Nhà Báo TRƯƠNG VĨNH KÝ  “Hóa Trình” của NGƯỜI TRÍ THỨC

                                                                       Lê Vinh Bổn

Chân dung Trương Vĩnh Ký

 

Gần đây, trong lúc tìm hiểu thời kỳ đầu văn học quốc ngữ miền Đồng Nai, chúng tôi phát hiện được tập tài liệu toàn bản chép tay Nghị Định và thư từ qua lại giữa ông Trương Vĩnh Ký và nhà cầm quyền Pháp liên hệ đến tờ Gia Định báo và những hoạt động văn hóa của ông.

Như chúng ta đã biết, Trương Vĩnh Ký đến năm 22 tuổi đã được công nhận 1 trong 18 học giả lừng danh thế giới, nhưng lại là cán bộ thông ngôn cho đội quân thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Thời gian từ 1866-1868 ông làm giám đốc trường Thông Ngôn. Ngày 3-9-1868, Trương Vĩnh Ký viết thư cho ông giám đốc Nội Trị để báo trước ý định ông muốn từ chức giám đốc trường Thông Ngôn để được an nhàn trong cuộc sống riêng tư. Cuối thư ông có hứa lúc nào cũng phục vụ cho nhà nước Pháp với mục đích gắn liền hai nước Pháp – Nam.

Qua ngày 2-11-1868 ông Trương Vĩnh Ký chính thức gởi đến ông giám đốc Nội Trị đơn xin từ chức –Trên tờ đơn này cạnh bên có ghi bút chì xanh chữ Pháp: “chấp thuận”.

Ngày 15-9-1868, ông Trương Vĩnh Ký viết thư cho giám đốc Nội Trị biết là ông đồng ý quán xuyến tờ Gia Định Báo một khi được nhà nước giao phó. Nguyên văn bức thư như sau:

“ Kính gởi ông Giám đốc Nội Trị.

Thưa ông Giám đốc

Tôi hân hạnh trả lời cho quan lớn về những đề nghị mà quan lớn cho biết đối với quan Thống Soái.

Nếu một chánh sách khác một chánh sách mà tôi hằng mong theo đuổi, chánh sách mà tôi tin tưởng tốt, chánh sách ấy đã làm cho tôi xa rời guồng máy hành chánh, quan lớn cứ tin rằng tôi đã giữ niềm kính trọng thật lớn lao đối với những vị cầm giềng mối hành chánh và lòng tin tưởng thật lớn lao đói với thành quả thu đạt được.

Một kỷ nguyên mới mở ra cho xứ sở, chẳng những tôi cảm thấy, mà sự bình yên đối với dân chúng, lòng tin tưởng của họ ngày càng vững chắc đối với một chính quyền chân thành và liêm khiết. Tất cả những điều đó  làm cho tôi có bổn phận nhận đề nghị mà quan lớn cho tôi biết, tôi sung sướng thấy trách cứ hẹp hòi trước đây đã làm xa cách các sự việc, giờ đây tan biến trước một cuộc vận động khích lệ.

Thưa ông Giám Đốc.

Tôi cầu mong Giám Đốc quả quyết với quan Thống Soái là tôi hoàn toàn đặt dưới quyền của ngài giữa lúc không có cái chi cản trở, tôi hân hạnh chu toàn trách vụ mà quan thống soái muốn cho tôi làm tròn.

Kính thơ”                        

Dưới thư có chữ ký của ông Trương Vĩnh Ký và hàng chữ “Chợ quán ngày 15-9-1869”.

Qua ngày hôm sau tức ngày 16-9-1869, Thống Soái Nam Kỳ G.Óhier ban hành nghị định 298 giao cho ông Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ Gia Định báo:

“Thống Soái Nam Kì thuộc Pháp.

Chiếu đề nghị của Giám Đốc Nội Trị.

Định:

Kể từ ngày hôm nay, việc biên tập tờ báo An Nam Gia định báo được giao cho ông Petrus Trương Vĩnh Ký, với tư cách Chánh tổng tài (1) tờ báo này; ông sẽ lãnh một bổng cấp hằng năm 3000 phật lăng.

Tờ báo tiếp tục ra hằng tuần, chia làm hai phần:

Phần công cụ gồm các văn thư, quyết định của quan Thống Soái và nhà cầm quyền, nguyên văn bằng tiếng Pháp do Nha Nội Trị cung cấp và ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ An Nam. Phần tạp vụ gồm các bài có ích cho sự học và vui thích với các bài sử học, luân lý, thời sự để có thể đọc trong các trường bản xứ và làm cho dân chúng An Nam chú ý.

