NGƯỜI PHỤ NỮ THỜI XƯA
Qua Văn Học Dân Gian
Lê Vinh Bổn
Tục quyền rằng xưa kia bà Âu cơ cùng với năm mươi người con ở lại đất Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc) tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương. Người đàn bà đầu tiên trong lịch sử dựng nước mang một hình ảnh mỹ miều, nên thơ… như tiên.
Theo Louis Finat thì thế kỷ IIIvà II trước công nguyên, tổ tiên ta vẫn sống theo chế độ mẫu hệ. Công trình khảo cứu quan điểm này, về sau được nhiều sử gia và học giả Việt Nam đồng ý ( *Đào Duy Anh: “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương”- NXB Bốn Phương- SG 1951, trang 105- ** TrươngTửu: “Kinh Thi Việt Nam”- NXB Liên Hiệp- SG 1950, trang 106- *** Trần Quốc Vượng: “Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam” NXB Giáo Dục Hà Nội 1960, trang 67). Dần dà, đời sống nông nghiệp mỗi ngày một phát triển, người đàn bà một phần vì sức khỏe kém, phần vì trở ngại việc sinh sản nên đàn ông tiến đến vai trò chính trong canh tác cùng chiến đấu với bộ lạc khác. Đồng thời với sự tăng gia sản xuất, địa vị của đà ông cũng thay đổi theo. Địa vị này, đưa dần xã hội vào chế độ phụ hệ mà có lẽ đến đầu kỷ nguyên Tây Lịch, xã hội Việt Nam mới thực sự thống trị và ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
Bắt đầu từ ấy đứa bé gái sinh ra bị coi là kém cỏi… suốt đời chỉ còn biết nương vào đàn ông, phụng sự cho đàn ông … sự bất công đến thương tổn vai trò và nhân phẩm của người phụ nữ thời xưa, thể hiện phong phú nhất qua kho tàng văn học dân gian:
… “Con cuốc kêu khắc khoải mùa hè
Làm thân con gái phải nghe lời chồng”
Khi về đế nhà chồng, lại được dạy dỗ thêm:
“Mẹ già dữ lắm em ơi
Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
Nhịn cho nên cửa nên nhà
Nên kèo nên cột nên xà tầm vông
Nhịn cho nên vợ nên chồng
Thời em coi sóc lấy trong cửa nhà”…
Lỡ tay một chút như:
“Hũ mật mẹ treo đầu giàn
Con tưởng hũ mắm con nêm canh bầu
Thì ra: Canh bầu nửa ngọt nửa chua
Mẹ ăn không được mẹ đưa con về”
Đi sâu vào đời sống tình cảm hôn nhân của phụ nữ Việt Nam thời xưa, chúng ta lại càng gặp nhiều phũ phàng hơn nữa trong cảnh làm lẽ và tục tảo hôn. Nhiều trường hợp về nhà chồng “ tối tối vợ phải đưa chồng đi rửa chân rồi bế chồng đi ngủ” (Toàn Ánh: “ Nếp Cũ”- NXB Nam Chi Tùng Thư- SG 1965, trang 189). Thật buồn cười cho cảnh:
“ Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng
Cũng đa mang là gái có chồng
…
Nói ra sợ chị em cười
Má hồng bỏ hóa thiệt đời xuân xanh
…
Nó ngủ nó đánh tì ti
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!”
