KỸ NGHỆ GIÁO DỤC

Lê Vinh Bổn

 

 

Giáo dục không những chỉ là để biết, mà trước tiên phải là để nên người. Con người không phải là hồn riêng và xác riêng. Triết học Platon đã khởi sự cho cuộc phân li ấy. Thật ra, Platon phái chỉ đối lập lý và chất thôi, nhưng lý đây mới chỉ là lý trí chưa phải có gì cao hơn. Khoa học kỹ thuật rất cần để sống nên phải trau dồi nhất là trong lúc ta chưa thỏa mãn nổi những nhu cầu cấp thiết của thân xác. Có điều không nên coi nó là cứu cánh trong khi thực ra chúng chỉ là phương tiện của con người. Cứu cánh phải cao hơn cuộc đời, cao hơn xác chất và cao hơn chính người. Không thể dừng lại ở xác chất, vì ở đấy chúng ta mới bình đẳng với trâu bò thôi. Không thể dừng lại ở lý trí vì chỗ cao hơn của trí phải là huệ. Đã là giáo dục làm người thì phải chú ý đến toàn bộ con người, đồng thời phải đặt mỗi phần vào đúng bậc thang giá trị của nó.

Bậc thang giá trị ấy có lẽ ai cũng biết. Nói theo nguyên tắc, thì ai cũng nhìn nhận Đức dục phải đứng hàng đầu. Con người hữu trí vô đức chỉ có thể tác hại cho xã hội mà thôi.

Các môn học xưa kia chú trọng về lý thuyết, các môn học ngày nay chú trọng về thực hành. Ở thực hành người ta học được cái nguyên tắc của thành công. Thành công là quý tốt, nhưng quá nhấn mạnh vào thành công người ta biến thành công thành tiêu chuẩn để thẩm định giá trị một việc làm, còn trách nhiệm luân lý thuộc nghề nghiệp thì hầu như bị bỏ quên.

Dù trong ngành học nào cũng thế, một cách ý thức hay vô ý thức, người ta có thể huấn luyện tinh thần đạo đức trong tâm hồn người học sinh. Dù trong khi làm việc tâm trí, con người vẫn sống tất cả con người, nên không thể hoàn toàn khách quan được. Vậy vấn đề không phải chỉ là khoa học, vấn đề còn phải giáo dục nữa.

Khoa như thế thì sự học sẽ không thu hẹp không gian, không ngăn trở cái nhìn tổng hợp, và không phản lại giáo dục làm người.

Con người không phải chỉ là của riêng mình, nó còn là loài người nữa, cho nên chúng ta không thể thành người nếu tách ra khỏi gia đình nhân loại. Cho nên giáo dục cần phải phát triển khía cạnh “loài người” của mỗi người đó.

Nhưng loài người lớn lao quá, cả hằng mấy tỉ, trải rộng khắp năm châu, và khởi thủy từ một quá khứ rất xa xăm để vươn tới một tương lai cũng vô bờ bến. Tuy mỗi người sống giữa loài người và thuộc về lịch sử, nhưng loài người ấy được đại diện bởi khu vực chúng ta sống, và lịch sử có mặt trong hiện tại của tiềm thức, phong tục và văn hóa mỗi miền.

Có điều khu vực có thể là đám đông hay cộng đồng. Là đám đông thì nó không có một bộ mặt, chỉ cộng đồng mới có linh hồn do nó có phẩm giá, truyền thống, bản sắc. Cái cộng đồng mà truyền thống và bản sắc hiện rõ, vững vàng hơn cả dân tộc.

Đám đông thì đồng sắc, và sự đồng sắc có tính chất vật lý ngoại thể. Nói đúng hơn, đám đông tự có là vô sắc,vì đối với một tác động nhất định, đám đông nào cũng phản ứng như nhau cả. Nếu có khác đôi chút giữa cách phản ứng của đám đông Tây phương và đám đông Việt Nam thì đó là vì bản sắc dân tộc chưa mất hoàn toàn giữa sự cuồng nhiệt của đám đông.

Vì thế, xã hội ngày nay chỉ có thể được biến cải bằng đường hướng giáo dục một sức sống tập thể, nghịch lại với sức sống của đám đông. Tôi có ý nói đến sức sống cộng đồng, vì sức sống ấy mới có tính chất tâm linh và dân tộc.

Đám đông không có bản sắc vì không có một linh hồn. Trái lại, cộng đồng sống do một hồn sống thiêng liêng và người ta quen nói đến “hồn tổ quốc” “khí thiêng sông núi” “quê cha đất tổ”… Hồn trong thân xác sẽ căng thẳng về vĩnh cữu bằng sức sống tồn tục được thể hiện bằng truyền thống. Hiểu cộng đồng như thế thì gia tộc, nhất là dân tộc quả là cộng đồng ở chỗ hoàn hảo rồi.

