Núi DƯƠNG SƠN
Lê Vinh Bổn
Không riêng gì Quảng Ngãi, một số nơi khác cũng có 10 cảnh đẹp như “Hà Tiên thập thắng cảnh” do Mạc Thiên Tích chọn. Con số 10 để chỉ sự thập toàn thành lệ của người xưa đó thôi, chứ ngoài “Cẩm thành thập thắng cảnh”, Quảng Ngãi còn có nhiều cảnh quan kỳ mỹ nữa.
Và núi Dương Sơn cũng là nơi lôi cuốn hấp dẫn khách du quan!
Núi tọa lạc hướng tây nam thiên nam cách thị xã Quảng Ngãi chừng 15km đường chim bay, chu vi Dương Sơn rộng đến khoảng 50 cây số, cao vút trời mây, sừng sững trên địa phận giữa hai huyện Mộ Đức – Nghĩa Hành; hình thù giống như một con voi đứng ngó về hướng mặt trời lặn.
Phía nam của núi Dương Sơn thuộc xã Đức Phú – huyện Mộ Đức, phía Tây thuộc xã Hành Tín, Hành Thiện, phía đông bắc thuộc xã Hành Thiện huyện Nghĩa Hành. Xưa kia, cây cối trên núi rậm rạp, xanh dờn, bây giờ những cây cổ thụ bị đốn hết chỉ còn lại cây nhỏ và tranh săn. Cũng nhờ lớp tranh săn này tàn lớp kia mọc, nên sắc núi vẫn thắm tươi giữ vững cách tự nghìn xưa.
Trên sườn núi phía đông bắc có một hòn đá hình tượng giống như cối xay lúa, cũng hai thớt đành rành to đến bốn năm người ôm và cao đến ngó trật ót. Người địa phương gọi là đá Cối, khách tham quan một thời đã để lại câu :
“Sườn non tranh mọc xanh rì
Trời xây đá Cối xay gì mà xây?”
Trên phía núi thuộc xã Hành Thiện, tục gọi là núi Đầu Voi còn có một hòn đá còn kỳ hơn nữa là Hòn Kê. Hình dáng cổ quái, cao to như cái nhà, trên lớn, dưới nhỏ, đứng xiên xiên như chiếc vụ chạy đã mất trớn. Dưới chân có một hòn đá lớn bằng bắp vế, kê xéo giữa hòn đá trên và tảng đá dưới hiệp thành để đỡ hòn đá trên đứng được vững. Đến gần trông kỹ thì ba hòn ấy được dựa vào nhau chứ không dính liền. Chưa có giải nghĩa rành mạch nào về sự thăng bằng của khối đá kỳ dị ấy. Qua bao thời mưa lụt bão bùng, xâm thực xói mòn, nhiều đá trên núi bị xói lăn xuống thế mà Hòn Cối, Hòn Kê vẫn yên thân không nhúc nhích. Thật cũng xứng là một kỳ quan.
“Thân không nương tựa vào đâu
Cối, Kê cứ vững trên đầu Dương Sơn”
Tại phía nam, núi Đầu Voi có một eo núi đã làm thành đường giao thông chẳng biết tự hồi nào giữa Đức Phú – Mộ Đức và Hành Tín – Nghĩa Hành. Eo này được xem như một khúc đường đèo, lấy tên của cánh đồng bát ngát của xã Đức Phú gọi là Đèo Đồng Ngỗ.
Núi Sơn Dương có nhiều hang hố, truông, gò, dông, vườn …mỗi hang, hố có mỗi đặc điểm, mỗi giai thoại rất đáng thưởng ngoạn.
