CHỮ “Tình” NGƯỜI QUẢNG NGÃI

Qua Những Câu Hát Bình Dân

Lê Vinh Bổn

 

Theo một số công trình khảo cứu gần đây (1) và Địa Dư Chí soạn dưới triều Duy Tân 1914 thì sự hình thành miền đất Quảng từ năm Nhâm Ngũ 1402. Đồng bào địa phương này là lưu dân từ Nghệ An trở ra, đi tiên phong khai khẩu (sau khi vua Ba Địch Lại sai Bồ Điền dâng đất Chiêm Động – Cỗ Lũy), đã biến cải Cổ Lũy Châu thành quê hương Quảng Ngãi mến thương hôm nay. Song song với cuộc hành trình mở đất ấy, người dân ở đây đã kế thừa và phát triển sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian trong cộng đồng cương vực Đại Việt. Chúng ta thử tìm hiểu tâm tình người Quảng Ngãi trong những câu hát bình dân còn ẩn tàng đâu đó nơi các cụ già miền quê này:

Trong tiến trình di sinh ấy, người dân đã mang vào miền đất mới một di sản văn hóa tinh thần_ Cái lợi thế là kế thừa, tiếp nhận nền giáo dục Khổng Mạnh không như miền Bắc và Bắc trung bộ, một phần cũng nhờ sinh hoạt xa triều đình phong kiến. Một thuận lợi nữa là một vùng đất mỡ màng của tính thống nhất về ngữ âm cho khu vực Miền Nam, mà đèo Hải Vân là ranh vừa hữu tình (địa lý) vừa vô hình (ngữ âm). Và nhất là một miền đất có bốn mùa rõ rệt, cây trái ngọt lành, xanh tươi, đồng ruộng mênh mông rải đến chân trời, đã kết dệt nuôi dưỡng từ thể chất đến tâm hồn người dân ở đây phong túc hơn, nồng nàn hơn, thiết tha hơn:

Thuốc ngon chợ huyện

Giấy quyến Sa Huỳnh

Nẫu xa mặc nẫu

Đôi lứa mình không xa”

Thật vậy, Thuốc trồng vùng Cà Đó, Thạch Than ở xã Đức Phong ngon nhất Quảng Ngãi thường bán tại chợ huyện – Đức Nhuận (huyện lỵ Mộ Đức xưa kia đóng tại đây, lúc còn mang tên huyện Khê Cẩm rồi huyện Mộ Hoa) thì không thể không quấn với giấy quyến mỏng tanh của Sa Huỳnh – cho thuốc ngon hơn! Cái chứa chan tình dân tộc của người Quảng Ngãi là thế.

Dù nơi em – chợ huyện cách trở nơi anh – Sa Huỳnh cả cái đèo Mỹ Trang đi nữa, vẫn quyết không xa nhau và nếu có ai xa thì “mặc nẫu” bởi vì:

“ Thương em từ lúc nằm nôi

Em nằm em khóc anh đôi cục đường

Bây giờ em có người thương

Em đem trả lại cục đường cho anh”

“ Sao Rua mấy chiếc nằm kề

Thương em từ thuở mẹ về với cha…”

 

Cái cường chất rạo rực, nồng thắm của người Tây Phương cũng chỉ thoảng đưa đến chừng đó- thiết cốt quá mà cũng tinh tế quá. Thương yêu nhau như tự thuở nào của tiền kiếp, ghẹo tán gái mà ý nhị đến mức này thì bọn con trai thành phố thủ đô ngày nay phải cúi đầu làm đệ tử- thế nên:

“Chiều chiều mây phủ Sơn Hà

Lòng ta thương bạn nước mắt và với cơm”

 

Chỉ nghe thôi cũng đã làm cho ta phải rụng rờ rồi: Yêu nhau như hồi chưa có, nhớ thương đến nước mắt hòa lẫn trong cơm. Đâu thua gì những tình sử trong các kiệt tác từ Đông sang Tây, và cái thế thiết nhớ nhung chẳng kém gì những diễn viên màn bạc hiện thời trong những cuộc tình u uẩn đầy nước mắt:

“Em gặp anh đây

Em thương làm sao cha chả là thương

Thương lắm, thương lún, thương lụn, thương bại

Thương dại, thương dột là một cái em thương … khờ”

