TỔNG TRẤN LÊ VĂN DUYỆT

VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH CÒN LẠI

Lê Vinh Bổn

Tổng Trấn Lê Văn Duyệt

Ở phần này, chúng tôi không có mục đích đánh giá công – tội của Lê Văn Duyệt mà chỉ trình bày đôi nét khái quát về một số công việc ông đã làm trong 3 thập niên đầu thế kỷ 19 với vai trò của vị Tổng Trấn. Đó là việc tổ chức: Học vấn, thi cử, văn học nghệ thuật miền Gia Định – Đổng lý trực tiếp công trình kênh đào Vĩnh Tế và Di tích Trường lũy Quảng Ngãi. Thiết tưởng đôi điều sau đây sẽ góp phần nhỏ trong việc tìm hiểu, nghiên cứu vị Tổng Trấn thành Gia Định năm xưa mà theo tinh thần vô tư của sử học chỉ cho phép ngươì viết bày tỏ những suy nghĩ mà người viết mong là khách quan, tuy thái độ khách quan khó đạt được đối với một nhân vật lịch sử đang còn nhiều tranh luận.

­ HỌC VẤN –THI CỬ-VĂN HỌC NGHỆ THUẬT:

Lê Văn Duyệt không để lại cho đời sau một tác phẩm học thuật nào nên trong tâm lý cũng như theo nhận xét của nhiều người: ông là một vị tướng võ biền thất học từ thuở nhỏ. Tuy nhiên, ông đã có cái nhìn xa về vai trò và nền tảng của văn hóa như những nhà văn hóa tầm cỡ. Suốt thời gian tri nhậm đất Gia Định, Lê Văn Duyệt đã thực thi những đường đường hướng văn hóa góp phần phát huy nền học vấn, thi cử và sinh hoạt văn học nghệ thuật trên khắp vùng đất Nam Bộ.

* Về học vấn:

Tháng chạp năm 1808, Lê Văn Duyệt đã tâu với vua Gia Long trùng tu lại văn miếu ở làng Long Hồ để dùng làm Khải khánh từ và xây dựng một văn miếu  tại xã An Ninh. (1)

Bắt đầu từ ấy, các học hiệu được mở ra tại các tỉnh Miền Nam. Trước nhất là ở làng Tân Lại (Biên Hòa), rồi mở thêm ở thôn Phú Mỹ (Gia Định). Sau đó, tại các phủ huyện xa xôi cũng được dựng lên, đặc biệt là dưới thời ông làm tổng trấn lần thứ hai (1820- 1832):

Năm 1826 mở Tỉnh học Định Tường và Học xá Vĩnh Long. Năm 1932 mở phủ học Tân Thành (An Giang), phủ học Kiến An, huyện học Kiến Hòa (Định Tường), phủ học Tân Bình (Gia Định) v..v..

Năm 1819, ông đã tâu với vua Gia Long truyền tha thuế thân cho Võ Tài Đồng vì ông này là một nhà mô phạm nổi danh. Năm 1821, Lê Văn Duyệt đã xin vua Gia Long cử Nguyễn Đăng Sở đang ở chức Hàn Lâm tu soạn vào làm Đốc học Gia Định cùng với Nguyễn Trọng Võ làm Phó Đốc học. (2)

Để khuyến khích con em học hành, ông đã miễn thuế thân và xin triều đình cấp áo mão cho những cống, cử, học sanh. Mặc khác cho tuyển lựa sanh đồ trong xứ xem ai có thể ra giúp việc thơ lại được thì bổ dụng, không bắt buộc phải đỗ đạt khoa bảng gì.(3)

Thời bấy giờ không những người Việt, người Minh hương được học mà cả người Khơme cũng được dạy cho chữ nho, chữ Việt. Qua một thỉnh nguyện và sớ tấu sau đây để chúng ta hiểu thêm việc học vấn đương thời của Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn: “Bọn Võ, Toản, Thức… cả thảy 8 người bấy lâu tùy  phái ở Trấn Tây dạy con em thổ dân trong các phủ. Nay xét dân đã hơi biết chữ mình và tiếng mình, xin lượng bổ giáo chức cho 8 người ấy thụ hàm Huấn Đạo, cử ở lại đó dạy cho dân”.(4)

* Về việc thi cử:

Lúc còn ở Gia Định, vì nhu cầu ăn học, Nguyễn Ánh có cho mở một khoa thi năm 1791. Kể từ đó thì ngưng mãi đến khi Lê Văn Duyệt vào làm Tổng Trấn mới tổ chức lại.