Thân phận của cô gái làm lẽ cũng chẳng hơn gì:
“ Lấy chồng làm lẽ khổ thay
Đi cấy đi cày chị chẳng kể công
Tối tối chị giữ mất chồng
Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài
Sáng sáng chị gọi bớ Hai
Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo”
Người phụ nữ Việt Nam vốn tinh thần nhẫn nại, hy sinh tất cả cho chồng con nên khi lấy chồng rồi thì:
“ Chửa chồng còn thúng quai thao
Chồng rồi nón rách quai nào cũng quai
Chửa chồng yếm thắm đeo hoa
Chồng rồi hai vú bỏ ra tày giành”
Và trống điểm canh hai vẫn còn ngồi dệt cửi, sang canh năm thì:
“ Trình anh dậy học chứ nằm làm chi”
Nếu chồng học ở xa thì:
“ Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi
Hết gạo thiếp lại gánh đi
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao
Hỏi thăm đến ngõ thì vào
Tay đặt gánh xuống miệng chào thưa anh”
Rồi lại còn nhịn ăn nhịn mặc để sắm bút nghiên cho chồng:
“ Cái nghiên cái bút thật là của em
Em là con gái Phụng Thiên
Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng
Nữa mai chồng chiếm bảng rồng
Bõ công tẩm tưới vun trồng cho rau”
Cho nên không những trong sinh hoạt gia đình, trong sinh hoạt kinh tế mà đến cả sinh hoạt văn hóa phụ nữ Việt Nam đã thực hiện vai trò “Nội Tướng” quan trọng này:
… “Không có bà nhà hóa mồ côi…”
Chính trong lịch sử Việt Nam còn có ghi chép hai sự kiện tôn trọng phụ nữ: Là khi vua Thánh Tôn cầm quân đi đánh Chiêm Thành thì bà Ỷ Lan đã được trao chọn quyền nhiếp chính. Bà đã làm công việc ấy một cách vẹn toàn đến nỗi người dân ngoài biên giới cũng ngợi khen; và đến cuối thời Lý, ngôi vua đã được truyền cho con gái (tức Bình Thiên công chúa Lý Chiêu Hoàng) mà không xảy ra một sự lạm quyền nào như ta thấy xảy ra ở Trung Hoa và nhiều quốc gia khác. Đây cũng là một hệ giá trị tinh thần cốt lõi, một bản sắc cội nguồn của văn hóa Việt Nam.
Nhưng cái thời vàng son ấy lại ngắn ngủi quá trong chiều dài lịch sử. Nhiều đấng nam nhi đã nhờ vợ mà nên người danh giá, rồi thì:
“ Nào ai nhắn nhủ mi ra
Mi ngồi mi kể con cà con kê
Muốn tốt quảy bị ra về
Việc quan tao chịu một bề cho xong
Xưa kia tao ờ trong phòng
Bây giờ tao đã vào trong cửa quyền”
Hoặc là:
“ Bây giờ anh tốt anh xinh
Anh âu duyên mới anh tình phụ tôi”
Có khi ấm ức quá, phụ nữ thời xưa cũng khiêu khích:
“ Chồng đánh bạc vợ đánh bài
Chồng hai ba vợ, vợ hai ba chồng”
Tuy nhiên sự phẫn uất chỉ trong nhất thời mà thôi, khi nhụ nữ chưa đặt mình vào một cuộc giải phóng thật sự. Vì xã hội ngày ấy đã dọn sẵn cho họ một con đường duy nhất và tất yếu: Con đường dẫn đến nhà chồng:
“ Xin ông thí bỏ cho tôi chút chồng
Tôi về làm lễ tế ông…”
Cái tâm lý sợ già hết duyên tác động mãnh liệt đến tâm hồn người phụ nữ:
“ Biết đâu trong đục mà chờ
Hương thơm hết tuyết nương nhờ vào ai!”
Hoặc là:
“ Còn duyên đóng cửa kén chồng
Hết duyên ngồi gốc cây hồng liệng hoa”
Bởi phụ nữ ngày ấy có chồng còn hơn là ở vậy tại nhà mình:
…“ Giàu thì chia bảy chia ba
Thân em là gái được là bao nhiêu”
Gia tài đã không được hưởng (mãi đến lúc có luật Hồng Đức, quyền thừa kế của nữ giới mới được cải thiện), một mai luống tuổi bơ vơ, biết dựa vào ai?
Ngày nay phụ nữ chúng ta đã thoát khỏi sự thống trị của nam giới, đã hòa nhập thực sự vào cộng đồng dân tộc. Và qua kho tàng văn học dân gian, hình ảnh đầy thương cảm của người phụ nữ thời xưa còn đó trong những bài hát ru con, mà ở góc độ nào vẫn làm sống mãi vai trò “NỘI TƯỚNG” người phụ nữ Việt Nam- Một bản sắc văn hóa dân tộc đáng phát huy, gìn giữ trước những cuộc “xâm lăng mềm” và trong quá trình giao lưu văn hóa thế giới hiện nay.
Quán Lát- Xuân 1999
(Tạp Chí Văn Nghệ Quảng Ngãi, số Xuân Kỷ Mão- 1999)