CHỮ ‘Tín’ TRONG NHỮNG ĐÊM HÁT HỐ

                                                                              Lê Vinh Bổn

 

 

Làng tôi thuộc vùng hạ lưu dọc theo bờ hữu ngạn dòng sông Vệ, phía bên hông tiếp giáp biển và dãy núi Long Phụng sừng sững áng ngữ sương muối cho cánh đồng bát ngát tươi mượt như nhung khi lúa còn thời con gái- một vùng quê mà ngày xưa thầy địa lý thường khen là có “long mạch, linh khí” triu lại, tạo nên nhiều tiềm năng và sức sống cho dân làng.

Ca dao xứ Quảng cũng đã từng xếp miền quê này vào làng thứ nhì của tỉnh Quảng Ngãi:

“ Nhứt Tư Cung nhì Long Phụng

Và:

Nhứt Công Điền Thi Phổ

               Nhì đất thổ Long Phụng”.

Một trong những tiềm năng sức sống dân làng của vùng quê thứ nhì ấy, đã có những sinh hoạt văn nghệ của nền văn hóa nông nghiệp đóng góp ít nhiều vào kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian thêm phong phú đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong phạm vi bài này, tôi xin được giới thiệu một số bài “hát Hố, hát Đối” ở những đêm trăng giã gạo của những cô gái chàng trai vùng quê ấy trong những năm của thập niên 1930. Và từ ý tình hẹn ước trong những bài hát “ Hố” này, họ đã nên thành gia thất. Những cô gái chàng trai thuở ấy, nay đã vào tuổi bát tuần, cửu tuần. Một số “Cô Cậu” đã ra đi biền biệt, một số “Cô Cậu” được trời hậu đãi còn tại thế, kể lại tôi nghe những chuyện “tình sử” đã làm “dậy làng nức xóm”, một thời qua những khúc điệu hát hố mà như vẫn còn nhung nhớ.

Cụ Bùi Ngh… nay đã 85 tuổi còn nhớ như in những đêm rằm tháng tám năm Kỷ Mẹo 1939, sau mùa lúa “Dế vàng”_ cái đêm giã gạo trong sân nhà ông xã H mà cậu Bùi thuở đôi mươi ứng khẩu một câu hát thật tài hoa với cô gái Phan Thị … ở xóm trên.

“Khai mạc” đêm hát giã gạo này cô Phan xướng rằng:

“Bà già lể ốc tại nhà

Con quốc uống nước con gà mổ kê

Nực cười gà nọ mổ kê

Ngựa ăn gò  mã rồng về Minh Long(1)

Núi Dương Quang dê chạy giáp vòng(2)

Ngó ra đồng trũng(3) thấy cặp cá tràu ngất ngư

Làm trai như anh đối đặng bây chừ

Gái em têm trầu cáng phụng bỏ họp cừ dâng lên”

 

Tiếng hát dừng lại rồi tiếng vỗ tay khiêu khích, đợi chờ… rất tiếc vì thế hệ trẻ chúng ta không được duyên may mắn chứng kiến cảnh sinh hoạt “sân khấu hát giã gạo” ngày xưa với một nhạc cụ đệm cho cô Phan hát thuộc “dàn nhạc thuần mộc” là tiếng cối xay, tiếng chày giã, tiếng xóc gằn gạo trong nia, tiếng rơi gạo dưới sàn, tiếng xào xạc trong dần…đã hòa vào tiếng hát cô Phan như những khúc điệu trữ tình gây cảm xúc nơi tâm hồn cậu Bùi, gợi hứng cho chàng trai 23 tuổi thuở ấy hát lời đối rất tài tình và thật sát về phương diện ngữ nghĩa:

“Thầy tu thủ tự trong Chùa

Con nai hớt lộc con rùa quy y

Nực cười rùa nọ quy y

Voi về vạn tượng (4)  rắn đi đường xà (5)

Tàu ô, quạ nọ bay qua

Ngó vô vườn cúc, ba đà trỗ bông

Làm trai như anh đối đặng đã thông

Gái em têm trầu cánh phụng bỏ họp đồng dâng lên”

 Chừng như lời giao ước ở câu cuối khúc hát, họ đã nên thành chồng vợ dìu nhau đến tuổi bát tuần với bốn mụn con. Ngồi trên chiếc phản, đôi mắt cụ Bùi trông lên tấm ảnh người vợ Phan Thị… khuất bóng 3 năm trước kể chuyện “hát hố” với chút lòng hứng khởi lẫn chút ngậm ngùi nhớ nhung.

Chú thích:

1-     Minh Long: Một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi

2-     Dương Quang: Tức là núi Long Phụng Đức Thắng Mộ Đức

3-     Đồng trũng: Bây giờ là đồng đứng dưới chân núi Long Phụng

4-     Vạn Tượng: Địa danh thuộc xã Nghĩa Dõng

5-     Đường Xà: Phố Thu Xà thuộc xã Nghĩa Hòa cũng là tỉnh lỵ đầu tiên của Quảng Ngãi.