Theo Quốc sử Dị Biên của Phan Thúc Trực (thượng tập/84) thì vào ngày 10 tháng 10 năm Quý Dậu-1813 trường thi Hương được mở tại Gia Định. Thi trường lập ra hai nơi: Gia Định và (có lúc) An Giang. Riêng trường thi tại Gia Định được xây bằng gạch nằm ở thôn Hoà Nghĩa phiá tây thành, chu vi 193 trượng 6 thước, cao 4 thước 5 tấc.(5)

Năm 1821, Lê văn Duyệt dâng sớ tâu xin cho các sĩ tử ở các trấn ngoài vào ngụ tại miền Nam được phụ thí tại đây. Ông cũng đã dâng sớ tâu : “Bệnh dịch mới rồi làm nhiều người có trọng tang, phép trường không được thi nên số sĩ tử không được mấy. Xin Bộ tâu lên”.

Năm Ất Dậu-1825, trường thi Gia Định mở khoa thi Hội và chính Phan Thanh Giản đỗ cử nhân tại trường thi này và năm sau (1826), ông là người đỗ Tiến sĩ đầu tiên của miền Lục tỉnh tại trường thi Thưà Thiên. (6)

Năm 1820 khi dâng sách Gia Định Thành thông chí trong mục phong tục, Trịnh Hoài Đức viết: “Đất thuộc Dương Châu, gần mặt trời, thiên khí phấn phát trung chánh văn minh, con người ưa trọng tiết nghĩa. Họ học tứ thư, ngũ kinh thông hiểu ý nghĩa. Lúc mới trung hưng đặt chức Đốc học, ban hành qui chế học đường, mở khoa thi, từ ấy lý học, văn học cùng lúc rạng rỡ, càng khiến văn phong trỗi dậy”.(7)

Nhân tài theo đà thuận lợi đó mà phát triển. Một số nhân vật nỗi danh sau đây đều được học và thi đỗ trong thời Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn: Lê Văn Đức (Cử nhân khoa Quí Dậu-1813), Trương Minh Giảng (Cử nhân khoa Kỷ Mão-1819), Phan Thanh Giản (Cử nhân khoa Ất Dậu-1825), Huỳnh Mẫn Đạt (Cử nhân khoa Tân Mão-1831), Giải nguyên Bùi Hữu Nghĩa,…

Có một số tuy không xuất thân từ khoa cử nhưng đã đóng góp những công trình cho thời đại như: Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, Như Sơn Ngô Nhơn Tịnh, Cấn Trai Lê Quang Định, Tây An Đoàn Minh Huyên,…

* Về văn học nghệ thuật:

Trên báo Tri Tân số 1 năm thứ 6, ngày 6 tháng 6 năm 1946, ông Long Điền Nguyễn Văn Minh có dành một đoạn nhắc đến văn học Hán nôm cực thịnh của miền Gia Định thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn: “Nói đến Hán văn ở Nam bộ, có rất nhiều kiệt tác lưu truyền đến nay, người Trung hoa cũng phải thán phục”.

Trịnh Hoài Đức cũng cho ta biết thêm về sinh hoạt chữ Nôm của đương thời mà tài năng đã tiến tới mức độ trôi chảy. (8) Bản nôm truyện Song Trinh của Nguyễn Hữu Hào được truyền vào Nam, có một bản sao lại thời Gia Long tại Hà Tiên đã xác nhận thêm sinh khí văn học miền Gia Định. Lúc bấy giờ trên bầu trời Gia Định, có một thi đàn sáng chói nỗi tiếng là Bình Dương Thi xã do những nhân sĩ trí thức chủ xướng là Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định mà đương thời gọi là “Gia Định Tam Gia”.(9)

Về phần Văn học dân gian và kịch nghệ thì sinh lực mạnh mẽ hơn. Những câu hát, điệu hò, bài vè trên đồng, trong rạch, luôn sống động theo thời gian.

