Những kẻ có học bên cạnh đời KIỀU
Lê Vinh Bổn
Trong xã hội thời Lê- Mạc, Nguyễn Du đã thấy một yếu tố gây nên bao nhiêu đảo lộn khốc hại là đồng tiền. Nó đã rọi ánh sáng quái ác vào trong sinh hoạt suốt chiều dài tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh. Nếu như đồng tiền đã xô ngã trật tự trên thế giới, thì trong Truyện Kiều nó đã làm suy đồi hàng ngũ kẻ sĩ. Người ta thấy gì ở những kẻ có học, đại diện cho đạo lý thánh hiền bên cạnh đời Kiều?
Đầu tác phẩm, chúng ta gặp Vương Quan, em ruột nàng Kiều. Anh này chỉ là vai phụ, cũng là kẻ có học, được tính hiền lành và hoàn toàn thụ động gần như nhẫn tâm trước tai họa tàn khốc của gia đình, làm ngơ trong việc bán mình của người chị đáng kính yêu. Sau nhân vật ấy, ta gặp những kẻ sĩ tệ hại đến mức xót thương hơn.
Mặc dầ nhiều người đã xem Kim Trọng như một “Tình nhân lý tưởng đáng kính” nhưng xét cho cùng chàng Kim không xứng với lòng kính trọng quá độ như thế. Xuyên suốt tác phẩm, Kim Trọng chỉ là tình nhân có chút lương tâm và nhiều nhu nhược. Mới đầu thoáng thấy Kiều, chàng đã mê, rồi khi gặp là si ngay, rồi chàng tìm nhà thuê gần đó mà ở đi học. Kỳ thực, ở như vậy chỉ để từng ngày” Ghé mắt hằng trông” cô Kiều. Theo như tác phẩm, chàng Kim không phải là người học trò hiền ngoan. Lịch sử khoa cử xưa nay đâu có ai tìm đến thuê nhà ở gần người đẹp mà nấu sử sôi kinh bao giờ? Thế là Kim Trọng chỉ “Mượn điều du học” mà đi tán gái. Học hành như vậy mà Nguyễn Du cứ cho Kim Trọng thi đậu!
Sau này trở lại, biết Kiều đã bán mình trong lầu xanh, Kim Trọng lăn đùng ra “ bất tỉnh nhân sự”. Tỉnh dậy thì chàng than khóc. Cổ kim, ta chưa thấy vị tú cử nào mà khóc dai như Kim Trọng. Rồi khi hết khóc, tỉnh táo thì chàng lấy cô em Thúy Vân làm vợ. Trong những thoáng động lòng trắc ẩn, Kim trọng có nói là sẽ từ quan đi tìm Kiều. Nhưng chỉ thấy chàng nói mà không làm.
Ấy thế mà khi Kiều chết đi sống lại, về gặp Kim Trọng nài ép chuyện gối chăn, nàng khước từ vì lương tâm và lòng tự trọng, thấy mình không còn trinh bạch nhằm mục đích bảo vệ giá trị cho chàng, thì Kim Trọng lại xúm với gia đình hân hoan thái độ từ chối của nàng. Kim Trọng không thấy lòng nàng tê buốt vì tình yêu đã bấm sâu trong tâm hồn Kiều sao?
Sau Kim Trọng, ta lại gặp “ nhà nho” Thúc Sinh trong lớp áo chủ tiệm- một tay lái buôn già rơ của thời đại. Chất nho sĩ trong con người này mà ta tìm thấy là làm thơ Đường ca ngợi Kiều khi nàng cởi hết áo quần tắm rửa . Về chỗ đa cảm đa sầu chàng gần kề Kim Trọng . Cá biệt là Thúc Sinh giàu tinh thần trục lợi và nếu có khoa thi sợ vợ thì chàng sẽ chiếm giải hạng ưu. Trong những khi say sưa ân ái, có lúc chàng cũng phung phí tiền bạc để mua những trận hoan lạc ngất ngây; còn khi nói để bán buôn thì Thúc Sinh chưa hề thấp cơ. Những ngày say mê lăn lóc Thúy Kiều là vậy mà nói tới chuyện chuộc nàng ra khỏi chốn lầu xanh thì Thúc Sinh tìm cách dấu nàng trước rồi mới định giá tiền sau với trùm đĩ Tú Bà. Buôn bán tinh khôn cỡ đó thì không chỉ Tú Bà ở thế kỷ 16 thua lỗ mà ngay ở thế kỷ 20 này, trùm điếm Vi Xuân Vương thành phố Dương Châu trong Tiếu Ngạo Giang Hồ cũng phải chịu sụp tiệm.
Lúc muốn chăn chiếu với Kiều chàng ước thề thục mạng:
“Đường xa chớ ngại Ngô, Lào
Trăm điều hã cứ trông vào một ta”.
Nhưng khi đối diện với Hoạn Thư là chàng khiếp đảm trước uy thế tinh thần của vợ, rồi ra quên hết. Đến lúc chàng thấy Kiều có thể làm vợ mình tức bực thì chàng lại nói với Kiều:
“Liệu mà cao chạy xa bay
Ái ân ta coa ngần này mà thôi”.
Ngần ấy thôi, nên Thúc Sinh đã vô tình biến Kiều thành kẻ tôi đòi cho gia đình họ Hoạn rồi cũng đẩy nàng thành người trộm cắp. Bởi vì nếu Thúc Sinh còn chút ân tình xót thương nàng thì cũng bấm bụng, lén nhét vào túi Kiều ít đồng bạc để khi bị xua đuổi, nàng khỏi khải ăn cắp chuông vàng khánh bạc ra đi. Cho nên khi Thúc Sinh đã đời, mê mệt rồi và bắt đầu thấy gần “lỗ” thì chàng xô ra. Nhế nhưng Kiều vẫn thật dạ thương xót, vì nhìn lại cuộc đời yêu thương tình ái thì những ngày sống với Thúc Sinh, Thúy Kiều đã có những hân hoan phỉ nguyện, ngây ngất, nồng nàn:
“Khi gió gát khi trăng trong
Bầu tiên chuốt rượu câu thần nối thơ
Khi hương sớm khi trà trưa
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn…”
Nên sau này khi Từ Hải đưa nàng lên ngôi chúa tể thì Thúc Sinh là người đầu tiên nàng mời để ban thưởng trọng hậu:
“Gấm trăm cuốn, bạc ngàn cân”
Thúc Sinh nhận lãnh đủ dù trong lòng:
“ Mồ hôi thì đã như mưa ướt dầm…”
Những cái tệ bạc trước kia của Thúc Sinh, ít nhiều chúng ta cũng có thể cảm thông nhưng cái hình ảnh Thúc Sinh đưa tay ra nhận vàng bạc ban thưởng sao khó có thể chấp nhận quá. Bởi Thúc Sinh đâu phải kẻ nghèo túng, còn giàu có nữa cơ! Sự nhận lãnh này, Thúc Sinh đã phế hủy tình say mê của mình ngày trước và tự đào huyệt chôn sống con người tình nhân, thành một con người lái buôn hoàn toàn vì tiền! Vậy là hết mà cũng sòng phẳng rồi: Xưa, chàng bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi chốn lầu xanh, giờ nàng tặng thưởng gấp bội.
Đi thêm đoạn nữa, chúng ta gặp nho sĩ Mã Giám Sinh thảm não hơn nhiều, chuyên việc buôn người. Lần đầu gặp con người này Thúy Kiều đã lo âu than với mẹ:
“ Thân con chẳng phải mắc tay bợm già!”
Thật là một phát lộ ngoài dự liệu trong sách vở thánh hiền: Nho sĩ đã thành bợm già. Còn Sở Khanh cũng cái cách ra vô cửa Khổng sân Trình đến đỗi Kiều mới ngâm thơ thì chàng họa vần lập tức. sau này chàng còn khoe chữ trong tờ Tích Việt để hẹn Kiều đi trốn. Cũng nhờ tang vật này mà gã không dám xăn tay đánh đập Kiều giữa chốn lầu xanh hòng che tội ác của mình.
Và một ông quan cao cấp đại diện triều đình là tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến mà đã cư xử với Kiều như mộ phường hèn hạ vô lương. Sau khi phụ tín giết chồng người, đoạt vợ, gã chợt “ Nghĩ mình phương diện quốc gia” rồi gán Kiều cho gã thổ quan mà cái “Hương lửa ba sinh” Hồ Tôn Hiến xin Kiều nối giữ cho mình, đã không kéo dài quá một đêm say!
Từ một Kim Trọng đến Thúc Sinh cho chí Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến…là những người có học hành, có địa vị và cũng là tầng lớp kẻ sĩ đang độ suy tàn của xã hội. Nguyễn Du đã vượt qua cái tầng lớp nho sĩ sa đọa thời ấy. Người ta thắc mắc tại sao Nguyễn Du dã vượt thoát một cách phi thường như thế?
Một con người đa cảm như Nguyễn Du, lao đao quá sớm trong đời, tuổi mới ba mươi đầu đã bạc; gia đình tan nát, anh em chia lìa, nhà cửa quê hương không có, đói lạnh nhờ cơm áo của người, lang thang từ bến sông này đến quán nọ như kẻ lữ hành trong những đêm lạnh lẽo, lịch sử đất nước thay quyền đổi ngôi trong chớp mắt, giết chóc đốt phá diễn ra từng ngày. Nỗi thống khổ bi thiết ấy đã lấn choán con người nho sĩ chủ quan Nguyễn Du- đã trở thành những cái bất khả lượng để đưa nghệ sĩ Nguyễn Du vào chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn mình, hầu đạt đến sự “Việt tiến” vốn cần thiết cho một tác phẩm vĩ đại.
Cái khó khăn nhất và cũng là cái lớn lao nhất của thiên tài Nguyễn Du là ở sự vượt thoát ấy.
(Tạp chí Văn Nghệ Quảng Ngãi số xuân 1999- trg 127)