Ở đây giai điệu của lời thơ như một phách nhạc chảy dài, dồn dập, nồng nàn, gợi cảm hiếm có. Nếu có một lúc nào mà câu nhạc “ Vài năm nữa u mê lấp đời anh” của Vũ Thành An làm thính giả xôn xao một thời…thì cũng phải “ lấp đời anh” thì cũng còn “ vài năm nữa” lận kìa. Đằng này, người Quảng Ngãi thương nhớ đến “lún dại” từ lâu lắm. Nên nỗi:

“Ở trong nhà em sợ cha với mẹ em không dám khóc, Em ra ngoài bụi bờ em khóc than… Mà khóc than đâu có nguôi nguây được niềm nhớ và đã chừng như lại mãnh liệt hơn:

“ Dẫu một ngày em làm té lợi ra năm quan

Em cũng bỏ đi tìm bạn thở than một đôi lời…”

 

Ôi nó chơn chất mềm mại đến không cần dấu diếm cái nhiệt nồng khờ khạo nữa, cũng lắm khi cần lén mẹ cha mà kín đáo hẹn hò nơi lùm mây, bụi mía:

“ Nhà em có bụi mía mưng

Có con chó dữ anh đừng ra vô”

 

Nghe như bình thản dửng dưng mà ôi thôi sóng gió vô cùng. Và tình người Quảng Ngãi không chỉ nồng thắm thôi đâu, mà còn:

“ Ăn chanh nhớ tỏi bùi ngùi

Ngồi trong liếp hẹ nhớ mùi rau răm

Hỡi người bạn cũ quanh năm

Quay tơ có nhớ mối tằm xa xưa?”

 

Bên trong cái chơn chất nồng nàn ấy là tấm lòng son sắc thủy chung:

“ Lên non em tìm hòn đá trắng

Trách con chim phượng hoàng sao vắng tiếng kêu

Chợ tan còn quán với lều

Chợ tan mặc chợ quán lều vẫn đông”

 

Thủy chung đến dù gặp trắc trở đau thương mấy vẫn không hề thay lòng đổi dạ:

“ Em thương anh trầu hết lá lương

Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay

Dẫu mà cha mẹ có hay

Nhứt đánh nhì đầy hai lẽ mà thôi

Gươm vàng để đó anh ơi

Chết thà chịu chết lìa đôi không lìa”

 

Khiến ta nghĩ đến Romeo- Julyet đã có từ mấy thế kỷ trước trong các miền thôn quê Quảng Ngãi.

Vượt thoát nổi duyên định của đấng hóa công thì người Quảng Ngãi ôm bụng phiền mà chịu đựng, chẳng bao giờ hờn trách:

“Bùn xa bèo, bùn khô bèo héo

Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng

Vàng trên tay rớt xuống nước không phiền

Chỉ phiền một nỗi nợ với duyên không thành

Hiểu được duyên nợ không thành nên chẳng những không thù không oán mà vẫn tử tế tương thân:

“Bụi tre lúp xúp

Bụi trảy lùm xùm

Anh mà có vợ

Em dùm đôi bông

Bao giời đến lượt em lấy chồng

Anh đem trả vốn anh không lấy lời”

 

Thương yêu như thế mới là thương yêu. Cái chân tướng trữ tình của người Việt Nam xưa kia nói chung, người Quảng Ngãi nói riêng là thế.

Tưởng như ngày còn bé, mẹ chúng ta đều được hát ru bằng những lời ca ấy thì vâng, tưởng chừng ta lớn lên hơn, thành những con người khá hơn. Lời ru ấy dệt nên tâm hồn thơ trẻ. Đó là chân lý nguyên sơ – chân lý của tuổi đầu đời.

Chúng ta yêu cái chân lý đã phát lộ trong những khúc điệu bình dị của quê ta. Đối với chúng ta, chân lý ấy hòa đồng dễ dàng vào chân lý dân tộc ta cũng như thắt vào những chân lý trong tuổi ấu thơ – chân lý của người Việt Nam yêu thương đã nâng đỡ dân tộc ta vượt thoát qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử.

Ước nguyện rằng tất cả những bé thơ trên trái đất sẽ được ru bằng những lời ru tương tự, để không riêng gì chúng ta mà cả nhân loại sẽ tốt hơn- tốt hơn tự cội nguồn.

Mùa xuân năm 2000

 

1-     Nguyễn Ngọc Trạch: Tạp chí Cẩm Thành

2-     PGS. PTS Phan Ngọc Liễu: Tạp chí Cẩm Thành