TÍNH NHÂN BẢN TRONG TÌNH YÊU CỦA NHÂN VẬT KIỀU PHONG

                                                                                          Lê Vinh Bổn

 

Hình vẽ

                        Thời gian gần đây,chúng ta thấy xuất hiện trên Kiến Thức Ngày Nay, Tuổi Trẻ Chủ Nhật… một số bài viết về những mối tình trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Những bài này được viết với kiến thức phong phú, lời đẹp đẽ và giọng ngọt ngào như… đang yêu.

Nhưng thật tình mà nói, chúng ta chưa được thỏa mãn lắm bởi vì tình yêu trong truyện Kim Dung tinh anh, nhiều sắc màu quá như giọt sương đêm còn đọng trên cánh hoa lá cỏ phản chiếu ánh mặt trời, mà đứng mỗi phía, ta thấy mỗi màu khác nhau. Phải chăng đó cũng là cái óng ánh muôn màu muôn vẻ của thực tại yêu đương mà nhân loại đã hao tốn bao nhiêu sách vở vẫn không “bút mực nào kể được chuyện con tim”?

Qua bao nhiêu truyện tràng giang đại hải của Kim Dung hoặc dù chúng ta có phiêu lưu qua hàng vạn trang sách yêu đương tình ái, chắc rằng chúng ta chưa hề gặp một tình yêu nào rực rỡ, vời vợi nhưng cũng lắm đau thương tê buốt như tấm tình yêu của Kiều Phong với A-Châu trong Lục Mạch Thần Kiếm.

Tiêu Phong (tức Kiều Phong) người anh hùng hảo hán được kết hợp với tinh thần thượng võ của Khất Đan với khuynh hướng hòa nhã, lãng mạn của Hán tộc. Tiêu Phong sống được do cái bất giác rùng mình của Trí Quang đại sư khi ông nhìn thấy đôi mắt chứa chan quyền sống, đôi má bụ bẫm hây hây quyền làm người của cậu bé Tiêu Phong. Chàng sống sót là nhờ ở tình người. Nên sau này lớn lên Tiêu Phong đã phung sự cho tình người, đã yêu theo cách thế của người và cuối cùng đã chết một cách ngang xương tức tưởi, cũng chỉ vì tình người đã để lại bao nhiêu tiếc thương cho hàng triệu độc giả.

Khi Kiều Phong thất cơ lỡ vận, cuộc đời đưa đẩy người anh hùng hảo hán này thành “kẻ không nhà trong bốn bể, người có tội giữa năm châu”, ông cô độc giữa bóng đêm, đối diện với núi rừng trùng điệp ngoài quan ải, lòng mang một nỗi hận trùng trùng, trước mắt là nơi cha mẹ bị thảm tử… Tiêu Phong đứng trong cảnh:

‘Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du”

(Trần Tử Ngan- Đăng U Châu Đài Ca)

… thì A_Châu đến và tình yêu cũng đến với Tiêu Phong như một sự cứu chuộc, một nguồn an ủi cho thân phận làm người của ông. Nên lúc bấy giờ, ngôi hoàng đế nước Đại Tống cũng không bằng một tấm tình yêu. Ấy thế mà A-Châu lại chết đi, cái nguồn an ủi độc nhất này vụt mất, tình yêu vụt tắt; làm sao mà Tiêu Phong khóc được!

Kim Trọng trước sự đổ vỡ của tình yêu còn được khóc trước mặt nhân chứng: Vương Ông, Vương Quan, Thúy Vân. Khi nước mắt vơi, bên cạnh có Thúy Vân, lòng chàng yên bình trở lại và Kim Trọng quyết đi tìm Kiều. Mà còn đi tìm là còn hy vọng. Ở Tiêu Phong, đã mất là mất luôn, không còn một tia hy vọng, không thấy được A-Châu một lần nào nữa. Nước mắt đông thành khối. Người anh hùng Tiêu Phong không có hoàn cảnh để khóc, mà nếu có cũng chẳng biết khóc với ai! Nỗi đau trong tình yêu của Tiêu Phong không nói ra được- một nỗi đau nghiền mgẫm thân thể, một nỗi đau vừa là chất liệu cho cuộc sống vừa là thuốc độc của đời người.