Chính vì thế mà nguồn gốc và sức sống của dân tộc là ở lịch sử và truyền thống văn hóa. Từ đó mới có bản sắc độc đáo của mỗi quốc gia- cũng từ đó mới có tinh thần yêu nước, lòng nhớ quê hương, tình đồng bào, cũng từ đó mới có liên quan nối liền giữa các lớp người và các thế hệ. Các chủ nghĩa và ý thức hệ dù ưu việt đến mấy cũng chỉ có một thời thôi, chứ dân tộc và tính dân tộc thì sẽ tồn tại mãi mãi vì chúng là tự nhiên. Tôi rất tâm đắc một ý tưởng của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Theo chủ nghĩa Mác, rồi đây nhà nước có thể tự tiêu vong và biến thành một thứ hội đồng dân chủ quản trị chẳng hạn. Song dân tộc là trường tổn”. Chúng ta không thể nghĩ rằng truyền thống dân tộc là ở những hình thức hủ hậu đã chai cứng lại. Và cũng không nên nghĩ rằng muốn lấy tinh hoa phải vứt bỏ hết những nếp sống và phong tục cổ kính. Con người là tinh thần trong thể xác, nên nó phải sống đồng thời cả hai mặt. Sống nguyên là mình nhưng vẫn không ngơi biến đổi và dù biến đổi vẫn giữ vững bản sắc của mình.

Chúng ta cũng không nên tách riêng dân tộc ra khỏi khu vực văn hóa rộng hơn và bao gồm cả dân tộc. Con  người chỉ có thể thành người giữa loài người và nhận ra được mình giữa những kẻ vừa giống vừa khác mình. Cùng một nguyên tắc ấy phải mang áp dụng cho dân tộc Việt Nam giữa khu vực văn hóa của Ấn Độ và Trung Quốc.

Để công kỹ nghệ khỏi trở thành tác hại do sức mạnh đồng đều hóa chúng ta thành “con người một chiều kích” (One- dimensioalman) không bản sắc, không linh hồn, chúng ta phải trở về với tình gia đình và đồng bào, với lịch sử và truyền thống dân tộc. Việc học lịch sử, chính trị, địa lý, văn học, tư tưởng và văn hóa dân tộc tối ưu cần thiết để đào tạo con người và để mang sức sống bền bỉ nội tâm đến cho xã hội. Chúng ta cũng phải học cả lịch sử văn minh, triết học của khu vực trong đó có chúng ta, tức là Trung Quốc, Ấn Độ và khối văn minh Đông Sơn nữa.

*Nghĩa thầy trò và phát truyền tâm:

Giáo dục làm người thì phải chú trọng đến con người toàn diện- con người đủ Trí, Dũng và Nhân. Xưa kia, người ta không phân ly ba yếu tố đó. Người trí không phải là người chỉ biết khoa học khách quan như là người “trí tri” và “cách vật” tức là biết đến tận cùng, biết đến cái huyền vi và điều khiển vạn vật lại vừa thể hiện nơi đạo làm người. Ngày nay, do ảnh hưởng tinh thần “khoa học khách quan” Tây phương, cái học đã dừng lại ở bề mặt sự thật và xa dần với đạo làm người.

Cho nên chúng ta không thể tách riêng khoa học ra khỏi đạo đức, nhất là đừng để nó đề cao hơn đạo đức. Đạo đức học và công dân học phải chiếm một hệ số quan trọng trong chương trình học.

Đức Khổng Tử nói: “Biết đạo lý không bằng ham thích đạo lý, ham thích đạo lý không bằng vui làm đạo lý (luận ngữ, thiên 6, chương 18). Nên không phải khuyến học mà còn phải khuyến hành nữa. Nhưng cần nhất phải có những gương tốt, nhất là ở những thầy cô giáo, họ phải được tuyển lựa trong số những người không những có khả năng mà còn phải có đức hạnh nữa, nhất là các thầy cô giáo dạy môn đạo đức và công dân học.

Đạo đức chỉ còn nền tảng vững chắc khi được củng cố bằng một ý thức tôn giáo sâu xa. Tôn giáo là một chiều kích quan trọng nhất của con người. Đi vào tiền sử chúng ta thấy người xưa – và người bán khai ngày nay cũng thế – không ai là sống trong tín ngưỡng tôn giáo. Vết tích tôn giáo tìm thấy ở chỗ bắt đầu có vết tích của văn minh. Vậy chúng ta có đủ lí do để quả quyết tôn giáo tín ngưỡng là một nhu cầu phát sinh từ bản tính con người, khiến con người không thể phát triển đầy đủ và tìm thấy niềm vui sâu xa nếu không biết sống tôn giáo.

Vậy phải đưa tôn giáo sử và triết lý đối chiếu tôn giáo vào chương trình Trung và Đại học ở mọi ban và mọi khoa. Những môn ấy đã được giảng dạy ở một số Đại học trên thế giới từ đầu thập niên 70 của thế kỷ vừa qua. Đó là điều đáng bắt chước vì tối ưu cần thiết. Một khoa học gia không đạo đức có thể không ngần ngại tìm cách sáng chế những vũ khí giết người độc địa. Một chính trị gia hay chuyên viên kinh tế nếu chỉ nghĩ đến lợi riêng mình thì có thể mãi quốc cầu vinh. Và chúng ta đã từng đau lòng khi thấy ngay khi còn ở ghế nhà trường, lắm sinh viên y khoa- một môn học cao quý – chỉ vì danh lợi, địa vị dùng các giờ khám thực tập để làm bậy nữa!

Nói đến đạo đức là phải nói đến tâm tình trước tiên, dạy khoa học thì khách quan được, chứ dạy đạo đức thì phải có sự thông cảm giữa đôi bên, thầy thì hết dạ vì trò, còn trò thì hết dạ vì thầy. Sự tin tưởng này, Ấn Độ gọi là S’radhã và coi nó tuyệt đối khẩn thiết để người học trò đặt mình vào luồng khí thiêng liêng mà ông thầy là chiếc “ăng ten” không thể không có.

Trong quan niệm Ấn giáo cũng như Khổng giáo, tình thầy trò bao giờ cũng rất mực thân thiết. Thầy là cha sinh ra trò về mặt tinh thần, nên còn trên cả cha mẹ về mặt thân xác nữa.

Giáo dục làm người thì phải truyền tâm nhiều hơn truyền trí, nên thầy phải được chọn trong số những người già dặn, trang nghiêm và đức hạnh mà về trí cũng không kém phần xuất sắc. Về trò, thì phải loại ra khỏi học đường những kẻ không thể còn dạy cho nên người, để khỏi làm hỏng truyền thống học đường hoặc những kẻ vô đạo đức kia một khi thành tài sẽ làm hại cho xã hội không ít.

Giữa thầy và trò nên có sự hiểu biết và thân mến nhau. Do đó, thầy không thể dạy quá nhiều lớp, nhiều trò, mà trò cũng không nên học quá nhiều thầy. Cố nhiên với hoàn cảnh ngày nay một ông thầy không thể dạy quá ít học trò và dạy một học trò suốt nhiều năm được, nhất là ở bậc trung học và đại học. Cái quan hệ đổi chác, mua bán về giáo dục trong học đường phải cáo chung, thay vào đó là tình thầy trò và sứ mạng thiêng liêng giáo dục làm người về phía thầy cũng như về phía nhà trường.

Nhờ mối liên hệ tình cảm đó, thầy có thể hiểu trò và tùy theo bẩm chất, tư năng mỗi người, và hướng dẫn giúp họ hiểu thấu những điều mà nếu bằng lý trí thuần túy người ta chỉ nắm được bề ngoài thôi.

Những điều dạy bảo này vốn thuộc phạm vi đạo đức, tâm tình và triết lý sống. Người ta có thể là một nhà bác học, nhưng về những điều nói trên lại hết sức vị thành niên. Cho nên dạy các môn đó không thể dạy bằng “giảng khóa”; dạy đồng điệu cho mọi trò cùng một lớp được.

Đức Khổng Tử cũng đã làm y như vậy. Cho nên khi trả lời Mạnh Tử hỏi về hiếu, ngài nói: “không trái”; Mạnh Vũ Bá hỏi, ngài bảo: “cha mẹ lo con bệnh tật”; Tử Du hỏi, ngài đáp: “nuôi cha mẹ”; còn Tử Hạ hỏi, ngài nói: “sắc mặt (hòa vui)”. Giải thích về chuyện đó, Trình Tử nhận xét rằng: “ Thánh nhân tùy theo tính chất cao thấp và sự thiếu sót của từng người mà dạy bảo, nên lời dạy không giống nhau” (xem luận ngữ thiên 2, chương 5-8), những bậc thánh hiền, siêu nhân đều làm như thế cả.

Giáo dục làm người không thể là việc “sản xuất hàng loạt” theo kiểu kỹ nghệ. Đây là một nghệ thuật vô cùng khó khăn, phải đi đến từng tâm hồn một – nghệ thuật tế nhị hơn hết mọi nghệ thuật vậy.