Theo sự nhìn nhận có tính thống nhất, về phần kịch nghệ hát Bội đã có những gánh hát với những tuồng tích đề cao trung nghĩa tiết tháo. Có hai gánh hát nổi danh, có chân đứng vững vàng nhất thời Minh Mạng, đó là của tả quân Lê Văn Duyệt và một của Nguyễn Văn Thoại sai thành lập. Đội “Nhứt Chiêu” do Lê văn Duyệt chủ trương qui tụ nhiều nghệ nhân xuất sắc từ Bình Định đến Quảng Ngãi, đã góp phần rất lớn trong ngành nghệ thuật sân khấu mà thời bấy giờ coi là mới mẽ. Bộ môn nghệ thuật này, đã dung hợp và tiếp thu những nét nghệ thuật của người Hoa, Chăm và Khơme tạo nên một bộ môn nghệ thuật đặc sắc của Nam Bộ.

Tuồng hát nổi danh là tuồng San Hậu, tuồng Ô Thước của Cao Hữu Dục cũng được hoan nghênh và nhiều tuồng khác như: Tiểu San hậu, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Phó hội Giang Đông, Kim Thạch Kỳ Duyên, Lưu Khánh Khám Trường An v.v.. mà Nguyễn Văn Xuân cũng đã nói về sự phát triển lớn lao của ngành hát Bội đáng kể thời Tả quân Lê Văn Duyệt trong sách “Khi Những Lưu Dân Trở lại” (10)

Dù bị mai một nhiều theo thời gian nhưng bấy nhiêu cũng giúp ta hiểu thêm về học vấn, thi cử, sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Gia Định trong thời gian Lê Văn Duyệt trấn nhậm tại miền Nam với một nếp sống an lành và một học phong, sĩ khí vững vàng khả dĩ không chịu nhục khi phải đương đầu với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp sau này. (11)

­ KÊNH VĨNH TẾ:

Trong 3 thập niên đầu của thế kỷ 19, những quan hệ chính trị của 3 nước Việt – Xiêm – Chân Lạp rối rắm phức tạp, lúc hoà hoãn, lúc xung đột căng thẳng. Trong tình hình này, đối với triều đình Xiêm, Nam Bộ và Châu Lạp có thể là mặt trận khả thi để bành trướng thế lực. Hơn ai hết, đã có thời bôn tẩu ở Xiêm, Nguyễn Phúc Ánh hiểu rõ tham vọng của vua quan triều đình Xiêm và chính sách Đông tiến của họ. Thêm  nữa, Nam Bộ là đất hồi sinh của nhà Nguyễn, vì thế vua Gia Long hiểu được tầm quan trọng của miền đất này. Do đó, tháng 9 năm Kỷ Mão- 1819, vua Gia Long cho lệnh đào kênh Vĩnh Tế theo tờ tâu của Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường năm Bính Tý- 1816.

Công việc này đặt dưới sự chỉ huy của Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, Chưởng Cơ Nguyễn Văn Tuyên, Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, Tổng Trấn Lê Văn Duyệt cùng hai Phó Tổng Trấn Trương Tấn Bửu, Trần Văn Năng và Thống Chế Trần Công Lai. Tháng 2 năm Qúi Tỵ – 1823, Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đã phải trực tiếp đổng lý việc đào kênh. (12)

Kênh Vĩnh Tế được đào song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia chảy dài từ Châu Đốc đến tiếp giáp với sông Giang Thành thuộc thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.

Lúc đầu, lực lượng nhân công là 5000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5000 dân người Khmer. Năm 1822, Tổng Trấn Lê Văn Duyệt phải huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn (Trà Ôn), Vĩnh Thanh (Định Tường) hơn 39000 người, trong số đó dân binh Khmer là 16000 người với dụng cụ thô sơ cầm tay. Công trình được hoàn thành vào tháng 5 năm Nhâm Thân 1824. (13) Ước tính trong 5 năm thực hiện, các quan phải huy động hơn 80.000 dân binh và có khi phải thay phiên thi công suốt ngày đêm.

Kênh Vĩnh Tế có chiều dài 91km, rộng 25m, sâu 3m, nhưng ngày nay, qua những lần nạo vét nên đã có độ sâu hơn. (14)

Năm Minh Mạng thứ 16 – 1835, nhà vua cho đúc Cửu đỉnh, hình Kênh Vĩnh Tế được chạm khắc vào cao đỉnh.

Ngoài giá trị về kinh tế, chính trị, ngoại giao kênh Vĩnh Tế còn có vai trò đặc biệt quan trọng về quân sự, giữ vững an ninh vùng biên giới phía Tây Nam, một phòng tuyến quân sự có khả năng phòng ngự trong hoàn cảnh xảy ra chiến tranh. Nó đóng vai trò như một bờ hào lớn, một phòng tuyến khó vượt qua. Vai trò này đã được chứng minh khi quân dân Việt một lần nữa, đánh đuổi quân Xiêm xâm lược ra khỏi bờ cỏi vào năm 1834 trong hoàn cảnh đất nước đang diễn ra nhiều biến động ở Gia Định.