*Hang Dơi : có loài dơi vàng nhiều vô kể ở đây, hang tối sầm và sâu thẳm như một địa huyệt. Dân địa phương truyền lại rằng :Khi xưa có một bản tộc Chiêm Thành chôn giấu báu vật trong ấy. Con cháu đời sau của họ đã mấy lần đến dò tìm nhưng chỉ thấy đi vào hang mà không thấy đi ra. Chẳng rõ hư thực như thế nào mà cũng không biện bạch làm chi bởi cảnh quan tú mỹ thì phải có giai thoại thần kỳ mới xứng.
*Hố Dép Cá : Đầy rẫy rau dép cá, điều lạ là mỗi năm mưa lụt, nước trên núi trút xuống mạnh, bứng cả gốc rễ sạch trơn, thế mà cuối xuân đầu hạ cọng to lá cao nhô lên cả hố.
* Hố Dâu: Một vùng dâu xanh mịt, dân địa phương dùng lá nuôi tằm.
*Hố Xoài : Xoài quéo, xoài tượng nhiều đến độ mùa trái chín hương xoài bay tận làng xa.
*Hố Mây : Toàn loại mây dẻo, dùng để đương đát công cụ nhà nông.
*Hố Voi : Xưa kia ở đây có nhiều voi ở.
*Hố Cau : Cau mọc lộn xộn như rừng, hột lớn buồng sai.
*Hố Trầu : Loại trầu ở đây lá lớn hương thanh, các cụ già rất ưa chuộng gọi là trầu nguồn.
Ngoài những hang, hố ấy núi còn nhiều hố nữa như : Hố Tre, Hố Sặc … lại có cả Vườn Mít, Truông Mướp, Gò Cà …
Khách tham quan lưu tâm nhất là cà mọc đầy trên một gò rộng. Loại cà pháo trái chỉ bằng ngón tay, da trắng ngà dùng làm dưa hay bỏ mắm. Cà pháo nơi đây vị ít chua, hột nhỏ rất ngon. Khi cắn nghe tiếng lụp bụp hay hay. Lâu nay, người ta vẫn tưởng chỉ có cà pháo vùng Nghệ An mới có đặc điểm ấy như Tản Đà đã nói :“Long Xuyên chén mắm, Nghệ An dĩa cà”.
Đâu ngờ được rằng cà pháo núi Dương Sơn Quảng Ngãi chẳng thua gì hương vị cà Nghệ An từ thuở nào.
Ngày xưa, nho sĩ Cao Sung đã để lại chút tình viếng cảnh :
“Cao ngất Dương Sơn đá chất chồng
Tây đầu Vôi phục, Chuột quay đông
Hố cau vườn mít sum suê trái
Truông Mướp, Gò Cà rực rỡ bông
Hố Sặc, Mò O trời giúp sức
Hố Tre, Mây đẳng đất hùn công
Gành vườn, sân ruộng còn nguyên đó
Lánh mặt trời đâu hỡi chủ ông”
Cao Sung
Thế núi Dương Sơn hiểm trở và nằm trên trục giao thông chiến lược quân sự của những cánh quân từ các tỉnh Tây Nguyên tiến về tỉnh Quảng Ngãi, truyền rằng ngày xưa quân Tây Sơn đóng quân tại đây. Những mướp, cà, dép cá, dâu, xoài … đều do binh sĩ triều Tây Sơn trồng trọt. Thời kháng chiến chống Pháp, quân đội ta cũng thường đóng ở Dương Sơn và nhiều cuộc hội nghị tổ chức tại các dông, hố. Năm 1948, Trường Trung Học Bình Dân Nam Trung Bộ (Trường Trung học bình dân đầu tiên ở Việt Nam) ở tại xã Hành Phước bị Pháp đánh phá nên đã chọn sự hiểm khuất của núi Dương Sơn dời trường về thung lũng Suối Bùn xã Hành Tín là phía tây nam chân núi để được an toàn cho đội ngũ giáo viên và 320 học viên.
Nếu núi Dương Sơn được các cơ quan hữu trách quan tâm thì nơi đây không những trở thành một thắng cảnh lôi cuốn khách du lịch mà còn là nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho đất nước./.