Nghĩ về: HUYỀN THOẠI

                                                                                                            Lê Vinh Bổn

 

Nói đến huyền thoại, nhiều người đã ảnh hưởng quan điểm thuần lý của phương Tây ở thế kỷ trước, tỏ vẻ coi thường và cho rằng đó chỉ là những chuyện bịa đặt và hoàn toàn huyền hoặc của thời tiền lý luận trong loài người.

Quan điểm và sự phán xét vội vã hầu như tiên định ấy, đến nay đã được thay đổi. Trước hết là về tính cách huyền hoặc của huyền thoại. Bởi vì huyền thoại không chỉ nói về thần và chỉ kể những chuyện qua các thần, mà trong căn bản là những chuyện về người, về những người có một thời nguyên thủy sơ khởi. Cũng như các danh từ mythos, mythe, myth của Tây phương đều có gợi nên cái ý niệm huyền hoặc thực. Nhưng trong thực chất, “huyền” thì có huyền, nghĩa là có tính cách sâu kín; mà “hoặc” nghĩa là giả dối, mê muội thì không. Các huyền thoại được tạo ra và lưu truyền bởi các dân tộc không phải để loạn tâm, dối chúng. Sở dĩ các tác giả ngay từ thời Bắc thuộc sang thời Trần đến thời Lê của ta, cũng gọi những chuyện ấy là Dị (Lưu Tuân), là U (Trần Thế Pháp), là Quái (Lý Tế Xuyên), là Kỳ (Nguyễn Dữ). Mặc dầu sự mê tín trong những thời kỳ ấy không phải là hời hợt, chỉ vì ý thức hệ nho giáo khi đó thay thế hẳn ý thức hệ huyền thông của thời thái cổ và trong nếp sống của dân tộc lúc ấy không còn những lễ khai tâm để người thiếu niên được giảng dạy về nghĩa lý của huyền thoại nữa mà thôi. Đến thời chúng ta, với những hiểu biết dù còn nông cạn về khoa học kỹ thuật với những sự kiện nặng nề của nền văn minh vật chất, tất nhiên rằng ta càng thấy cái tính cách bầy đặt và phi lý của huyền thoại kể cả các huyền thoại dân tộc. Sự phi lý thì có, nhưng đó chỉ là cái “lý” của ta mà thôi; và cái lý cho huyền thoại là phi lý, chỉ vì không hiểu được cái lý trong các huyền thoại.

Điểm thứ hai cho rằng các dân tộc sơ khai chưa biết lý luận theo nguyên lý bất tương phản, mà chỉ biết liên tưởng bao gồm theo các huyền thoại. Nhưng ở các dân tộc sơ khai, thì những nét văn hoá đặc biệt là sự tham gia, tính cách quan trọng, mà người ta đặt các huyền thoại và các biểu tượng trong đời sống văn hoá của cộng đồng.

Huyền thoại và biểu tượng không mất đi trong loài người mà ta gọi là văn minh của đời nay. Con thuyền Mayflower và các sáng tổ (Founding Fathers) đều là thực có trong lịch sử nhưng đang thành những biểu tượng và huyền thoại để kết hợp nhân tâm trong Hiệp chủng quốc. Ở Nhật Bản là một nước đã đạt đến một trình độ cao theo quan niệm văn minh Âu Mỹ, huyền thoại Thái Dương thần nữ và dòng dõi mặt trời của Thiên Hoàng vẫn được nuôi dưỡng và giảng dạy. Và ở những nước đã mất hoặc quên các huyền thoại tối cổ của mình như Pháp, Nga… thì lại có những huyền thoại mới hiện ra mà ta có thể gọi là những huyền thoại của thời đại.

Huyền thoại không mất đi trong tinh thần nhưng đã thay đổi trong hình thức, tính cách và cơ cấu. Các huyền thoại xưa nói những sự việc xảy ra ở thời nguyên thủy nhưng vẫn còn chi phối cuộc đời hiện đại một cách thâm sâu và có thể tái diễn mãi trong đời sống bầy đàn. Còn các huyền thoại ngày nay thì nói về các sự việc sẽ đến ở lúc tận cùng của  mai hậu, nhưng vẫn luôn chi phối và sẽ phân xử tất cả những gì đã và đang xảy ra trong các bầy đàn hiện đại của loài người. Thực sự ra, thì phải nhận rằng chúng ta chỉ bớt hiểu lầm về các huyền thoại cổ truyền của các dân tộc, kể cả dân tộc Việt Nam. Và sự hiểu biết thực chất của huyền thoại thì có lẽ cũng mới chỉ bắt đầu.

Huyền thoại là những lời có cơ cấu đặc biệt được để lại từ thời rất xa xưa, để truyền lại những điều quan hệ với dòng sống của một cộng đồng văn hóa, và được chấp nhận như những sự thật vĩnh cửu và tuyệt đối với những cộng đồng văn hóa đó trong suốt thời gian cộng đồng văn hóa đó tồn tại. Văn hóa thế nào thì huyền thoại như thế đó, văn hóa mà mất đi thì huyền thoại không có ý nghĩa, tức là huyền thoại nếu còn, thì chỉ là một truyện cổ dân gian. Do đó một hệ thống huyền thoại chỉ có thể giảng giải được là ở trong một nền văn hóa mà ta phải biết và hiểu rõ. Sự hiểu một huyền thoại không thể ra ngoài được cái thời gian và khung cảnh của nền văn hóa đặc biệt đã cấu tạo lưu truyền và tin tưởng huyền thoại đó. Con người trong các cộng đồng “huyền thông” coi huyền thoại đã lập ra vũ trụ và nền nếp của cuộc sống. Họ sống trong các huyền thoại, họ tự thực hiện qua các huyền thoại của họ. Huyền thoại đối với những người trong một nền văn hóa là cái gốc và cái lý do của mỗi nét và của toàn bộ văn hóa.