Kênh Vĩnh Tế còn có vai trò xác lập chủ quyền Việt Nam trên đất Nam Bộ. Đây là một tế nhị nhạy cảm, dễ gây những bất đồng xung đột mà những thế lực chống đối, có thể lợi dụng kích động. Gia Long hiểu rõ điều này nên trong đời làm vua, ông đã có nhiều biện pháp để thiết lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở vùng Nam Bộ. Kênh Thoại Hà rồi tiếp đến đào kênh Vĩnh Tế minh chứng điều đó.

Kênh Vĩnh Tế còn có vai trò là một trung tâm kinh tế của 3 nước Việt – Xiêm – Miên. Bởi vì một trung tâm quân sự vững mạnh, phải đồng thời vững mạnh về kinh tế. Hơn nữa, tâm lý chung của mọi người dân nào, cũng đều mong muốn một cuộc sống yên ổn làm ăn, không ai muốn chiến chinh. Vì thế, tạo điều kiện sinh sống yên lành là một sách lược phòng thủ hữu hiệu nhất.

Ngày nay, chúng ta đi thuyền từ Châu Đốc đến Hà Tiên trên dòng kênh Vĩnh Tế, nhìn cảnh quan tươi đẹp, trù phú, ta nghĩ đến công ơn tiền nhân hơn 80 ngàn vị đào con kênh này dưới sự đổng lý của Tổng Trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt.

Gần 200 năm trước tiền nhân đã nhiều gian khổ khó nhọc với công trình này, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là tìm hiểu và phát huy những giá trị mà kênh Vĩnh Tế mãi mãi đem đến cho ta.

­TRƯỜNG LŨY QUẢNG NGÃI:

Những bộ sử triều Nguyễn như: Đại Nam Thực Lục, Bản triều nghịch liệt truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí… đều đã ghi nhận “Tĩnh man Trường Lũy” – (Lũy dài Bình Định các bộ tộc) cách thành tỉnh Quảng Ngãi 23 dặm, phía Bắc giáp huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, dài 177 dặm. Nguyên tả quân Lê Văn Duyệt vâng mệnh xây đắp(15).

Theo Lý lịch di tích Trường Lũy của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, phối hợp với Viện Khoa Học xã hội Việt Nam, mà viện Khảo cổ học là đơn vị trực tiếp từ năm 2005 đã thống nhất trong cuộc Hội nghị lần thứ 3 năm 2010 tại hà Nội với tên gọi chính thức là Trường Lũy Quảng Ngãi(16).

Trường Lũy Quảng Ngãi là một loại hình di tích đặc biệt, qui mô lớn, kéo dài hằng trăm cây số với những di tích liên quan mật thiết thành một phức hợp không thể tách rời như Đồn (bảo), đường cổ, phong cảnh đẹp thiên nhiên. Đặc trưng di tích là xây dựng bằng vật liệu tại chỗ như đá tự nhiên, đất đồi, đất ruộng với kỹ thuật đắp, đầm đất, xây, xếp đá…

Chiều dài của toàn tuyến lũy là 133km chạy dọc theo dãy Trường Sơn đi qua 7 huyện của tỉnh Quảng Ngãi: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ với độ dài 101km và đi qua 2 huyện thuộc tỉnh Bình Định là Hoài Nhơn, An Lão với chiều dài 32km.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì đây là Trường Lũy dài nhất Đông Nam Á và được xây dựng từ thế kỷ thứ 17, nhưng lúc bấy giờ chỉ có những Đồn và bờ lũy ngắn, mà phải đến năm 1819, Tả quân Lê Văn Duyệt tâu xin đắp, thì nó mới thực sự bắt đầu trở thành “Trường Lũy” như các bộ sử nhà Nguyễn đã ghi chép. Do đó nói rằng Lê Văn Duyệt là người khởi công dựng Trường Lũy thì cũng không có gì mâu thuẫn.

