, nên con cháu đã phải tháo gỡ, thu xếp, dựng lên như một cái “am” lợp tranh, trát đất vào năm 1953.
- XÂY DỰNG LẦN THỨ TƯ:
Vào năm 1957, bà Trần Thị Tùng là vợ của ông Lê Văn Em (cháu năm đời của Lê Văn Duyệt ) đã xây dựng lại nhà thờ trên nền cũ với diện tích: 6m x 4m = 24m2 bằng khung gỗ, lợp ngói vãy, vách gạch. Bên trong xây ba bục ghế thờ, phía trên áng thờ giữa treo bức hoành phi do xã Đức Quang (Bồ Đề) hiến cúng. Trên áng thờ có 3 bộ tam sơn cẩn cừ và 3 bộ lư đồng.
Ngôi nhà xây dựng lần thứ tư này tồn tại đến những năm giữa thập niên 1980 thì mối mọt đục khoét, dột nát hư hỏng nặng vì nằm trong vùng giao tranh của những cuộc chiến khốc liệt từ năm 1965-1975.
- XÂY DỰNG LẦN THỨ NĂM:
Từ năm 1989 đến cuối năm 1992, con bà Trần Thị Tùng là ông Lê Văn Thủ (cháu 6 đời của Lê Văn Duyệt) bắt đầu quyên góp tài chính xây dựng lại nơi thờ phụng tổ tiên. Tháng 3 năm 19936 ngôi nhà được hoàn thành, có diện tích: 3m60 x 5m = 18m2, hiên trước rộng 1m60, dài 5m, hiên hai bên hông 0m60, vách cao 2m80 xây bằng gạch lợp ngói trên hoành tử, ron, lách gỗ cây sao, nền tráng xi măng, sân thấp hơn nền nhà 0m40, có chiều ngang 7m, chiều dọc 9m8, hai góc trước sân có hai trụ biểu, trên chóp đắp hoa sen. Giữa hai trụ biểu có xây bình phong cao rộng dày
Bên trong gian nhà xây 3 bục thờ, trên bục giang giữa có hình chân dung Quận công Lê Văn Duyệt, một bộ bình phong Tam sơn cẩn cừ. Trên bục thờ “Tả ban” có bài vị sơn son thép vàng thờ bà Phan Thị Mai – mẹ của cử nhân Lê Văn Duy có chạm ngày tháng năm sinh, chết (sinh ngày ? tháng 6 năm Bính Tý – 1867, chết vào giờ tý ngày mùng 10 tháng 7 năm Đinh Mão-1927).
Những câu đối bằng hồ xi măng tại nhà thờ như sau:
* Trên vách hậu bục thờ giữa:
+ Thần danh thiên cổ tại
– Thần đức vạn niên tồn.
* Trên hai trụ cột giữa:
+ Nam triều quảng bá thịnh dinh tĩnh biên tái kình thiên nhất trụ.
– Bắc chấn trường lưu nghĩa khí diện tinh linh hộ quốc thiên thu.
* Vách hậu tả ban và hữu ban:
+ Phò vua giúp nước tròn trung nghĩa.
– Cứu khốn trợ nguy vẹn thuỷ chung.
* Trên hai trụ cột giữa hiên trước:
+ Hương xông trầm toả chuông ngân vọng.
– Tạo cảnh trang nghiêm đáng kính sùng.
* Trên hai trụ góc hiên trước:
+ Việt quốc tiên công trung liệt tướng.
– Lê gia hậu đức ấm lưu tồn.
* Trên hai trụ biểu ngoài sân:
+ Trụ bảo trung cang thiên cổ đại.
– Biểu dương nghĩa khí vạn niên tồn.
* Trên bình phong giữa sân:
+ Thọ vương nhân tùng vương.
– Thần an trật tự an.(1)
Hiện nay (2011) vợ chồng chị Lê Thị Cúc (ái nữ của ông Lê Văn Thủ) là cháu gái 7 đời của Tả quân Lê Văn Duyệt chăm sóc hương khói ngôi nhà thờ này.
Ngày nay, về thăm ngôi nhà thờ đơn sơ, đứng trên sân nhìn những vết phế tích bia, thành quách và những mộ cải tán chèn chịt chung quanh khuôn viên sau vụ án thành Phiên An, ta nghe như có tiếng than oán lẫn trong tiếng ngựa xe vang hí vọng lại mà thấy lòng bùi ngùi cho nhân thế!
Biết đến bao giờ ngôi nhà thờ được trùng quang?
Đức Thắng, muà thu năm 2011
* Chú thích:
(1) Những chi tiết về kết cấu và các số liệu của nhà thờ qua các lần xây dựng được phối kiểm, khảo chứng từ những nguồn sau đây:
– Di cảo của ông Lê Văn Tố và ông Lê Văn Thủ cùng những văn bản Hán Nôm còn lưu giữ.
– Thực tế điền dã, sưu tầm, khảo sát những di sản đã bị phát tán sau vụ án 1835 và lần tháo gỡ chuyển dịch năm 1953 mà các gia đình trong vùng còn bảo lưu.
– Hồi ức của những vị thợ mộc cao niên trong làng được nghe truyền lại.