Trước khi ấn hành, tờ báo chuyển đến Nha Nội Trị.

Giám Đốc Nội Trị có nhiệm vụ thi hành nhiệm vụ này. Nghị định này sẽ ấn hành và đăng ở mọi nơi cần thiết.

                   Sài Gòn ngày 16-9-1869

G.Ohier ký tên ngưng không đóng dấu.

Với nghị định trên, tôi có mấy điều cần nói thêm:

*Từ trước đến nay, nhiều tác già dịch Direction de inte1’rieur thời kỳ đầu Pháp thuộc là Nha Nội Vụ. Trong Gia Định báo danh từ đương thời là Nha Nội Trị.

*Cũng dựa vào Gia Đinh báo các nghị định cuối thế kỷ 19 đều ghi:Thống Soái Nam Kỳ “định” chứ không “quyết định” như thể thức lập nghị định ngày nay.

Sỡ dĩ chúng tôi phải trích dẫn cụ thể như trên vì một số tác giả cho rằng nghị định ngày 16-9-1869 ông Trương Vĩnh Ký được ủy thác làm giám đốc và ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút tờ Gia Định Báo. Chúng tôi đã đọc kỹ toàn tập “Gia Định báo” năm 1870 chỉ thấy tên ông Trương Vĩnh Ký làm Chánh Tổng Tài, ông Đỗ Hữu Phương, ông Trần Bá Lộc và một số thông ngôn, ký lục, giáo tập ký dưới các bài phần tạp vụ. Chúng tôi không tìm thấy tên ông Paulus Của.

Mặc dù Gia Định báo được khai sinh tư chủ đích chính trị thâm độc của chế độ thuộc địa của thực dân Pháp; ông Trương Vĩnh Ký biết vậy. Và trong 28 năm làm chủ bút, Trương Vĩnh Ký đã lao vào công cuộc hoạt động văn hóa: Ông để lại hàng trăm đầu sách và hàng nghìn công trình nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của hai nước Pháp-Việt. Cũng như xây dựng cho nền tảng lịch sử báo chí nước nhà và tạo dựng đầy đủ sắc thái của người dân.

Từ cái thế bó buộc phải hợp tác với thực dân Pháp dần dần ông hướng về con đường “Sáng tác văn hóa”. Đó là dạy cho người Pháp biết ngôn ngữ, phong tục… An Nam, đồng thời dạy cho mọi người trong nước biết tiếng Pháp để hiểu văn minh Pháp nhất là mở mang trình độ và địa hạt hiểu biết của người Việt đối với văn hóa của mình.

Cơ quan văn hóa quốc tế Unesco thành lập tháng 11-1946 đã nhận định : “Chiến tranh bắt đầu từ tâm hồn con người, nên công cuộc bảo vệ hòa bình cũng phải xây dựng từ tâm con người. Xưa nay, trong suốt quá trình lịch sử nhân loại các dân tộc nghi kỵ lẫn nhau, chính là vì không hiểu biết về lối sống của nhau”(cf.Ruth Emily me mury and nuera Lee The cultural approach-trang 234) ông Trương Vĩnh Ký đã thực hiện công cuộc bảo vệ hòa bình trên tinh thần đó từ nửa cuối thế kỷ 19.

Từ một trí thức phải hợp tác với địch, Trương Vĩnh Ký đã hóa thành bậc “sĩ phu” trong thời đại mình. Có người đi qua cây cầu từ bên này sang bên kia mà không thay đổi gì hết. Ông Trương Vĩnh Ký đi từ khởi điểm A đến cứu cách B đã thay đổi hoàn toàn. Phải chăng hiện tượng đó là “Hóa Trình” từ người trí thức Tây học đến bậc sĩ phu – nhà báo Trương Vĩnh Ký ./.

  Long Phụng 2004

 

(Trích “Người làm Báo” của Hội Nhà Báo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi số Xuân Ất Dậu- 2005).

………………………………***………………………………

1. Chánh tổng tài: Theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của : Chánh tổng tài là một tước quan lớn chủ trương việc làm như: Việc làm báo, làm sách. Diction naire Vietnamese- France của Genibrel dịch chánh tổng tài là Re’lacteur en chef. Theo Đào Duy Anh Re’lacteur en chef là chủ bút./.