ĐỜI SỐNG LỨA ĐÔI và NGHỀ CẦM BÚT

                                                                         Lê Vinh Bổn

 

Tìm hiểu về đời sống của giới làm nghề cầm bút, tôi thấy thái độ của họ đối với tiền bạc có hai hạng : Hạng cần kiệm và hạng phá của.

Goethe hồi còn độc thân cũng như hồi có vợ, ông giữ sổ chi tiêu rất cẩn thận. Khi về già, danh đã nổi trên khắp Âu Châu, bán tác phẩm nào cũng được bạc triệu mà vẫn làm đơn xin triều đình Weimar giảm thuế với cớ là ông rất nhiều thư từ, hồi âm quá tốn kém. Nhà vua Charles Auguste là bạn thân của ông đành mỉm cười mà chấp thuận. Goethe cần kiệm như thế mà vẫn còn thua Hugo xa. Hugo bao một đào hát là Juliete Drouet, cấm ngặt nàng không được tiếp một đàn ông nào và chỉ có gí cho cô một khoản tiền vừa đủ để khỏi chết đói, đến nỗi nàng phải bán hết tư trang, bận áo vá vì không tiền may áo mới, tiêu món nào dù chỉ vài xu cũng phải ghi sổ để ông kiểm soát. Tội nghiệp, có lần cô phàn nàn “kiếp của cô không bằng kiếp con chó nhốt trong cũi, mỗi ngày được một đĩa sữa và được chủ cầm dây xích dắt đi dạo phố một vòng!”

Nhưng nhìn chung thì những người làm nghề cầm bút hay có tật phung phí. Dumas cha hồi lên Paris kiếm việc chỉ có vài chục quan trong túi mà coi tiền như rác, sau này có tiền ông bỏ ra năm trăm ngàn quan xây một lâu đài thật xoe xua đặt tên là Moate Cristo, khách dù quen hay không cứ lại ăn dầm ăn dề. Chỉ mới được một năm ông phải bán lâu đài.

Hai đại văn hào bậc nhất của Nga là Tolstoi và Dostievski đều có một thời ham mê cờ bạc, có đêm nướng cả ngàn rúp. Balzac thì lại ham mua: Ngựa xe, quần áo sang trọng, kim cương ngọc thạch đắt tiền, sắm các thứ đồ đồng, thau, bạc bày chật cả nhà. Cho nên tuy kiếm được nhiều tiền mà suốt đời phải trốn nợ, có lần suýt ngồi tù vì mắc nợ.

Cũng may cho Tolstoi và Dostievski! Bà Dostievski tự xuất bản sách của chồng và chỉ để cho nhà sách hưởng có 5% huê hồng, bà Tolstoi cũng  học kinh nghiệm đó mà mở một nhà xuất bản riêng.

Nghệ sĩ và triết nhân Tô Đông Pha mà cũng phải bận bịu chuyện tiền nong: Cứ mỗi tháng lãnh lương ông chia làm 30 xâu treo lên trính nhà, mỗi ngày lấy một xâu tiêu tằn tiện và gắng để dành một chút phòng khi khách khứa, ốm đau. Có lần túng thiếu, thấy con heo nhóc ông rầu rĩ suốt, bà Tô phải an ủi, lấy ra một vò rượu cất từ hồi nào mời ông tiêu sầu. Vợ như bà Tô cũng hiếm, bà còn đáng quý ở chỗ phục tài của chồng và hãnh diện rằng: Được dân xứ Hàng Châu từ quan lại đến tăng đồ, ca nhi ngưỡng mộ ông. Nhưng thái độ bà kín đáo chứ không “chín tầng mây” như Julietle Drouet: suốt mấy chục năm sống với Hugo ngày nào cũng gặp ông mà cô vẫn cứ viết thư cho Hugo ngày một. Đến nỗi có một ngày thấy chữ cô là ông liệng ra, không thèm đọc. Nhưng được người thân cảm nhận đúng tài năng, cả sở trường sở đoản của mình, thì người cầm bút dễ phấn khởi hơn, đủ nghị lực để chịu đựng mọi gian nan, ghen ghét, phản bội và trả thù của nghề cầm bút.

Hiểu được dụng ý, thái độ, hành động của nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mới là lạc sự ở đời. Mà lạ lùng thay, cơ hồ càng ở gần nhau người ta lại ít hiểu nhau. Và bởi thiếu sự hiểu nhau trong nhà nên nhiều người hay đi tìm nó ở bốn phương mà hễ gặp thì không gì vui bằng.

Nhưng tâm hồn con người phức tạp, có thể hiểu nhau ở khía cạnh này mà không hiểu nhau ở khía cạnh kia, bà Tolstoi nhận định rất đúng tài năng của chồng, bà khen: “Chiến tranh và hòa bình- Anna karénine- cái chết Ivan Hitch” nhưng lại không hiểu được tâm trạng dày vò triền miên của Ông nên bi kịch mới xảy ra và bà phải ân hận tớt lúc chết.

Goethe khi đã về già mà vẫn không kiếm được bạn đời tương tri. Ông đành cưới một thiếu nữ quê mùa, dốt nát đọc chữ không thông, xấu xí thô tục, được mỗi một cái đức là nhất mực phục tòng ông và đưa tấm thân vạm vỡ ra che chở ông khi quân Pháp muốn bắn ông. Những người tình cũ và bạn bè ông tự thấy xấu hổ thay cho ông và gần như tuyệt giao. Nhưng bà mẹ của triết gia Schopenhaur lại tiếp vợ ông với suy nghĩ: “Goethe đã đem tên của ông tặng cho cô ta được thì tại sao tôi lại không tặng cô một chén trà?” ở đời, lý lẽ khôn suy, dại khôn khó lường!

Nàng Juliette drouet hồi còn trẻ gần như một ả điếm, mà khi gặp Hugo nàng bỏ hết thói xa hoa, chia xẻ mọi gian lao khổ cực với ông trong cuộc cách mạng 1848 và đã theo ông suốt thời lưu vong ở đảo Gueraesey, chép bản thảo truyện “Những Người Khốn Khổ” say mê tới mức thúc giục Hugo viết cho mau để được biết em bé Cosette sau đó có thoát khỏi nanh vuốt của mụ Thenerdier không và hành tung của Jease Valiean có bị tên mật thám Javert dò ra được không…?

Nàng Triều Vân khi về làm ả thiếp của Tô Đông Pha chỉ mười lăm tuổi và mới bắt đầu học hành. Sau này, cô theo gót lưu đày của ông cả mấy ngàn dặm khắp đất nước Trung quốc và nàng mất ở Huệ Châu. Không những Tô Đông Pha mà  còn bạn bè ông đều cho rằng Triều Vân là “Phật bà giáng trần” trong những bước gian truân nhất của đời ông. Juliette và Triều Vân không cần trước tác vẫn lưu danh trong văn học lịch sử. Người ta tự hỏi : Phải có thiên tài như Tô Đông Pha, Hugo mới gặp được Triều Vân, Juliette hay phải có tấm lòng như Juliette, Triều Vân mới nhận hết được chân giá trị của Hugo và Tô Đông Pha.