Trên toàn tuyến lũy đều có thể tiếp cận dễ dàng bằng các con đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã. Một số điểm lũy sát ngay bên đường tỉnh và quốc lộ như ở Hành Tín, Ba Động…

Theo tư liệu lịch sử cho biết, có 115 đồn cách nhau chừng 500m đến 1000m nằm dọc theo tuyến lũy. Trên nghiên cứu thực tế đã phát hiện 71 di tích đồn, đa phần còn nguyên vẹn, trong đó có những đồn lớn như Thiên Xuân xã Hành Tín Đông và đồn Kim Long xã Hành Dũng thuộc huyện Nghĩa Hành.

Theo dữ liệu PGS trong lý lịch di tích của nhóm EFEO và các chuyên gia như: TS Nguyễn Tiến Đông (Viện khảo cổ), TS Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bắc Cổ Pháp), TS Stephen Liez (Chuyên gia đồ bản Hoa Kỳ), ThS Federico Barroco (Nhà KCH Italia) cho ta biết điểm cao trung bình của Trường Lũy là 45m, còn điểm cao ở đèo Chim Hút Huyện Nghĩa Hành là 227m và ở xã Phổ Cường huyện Đức Phổ có điểm cao 243m. Chân của bờ lũy trung bình từ 4-5m, mặt thành 2-3m, nhiều nơi có khi cao đến 4m, chân rộng 6m như ở xã Ba Động – Ba Tơ.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, di tích nầy có liên quan đến các thế lực mâu thuẫn nhau về quyền lợi, điều kiện sinh tồn (Việt – Chăm, Lê – Mạc, Tây Sơn – nhà Nguyễn, các cuộc nổi dậy ở miền Tây) gắn với các cuộc chiến tranh, các cuộc tranh chấp là tên tuổi của nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Hồ Quí Ly, Lê Thánh Tông, Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh, Lê Văn Duyệt, Đỗ Đăng Đệ, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân… trong tiến trình lịch sử dân tộc (17)

Theo Dự án và lý lịch di tích thì di tích nầy gắn liền với sự phục hưng của nhà Nguyễn với ông vua đầu triều Gia Long và một nhân vật nổi tiếng hồi đầu thế kỉ 19 là Tả quân Lê Văn Duyệt.

Năm Gia Long thứ 7, Mậu Thìn – 1808 nhà vua có dặn Tả quân Lê Văn Duyệt trước khi lên đường tiến đánh cuộc nổi dậy của các bộ tộc miền núi Quảng Ngãi rằng : “Giặc Mọi hung dữ gây hoạn nạn không thể đi đánh dẹp, đường sá hiểm hóc, không dễ mà phá dứt được, ngươi hãy tùy tiện xử trí cho thích hợp để hàng phục được lòng chúng; nghĩa là không cần đánh mà  khuất phục được  giặc mới là thượng sách”. Vì thế nên các cuộc bình định sau đó, Lê Văn Duyệt thực thi đường lối thu phục mà không triệt hạ, đè bẹp như lấy quân pháp buộc tội chém viên quan hạch sách hà khắc là Phó quản cơ Lê Quốc Huy. Và ý tưởng đắp Trường Lũy nhằm vào sách lược giải quyết những rắc rối, xung đột còn kết quả của nó, tùy thuộc vào những yếu tố của lịch sử kề sau.

Một số ý kiến khác cho rằngđắp Trường Lũy Quảng Ngãilà hệ quả của nguồn cảm hứng từ Vạn Lý Trường Thành mà Đào Duy Từ đã làm trong việc xây dựng bờ Lũy ở tỉnh Quảng Bình. Và thành quả của bờ lũy này dưới thời Trịnh – Nguyễn thế kỉ 17, có thể đã đưa Lê Văn Duyệt đến quyết định xây Trường Lũy Quảng Ngãi. Nhưng nguồn cảm hứng từ Vạn Lý Trường Thành chỉ có vai trò chung chung nên Trường Lũy Quảng Ngãi và Trường Thành Trung Hoa hoàn toàn khác nhau về ý tưởng, kiến trúc lẫn chức năng. Thêm nữa, mô hình Lũy còn có ý tưởng khẳng định biên giới quốc gia, vì cùng lúc Lê Văn Duyệt đã thực thi một sách lược tương tự ở vùng biên giới Việt Nam – Chân Lạp là đào kênh Vĩnh Tế.

Trường Lũy Quảng Ngãi là một ranh giới, nhưng không phải là ranh giới đóng kín. Các đồn dọc bờ lũy trong thời bình, là các trạm kiểm soát việc buôn bán, thu thuế giữa hai miền, là một nét văn hóa đặc biệt của di tích và điều này, cho thấy giá trị về nghệ thuật quân sự của tiền nhân trong lịch sử.

Di tích này sẽ là nơi thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, muốn nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử nói chung và lịch sử mở nước của người Việt nói riêng. Đồng thời là kho tư liệu quý giá, về sự hình thành bản sắc Việt miền Trung và là nơi đào tạo cho các thế hệ nghiên cứu khoa học nhân văn.

Trường Lũy còn là một nơi để nghiên cứu văn hóa dân học H’re, văn minh của người H’re không giống như những nền văn minh của các bộ tộc khác trên cao nguyên miền Trung.

Những cơ hội Trường Lũy đem lại không chỉ dành cho nghiên cứu và khảo cổ, mà cũng là một cơ hội quan trọng cho nhân dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Nó mở ra những tiềm năng cho sử dụng bền vững (như du lịch…) để mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng mà Lũy đi qua (18).

Ngày 9/3/2011 Bộ văn Hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 800/QĐ – BVHTTDL công nhận Trường Lũy Quảng Ngãi là di tích lịch sử quốc gia.

Ngày 26/3/2011, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) và Đại sứ một số nước tại Việt Nam: Pháp, Ba Lan, Hungary, Anh, Hy Lap, Rumani đã đi thăm Trường Lũy và bày tỏ sự ủng hộ để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Trường Lũy Quảng Ngãi là Di sản Thế giới.

 

Chú thích:

(1) Quốc Triều Chính Biên toát yếu – Q1- Mục Nhâm Tuất – Trang 68.

(2) Q.T.C.B.T.Y- Q3- Trang 14 ( xem thêm Minh Mạng chính yếu – Mục cầu hiền – Tờ 4a).

(3) Sđd – Q3 trang 122-123.

(4) Q.T.C.B.T.Y – Q3 trang 209.

(5) Đại Nam Nhất Thống Chí – Gia Định tỉnh – Tờ 11b.

(6) Lê Thọ Xuân – Đôi chuyện về Phan Thanh Giản – Tri Tân số 4 – 1941.

(7) Gia Định Thành Thông Chí Q4 – Tờ 1b.

(8) Sđd Q4 tờ 10a.

(9) Nguyễn Hữu Hào – Truyện Song Tinh – Đông Hồ Khảo Cứu và sao lục –Nxb Bốn Phương – Sài Gòn 1962 trang 22.

(10) Nguyễn Văn Xuân – Khi Những Lưu Dân Trở Lại – Nxb Thời Mới.- Sài Gòn – 1969 trang 71-72.

(11) Xem thêm: Lê Vinh Bổn – Văn Học Nghệ Thuật Đồng Nai – Tạp Chí Giáo dục và sáng tạo – Sở Giáo Dục TP.HCM- Tháng 10-2007.

(12) Quốc Sử Quán – Bản dịch – Quốc Triều Chính Biên toát yếu. Nxb Thuận Hoá- 1998 trang 162.

(13) Sđd trang 166

(14) Đại Nam Nhất Thống Chí – Phần tỉnh An Giang.

(15) Đồng Khánh Địa Dư Chí – tỉnh Quảng Ngãi

(16) Lý lịch di tích.

(17) Lê Hồng Khánh –  Trường Lũy kí – tạp chí Cẩm Thành – Sở Văn Hóa Quảng Ngãi – số 65 tháng 8-2011 tr37.

(18) Thư mục tham khảo.

     – Đại Nam Nhất Thống Chí Q6- tỉnh Quảng Ngãi – Nha Văn Hóa Sài Gòn 1964.

     – Đại Nam Thực Lục Chính Biên – Nxb Sử học – 1963 Q4.

     – Nguyễn Bá Trác và các tác giả – Quảng Ngãi Tỉnh Chí – Bản đánh máy – Thư viện tổng hợp Quảng Ngãi.

     – Cao Xuân Dục – Viêm Giao Trưng Cổ Ký – bản dịch Nxb Thời đại 2010.

     – Lê Quý Đôn – Phủ Biên Lạp Lục – bản dịch Lê Xuân Giáo – Nha Văn Hóa – Sài Gòn – 1972.

     – Lý lịch di tích – Ts Nguyễn Tiến Đông, Ts Andrew Hardy, Ts Stephen Leiz, Ths Fedrico Barroco, Ths Trần Hoài, Ths Nguyễn Đặng Minh Anh, CN Lê Viết Thuận.