Việc biên chép các huyền thoại Việt Nam bắt đầu từ thời Bắc thuộc và được nối tiếp cho đến ngày nay. Một số huyền thoại của đồng bào miền núi cũng đã được ghi lại trong những thập kỷ qua. Các sự biên chép này nói chung còn thiếu sót và có phần khiếm thực. Nhiều tác giả đã để lộ cái ý làm văn chương, thêm bớt hoặc phẩm bình câu chuyện bằng những lời của mình. Lại có một số tác giả và những tác giả cổ cũng không thoát khỏi điểm này kể cả xếp đặt, cắt xén hay sửa lại các huyền thoại để cho hợp với các ý thức hệ đương thời của mình đôi chút, bằng cách đó tránh được những lời phê bình rằng đã kể lại những chuyện kém đường đạo đức, khả dĩ hại đến thuần phong,không những là ở Việt Nam, từ Trần Thế Pháp cho đến Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Trọng Miên, Phạm Duy Khiêm… đều muốn làm văn chương, mà ở Trung Quốc: Khổng Tử (Kim Thư), ở Hy Lạp (Mestamorphoses: Đổi lốt) cũng muốn làm văn chương (và luân lý) bằng huyền thoại.

Chúng ta chưa có một tập huyền thoại nào được ghi lại theo những phương pháp của dân tộc học đúng như được kể lại của các ông già bà cả, giữ cái truyền thống dân gian với những chú thích rành mạch về khu vực của mỗi huyền thoại, và các biến thái của huyền thoại khi chuyển sang một truyền thống khác, Đối với các huyền thoại theo tục truyền của Việt Nam, có lẽ khó lòng tái lập được ở đời nay. Tuy nhiên, cũng có thể còn một số làng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn một số huyền thoại của thời sáng lập với những lễ nghi tương ứng. Nếu không được ghi chép lại ngay thì những truyền thống đó cũng sẽ mai một hẳn đi trong không bao lâu nữa, nhất là các huyền thoại của các đồng bào miền núi để làm tài liệu nghiên cứu về sau. Và có lẽ cái liên lạc giữa đồng bào miền núi và miền xuôi lớn hơn, chặt chẽ hơn như phần lớn chúng ta nghĩ.

Một vấn đề quan trọng và gần như tiên quyết trong công việc biên chép, khảo sát huyền thoại là làm cách nào để định được trong tất cả những truyền kỳ, dị sử đã được góp nhặt, cái gì là huyền thoại, cái gì là cổ tích, cái gì là giả sử và cái gì là giả tưởng.

Chúng ta không biết rõ các huyền thoại của dân tộc được cấu tạo vào thời nào của tiền sử. Những huyền thoại xưa nhất đã thành những chuyện cổ tích mặc dù hình thức này vẫn còn giữ

được đôi nét của huyền thoại cũ, một số lại được biến cải. Nguyên nhân chính của sự biến cải do sự biệt lập và di chuyển của một nhóm người ra khỏi bầy đàn gốc của họ; cái ngành họ đã tách rời ra chỉ có những huyền thoại trong những hình thức dị hóa và có khi băng hoại. Nhưng những hình thức đó, có thể lại nở ra những dòng huyền thoại mới.

Sự băng hoại đến cùng cực của một thoại có thể là sự hóa thân của huyền thoại thành dã truyện, sau cùng cũng còn một số vài huyền thoại sống vì còn được truyền tụng, được tin kính và được tái diễn đều đặn với những nghi thức cổ truyền ở vài khu vực. Và một số huyền thoại đã chết từ lâu nhưng còn để lại vết tích trong nghi lễ, một trò chơi, một câu phong giao hay một tục lệ.

Khu vực nguồn gốc của huyền thoại cũng chưa được biết rõ trong hầu hết các trường hợp. Có một vài huyền thoại có lẽ đã phát sinh từ đất nối của dân tộc, tại một chỗ nào đó ở chân núi Hymalaya, và được truyền tụng lại không những bởi dân tộc Việt mà còn bởi cả những dân tộc gốc gác, rải rác từ miền Bắc Ấn sang tới bờ biển Đông. Và cũng có nhiều huyền thoại khác, nẩy nở ra ở một địa hạt nhỏ của lãnh vực Việt Nam được móc nối vào những huyền thoại gốc nguồn trong những truyền thống địa phương. Huyền thoại Việt Nam cũng như dân tộc Việt, giống như một con sông lớn có ngọn nguồn ở một nơi xa nhất, cao nhất và nhiều dòng sông nhỏ từ nhiều chiều hướng đổ vào. Nếu có những quãng thời gian trong đó như “trên con sông thương nước chảy đôi dòng” người ta thấy hai bộ huyền thoại đi song song thì cũng chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử.