Nhạn Môn Quan và thân phận KIỀU PHONG

                                                                                                    Lê Vinh Bổn

 

Nhạn Môn quan – nơi xảy ra bi kịch của gia đình Kiều Phong

Trong Thời Văn số 7, tôi đã được dịp trình bày cùng bạn đọc về “Tính nhân bản trong tình yêu của nhân vật Kiều Phong”. Xuyên suốt qua văn nghiệp đồ sộ của Kim Dung, bên cạnh những thiên tình ca trong sáng ngọt ngào của một hành trình tiến về một cuộc sống đạo đức, thương yêu giữa người và người.

Cuộc hành trình đó không ngắn ngủi, không dễ dàng gì giữa chốn giang hồ hiểm ác, đầy nguy nan bất trắc, có cả xương rơi thịt nát. Kim Dung biết vậy và tất cả người đọc chúng ta đều biết vậy. Ông lo âu trăn trở lắm! Đầu tiên, Kim Dung đem hết tim óc xây dựng một mẫu người: Vóc dáng hiên ngang, mặt vuông tai lớn, đôi mắt ngời sáng, quật cường mà chơn chất, hào sảng mà cẩn trọng…trí dũng song toàn. Kim Dung đã tha thiết đặt trọn niềm tin, giao cho tất cả hành trang để nhân vật của mình lên đường làm cuộc hành trình xóa bỏ biên giới Nhạn Môn Quan nhỏ hẹp để hai bên Liêu – Tống ngừng chém giết, tàn sát lẫn nhau, sống trọn tình thương yêu của con người.

Người anh hùng tuyệt vời ấy là Kiều Phong trong Lục Mạnh Thần Kiếm và thân phận của ông dính liền với quan ải này.

Nhạn Môn Quan là một khe núi sừng sững, chất ngất, nơi ngăn chia của hai miền. Phía Bắc là Đại Liêu (tên gọi khác là Khất Đan), phía Nam là Đại Tống. Trong quá khứ, những cuộc nam chinh của Liêu tiến vào đất Hán, cướp của giết người, bắt đàn bà con gái hãm hiếp. Để trả thù, Đại Tống nhiều phen xua quân qua Khất Đan tàn sát, dẫm nát cỏ cây. Cuộc chém giết hỗn man vẫn thường xuyên tái diễn. Lịch sử mỗi ngày một đậm nét, mối thù truyền kiếp lớn dần theo chiến cuộc, khắc tận xương tủy hai dân tộc Tống – Liêu.

Giả như ngày trước, Tiêu Phong không được cha mẹ bồng về thăm ngoại, không mắc kẹt trong cuộc phục kích ở Nhạn Môn Quan, thì chắc hẳn Tiêu Phong vẫn mãi mãi là một vương tử đất Liêu. Từ quan điểm, suy nghĩ, đếnhành động của Tiêu Phong sẽ không khác gì với người phương Bắc, và hẳn nhiên ông cũng sẽ bằng lòng với vị trí của một công dân Liêu quốc: Căm thù người Hán, bảo vệ quyền lợi cho chủng tộc mình.

Nhưng dòng đời không phẳng lặng như thế, mọi bi kịch có thể xảy ra cho kiếp người. Và cuộc đời đã đẩy đưa Kiều Phong đến một vai trò quá ư đặc biệt, để rồi sau đó ông phải nhận một thân phận đặc biệt, làm cho cả trăm tiệu độc giả say mê theo dõi từng giờ, từng phút trên bước hành hiệp của ông.

Quần hùng Trung Nguyên tưởng là nhóm quân sĩ Đại Liêu tấn công chùa Thiếu Lâm để đoạt kinh nên kéo nhau ra ải Nhạn Môn Quan phục kích. Vợ chồng Tiêu Viễn Sơn gặp nạn, mẹ của Tiêu Phong bị chết thảm, Tiêu Viễn Sơn (là cha của Tiêu Phong) tưởng rằng vợ con đã chết hết, nên ôm xác nhảy xuống vực sâu Nhạn Môn Quan tự sát. Trong lúc lờ lững ở lưng chừng vực, Tiêu Viễn Sơn phát hiện con mình còn sống, nên ông đã dốc toàn lực đẩy Tiêu Phong lên bờ. Nhóm quần hùng Trung Nguyên: Triệu Thiền Tôn, Uông Bang Chúa, Trí Quang Đại Sư, thủ lãnh đại ca không nỡ ra tay sát hại đứa bé có đôi mắt chứa chan quyền sống, nên đã đem về tận phía Nam giao cho vợ chồng Kiều Tam Hòe dưới chân núi Thiếu Thất nuôi dưỡng (Kiều Phong mang họ Kiều từ đó). Chùa Thiếu Lâm dạy võ công và đức hạnh, Uông Bang Chúa giáo dục cậu bé Kiều Phong nhiễm tập Hán tộc hoàn toàn. Tất cả quần chúng dấu nhẹm gốc tích của Kiều Phong. Sau nhiều lần thử thách, Kiều Phong được giao cây Đả Cẩu Bổng để trở thành Bang Chúa Cái Bang – một bang hội lớn trên đất Trung Hoa- và hẳn nhiên là một đệ nhất cao thủ võ lâm.

Từ đó, hành vi, quan niệm, cư xử của Kiều Phong thuần túy như người Hán : hạn chế trong biên giới và quan điểm dân tộc hẹp hòi, bảo vệ quyền lợi Hán tộc. Ông tuân thủ hệ thống đề cao Đại Hán, khinh khi, phỉ báng bọn man di chung quanh. Kiều Phong được nuôi dưỡng và lớn lên trong truyền thống căm thù đến tận xương tủy bọn Khất Đan ác độc, giết được càng nhiều càng tốt, và dĩ nhiên Kiều Phong hãnh diện là người Hán.

Thời gian ấy, Kiều Phong ở tận phía nam đất Trung Nguyên, xa cách biên giới quá, nên ông không thấy rõ những cuộc tương tàn đẫm máu trên hai mạn nam bắc Nhạn Môn Quan. Cho đến khi những âm mưu tranh bá đồ vương, cùng những thủ đoạn chiếm lĩnh quyền bính tái diễn và diễn ra ngay trong ngôi chùa Thiếu Lâm: Mộ Dung Bác ly gián Tống – Liêu để có cơ phục hưng đất Yên, Tiêu Viễn Sơn âm mưu thu thập tinh túy võ học Trung Hoa cho quyền lợi thắng thế của Đại Liêu. Bên ngoài quần hùng thì chấp pháp trưởng lão cái bang Bạch Thế Kính đi lại tình dục với vợ của Phó bang chúa Mã Đại Nguyên và chính Bạch Thế Kính ra tay sát hại phó bang chúa rồi kết hợp với Toàn Quang Thanh, trâng tráo vu oan cho Kiều Phong giết Mã Đại Nguyên, vì phó bang chúa là người biết rõ tung tích Kiều Phong.

Bấy giờ, vấn đề kì thị chủng tộc rất mãnh liệt, và qua lời xác nhận của Trí Quang Đại Sư: Kiều Phong là người Khất Đan. Ông bị truất ngôi bang chúa, đành phải rời bỏ đất Trung Hoa về phía bắc Nhạn Môn Quan. Ở đó, Kiều Phong thấy gì trên quan ải?

Ông nghe tiếng khóc trẻ con cùng tiếng đàn bà than oán. Nhìn kỹ, Kiều Phong thấy một toán quan binh Đại Tống lùa về đám đàn bà con gái Khất Đan. Nhiều binh lính giở trò dâm ô … trông thật, khả ố !!!

Trước cảnh tượng này, Kiều Phong hết hãnh diện là người Hán nữa. Ông đã chân thành thú nhận với A Châu trên Nhạn Môn Quan rằng ông hãnh diện làm người Liêu. Nhưng một thực trạng đau lòng khác, làm cho Kiều Phong không giữ lâu được niềm hãnh diện ấy khi ông lên Nhạn Môn Quan lần thứ hai. Cũng chính mắt Kiều Phong trông thấy binh lính Khất Đan bắt con trai, con gái người Tống, trên yên ngựa chất đầy của cải. Vẻ mặt của người Tống bị bắt hôm nay, cũng đau khổ chẳng khác gì người Liêu ngày nọ.

Trên đỉnh cao của Nhạn Môn Quan, không khí trong lành yên tĩnh, cái nhìn của Kiều Phong giống như cái nhìn của Vô Kỵ ra đời trên mảng tuyết trắng: Con người là sinh vật, không thể chà đạp hay hủy diệt. Bên này hay bên kia của Nhạn Môn Quan, đối với Kiều Phong chỉ là những người dân vô tội, thèm sống trọn vẹn với tình cha mẹ, tình vợ con, anh em làng xóm, hệ lụy với nhịp thở của đất thiêng, với tiếng xào xạc của cỏ cây lau lách, với tiếng hót của chim muông. Một góc mía, một ngọn rau cũng thành thương, dù những phút vui qua mau hay những nỗi buồn còn đọng, con người vẫn phải được quyền sống hết những gì thiên phú.

Bản chất thật thà, đôn hậu hậu và thiết tha đến tình người làm cho Kiều Phong suy nghĩ : đã là người sao còn phân chia Liêu, Tống, Nữ Chân… Bên này mắng bên kia là chó Liêu, bên kia chửi bên này là heo Tống. Sự thức ngộ ấy đã đưa Kiều Phong đến một tâm trạng khắc khoải chưa từng có.

Là một kiếm khách, từng trải giang hồ và đứng giữa sự xâu xé khốc liệt do kì thị chủng tộc, hơn ai hết Tiêu Phong thấy rất rõ cái lòng người hẹp hòi của quần hùng. Ông buồn rầu nhìn sự thụ động hoặc sự thỏa hiệp của chùa Thiếu Lâm – vốn là một võ lâm bắc đẩu. Nếu muốn tái hợp một trật tự bình yên cho hai dân tộc thì điều ấy không khó lắm. Đằng này quần chúng Cái bang truất ngôi bang chúa của Kiều Phong mà các đại sư chùa Thiếu Lâm ngồi ghế chủ tọa. Rồi quần hùng Trung Nguyên họp ở Tụ hiền trang để tru diệt một con người chỉ mắc phải mỗi một cái tội là người Liêu vậy mà chùa Thiếu Lâm vẫn sẵn sàng tham dự ! Kiều Phong không chần chừ gì nữa, ông quyết chọn cho mình một lý tưởng : Xóa hết thù hận, vượt ra ngoài quan điểm dân tộc hẹp hòi và xóa bỏ biên ải Nhạn Môn Quan để nối kết tình thương yêu giữa người với người.

Kiều Phong đã thức ngộ cho nhà sư Huyền Tịch, một vị tăng, tưởng đã xóa bỏ được bụi trần, và ông đã làm thức tỉnh một số đông kiếm khách trong cuộc tỉ đấu mất còn. Đó là lúc :

“… Huyền Tịch thấy Huyền Nạn chớp mắt nguy đến tính mạng, liền phóng một chỉ điểm ra. Kiều Phong nói ngay: Tiên Trúc thật chỉ có võ công của người Hồ, mà Đại sư đem ra đấu với Huyền pháp chính tông của Đức Thái Tổ bản triều, thì dù đại sư có thắng được tôi, há chẳng phải kẻ thông thiên bán nước làm nhục bản triều ư?”

Tất cả quần hùng có mặt hôm đó nghe Kiều Phong nói đều bàng hoàng ngơ ngẩn. Ông đã làm thức dậy một thoáng nghi ngờ cay đắng trong lòng mọi người để họ phải đặt lại vấn đề, tự chất vấn những thành kiến đố kỵ một cách phi nhân, không chịu phân định phải trái. Sau đó, Kiều Phong thức tỉnh cho nhà sư Huyền Độ:

“… Tại hạ muốn đến chùa Thiếu Lâm thăm gia phụ (Tiêu Viễn Sơn) và hỏi gia phụ: Nếu Liêu binh đến đánh chùa thì người xử trí ra sao? Huyền Độ đáp: Bần tăng nghĩ rằng cư sĩ sẽ giết địch để bảo vệ phật pháp. Tiêu Phong nói: Nhưng gia phụ là người Liêu chẳng lẽ vì người Hán mà giết người Liêu ư? Hai bên oán thù đời đời biết bao giờ hết? Huyền Độ im lặng một lúc rồi niệm phật…”

Những lời lời tâm huyết chí tình của Kiều Phong chừng mực nào cũng đã khơi dậy chút “tình người” lẩn khuất trong những kẻ mê lầm. Ông luôn luôn tra hỏi về cuộc sống, về đau khổ, về tình yêu và sự chết, có khi tự hỏi trong âm thầm nhẫn nhục và bao giờ cũng rất chân thành tha thiết. Sự tra hỏi ấy, nhắc nhở rằng ông là một CON NGƯỜI- một con người cần đến sự thanh bình hơn, dịu dàng hơn và cũng vĩnh cửu hơn. Con người có quan niệm đó, nên ông chẳng thiết gì đến ngôi Bang Chúa hay Nam Viện Đại Vương. Ngay trong lúc oai trấn giang hồ, Kiều Phong đã từng có ý định sau này cùng với A Châu ra Nhạn Môn Quan “săn chồn đuổi thỏ”. Ông đã phản kháng kịch liệt âm mưu của Mộ Dung Bác đem chiếc ghế vương quyền phú quý để kích động ông, tiếp tay phục hưng Yên quốc và cảnh cáo nhà Mộ Dung rằng, không được kiến công lập nghiệp bằng máu xương của những con người vô tội.

Hành vi, thái độ đó trong cuộc đời Kiều Phong chứng tỏ rằng ông không làm nô lệ cho tình yêu quê hương của ông. Con người ấy không thể để tình yêu quê hương đưa đến một tinh thần quốc gia khả ố và tê liệt. Theo với thời gian, tình yêu quê hương của Kiều Phong vượt ra ngoài giới hạn của nó và đạt tới cái phổ quốc. Bởi vì bấy giờ, không phải một nước Liêu hay Tống đau khổ mà cả nhân loại đau khổ, và cần được yêu thương. Ông luôn luôn ý thức về cứu cánh của đời mình và về cứu cánh của mọi mảnh đời khác. Ý thức ấy, mỗi ngày mỗi rõ rệt trong Kiều Phong rằng mọi nhân loại hợp thành nhất thể và hễ bao giờ còn có một bộ phận đau đớn thì cái nhất thể ấy còn bị đau đớn.

Bằng ý thức và lòng thương yêu con người mãnh liệt Kiều Phong đã thể hiện một hành động thật đẹp: Trao hàng vạn tân binh trong tay mình cho Hoàng Đế Đại Liêu và từ giã ngôi Nam Viện Đại Vương chứ không chịu thi hành lệnh “nam chinh”; rồi liều thân uy hiếp cả Gia Luật Hồng Cơ để bắt vị vua này thề độc là từ nay không xua binh qua Đại Tống nữa.

Sau hành động hiên ngang này Kiều Phong không còn chỗ nào để đứng. Về với Liêu quốc ư? Làm sao được vì ông đã bức bách Hoàng Đế. Qua Tống chăng? Trước sau gì ông vẫn chỉ là một gã người Liêu. Nơi trú ẩn cho tâm hồn vì tình yêu đã mất, A Châu đã chết. Con đường duy nhất nà Kiều Phong phải chọn là tự tử để vó ngựa Khất Đan không còn vượt qua quan ải. Thi thể của ông được cô em vợ đui mù là A Tử ôm nhảy xuống vực sâu Nhạn Môn Quan giữa lúc trên bầu trời có đàn chim xếp hình chữ Nhân bay từ Tống sang Liêu.

Kiều Phong đã đem cuộc đời mình đặt vào dòng sống chung của nhân loại nên ông không còn sợ chết nữa. Sự chết là niềm vui – một thứ hành vi làm cho độc giả chúng ta phải phân vân suy nghĩ…

 

(Tạp chí Thời Văn số 10 xuân Bính Tý – 1996)