VÀI NÉT VỀ MỘT TRƯỜNG TRUNG HỌC BÌNH DÂN (THBD) ĐẦU TIÊN CỦA ĐẤT NƯỚC

                                                                                                            Lê Vinh Bổn

 

Năm 1947, làm đại diện chính phủ tại Miền Nam Trung bộ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tinh nhạy thấy rõ sự cần thiết rèn luyện cho Miền Trung một đội ngũ cán bộ cốt cán vừa có đạo đức nhân phẩm vừ có trình độ trung học. Và đồng chí Phạm Văn Đồng đã sáng lập Trường Trung Học Bình Dân Miền Nam Trung Bộ (TTHBDMNTB) – một trường trung học bình dân đầu tiên trên đất nước Việt Nam. Đồng chí Phạm Văn Đồng làm hiệu trưởng danh dự, thầy Nguyễn Gia Tiên (tức thầy Tú Tiền)- một nhân sĩ trí thức tiến bộ quê ở thị trấn Chợ Chùa được mời làm Hiệu Trưởng, thầy Nguyễn Thiện Tụng (nguyên Cục phó cục Khí Tượng -Thủy Văn) làm hiệu phó.

Trong buổi lễ khai trường, đồng chí Phạm Văn Đồng đã dẫn giảng bài học “Trung với nước, hiếu với dân”. Từ bài học đầu tiên này mà mà trường đã đạt một thành tích “trồng người”, trồng nên nhiều nhân tài ở nhiều lãnh vực, mà trước hết là trồng nên những người thành nhân suốt đời tận tụy với nước với dân. Ngay từ đầu, trường THBDMNTB không rơi vào “đơn thuần học văn” mà đặt trước tiên vấn đề “đạo lý làm người”. Đây chính là lễ. Trong tình hình học đường của đất nước chúng ta hiện nay cũng như cả thế giới đang băn khoăn khiếm hảo đạo lý nhân phẩm thì bài học “Tiên học đạo lý thành nhân” này vẫn mãi là một vấn nạn cấp thiết.

Trường THBDMNTB khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 6/9/1947 tại xã Thành Phước huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi với sỉ số 300 học sinh chia làm 7 lớp. Tất cả học viên là cán bộ chủ chốt đang gánh vác trọng trách của 4 tỉnh Nam Trung Bộ. Năm 1948 có thêm 20 học viên ở các tỉnh Bình Trị Thiên vào học nữa. Trường lợp tranh vách đất nhưng khang trang xinh xắn, ẩn nấp dưới lũy tre. Ngày 14/4/1948, khoảng 16 giờ, quân Pháp nã đại bác bắn phá trường nên phải dời về Suối Bùn _ một thung lũng hẻo lánh, kín đáo thuộc xã Hành Tín – Nghĩa Hành. Năm học thứ hai dời về chợ Chùa (xã Hành Minh) mở thêm 7 lớp nữa. Chợ Chùa ngày càng trở nên thị trấn đông khách vãng lai nên cuối khóa 2 (1948-1950) trường lại phải dời lên Hành Dũng để được an toàn hơn với 12 lớp. Khóa 2 này có thêm 1 số học viên là cán bộ của các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên, Quảng Bình và Quảng Trị. Khóa cuối cùng 1949-1951, cả 3 khóa đào tạo hơn 1000 học viên. Tên trường có treo 2 chữ Bình Dân là vì học viên phần đông ở tuổi thanh niên, một số ở tuổi trung niên và một số đã thành gia thất như đ/c Hồng Châu khi vào trường đã có vợ con và là bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Vì nhiệm vụ phải xếp bút nghiên giữa khóa hoặc cuối khóa ra trường, hơn 1000  học viên của trường đã tỏa đi khắp chiến trường Tây Nguyên, Bình Trị Thiên đến Cực Nam, Đông Miên, Hạ Lào, một số đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, một sô hiện nay trở thành tướng lãnh, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ… Trong buổi họp mặt 45 năm kỷ niệm thành lập trường tại Hà Nội tháng 9- 1992, đồng chí Thanh Sơn (Trưởng ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh của trường) đã nhắc qua một số học sinh cũ đã hoặc đang giữ những chức vụ của Đảng như: Hà Đăng, Đỗ Quang Thắng, Hồng Châu, Nguyễn Văn Hà, trung tướng Tiêu Văn Mẫu… đã và đang làm bí thư, chủ tịch của tỉnh như Mai Đương, Ngô Xuân Hạ, Phan Đấu, Huỳnh Văn Cầu… Một số đang là giáo sư, tiến sĩ tại các viện, các trường đại học như Nguyễn Thị Thế Trâm (viện trưởng viện Pasteur Nha Trang), Hoàng Thị (ủy viên trưởng viện Saint Paul)… Nhiều anh chị em đang làm chuyên gia, cố vấn tại nước ngoài, và nhiều giám đốc các bệnh viện, công ty, xí nghiệp…đang tận tâm phụng sự cho công cuộc đổi mới đất nước…