Tình yêu của Tiêu Phong và A-Châu lóe sáng như một vệt sao băng trên vòm trời tối bưng rồi vụt tắt ngụm một cách phũ phàng, độc địa, phi lý. Ngoài A-Tử ra không còn một chứng nhân nào nữa. Đối với Kim Trọng, Thúy Vân còn tạm thay được Thúy Kiều, chứ đối với Tiêu Phong A-Tử không thể nào thay được A-Châu, mà chẳng có giai nhân nào thay được cả. Như tâm hồn của Mục Niệm Từ tràn ngập hình bóng của Dương Khang đến nỗi nàng phải vào miếu cắt tóc đi tu để giữ mãi hình ảnh của Dương Khang. Hay Kỹ Hiểu Phù trong Cô Gái Đồ Long: Thà chết chứ không phản bội Dương Tiêu, mặc dù sư phụ của nàng lên án Dương Tiêu là thằng dâm tặc, ngoài danh vọng ra không còn thiết tha điều gì. Đến nỗi đứa con mà nàng có với Dương Tiêu được nàng đặt tên là Dương Bất Hối (dù nàng có chết đi cũng không gì ân hận).

ở tình yêu của Tiêu Phong chỉ là một thứ tình cảm, một sự phối hợp giữa chàng và A-Châu. Tình yêu ấy đã trở thành một thực tại thiêng liêng bao gồm thân xác nhưng vượt quá thân xác. Tiêu Phong đã yêu A-Châu trong linh hồn mà thân xác chỉ là cách thế để biểu lộ tình yêu đó, bởi vì yếu tính của tình yêu là bất diệt. Tình yêu của Tiêu Phong đã cho chàng nhận rằng A-Châu là một người có thể vượt khỏi vực sâu là cái chết. Nhà thơ Tế Hanh đã viết:

“Anh yêu em

Dù em có đây hay không có đây

Em là cõi vô biên

Cho tình anh bất tận…”

Không đề- Tế Hanh

Mặc dù Tiêu Phong không thấy dấu hiệu nào bên ngoài biểu lộ sự có mặt của A_Châu, nhưng chàng biết và quả quyết rằng A-Châu vẫn ở quanh đây, vì giữa Tiêu Phong và nàng không cần dấu hiệu gì cả. Một tình yêu thiết cốt như thế thì mọi trung gian trở nên thừa. Do đó, dù A-Tử có lẽo đẽo theo sát bước chân giang hồ của Tiêu Phong từ Tống sang Liêu, từ một anh hùng áo vải sang ngôi Nam Viện Đại Vương mà vẫn không làm mờ được hình bóng của A-Châu. Tiêu Phong săn sóc cho A-Tử như săn sóc một người em gái qua lời ký thác của A-Châu. Chàng không như Đoàn Dự yêu một lượt năm bảy người tình.

Không “xiển dương tính chất nghệ sĩ” trong yêu đương! Tình yêu của Tiêu Phong trên một khía cạnh nào đó, có chút gần kề với tình yêu của cô bé A-Ly đối với Tăng A Ngưu trên khung cảnh Hồ Điệp Cốc trong Cô Gái Đồ Long. Thành ra:

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ đã ai quên”

của nhà thơ Thế Lữ chưa đủ trọng lượng để diễn tả, bởi vì có những trường hợp người ta vẫn chưa quên được “thuở ban đầu”, nhưng người ta vẫn có thể chấp nhận một tình yêu thứ hai. Đằng này, Tiêu Phong hay A-Ly chỉ yêu có một người và một lần cho người ấy mà thôi. Bởi vì tình yêu của Tiêu Phong đã đóng thành khối, đã được gắn lại bằng những dòng nước mắt chảy vào lòng người anh hùng hảo hán, bằng máu của ý thức rằng mình đang Yêu- Trong đó, có máu của cha mẹ ngoài quan ải, của ông bà Kiều Tam Hòe trong mái nhà thân yêu, của sư phụ cạnh chùa Thiếu Lâm, của những trưởng lão Cái Bang ở Tụ Hiền Trang ngập rượu và nhất là có máu của A-Châu trên dòng nước lạnh vào một đêm tối trời nhiều đe dọa.

Tình yêu của Tiêu Phong như thế, phải chăng trên một ý nghĩa chân thành nhất của nó là biểu lộ tình liên đới, siêu hình giữa Người với Người, là một tình yêu mang đầy tính Nhân Loại mà chúng ta tìm gặp ở Tiêu Phong. Cũng chính ở điểm này mà có một vài ý kiến ngộ nhận cho rằng Tiêu Phong không có tình yêu, chỉ có tình thương hại.

Tiêu Phong chết đi một cách ngang xương, tức tưởi, suy cho cùng là đi tìm một khát vọng: tình yêu và cuộc sống. Chừng mực nào, ông đã gieo trong lòng chúng ta niềm tin yêu và ước nguyện dù trong đau thương hay trong hạnh phúc.

Ông làm ta liên tưởng đến lời của Giớt- một thi hào của nhân loại:

“Người ta sinh ra trong tình yêu,

lớn lên trong tình yêu

và chết đi trong tình yêu!”

 

Quảng Ngãi, tháng 4 năm 1995

 

(Trích tạp chí THỜI VĂN số 7 năm 1995)