Trường THBDMNTB tại đất Nghĩa Hành – Quảng Ngãi cũng là tiền thân của các trường THBD trên cả nước, và đều do đồng chí Phạm Văn Đồng sáng lập. Ngay đồng chí Võ Chí Công- Nguyên Chủ Tịch Nước cũng là cựu học sinh của trường THBD Liên Khu 5.

Trương trình học là chương trình 4 năm của của các trường trung học công lập như trường Khải Định ở Huế, trường Vinh ở Quy Nhơn – còn gọi là chương trình “Thành Chung”. Chương trình này khi áp dụng cho trường THBD được rút gọn lại còn 2 năm. Bởi vì tình hình kháng chiến quyết liệt khẩn trương nên cán bộ không thể ngồi lâu trên ghế nhà trường được, với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng, một nhóm cán bộ Sở Giáo Dục Liên Khu 5 soạn thảo chương trình rút gọn này, rồi hàng tháng, hàng năm giáo viên và học sinh đóng góp, bổ sung để bài giảng được hoàn chỉnh theo phương pháp bình dân: “Giáo dục cho mọi người”. Sách giáo khoa và sách tham khảo gần như không có gì, những bài giảng chủ yếu là do giáo viên “rút ruột tằm” ra mà soạn lấy. Thế nhưng sau 1955 tập kết ra Bắc, một số cựu giáo viên của trường về công tác tại Bộ Giáo Dục đã báo cáo kinh nghiệm dạy và học của trường THBDMNTB, Vụ Bổ Túc văn hóa đã phổ biến cho các trường bổ túc cả Miền Bắc học tập kinh nghiệm này.

Sau hai năm tốt nghiệp Trung học bình dân, học viên đã được học đầy đủ các môn cơ bản bằng văn, sử, địa, toán, lý, hóa, sinh và còn có thêm các môn triết học, chính trị, kinh tế học, bạch thoại, hội họa, âm nhạc, thể dục cũng đều là những môn chính khóa.

Giáo viên của trường hoàn toàn nam, không có nữ. Qua những người khác kể lại chúng tôi được biết một số thầy: Vương Khả Hàn, Tế Hanh (nhà thơ), Phạm Văn Diệu (học giả), Vân Đông (nhạc sĩ), Nguyễn Mạnh Hào, Trần Vạn Phiên, Nguyễn Trọng Tám, Nguyễn Văn Nhàn, Trần Văn Nhung, Võ Bảo, Lê Ngọc Cầu, Bùi Luận, Phạm Văn Đức, Phạm Ngọc Uyển, Lê Phú Lộc, Võ Thủ Tịnh… Nhiều giáo viên trẻ hơn một số học trò nhưng trò vẫn một mực chân thành kính trọng theo đúng “Bán tự vi sư” của truyền thống dân tộc.

Tuy Trường THBDMNTB chỉ tồn tại có 5 năm với 3 khóa học nhưng là một trường đã khai sinh hàng loạt trường trung học bình dân ở khắp các tỉnh khu 5, khu 4 và cũng là tiền thân cho các trường Bổ Túc Văn Hóa. Tất cả những thành tựu ấy, cho phép chúng ta nghĩ được rằng trường THBDMNTB đầu tiên trên đất nước đã mở hướng cho một đường lối bổ túc văn hóa, một loại hình dạy và học Hàm Thụ, Từ Xa cho mọi cấp, mọi lứa tuổi trong xã hội tin học. Trong cuộc cách mạng mang số hiệu Digital với “hệ thống điện toán gốc” Maingrame mà đất nước chúng ta đang đặt chân vào.

Nay, Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên tỉnh Quảng Ngãi được chọn làm đơn vị thừa kế Trường THBDMNTB, nhưng chúng ta vẫn thành tâm mong mỏi huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi nên chăng xây dựng một ngôi trường để phát huy và kỷ niệm tự trên chính vùng đất đã cưu mang Trường THBD đầu tiên của đất nước suốt mấy năm gian lao vất vả trong kháng chiến.

(Trích tạp chí giáo dục và sáng tạo – Thành Phố Hồ Chí Minh 1997)